CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 1: Thực tại là gì?

0
420

Chương 1 – Thực tại là gì?

1.Thực tại và Sự thật

 

Sự thật khác với với thực tại. Thực tại phụ thuộc vào người tiếp nhận, trong khi sự thật là những gì thực sự thuộc về một thực tại nhất định. Một cách khác để nói điều này là thực tại có thể có nhiều tầng thứ và chiều kích của trải nghiệm, trong khi sự thật bao hàm tất cả các tầng thứ và các chiều kích một cách đồng thời. Thực tại thì được tiếp nhận, trong khi sự thật thì được biết.

 

Thực tại bên ngoài

 

Thực tại bên ngoài, hay thực tại “khách quan”, thường được cho là thực tại được tiếp nhận thông qua các giác quan của cơ thể. Định nghĩa của tôi về thực tại bên ngoài sẽ rộng hơn một chút vì tôi biết rằng chúng ta có nhiều giác quan hơn năm giác quan cơ bản. Ngoài ra, chúng ta có các thiết bị khoa học có khả năng đo lường các khía cạnh của vũ trụ mà các giác quan của chúng ta không thể ghi nhận được. Chúng ta biết về các nguyên tử, phân tử, tế bào, v.v., mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường.

 

Chúng ta cũng nghe về vũ trụ “tinh thần” rộng lớn hơn, tồn tại bên ngoài vũ trụ vật chất. Một định nghĩa về “tinh thần” là “điều tồn tại trong vô hình.” Cả khoa học và tôn giáo đều thừa nhận sự tồn tại của cảnh giới rộng lớn này. Ví dụ, nếu bạn đã từng xem biểu đồ quang phổ ánh sáng (Hình 1.1), bạn biết rằng phần nhìn thấy được chỉ là một đường nhỏ xíu giữa tia hồng ngoại và tia tử ngoại. Tất cả vẻ đẹp của thế giới này, cũng như hàng tỷ ngôi sao trên bầu trời đêm, đều được gói gọn trong vạch nhỏ này trên quang phổ ánh sáng. Mặc dù chúng ta có thể đo một số tần số vượt ngoài giác quan vật lý của chúng ta, nhưng những tần số này là vô hình đối với chúng ta, và do đó, theo định nghĩa, chúng là một phần của vũ trụ tinh thần lớn vô tận.

 

Hình 1.1 – Quang phổ ánh sáng

 

Nhiều tôn giáo dạy rằng thế giới vật chất là một ảo ảnh. Điều này đúng một phần, theo nghĩa là những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường chỉ là hình ảnh của những gì thực sự ở đó. Tất cả những gì chúng ta thấy là ánh sáng phản xạ từ một vật thể chạm vào võng mạc của mắt, được não bộ ghi lại, và sau đó được truyền qua các xung thần kinh đến năng lực thị giác. Ngoài ra, khi chúng ta nhìn thế giới vật chất bằng các giác quan thông thường, chúng ta chỉ thấy quá khứ của chúng [tức là những gì đã xảy ra]. Chúng ta không thấy những gì đang thực sự xảy ra. Ngay cả trang sách này cũng đang được xem trong quá khứ. Ánh sáng phản chiếu từ trang sách này mất một hoặc hai nano giây để đến võng mạc của mắt, v.v.

 

Vị trí của đối tượng càng xa, thì điều bạn đang nhìn thấy càng ở thời điểm lùi xa hơn về quá khứ. Có những thiên hà cách xa hàng tỷ năm ánh sáng, và kết quả là, có thể mất hàng tỷ năm để ánh sáng từ các thiên hà này đến được võng mạc của mắt khi nhìn qua kính thiên văn. Nếu chúng ta giả định rằng các phép đo là chính xác bằng cách không tính đến các độ cong và biến dạng trong miền liên tục không-thời gian, thì có vẻ như chúng ta đang thực sự chứng kiến ​​những gì đã diễn ra hàng tỷ năm trước trên một thiên hà xa xôi. Một số nhà thiên văn học đưa ra giả thuyết rằng nếu họ có thể tạo ra một kính viễn vọng đủ mạnh, họ có thể nhìn lại đủ xa để thấy sự khởi đầu của vũ trụ vật chất.

 

Ngoài độ trễ thời gian liên quan đến sự nhìn nhận vật lý, còn có ảo giác về độ đặc rắn của các đối tượng vật chất. Các nguyên tử tạo nên vật chất giống như những hệ mặt trời nhỏ bé lơ lửng trong một không gian rộng lớn. Tốc độ mà các electron quay quanh hạt nhân nguyên tử đã tạo nên ảo giác về độ đặc rắn. Số lượng nguyên tử nhất định trong một vật thể cũng góp phần vào ảo giác này. Trên thực tế, có nhiều “không gian” hơn vật chất nguyên tử. Hầu hết các đối tượng có hơn 99% “không gian” trống rỗng. Chính trường năng lượng nằm trong cấu trúc nguyên tử đã giữ các vật thể lại với nhau đủ để tạo thành khối đặc rắn. Nếu không có trường năng lượng này, chúng ta sẽ đi xuyên tường và không thể ngồi trên ghế.

 

(LƯU Ý: Những khám phá gần đây đã chỉ ra rằng cái mà chúng ta gọi là “không gian” trống rỗng thực ra không hề trống rỗng, mà bao gồm cái được gọi là “vật chất tối” và “năng lượng tối”, các thuộc tính thuộc về cái mà tôi gọi là các cảnh giới ở chiều kích khác.)

