CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 10: Chiều kích

0
272

Chương 10 – Chiều kích

Chiều kích rất khác với mật độ. Trong khi mật độ thay đổi một cách hài hòa từ tần số rung động này sang tần số rung động khác, thì các chiều kích liên quan đến sự thay đổi tổng thể trong cấu trúc thực tại. Trong khi mật độ riêng rẽ và không chồng lên nhau, các chiều kích có xu hướng bao trùm toàn bộ thực tại và chồng lắp lên nhau. Trên thực tế, chiều kích càng lớn thì thực tại mà nó đại diện càng bao trùm hơn.

Chiều kích “thấp hơn” được chứa trong những chiều kích “cao hơn”. Ví dụ, chiều kích 3 chứa toàn bộ hai chiều kích dưới cùng, ngoài việc là một cấu trúc thực tại độc đáo của riêng nó. Nếu chiều kích 1 đại diện cho một đường thẳng (hoặc khoảng cách) và chiều kích 2 là một mặt phẳng (hoặc diện tích) và chiều kích 3 bao gồm chiều cao và chiều sâu (thể tích), thì chắc chắn chiều kích 3 bao gồm vô số mặt phẳng và đường thẳng trong cấu trúc của nó.

Một cách khác để xem xét khái niệm về chiều kích là sử dụng ý tưởng về các tập hợp con. Trong toán học cơ bản, các loại số khác nhau tạo thành các tập con khác nhau của hệ thống số thực. Số chính phương (1, 4, 9, 16 …) là một tập con của các số nguyên (1,2,3,4 …), và số nguyên là một tập con của các số thực. Các số thực giống như chiều kích 3; số nguyên thuộc chiều kích 2; và số chính phương thuộc chiều kích 1.

Nếu toán học không phải là sở trường của bạn, chúng ta có thể sử dụng địa lý để mô phỏng. Hãy giả sử chiều kích đầu tiên đại diện cho ngôi nhà hoặc căn hộ. Chiều kích 2 là con đường; chiều kích 3 là thành phố, chiều kích 4 là quốc gia, v.v. Sử dụng khái niệm tập hợp con, tất cả ngôi nhà nằm dọc theo con đường, con đường nằm trong thành phố, v.v. Rõ ràng, có những phần của chiều kích 4 (quốc gia) là duy nhất và không có trong chiều kích 3 (thành phố); tuy nhiên, tất cả chiều kích 3 (thành phố) đều ở trong chiều kích 4 (quốc gia).

Nếu bạn muốn nhận thức sự thật về một tình huống nhất định trong cuộc sống, cách tốt nhất để làm điều này là bước vào một chiều kích cao nơi bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh. Hãy tưởng tượng bạn đang lạc trong rừng, và giả sử mặt đất là chiều kích 1, khu rừng là chiều kích 2 và bầu trời là chiều kích 3. Để biết bạn đang ở đâu và làm cách nào để đến được nơi bạn đang đến, cách tốt nhất là bước vào chiều kích 3 (bầu trời), nơi bạn có thể quan sát toàn bộ khu rừng và xem cái gì đang ở phía trước theo tất cả các hướng. Tóm lại, đây là cách các nhà tâm linh thu nhận thông tin không có sẵn thông qua các giác quan vật lý cơ bản. Họ chỉ đơn giản là chuyển nhận thức của họ sang một chiều kích cao hơn, nơi toàn bộ bức tranh trở nên rõ ràng.

Đây cũng là điều sẽ xảy ra khi ai đó tách mình ra hoặc bước ra khỏi một vấn đề mà họ đã bị lôi kéo vào. Khi bạn chìm đắm trong một vấn đề, thật khó để nhìn ra giải pháp, nhưng khi bạn nâng mình lên trên và nhìn vấn đề từ một điểm thuận lợi lớn hơn, bạn thấy giải pháp vốn có sẵn trong chiều kích của vấn đề.

Hình 10.1 – Các chiều kích

Điều gì thực sự tạo nên một chiều kích? Về cơ bản, một cấu trúc thực tại là hợp lý nếu nó bao gồm một tập hợp các quy luật và nguyên tắc phổ quát nhất định thống nhất trong cấu trúc đó. Trong Hình 10.1, chúng ta đã xác định các chiều kích. Mỗi chiều kích là một thế giới đối với chính nó, hoàn chỉnh với bộ luật và nguyên tắc riêng. Trong mỗi chiều kích là các chiều kích phụ, hoặc các thế giới và tầng thứ tồn tại riêng rẽ. Ví dụ, thế giới vía (astral) và cõi tâm trí cao hơn đều là một phần của chiều kích 4.

1.              Chiều kích đầu tiên: Sự tồn tại

Chiều kích đầu tiên là chính là bản thân sự tồn tại. Để tồn tại, một đối tượng phải có một vị trí hoặc điểm trong thời gian và không gian. Tổng hợp tất cả các vị trí (địa điểm) trong vũ trụ tạo thành chiều kích 1. Điều này có thể được hình dung như một đường thẳng hoặc con đường kéo dài đến vô tận.

2.              Chiều kích 2: Độ lớn

Chiều kích 2 được định nghĩa là độ lớn hoặc khoảng cách. Có một con đường (thẳng hoặc cong) giữa mọi vị trí/địa điểm trong chiều kích đầu tiên trong Vũ trụ. Tổng hợp tất cả các con đường đi giữa hai hoặc nhiều vị trí/địa điểm bất kỳ trong thời gian và không gian tạo thành chiều kích 2. Điều này có thể được hình dung như một mặt phẳng trải dài đến vô tận.

3.              Chiều kích 3: Chiều sâu (Các cõi thể chất, tình cảm và tâm trí thấp hơn)

Chiều kích 3 là chiều kích mà chúng ta quen thuộc nhất. Đây là chiều kích được nhìn thấy bằng các giác quan vật lý. Nó là tổng hợp tất cả các độ lớn, hoặc các mặt phẳng tồn tại trong vũ trụ vật chất. Nó có các luật và nguyên tắc riêng bao gồm lực hấp dẫn, lực hút, sự phân cực, v.v.

4.              Chiều kích 4: Thời gian (Các cõi giới tâm trí cao hơn)

Chiều kích 4 sẽ được thảo luận sâu hơn. Các nhà vật lý thường định nghĩa chiều kích 4 là thời gian. Thời gian là một khía cạnh của chiều kích 4 vì nó tồn tại ở bất kỳ nơi nào có chuyển động trong vũ trụ. Chuyển động có thể xảy ra tại một địa điểm, dọc theo một con đường hoặc trong một mặt phẳng. Nó cũng có thể xảy ra trong một lĩnh vực phi vật thể được gọi là “suy nghĩ”. Tư tưởng và thời gian là hai đặc điểm chính của chiều kích 4.

 Thời gian

Có hai loại thời gian. Thời gian vật lý chỉ đơn giản là phép đo chuyển động tương đối giữa hai thiên thể trong vũ trụ vật chất. Chúng ta sử dụng đồng hồ để đo chuyển động tương đối này. Nếu không có chuyển động, không có thời gian vật lý. Trên Trái Đất, thời gian vật lý tồn tại bởi vì Trái Đất và Mặt Trời có chuyển động tương đối. Chúng ta quyết định sử dụng một vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời làm một trong những đơn vị đo thời gian cơ bản. (Đơn vị cơ bản khác là chuyển động của Trái Đất quanh trục của nó.) Thời gian vật lý là một biến số, như Einstein đã chứng minh trong Thuyết tương đối hẹp của mình. Khi các vật thể càng tiệm cận với tốc độ ánh sáng, thời gian bắt đầu chậm lại. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng nếu các vật thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, điều này sẽ làm quay ngược thời gian (ND: trong hệ quy chiếu của vật thể đó, tức là nếu chúng ta ở trên tàu vũ trụ được phóng ra khỏi Trái Đất với tốc độ nhanh hơn tốc độ ánh sáng thì càng đi xa hơn chúng ta có thể nhìn càng lùi về quá khứ trên Trái Đất).

