Chương 5 – Tâm trí cao hơn
Tâm trí cao hơn là công cụ của tinh thần và là cầu nối đến linh hồn. Nó cũng là người nhận thức và máy chiếu của thực tại. Giao diện của nó với cơ thể là bộ não, một máy tính sinh học to lớn chuyển tiếp các thông điệp tinh thần gửi đến và tiếp nhận đi từ cơ thể. Tâm trí cao hơn là nhánh chính của Sự Sáng Tạo. Hoạt động của tâm trí là suy nghĩ, điều được tâm trí tạo ra thông qua trí nhớ và óc phản ứng (bao gồm cả tiềm thức) hoặc thông qua siêu thức (khía cạnh sáng tạo). Tâm trí cao hơn hướng dẫn các khả năng tâm linh, trực giác và trí tưởng tượng, trong khi tâm trí thấp hơn (bản ngã) kiểm soát các chức năng lý trí, trí thông minh và tư duy logic. Tâm trí kết hợp cao hơn và thấp hơn của tất cả loài người được gọi là tâm trí tập thể, hoặc tâm trí loài người (hay “vô thức tập thể” như C.Jung đã gọi).
1. Các khía cạnh của Tâm trí
Tiềm thức Tập thể
Trong tâm trí loài người là tiềm thức tập thể. Tôi thích thuật ngữ này hơn là “vô thức tập thể” bởi vì hầu hết nhân loại không chỉ không nhận thức được tiềm thức, mà còn cả siêu thức. Tiềm thức và siêu thức đều nằm bên dưới bề mặt ý thức. Chúng ta đã có sự mô phỏng về một tảng băng trôi về các tầng nhận thức này.
Trong khi mỗi con người có một tiềm thức cá nhân lưu trữ tất cả các trải nghiệm trong cuộc sống, toàn bộ nhân loại có tiềm thức lưu trữ tất cả trải nghiệm của nhân loại.
Hãy tưởng tượng trong giây lát, bạn có một máy tính cá nhân với hệ thống lưu trữ đĩa CD. Thông tin trên đĩa tương tự như tiềm thức cá nhân của bạn. Dữ liệu bạn đưa ra màn hình từ đĩa đại diện cho thông tin được đưa lên ý thức từ tiềm thức.
Bây giờ, giả sử máy tính cá nhân của bạn được kết nối với hàng triệu máy tính cá nhân trên khắp thế giới (qua Internet thông qua modem hoặc thiết bị khác). Các máy tính cá nhân này được liên kết với một máy chủ hệ thống, hoặc máy tính trung ương khổng lồ, với bộ nhớ lớn hơn rất nhiều so với bộ nhớ trên ổ cứng của riêng bạn. Bởi vì đĩa của bạn và máy chủ được kết nối điện tử, tất cả thông tin trên máy chủ đều có sẵn chỉ bằng một vài nút nhấn (giả sử bạn có quyền đối với các khu vực thông tin cụ thể). Bí quyết là, bạn cần biết những nút nào để nhấn. Nếu không có kiến thức thích hợp, bạn sẽ không thể tải thông tin từ máy chủ vào máy tính cá nhân của mình. (Trong thực tế, bạn có các trình duyệt thực hiện các công việc này cho bạn.
Hồ sơ Akashic (Akashic Records)
Chúng ta có thể đẩy ý tưởng này đi xa hơn một bước và gợi ý rằng tiềm thức tập thể, như một khía cạnh của tâm trí loài người, được kết nối với một hệ thống thông tin vũ trụ, hay Tâm Thức Vũ Trụ, bao gồm toàn bộ vũ trụ và tất cả các dạng sống trong đó. Hệ thống lưu trữ gốc này được gọi là “Hồ sơ Akashic.” Akashic là một phương tiện về cơ bản ghi lại mọi xung năng lượng được tạo ra trong các dòng thời gian và chiều kích khác nhau của Sự Sáng Tạo. Điều này bao gồm những suy nghĩ, cảm giác, trải nghiệm và ấn tượng của mọi dạng sống trong vũ trụ. (Trong các cõi giới nhân quả của Trái Đất, ta có một phiên bản thu nhỏ của Akashic được gọi là Phòng Lưu Trữ (Hall of Records) – sẽ nói thêm về điều này sau.)
Tâm Thức Vũ Trụ
Hồ sơ Akashic là một phần của Trí Tuệ Vô Hạn, hay Tâm Thức Vũ Trụ, chứa tất cả kiến thức ở mọi tầng thứ và chiều kích. Đây là Tâm Trí Thượng Đế, có cả khía cạnh cá nhân và phi cá nhân. Khía cạnh phi cá nhân giống như một chiếc máy tính khổng lồ sắp đặt tất cả Sự Sáng Tạo thành các hình mẫu và bản thiết kế của nó. Nó chứa các mã và khóa DNA, cấu trúc nguyên tử, các hạt và sóng hạ nguyên tử, xác định quá trình tiến hóa và hình thức của các dạng sống sẽ được tạo ra. Chúng ta sẽ trở lại chủ đề về Hồ sơ Akashic và Tâm Tâm Thức Vũ Trụ trong các chương sau.
Máy Tính Tâm Thức Vũ Trụ
Máy Tính Tâm Thức Vũ Trụ chứa tất cả kiến thức, dữ liệu, chương trình, niềm tin và năng lượng thông minh (tinh thần) cần thiết để tạo ra bất cứ thứ gì và tât cả mọi thứ. Trong mỗi cá nhân là một dấu ấn ba chiều của toàn bộ Sự Sáng Tạo. Bản thu nhỏ riêng lẻ này của Sự sáng tạo có khả năng truy cập hoàn toàn vào mọi thứ trong Tâm Trí Thượng Đế. Tâm trí của mỗi người bao gồm các hệ thống con tiềm thức, ý thức và siêu thức. Khi chúng ta sử dụng thuật ngữ “tâm trí”, chúng ta sẽ đề cập đến cả ba khía cạnh. Tâm trí cao hơn đề cập đến siêu thức. Như bạn có thể thấy trong các hình sau, tôi đã đưa vào một số mô hình của tâm trí, bao gồm các cách lọc và xử lý thông tin khác nhau của nó.
2. Các mô hình tâm trí
Mô hình tư duy hữu ích nhất mà tôi tìm thấy là đồng hồ cát (Hình 5.1a). Các phiên bản đơn giản hơn của tâm trí được tìm thấy trong Hình 5.1b đến 5.1d). Tôi sử dụng các mô hình khác nhau vì tôi cảm thấy hữu ích khi có thể xem các ý tưởng trừu tượng từ nhiều góc độ. Trong các mô hình này, thông tin từ Máy Tính Tâm Thức Vũ Trụ đi vào siêu thức và được lọc rồi đi qua cổ đồng hồ cát (ý thức). Phần thông tin được ý thức chấp nhận được lưu trữ trong Hồ sơ Akashic dưới dạng trải nghiệm linh hồn, và phần thông tin bị ý thức từ chối hoặc phủ nhận sẽ đi vào tiềm thức dưới dạng trải nghiệm bị đàn áp hoặc kìm nén. Nếu thông tin có lợi cho sự phát triển tâm hồn, nhưng bị bỏ qua hoặc bị kìm hãm, nó sẽ đi vào tiềm thức và ảnh hưởng đến các chương trình ở đó theo cách có lợi. Tất nhiên, thông tin tiêu cực cũng ảnh hưởng đến các chương trình tiềm thức, nhưng theo cách phản tác dụng đối với sự phát triển tâm hồn.
Vì vậy, xét đến Hình 5.1a, tâm trí được chia thành ba phần: (i) tiềm thức, bao gồm trí nhớ và hệ thần kinh thực vật (phần đập trái tim của bạn và đưa oxy vào máu, v.v.), (ii) ý thức (phần bạn nhận thức trong từng khoảnh khắc) và (iii) siêu thức (tâm trí cao hơn). Một số thuộc tính phổ biến hơn của mỗi hệ thống con được trình bày chi tiết bên trong đồng hồ cát.
Xuyên suốt chương này, chúng ta sẽ khám phá nhiều khía cạnh hơn của tâm trí cao hơn, hay siêu thức.
Hình 5.1a – Biểu đồ Mô hình Đồng hồ cát Ý thức
Hình 5.1b – Mô hình Quả trứng của Tâm trí
Hình 5.1c – Mô hình tâm trí đồng hồ cát nhỏ
Hình 5.1d – Mô phỏng dải tần số tâm thức
Tất cả các kích thích bên ngoài (trải nghiệm trần thế) đi vào ba vùng tâm trí đồng thời và được lọc theo mong muốn trải nghiệm của linh hồn, sự bảo vệ của linh hồn và các chương trình đang có trong tiềm thức. Linh hồn tự rút ra những kinh nghiệm mà nó mong muốn có được dựa trên mô hình thực tại của nó. Linh hồn tự động lọc một số thông tin vào tiềm thức để tránh sự lấn át trong vùng ý thức. Nói cách khác, một số trải nghiệm có thể vượt qua vùng ý thức và đi vào tiềm thức để ý thức có thể tập trung vào điều gì đó mà linh hồn cảm thấy quan trọng hơn. Cơ chế bảo vệ của tâm trí lọc ra thông tin hoặc trải nghiệm có thể gây hại cho cơ thể vật lý hoặc cơ thể cảm xúc. Trong tâm lý học, các cơ chế này được gọi là “cơ chế đối phó”, thường cần thiết khi có mức độ sang chấn lớn. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, những trải nghiệm này vẫn phải được chữa lành. Tất nhiên, những kích thích bên ngoài có thể gây ra phản ứng được lập trình sẵn từ tiềm thức, bất kể vùng ý thức được mở rộng có lớn đến đâu. Đó là lý do tại sao việc chữa lành tiềm thức có ý nghĩa rất quan trọng.
3. Các công cụ để mở rộng tâm trí
Trước khi có thể khám phá tâm trí cao hơn, chúng ta phải có khả năng mở rộng nhận thức của mình. Do đó, tôi khuyên bạn nên thử các kỹ thuật sau để mở rộng tâm trí. Ngoài các kỹ thuật được mô tả dưới đây, còn có một số bài tập chi tiết hơn trong Phụ lục:
Thư giãn và tập trung
Tôi chắc rằng bạn có một ý tưởng khá tốt về thư giãn là gì. Ít nhất là về mặt thể chất. Nhưng về mặt tinh thần thì sao? Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể được thư giãn nhưng tâm trí thì không? Có nhiều khả năng bạn sẽ trôi đi với những suy nghĩ ngẫu nhiên, sau đó chú ý vào điều gì đó và bắt đầu đi theo hướng đó. Ngay sau đó bạn bị xâm chiếm vào một dòng suy nghĩ cụ thể và có thể là bất cứ thứ gì, ngoại trừ việc thư giãn tâm trí.
Sự thư giãn thực sự xảy ra khi tâm trí được thả trôi không mục đích mà không bị buộc phải tập trung vào bất kỳ hướng nào. Cả thư giãn và tập trung đều quan trọng, tùy thuộc vào mục tiêu của quá trình ý thức của bạn. Thông thường, mọi người tập trung vào một câu thần chú, hoặc kiểu thở, để giúp thư giãn tâm trí. Nếu bạn tập trung vào các hoạt động hoặc quá trình mở rộng tâm trí, điều này có thể giúp mở rộng nhận thức tổng thể.
Thiền
Đối với hầu hết mọi người thiền thường là một hình thức tập trung và kỷ luật tinh thần. Thiền đích thực là khi tâm trí trở nên yên ắng và tĩnh lặng. Tâm trí thiền thì tĩnh lặng, nhưng quan sát. Nó quan sát suy nghĩ nảy sinh mà không bị kiểm soát bởi các suy nghĩ đó. Làm thế nào để người ta yên lặng tâm trí? Việc ép buộc, kiểm soát hoặc chống lại các hoạt động của tâm trí chỉ làm cho nó hoạt động nhiều hơn. Bạn không thể tĩnh lặng nếu bạn đang nghĩ, “Tôi phải làm yên lặng suy nghĩ của mình.” Bạn đã bao giờ cố gắng không nghĩ đến một con voi màu hồng? Để đạt được thiền định thực sự, chúng ta phải sử dụng phương pháp quay vòng để làm tĩnh lặng tâm trí, trừ khi chúng ta đã có thể ở trong trạng thái tỉnh giác hoàn toàn trong từng khoảnh khắc, và rất ít người trong chúng ta đã đạt đến trình độ đó. Vì vậy, chúng ta phải đánh lừa tâm trí để vượt ra khỏi chính nó. Một cách để làm điều này là đặt những câu hỏi “không thể”; những câu hỏi mà trí thông minh không thể trả lời đầy đủ, chẳng hạn như “Tôi là ai?” và “Ai đang đặt câu hỏi?”