 

Trao đổi sơ lược về vật lý này chỉ đơn giản là để chỉ ra tính hợp lý của tuyên bố “Thế giới là một ảo ảnh.” Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thế giới không tồn tại, chỉ là chúng ta không nhận thức được thế giới như nó thực sự là. Thế giới rất thực. Nó có một thực tại khách quan liên quan đến sự tương tác của hàng tỷ hạt nguyên tử, và nó có một thực tại khác được tạo dựng bởi nhận thức chung của nhân loại (sẽ nói thêm về điều này sau). Bạn có thể nói rằng thế giới bên ngoài là phần mở rộng của thế giới bên trong.

 

Thực tại bên trong

 

Sự hấp dẫn của thế giới bên ngoài không thể nào sánh được với thế giới rộng lớn bên trong. “Bên trong” ở đây có ý nghĩa là gì? Chắc chắn không phải bên trong cơ thể, mặc dù chính cơ thể và bộ não tự thân chúng cũng là một thế giới đầy phức tạp. Nói chung, thế giới bên trong bao gồm các tầng thứ trải nghiệm về cảm xúc, tinh thần và vi tế. Chìa khóa để hiểu thế giới bên ngoài là hiểu thế giới bên trong, bởi vì theo nhiều cách, thế giới bên ngoài là sự phản chiếu của thế giới bên trong. Thế giới bên trong quá rộng lớn và phức tạp đến mức nó thường không bộc lộ ra rằng nó tạo ra thế giới bên ngoài. Trên thực tế, hầu hết mọi người tin rằng họ đang chịu tác động của thế giới bên ngoài; họ chỉ là những con tốt trên bàn cờ được tạo ra bởi một số vị thần bên ngoài. Những niềm tin này phát sinh từ những hiểu lầm về bản chất của cái tôi.

 

2.              Niềm tin

 

Niềm tin tạo ra thực tại, hay nói chính xác hơn, tạo ra trải nghiệm của chúng ta về thực tại. Niềm tin có thể tạo ra những sự nhìn nhận rất khác nhau về cùng một sự thật cơ bản. Ví dụ: Hai người cùng có 1.000 đô la. Người đầu tiên tin rằng anh ta nghèo khổ và cảm thấy 1.000 đô la của mình không đủ để đáp ứng những gì anh ta cho là nhu cầu của mình. Người thứ hai cảm thấy dư dả và xem 1.000 đô la như một món tiền lớn, có thể mang lại rất nhiều thứ cho anh ta.

 

Thực tại của người đầu tiên là sự nghèo túng, trong khi thực tại của người thứ hai là sự giàu có. Sự thật là cả hai đều có cùng một số tiền và chỉ đơn giản là nhìn nhận khác nhau về số tiền dựa trên hệ thống niềm tin của họ về nhu cầu của chính mình.

 

Một điều liên quan ở đây là thực tại phụ thuộc nhiều vào nền văn hóa mà chúng ta đang sống. Ở nhiều nơi trên thế giới, người dân có rất ít tiện nghi vật chất, nhưng dường như khá hạnh phúc. Ở Hoa Kỳ, nhiều người có của cải vật chất lớn hơn nhiều nhưng lại không hạnh phúc bằng. Rõ ràng, niềm tin rằng của cải vật chất mang lại hạnh phúc là không hoàn toàn đúng. Rõ ràng là có rất nhiều niềm tin khác nhau về những gì một người cần để được hạnh phúc.

 

Niềm tin tạo ra thực tại. Nghe có vẻ rất đơn giản. Nhưng vấn đề ở đây là niềm tin và thực tại mà nó tạo ra xảy ra đồng thời trên nhiều tầng thứ và chiều kích, trong đó một tầng thứ của niềm tin thường mâu thuẫn với tầng thứ khác hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Thêm vào đó, nhiều người trong chúng ta chỉ có thể nhìn thấy “phần nổi của tảng băng trôi” trong hệ thống niềm tin của mình. Phần lớn hệ thống niềm tin đã ăn sâu vào tiềm thức. Tâm trí ý thức của chúng ta giống như phần nổi của tảng băng trôi trên mặt nước. Sức mạnh thực sự của niềm tin nằm ở khối băng to lớn chìm dưới bề mặt.

 

Ví dụ, nếu chúng ta có một niềm tin trên bề mặt ý thức là chúng ta giàu có, nhưng chúng ta lại có niềm tin ở tầng tiềm thức rằng chúng ta nghèo, thì niềm tin ở tầng tiềm thức có thể sẽ có tác động và ảnh hưởng lớn hơn đến trải nghiệm tổng thể của chúng ta về thực tại. Trong các chương sau, chúng ta sẽ tìm hiểu những cách để khám phá và lập trình lại tiềm thức để đem niềm tin ở tầng tiềm thức của chúng ta phù hợp với những niềm tin trên bề mặt ý thức của mình.

 

Tiềm thức lại có nhiều tầng lớp. Ví dụ, hãy nghĩ về một triệu phú bất hạnh, người tin rằng tiền bạc mang lại hạnh phúc. Nếu đó là niềm tin duy nhất mà anh có, có lẽ anh đã hạnh phúc. (Thực ra, trong trường hợp này, không phải tiền mà chính là niềm tin mới là điều mang lại hạnh phúc.) Nhưng giả sử rằng bên dưới niềm tin đó là một niềm tin khác rằng “Dù tôi có bao nhiêu tiền, tôi sẽ không bao giờ đủ tốt.” Niềm tin này có thể có quyền lực tối thượng đối với niềm tin rằng tiền bạc mang lại hạnh phúc, do đó nó tạo ra cảm giác bất hạnh.

