NHỮNG BÍ ẨN CUỘC ĐỜI – CHƯƠNG 5: QUẢ BÁO SỰ CHẾ NHẠO  

0
100

CHƯƠNG V  

QUẢ BÁO SỰ CHẾ NHẠO  

Theo giáo lý Cơ đốc, thì tính kiêu ngạo là một trong bảy điều tội lớn nhất của con  người. Cũng như những tín điều khác trong đạo Cơ đốc điều này rất lý thú, nhưng  dường như hơi cách xa những vấn đề thực tế về sự đau khổ của nhân loại. Tuy  nhiên, khi chúng ta chấp nhận những bằng chứng trong cuộc soi kiếp của ông  Edgar Cayce, thì sự kiêu ngạo có thể tạo nên nghiệp quả đau đớn xác thân, nhất là  khi nó biểu lộ bằng sự chế diễu hay sự khinh bỉ. Một cái cười độc ác hay những lời  dèm pha, chỉ trích, chê bai dường như gây ra một cái nhân tương đương với một  hành động bạo tàn, và sẽ mang đến cái quả báo dội ngược: Người chế nhạo sẽ bị một thứ bệnh tật, tai ương, đau khổ giống như của người bị y chế diễu. Những hồ sơ Edgar Cayce có ghi chép bảy trường hợp mà những bệnh tật đau khổ nặng nề có ttruy nguyên ra từ những hành động chế nhạo kể trên. Có điều hơi lạ, là sáu  trường hợp trong số đó xảy ra trước hết ở La Mã, trong thời kỳ khủng bố đạo Cơ đốc. Về điểm này một lần nữa, chúng ta lại thấy những nhóm linh hồn thuộc về một thời kỳ lịch sử, tái sinh trở lại cõi trần đồng một lượt ở một thời kỳ khác.  Trong số đó có ba trường hợp về bệnh bại liệt.

Trường hợp thứ nhất là của một người đàn bà bốn mươi lăm tuổi, có ba người con;  chồng bà ấy làm một nghề tự do. Năm ba mươi sáu tuổi bà bị bại liệt cả hai chân  và không thể đi đứng vận động gì được. Từ khi đó, bà vẫn ngồi trên một chiếc xe  lăn và phải có người đỡ mỗi khi muốn cử động. Cuộc soi kiếp cho biết nguyên  nhân bệnh trạng của bà là một tiền kiếp dưới thời Đế Quốc La Mã. Hồi đó, bà là  một người trong dòng dõi quý tộc của triều đại vua Nêron và trực tiếp tham gia  khủng bố những người theo đạo Cơ đốc. Cuộc soi kiếp nói: “Linh hồn này đã cười  khi thấy những người bị hành hình trong vũ trường, và bây giờ y phải chịu cảnh  đau khổ tương tự như của những người ấy”.

Trường hợp thứ hai, có lẽ là trường hợp đau khổ nhất trong tập hồ sơ Edgar  Cayce, là của một người đàn bà ba mươi bốn tuổi, bị bệnh bại liệt từ lúc sáu tuổi,  làm cho bà bị què chân và xiêu vẹo xương sống. Người cha chẳng những rất thản  nhiên với bệnh trạng của bà, mà còn lấy hết tiền bạc của bà dành dụm được nhờ  nuôi gà vịt kiếm lời. Số phận của bà càng hẩm hiu hơn nữa vì hai cuộc tình duyên  đau khổ. Người yêu đầu tiên bị tử trận trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Sau đó bà  đính hôn với một người đàn ông khác, nhưng người này bị đau nặng và vừa khi  khỏi bệnh xong thì liền cưới ngay cô nữ y tá đã săn sóc y trong nhà thương! Ngoài  ra những đau khổ về thể xác và tình cảm trên đây, còn thêm nào là đời sống cô độc  ở quê, và một lần té ngã trên những bậc thang bằng đá, làm cho bà phải nằm liệt  giường và bị thêm một tật khác ở xương sống: Người ta không thể tưởng một cuộc  đời đau khổ hơn nữa! Nguyên nhân của bệnh trạng này thuộc hai kiếp về trước ở thời Đế Quốc La Mã. Cuộc soi kiếp nói: “Linh hồn này thuộc về giòng dõi nhà vua Palatius, và thường đến vũ trường xem những cuộc đấu võ giữa hai tội nhân, hoặc  giữa một tội nhân với một thú dữ. Sự đau khổ hiện thời một phần lớn là vì bởi y đã  cười cợt một cách khinh bỉ trước sự yết đuối bất lực của những kẻ tù nhân bị thú  dữ xé xác trong vũ trường”.