Một trong những bài tập trong phần Phụ lục có một số câu hỏi bất khả thi. Liên quan mật thiết đến điều này là những câu chuyện ngụ ngôn nghịch lý, hay “công án thiền” được sử dụng trong thực hành thiền để đánh lừa tâm trí rơi vào trạng thái im lặng.
Phương pháp thiền định tối thượng chỉ đơn giản là ý thức thuần khiết. Điều này đòi hỏi sự chú ý và kỷ luật phi thường, bao gồm cả sự thư giãn, tập trung và nhận thức không chọn lọc vào những thời điểm khác nhau. Ý thức thuần khiết thường chỉ đạt được sau nhiều năm thiền định và thực hành các bài tập tự nhận thức. Nó liên quan đến khả năng theo dõi mọi sắc thái của suy nghĩ và cảm giác khi nó xuất hiện và lĩnh hội nó một cách tổng thể. Nhà triết học phương đông vĩ đại, J. Krishnamurti, đã giảng dạy quá trình này, mặc dù chỉ có một số học trò của ông từng đạt được nó. Tuy nhiên, ý thức thuần khiết không đạt được bằng cách tuân theo bất kỳ phương pháp hay triết lý nào; nó chỉ xuất hiện bằng cách giải quyết tất cả những phiền nhiễu của tâm trí bề mặt và chấm dứt sự huyên thuyên bất tận của bản ngã. Hầu hết những suy nghĩ nảy sinh từ “công việc chưa hoàn thành,” hoặc việc xử lý tâm lý về cảm xúc và niềm tin vẫn chưa hoàn tất.
Nếu bạn theo dõi dòng nhận thức của mình, bạn sẽ thấy rằng sau những khoảng thời gian yên tĩnh ngắn ngủi, những suy nghĩ xuất hiện phổ biến nhất liên quan đến các vấn đề thể chất hoặc cảm xúc chưa được giải quyết. Có thể bạn nhớ những lời chỉ trích từ sếp của bạn vào ngày hôm trước và ước rằng bạn đã phản ứng khác đi. Hoặc, nếu bạn đang thất nghiệp, có thể bạn đã bắt đầu suy nghĩ về những bước cần làm tiếp theo để có được một công việc khác. Rồi chỉ thoáng sau, thay vì ngồi thiền, bạn thấy mình đang tưởng tượng đến tất cả các tình huống có thể xảy ra trong cuộc phỏng vấn xin việc vào ngày mai.
Để đạt được ý thức thuần khiết, bạn phải có khả năng cân bằng giữa nhận thức không chọn lọc với nhận thức có chọn lọc. Trong thế giới này (ngay cả khi bạn sống trên đỉnh núi), sẽ luôn có những hoạt động trong đời sống đòi hỏi nhận thức có chọn lọc. Chìa khóa thực sự là có khả năng bật và tắt nhận thức có chọn lọc theo ý muốn. Nếu bạn dành ra một giờ mỗi ngày để thiền định, bạn muốn dành cả giờ đó trong nhận thức không chọn lọc. Nhưng nếu bạn có những vấn đề chưa được giải quyết, rất có thể bạn sẽ dành hết một giờ đó để giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết này. Đây là điều kiện tiên quyết cần thiết và có giá trị dẫn đến ý thức thuần khiết.
Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu thiền định bằng cách chuẩn bị tâm trí để đi vào nhận thức không chọn lọc, thông qua một số bài tập tập trung có chọn lọc, chẳng hạn như theo dõi hơi thở của bạn hoặc tụng một câu thần chú. Điều này có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để làm dịu đi sự huyên thuyên không ngừng nghỉ của bản ngã.
Để đạt được ý thức thuần khiết, trước tiên bạn phải tự do thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc khi chúng nảy sinh trong khi đồng thời có thể hiểu chúng từ một không gian của nhận thức không chọn lọc. Điều này có nghĩa là nếu bạn cảm thấy bị tổn thương, bạn thể hiện nó đầy đủ ngay lập tức thay vì kìm nén nó. Điều này không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, đặc biệt là trong xã hội ngày nay. Trước đây, đời sống xuất gia thường được khuyên dành cho những thiền sinh nghiêm túc. Giảm bớt hoặc loại bỏ càng nhiều trách nhiệm trần tục càng tốt, và bạn sẽ tăng cơ hội sống trong nhận thức không chọn lọc.
Ngày nay, đời sống xuất gia là không cần thiết hoặc thậm chí không được khuyến khích đối với hầu hết mọi người. Chúng ta cần trải nghiệm cuộc sống một cách đầy đủ về tất cả các khía cạnh của nó. Ngay cả khi chỉ đạt được trạng thái nhận thức không chọn lọc năm phút mỗi ngày, chúng ta cũng đã đang trên con đường đạt được ý thức thuần khiết và sự giác ngộ.
Kỷ luật
Ý nghĩa gốc của kỷ luật là “học hỏi”. Điều này không có nghĩa là đánh gục tâm trí mỗi khi nó nghĩ về tình dục khi bạn đang cố gắng thiền định. Thay vào đó, nó có nghĩa là tìm hiểu về các mô hình tinh thần và cảm xúc của bạn, nhận thấy sự xao lãng của bạn và tạo ra một môi trường giúp bạn khám phá bản thân. Môi trường này có thể là ngồi trong tư thế kiết già 30 phút hai lần một ngày, hoặc có thể là một cách khác. Thường thì khi bạn mới bắt đầu thiền, việc tạo ra một thể thức sẽ rất hữu ích; tức là, cùng một thời điểm mỗi ngày, cùng một tư thế, v.v.
Tuy nhiên, cuối cùng bạn muốn trở nên linh hoạt hơn. Đối với tôi, thiền là kỷ luật bên trong mà rất ít liên quan đến thể thức bên ngoài. Chắc chắn sẽ dễ dàng giúp tâm trí tĩnh lặng hơn nếu bạn không phải làm hàng tá công việc lặt vặt mỗi giờ. Nhưng điều đó không phải là không thể. Thậm chí bạn có thể vừa thiền vừa trò chuyện với ai đó. Trên thực tế, sự tập trung hoàn toàn là chìa khóa chính để lắng nghe tốt. Nếu bạn lắng nghe người khác với toàn bộ sự hiện hữu của bạn, bạn nhận thấy tất cả các chi tiết của cuộc trò chuyện; cách người nói di chuyển tay, sắc diện của anh ấy, những ẩn ý đằng sau lời nói, v.v. Khi bạn nhìn thấy toàn bộ bức tranh đằng sau những gì người kia đang nói, bạn có khả năng phản hồi tốt hơn. Phản hồi từ trạng thái tĩnh lặng bên trong là một phản hồi trọn vẹn. Nếu bạn quá bận rộn để suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói tiếp theo, bạn không ở trong trạng thái nhận thức không chọn lọc.
Ngay cả khi bạn đang thảo luận về điều gì đó thực tế và mang tính kỹ thuật cao, bạn có thể đi vào và ra khỏi trạng thái thiền, tùy thuộc vào phản ứng cần thiết. Một trí tuệ được đào tạo tốt có thể thu thập các dữ kiện và số liệu rất nhanh và sau đó quay trở lại sự tĩnh lặng cho đến khi hoạt động tiếp sau được yêu cầu.
Chúng tôi thường gọi quá trình này là “cân bằng thời gian tuyến tính với thời gian phi tuyến (tức thời)”. Thời gian tuyến tính là chiều kích của trí tuệ và nhận thức có chọn lọc; thời gian phi tuyến là địa hạt của tâm trí cao hơn và nhận thức không chọn lọc.
4. Nhận thức tâm linh
Trong khi tâm linh là một tầng thứ của nhận thức, để thuận tiện, chúng ta sẽ xác định các khả năng tâm linh khác nhau như một phần của tâm trí cao hơn. Ý tưởng về tâm trí chung (tiềm thức tập thể và siêu thức tập thể) giải thích cách các khả năng ngoại cảm hoạt động. Trong Hình 5.2a, chúng ta thấy “Bánh xe cuộc sống”, một cách mô tả Tính Nhất Thể của tất cả.
Hình 5.2a – Bánh xe cuộc sống
Càng đi sâu vào Bản Thể, càng có nhiều thông tin được chia sẻ với tập thể. Trong các cõi giới tinh thần cao hơn, linh hồn có quyền truy cập vào thông tin không có sẵn đối với các giác quan vật lý.
(LƯU Ý: thuật ngữ “tâm linh” không được nhầm lẫn với “trực giác”. Tâm linh là một quá trình nhận thức về mặt tinh thần, trong khi trực giác là một quá trình hướng về cảm giác.)
Khi chúng ta xem xét chi tiết các khả năng tâm linh ở phần sau của chương này, bạn sẽ thấy chính xác cách thông tin này được truy cập và truyền đạt.
Hình 5.2b – Mạng lưới năng lượng của sự sống
Trực giác
Nhận thức tâm linh là một phẩm chất của tinh thần, hay cực nam tính của Sự Sáng Tạo. Trực giác là một phẩm chất của ý chí, hoặc cực nữ tính. Nhận thức tâm linh được nhận thức, trực giác được cảm nhận. Ba luân xa dưới được sử dụng để trực cảm; ba luân xa trên được sử dụng để nhận thức tâm linh. Luân xa thứ 4 (trái tim) được sử dụng cho cả hai. Xem Chương 10 để biết thêm thông tin về luân xa.
Người trực giác có sự hiểu biết tuyệt vời, nhưng nó không phải là sự hiểu biết bằng trí óc mà là một sự hiểu biết sâu sắc hơn. Khi được hỏi làm thế nào họ biết, họ sẽ trả lời “Đó chỉ là một linh cảm (gut feeling)”. Điều này ám chỉ đến đám rối mặt trời, hoặc luân xa thứ ba, nơi trực giác trú ngụ. Ngược lại, các khả năng tâm linh có xu hướng tương ứng với một điểm giữa hai lông mày thường được gọi là “con mắt thứ ba”. Trong khi trực giác được coi là một phẩm chất nữ tính, rõ ràng đàn ông cũng có khả năng phát triển trực giác không kém. Và chắc chắn phụ nữ có thể và thường là những nhà ngoại cảm rất giỏi.
Mô tả các khả năng tâm linh và trực giác
Phần sau mô tả chi tiết một số cách phổ biến thông tin được tiếp nhận bằng tâm linh và trực giác. Một số trong số này có thể được nhiều độc giả biết đến rồi, nhưng tôi hy vọng có thể đưa ra những nhận thức mới về những đặc tính và khả năng thuộc về tâm trí và ý chí cao hơn này.
Sự phóng chiếu tâm trí
Sự phóng chiếu tâm trí liên quan đến khả năng chiếu hình ảnh ba chiều của bản thân xuyên qua thời gian và không gian để nhận thông tin ở khoảng cách xa. Có nhiều mức độ phóng chiếu tâm trí khác nhau. Bạn có thể chỉ phóng chiếu phần hình ảnh của cơ thể tinh thần của mình để có thể nhìn thấu thị các sự kiện và tình huống xảy ra ở những nơi khác trên thế giới hoặc vũ trụ. Hoặc bạn có thể phóng chiếu một bản sao hoàn chỉnh của cơ thể vật chất của mình qua các cõi giới tinh thần và “xuất hiện” ở một vị trí khác. Việc này khác với phân thân, là việc thực sự tạo ra một cơ thể vật lý khác trong một thời gian hoặc không gian khác.
Phóng chiếu tâm trí thường được sử dụng cùng với các kỹ thuật khác, chẳng hạn như chữa bệnh bằng tâm linh. Trong Phương pháp Silva, có một hình thức trong đó những người tham gia phóng chiếu tâm trí đến một địa điểm ở khoảng cách xa và ghi nhận thấu thị các vấn đề sức khỏe ở một người mà họ chưa từng gặp. Sau đó, họ có tùy chọn để thực hiện “chữa lành từ xa”, phương pháp sẽ được đề cập tiếp theo đây.
Khi mới bắt đầu thực hiện sự phóng chiếu, bạn có thể cảm thấy mình đang tạo ra những hình ảnh xuất hiện trong tâm trí. Trong một số trường hợp, có thể đúng là như vậy. Tuy nhiên, sau một chút thực hành, bạn sẽ có thể phân biệt được sự khác biệt giữa hình ảnh bên trong và nhận thức bên ngoài. Nếu bạn không có khả năng thấu thị cao, bạn có thể chỉ đơn giản cảm nhận rằng thông tin đó có chính xác hay không bằng cảm giác bên trong cơ thể. Trong Phương pháp Silva, người “kiểm soát” (hoặc bên thứ ba) thường được sử dụng để xác minh tính chính xác; tức là, một người biết người được nhận thức. Hầu hết mọi người có thể thực hiện điều này với độ chính xác ít nhất 80% sau một thời gian đào tạo ngắn.