Có một loại thời gian khác, được Krishnamurti gọi là “thời gian tâm lý”. Đây là nhận thức của chúng ta về thời gian; cảm giác của chúng ta về thời gian. Điều này được kiểm soát bởi suy nghĩ và trí nhớ. Thời gian tâm lý cũng thay đổi. Tôi chắc rằng bạn có thể nhớ về khoảng thời gian khi bạn quá mải mê với một thứ gì đó, lúc đó thời gian trôi qua nhanh như bay, hoặc khoảng thời gian mà bạn cảm thấy buồn chán và thời gian trôi qua chậm chạp như đang bò. Thời gian tâm lý là một chức năng của suy nghĩ, vì vậy nếu bạn không có suy nghĩ, bạn không có thời gian tâm lý. Cảm giác vượt thời gian này là một trong những chìa khóa dẫn đến ý thức cao hơn bởi vì bằng cách bước ra ngoài chiều kích của thời gian và suy nghĩ, bạn có thể bước vào chiều kích 5.

Suy nghĩ

Chiều kích 4 không chỉ là thời gian vật lý và tâm lý. Có thể nói, chiều kích 4 là lãnh địa của sự sáng tạo. Nó là tiểu vũ trụ được tạo ra bởi tâm trí và có cấu thành vật chất ở thế giới bên ngoài. Nếu suy nghĩ là kẻ thống trị của chiều kích 4, thì chiều kích này thực sự phải rất rộng lớn. Suy cho cùng, chúng ta không ngừng suy nghĩ, vì vậy chúng ta phải không ngừng sáng tạo. Không có cái gọi là suy nghĩ viễn vông. Chắc chắn rằng một số suy nghĩ có sức mạnh hơn những suy nghĩ khác và có nhiều khả năng thể hiện ra thế giới bên ngoài hơn. Nhưng mọi suy nghĩ và mọi hình ảnh tâm trí đều tồn tại trong một phần nào đó của chiều kích 4.

Cõi tâm trí

Lãnh địa của tâm trí là cõi tâm trí. Cõi tâm trí là một chiều kích con của chiều kích 4. Đây là nơi diễn ra mọi hoạt động trí óc. Cõi tâm trí bao gồm thực tại chung của thế giới tâm trí của mỗi cá nhân. Chứa đựng trong cõi tâm trí là tiềm thức tập thể, một thuật ngữ mà Jung sử dụng để biểu thị thực tại tập thể được tạo thành từ tất cả tiềm thức cá nhân.

Những sáng tạo tập thể của tâm trí tạo nên một số thực tại, tất cả đều là một phần của chiều kích 4. Nếu bạn nhìn lại mô hình đồng hồ cát của tâm trong Hình 5.1, bạn sẽ thấy nó đang mở ở cả hai đầu. Không có sự tách biệt thực sự giữa các tâm trí cá nhân. Không gian mở ở trên cùng của siêu thức và dưới cùng của tiềm thức là nơi tâm trí tham gia – trong các lĩnh vực rộng lớn của cõi tâm trí.

Các lĩnh vực tâm trí là nơi lưu lại của tất cả các ý tưởng, khái niệm, hình ảnh, biểu tượng và hình thức suy nghĩ. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là một kho lưu trữ. Nó là một phòng thí nghiệm sáng tạo đang hoạt động và luôn thay đổi, nơi các yếu tố kết nối và hợp nhất trong một biển nhận thức. Đây là nguồn sáng tạo của bốn thế giới thấp hơn, các cõi của “maya” (thế giới vật chất tri giác được), như triết học phương Đông đã gọi.

Chìa khóa để tiếp cận các thế giới của chiều kích 4 là niềm tin. “Bạn tin vào điều gì, bạn sẽ trải nghiệm điều đó. Cái bạn gieo, bạn sẽ gặt hái được. Bạn tạo ra thực tại của chính mình.” Đây là tất cả những biểu hiện cho cái mà Ernest Holmes gọi là “Quy luật của Tâm trí.”

Chiều kích 4 là lĩnh vực của siêu hình học, của tâm trí vượt trên vật chất. Đó là nơi thực tại bên trong và bên ngoài bắt đầu gặp nhau. Nó là cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Nó cũng là cầu nối giữa thời gian tuyến tính và thời gian phi tuyến (tức thời).

Trong chiều kích 4 tồn tại những gì chúng ta gọi là các thế giới song song. Những cảnh giới này không có độ rung cao hơn thời gian và không gian ở chiều kích 4 thông thường, nhưng tồn tại đồng thời với thực tại bình thường trong một loại “chiều kích song song”. Được biết đến rộng rãi nhất trong số này là cõi vía (astral), được mô tả dưới đây.

Một cách khác để nghĩ về các thế giới song song là dùng khái niệm về các thực tại có thể và có khả năng xảy ra, hoặc dòng thời gian. Một cuộc thảo luận chi tiết về các dòng thời gian sẽ được trình bày trong các quyển sách sau này.

Làm thế nào để bạn phân biệt được thế giới song song của chiều kích 4 và điều gì đó từ chiều kích 5 trở lên? Câu hỏi này đã làm bối rối nhiều người đang tìm kiếm trên con đường dẫn đến sự thật. Một số đã nhầm lẫn các khía cạnh đẹp đẽ hơn của chiều kích 4 với Thiên đường, niết bàn hoặc Thượng Đế. Nhưng có một số cách thử nghiệm để biết được bức tranh lớn hơn.

Trước hết, chiều kích 4 là tương đối. Điều này có nghĩa là mỗi người nhìn nhận nó khác nhau tùy theo niềm tin của họ. Nếu tôi tin vào sự nghèo khó, đó là những gì tôi sẽ tạo ra. Nếu bạn tin vào sự giàu có, bạn sẽ tạo ra nó. Nhiều người theo tôn giáo nhìn thấy hình ảnh về Chúa/Phật của họ. Vì niềm tin của họ quá mạnh nên mới tạo nên thực tại đó. Trong hầu hết các trường hợp, họ không thực sự nhìn thấy bản chất thực sự của một thực thể. Họ đang nhìn thấy một hình ảnh tâm trí hoặc thể vía – một dạng thực thể hoặc dạng suy nghĩ do tâm trí tạo ra. Chúa/Phật của họ rất thực đối với họ, nhưng đối với một người không có đức tin giống họ, hình ản ấy không tồn tại.

Thứ hai, chiều kích 4 là lĩnh vực của hiện tượng. Đó là lĩnh vực của nhà ngoại cảm, người trực giác và người mơ mộng. Đó là sân chơi của trí tưởng tượng sáng tạo, băng ghế làm việc của nhà ảo thuật, bàn chải đầu của sự sáng tạo, một trung tâm học tập và tập dợt cho các Đấng Sáng Tạo trong tương lai. Nó cũng là cửa ngõ dẫn đến cõi vía, và đến một vương quốc rộng lớn của các nhân vật thần thoại – “đáng yêu và kỳ cục”, và như chúng ta đã nói ở trên, là những sáng tạo của “các Đấng Sáng Tạo-tập-sự.”

