CUỘC SỐNG TRONG THỜI ĐẠI VÀNG – Chương 4: Bản ngã

0
232

Chương 4 – Bản ngã

(LƯU Ý: Trong suốt chương này, bạn sẽ thấy một số ý tưởng được lặp lại. Việc lặp lại này là có chủ ý, do tầm quan trọng của các nội dung này.)

Tầng thứ ba của nhận thức bao gồm trí năng, tư duy logic hoặc lý trí, và bản ngã. Bản ngã là nhận thức của bạn về bản thân, nhân cách, hình ảnh thế gian về người mà bạn nghĩ bạn là. Đó là cái “tôi” đánh giá cảm xúc và suy nghĩ, và tin rằng bản thân nó là một thực thể tách biệt với phần còn lại của Sự Sáng Tạo.

Trong nhiều con đường tâm linh phổ biến, loại bỏ bản ngã được đề xuất như một cách để giải phóng bản thân. Theo tôi, điều này là sai lầm, bởi vì bản ngã là cần thiết để hoạt động trên trần thế và để phân biệt giữa các tầng thứ và chiều kích khác nhau của thời gian và không gian.

Có hai cái tôi trong mỗi con người. Bản ngã là cái tôi “giả tạo” hay cái tôi “hình ảnh”, và linh hồn là Cái Tôi hay Bản Thể đích thực hay cao hơn. Để giúp phân biệt, tôi sẽ sử dụng chữ in hoa khi đề cập đến Cái Tôi/Bản Thể linh hồn, và chữ in thường khi đề cập đến cái tôi bản ngã.

Cảm giác của cái tôi bao gồm cả thời gian tuyến tính và thời gian tức thời (thời gian phi tuyến). Bản ngã hoạt động trong thời gian tuyến tính và sử dụng quá trình nhận thức chọn lọc. Điều này có nghĩa là nó có xu hướng tập trung nhận thức vào một thứ tại một thời điểm theo kiểu tuần tự. Bản ngã tạo ra phiên bản thời gian của riêng nó, mà tôi sẽ gọi là thời gian tâm lý. Cảm giác về thời gian xuất hiện mỗi khi bạn tưởng tượng về một khoảng thời gian trong quá khứ hoặc tương lai. Như bạn đã biết, thời gian tâm lý là một biến số. Nếu bạn đang mải mê làm điều gì đó, thời gian dường như trôi qua rất nhanh; nếu bạn cảm thấy buồn chán, một phút có thể kéo dài mãi mãi.

Cái Tôi Cao Hơn (linh hồn) hoạt động trong thời gian tức thời (thời gian phi tuyến). Nó nhận thức được nhiều tầng thứ và chiều kích đồng thời, trong trạng thái nhận thức không chọn lọc. Đối với Cái Tôi Cao Hơn, chỉ có một thời gian duy nhất là HIỆN TẠI. Khi tương lai đến, đó vẫn là HIỆN TẠI. Tâm trí cao hơn là cầu nối giữa Cái Tôi Cao Hơn và cái tôi thấp hơn. Chương tiếp theo sẽ khám phá nhiều khía cạnh của tâm trí cao hơn.

1.              Sự tách biệt và nỗi sợ hãi

Bản ngã thường được định nghĩa là niềm tin vào sự tách rời khỏi Thượng Đế. Chúng ta có ý gì khi nói đến “sự tách rời khỏi Thượng Đế”? Nếu Thượng Đế là tất cả những gì hiện có, thì rõ ràng là không thể tách rời khỏi tất cả những gì hiện có. Mọi thứ trong Sự Sáng Tạo là một phần của tổng thể. Tuy nhiên, có thể tin rằng thế giới bên ngoài bản thân bạn tồn tại độc lập với khả năng của bạn để trở thành một phần của thế giới ấy. Mặc dù vật lý hiện đại đã chứng minh rằng người quan sát ảnh hưởng đến những gì anh ta quan sát, hầu hết chúng ta sống cuộc sống của mình như thể chúng ta chỉ đơn giản là một bánh răng trong một cỗ máy khổng lồ và chúng ta thực sự có rất ít hoặc không ảnh hưởng gì đến cỗ máy.