 

Xuyên suốt lịch sử, đã có những cá nhân thành công, vượt lên trên những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, để thực hiện ước mơ của họ. Đây là những cá nhân đã phá vỡ niềm tin rằng mình là nạn nhân hay mình có những giới hạn. Có rất nhiều quyển sách về sức mạnh của niềm tin và suy nghĩ tích cực, nên tôi không cần phải lặp lại ở đây. Mục đích của tôi là đi sâu hơn thế, để xem xét điều ẩn sâu nhất trong tất cả các hệ thống niềm tin, và sau đó vượt ra khỏi những niềm tin cốt lõi này để đi vào nguồn gốc của chúng.

 

Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào và điều tra các tầng thứ và chiều kích khác nhau của thế giới bên trong, xem xét một số hệ thống niềm tin phổ biến nhất của chúng ta. Bằng cách hiểu bản thân và các hoạt động của thế giới bên trong của chính mình, chúng ta có thể tiến vào những bí ẩn của Vũ trụ xét về tổng thể.

 

3.              Thực tại cá nhân và thực tại tập thể

 

Về cơ bản, có hai cấp độ thực tại trên Trái Đất – thực tại cá nhân và thực tại tập thể. Thực tại cá nhân của bạn là của riêng bạn; không có ai khác có hệ thống niềm tin hoàn toàn giống bạn, và không có ai khác có thể nhìn nhận thế giới thông qua cơ thể và các giác quan của bạn. Thực tại tập thể bao gồm những hệ thống niềm tin mà hai hoặc nhiều người cùng chia sẻ. Thực tại tập thể thường mạnh hơn thực tại cá nhân. Vì niềm tin tạo ra sự nhìn nhận của chúng ta về thực tại, thế giới loài người là sự phản ánh tất cả hệ thống niềm tin cá nhân của mỗi cá thể, kết hợp với những hệ thống niềm tin tập thể của các nhóm người và toàn nhân loại, được trình bày ra như một bức tranh nhiều mảnh ghép đầy màu sắc của ý thức hỗn hợp (với nhiều sự pha trộn, hợp nhất và trung bình của tổng trường ý thức).

 

Để xã hội vận hành hiệu quả, con người tham gia vào nhiều thỏa thuận khác nhau mà theo đó thực tại nào sẽ được chấp nhận và thực tại nào thì không. Khi có đủ số người đồng ý về một thực tại cụ thể, thực tại đó sẽ được biết đến như một sự kiện thực tế. Các sự kiện xảy ra hàng ngày là có thực theo nghĩa là loài người đã cùng đồng thuận trong việc nhìn nhận thực tại vật chất theo một cách nhất định. Điều này rõ ràng là cần thiết để con người có thể chung sống trên hành tinh nhỏ bé này. Ví dụ, hãy tưởng tượng nếu mọi người có cách hiểu khác nhau về đèn đỏ thì giao thông sẽ hỗn loạn như thế nào. Nếu không có sự đồng thuận trong việc nhìn nhận, màu đỏ sẽ chỉ đơn giản là màu đỏ. Nhưng tất cả chúng ta đều đồng thuận rằng màu đỏ có nghĩa là dừng lại, và vì vậy điều này xảy ra trên thực tế [tức khi thấy đèn đỏ thì mọi người hiểu là tín hiệu dừng lại]. Có thể vẫn có người nào đó không đồng ý, và đối với người đó, màu đỏ có thể không có nghĩa là dừng lại, nhưng người đó sẽ gặp khó khăn lớn khi cố gắng lái ô tô trong một thành phố đầy đèn giao thông.

 

Những thực tại có nhiều sức mạnh nhất là những thực tại được nhiều người tin tưởng nhất, hoặc thực tại mà niềm tin vào nó mạnh nhất. Cái chết và các khoản thuế dường như là điều không thể tránh khỏi vì đại đa số người dân tin vào chúng. Có thể một cá nhân không đồng ý với cái chết và các khoản thuế, nhưng do áp lực quá lớn phải thích ứng với ý thức đại chúng, rất ít cá nhân có thể thoát ra khỏi thực tại tập thể này.

 

Bởi vì có nhiều tầng thứ và chiều kích của thực tại mà chúng ta không phải lúc nào cũng nhận thức được, nên thường rất khó phân biệt thực tại với sự thật. Chẳng hạn, có nhiều người cho rằng cái chết là một sự thật tuyệt đối. Nhưng trừ khi nó luôn đúng ở mọi tầng thứ và chiều kích, nó không phải là chân lý tuyệt đối. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về chủ đề này sau.

 

Ngay tiếp sau phần này, chúng ta sẽ nói về các chiều kích. Chúng ta sẽ thấy rằng các chiều kích “cao hơn” bao hàm các chiều kích “thấp hơn”, nhưng không bị ràng buộc bởi các chiều kích thấp hơn này. Nói cách khác, thế giới vật chất có thể được xem là một chiều kích thấp hơn được bao hàm trong các chiều kích cao hơn của thế giới tinh thần. Nếu cái chết không có thật trong thế giới cao hơn này, nó không thể là thật trong thế giới thấp hơn được. Tuy nhiên, nó chắc chắn là một thực tại đối với hầu như tất cả mọi người trên Trái Đất.