Cõi vía (trung giới (astral))

Cõi vía, còn được gọi là trung giới, là một chiều kích con của chiều kích 4. Nó có thể được coi như một kho lưu trữ những sáng tạo của các vị thần cấp thấp hơn. Một mô phỏng thích hợp là cõi này giống tập phác thảo của nghệ sĩ. Mọi “sáng tạo lỗi” hoặc “mẫu sai” đều bị thải vào cõi vía. Cõi vía được chia thành các cõi nhỏ hơn, mỗi cõi này chứa đầy những sáng tạo tương ứng với sự rung động hiện diện bên trong mỗi nhà sáng tạo. Cõi vía thấp đã được một số người gọi là “cống rãnh” của Sự Sáng Tạo vì nó có xu hướng là ngôi nhà của tất cả những sáng tạo không mong muốn. Tất cả các dạng tư tưởng bị phủ nhận cuối cùng sẽ kết thúc ở đây nếu chúng không được phục hồi và đưa vào ý thức. Giống như tất cả các thực thể ở chiều kích 4, các tác phẩm sáng tạo của cõi vía thấp là có thật trong tâm trí của người tạo ra chúng và trong giới hạn của chúng, nhưng không có sức mạnh nào vượt ngoài chiều kích 4.

Giống như trạng thái của giấc mơ, trạng thái đại diện cho các cõi vía cao hơn, cõi vía thấp là duy nhất cho mỗi linh hồn; tức là, không có hai linh hồn cùng chia sẻ một cõi vía theo cùng một cách giống hệt nhau. Quái vật của một người có thể không tồn tại trong cõi vía của người khác. Trong khi mỗi cõi vía là duy nhất đối với người tạo ra nó, các linh hồn có thể chia sẻ không gian trung giới bằng cách “quay số” cùng một tần số. Điều này tương tự như một máy tính có mật khẩu. Nếu nhiều người dùng cùng biết mật khẩu, họ có thể truy cập được vào các chương trình và tệp giống nhau.

Trừ khi bạn có quái vật trong suy nghĩ của riêng mình, có thể bạn không thể “quay số” cùng tần số với linh hồn nghĩ về quái vật trong cõi trung giới. Vì vậy, quái vật của anh ấy/cô ấy sẽ không có thật đối với bạn. Tuy nhiên, nếu niềm tin của bạn vào quái vật đủ mạnh, bạn có thể tạo ra những con quái vật của riêng mình, nhưng hầu hết những người sáng tạo có ý thức thường thích thứ gì đó dễ chịu hơn (là quái vật).

Các cõi vía cao hơn là nơi mà các phân mảnh ý chí và các cơ thể “trong mơ” ở cõi vía có xu hướng lang thang ở đây. Đây cũng là những vương quốc của trí tưởng tượng, là “tấm đệm hành nghề” cho các vị thần sáng tạo. Mỗi linh hồn có một thể vía riêng và một “không gian thiêng liêng” riêng. (Xem Bảng chú giải thuật ngữ để có định nghĩa đầy đủ hơn về các thuật ngữ này.)

Các trạng thái mơ

Trong trạng thái mơ, bạn có thể có một số loại giấc mơ. Dưới đây tôi đã liệt kê 4 loại giấc mơ cơ bản theo thứ tự phổ biến và tầng thứ nhận thức, phổ biến nhất là giấc mơ “phục hồi tiềm thức” nơi tiềm thức của người mơ đang giải quyết các vấn đề hàng ngày trong khi ngủ. Những giấc mơ này thường là trần tục và thực sự xảy ra ở tầng thứ tâm trí và tinh tế hơn là ở cõi trung giới. Các nhân vật trong giấc mơ là những hình ảnh trong tiềm thức chứ không phải là những sinh mệnh thuộc cõi vía.

Loại giấc mơ tiếp theo là giấc mơ biểu tượng. Những giấc mơ loại này có thể xảy ra ở tầng thứ tâm trí hoặc trung giới, nhưng vẫn có xu hướng chỉ liên quan đến không gian thiêng liêng của người mơ chứ không phải cõi trung giới chung. Các sự kiện và hành động trong giấc mơ biểu tượng đại diện cho các bài học cuộc sống và thông tin tâm hồn. Giống như những giấc mơ phục hồi tiềm thức, các nhân vật là sự phóng chiếu của tiềm thức chứ không phải là những sinh mệnh thuộc cõi vía.

Loại giấc mơ thứ ba là giấc mơ sáng suốt. Ở đây, chúng ta bắt đầu thấy sự giao thoa từ trung giới cá nhân sang trung giới tập thể. Về bản chất, người mơ thức tỉnh từ cõi phóng chiếu của tiềm thức và đi vào cõi trung giới thực sự, trở nên ý thức rằng anh ta đang mơ. Anh ta có thể hoàn toàn tỉnh táo khi ở trong trạng thái này và có thể tìm kiếm những trải nghiệm thể vía. Hình ảnh ở đây rõ ràng và sống động, và có thể chia sẻ giấc mơ với các sinh mệnh thuộc cõi vía hoặc những người mơ khác, mặc dù điều này đòi hỏi một trạng thái tâm trí rất tỉnh thức. Một người mơ sáng suốt ý thức được thể vía của mình và thường sử dụng nó để bay xung quanh. Tôi đã nghiên cứu thể vía của mình trong suốt giấc mơ sáng suốt và nhận thấy nó có dạng sáp và hơi giống cao su. Khi nhìn vào gương, đôi mắt thể vía có xu hướng gần như không có đồng tử và có xu hướng sáng lung linh và lấp lánh trong ánh sáng thiên tiên của cõi trung giới.

Loại giấc mơ thứ tư là giấc mơ siêu việt, hoặc giấc mơ xuyên chiều kích, trong đó người mơ thực sự đưa thể vía của mình vào các chiều kích con khác của cõi trung giới thông qua “sợi dây bạc”. Đây là trải nghiệm ngoài cơ thể thực sự và khá hiếm đối với hầu hết mọi người. Không giống như ba loại giấc mơ đầu tiên, giấc mơ xuyên chiều kích có thể xảy ra trong thời gian xuất thần và thiền định cũng như khi giấc ngủ bình thường.

Vong linh

Khi một linh hồn trải qua cái chết thể xác, một số điều có thể xảy ra, tùy thuộc vào mức độ ý thức tại thời điểm chết. Nếu linh hồn chưa hòa hợp ý chí và tinh thần (và hầu hết các linh hồn trải qua cái chết thể xác là như vậy), ý chí không thể thăng lên các cõi cao hơn và thay vào đó sẽ đi vào cõi vía hoặc cõi dĩ thái. Ý chí bây giờ là một vong linh, một mảnh linh hồn. Phần còn lại của linh hồn (tinh thần) có thể thăng lên một tầng thứ cao hơn, do đó tạo ra sự chia rẽ. Sau đó, ý chí chờ đợi sự tái sinh của tinh thần để nó có thể đoàn tụ; nhưng thông thường, ý chí có thể phân mảnh thêm hoặc gắn liền với một linh hồn khác trong cơ thể vật lý. Quá trình này được mô tả đầy đủ hơn trong Chương 20.