Chìa khóa để phóng chiếu hiệu quả là thả lỏng hoạt động Beta của não thông qua thiền định và thư giãn và chỉ cần tập trung sự chú ý của bạn vào mục tiêu được nhận thức. Có một số yếu tố kích hoạt và liên kết giúp việc này trở nên dễ dàng hơn, chẳng hạn như hình dung màn hình máy chiếu phim trong mắt bạn và đặt người hoặc vật lên đó. Sẽ dễ dàng nhận được thông tin chính xác hơn nếu bạn không biết gì một cách có ý thức về người hoặc vật được nhận thức. Có sẵn kiến thức về điều gì đó có xu hướng phân tán khả năng phóng chiếu, bởi vì hầu hết mọi người có xu hướng nghi ngờ giá trị của thông tin nếu nó không phù hợp với ký ức và kiến thức đã có của họ.
Thông thường, kiến thức có được từ bên ngoài ít chính xác hơn thông tin nhận được qua cách thức tâm linh. Thường thì thông tin tâm linh đúng ở tầng thứ sâu hơn kiến thức có được từ bên ngoài. Ví dụ, bạn có thể biết John Public như một chàng trai bình thường, tốt bụng. Tuy nhiên, khi nhìn vào anh ấy về mặt tâm linh, bạn có thể nhận ra một người giận dữ, sợ hãi. Rất có thể, một chàng trai tốt là một lớp bề ngoài của nhân cách (bản ngã) và cái tôi sâu hơn lại bị cuốn vào các vấn đề cảm xúc.
Chữa bệnh tâm linh
Thực sự có hai loại chữa lành: chữa bệnh tâm linh và chữa lành tinh thần. Chữa bệnh tâm linh liên quan đến khả năng phát hiện và sửa chữa những bất thường trong cơ thể bằng cách sử dụng năng lượng sự sống của vũ trụ, thường được gọi là “prana” (sinh lực vũ trụ). Điều này có thể liên quan đến việc đặt tay, thanh lọc hào quang, cân bằng luân xa, hành động xuất thần, hình dung hoặc khẩn cầu các thực thể thuộc chiều kích khác. Chữa bệnh tâm linh là một hình thức chuyên biệt của chữa lành tinh thần – phương thức tập trung nhiều hơn vào việc đưa linh hồn vào sự đồng bộ hoàn toàn với các bộ phận khác nhau của chính nó. Chữa bệnh tâm linh quan tâm nhiều hơn đến cơ chế chữa bệnh, trong khi chữa lành tinh thần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật và tìm cách điều chỉnh ở tất cả các tầng thứ. Chữa lành tinh thần có thể không chỉ bao gồm các kỹ thuật tâm linh được đề cập ở đây, mà còn cả tư vấn, liệu pháp thôi miên, cầu nguyện, thiền định, thở Tái sinh, Reiki, hàn gắn dòng thời gian và nhiều phương pháp khác.
Sự chữa lành tinh thần bắt đầu với tiền đề rằng một linh hồn đã hoàn thiện trong các chiều kích tinh thần và rằng thể chất, tình cảm, tinh thần và/hoặc thể tinh tế chỉ đơn giản là không phù hợp với sự hoàn thiện tinh thần đó. Nó cũng tính đến ý chí tự do của linh hồn và tìm kiếm sự cho phép trước khi thực hiện bất kỳ quy trình chữa bệnh tâm linh hoặc mang tính kỹ thuật nào. Nếu một linh hồn không đủ tiến hóa về mặt tâm linh, thì việc chữa bệnh tâm linh là một việc lãng phí thời gian. Ngay cả khi việc chữa trị chỉ có hiệu quả tạm thời, thì sớm muộn gì linh hồn cũng sẽ tái tạo vấn đề dưới một hình thức khác cho đến khi các nguyên nhân gốc rễ được chữa lành. Để biết thêm thông tin về các hình thức chữa lành cụ thể, tôi khuyên bạn nên xem phần chữa bệnh của bất kỳ hiệu sách siêu hình nào.
Chữa lành từ xa
Có thể truyền năng lượng chữa lành qua bất kỳ khoảng cách nào và thậm chí xuyên thời gian (sử dụng một quy trình gọi là “hàn gắn dòng thời gian”, được mô tả trong các ấn phẩm sau này). Tôi đã tham gia vào việc chữa lành bằng “phép màu” theo cách này mà tôi thậm chí chưa bao giờ gặp người có liên quan. Tôi chỉ đơn giản là phóng chiếu vào người đó, nhận thức vấn đề sức khỏe và bắt đầu điều chỉnh. Điều quan trọng là phải có sự cho phép của linh hồn đang được chữa lành nếu bạn muốn quá trình này hiệu quả. Một số linh hồn không muốn được chữa lành, mặc dù họ có thể bày tỏ mong muốn bên ngoài về điều đó. Khi thực hiện chữa lành từ xa, có thể đặc biệt khó khăn để biết liệu người đó đã sẵn sáng, ở cấp độ linh hồn, để được chữa lành hay không. Bạn cần tiếp xúc với bản chất bên trong của chính mình để thực sự biết liệu bạn có đang vi phạm ý chí tự do của những linh hồn khác bằng cách cố gắng chữa lành họ hay không. Về bản chất, bạn không thể thực sự vi phạm ý chí tự do của một linh hồn khác trừ khi linh hồn đó tin rằng bạn có thể. Thông thường, nếu bạn cố gắng chữa lành cho một người không sẳn sàng, thì việc chữa lành sẽ không có tác dụng.
Chữa lành là một sự kiện đa chiều kích. Con người trở nên ốm yếu khi một hoặc nhiều tầng thứ của sự hiện hữu của họ không đồng điệu với tâm hồn. Khi bạn nhận thức một vấn đề, về bản chất nó thường có nhiều tầng lớp. Bạn có thể bắt đầu với một dấu hiệu hoặc triệu chứng thực thể. Ví dụ như, nếu bạn đang chữa lành từ xa và bạn phóng chiếu tâm trí vào người đó, bạn có thể thấy ngay một khối u trong bụng của họ. Sau khi được phép tiếp tục, bạn có thể hướng năng lượng vào khu vực bị đau (có một số kỹ thuật để làm điều này) và xem khối u tan biến.
Tuy nhiên, sau đó bạn có thể liên lạc với một vấn đề cảm xúc đằng sau vấn đề thể chất. Có lẽ người đó đã rất tức giận từ lâu và đã kìm nén cơn tức giận trong bụng. Việc chữa lành sẽ tiến triển theo ý muốn, và bạn giúp người đó giải tỏa cơn giận và tìm ra nguyên nhân.
Tiếp theo, bạn có thể nhận được hình ảnh về thời thơ ấu của người đó, lúc họ bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi. Đây có thể là nguồn gốc của sự tức giận. Sau đó, bạn có thể được hướng dẫn để an ủi người đó trong khi giúp họ chữa lành những tổn thương thời thơ ấu.
Tại thời điểm này, bạn có thể tự hỏi làm thế nào tất cả điều này có thể được thực hiện ở một khoảng cách xa. Chắc chắn, tiếp xúc mặt đối mặt sẽ dễ dàng hơn khi xử lý với các tình huống trị liệu. Tuy nhiên, tất cả những gì thực sự cần thiết để chữa lành hoàn toàn là đạt được một sự chấp nhận củq linh hồn rằng việc chữa lành sẽ diễn ra. Ở cấp độ linh hồn, bạn và bệnh nhân có thể kết nối, bất kể thời gian và không gian. Bạn có thể thần giao cách cảm đề xuất các hành động cho bệnh nhân để giải quyết các tổn thương; đó có thể là năng lượng nhận được trong quá trình chữa lành đủ để kích hoạt bất kỳ sự giải phóng cảm xúc cần thiết nào. Sự kết nối linh hồn có thể giúp bạn hiểu được nguyên nhân của vấn đề, nhờ đó giải pháp đúng đắn và lâu dài có thể thực hiện.
Hầu như tất cả mọi người đều đã từng tham gia vào việc thực hành chữa lành từ xa, ít nhất là trong tiềm thức. Cầu nguyện cho ai đó trong buổi lễ nhà thờ là một hình thức chữa lành từ xa. Ngay cả việc gửi một thẻ “khỏe mạnh” cũng có thể truyền năng lượng chữa lành. Chữa lành từ xa là một chủ đề rộng và đã được viết trong các tài liệu khác, vì vậy ở đây tôi sẽ không đi sâu hơn vào vấn đề này.
Khả năng thấu thị
Khả năng thấu thị thường được sử dụng trong chữa lành từ xa. Khả năng thấu thị liên quan đến việc nhìn thấy bằng con mắt của tâm trí (con mắt thứ ba) về các sự kiện hoặc tình huống xảy ra ở một địa điểm khác. Với khả năng thấu thị phát triển cao, người ta có thể nhìn thấy chi tiết đầy màu sắc những gì đang thực sự diễn ra, mặc dù khả năng thấu thị sơ khởi chỉ thường xuất hiện dưới dạng biểu tượng. Đôi khi nhận thức biểu tượng được ưu tiên hơn, đặc biệt nếu nhà thấu thị đang làm việc với một người có thể không nắm bắt được ý nghĩa trực tiếp của một sự kiện hoặc tình huống cụ thể. Thường thì các biểu tượng và màu sắc mà các nhà thấu thị nhìn thấy không có ý nghĩa về mặt trí tuệ, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc ở một tầng thứ khác.
Một trong những thách thức chính của giao tiếp ngoại cảm là tiếp nhận những ấn tượng thường không được truyền đạt bằng lời, và phải tìm ra những từ ngữ miêu tả bản chất của những gì nhà ngoại cảm đang trải qua. Trong các bài đọc Tarot và thấu thị của tôi, tôi luôn có được một bài đọc đầy đủ, chính xác về năng lượng cho khách hàng, nhưng kỹ năng thực sự là làm sao để truyền đạt bằng lời những gì tôi nhận được theo cách mà khách hàng không chỉ có thể hiểu mà còn sử dụng để nâng cao trình độ phát triển của mình.
Khả năng thấu thị có thể dễ dàng được phát triển bằng các bài tập hình dung. Một số người dường như có khả năng thấu thị bẩm sinh; những người khác cần thực hành nhiều. Thỉnh thoảng, tôi gặp một người không bao giờ nhìn thấy năng lượng mà chỉ cảm nhận nó. Mức độ thấu thị của một người không nhất thiết phải tương ứng với mức độ tiến hóa tâm linh của họ. Nếu bạn là một trong những người dường như không thể hình dung bằng màu sắc sống động, đừng tự đánh giá bản thân một cách bất công. Kỹ năng của bạn có thể được nhấn mạnh trong các lĩnh vực khác.
Khả năng thấu thị có thể được sử dụng để nhìn thấy những năng lượng vi tế dao động quá nhanh đối với con mắt vật lý. Điều này bao gồm trường hào quang, dị thường điện từ, các vong linh, v.v. Nếu một trường năng lượng đặc biệt mạnh, nó có thể được nhìn thấy một chút dưới dạng ánh sáng nhảy múa hoặc lấp lánh hoặc “đường lưới” giống như sự giao thoa trên màn hình TV.
Khả năng thấu thính
Khả năng thấu thính là khả năng nghe (bằng tai bên trong) những âm thanh vượt quá tần số nghe bình thường. Người thấu thính có thể nghe thấy tiếng nói của các vong linh hoặc thực thể từ các chiều kích khác. Âm nhạc thường được nghe phát ra từ các cõi dĩ thái (etheric), và được gọi là “âm nhạc của thiên cầu”. Một số âm thanh được nghe thấu thính có thể bao gồm tiếng ậm ừ ở trầm thấp, tiếng kêu the thé hoặc âm thanh như dàn hợp xướng của các thiên thần. Tiếng ậm ừ trầm thấp có thể là cấu trúc nguyên tử của vũ trụ đang rung động. Người ta nói rằng rung động vũ trụ là âm thanh “OM.” Âm thanh cường độ cao có thể là tần số âm thanh thực tế nằm ngoài phạm vi nghe thấy bình thường do máy móc vật lý gây ra, dao động điện từ trong trường Trái Đất, phát ra từ trường trung tâm của các thực thể hoặc vật thể hoặc khoảng cách gần của các thực thể từ các chiều kích khác chiếm cùng không gian với người nghe.
Khả năng thấu cảm
Khả năng thấu cảm là khả năng cảm nhận được những năng lượng tinh tế. Khả năng này có thể bao gồm cảm giác bị chạm vào bởi các vong linh hoặc nó có thể là cảm giác vật lý thực tế trong cơ thể do một thứ gì đó ở một cõi hoặc chiều kích khác gây ra. Khả năng thấu cảm khác với trực giác. Trực giác là một cảm giác hoặc sự hiểu biết từ bên trong trong khi sự thấu cảm là một trải nghiệm giác quan. Cho dù một cảm giác vật lý là tưởng tượng hay thực tế, người thấu cảm sẽ cảm thấy được kết nối với một cõi rộng lớn của các cảm giác thế giới khác. Sự thể hiện thể chất ấn tượng nhất của sự thấu cảm là trải nghiệm kundalini. Một số năng lượng được cảm nhận bởi những người thấu cảm có thể đủ mạnh để truyền từ thể dĩ thái sang thể chất, tạo ra những thay đổi sinh lý thực tế trong cơ thể. Các hình thức tinh tế hơn của thấu cảm có thể bao gồm cảm giác như được các linh hồn chải đầu, hoặc cảm giác nóng hoặc lạnh trong một căn phòng có nhiệt độ bình thường.