 

Tôi đã thấy rất rõ ràng rằng nếu bạn tạo ra một hệ thống các niềm tin mới không phù hợp với những gì mà ý thức đại chúng tin tưởng, bạn sẽ sống trong một thực tại rất khác với thực tại được gọi là “bình thường”. Nhiều thông tin trong Phần 2 của quyển sách này đã có lẽ không đến với tôi nếu tôi không thoát ra khỏi nhiều niềm tin đại chúng của loài người.

 

4.              Các bước mở rộng nhận thức

 

Mục đích cơ bản của cuộc sống là mở rộng nhận thức của chúng ta. Chúng ta làm điều này bằng cách học hỏi từ những kinh nghiệm mà chúng ta có. Lúc đầu, chúng ta không lựa chọn kinh nghiệm của mình một cách có ý thức; các kinh nghiệm dường như chỉ xảy đến, thường là không theo ý muốn của chúng ta. Khi chúng ta dần có nhận thức, chúng ta bắt đầu thấy cách chúng ta đã gây ra các sự kiện và tình huống khác nhau trong cuộc sống của mình. Các sự kiện và tình huống này bao gồm cả những điều bị gọi là “tai nạn”, “sự trùng hợp”, sự xâm phạm, chiến tranh, v.v., vì chúng ta đã chọn ở đó (một cách có ý thức hoặc vô thức) vào thời điểm các sự kiện này diễn ra.

 

Có năm bước chính để trở nên mở rộng nhận thức:

 

  • Mong muốn trở nên có nhận thức rộng hơn. Đây là mong muốn cơ bản nhất của loài người. Đó là sự tò mò. Chúng ta muốn tìm hiểu về mọi thứ. Chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta muốn trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

 

  • Nhận thức về những gì chưa được nhận thức. Điều này bao gồm việc nhận ra sự thiếu chú ý của chúng ta và nhận thức được những lập trình tiềm thức và điều kiện sinh trưởng không có lợi cho sự phát triển của chúng ta. Chúng ta bắt đầu nhận biết về những suy nghĩ lang thang của mình mà không kháng cự, kiểm soát hay đàn áp chúng. Thay vào đó, chúng ta nhìn thấy sự méo mó trong sự nhìn nhận của chính mình, và hiểu được bản chất của những ảo tưởng; chúng ta khám phá ra nguyên nhân của xung đột nội tâm, và nhận thức được việc mình bị kẹt trong quá khứ hoặc tương lai cả về mặt cảm xúc và tâm trí. Chúng ta nhận biết những cảm giác trong cơ thể, bao gồm căng thẳng, áp lực, sự đè nén và mệt mỏi – những dấu hiệu của xung đột hoặc bất hòa nội tâm. Chúng ta khám xét các khía cạnh trong cuộc sống của mình bị mất cân bằng. Chúng ta quan sát các phản ứng của mình trong các tình huống phát sinh, mà không phân tích hay chỉ trích quá mức.

 

  • Buông bỏ cái cũ. Điều này bắt đầu bằng việc buông bỏ những ý tưởng, khái niệm, lập trình tiềm thức và niềm tin trong quá khứ không còn thích hợp trong việc giúp chúng ta mở rộng nhận thức; sau đó, là buông bỏ các kỹ thuật và phương pháp để mở rộng nhận thức. Suy cho cùng, chúng chỉ là công cụ – phương tiện chứ không phải là cứu cánh.

 

  • Hợp nhất. Điều này liên quan đến việc đồng bộ tất cả các bộ phận của bản thân, khôi phục lại những khía cạnh mà chúng ta đã phán xét chống lại và trải nghiệm sự chấp nhận bản thân trọn vẹn. (Chúng ta sẽ nói thêm về điều này sau này.)

 

  • Tự do. Sự hợp nhất mang lại tính nhất thể trong bản thể, và tính nhất thể mang lại nhận thức đích thực. Khả năng nhận thức được sự thật chính là sự giác ngộ, khai sáng.

 

Để đạt được Bước 4 của quá trình mở rộng nhận thức, chúng ta phải vượt ra ngoài các ý tưởng và khái niệm để hướng đến trải nghiệm trực tiếp. Nhưng trước khi chúng ta có trải nghiệm trực tiếp về điều gì đó, chúng ta phải bắt đầu với những ý tưởng và khái niệm. Nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm nhảy dù, bạn phải bắt đầu với những hướng dẫn cơ bản, xem phim, nói chuyện với những người đã có kinh nghiệm, v.v. Tuy nhiên, bạn có thể nói chuyện với hàng nghìn người đã từng nhảy dù và thu thập tất cả kiến ​​thức có thể về việc nhảy dù, nhưng nếu bạn không có trải nghiệm, bạn thực sự không biết gì cả.