Phân mảnh ý chí (hay còn gọi là phân mảnh linh hồn)

Các phân mảnh ý chí là các khía cạnh của cơ thể cảm xúc bị tách rời khỏi linh hồn và thể chất khi chết, hoặc được tách và phóng ra khỏi cơ thể trong quá trình “ràng buộc”, một kiểu gắn kết tâm linh giữa hai hoặc nhiều linh hồn. Khi hai hoặc nhiều linh hồn tương tác, ý chí của họ (cơ thể cảm xúc) hòa trộn và hợp nhất. Những phân mảnh ý chí từ một linh hồn này có thể tự gắn kết với linh hồn kia. Khi hai linh hồn tách rời nhau, có thể không phải tất cả những phân mảnh ý chí đều trở lại trạng thái ban đầu. Ví dụ, tôi có thể có một số phân mảnh ý chí của bạn và bạn có thể có một số phân mảnh của tôi. Các phân mảnh của ý chí cũng có thể bị đẩy ra khỏi cơ thể thông qua việc phủ nhận. Nếu chúng không tự gắn vào một cơ thể khác, chúng có thể trôi lăn trong cõi trung giới. Những phân mảnh ý chí là một trong những lời giải thích cho những hồn ma và sự hiện hình. Mặc dù cái chết về thể xác là cách phổ biến nhất để ý chí bị phân mảnh, nhưng vẫn có những trường hợp tồn tại của những hồn ma của người đang sống.

Các dạng tư tưởng

Các dạng tư tưởng là các xung năng lượng phát ra từ linh hồn vào cõi vía (astral) và cõi dĩ thái (ether) và ý thức đại chúng (tiềm thức tập thể). Chúng là khối gạch xây dựng nên sự sáng tạo thuộc chiều kích 4 và là một khía cạnh chính của quá trình đưa mọi thứ vào biểu hiện. Không có cảm xúc, ý chí, mong muốn và sức mạnh, các dạng tư tưởng có rất ít khả năng kết thành thành hiện thực bên ngoài. Thay vào đó, chúng trôi dạt không mục đích qua các cõi tâm trí và nếu không được củng cố, cuối cùng sẽ tiêu biến vào các trường năng lượng tĩnh (sau khi được in dấu trong Hồ sơ Akashic).

Những suy nghĩ được lặp đi lặp lại có xu hướng kết tinh thành những dạng tư tưởng mạnh mẽ hơn, giống như một giọt nước nhỏ xíu kết tinh thành một cụm lớn hơn chứa nhiều giọt nước đóng băng. Cuối cùng thì dạng tư tưởng trở nên đủ lớn để kết thành hiện thực bên ngoài, giống như bông tuyết trở nên đủ nặng để ngưng tụ và rơi xuống trong bầu khí quyển.

Cơ chế thực tế của sự ngưng tụ/kết thành liên quan đến các hạt hạ nguyên tử, neutrino và quark, một vấn đề quá phức tạp để đi sâu phân tích ở đây. Ở đây chỉ cần nói rằng các nhà vật lý đã khám phá ra các đơn vị cơ bản của ý thức trong nghiên cứu hạ nguyên tử. Các lượng tử (gói năng lượng hạt) này hoạt động chính xác theo cách mà các nhà khoa học mong đợi, bởi vì họ thực sự đang xem xét các hạt/sóng được tạo thành từ ý thức của chính họ – tức ý thức của họ được kết thành trong môi trường phòng thí nghiệm.

Các dạng tư tưởng có thể được phóng chiếu một cách có ý thức hoặc vô thức từ người này sang người khác và có thể xuất hiện trong con mắt tâm trí của người nhận như một hình ảnh, biểu tượng hoặc thực thể. Sự phóng chiếu tâm trí thành hình ảnh ba chiều là một kỹ thuật được sử dụng bởi một số người ngoài Trái Đất (ET) và con người tiên tiến, theo đó hình ảnh của thực thể được phóng chiếu tới người khác ở một thời điểm hoặc địa điểm khác. Nếu người nhận có khả năng thấu thị, dạng tư tưởng có thể trông giống như cơ thể của người gửi, “vật chất hóa” trong phòng, ít nhất là đối với tầm nhìn bên trong. Trong một số trường hợp, phóng chiếu tâm trí có thể được nhìn thấy bằng mắt thường (vật lý).

Các quy luật của chiều kích 4

Các quy luật của nghiệp và nhân quả là những quy luật tối cao của chiều kích 4. Đây là hai luật riêng biệt, nhưng để đơn giản, chúng ta sẽ đánh đồng chúng ở đây. Ngoài chiều kích này, khái niệm về nghiệp là vô nghĩa. Nghiệp không phải là hình phạt; một cái gì đó để được chuộc lỗi. Nó thực sự là sự tổng hợp của hai quy luật khác của chiều kích 4, quy luật của tâm trí và quy luật của sự phản chiếu. Sự khác biệt chính giữa nghiệp và sự phản chiếu là đối với nghiệp, thường có một độ trễ thời gian giữa ý định tạo ra và tạo tác thực tế. Quy luật phản chiếu nói rằng những gì bạn tin tưởng, bạn sẽ nhìn thấy ở thế giới bên ngoài. Quy luật của tâm trí nói rằng suy nghĩ là sáng tạo. Quy luật phản chiếu thực sự là nghiệp “tức thời”; nghĩa là bạn tạo ra một hình ảnh trong tâm trí về cách mọi thứ đang diễn ra và đó là những gì bạn thấy khi nhìn ra thế giới.

Khi bạn suy nghĩ một cách sáng tạo, có thể mất thời gian để những tác động của suy nghĩ biểu hiện trong cuộc sống của bạn. Có nhiều lý do cho độ trễ thời gian; những lý do này quá phức tạp để đi sâu phân tích ở đây. Tuy nhiên, câu nói trong Kinh Thánh, “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy” là một phép ẩn dụ hay cho quy luật nghiệp, vì nó giống như việc gieo trồng một cánh đồng. Bạn gieo hạt (suy nghĩ), sau đó phát triển thành cây trồng (biểu hiện). Quá trình này chắc chắn cần có thời gian. Nếu bạn muốn thay đổi cây trồng, bạn phải thay đổi hạt giống. Nếu bạn muốn thay đổi kết quả trong cuộc sống của mình, bạn phải thay đổi suy nghĩ của mình.

Một trong những phép mô phỏng suy yêu thích của tôi là kịch bản phim (bạn có thể dễ dàng nhận thấy, bởi vì tôi thường xuyên sử dụng nó trong suốt cuốn sách này). Bạn đang ở trong rạp xem một bộ phim có tên “Cuộc đời của bạn”. Giả sử bạn không thích bộ phim. Hãy tưởng tượng sẽ nực cười như thế nào nếu bạn chạy lên lối đi của rạp chiếu phim và cố gắng di chuyển các nhân vật trên màn hình bằng cánh tay của bạn vì bạn không thích cách họ đang diễn xuất. Tuy nhiên, đây chính xác là cách hầu hết mọi người hành xử liên quan đến suy nghĩ của họ.

Nếu tâm trí của bạn là máy chiếu, thì bộ phim là suy nghĩ và niềm tin của bạn, và những gì diễn ra trên màn hình là cuộc sống của bạn. Để thay đổi những gì diễn ra trên màn hình (cuộc sống của bạn), bạn phải thay đổi bộ phim (suy nghĩ và niềm tin của bạn). Tất nhiên, bạn luôn có thể bước ra khỏi rạp (sự buông bỏ), và đôi khi đây là động thái tốt nhất, đặc biệt nếu bạn bị cuốn vào bộ phim một cách vô vọng và không thể biết bạn đã tạo ra nó như thế nào. Nhưng sớm muộn gì bạn cũng phải học cách làm chủ tâm trí của mình và trở thành một nhà sản xuất phim và đạo diễn phim xuất sắc.

Tóm lại, các chủ đề chúng tôi đề cập ở đây rất rộng lớn và tôi khuyến khích bạn tìm kiếm những cuốn sách và lớp học về siêu hình học đi sâu hơn vào thời gian, suy nghĩ và tâm trí. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy tiếp tục chuyến tham quan về các chiều kích.