Trường hợp thứ ba là của một nhà sản xuất phim ảnh, bị chứng liệt bại từ khi lên  mười bảy tuổi, và hiện thời hãy còn có tật ở chân. Nguyên nhân cũng là vào thời  kỳ chống đạo Cơ đốc ở thời Đế Quốc La Mã. Cuộc soi kiếp cho biết: “Linh hồn  này thuở xưa làm lính đao phủ của nhà vua, và đã cười cợt chế nhạo những kẻ tỏ dấu sợ sệt hoặc những người bị ngã quị trong vũ trường dưới ngọn đao hành tội  của y. Y đã gây ác quả không phải vì y làm phận sự của người đao phủ, mà vì y đã  khinh bỉ chế nhạo những người theo một lý tưởng tôn giáo. Trong kiếp này, một  thể xác tàn tật đem cho y cái kinh nghiệm cần thiết để làm thức động Chân Tính  và phát triển những sức mạnh tâm linh tiềm tàng của y”.

Dưới đây là bốn trường hợp lý thú mà sự chế nhạo lại bị những quả báo khác hơn  là bệnh liệt bại. Một là trường hợp của một thiếu nữ bị chứng lao xương háng.  Trong kiếp trước đây, cô có mặt trong nhóm người đầu tiên đến khai thác thuộc  địa ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, bệnh trạng của cô được truy nguyên ra ở một kiếp trước  nữa ở La Mã. Hồi đó, cô thuộc giòng dõi quý tộc dưới triều vua Nêron, và hay  mua vui bằng cách đến xem những cảnh hành tội người Cơ đốc giáo trong các vũ trường. Cảnh tượng một thiếu phụ bị móng vuốt sư tử cào rách một bên hông đã  làm cho đương sự vô cùng vui thích và cười đùa một cách khoái trá.

Đây là một trường hợp khác: Một thiếu nữ kia mới mười tám tuổi đáng lẽ ra có  một vẻ đẹp quyến rũ, nếu cô không bị phát phì. Các bác sĩ y khoa nói rằng đó là do  bộ hạch óc làm việc quá độ. Cuộc khám bệnh bằng Thần Nhãn của ông Edgar  Cayce cũng xác nhận có sự sai lệch trong sự hoạt động của hạch và phát phì của  cô ta là một chứng bệnh về nhân quả. Hai kiếp trở về trước, cô là một lực sĩ ở thành La Mã, có tiếng về khoa điền kinh và vẻ đẹp cân đối của thân hình. Nhưng y  hay chế nhạo những tay lực sĩ khác nặng cân hơn và thua kém y về sự khéo léo  lanh lẹ.

Trường hợp thứ ba là của một thanh niên hai mươi mốt tuổi, theo đạo Cơ đốc. Cha  mẹ y muốn cho y sau này trở nên một giáo sĩ; nhưng y thấy rằng nghề ấy không  đúng với sở thích của y. Y bèn từ chối không chịu nghe theo. Tật xấu lớn nhất của  y là tật đồng tình luyến ái (yêu bạn trai hay bạn gái cùng đồng một nam tính hay  nữ tính với mình). Y bèn yêu cầu ông Edgar Cayce soi kiếp, và được biết rằng  trong một tiền kiếp dưới một triều vua ở nước Pháp y là một họa sĩ chuyên môn về lối vẽ hoạt kê hài hước. Bằng một nét bút chì sắc sảo và linh động, y hay vẽ những  cảnh tượng luyến ái giữa những người đồng tính với nhau để làm trò cười cho  thiên hạ. Cuộc soi kiếp luận như sau: “Anh chớ lên án kẻ khác nếu anh không muốn bị lên án. Anh cười người khác bao nhiêu, anh sẽ phải bị người cười bấy  nhiêu, và anh lên án kẻ khác về cái tật nào, thì chính anh sẽ mắc phải cái tật đó”.

Trường hợp thứ tư là của một thiếu niên bị tai nạn xe hơi hồi mười sáu tuổi, làm  cho y bị đứt tiện ngang tủy xương sống. Các bác sĩ chuyên môn nói rằng y sẽ không thể sống được, nhưng rốt cuộc y vẫn sống xót. Y hoàn toàn bại liệt cả nửa  thân mình, từ đốt xương sống thứ năm trở xuống và kể từ khi đó y không hề rời  khỏi chiếc xe lăn. Lúc y được 33 tuổi, 17 năm sau khi tai nạn xảy ra, mẹ y yêu cầu  ông Edgar Cayce soi kiếp cho y. Cuộc soi kiếp cho biết rõ hai tiền kiếp: Một kiếp  hồi thời kỳ Cách Mạng ở Bắc Mỹ, trong khi đó y phục vụ trong quân đội và tỏ ra  là một sĩ quan ưu tú và can đảm. Do kinh nghiệm trong kiếp đó mà kiếp này y có  được những đức tính kỷ luật, trật tự, yêu đời và khả năng quyền biến. Trong kiếp  trước nữa ở La Mã vào đầu công nguyên, y đã tạo ra cái nguyên nhân của thảm  trạng hiện tại. Hồi đó y là một người lính trong đạo binh La Mã và lấy làm khoái  trá khi nhìn thấy những sự đau khổ của những người theo đạo Cơ đốc bị hành hình  ở pháp trường. Y đã từng đấu sức trong vũ trường, và về sau y nhìn xem những kẻ địch thủ của y đối chọi với các thú dữ. Y đã nhìn thấy rất nhiều cảnh tượng tàn ác,  gây sự đau khổ chết chóc, nhưng y không chút động lòng. Kết quả là trong kiếp  này y nhìn thấy sự đau khổ ở chính mình, và y cũng phải tập nhìn nó một cách  thản nhiên nhưng với một mục đích khác hẳn. Quả báo này có cái tác dụng sâu xa  là nhờ sự đau khổ, y sẽ cảm thấy rằng sự tín ngưỡng tôn giáo mà y diễu cợt nhạo  báng trước kia, nay đã đột khởi ở trong linh hồn y để bù lại những gì y đã tạo ra ở kiếp trước.