 

Để đạt được Bước 4 và 5 của quá trình mở rộng nhận thức, trước tiên chúng ta phải tự hỏi mình, “Nhận thức là gì?” Thường thì từ này và từ “ý thức” được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng 2 từ này không có nghĩa hoàn toàn giống nhau. “Ý thức” là một năng lượng thuộc về trí năng, một trạng thái liên quan đến sự nhận biết về sự tồn tại. Tất cả chúng ta đều có ý thức ở một mức độ nào đó, nhưng không phải tất cả chúng ta đều có nhận thức. Nhận thức là một trạng thái hoạt động của hiện hữu. Chúng ta có thể có ý thức về một vài chiều kích khác nhau, nhưng chúng ta có thể chỉ nhận thức (hiện diện) được trong hai hoặc ba chiều kích trong số đó tại một thời điểm nhất định.

 

Mở rộng nhận thức có nghĩa là khả năng trở nên nhận thức một cách đồng thời ngày càng nhiều về ý thức của chúng ta. Nếu chúng ta thường chỉ nhận thức được ba chiều kích đầu tiên của thực tại, thì mục tiêu của chúng ta có thể là trở nên nhận thức được các chiều kích khác nữa.

 

Có hai loại nhận thức – nhận thức chọn lọc và nhận thức không chọn lọc. Nhận thức chọn lọc liên quan đến việc tập trung vào một tầng thứ hoặc chiều kích cụ thể và khám phá sự thật về thực tại đó. Điều này thường được thực hiện thông qua việc tập trung, khám phá và các kỹ thuật kiểm soát tâm trí. Nhận thức không chọn lọc, hoặc nhận thức đồng thời, thường đạt được thông qua thiền định và liên quan đến việc mở rộng tâm trí có ý thức sang đến vùng tiềm thức và siêu thức.

Nhiều người nhầm lẫn giữa nhận thức chọn lọc và không chọn lọc. Nhận thức chọn lọc luôn liên quan đến việc không xét đến một/nhiều tầng thứ thực tại trong khi đang xem xét một tầng thứ khác. Điều này là cần thiết để thực hiện một số nhiệm vụ hoặc truyền đạt ý tưởng về một thực tại nhất định. Nếu tôi đang hướng dẫn ai đó cách lái xe ô tô, tôi không muốn khám phá những cảnh giới trừu tượng hơn cùng một lúc; Tôi muốn tập trung vào kỹ thuật lái xe. Tuy nhiên, nếu tôi đã trải qua một ngày khó khăn để giải quyết các vấn đề thực tế và muốn cho bản thân nghỉ ngơi, tôi cần cho phép tâm trí của mình trở nên rộng mở và nắm bắt toàn bộ bức tranh của cuộc sống. Khi tôi làm điều này, thực tại ở chiều kích 3 nhỏ bé của tôi chỉ là một khung hình trong bộ phim vũ trụ; một khía cạnh nhỏ bé của một tổng thể huy hoàng. Tất cả các vấn đề và con người trong cuộc sống trần thế của tôi chỉ đơn thuần trở thành “diễn viên trên sân khấu”, trích lời một nhà viết kịch nổi tiếng. Từ trạng thái rộng mở này, tôi có thể xem tất cả các góc độ khác nhau của một vấn đề nhất định và đưa ra các giải pháp sáng tạo.

 

5.              Các mô hình và cấu trúc của thực tại

 

Theo kinh nghiệm của tôi với hàng ngàn học viên thực hành phát triển cá nhân, cũng như nhiều vị thầy, tôi đã bắt gặp cái mà tôi gọi là “sự nhầm lẫn về tầng thứ”. Sự nhầm lẫn về tầng thứ là tình trạng khi một hoặc cả hai điều sau xảy ra:

 

  • Một ý tưởng được truyền đạt từ người này sang người khác, nhưng rào cản ngôn ngữ gây ra sự diễn giải sai. Điều này là do không phải ai cũng có cùng định nghĩa cho nhiều thuật ngữ phổ biến được sử dụng trong lĩnh vực siêu hình và phát triển cá nhân ngày nay. Ví dụ: “Thượng Đế” và “Trí tuệ vô hạn” có thể có cùng ý nghĩa cơ bản, nhưng một người Cơ đốc giáo có thể nắm bắt thuật ngữ “Thượng Đế” một cách dễ dàng hơn, trong khi một nhà khoa học có thể cảm thấy thuật ngữ “Trí tuệ vô hạn” dễ hiểu hơn.

 

  • Một ý tưởng được truyền đạt với ý định của người gửi rằng nó cần được hiểu ở một tầng thứ, nhưng người nhận lại diễn giải nó ở tầng thứ khác. Sự nhầm lẫn này còn sâu sắc và tinh tế hơn cả rào cản ngôn ngữ. Một ví dụ là khi một người tìm kiếm sự thật khám phá ra một nguyên tắc sống mà họ có thể tin có thể áp dụng cho tất cả cuộc sống, nhưng trên thực tế, chỉ áp dụng cho một số tầng thứ và chiều kích nhất định, chứ không phải ở những tầng thứ và chiều kích khác. Tự do ý chí và sự tiền định đều đúng, nhưng ở các tầng thứ khác nhau. Sẽ không thích hợp khi tin rằng sự tự do ý chí và sự tiền định áp dụng phổ biến trên tất cả các tầng thứ và chiều kích. Một ví dụ khác là luật hấp dẫn. Nó áp dụng trên Trái Đất và khi ở gần các thiên thể, nhưng tương đối không đáng kể trong các vùng không gian sâu.