5.              Chiều kích 5: Tình yêu (Cõi dĩ thái (ether)

Chiều kích 4 là cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Khi chúng ta đi qua cây cầu đến chiều kích 5, chúng ta rời khỏi thế giới nhị nguyên và bước vào một thế giới hoàn toàn khác của tình yêu và sự hợp nhất.

Chiều kích 5 bắt đầu với cõi dĩ thái (ether), một cảnh giới vô hình nằm ngoài tầng thứ tâm trí và vía, và là một cánh cửa dẫn đến trái tim.

Cõi dĩ thái (ether)

Cõi dĩ thái (ether) đề cập đến mạng điện từ bao quanh và xuyên qua vũ trụ vật chất. Thể dĩ thái là thuật ngữ thời đại để mô tả trường điện từ (EMF), hay hào quang, xung quanh cơ thể vật chất. Thể dĩ thái tương tự như cơ thể cảm xúc, nhưng thể dĩ thái bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ năng lượng cảm xúc. Cơ thể cảm xúc chiếm không gian trong thể dĩ thái, và cảm xúc cá nhân được lưu trữ trong các phần khác nhau của trường hào quang. Cõi dĩ thái ít đặc hơn cõi vật lý nhưng có thể được đo bằng các thiết bị vật lý và có thể cảm nhận được về mặt thể chất. Tất cả các vật thể đều có trường hào quang phát ra từ tâm của vật thể vào vùng sâu xa của Vũ Trụ.

Cõi dĩ thái là một biển năng lượng rộng lớn chứa tất cả các trường hào quang của mọi vật thể và thực thể. Trong mỗi trường hào quang, các Hồ sơ Akashic được in dấu (mặc dù bản thân Hồ sơ Akashic đến từ các cõi nhân quả bên ngoài cõi dĩ thái). Những dấu ấn này chứa các bản thiết kế, hoặc sơ đồ, của các đối tượng vật lý, giống như một bản vẽ kỹ thuật chứa tất cả các dữ liệu cần thiết để xây dựng một ngôi nhà.

Hào quang

Hào quang là trường điện từ xung quanh các vật thể hoặc con người. Nó có thể dễ dàng nhìn thấy bởi những người thấu thị và cảm nhận được bởi những người thấu cảm. Nó bao gồm các dao động thô và tinh tế trong trường điện từ trải dài vô tận từ vật hoặc người. Khi khoảng cách tăng lên, cường độ trường điện từ thường giảm. Trường điện từ xung quanh một người điển hình trở nên không thể phát hiện được bằng các thiết bị khoa học cách cơ thể vài bước chân. Tuy nhiên, trường hào quang của bạn mở rộng khắp Vũ trụ theo mọi hướng, vì vậy thực sự không có nơi nào trong tất cả Sự Sáng Tạo mà bạn không có mặt. Tuy nhiên, vào trong khoảng cách xa tầm một dặm, trường hào quang rất tinh tế đến nỗi hầu hết các nhà tâm linh cũng không thể phát hiện ra nó.

Bạn có thể đo cường độ và cực của trường hào quang bằng que cảm xạ, con lắc và các thiết bị khác. Đơn giản chỉ cần đứng trước một người, bắt đầu cách xa vài bước chân và đi chậm về phía cơ thể người đó trong khi giữ các que thẳng trước mặt bạn. Khi các que bắt chéo nhau, bạn đã chạm đến phần ngoài của trường hào quang tổng thể. Đối với tất cả các mục đích thực tế, chúng ta sẽ quan tâm đến trường tổng hợp, hoặc khu vực thường được phát hiện bởi các nhà tâm linh và thiết bị cảm xạ.

Trường hào quang tăng giảm kích thước tùy thuộc vào ý thức của con người. Nếu một người “thả lỏng” và đang có những suy nghĩ không định hướng, hào quang có xu hướng lớn hơn so với khi người ta tập trung vào một suy nghĩ hoặc cảm giác cụ thể. Bạn có thể thu nhỏ kích thước trường hào quang của mình bằng cách sử dụng các kỹ thuật nối đất (giải thích trong Phụ lục). Những người có sức lôi cuốn cao thường có hào quang lớn bao bọc rất nhiều người. Những người sống nội tâm và thu mình có xu hướng có hào quang luôn ở gần cơ thể.

Màu sắc của hào quang nói lên rất nhiều về trạng thái nhận thức của một người. Nói chung, màu sắc sống động tươi sáng thể hiện sức khỏe tốt trong khi màu sắc mờ nhạt, u ám biểu thị cho bệnh tật. Có nhiều sắc thái và sự tinh tế đối với hào quang và nhiều lớp hào quang. Hầu hết mọi người có một số lớp, hoặc “vỏ” cho trường hào quang của họ. Các lớp bên trong tương ứng với các cấp độ vật chất hơn, trong khi các lớp bên ngoài thì tinh tế hơn. Hầu hết mọi người có năng lượng bên ngoài thường là từ gia đình và bạn bè được nhúng vào các lớp hào quang bên ngoài của họ. Những người gần gũi nhất với người đó (người yêu, con cái, v.v.) có thể có năng lượng nhúng vào các lớp bên trong của hào quang.

Bảng sau đây mô tả ý nghĩa thông thường cho các màu khác nhau trong trường hào quang được quan sát bởi người thấu thị:

Bảng 10.1 – Màu hào quang

Màu sắc Ý nghĩa
Đỏ Đam mê, tình dục, tràn đầy năng lượng
Đỏ sẫm Tức giận, tâm trạng dễ thay đổi
Cam Xã giao, dễ gần gũi, tâm trạng tham dự tiệc
Vàng Thông minh, trí năng, khái niệm
Xanh lá tươi sáng Yêu thương, năng lượng trái tim
Xanh lá đậm Lực sống, chữa lành, thiên nhiên
Ngọc lam Chữa lành bằng từ các hướng dẫn tâm linh
Xanh biển nhạt Chữa lành các vùng cụ thể trên cơ thể
Xanh biển đậm Mở rộng, nhận thức cao
Chàm Tập trung sâu sắc, trực giác
Tím Chuyển đổi, thanh lọc mãnh liệt
Hồng Tình yêu, lòng trắc ẩn
Xanh lam – trắng Sự thanh tẩy, siêu việt
Trắng Đấng Christ, sự trong sạch
Bạc Năng lượng Mẹ Thiêng liêng
Vàng Năng lượng Cha trên thiên đàng
Nâu Bối rối, lộn xộn
Đen Đóng cửa, phủ nhận
Xám Thiếu sinh lực, năng lượng thấp
Nhiều màu sắc với các vệt hoặc đường sọc màu đen Ràng buộc hoặc mắc míu về tâm linh với người khác; yêu cầu từ người khác áp đặt lên bản thân
Nhiều màu sắc với các lớp màu đen hoặc nâu Mang gánh nặng của người khác; cảm giác tội lỗi, tự phán xét
Màu theo sau là trắng hoặc vàng Sự bảo vệ thần thánh được khẩn cầu
Màu sắc lộn xộn Bối rối, thiếu bản sắc
Màu xanh lam với các vệt hoặc đường sọc màu đỏ Sự giận dữ đang được xử lý; chữa lành cảm xúc mãnh liệt

 