Khả năng tiên tri
Khả năng tiên tri là khả năng nhìn thấy trước các sự kiện trong tương lai. Nó có thể liên quan đến bất kỳ sự kết hợp nào của khả năng thấu thị, thấu thính và/hoặc thấu cảm. Một ví dụ về khả năng tiên tri sử dụng cả ba khả năng này là lời tiên tri về sự diệt vong khi đối tượng đột nhiên nhìn thấy núi lửa, cảm thấy động đất và nghe thấy tiếng la hét cầu cứu.
Dường như có hai loại tiên tri. Loại đầu tiên, phổ biến nhất, liên quan đến việc nhìn thấy theo chiều kích thứ tư về các thực tại có thể xảy ra hiện đang được tạo ra bởi người hoặc nhóm đang được nhận thức, hoặc bên thứ ba hoặc nhân loại nói chung. Hầu hết các lời tiên tri đều thuộc loại này. Tiên tri có thể xảy ra trong trạng thái mơ hoặc tỉnh. Khi sự kiện tiên tri xảy ra một cách vô thức, ký ức về nó có thể được kích hoạt nếu sự kiện thực sự xảy ra. Đây được gọi là “cảm giác ngờ ngợ quen thuộc (déjà vu)”. Ví dụ, bạn có thể có một giấc mơ được giới thiệu với một người đàn ông tóc đỏ nào đó bởi một người bạn tốt. Khi thức dậy, bạn quên mất giấc mơ. Vài tuần sau, bạn của bạn giới thiệu cho bạn một người tóc đỏ mà bạn đã nhìn thấy trong giấc mơ của mình. Nếu bạn không nhớ giấc mơ, người đó có thể trông quen thuộc nhưng bạn không biết đã gặp anh ta ở đâu. Nếu chuỗi sự kiện xảy ra theo cách bạn đã thấy trong giấc mơ, bạn có thể tin rằng bạn đã từng trải qua điều này, do đó, bạn có cảm giác quen thuộc (déjà vu). (Có một loại cảm giác quen thuộc (déjà vu) khác liên quan đến sự giao nhau của các dòng thời gian khác nhau, tuy nhiên vấn đề này quá phức tạp để thảo luận ở đây.)
Một loại khả năng tiên tri khác có vẻ liên quan đến việc thấy toàn bộ dấu vết thời gian của linh hồn, trước khi linh hồn có trải nghiệm này. Khả năng tiên tri thuộc chiều kích thứ năm này xảy ra khi tất cả các khả năng trong tương lai của linh hồn đồng thời được nhìn thấy đồng thời với các kết quả cuối cùng. Điều này ẩn ý rằng một người có thể phát triển theo thời gian và trải nghiệm tương lại của mình một cách trực tiếp. Nó cũng dường như ẩn ý rằng tự do ý chí cũng dẫn đến sự tiền định. Tuy nhiên tôi tin rằng nó đơn giản là cách để xem tất cả các quyết định theo tự do ý chí của linh hồn cùng một lúc. Phân tích về tự do ý chí và tiền định sẽ được đưa ra trong các quyển sách sau.
Một người có thể nhìn xuyên qua bức màn của nhận thức để thấy được sự thật tuyệt đối vượt lên trên tất cả các thực tại liên quan hay không? Sự thật, nếu có tồn tại sẽ phải bao gồm tất cả sự thật của mọi không gian và thời gian, và vì thế việc nhận ra nó có nghĩa là có thể đồng thời lĩnh hội sự thật, hiện tại và tương lai. Từ điểm quan sát thuận lợi này, tất cả Sự Sáng Tạo đang diễn ra đồng thời, một triệu năm trở thành một cái nháy mắt, toàn bộ vũ trụ được tạo ra và phá hủy trong một phần giây.
Một linh hồn trong trạng thái nhận thức Thượng Đế trải nghiệm sự hiện hữu mọi nơi cùng một lúc; mọi thứ trong Sự Sáng Tạo là một phần của người đó. Có khả năng bạn là một linh hồn Thượng Đế đang đơn thuần tự trải nghiệm chính mình vào một thời điểm? Nói cách khác, ngay bây giờ bạn đang trải nghiệm một phiên bản của bộ phim vũ trụ thông qua đôi mắt của một thể xác, trí óc và linh hồn. Có lẽ mỗi linh hồn trong vũ trụ chỉ đơn giản là một phần khác của bạn mà bạn chưa chọn lựa để trải nghiệm cá nhân trong thời gian tuyến tính. Đừng cố hiểu điều này bằng lý trí. Đơn giản chỉ cần để nó tiêu hóa trong một thời gian. Và bây giờ, hãy trở lại cuộc thảo luận của chúng ta về các cõi tâm linh.
Thần giao cách cảm
Hãy xem các sơ đồ sau. Thần giao cách cảm là hình thức giao tiếp tự nhiên giữa những linh hồn đã thức tỉnh với những cái tôi trong chiều kích cao hơn của họ. Mọi người đều có khả năng thần giao cách cảm, nhưng rất ít người ý thức được điều đó. Thần giao cách cảm giữa hai linh hồn đòi hỏi cả hai bên phải cởi mở và dễ tiếp nhận, đồng thời cũng có thể truyền thông tin thành công. Thần giao cách cảm thường được biết đến là việc truyền đạt suy nghĩ và có thể xảy ra giữa các linh hồn ở bất cứ thời gian, không gian và chiều kích nào. Một hình thức giao tiếp thần giao cách cảm phổ biến là giữa các vong linh và con người. Khi sự tương tác xảy ra về mặt năng lượng cũng như về mặt tinh thần, nó được gọi là dẫn kênh.
Hình 5.3a- Phóng chiếu tâm trí
Người gửi nhận thức được Người nhận. Người gửi gửi suy nghĩ hoặc năng lượng đến Người nhận. Người nhận có thể không biết về Người gửi.
Hình 5.3b- Thần giao cách cảm
Người gửi/Người nhận truyền đạt thông tin cho Người nhận/Người gửi. Người nhận/Người gửi xác nhận thông tin và gửi phản hồi. Người gửi/Người nhận xác nhận phản hồi. Có khả năng thông tin bị bóp méo gấp 4 lần trong quá trình thần giao cách cảm, so với quá trình phóng chiếu tâm trí.
Hình 5.3c- Tiên tri
Người gửi nhận thức đối tượng/người trong các khung thời gian đồng thời – quá khứ, hiện tại và tương lai. Sau đó, người gửi sẽ chuyển sang phân đoạn thời gian trong tương lai hoặc phân đoạn thời gian trong quá khứ để ghi nhận thông tin.
Dẫn kênh
Có một số cấp độ dẫn kênh. Cơ bản nhất đơn giản là giao tiếp thần giao cách cảm, nơi người nhận báo cáo những gì người gửi đang nói. Khi năng lượng của người gửi được hợp nhất ở một mức độ nào đó với người nhận, người gửi “đi qua” người nhận, làm tăng thêm động lực cho quá trình truyền tin.Các linh hồn có thể hợp nhất ở các mức độ khác nhau; nếu người gửi hoàn toàn hợp nhất trường năng lượng của mình với người nhận, anh ta “tiếp quản” cơ thể của người nhận. Nếu đây là một sự hợp nhất thật sự, có hai linh hồn cùng chiếm lấy một cơ thể một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, phổ biến hơn là “sự chuyển giao”, nơi linh hồn của người nhận hoặc đi vào trường năng lượng của người gửi hoặc đi đến nơi khác trong vũ trụ trong khi người gửi giao tiếp thông qua cơ thể của người nhận.
Trong dẫn kênh xuất thần, linh hồn của người nhận thường đi đến nơi khác trong vũ trụ, thường đến cảnh giới khác để được học với người hướng dẫn và các vị thầy. Những người dẫn kênh xuất thần hoàn toàn có rất ít hoặc không có ký ức về những gì đã diễn ra trong cơ thể của họ trong khi linh hồn của họ đi đến nơi khác. Hầu hết các trường hợp chuyển giao/dời chỗ linh hồn là tạm thời và chỉ kéo dài trong suốt thời gian của một phiên dẫn kênh. Trong trường hợp hiếm hoi khi linh hồn của người nhận chọn không quay lại và linh hồn người gửi chọn ở lại trong cơ thể của người nhận, hiện tượng này được gọi là “đi vào” (walking in). Tính đến gần nhất, có khoảng 26.000 trường hợp đi vào hiện đang sống trên Trái Đất. Nhiều linh hồn tự nhận mình là người đi vào thực ra không đúng là vậy. Một sự đi vào thực sự là đặt bản thể phi vật lý (không có thân xác) vào một cơ thể mà trước đó đã bị chiếm giữ bởi một sinh thể khác.
Thực tế là hầu hết chúng ta bị phân mảnh thành nhiều khía cạnh khác nhau của ý chí và tinh thần khiến chúng ta khó có thể hoàn toàn rời khỏi cơ thể ngay lúc này để nhường chỗ cho một linh hồn khác. Nhiều khả năng hơn, đó chỉ là khía cạnh tinh thần của linh hồn chúng ta đã chọn rời đi và cho phép một khía cạnh tinh thần khác xâm nhập vào. Đây thường là một dạng phân mảnh linh hồn, thường làm giảm ý thức tổng thể. Chương 20 sẽ thảo luận sâu hơn về sự phân mảnh linh hồn.
Sự chuyển giao linh hồn cũng có thể xảy ra khi tinh thần và ý chí trái ngược nhau đến mức chúng không còn muốn chiếm giữ cùng một cơ thể cùng một lúc. Nếu không có linh hồn khác nhập vào, cơ thể vật lý sẽ chết. Nếu một linh hồn cảm thấy mình không thể tiếp tục mà sợ hãi về cái chết, linh hồn đó có thể chọn chuyển giao linh hồn.
Hình thức dẫn kênh phổ biến nhất là dẫn kênh của Cái Tôi Cao Hơn. Điều này thực sự có nghĩa là lý trí của kênh kết nối đang nghỉ ngơi và cho phép bản chất linh hồn nói trực tiếp từ siêu thức. Thông thường, kênh kết nối sẽ tuyên bố đang dẫn kênh cho một thực thể nào đó có tên cụ thể trong khi trên thực tế, đó chỉ là linh hồn của chính người đó đang nói. Điều quan trọng nhất cần nhớ về các kênh kết nối không phải là ai đang nói mà là những gì đang được nói. Thông điệp có hữu ích không? Nó có giúp bạn phát triển và tiến bộ không?
Một số kênh kết nối đang đem đến những thông tin được gọi là của “nhóm linh hồn”. Những thực thể này đôi khi là các linh hồn cấp cao hoặc nhóm linh hồn từ các chiều kích cao hơn và có cái nhìn tổng thể về những gì đang xảy ra trên Trái Đất. Họ có thể có tên riêng biệt, nhưng thường tự gọi mình là “chúng tôi”.
Khi một thực thể hoặc các thực thể nói chuyện thông qua cơ thể của linh hồn khác, thực thể hoặc các thực thể thường truy cập vào tiềm thức và hồ sơ Akashic của linh hồn đó để trả lời các câu hỏi từ quan điểm của kênh kết nối. Nhiều thực thể đã không hiện thân trong một thời gian dài và thậm chí có thể không hiểu ngôn ngữ mà kênh kết nối. Nếu không truy cập vào tiềm thức và hồ sơ Akashic của kênh kết nối, thông điệp sẽ không có ý nghĩa. Các thực thể thường mô tả bản thân bằng các thuật ngữ sẽ dễ hiểu bởi con người, nhưng đừng để bị lừa dối và tin rằng đây là cách họ nghĩ về mình. Ví dụ: các thực thể và các nhóm linh hồn có tên như ” Liên Minh Thiên Hà” và “Những Anh Em Trắng Cao Cả”, trong mọi khả năng, sẽ không sử dụng những cái tên như vậy ngoài mục đích truyền tải thông điệp của họ. Nhiều cấp độ của trí tuệ vượt xa khái niệm về tên gọi mà những cái nhãn như vậy sẽ có vẻ vô lý nếu chúng ta thực sự hiểu họ đến từ đâu.
Ngay cả khái niệm về thứ bậc/phẩm cấp tâm linh cũng cần được làm rõ. Nếu một thực thể thực sự tiến hóa lên những cảnh giới cao hơn, thực thể đó không tự xem mình là một phần của “hệ thống cấp bậc”: Ý tưởng rằng một linh hồn cao hơn một linh hồn khác trở nên vô nghĩa trong các chiều kích cao hơn. Hệ thống cấp bậc đó chỉ có ý nghĩa đối với loài người hiện nay thôi.