Niềm tin rằng chúng ta là một phần không đáng kể của vũ trụ đưa đến trải nghiệm đó cho chúng ta. Sau đó, chúng ta cảm thấy bất lực trong việc thay đổi các sự kiện và hoàn cảnh trong cuộc sống của mình và kết quả kéo theo là, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác về những bất hạnh của chúng ta và những điều gọi là “tai nạn”.

Niềm tin về sự tách biệt là nguyên nhân của sự sợ hãi. Chúng ta trở nên sợ hãi bởi vì chúng ta tin rằng điều gì đó bên ngoài bản thân có thể gây hại hoặc làm tổn thương chúng ta hoặc khiến chúng ta đau đớn và khổ sở. Ngoài việc cảm thấy tách biệt với thế giới nói chung, chúng ta còn cảm thấy chia tách với Bản Thể đích thực của chính mình. Chúng ta cảm thấy vô cùng khó khăn khi lắng nghe sự hướng dẫn bên trong của mình. Chúng ta không phân biệt được giữa bản ngã và linh hồn, cả hai đều liên tục nói với chúng ta thông qua cơ thể vật lý và cảm xúc của chúng ta. Kết quả là, chúng ta trở nên không tin tưởng vào khả năng của chính mình để làm những gì có lợi nhất cho chúng ta, và vì vậy chúng ta sợ hãi những gì bên trong chúng ta.

Sợ hãi vừa là một cảm xúc vừa là một trạng thái tinh thần; một năng lượng tồn tại đồng thời ở bốn tầng thứ của hiện hữu. Rốt cuộc thì sợ hãi là một ảo ảnh, nhưng bản chất của ảo ảnh chính là chừng nào bạn còn tin vào chúng, chúng là có thật đối với bạn. (Lưu ý: Trong phần này, chúng ta đang nói về nỗi sợ hãi tâm lý, không phải là bản năng tự vệ thường cần thiết để sinh tồn.) Sau đây là một số mô hình và khái niệm về bản chất của nỗi sợ hãi, và xem xét cách chấm dứt nỗi sợ hãi.

Đối với bất kỳ kỹ thuật phát triển cá nhân nào, bạn càng đi sâu vào tiềm thức, tác dụng chữa lành càng lớn. Điều này là do bạn đang tiếp cận các vấn đề tại nguồn gốc của chúng. Bạn không thể loại bỏ một cái cây bằng cách cắt tỉa cành của nó. Bạn phải nhổ gốc của nó lên (hoặc ít nhất là cắt gần gốc của nó). Càng cắt vào gần rễ, cây càng khó mọc lại. Sơ đồ tiếp theo mô tả cây sợ hãi. Những điều dọc theo thân cây đại diện cho các tầng sâu của nỗi sợ hãi. Trong tầng lá là các kết quả về cảm xúc và tinh thần của nỗi sợ hãi, và bên trên tầng lá là vô số biểu hiện của các sự kiện và tình huống ở thế giới bên ngoài bắt nguồn từ nỗi sợ hãi.

Trước khi có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi, bạn phải nắm bắt khía cạnh cảm xúc của nó và học hỏi từ những thông điệp của nó. Sợ hãi vốn dĩ không phải là xấu; nó là một công cụ học tập hữu ích cho đến khi bạn nhận ra được thông điệp nó muốn truyền tải. Khi bạn không còn cần đến nỗi sợ hãi nữa, thì cũng đến lúc thích hợp để giải phóng nỗi sợ hãi bằng cách nhận ra bản chất huyễn hoặc của nó.

Hình 4.1 – Cây sợ hãi

Vòng tròn của sự sợ hãi

Làm thế nào để chúng ta nhổ tận gốc nỗi sợ hãi? Rõ ràng là không thể thực hiện được bằng cách cố gắng phá vỡ nó hoặc hợp lý hóa nó. Trên thực tế, bất kỳ nỗ lực nào để vượt qua nỗi sợ hãi đều thất bại nếu bản ngã tham gia vào nỗ lực đó theo bất kỳ cách nào. Bởi vì nỗi sợ hãi là sản phẩm của bản ngã, chúng ta phải có khả năng bước ra ngoài bản ngã để hợp nhất với nỗi sợ hãi.