Các luân xa

Luân xa là những vùng xoáy (vùng tập trung) của năng lượng điện từ trong thể dĩ thái. Có rất nhiều sách về luân xa, vì vậy tôi sẽ nói ngắn gọn ở đây. Tôi thích sự mô phỏng như cầu vồng, vì vậy tôi sẽ dùng cách này. Có 12 luân xa cơ bản dọc theo trục dọc của cơ thể và một số luân xa nhỏ hơn trên bàn tay và bàn chân. 12 luân xa chính tương ứng với 12 mật độ và như sau:

Bảng 10.2 – Luân xa

Luân xa 1 (Màu đỏ – điểm cuối của cột sống) – Luân xa đầu tiên đặt cơ thể vật chất trên Trái Đất. Nó xử lý các vấn đề sinh tồn và sinh sản.
Luân xa 2 (Màu da cam – cơ quan sinh dục) – Luân xa thứ hai chủ yếu liên quan đến tình dục và giao tiếp xã hội, và bao gồm những cảm xúc liên quan đến tình dục và cần sự chấp thuận từ người khác.
Luân xa 3 (Màu vàng – đám rối mặt trời) – Luân xa thứ ba là khu vực của ý chí, trực giác và mong muốn, đồng thời giải quyết các vấn đề về quyền lực cá nhân và sự cạnh tranh.
Luân xa 4 (Màu xanh lá cây – trái tim) – Luân xa thứ tư đại diện cho sự cân bằng và sinh lực. Trái tim tâm linh tỏa ra một màu hồng và đôi khi được xem là một luân xa của riêng nó, nằm ở phía trên trái tim một chút.
Luân xa 5 (Màu xanh lam – cổ họng) – Luân xa thứ năm tập trung vào các khía cạnh tâm trí và khái niệm của bản thân và liên quan đến biểu hiện và giao tiếp.
Luân xa 6 (Màu chàm- con mắt thứ ba- trán) – Luân xa thứ sáu là trung tâm ngoại cảm và thị giác bên trong và đại diện cho tâm trí cao hơn.
Luân xa 7 (Màu tím – vương miện) – Luân xa thứ bảy là cửa ngõ giữa các chiều kích vật chất và cao hơn, và đại diện cho nguồn cảm hứng từ tinh thần và trí tuệ cao hơn.
Luân xa 8-12 (Nhiều màu sắc khác nhau – trên vương miện) – Luân xa thứ tám đến thứ mười hai đại diện cho các cơ thể tinh tế và mối liên hệ với tinh thần.

 

Các luân xa khỏe mạnh tỏa ra màu sắc gốc của chúng và có xu hướng quay như bánh xe theo chiều kim đồng hồ. Các luân xa không khỏe mạnh có xu hướng bị mờ dần và không quay, hoặc quay ngược chiều kim đồng hồ. Các luân xa là các tiêu điểm năng lượng của thể dĩ thái tương ứng với các cơ quan nhất định trong cơ thể. Ví dụ, một vấn đề ở luân xa thứ ba thường liên quan đến đau dạ dày và bụng. Nếu có những vấn đề tình cảm chưa được giải quyết, đám rối mặt trời và luân xa tim thường không khỏe mạnh và các cơ quan tương ứng có thể có xu hướng bị bệnh. Để hàn gắn mối bất hòa trong thể dĩ thái, người ta cần bước vào những rung động tốt hơn của chiều kích 5 và vượt qua cầu nối giữa chiều kích 4 và chiều kích 5 để yêu thương.

Nhịp cầu dẫn đến tình yêu

Nếu chiều kích 4 là thời gian và suy nghĩ thì chiều kích 5 là tình yêu. Tình yêu bắt đầu từ chiều kích 5 nhưng nó không bị giới hạn bởi chiều kích này. Ở đây, thời gian mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Trong chiều kích 5 vẫn có tính cá nhân, nhưng nó không bị ràng buộc bởi những sáng tạo của tâm trí. Đó là cõi của trái tim, nơi câu nói “Anh em như thể tay chân” trở nên ý nghĩa. Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng rằng tất cả cuộc sống là một sự phản chiếu, rằng tôi ở trong bạn và bạn ở trong tôi. Các vấn đề của chúng ta, ước mơ của chúng ta, tầm nhìn của chúng ta trở nên được chia sẻ (trở thành những vấn đề, ước mơ, tầm nhìn chung) – nhưng chúng ta vẫn là những sinh vật đa diện, độc nhất. Chúng ta vẫn đang trải nghiệm cuộc sống; chúng ta vẫn chưa hoàn toàn là một với trải nghiệm.

Chiều kích 5 là nơi mà quyển sách “A Course In Miracles” gọi là “thế giới thực”. Đây là một thế giới được tạo ra bởi tình yêu, phản chiếu những cõi trời cao hơn. Giống như các vị thần-tập-sự, các vị thần tình yêu cũng có sân chơi của họ, nhưng đó là một sân chơi hạnh phúc, vui vẻ, tràn đầy sự phong phú và trải nghiệm chung.

Mở cửa trái tim

Đỉnh cao của kiến ​​thức trần thế nằm ở trên cùng của chiều kích 4 của tâm trí. Đó là tất cả các phương pháp phát triển cá nhân đã thành thục, tất cả các kinh nghiệm trong cuộc sống được giải thích, tất cả các con đường của thời gian và không gian được nhìn thấy bằng sự hiểu biết bằng tâm trí. Đó là những người có khả năng làm chủ thời gian và không gian; các nhà khoa học và toán học vĩ đại. Đó là trí năng khôn ngoan và khéo léo, được phát triển cao độ và phù hợp với khả năng ngoại cảm, trực giác và trí tưởng tượng.

Có một điểm trong quá trình tiến hóa của mỗi linh hồn khi người đó đi đạt độ lớn mật độ 4,99 – điểm cao nhất trong cõi tâm trí. Nhưng để nhảy đến 5,00 – mật độ 5 (tương ứng với chiều kích 5) – đòi hỏi sự mở rộng của trái tim.

Bước nhảy này rất nhỏ trong bức tranh tổng thể, nhưng có thể dường như rất lớn khi một người bị mắc kẹt trong tâm trí; mắc kẹt trong thời gian. Không có trí năng hay tư tưởng cao siêu nào của trần thế có thể chạm đến tình yêu. Bản ngã và lý trí phải tan biến và trở nên hoàn toàn cởi mở trước khi sự hiện diện của tình yêu có thể nâng tâm hồn nhẹ nhàng lên trên nghiệp báo, nhân quả, và tất cả các hiện tượng của chiều kích 4.

Sự hợp nhất thực sự

Sự hợp nhất của trái tim là sự hợp nhất bên trong của sự đồng điệu và kết nối cá nhân. Bạn vẫn là một linh hồn riêng lẻ, đang phát triển thành thần thánh. Không phải cho đến khi bạn đạt đến chiều kích 5, sự hợp nhất thực sự mới có thể xảy ra. Cho đến thời điểm đó, quá trình tiến hóa dường như mang tính lột bỏ và bóc tách các lớp của bản ngã cho đến khi chỉ còn lại phần tinh túy thực sự.

Không có công thức, không có đũa thần, không có phương pháp để yêu. Khi tâm hồn được thanh lọc và có được sự hiểu biết, con đường sẽ rộng mở cho bước nhảy lượng tử vào trái tim.

Trái tim là trung tâm. Khi bạn được tập trung vào trung tâm và tất cả các bộ phận được sắp xếp vào nhau, nhận thức về linh hồn của bạn – tia sáng riêng lẻ vĩnh cửu của Thượng Đế, cuối cùng cũng được nhận ra. Và từ bên ngoài tình yêu, ánh sáng và phúc lạc của chiều kích 5, một bài hát mới được vang lên, một bài hát từ bên ngoài thế giới, từ một cõi vượt thời gian, nơi không có lời nào có thể diễn tả được.