Rõ ràng, không phải tất cả các kênh kết nối đều hoạt động vì lợi ích của loài người. Hãy đặc biệt sáng suốt khi nghiên cứu các tài liệu được gọi là dẫn kênh. Nếu các từ ngữ nghe có vẻ đúng, nhưng cảm giác năng lượng khác lạ, hãy đặt câu hỏi về nó. Nhiều thực thể nói về tình yêu và ánh sáng, nhưng một số thực thể này đã phán xét nặng nề về mặt tối của chính họ và do đó, thông điệp của họ có vẻ trống rỗng và giả tạo. Một số khác thì đang sử dụng những lời nhạt nhẽo chỉ vì lợi ích cá nhân của họ hoặc lợi ích cá nhân của kênh kết nối.
Có rất ít kênh kết nối rõ ràng trên Trái Đất vào thời điểm này. Hầu hết các kênh kết nối, ngay cả trong trạng thái xuất thần sâu, có xu hướng trộn lẫn năng lượng và thông tin của chính họ với năng lượng và thông tin của thực thể truyền tin. Thông thường, để một kênh kết nối truyền tải được một thực thể thực sự tiến hóa cao, thì kênh đó cũng cần phải tiến hóa cao. Có nhiều kênh kết nối nổi tiếng dường như không thể duy trì tần số rung động cao của thực thể mà họ đang truyền dẫn. Thường thì các thông điệp mâu thuẫn nhau. Ngày này kênh kết nối được truyền dẫn, ngày hôm sau, kênh kết nối bị mất. Ngày này kênh có thể mang đến một góc nhìn rất khai sáng; ngày hôm sau, thông điệp có thể bị bóp méo và khó hiểu.
Thông tin bắt nguồn từ một thực thể thực sự yêu thương sẽ không cổ xúy các hành động tạo ra sự phán xét và chia rẽ. Việc chỉ ra các thực trạng và vấn đề đang xảy ra ở người nghe là một chuyện, nhưng việc truyền đạt nghe có vẻ trịch thượng và chỉ trích quá mức lại là một chuyện khác. Cẩn thận với những câu trả lời ngay lập tức cho những câu hỏi phức tạp. Cẩn thận với những lời vô thưởng vô phạt. Các phản hồi dễ dãi hoặc mơ hồ thường là cách để một kênh kết nối hoặc thực thể né tránh việc thừa nhận rằng họ không có câu trả lời thực sự cho một câu hỏi. Mặt khác, hãy cẩn thận với các thực thể quá cụ thể. Bạn có thể không muốn một số người chưa bao giờ có mặt trên Trái Đất cho bạn biết chính xác bạn nên mua bao nhiêu cổ phiếu của một công ty cụ thể nào đó. Bạn có thể biết nhiều hơn về công ty hơn là chính thực thể đó.
Cá nhân tôi không hào hứng lắm với việc dẫn kênh. Hầu hết việc dẫn kênh đến từ Cái Tôi Cao Hơn (hay bản chất linh hồn) và tôi chỉ đơn giản là hoạt động từ bản chất linh hồn của mình một cách có ý thức và giao tiếp từ trung tâm của tôi. Bởi vì dẫn kênh là một hiện tượng, dễ dàng tính tiền cho một sự kiện dẫn kênh hơn là chỉ đơn giản là ngồi trước một nhóm người và giao tiếp với họ từ Cái Tôi Cao Hơn của bạn. Thường thì, mọi người không thích chịu trách nhiệm về bản thân họ và muốn một ai đó bên ngoài chịu trách nhiệm thay cho mình, và việc dẫn kênh là một cách thuận tiện để làm điều đó và đồng thời giúp kênh kết nối kiếm được tiền.
Tôi không phán xét việc dẫn kênh; Tôi chỉ chỉ ra một số cạm bẫy của việc tin tất cả những gì bạn nghe được chỉ vì “Chúa Jesus” đã nói điều đó. Bất kể ai là người đưa ra những tuyên bố đó, hãy kiểm tra kỹ và cảm nhận nó từ trực giác của bạn.
Khả năng di chuyển/tác động lên đồ vật bằng tâm trí (Psychokinesis (PK) và Telekinesis (TK))
Khả năng tác di chuyển/tác động lên đồ vật bằng tâm trí (PK và TK) là những khả năng tâm linh tiên tiến liên quan đến việc di chuyển hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến con người hoặc vật thể thông qua việc sử dụng năng lượng hoặc suy nghĩ vi tế. Các khả năng này thực sự liên quan đến kiến thức về cách điều khiển trường điện từ xung quanh một vật thể bằng tác động vào ý thức của nó. Tất cả các vật thể đều có một mức độ ý thức nhất định. Tất cả các hình thức ban phúc bằng cách đặt tay lên đầu một người để đều liên quan đến khả năng tác động bằng tâm trí ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, nếu người đó không chấp nhận ý định của người chữa lành, hiệu quả sẽ rất thấp.
Có rất ít người trên Trái Đất có các khả năng này. Để có thể tác động trực tiếp đến đối tượng bằng tâm trí, bạn phải xây dựng mối quan hệ với đối tượng. Theo một nghĩa nào đó, bạn phải hợp nhất trường điện từ của mình với đối tượng và lưu dấu mong muốn lên đối tượng đó. Để bẻ cong được chiếc thìa, bạn phải trở thành chiếc thìa và mong muốn được uốn cong. Có một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi trong đó các năng lượng và dạng suy nghĩ cụ thể đã được gắn chặt vào một vật thể đến mức nó di chuyển khá dễ dàng. Mặc dù về mặt kỹ thuật, PK và TK là những tên gọi khác nhau cho cùng một hiện tượng, tôi sẽ phân biệt và nói rằng PK liên quan đến việc di chuyển một đối tượng ở gần bạn và TK liên quan đến việc di chuyển hoặc tác động đến một đối tượng ở khoảng cách xa. Việc chữa bệnh từ xa được mô tả trước đó sử dụng TK, bên cạnh khả năng thấu thị và phóng chiếu tâm trí.
Khả năng cảm ứng tinh thần
Khả năng cảm ứng tinh thần liên quan đến khả năng thu được thông tin về một đối tượng chỉ bằng cách cầm nó trong tay hoặc chiêm ngưỡng nó. Ví dụ, nếu bạn nắm giữ một cổ vật, bạn có thể nhìn thấu thị những hình ảnh về cách cổ vật đó được sử dụng, ai đã sử dụng nó và thậm chí cả những suy nghĩ xuất hiện ở những người đã sử dụng nó. Những gì bạn thực sự đang làm là điều chỉnh nhận thức hướng về trường Akashic xung quanh đối tượng và đọc thông tin được lưu trữ ở đó. Khả năng cảm ứng tinh thần cũng có thể được sử dụng để tìm đồ vật hoặc người bị mất tích. Bằng cách điều chỉnh nhận thức hướng về quần áo, mẫu tóc hoặc đồ vật cá nhân, có thể thu được trường Akashic của một người mất tích và nhận biết vị trí và trạng thái của người ấy. Đôi khi, tên, hoặc thường xuyên hơn là bức ảnh, của người đó được sử dụng để tạo nên dấu ấn Akashic về họ. Tôi thường xem một bức ảnh và đọc chi tiết về một người mà tôi chưa từng gặp.
Trên thực tế, có thể đọc một người nào đó mà không cần phải bám vào khả năng cảm ứng tinh thần. Bởi vì tất cả chúng ta đều được kết nối ở cấp độ tinh thần, thông tin về mọi linh hồn trong vũ trụ luôn có sẵn bất cứ lúc nào, miễn là bạn có sự cho phép của linh hồn đó. Tên, đồ vật cá nhân và hình ảnh chỉ là những yếu tố kích hoạt giúp bạn dễ dàng hơn trong việc bước vào người mà bạn muốn đọc.
Dịch chuyển tức thời
Dịch chuyển tức thời là một phương pháp di chuyển cơ thể vật lý cực kỳ tiên tiến. Về mặt kỹ thuật, nó không phải là một khả năng tâm linh bởi vì nó liên quan đến nhiều thứ khác nữa. Dịch chuyển tức thời thực sự liên quan đến việc phân rã cấu trúc nguyên tử của cơ thể vật lý ở một nơi và tập hợp lại nó ở một nơi khác. Điều này đòi hỏi sự làm chủ to lớn đối với cơ thể vật lý, cũng như tinh thần. 99% những gì đã được báo cáo là dịch chuyển tức thời thực ra là một hình thức phóng chiếu tâm trí tinh vi trong đó hình ảnh của một sinh thể được phóng chiếu ba chiều đến một địa điểm trong khi cơ thể vật lý vẫn ở một nơi khác. Để giao tiếp tâm linh diễn ra, sự phóng chiếu hình ảnh ba chiều được ưu tiên hơn, chủ yếu vì nó dễ thực hiện hơn nhiều so với việc dịch chuyển tức thời. Trong 10 triệu năm qua, có lẽ có khoảng hơn chục vị thầy tiên tiến đã thực sự dịch chuyển tức thời trên Trái Đất. Số còn lại là sự phóng chiếu ba chiều hoặc những câu chuyện không chính xác.
Phân thân
Liên quan mật thiết đến dịch chuyển tức thời là phân thân, tức khả năng tạo ra nhiều hơn một cơ thể và phóng chiếu ý thức vào đó. Điều này cũng liên quan đến nhân bản và tái tạo. Để nhân bản hoặc tái tạo một hình ảnh của cơ thể đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về cấu trúc RNA/DNA và khả năng chuyển hướng cấu trúc nguyên tử của vũ trụ để tự định hình cho cấu trúc đó. Không cần phải nói, điều này đòi hỏi một mức độ tiến hóa vượt xa trình độ của nhân loại hiện tại. Phân thân đã được thực hiện trên Trái Đất bởi ba hoặc bốn vị thầy bậc cao, những người đã đến đây từ các chiều kích cao hơn với đầy đủ kiến thức về cách tái tạo bản thân khi ở trong một cơ thể vật lý. Những sinh mệnh này từ chiều kích thứ 9 đến thứ 12, và chỉ xuất hiện trên Trái Đất trong những khoảng thời gian rất đặc biệt. Hôm nay, họ ở đây như một phần của sự sắp đặt đặc biệt dành cho nhân loại. (Tôi sẽ nói thêm về điều này trong các chương sau.)
5. Trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là khả năng tạo hình ảnh của tâm trí. Nó có hai chức năng chính: (1) nhận thức những thực tại đã tồn tại (trí tưởng tượng “tiếp thu”); và (2) tạo ra thực tại mới (trí tưởng tượng “sáng tạo”). Khả năng thấu thị là một trong những phẩm chất của chức năng đầu tiên; còn tác phẩm nghệ thuật là một ví dụ của chức năng thứ hai.
Tâm trí luôn sáng tạo. Nếu bạn có trí tưởng tượng tích cực, bạn là người sáng tạo tích cực. Điều quan trọng là làm thế nào để hướng trí tưởng tượng tích cực đó theo những cách trọn vẹn và hiệu quả.
Làm thế nào để bạn biết khi nào bạn đang tạo ra và khi nào bạn chỉ đơn giản là nhận thức các thực tại đã được tạo ra? Trừ khi bạn là một nhà tâm linh thực hành với nhiều năm kinh nghiệm, bạn có thể không thể phân biệt được. Giống như tất cả các khía cạnh của tâm trí, trí tưởng tượng có thể được thúc đẩy bởi trí thông minh cao hơn, tình yêu và sự rõ ràng; hoặc nó có thể bị điều khiển bởi nỗi sợ hãi, lo lắng, lo lắng và nghi ngờ. Khi bạn tưởng tượng ra một thảm họa, bạn đang tạo ra thực tại đó ở một mức độ nào đó. Nếu bạn cung cấp đủ sức mạnh và niềm tin cho cái thảm họa tưởng tượng đó, nó sẽ ập đến trong cuộc đời bạn. Do đó, điều này cũng đúng với những điều đáng mơ ước hơn.
Để nhận thức thấu thị những gì đã được tạo ra, bạn phải tĩnh lặng tâm trí đủ để tạm ngưng trí tưởng tượng sáng tạo của bạn để trí tưởng tượng tiếp thu của bạn có thể phát huy tác dụng. Nếu bạn đã hiểu trước những ý tưởng về điều gì đó, sẽ khó hơn nhiều để phân biệt giữa trí tưởng tượng sáng tạo và trí tưởng tượng tiếp thu. Vì vậy, các nhà tâm linh thực sự thường phải “quên” quá khứ và trở thành một màn hình trống. Các kỹ thuật thấu thị trong Phụ lục được thiết kế để giúp bạn khai thác sức mạnh của trí tưởng tượng tiếp thu của mình.