Hình 4.2 cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta thử các kỹ thuật truyền thống để xóa bỏ nỗi sợ hãi. Đây là “tình huống không lối thoát” ngày càng phổ biến mà mọi người tìm kiếm đều gặp phải trên con đường dẫn đến sự toàn vẹn. Để loại bỏ nỗi sợ hãi, cần phải có tâm trí sáng rõ và tĩnh lặng. Tuy nhiên, chừng nào nỗi sợ hãi còn hiện hữu, thì không thể có sự sáng rõ. Điều này là do nỗi sợ hãi tạo ra suy nghĩ, và suy nghĩ tạo ra nhiều sợ hãi hơn.

Vậy nỗi sợ hãi tạo hay suy nghĩ, cái nào đến trước, và chúng ta bắt đầu từ đâu? Câu trả lời là cả hai đều ra đời cùng lúc khi bản ngã được tạo ra. Vì vậy, bản ngã là nơi chúng ta phải bắt đầu. Trong hình 4.2, chúng ta thấy rằng bản ngã là phần của tâm trí diễn giải kinh nghiệm sống theo mô hình tách biệt. Mô hình này tạo ra một vòng luẩn quẩn các sự kiện trong bản ngã và kéo dài mãi sự tách biệt. Hãy theo dõi vòng luẩn quẩn này, bắt đầu bằng trải nghiệm.

Hình 4.2 – Vòng tròn của sự sợ hãi

  • Trải nghiệm tạo ra trí nhớ

Chúng ta đang trải nghiệm mỗi khoảnh khắc của cuộc sống. Cơ thể vật lý và cơ thể cảm xúc là tác nhân chính của trải nghiệm. Mặc dù chúng ta nhận thức các sự kiện bằng tâm trí, nhưng chính cơ thể và cảm xúc mới làm cho những sự kiện này trở thành hiện thực (trải nghiệm) đối với chúng ta. Cơ thể và cảm xúc của chúng ta gửi các tín hiệu đến bộ não, các tín hiệu này được ghi lại trong bộ nhớ. Sau đó, chúng ta có thể “phát lại” trải nghiệm bất cứ lúc nào và cảm nhận lại tất cả các giác thuộc về thể chất và cảm xúc. Mỗi khi một sự kiện tương tự xảy ra, chúng ta lại trải nghiệm những cảm giác và cảm xúc có liên kết đến sự kiện ban đầu. Khía cạnh của cái tôi trải nghiệm lại thường được gọi là “tâm trí phản ứng”. Tâm trí phản ứng là một phần của tiềm thức được kích hoạt bởi kinh nghiệm sống.

  • Trí nhớ tạo ra suy nghĩ

Mỗi khi chúng ta có một trải nghiệm kích hoạt trí nhớ, suy nghĩ được tạo ra. Suy nghĩ là sự chuyển động của tâm trí. Suy nghĩ có thể đến từ các vùng tiềm thức, ý thức hoặc siêu thức của tâm trí. Bất cứ khi nào trí nhớ được kích hoạt, sẽ có chuyển động trong tiềm thức, điều này kích hoạt suy nghĩ. Những suy nghĩ này có thể có ý thức hoặc vẫn còn trong tiềm thức tùy thuộc vào mức độ mà sự phủ nhận hoặc đàn áp tham gia vào. Nếu những suy nghĩ là dễ chịu, chúng ta thường cho phép chúng nổi lên trên bề mặt. Nếu chúng khó chịu, chúng ta có thể từ chối và đàn áp chúng. Từ chối và đàn áp suy nghĩ buộc nó quay trở lại bộ nhớ và tạo ra sự tắc nghẽn năng lượng trong tâm trí. Bởi vì những suy nghĩ vẫn chưa được giải quyết, chúng vẫn đang tích cực tạo ra thực tại của chúng ta, nhưng chúng ta không còn ý thức được chúng hay ý thức được thực tại của chúng ta đang được tạo ra như thế nào.