Bước từ chiều kích 5 đến chiều kích 6 nhẹ nhàng và nhanh chóng. Đột nhiên, thời gian mang một ý nghĩa hoàn toàn khác và ký ức về sự vĩnh hằng quay trở lại, với nhận thức rằng những điều này không bao giờ rời bỏ bạn – chỉ có nhận thức của bạn về nó đã biến mất.

6.              Chiều thứ sáu: Trí tuệ (Cõi Nhân quả)

 Cõi nhân quả

Cõi nhân quả là sự sáng tạo tập thể của các linh hồn cá nhân và chứa Hồ sơ Akashic và các khối xây dựng của cõi dĩ thái. Các nghệ sĩ có khả năng nhìn xa trông rộng đã thấy một thế giới kết tinh của vẻ đẹp tinh tế, các cõi nhân quả giống như trung tâm điều khiển chính của thế giới thời gian và không gian. Một sự điều chỉnh nhỏ trong cấu trúc tinh thể của cõi nhân quả có thể tạo ra những thay đổi căn bản trong toàn bộ liên tục không-thời gian. Cõi này chứa đựng kết cấu chính, bản chất chính của quá trình tiến hóa.

Cõi nhân quả là nơi các linh hồn tiến hóa cao đi giữa các lần hóa thân để xem xét quá trình tiến hóa của họ. Từ vị trí thuận lợi này, toàn bộ dòng thời gian của quá trình tiến hóa có thể được nhìn thấy trải ra bên dưới họ. Họ có thể quyết định vị trí của dòng thời gian để hóa thân tiếp theo tùy thuộc vào những bài học nào chưa được học trong thời gian và không gian.

Sự hướng dẫn tâm linh đến từ các thiên giới ngay trên họ. Đây là những vương quốc của trí tuệ và sự thông thái rộng lớn, quê hương của các thiên thần. Nhưng trước khi chúng ta khám phá các cõi thiên giới, hãy để tôi đề cập đến một chủ đề khác mà trái tim tôi yêu quý.

Âm nhạc

Với tôi, âm nhạc là cánh cửa của tâm hồn; cánh cửa dẫn đến chiều kích 6. Một số bản nhạc ngay lập tức nâng tôi vượt thời gian và không gian và thậm chí khiến trái tim đắm say với bản chất vượt thời gian của chính cuộc sống; các cõi nhân quả.

Trước khi tôi bắt đầu sống với hóa thân này trên Trái Đất, tôi đã tồn tại trong vầng hào quang của hành tinh Sao Kim, theo học các ngôi trường huyền bí và các ngôi đền khai tâm ở đó. Đây là một trong những nơi mà các linh hồn cá nhân ghé thăm giữa các tái sinh để được hướng dẫn từ các chiều kích cao hơn. Tôi vẫn có thể nhớ âm nhạc của Sao Kim và thế giới chiều kích 6 với vẻ đẹp lạ thường đã truyền cảm hứng cho âm nhạc này.

Ngày nay có một số bản ghi âm bắt nguồn từ cõi linh hồn. Mỗi khi tôi nghe một bản như vậy, tình yêu và vẻ đẹp ngây ngất của Sao Kim lại hiện về trong tôi và lấp đầy trái tim tôi. Tôi đã liệt kê một số bản nhạc này trong phần Phụ lục.

7.              Chiều kích 7: Cõi linh hồn/Thiên giới cõi hạ

Chiều kích 7 thường được gọi là cõi linh hồn vì nó là nơi ở thực sự của linh hồn. Chính ở đây, sự vĩnh cửu bắt đầu. Không có bắt đầu và không có kết thúc, biển tình yêu mở rộng khắp Vũ trụ, kêu gọi tất cả cùng hiệp nhất và trở thành nhất thể. Trong chiều kích 7 không còn bản ngã hay nhân cách. Có một Cái Tôi duy nhất, một linh hồn duy nhất, đắm chìm trong thế giới của vũ điệu, ánh sáng rung động và ý thức thuần khiết. Vẫn có “bạn” và “tôi” nhưng có sự ngăn cách. Mọi thứ đều được kết nối với mọi thứ khác.

Cõi linh hồn là tầng thứ cao nhất của tính cá nhân. Trong cõi giới này, bản chất thuần khiết, Cái Tôi Cao Hơn hoặc linh hồn (bất kỳ thuật ngữ nào bạn chọn) phát triển thành một vũ trụ lớn hơn và lớn hơn của riêng nó, cuối cùng học cách tạo ra toàn bộ các vũ trụ mới.

Mặc dù linh hồn có thể hợp nhất với các linh hồn khác, và thường xuyên là như vậy, nhưng đối với bản thân nó vẫn là một thực tại hoàn chỉnh, duy nhất, một hình ảnh ba chiều của Thượng Đế. Linh hồn được tiến hóa hoàn toàn có thể tạo ra vô số dạng sống, mỗi dạng là một đại diện ba chiều của chính nó.

Chiều kích 7 là nơi chúng ta bắt đầu hiểu ý nghĩa của ngọn lửa sinh đôi và linh hồn cấp cao (linh hồn nhóm). Đó là cầu nối giữa các linh hồn cá nhân với các cõi tinh thần và Thượng Đế. Đó là một vương quốc của vẻ đẹp và tình yêu vượt thời gian, nơi mà phép màu và sự mê hoặc ngự trị.

Thiên giới cõi hạ

Chiều kích 7 là nơi bắt đầu của các thiên giới thực sự.

Các thiên giới là những cõi trong sáng, sống động của ánh sáng thuần khiết, tồn tại vượt xa các thế giới của thời gian và không gian. Các thiên giới ở khắp mọi nơi và không ở đâu cả; khái niệm về khoảng cách và độ lớn là vô nghĩa ở đây, nhưng vì đây là một phần của chiều kích 7, nên từ đây có thể truy cập được vào tất cả các chiều kích thấp hơn. Điều này giải thích tại sao các linh hồn ở chiều kích 7 có thể “nhìn vào” Trái Đất và xem những gì đang diễn ra ở đó.

Chiều kích 7 cũng là một tầng thứ thông thái và trí tuệ tối cao, một kho kiến ​​thức vô tận hướng dẫn mọi tâm hồn trong cuộc hành trình đến cõi vĩnh hằng. Các cõi của tổng lãnh thiên thần nằm ngay phía trên, trong chiều kích 8, và do đó, trí tuệ vũ trụ của Thượng Đế có thể tiếp cận trực tiếp ở đây.

8.              Chiều kích 8: Linh hồn cấp cao/Thiên giới cõi trung của tổng lãnh thiên thần

Năng lượng của cảnh giới này được kết nối trực tiếp với Chúa Cứu thế. Đây là nơi có các tổng lãnh thiên thần hùng mạnh; những sinh mệnh to lớn của ánh sáng, những người giám sát các thế giới thấp hơn bằng trí tuệ và sự thông thái.

Cư ngụ trong các thiên giới cõi trung là các linh hồn cấp cao, hay các nhóm hồn. Những sinh mệnh tuyệt vời này là những cụm linh hồn riêng lẻ đã hợp nhất thành Nhất thể. Các linh hồn cấp cao hướng dẫn các linh hồn riêng lẻ và cung cấp hướng dẫn về cách thức và địa điểm để hóa thân.

Linh hồn cấp cao

Trong Chương 7, chúng tôi đã giới thiệu khái niệm về tổng hồ. Bây giờ tôi muốn đi sâu hơn. Linh hồn cấp cao là ý thức linh hồn tập thể của linh hồn cá nhân. Nó cư ngụ trong chiều kích 8. Đây là nơi các linh hồn nhận được kế hoạch hóa thân của họ. Chính tại đây, các linh hồn đánh giá quá trình tiến hóa của họ.