Sử dụng trí tưởng tượng
Biểu đồ sau cho thấy mỗi phần của tâm trí có một kiểu tưởng tượng riêng.
Trí tưởng tượng ở tầng thứ 3 (còn được gọi là “trí tưởng tượng tổng hợp”)
Đây là quá trình nhớ lại hình ảnh. Nó liên quan đến việc sử dụng trí nhớ hình ảnh và hình dung một cách sinh động về một người, địa điểm hoặc sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Đây là một cách chúng ta sử dụng ký ức để cung cấp thông tin cho thực tại hiện giờ của chúng ta.
Trí tưởng tượng ở tầng thứ 4 (hoặc “sự sáng tạo tự phát”)
Đây là việc tạo ra một hình ảnh hoặc bức tranh không dựa trên thực tại đã được thiết lập, hoặc dựa trên các tầng thứ tinh vi của chiều kích sáng tạo (nhận thức các cõi vía (astral), dĩ thái (etheric) hoặc nhân quả và dựa trên thông tin từ các cõi này để tạo ra thứ gì đó).
Trí tưởng tượng ở tầng thứ 5 (hoặc “ngoại cảm/thấu thị”)
Điều này liên quan đến việc sử dụng thông tin từ tiềm thức tập thể, siêu thức tập thể hoặc Tâm Thức Vũ Trụ để nhận thức những gì đang thực sự diễn ra trong một khoảng thời gian, không gian hoặc chiều kích khác.
Hình 5.4 – Ba kiểu trí tưởng tượng
Phát triển khả năng sáng tạo
Quá trình sáng tạo
Cách duy nhất để phát triển trí tưởng tượng sáng tạo là sử dụng nó. Vì vậy, tôi đã đưa vào phần Phụ lục một số bài tập về sáng tạo, bao gồm viết tự phát, quy trình 10 bước suy nghĩ sáng tạo và hình dung sáng tạo. Một khi trí tưởng tượng sáng tạo được hình thành, nó có thể được sử dụng để dễ dàng thể hiện những ước mơ và tầm nhìn của bạn vào thực tại bên ngoài của bạn. Tâm trí hoạt động cùng với tình yêu (trái tim) và ý chí (đám rối mặt trời). Dưới đây là sơ đồ của quá trình sáng tạo.
Hình 5.5. Quá trình sáng tạo
Việc tạo ra thực tại xảy ra trong một số bước. Quá trình bắt đầu với một ý tưởng hoặc suy nghĩ, thường được kích hoạt bởi trải nghiệm bên ngoài. Ý nghĩ này sau đó phải được hoạt hóa bằng cách kích hoạt cơ thể cảm xúc và thể chất.
Ví dụ: Bạn có một trải nghiệm kích thích ký ức về kem. Bạn có suy nghĩ “Tôi muốn ăn kem”. Hình ảnh tâm trí về việc bạn đang ăn kem xuất hiện. Cảm giác xảy ra trong cơ thể cùng với một mong muốn tình cảm. Sau đó, lý trí sẽ tranh luận xem bạn có nên lấy kem hay không. Nếu bạn quyết định đi lấy kem, lý trí sẽ lên kế hoạch làm thế nào để lấy kem bằng cách hướng cơ thể thực hiện một số hành động nhất định. Chúng ta có thể xem xét quá trình này từ cả góc độ bên trong và bên ngoài:
Trong Hình 5.6a, các cơ thể vi tế – vía (astral), dĩ thái (etheric) và nhân quả đã được đưa vào bên dưới tiêu đề “linh hồn”.
Trong Hình 5.6b, một hệ thống mô hình khác được sử dụng để đổi các cơ thể vía (astral)/dĩ thái (etheric) và tâm trí xung quanh.
Đừng quá gắn chặt vào một mô hình cụ thể, nhưng hãy sử dụng những mô hình hữu ích nhất để hiểu mối quan hệ giữa các tầng thứ.
Hình 5.6a – Mô hình bên trong 5D (chiều kích thứ 5)
Hình 5.6b – Mô hình bên ngoài 5D
Giới hạn đối với tiềm năng sáng tạo
Tất cả chúng ta đều sáng tạo, nhưng nhiều người trong chúng ta có những hạn chế đối với tiềm năng sáng tạo của mình. Dưới đây là danh sách các điều cản trở phổ biến nhất đối với sự sáng tạo. Bạn sẽ nhận ra một số điều này từ những phân tích trước đó:
Bảng 5.1 – Các rào cản đối với tiềm năng sáng tạo
1 | Thiếu hiểu biết về bản thân và tâm trí, cảm xúc và cơ thể |
2 | Nghe theo một cách mù quáng nhà cầm quyền thiếu hiểu biết. Tuân theo các khuôn mẫu xã hội của cha mẹ, giáo viên, lãnh đạo, v.v. |
3 | Bám vào niềm tin, truyền thống và các lập trình tâm trí cũ |
4 | Cảm giác Tội lỗi. Tin là mình xấu và đáng bị trừng phạt |
5 | Tự lên án bản thân. Không sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ của mình |
6 | Dính mắc vào cơ thể – hình dạng vật chất |
7 | Đồng nhất với bản ngã; hình ảnh bản thân; nhân cách |
8 | Niềm tin vào sự tách biệt (nói chung) |
9 | Sợ hãi bản thân. Lảng tránh và trốn tránh việc nhìn lại bản thân |
10 | Sợ mất kiểm soát |
11 | Không sống trong khoảnh khắc ở đây và bây giờ (sợ hãi về hiện tại) |
12 | Phóng chiếu. Đổ lỗi cho người khác hoặc môi trường cho sự thiếu sáng tạo của mình |
13 | Đắm chìm trong sự tủi thân. Trông chờ người khác đến giải cứu |
14 | Biến đời sống quá mức kịch tính. Làm quá mọi vấn đề. Bị cuốn vào vở kịch cuộc đời |
15 | Tin vào sự thiếu thốn, khan hiếm và hạn chế |
16 | Tin rằng mình không bao giờ có thể có đủ (tình yêu, tiền bạc, v.v.) |
17 | Tin rằng mình không xứng đáng với tình yêu, tiền bạc, vv Một hình thức của cảm giác tội lỗi |
18 | Sợ chết. Sợ sự kết thúc hoặc chia ly |
19 | Bất an. Sợ mất đi điều quen thuộc. Sợ sự mất mát |
20 | Sợ đau và sợ khổ |
21 | Sợ hãi cuộc sống |
22 | Sợ hãi những điều chưa biết |
23 | Sợ chết |
24 | Sợ bị từ chối |
25 | Sợ bị phản đối |
26 | Sợ cô đơn |
27 | Sợ trở nên dính mắc. Sợ cam kết. Sợ bị cuốn vào thế giới vật chất |
28 | Sợ không đạt được |
29 | Sợ cha mẹ không chấp thuận. Nhu cầu tìm kiếm tình yêu của cha mẹ |
30 | Sang chấn khi sinh ra. Sang chấn tuổi thơ, thời vị thành niên |
31 | Sợ Thượng Đế |
32 | Sợ hãi ma quỷ (một dạng cảm giác tội lỗi) |
33 | Tin vào việc phải vượt qua những kiếp sống nghiệp chướng (tội lỗi) |
34 | Mong muốn thoát khỏi Trái Đất để lên Thiên đường (sợ sự ràng buộc) |
35 | Sự dính mắc vào khoái cảm tình dục (đồng nhất với bản ngã/cơ thể) |
36 | Ghen tị, tức giận, đố kỵ và tham lam – tức là đòi hỏi sự an toàn |
37 | Tìm kiếm quyền lực, sự kiểm soát và sự công nhận (tin vào sự yếu kém và không xứng đáng) |
38 | Hội chứng phải làm tốt hơn bình thường (sợ bị chê trách) |
39 | Buông thả bản thân (thói quen xấu, đồ ăn rác, rượu, hút thuốc, ma túy, v.v. – một hình thức né tránh và phủ nhận) |
40 | Thói quen xấu nói chung. Các hành vi gây nghiện |
41 | Lười biếng và thờ ơ |
42 | Chán nản |
43 | Sợ thể hiện bản thân (một dạng sợ bị từ chối) |
44 | Sợ hãi những cảm xúc tiêu cực (một dạng sợ mất kiểm soát) |
Tôi chắc rằng bạn có thể thêm nhiều mục khác vào danh sách trên.
6. Quá trình thanh lọc
Sau khi đã làm bạn chán nản với tất cả những rào cản đối với sự sáng tạo, tôi muốn mô tả những gì tôi gọi là quá trình thanh lọc. Bởi vì hầu hết chúng ta đã tích lũy hàng trăm niềm tin giới hạn và đã đè nén nhiều lớp chấn thương tình cảm, nên việc thanh lọc thường là điều đầu tiên chúng ta cần làm khi chúng ta bắt đầu mở rộng ý thức hoặc mong muốn thoát khỏi giới hạn.
Nhiều người trong chúng ta đều hào hứng với việc trở thành người làm chủ cuộc đời mình, tạo ra ước muốn từ trái tim mình và trở nên hạnh phúc, không giới hạn và tự do. Sau đó, chúng ta bắt đầu trên một con đường tràn đầy kỳ vọng. “Tất cả những gì tôi phải làm là suy nghĩ tích cực, nói những lời khẳng định và nhìn và cảm nhận phần tích cực.” Sai lầm. Nếu chúng ta đã thanh lọc hết bên trong, những việc này có thể hiệu quả. Nhưng chắc chắn, việc khẳng định, suy nghĩ tích cực và yêu cầu sự tự do, giàu có sẽ mang lại cho bạn những điều này trước tiên.
Nhiều năm trước, khi bắt đầu khẳng định về hạnh phúc và tình yêu, tôi lại bắt đầu trải nghiệm điều ngược lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết mỗi khi tôi nói lời khẳng định. Mặc dù tôi chưa nhận ra điều đó vào thời điểm đó, nhưng các kỹ thuật đã có tác dụng, bởi vì tất cả vấn đề của tôi đã nổi lên để được chữa lành. Điều nguy hiểm ở đây là chúng ta đôi khi trở nên chán nản và nghĩ rằng quá trình này không có tác dụng. Chúng ta có thể thấy những thứ đó rất khó chịu đến mức quyết định không nhìn vào chúng, mà thay vào đó lại chấm dứt quá trình này luôn. Nếu ước mơ của chúng ta không thành hiện thực ngay lập tức (và thực tế là hiếm khi ước mơ có thể đến khi chúng ta có quá nhiều thứ cản trở), chúng ta có thể trở nên hoài nghi và bắt đầu tin rằng chúng ta sẽ mãi mãi mắc kẹt trong sự tiêu cực. Một khi chúng ta mất niềm tin vào các kỹ thuật, chúng sẽ không có tác dụng nữa do sức mạnh của niềm tin (niềm tin rằng chúng ta sẽ thất bại).
Rõ ràng, chúng ta phải tìm ra sự cân bằng giữa sự hoài nghi và lạc quan quá trớn; giữa việc nản lòng và lạc quan một cách phi thực tế; giữa việc tin rằng sẽ mất hàng thế kỷ để chữa lành và mù quáng mong đợi mọi thứ sẽ rơi vào lòng chúng ta mà không cần phải nhấc tay lên làm gì. Thái cực đầu tiên của những người cam chịu sự đọa đày; còn thái cực thứ hai là của những người mơ tưởng sống trong một thế giới hão huyền.
Quá trình thanh lọc lành mạnh diễn ra theo các giai đoạn có tính chu kỳ. Tôi gọi các chu kỳ là “vòng xoắn ốc đi lên”. Mỗi vòng của hình xoắn ốc bao gồm những phần sau:
- Tiếp nhận
- Mở rộng
- Củng cố
- Hợp nhất
- Tiếp nhận. Trong giai đoạn tiếp nhận, thông tin và kinh nghiệm mới đang đi vào nhận thức; những điều này có thể ở dạng những khám phá, tầm nhìn và sự dâng trào của năng lượng mới. Sự bùng nổ tăng trưởng mới này dẫn đến sự mở rộng vùng ý thức.
- Mở rộng. Đây là giai đoạn những trải nghiệm mới trở thành hiện thực đối với chúng ta. Chúng ta có kiến thức mới, hiểu biết nhiều hơn và có nhiều sức mạnh hơn đối với cuộc sống của mình. Bước 2 là đỉnh của chu kỳ. Ở đây, chúng ta có thể cảm thấy trên đỉnh thế giới, ngây ngất trong trạng thái hiện hữu mới của mình.
- Củng cố. Đây là giai đoạn các vấn đề của chúng ta xuất hiện. Giai đoạn 3 là một bước lùi; một giai đoạn mà năng lượng của chúng ta dường như giảm xuống, tất cả niềm tin và thói quen cũ của chúng ta dường như trở lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta bắt đầu nghi ngờ giá trị của trải nghiệm mới của mình. Nếu chúng ta bị kẹt lại trong giai đoạn củng cố, chúng ta có thể vỡ mộng và tin rằng sự thanh lọc là “quá tốt để trở thành hiện thực.” Điều khiến mọi người mắc kẹt trong Bước 3 là sự phán xét và chỉ trích bản thân – nói cách khác, họ không thấy rằng bước này là một phần của chu kỳ.