 

Một ví dụ khác về sự nhầm lẫn về tầng thứ là trong luật nghiệp quả. Có những tầng thứ và cảnh giới của Sự Sáng Tạo, nơi nghiệp là một quy luật có thực và có giá trị. Tuy nhiên, có những tầng thứ và chiều kích cao hơn nơi mà khái niệm nghiệp là vô nghĩa. Nếu một người tin rằng nghiệp là một quy luật tuyệt đối và bất biến, người đó sẽ trải qua sự nhầm lẫn về tầng thứ mỗi khi khám phá ra một tầng thứ hoặc chiều kích của thực tại mà nó nằm ngoài phạm vi của nghiệp.

 

Trong lĩnh vực siêu hình, tôi không ngừng nghe về cách chúng ta tạo ra thực tại của chính mình. Tôi đã thấy những người đầy thiện ý tin tưởng nguyên tắc này đến mức cực đoan và cố gắng giải thích mọi thứ trong Sự Sáng Tạo đều quy về những tư tưởng mà một người nghĩ ra. Quy luật tâm trí thực sự là một nguyên tắc mạnh mẽ ảnh hưởng đến nhiều tầng thứ của Sự Sáng Tạo. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, tình yêu và lòng trắc ẩn là những nguyên tắc cao hơn (và phổ quát hơn) so với suy nghĩ sáng tạo. Không ở đâu mà sự phân định này rõ ràng hơn trong tình huống khi mà các nhà siêu hình tách mình khỏi những tai ương của thế giới và đóng cửa trái tim mình với những người đang đau khổ, bằng cách tuyên bố, “Họ đã tạo ra nó. Đó là nghiệp của họ. Tôi không chịu trách nhiệm.” Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về những trạng thái ý thức này ở phần sau của quyển sách.

 

Để giúp giảm bớt sự nhầm lẫn về tầng thứ, xuyên suốt quyển sách này, tôi đã tạo ra nhiều bảng biểu và sơ đồ để minh họa các thực tại khác nhau. Hãy nhớ rằng các mô hình là một đại diện mang tính biểu tượng của thực tại; bản thân chúng không phải là thực tại. Từ ngữ không phải là thực tế. Các mô hình chỉ là một phương tiện để giao tiếp.

 

Trong sự thật, hiếm khi có những biên giới và ranh giới riêng biệt giữa các tầng thứ của thực tại; một khía cạnh có xu hướng hòa trộn vào một khía cạnh khác mà không có sự phân chia rõ ràng, tách bạch.

 

Từ một quan điểm sự thật tổng thể, các tầng thứ, mật độ và chiều kích đều vô nghĩa. Chúng ta đơn giản là có cuộc sống, với nhiều khía cạnh và các trải nghiệm trong đó. Vì vậy, tôi khuyến khích bạn sử dụng các mô hình để vượt lên trên chúng. Chúng có thể hữu ích ở một mức độ nào đó, giống như một người thầy, nhưng đừng để bị mắc kẹt vào chúng. Trong khi bạn đang tranh luận về việc liệu Jesus đến từ chiều kích thứ bảy hay thứ tám, bạn đang bỏ lỡ hương thơm và vẻ đẹp của cuộc sống mà Ngài đã thể hiện. Tâm trí của bạn bị lấp đầy bởi những ý tưởng và khái niệm, thay vì sự tĩnh lặng. Khi các mô hình không còn cần thiết nữa, hãy để chúng ra đi và nắm lấy nhận thức thực sự.

 

Bởi vì có rất nhiều giáo lý, mỗi giáo lý có một bộ mô hình và cấu trúc riêng, tôi đã mượn từ những giáo lý có vẻ hữu ích nhất cho tôi, sau đó bổ sung vào đó các ý tưởng của mình. Một giáo lý mà tôi sẽ đề cập ngắn gọn ở đây là, “A Course in Miracles” [Một khóa học trong phép lạ] (xem phần Tài liệu tham khảo) – bộ ba cuốn sách dẫn kênh được cho rằng từ Jesus với mục đích dạy cách thức tỉnh Bản Thể đích thực. Vấn đề về sự nhầm lẫn về tầng thứ thường xảy ra trong bộ sách này. Những người được gọi là “chuyên gia” của khóa học khẳng định bộ sách được viết ở bảy tầng thứ khác nhau, và tôi cũng nghiêng theo ý kiến này, sau khi đã nghiên cứu sâu về bộ sách. Đối với người chưa có nhận thức, nhiều thông tin trong bộ sách có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng đối với người quan sát được đào tạo, điều đó chỉ đơn giản là sự dao động giữa các tầng thứ.

 

Ví dụ, trong một phần của bộ sách, bạn được khuyên dùng thuốc khi cơ thể bị bệnh. Trong một phần khác, bộ sách nói rằng cơ thể không thể bị bệnh và nguyên nhân của mọi bệnh tật là ở tâm trí. Sau đó, bộ sách nói rằng cơ thể là một ảo ảnh, một ý tưởng vô nghĩa. Tiếp theo đó, bộ sách tiếp tục nói rằng cơ thể được tạo ra nhằm mục đích che giấu sự thật. Xa hơn nữa, nó nói rằng cơ thể là thật, nhưng chỉ là một “hàng rào nhỏ xung quanh một ý tưởng tuyệt vời và hoàn chỉnh”. Và cuối cùng, có đề cập đến sự không thể nào bị hư hỏng và sự bất tử về thể chất. Tất cả những nhận thức này dường như có giá trị tùy thuộc vào tầng thứ nhận thức mà bạn đang hoạt động, nhưng rõ ràng bạn có thể thấy những nội dung như vậy có khả năng gây nhầm lẫn.