Có điều lý thú là trong những trường hợp kể trên, gồm có ba người bị liệt bại từ nhỏ, một người bị bệnh lao xương háng, một người phát phì, một người có tật  đồng tính luyến ái, một người dập tủy xương sống, tất cả là bảy người nhưng  không có trường hợp nào là bệnh di truyền. Trong mỗi trường hợp, bệnh trạng chỉ xuất hiện sau khi đương sự đã sinh ra đời, ở vào khoảng giữa năm lên một và năm  lên 36 tuổi. Trong một trường hợp, bệnh tật do tai nạn xe hơi gây nên. Dẫu rằng  thế nào, đằng sau cái nguyên nhân hiển hiện, còn ẩn khuất một nguyên nhân sâu  xa hơn. Cái định mệnh lạ lùng nó đặt để rằng trong một tai nạn xe cộ, có người  thiệt mạng, có người lại sống sót, có người bị thương tích nặng nề, có người lại  không bị một vết trầy da, thường được coi như một sự may rủi, tình cờ. Nhưng  nếu ta xét những trường hợp kể trên thì thấy rằng dường như có sự hành động của  một bàn tay vô hình, dẫu rằng trong sự hỗn loạn của một tai nạn xảy ra bất thình  lình, và như thế những quả báo xảy đến đều đúng luật công bình, không mảy may  sơ sót.

Mới nghe qua những trường hợp kể trên, người ta thấy rằng dường như những quả báo xảy đến có vẻ quá nặng nề đối với một việc không quan trọng như là một tiếng  cười, nhưng nếu chúng ta suy xét kỹ thì sẽ thấy quả có sự công bằng.

Một người đùa cợt nhạo báng trước sự đau khổ của kẻ khác tức là y kết án người này về những hoàn cảnh trái ngược của họ mà y không hề hiểu biết được cái lý do  ẩn tàng. Y khinh bỉ cái quyền tự do của người khác, dẫu cho đó là cái tự do lỗi lầm  mà mỗi người đều có thể tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình. Y chà  đạp, dày xéo cái nhân vị, cái giá trị và tính cách thiêng liêng của mỗi linh hồn, dẫu  rằng linh hồn ấy có rơi vào sự đớn hèn, sa đọa hay lố bịch chăng nữa. Ngoài ra, y  còn tự tôn và cho rằng mình cao hơn kẻ mà y chế diễu đùa cợt. Trong sự chế diễu  đùa cợt, có một hình thức tự tôn rất bỉ ổi làm cho đương sự cách biệt rất xa với  tình bác ái đại đồng giữa nhân loại và vạn vật. Những điều kể trên làm cho ta phải  nhớ đến những giáo lý răn dạy người đời, được chứa đựng trong một quyển sách  về đạo lý cổ truyền. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng thật là hữu phước thay cho  người nào thoát khỏi được cái thói xấu hay nhạo báng đùa cợt. Tác giả bộ Thánh  Thi đã tỏ ra có một bản năng sáng suốt khi người thốt ra những lời này: “Tôi sẽ thắng dây cương ở đôi môi của tôi để khỏi phải gây tội lỗi vì cái lưỡi”.

“Ngươi chớ xét đoán kẻ khác nếu ngươi không muốn bị người khác xét đoán! Vì  ngươi sẽ bị kết án cũng giống như ngươi đã kết án kẻ khác vậy”.

Đức Jesus cũng nói rằng: “Kẻ nào mắng người khác là “Đồ ngu” sẽ bị thiêu đốt  dưới ngọn lửa Địa Ngục”.

Xét về những trường hợp mà sự chế nhạo đùa cợt bị mang lấy quả báo vô cùng  thảm khốc như đã kể trên, thì lời nói của đức Jesus hẳn là có một ý nghĩa sâu xa  thâm trầm về phương diện tâm lý vậy.

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here