- Hợp nhất. Để đạt được sự hợp nhất, chúng ta phải cho phép những năng lượng mới của sự tiếp nhận (Bước 1) và sự mở rộng và tăng trưởng đạt được (Bước 2) được thực đi sâu vào trong bản thể của chúng ta. Bất cứ điều gì không phù hợp với những thực tại mới này sẽ được đẩy lên bề mặt để chữa lành trong Bước 3. Sự hợp nhất xảy ra khi chúng ta biết chấp nhận các vấn đề của mình, cho phép nó thể hiện và tiến đến hiểu về nó. Sau đó, chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về lý do tại sao chúng ta có những cảm nhận như vậy, và rồi có được những hiểu biết sâu sắc để tiến tới bước tiếp theo.
Ví dụ về chu trình 4 bước như sau: Giả sử chúng ta mong muốn có thu nhập lớn hơn khi làm những gì chúng ta thích. Bước 1 sẽ bao gồm niềm tin rằng chúng ta thực sự có thể kiếm sống bằng những gì chúng ta yêu thích. Chúng ta đều hào hứng với niềm tin này và những ý tưởng mới về cách thức để hiện thực hóa bắt đầu đổ dồn chúng ta. Chúng ta cảm thấy sảng khoái và mở rộng (Bước 2). Tuy nhiên, khi chúng ta bắt đầu làm theo những ý tưởng mới, rất nhiều vấn đề về sự không xứng đáng bắt đầu xuất hiện. Chúng ta bắt đầu nghi ngờ liệu chúng tôi có thực sự sẵn sàng để tiếp tục hay không (Bước 3). Sau đó, chúng ta xử lý các vấn đề và xem xét những vấn đề này đã khiến chúng tôi gặp khó khăn như thế nào trong quá khứ. Chúng ta bắt đầu có được cảm giác chắc chắn và vững vàng khi thanh lọc được các vấn đề cũ và thực hiện hành động (Bước 4).
Giữa các chu kỳ, trạng thái lấp lửng có thể tồn tại. Nó có vẻ như không có gì đang xảy ra hoặc mọi thứ đang không có tác dụng. Hoặc chúng ta có thể bối rối. Nếu điều này xảy ra, đã đến lúc trở nên tĩnh lặng và tiếp nhận, cho phép nguồn năng lượng mới của Bước 1 được hấp thụ một lần nữa.
Chu kỳ thanh lọc có thể thay đổi rất nhiều về thời gian. Trong thời kỳ gia tốc phát triển của hành tinh và cá nhân một cách nhanh chóng, một người có thể trải qua một số chu kỳ lớn và nhỏ trong một năm. Trong thời kỳ “suy thoái” hoặc trì trệ, một chu kỳ có thể mất nhiều năm. Kiên nhẫn chắc chắn là một đức tính cần thiết ở trong thời kỳ này.
Làm thế nào để bạn biết khi nào thì một chu kỳ hoàn thành? Làm thế nào để bạn biết khi không còn “vấn đề” nào nữa trong một lĩnh vực nhất định của cuộc sống của bạn? Khi bạn tiếp cận từng lớp sâu hơn của vấn đề, nguyên nhân sâu xa hơn theo thời gian sẽ xuất hiện. Ví dụ, nếu bạn gặp vấn đề về việc bị bỏ rơi, lần đầu tiên bạn khám phá những vấn đề này, bạn có thể nhớ mình bị bỏ lại một mình khi còn nhỏ. Lần sau, bạn có thể nhớ lại kiếp trước khi chồng hoặc vợ bạn rời bỏ bạn. Cuối cùng, bạn có thể quay trở lại thời điểm ban đầu và xem toàn bộ vấn đề từ Nguyên Nhân Gốc, nhận ra nó đã diễn ra như thế nào hết đời này đến đời khác cho đến hiện tại. Nếu bạn đã thực sự hợp nhất với vấn đề bị bỏ rơi, bạn có thể cảm thấy một sự chắc chắn mạnh mẽ sâu bên trong. Các tình huống trong tương lai khi bạn ở một mình sẽ không làm phiền bạn, và bạn sẽ không còn tạo ra tình huống bị bỏ rơi nữa.
Việc tạo ra những gì bạn muốn trong cuộc sống một cách có ý thức trở nên dễ dàng, tự nhiên và đơn giản nếu không có thêm vấn đề nào cản trở. Bạn có thể thấy phí tổn về mặt cảm xúc liên quan đến việc bạn có thành công trong việc tạo ra những gì bạn muốn hay không. Bạn có thể thích mọi thứ theo một cách nhất định, nhưng bạn không đòi hỏi phải có nó. Nếu mọi thứ không diễn ra như kế hoạch, nó không còn làm phiền bạn – bạn chỉ đơn giản nhận ra rằng mọi thứ xảy ra đúng thời điểm của nó. Và, nghịch lý thay, thái độ này lại cho phép mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn. Nó giống như việc bạn cố nắm tay lại để giữ các hạt cát – chúng sẽ rơi qua kẽ ngón tay của bạn. Bạn phải để chúng nằm nhẹ nhàng trong bàn tay mở ra của mình nếu bạn muốn giữ chúng.
7. Phát triển linh hồn có ý thức
Một khi một linh hồn đạt đến một tầng thứ nhận thức nhất định, người đó có thể bắt đầu rút ra những trải nghiệm một cách có ý thức để tối đa hóa sự phát triển. Trước thời điểm đó, linh hồn thường sẽ thu hút một bài học và bản ngã sẽ chiến đấu, chống lại hoặc phàn nàn thay vì chấp nhận bài học như một món quà. Điều này đặc biệt đúng nếu một trong những niềm tin cốt lõi của linh hồn là “không có đau đớn, không thể đạt được gì”. Chấp nhận và trân trọng những bài học trong cuộc sống một cách có ý thức là chìa khóa của sự trưởng thành nhanh chóng. Có một câu nói rằng: “Nếu bạn không thể biết ơn những gì bạn đang có, thì làm sao bạn có thể mong đợi nhận được nhiều hơn?” Cam kết thực sự cho sự phát triển sẽ mang lại những bài học rất nhanh chóng. Nếu bạn biết ơn, bạn có thể thấy những bài học thú vị và tìm kiếm chúng một cách có ý thức.
Các bài học cuộc sống không nhất thiết phải ở dạng các phản chiếu khó chịu bên ngoài. Những hoàn cảnh khó khăn và những sự kiện đại hồng thủy chỉ xảy ra nếu bạn không chịu học bài học khi nó thể hiện một cách nhẹ nhàng hơn. Quá trình thanh lọc có thể là một trải nghiệm bên trong mà không có hậu quả nghiêm trọng thể hiện ở thế giới bên ngoài. Nếu bạn chú ý đến những thông điệp mà tinh thần và ý chí trao cho bạn, nếu bạn hợp nhất vấn đề khi nó xuất hiện, và nếu bạn bày tỏ cảm xúc thật của mình mà không kìm nén hoặc phủ nhận chúng, thì không có lý do gì để phải chịu “nghiệp xấu”. Điều kiện tiêu cực xảy ra bên ngoài là kết quả của việc phủ nhận hoặc đàn áp những niềm tin tiêu cực cho đến khi không còn cách nào khác để bạn học được bài học. Điều này đặc biệt đúng với sức khỏe thể chất. Nếu bạn nhạy cảm với cơ thể và cảm xúc, bạn sẽ được hướng dẫn những việc cần làm để ngăn ngừa bệnh tật. Chỉ khi bạn liên tục phớt lờ những lời nhắn nhủ của linh hồn thì cơ thể mới biểu hiện ra thành bệnh tật.
Bằng cách sẵn sàng tìm kiếm những trải nghiệm giúp khai mở vào các vấn đề, bạn có thể tránh phải nhìn thấy những phản ánh tiêu cực. Điều này không có nghĩa là bạn trở thành một kẻ hành xác và dành toàn bộ thời gian để xử lý vấn đề. Xử lý vấn đề, giống như bất cứ điều gì khác, có thể trở thành một chứng nghiện. Nếu bạn ép bản thân phát triển nhanh hơn mức tâm hồn bạn sẵn sàng, bạn sẽ không thể tận hưởng cuộc sống hoặc thậm chí là bắt kịp nhịp thở của mình. Sau đó, bạn sẽ dành phần lớn thời gian của mình trong giai đoạn củng cố của chu kỳ, trong khi chờ đợi phần còn lại của bạn phát triển bắt kịp. Điều này cũng không có nghĩa là bạn sẽ không thấy bất kỳ tiêu cực nào trên thế giới. Sự tiêu cực sẽ vẫn ở đó cho đến khi tất cả mọi người đều được chữa lành, nhưng bạn không còn bị đồng nhất với sự tiêu cực và vì vậy bạn có thể tự do gửi tình yêu và lòng trắc ẩn đến những người đang đau khổ.
8. Trí tuệ
Trí tuệ (còn được gọi là “nhận thức có ý thức”) nhìn thấy toàn bộ, thay vì các bộ phận, của một tình huống, đặc biệt là khi nhìn vào xung đột bên trong bản thân. Khi sự bất hòa được tạo ra bằng cách yêu cầu mọi thứ “phải là” theo một cách nhất định thay vì chấp nhận “cái là”, trí tuệ hành động bằng cách nhìn thấy xung đột và kết thúc nó ngay lập tức. Sau đó, chỉ còn “cái là.” Các câu trả lời, phản ứng, sự kiện và kết luận đều là một phần của “cái là”. Chúng ta có thể không thể thay đổi sự kiện bên ngoài, nhưng chúng ta có thể thay đổi trải nghiệm của mình về các sự kiện đó. Và một khi chúng ta tạo ra những phản ứng hài hòa với sự kiện, thì việc thay đổi nó trở nên dễ dàng hơn nhiều, nếu đó là điều mà linh hồn mong muốn.
Trí tuệ sử dụng tất cả các khả năng của tâm trí, nhưng nó không bị kiểm soát bởi chúng. Nó ngay lập tức đánh giá tất cả các tiêu chí trong một tình huống nhất định, dựa trên Tâm Thức Vũ Trụ để có thông tin thích hợp và tạo ra phản ứng của riêng nó. Trí tuệ không mang tính cá nhân. Đó là một chiều kích năng lượng; một lĩnh vực của nhận thức có ý thức. Nó là một phần của chiều kích thứ năm, vượt qua thời gian và không gian.
Cái Tôi Cao Hơn, hay linh hồn của bạn, thuộc về lĩnh vực trí tuệ này một cách tự nhiên, nhưng lý trí và cơ thể cảm xúc của bạn thường không như vậy. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải đồng bộ tất cả các bộ phận của bản thể bạn để thông tin có thể trôi chảy mà không bị cản trở bởi trí tuệ cao hơn.
Trí tuệ là gì? Đó là năng lượng đã được tinh lọc của loài người. Đó là một dòng chảy ý thức vô tận có nguồn gốc từ Thượng Đế. Đó là nhận thức thuần túy, trong thời khắc hiện tại, nhưng nó bao gồm thời gian tuyến tính. Để phát triển đến trạng thái trí tuệ, bạn cần ba điều:
- Nhận thức về thời khắc hiện tại;
- Chấp nhận hiện hữu; và
- Vượt lên trên các giới hạn của “cái tôi.”
Nhận thức về thời khắc hiện tại có nghĩa là nhận thức không chọn lọc – nhận biết tất cả những điều tinh tế và chuyển động đang diễn ra. Chấp nhận sự hiện hữu bao gồm tất cả các tầng thứ và chiều kích của bản thân bạn, nhưng nó cũng có nghĩa là chấp nhận “cái là” trong mọi lĩnh vực của cuộc sống của bạn. Vượt lên trên các giới hạn của cái tôi có nghĩa là bạn mở rộng nhận thức của mình ra ngoài bản ngã cá nhân và bao gồm cả cái tôi lớn hơn, chính là sự hiện hữu ở khắp mọi nơi. Vượt lên trên các giới hạn của cái tôi cũng chính là sự vượt lên trên các giới hạn của thời gian và không gian. Bạn đã nghe thấy câu nói, “Hiện diện ở đây và bây giờ.” Thời khắc bây giờ là nơi trí tuệ cư trú, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai, là nơi bạn sẽ tìm thấy sự khôn ngoan thực sự.
Trí tuệ nằm ngoài thời gian và không gian, đây là lý do tại sao có thể nhìn thấy quá khứ hoặc tương lai và các chiều kích khác. Thời gian và không gian có kết cấu theo các lớp hoặc khung. Từ quan điểm của Cái Tôi Cao Hơn (trí tuệ), nhận thức đa chiều kích trở thành thực tại có ý thức của bạn.