 

(LƯU Ý: Điều này không có nghĩa là nội dung được truyền tải trong “A Course in Miracles” là hoàn toàn chính xác. Như tôi sẽ nói nhiều lần trong suốt quyển sách này, đừng mù quáng tin vào bất cứ điều gì bạn nhìn thấy, nghe thấy hoặc đọc được. Hãy điều tra, hãy kiểm chứng lại. Khám phá các ý tưởng. Dấn thân trọn vẹn vào lĩnh vực nghiên cứu của bạn.)

 

Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá các khía cạnh khác nhau của bản thể và cách chúng ta nhìn nhận thực tại. Bạn sẽ khám phá cách mở rộng ý thức của mình thông qua hoạt động của sóng não alpha và theta cũng như cách tăng cường nhận thức của bạn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Các bài tập trong Phụ lục cũng sẽ giúp bạn đánh thức các trung tâm ngoại cảm và trực giác trong tâm trí của bạn. Sau đó, chúng ta sẽ khám phá một số mô hình thực tại, bao gồm các khía cạnh của Bản Thể, các mật độ và các chiều kích.

 

Bây giờ, tôi muốn định nghĩa và mô tả một số mô hình và cấu trúc thực tại liên quan đến các tầng thứ nhận thức khác nhau.

 

  • Mô hình #1: Các tầng thứ của nhận thức và các khía cạnh của Bản Thể

 

“Các tầng thứ của nhận thức” và “các khía cạnh của Bản Thể” đề cập đến cách chúng ta nhìn nhận thực tại và các năng lực của con người được sử dụng để nhìn nhận thực tại đó. Nói chung, chúng ta đang đề cập đến các trạng thái bên trong của sự tồn tại, tức là các khía cạnh của Bản Thể. Hầu hết các tầng thứ của nhận thức được mô tả ở đây sẽ quen thuộc, một số có thể không, nhưng tất cả đều nằm trong, hoặc được nhìn nhận bởi Bản Thể. Một tầng thứ nhận thức tương tự như một chiều kích, ngoại trừ việc ranh giới của nó không được xác định nhiều bởi các quy luật và nguyên tắc phổ quát, cũng như bởi các trạng thái của ý thức. Ví dụ, cơ thể vật lý và các cảm xúc là hai tầng thứ nhận thức khác nhau, nhưng cả hai đều tồn tại trong thế giới chiều kích thứ ba (hoặc ít nhất là những biểu hiện của Bản Thể trong thế giới này).

 

Các tầng thứ của nhận thức

 

Tầng thứ nhận thức cao hơn chưa chắc đã tốt hơn tầng thứ thấp hơn. Mỗi tầng thứ có chức năng cụ thể riêng của nó. Đôi khi tốt hơn là tập trung vào những trạng thái trần thế hơn là các trạng thái mở rộng. Lý tưởng nhất là người ta có thể dễ dàng chuyển trọng tâm từ tầng thứ này sang tầng thứ tiếp theo hoặc nhận thức đồng thời nhiều tầng thứ cùng một lúc.

 

Các tầng thứ nhận thức có thể mang tính tổng thể hoặc riêng biệt; nghĩa là, chúng có thể tiếp nhận tổng thể của một thực tại nhất định hoặc chúng có thể chọn các thuộc tính cụ thể của thực tại và tập trung vào các thuộc tính đó. Ví dụ, nhận thức vũ trụ mang tính tổng thể và thường đề cập đến một tầng thứ nhận thức phổ quát, trong khi một hình thức thiền cụ thể thì riêng biệt hơn và được sử dụng với hy vọng đạt được sự tĩnh lặng bên trong vượt ngoài nhận thức có ý thức. Để đọc cuốn sách này và thu được nhiều lợi ích nhất từ ​​nó đòi hỏi tầng thứ trí tuệ của nhận thức. Nhưng để thực sự hiểu nó đòi hỏi một tầng thứ nhận thức cao hơn. Bởi vì thực tại phụ thuộc vào sự nhìn nhận, hai người có thể thấy cùng một thực tại từ những tầng thứ nhận thức rất khác nhau và có các trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Hãy nhớ lại ví dụ về hai người đàn ông, mỗi người có 1.000 đô la.

 

Nếu một người chỉ đơn thuần tập trung vào trí năng, anh ta có thể có ấn tượng rằng cuốn sách này cực kỳ dài dòng và không đề cập đến những vấn đề sâu sắc hơn, trong khi những người hướng về tinh thần có thể có được cái nhìn sâu sắc và trí tuệ to lớn từ việc đọc nó.

 

Để viết, chỉnh sửa, biên tập và xuất bản cuốn sách này một cách chỉn chu cần phải có một nhận thức trí tuệ và kiến ​​thức về những vấn đề thuộc về trần thế. Tuy nhiên, ở góc độ cao hơn, con chữ chỉ đơn giản là công cụ giúp người đọc vượt ra khỏi tầm trí năng. Trong tự nhiên, người làm vườn và nhà thực vật học phải nhìn một bông hoa theo quan điểm khoa học, trí năng, chú ý đến thời gian nảy mầm, lượng nước thích hợp, lượng ánh sáng mặt trời thích hợp, v.v. Nếu bạn nhìn một bông hoa từ một tâm trí thiền định, bạn có thể thấy tất cả vẻ đẹp huy hoàng trong tuyệt tác này của Thượng Đế.