Mặc dù gia đình linh hồn là một về tinh thần, nhưng các linh hồn cá nhân đến và đi khi diễn ra các hóa thân, và luôn luôn quay trở lại, giống như các gia đình Trái Đất vào thời điểm Giáng sinh.

Không còn đơn độc, mỗi linh hồn bắt đầu hợp nhất và tham gia vào sự phúc lạc hài hòa, với linh hồn song sinh và nhóm linh hồn của nó. Cũng như rất khó để tưởng tượng làm thế nào ý chí tự do và tiền định có thể tồn tại đồng thời, ta rất khó để hiểu được, bằng tâm trí, làm thế nào một linh hồn có thể vẫn là cá thể trong chiều kích 5 đến 7 trong khi đồng thời hợp nhất và gia nhập vào chiều kích 8.

Để hiểu được những cảnh giới cao hơn, bạn phải vượt ra ngoài tâm trí vào vô tận và tĩnh lặng. Từ sâu trong sự tĩnh lặng vang lên bài hát của tạo hóa, cổ xưa nhưng mãi mãi mới, không thay đổi, nhưng mãi mãi thay đổi. Và khi trái tim lấp đầy vẻ đẹp của cõi này, linh hồn được đưa vào Nhất thể, nơi tất cả những thứ khác tan biến vào vô nghĩa. Chiều kích 8 là cửa ngõ dẫn đến các Thiên giới cõi trung. Trong các thiên giới, các linh hồn cấp cao trở nên hợp nhất thành các tổng hồn, những sinh mệnh ánh sáng vĩ đại, rộng lớn và tráng lệ đến nỗi ngay cả ý thức ở chiều kích 5 cũng khó có thể hiểu được nó.

9.              Chiều kích 9: Chân thần/Thiên giới cõi thượng

Chiều kích 9 là nơi các bậc thầy giác ngộ và các thiên thần giáng thế thực sự trú ngụ.

Chiều kích 9 chứa các thiên giới cao hơn, vương quốc của các bậc thầy thăng thiên và chân thần (linh hồn cấp cao của linh hồn cấp cao). Ở đây, các mật độ và tầng thứ của nhận thức bắt đầu trở nên hợp nhất với các chiều kích.

Khi chúng ta ngày càng đi lên cao hơn vào vũ trụ tâm linh, ngôn từ ngày càng trở nên vô nghĩa. Khái niệm về tầng thứ và chiều kích trở nên không quan trọng trong các thiên giới. Khái niệm phân cấp tâm linh có thể hữu ích trên Trái Đất, nhưng ở đây, mọi thứ chỉ đơn giản là HIỆN HỮU. Tuy nhiên, bên trong sự hiện hữu rất đa dạng và sâu sắc. Những màu sắc không thể tưởng tượng được với tâm trí, tuy nhiên, nó đang dao động, kết hợp lại và lung linh trong một đại dương của Tình yêu, Sức mạnh và Trí tuệ thiêng liêng. Các thiên thần bay lên qua các đại dương thiên giới, tạo ra cầu vồng và những cột ánh sáng chói lọi.

Hình ảnh xưa cũ về Thiên đường nơi các thiên thần chơi đàn hạc và ngồi trên mây chỉ là một mảnh nhỏ trong tổng thể bức tranh, có lẽ là giấc mơ khá buồn chán của một ai đó. Thiên giới thực tế nhanh chóng xua tan mọi cảm giác buồn chán. Mọi thứ lấp lánh và tỏa sáng với sự mới mẻ và có vô số việc phải làm. Sự phong phú là vô hạn và có sẵn ngay lập tức dưới mọi hình thức có thể tưởng tượng được.

10.           Chiều kích 10: Thế giới Thượng Đế cõi hạ

Vượt trên chiều kích 9 là các thế giới dinh thự, nơi ở của các Sinh Mệnh Vĩnh Cửu, những sinh mệnh của ánh sáng được hợp nhất với Thượng Đế. Những lời dạy của Eckankar gọi các tầng thu61 từ 10 đến 12 là “Thế giới của Thượng Đế”.

Chiều kích 10 là vương quốc của các mặt trời trung tâm và thế giới thiên đường được nói đến trong “The Keys of Enoch” và các tác phẩm khác. Năng lượng của cõi này được kết nối với Cha Thiên Thượng và Mẹ Thần Thánh. Đây là cõi của sự sinh thành và sáng tạo vũ trụ; tử cung của Thượng Đế, nơi mọi thứ sinh ra trong sự mới mẻ vĩnh cửu.

11.           Chiều kích 11: Thế giới Thượng Đế cõi trung

Chiều kích 11 thể hiện khía cạnh khác biệt cuối cùng của Thượng Đế. Đây là vương quốc của Mặt trời Trung tâm Vĩ đại của Vũ trụ và tồn tại trong trạng thái phi thời gian. Chiều kích này chỉ có thể được truy cập bởi tâm trí tĩnh trong trạng thái không suy nghĩ và không có thời gian. Khi tất cả đã trở thành Một, không có ai ở đó để trải nghiệm nó. Vì chúng ta đã trở thành điều mà chúng ta trải nghiệm. Chúng ta đã trở thành vũ trụ. Vũ trụ là chúng ta. Chúng ta là Thượng Đế.

12.           Chiều kích 12: Thế giới Thượng Đế cõi thượng/Vương quốc vũ trụ

Vượt trên chiều kích 11 là Bí ẩn vĩ đại. Chiều kích 12 là Đạo, cái chưa biết, sự trống không, cái không thể biết được, chính là Cội nguồn. Nó là tất cả mọi thứ và không có gì. Nó là sự khởi đầu và kết thúc; Alpha và Omega. Trong chiều kích 12, mọi thứ đều mới trong từng khoảnh khắc. Không có giới hạn của thời gian và suy nghĩ, có một sự bình yên vượt qua sự hiểu biết, một sự tự do không bao giờ có thể mua được, một tình yêu không bao giờ có thể nắm bắt hay thấu hiểu. Chiều kích 12, hoàn toàn nằm ngoài thời gian và không gian, phải mãi mãi ở trong ẩn số.

Chiều kích 12 là cánh cửa dẫn đến các vũ trụ khác; các vũ trụ sẽ không bao giờ được biết đến bởi vũ trụ này; các vũ trụ có các luật và nguyên tắc hoàn toàn khác nhau; các Thượng Đế hoàn toàn khác nhau. Từ ngữ không thể diễn đạt được điều này; do đó kết thúc cuộc khám phá của chúng ta đối với Vũ trụ vô hạn.

13.           Thượng Đế

Thượng Đế đề cập đến Nguồn cuối cùng của Đại vũ trụ, hay Đa vũ trụ, bao gồm tất cả các vũ trụ và tất cả các chiều kích và mật độ. Trong một số giáo lý, sự trống không được coi là nằm ngoài Thượng Đế, nhưng theo định nghĩa, không thể định nghĩa sự trống không và vì vậy chúng tôi đã đưa nó vào trong Bí ẩn vĩ đại của chiều kích 12. Vũ trụ của chúng ta có 12 chiều, nhưng Thượng Đế cũng nằm ngoài Vũ trụ này trong một số vô hạn chiều kích.

Vì chúng ta không thể đi xa hơn bằng ngôn từ, nên bây giờ chúng ta hãy quay trở lại cuộc thảo luận của chúng ta về các mô hình thực tại.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here