Các sơ đồ sau đây cho thấy một số cách để giải thích ý tưởng về tính đa chiều kích:
Hình 5.7a – Nhận thức lịch sử
Hình 5.7b – Luân hồi
Hình 5.7c – Các khung thời gian
Ý thức tập thể
Từ góc nhìn của Cái Tôi Cao Hơn (trí tuệ), ta có thể truy cập hầu như bất kỳ thông tin nào từ bất kỳ đâu trong tiềm thức tập thể, bao gồm Hồ sơ Akashic và Tâm Thức Vũ Trụ. Điều này là do bạn có thể bước ra khỏi những hiểu biết cá nhân của mình và tiếp cận với những hiểu biết phổ quát của vũ trụ (Xem Hình 5.7a).
Xem xét lại quá trình luân hồi
Đây cũng là cách bạn có thể nhận thức về tiền kiếp. Trên thực tế, từ góc nhìn này, các đời sống không phải là quá khứ, mà là đồng thời, bởi vì bạn có thể nhìn thấy bất kỳ hoặc tất cả chúng cùng một lúc. Làm thế nào là điều này có thể như vậy?
Nếu bạn nhớ lại sự mô phỏng về bộ phim, hãy tưởng tượng rằng mỗi cuộc đời giống như một khung hình trên cuộn phim. Nếu bộ phim đại diện cho nhận thức tuyến tính di chuyển qua máy chiếu theo từng khung hình tại một thời điểm, sau đó để xem quá khứ hoặc tương lai, bạn phải có khả năng bước ra ngoài tính liên tục của phim, do đó có thể xem nhiều khung hình cùng lúc (Xem Hình 5.7b).
Nếu bạn muốn nhận thức vượt ra ngoài giới hạn của không gian và thời gian tuyến tính, bạn phải bước ra ngoài trạng thái liên tục bình thường của chiều kích thứ 4. tập trung quá nhiều vào nó (nhận thức có chọn lọc) đến mức chúng ta không nhận thức được các khung thời gian và kích thước khác. Lý do khiến cho hầu hết chúng ta không nhận thức từ một góc độ cao hơn là chúng ta đã đồng nhất mình với một khung thời gian hoặc một chiều kích và quá tập trung vào nó (nhận thức có chọn lọc) đến nỗi chúng ta không nhận thức được những khung thời gian và chiều kích khác. Trong mô hình về tiên tri (Hình 5.3c), chúng ta đã thấy làm thế nào bản thể thực sự của chúng ta tồn tại đồng thời ở nhiều tầng thứ và chiều kích, nhưng ý thức “bình thường” của chúng ta chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó.
Trong Hình 5.7c, chúng ta thấy một khái niệm khác; thời gian theo phương thẳng đứng và thời gian theo phương nằm ngang. Hãy tưởng tượng rằng thời gian được tạo thành như một chồng bánh xèo. Nếu bạn nhìn theo phương nằm ngang, bạn sẽ chỉ thấy một lớp tại một thời điểm, nhưng nếu bạn nhìn theo phương thẳng đứng, bạn có thể thấy toàn bộ chồng bánh. Chìa khóa ở đây là hoàn toàn hiện diện ở hiện tại và buông bỏ mọi suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Rốt cuộc, mọi khung thời gian và chiều kích luôn tồn tại ngay bây giờ và cách duy nhất bạn có thể biết điều này là hiện diện ở đây ngay bây giờ.
Hình 5.8 – Con người đa chiều kích
Nhận thức về thực tế
Để nhận thức từ trí tuệ, cần phải có một nhận thức rõ ràng, không bị bóp méo về những gì đang thực sự diễn ra, bên trong và bên ngoài. Để có nhận thức rõ ràng, cần phải xem xét các yếu tố hạn chế tính chính xác của nhận thức. Như chúng tôi đã nói trước đây, hãy để ý xem điều gì cản trở bạn luôn là bước đầu tiên. Có rất nhiều câu hỏi hay mà bạn có thể tự hỏi để xác định xem bạn có đang nhìn nhận một tình huống chính xác hay không. Một số ví dụ về các câu hỏi kiểu này.
- “Tôi rút ra kết luận gì từ tình huống này?”
- “Những điều gì trong nhận thức của tôi mà tôi xem là điều hiển nhiên?”
- “Khi tôi muốn nhận thức thông tin về điều gì đó mà tôi chưa từng trải qua trước đây, tôi thường làm như thế nào?
- “Tôi thực sự nhận thức được những gì người khác đang nói, hay tôi đang gán ý nghĩa của riêng mình (lên điều người khác đang nói) dựa trên kinh nghiệm của tôi trong quá khứ?”
- “Khi một người khác kể trải nghiệm với tôi, tôi có thực sự hiểu họ đang nói gì không?”
Giả sử bạn đang tham gia vào một cuộc trò chuyện với một người khác và bạn mong muốn nhận thức được điều gì thực sự xảy ra trong tình huống đó. Để nhận thức thực sự, bạn không thể dựa vào ký ức bởi vì người đó thường xuyên thay đổi, và bạn không thể trải nghiệm họ bằng trí tuệ, vì ký ức vẫn còn trong quá khứ. Bạn phải chú ý đến từng khoảnh khắc, không tham gia vào những suy nghĩ trong quá khứ. Bạn không thể nghĩ về những gì bạn sẽ nói tiếp theo. Bạn phải có một khao khát thấu hiểu người kia. Bạn cần tự hỏi bản thân, “Người ấy thực sự đang trải qua điều gì?” Ngoài việc nhận thấy sự thiếu chú ý của chính bạn, hãy để ý đến sự thiếu chú ý của người ấy. Người ấy phản ứng thế nào với cuộc trò chuyện? Người ấy đang cảm thấy gì? Tự hỏi bản thân xem liệu trải nghiệm của người ấy có khơi dậy ký ức về những trải nghiệm tương tự trong bạn hay không.
Để minh họa thêm điều này, trong Hình 5.9, tôi đã đưa ra danh sách các yếu tố gây xao nhãng và rào cản phổ biến nhất đối với việc giao tiếp hiệu quả.
Hình 5.9 – Các rào cản đối với nhận thức
1. Những yếu tố gây xao lãng từ môi trường
2. Những yếu tố gây xao lãng từ thể chất của cá nhân 3. Những yếu tố gây xao lãng do cảm xúc không liên quan 4. Các chương trình/cảm xúc cá nhân tức thời 5. Điều kiện áp đặt từ tâm trí loài người 6. Sự diễn giải về ngôn ngữ/biểu tượng 7. Các chức năng tâm trí chưa phát triển 8. Quan điểm tham chiếu mang tính cá nhân
|
- Những yếu tố gây xao lãng từ môi trường. Đó là những yếu tố gây xao lãng từ bên ngoài, chẳng hạn như tiếng ồn ngẫu nhiên, tiếng nói chuyện gần đó, máy móc, sự không chuẩn xác của các giác quan vật lý (ví dụ: phòng quá tối để có thể nhìn thấy nét mặt của người đó, v.v.)
- Những yếu tố gây xao lãng từ thể chất của cá nhân: bao gồm việc bạn có ngủ đủ giấc vào đêm trước hay không, hay bạn có cơn đau ở chân trái, ăn quá nhiều, bị viêm xoang v.v.
- Những yếu tố gây xao lãng do cảm xúc không liên quan. Đây là cách bạn cảm thấy khi tình huống đang xảy ra. Có thể bạn đang buồn vì điều gì đó đã xảy ra đêm qua và tâm trí của bạn cứ quay cuồng với nó. Có thể bạn mong muốn một kết quả cụ thể trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện.
- Các chương trình/cảm xúc cá nhân tức thời. Đây là những vấn đề và cảm xúc cá nhân của bạn được kích hoạt bởi tình huống. Chúng bao gồm những phán xét bạn có thể có về người đó, niềm tin bạn có về những điều người đó nói, phản ứng cảm xúc trong bạn được kích hoạt trong cuộc trò chuyện, v.v.
- Điều kiện áp đặt từ tâm trí loài người. Đây là tất cả những ý tưởng, khái niệm, niềm tin, mô hình và suy nghĩ mà bạn đã đưa vào tiềm thức của mình liên quan đến các mối quan hệ và tương tác với người khác. Chúng bao gồm những hiểu biết trong quá khứ về đối tượng, định kiến, thành kiến về những gì thực sự đang diễn ra bên trong người kia, v.v.
- Sự diễn giải về ngôn ngữ/biểu tượng. Điều này liên quan đến sự hiểu biết của bạn về ý nghĩa của ngôn ngữ và biểu tượng được sử dụng trong giao tiếp, cũng như khả năng giải mã đầu vào giác quan trong bộ não. Chúng tôi đã đề cập đến khái niệm này trong Chương 1 với ví dụ về các cách hiểu khác nhau của từ “kiến thức/sự hiểu biết”.
- Các chức năng tâm trí chưa phát triển. Điều này liên quan đến cách các giác quan của bạn tiếp nhận trải nghiệm của người khác. Có thể bạn có thể nghe chính xác người khác nói gì, nhưng không thể cảm nhận được năng lượng mà người ấy đang phát ra về phía bạn.
- Quan điểm tham chiếu mang tính cá nhân. Đây là nhận thức của bạn về việc là một thực thể dường như tách biệt với người kia. Nó bao gồm vị trí của bạn về thời gian và không gian so với người kia. Đó là nhận thức “Tôi ở đây đang nghe và bạn ở đó đang nói”. Vẫn có một người nhận thông tin tách biệt với người đang giao tiếp, vì vậy vẫn còn một rào cản đối với nhận thức.
- Các hạn chế về thể chất vật lý. Đây là những hạn chế vật lý thực tế xảy ra trong tình huống. Bạn có thể hoàn toàn hợp nhất về mặt ngoại cảm, trực giác và tinh thần với người kia, nhưng bởi vì bạn có một cơ thể dường như tách biệt, trải nghiệm của bạn về người khác sẽ không bao giờ giống hoàn toàn với trải nghiệm của người ấy (về chính mình).
Ý định của chúng ta ở đây là nhận thức với ý thức trọn vẹn, để biết được toàn bộ những gì đang diễn ra. Vì vậy, chúng ta đang tìm cách vượt qua tám rào cản và trải nghiệm sự hòa hợp thực sự với đồng loại của mình. Sự kết nối giữa linh hồn với linh hồn này chỉ có thể diễn ra khi mọi vấn đề giữa hai người được giải quyết.
Tôi có thể viết cả một cuốn sách chỉ về giao tiếp giữa các cá nhân, nhưng tôi sẽ để bạn tự khám phá chủ đề một cách đầy đủ hơn.
Trí tuệ vũ trụ
Tóm lại, chương này không chỉ xét đến tầng thứ tâm trí của ý thức mà còn cả khả năng tâm linh, sự sáng tạo, trí tuệ và khả năng nhận thức có ý thức. Mặc dù trí tuệ cao hơn là một tầng thứ nhận thức rất cao, vẫn có ý thức về tính cá nhân; người nhận thức tách biệt khỏi điều được nhận thức. Mức độ nhận thức cao nhất là trí tuệ vũ trụ, còn được gọi là “ý thức vũ trụ” hoặc “Tính nhất thể với Thượng Đế”. Nhưng trước khi nhìn vào Tính Nhất Thể, có một tầng thứ khác, cực kỳ quan trọng giữa trí tuệ cá nhân và trí tuệ vũ trụ.
Bạn không thể nào vượt lên trên tầng thứ tâm trí của ý thức nếu bạn vẫn còn giữ nhận thức về một cái tôi tách biệt. Vì một thành phần quan trọng vẫn còn thiếu: Tình yêu.
***
Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG (Trọn bộ)
- Download ebook sách Cuộc sống trong thời đại vàng – tác giả: SAL RACHALE – file pdf
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Kết luận (Kết thúc)
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 21: Kế hoạch chi tiết cho thế kỷ 21
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 20: Xây dựng cơ thể ánh sáng tinh thể của bạn
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 19: Các vị thần phủ nhận
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 18: Những thay đổi của Trái Đất
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 17: Tội lỗi
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 16: Vở kịch của tính nhị nguyên
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 15: Trật tự thế giới mới
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 14: Các loại sinh mệnh ngoài hành tinh liên kết với Trái Đất
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 13: Lịch sử thực sự của Trái Đất
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Phần II – Thời đại vàng – Chương 12: Câu chuyện về Sự Sáng Tạo
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 11: Các mô hình thực tại: Kết hợp tất cả lại với nhau
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 10: Chiều kích
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 9: Mật độ
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 8: Thiền định, sự vĩnh cửu và Ý thức Vũ trụ
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 7: Linh hồn và Linh hồn cấp cao
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 6: Tình yêu
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 5: Tâm trí cao hơn
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 4: Bản ngã
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 3: Cơ thể cảm xúc
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 2: Cơ thể vật lý
- CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 1: Thực tại là gì?