 

Các khía cạnh của Bản Thể

 

Liên quan chặt chẽ đến các tầng thứ nhận thức là các khía cạnh của Bản Thể. Đây là những phẩm chất của hiện hữu được sử dụng để nhìn nhận các mật độ và chiều kích khác nhau của vũ trụ. Ví dụ, khía cạnh cơ thể nhìn vũ trụ từ tầng thứ nhận thức vật lý, trong khi linh hồn nhìn cuộc sống từ tầng thứ của linh hồn. Ở cuối Phần 1, tôi đã đưa vào một số bảng và biểu đồ gắn kết tất cả các mô hình thực tại được sử dụng trong quyển sách này lại với nhau: Các tầng thứ của nhận thức, các khía cạnh của Bản Thể, các mật độ và các chiều kích. Tôi đã đưa vào một mô hình 7 chiều kích và một mô hình 12 chiều kích. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ tham chiếu đến bảng sau về các tầng thứ của nhận thức và các khía cạnh của Bản Thể:

 

Bảng 1.1 – Các tầng thứ của nhận thức và các khía cạnh của Bản Thể

 

Tầng thứ của nhận thức Các khía cạnh của Bản Thể
1.     Vật lý Cơ thể, bản năng sinh tồn
2.     Các cung bậc cảm xúc, tính dục Cảm xúc, ý chí
3.     Thông minh, lý trí, tư duy lôgic Bản ngã/tâm trí thấp hơn
4.     Tâm linh, trực giác, tưởng tượng, thể vía (astral) Tâm trí cao hơn
5.     Tình yêu thương, hợp nhất, nhất thể, thể dĩ thái (etheric) Trái tim, thể ánh sáng (light body)
6.     Tầng thứ nhân quả, các kiếp sống trong quá khứ Thể nhân quả (causal body)
7.     Bản chất thuần khiết, Cái Tôi Cao hơn Linh hồn
8.     Trí tuệ, thông thái, thông tuệ Linh hồn cấp cao (oversoul)
9.     Ý thức thiên đàng Chân thần (monad)
10.  Ý thức hệ sao (cosmic) Cái Tôi Chúa/Phật
11.  Ý thức liên thiên hà (intergalactic) Cái Tôi Chúa Cá thể
12.  Ý thức vũ trụ vượt lên trên (universal) Cái Tôi Chúa Vũ trụ
Trên 12: Sự huyền bí vĩ đại, vô cùng vô tận (trống không (void)) Thượng Đế

 

 

 

  • Mô hình #2: Các mật độ

 

Các mật độ tương tự như các tầng thứ của nhận thức và các khía cạnh của Bản Thể, nhưng liên quan đến các trạng thái rung động riêng có của các dạng sống trong vũ trụ. Tôi đã dành Chương 9 để nghiên cứu về các mật độ, cụ thể như sau:

 

Bảng 1.2 – Mật độ

 

Số/Tầng thứ Mô tả
1.       Thế giới khoáng vật
2.       Thế giới thực vật
3.       Thế giới động vật
4.       Thế giới loài người
5.       Thể ánh sáng dĩ thái
6.       Thể nhân quả
7.       Linh hồn, thiên thần
8.       Linh hồn cấp cao, Tổng lãnh thiên thần
9.       Chân thần, các vị thầy thăng thiên
10.    Mặt trời Trung tâm Thiên hà
11.    Sinh mệnh vũ trụ liên thiên hà
12.    Đấng Sáng tạo
13.    Thượng Đế, trống không (void), điều huyền bí/không thể biết

 

  • Mô hình #3: Các chiều kích

 

Các chiều kích giống như các thế giới nằm trong các thế giới. Tôi đã phân định sự khác nhau giữa các mật độ và các chiều kích bởi vì đạt được trạng thái nhận thức cao hơn liên quan đến việc thay đổi mật độ; tức là, phát triển từ dạng sống bậc thấp lên dạng sống cao hơn. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là tất cả chúng ta đều tồn tại đồng thời trong ít nhất 12 chiều kích khác nhau và hình dạng của chúng ta là kết quả của việc chúng ta đặt sự chú ý vào đâu (nơi chúng ta đang phát triển nhận thức của mình). Trong khi các mật độ đại diện cho các tần số rung động cụ thể, các chiều kích bao gồm toàn bộ miền liên tục không-thời gian trong Vũ trụ nói chung. Các chiều kích trong mô hình của chúng ta như sau:

 

Bảng 1.3 – Các chiều kích

 

Số/Tầng thứ Mô tả
1.       Sự tồn tại
2.       Độ lớn
3.       Chiều sâu, cường độ, cõi vật lý
4.       Thời gian, suy nghĩ, cõi vía
5.       Tình yêu thương, nhất thể, cõi dĩ thái
6.       Cõi nhân quả, Hồ sơ Akashic
7.       Cõi linh hồn, thiên giới cõi hạ (lower celestial heavens)
8.       Linh hồn cấp cao, thiên giới cõi trung
9.       Chân thần, thiên giới cõi thượng
10.    Các thế giới thiên đàng, cực lạc
11.    Vũ trụ
12.    Các vũ trụ khác
13.    Thượng Đế, trống không (void), điều huyền bí/không thể biết

 

Chúng ta hãy bắt đầu khám phá các mô hình.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

 

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here