  • Suy nghĩ tạo ra nỗi sợ hãi

Chừng nào chúng ta còn hoạt động dựa trên bản ngã, chúng ta sẽ đánh giá, so sánh và phân tích những suy nghĩ của mình khi chúng nảy sinh. Quá trình “nhận thức có chọn lọc” này chắc chắn dẫn đến một số suy nghĩ được chấp nhận là “suy nghĩ đáng mong muốn” và một số bị từ chối như là “suy nghĩ không mong muốn”. Những suy nghĩ không mong muốn trở thành bị phủ nhận hoặc bị đàn áp, quay trở lại tiềm thức. Nếu một suy nghĩ phát sinh từ tiềm thức không được hợp nhất hoàn toàn (được chấp nhận và được hiểu từ tầng thứ nhận thức cao hơn), thì sự chia rẽ trong cái tôi sẽ xảy ra. Sự chia rẽ này trở thành một phần của sự tách biệt. Suy nghĩ về sự tách biệt được tạo ra, bởi vì khi đó chúng ta không còn kết nối với Cái Tôi Cao Hơn. Tất cả những suy nghĩ về sự tách biệt đều tạo ra nỗi sợ hãi ở một mức độ nào đó. Những suy nghĩ này về cơ bản dựa trên cảm giác bất an xuất phát từ niềm tin rằng chúng ta tách biệt. Miễn là chúng ta còn mắc kẹt trong quá trình phản ứng của tiềm thức, chúng ta sẽ vẫn còn suy nghĩ sợ hãi.

  • Sợ hãi tạo ra sự dính mắc

Suy nghĩ sợ hãi là nỗ lực của bản ngã để vượt qua sự bất an của nó. Điều này thường liên quan đến việc tìm kiếm một giải pháp từ bên ngoài để giảm bớt sự khó chịu do cảm giác bất an gây ra. Quá trình suy nghĩ có thể trở nên khá phức tạp vào thời điểm này và thường biến thành lo lắng và những kết quả dự kiến ​​trong tương lai. “Tương lai sẽ mang lại những gì? Nếu tôi chết đói thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chết? ”, v.v… Khi bản ngã tìm thấy thứ gì đó hoặc ai đó mà nó tin tưởng sẽ chữa lành cảm giác bất an của nó, nó gắn chặt bản thân với điều đó hoặc người đó, tin rằng giải pháp này sẽ cứu nó khỏi những bất an. Hầu hết các tôn giáo là những ví dụ về sự dính mắc bản ngã. Chúng ta sợ hãi cuộc sống và chúng ta tìm kiếm một vị thần sẽ đến và cứu chúng ta. Đồng thời, chúng ta lại tin rằng chúng ta không xứng đáng (xem chương về tội lỗi) và chúng ta phóng chiếu niềm tin đó lên vị thần của mình, khiến vị thần đó trở thành một tên độc tài giận dữ, báo thù. Điều này lại tiếp tục tạo ra sự dính mắc hơn nữa, dưới dạng các quy tắc, luật lệ, nghi thức hiến tế và các chuẩn mực đạo đức khác nhau.

Chúng ta có thể gắn chặt bản thân mình với những người thân yêu, hình thành các mối quan hệ rối loạn chức năng. Cảm thấy tách biệt và đơn độc, chúng ta tìm kiếm sự hòa hợp thông qua tiếp xúc thân mật với người khác, quên rằng những mối gắn kết bên ngoài tự nó không thể làm giảm bớt sự chia rẽ nội tâm của bản thân.

  • Sự dính mắc tạo ra nỗi đau

Điều không thể tránh khỏi là nếu chúng ta dính mắc vào một thứ gì đó hoặc một ai đó, thì “tấm chăn an toàn” bên ngoài đó cuối cùng sẽ khiến chúng ta thất bại. Cuộc sống, giống như một dòng sông, luôn vận động và thay đổi. Sự dính mắc giống như những ao tù đọng đầy rong rêu ven sông. Chúng ta yêu cầu mọi thứ phải giữ nguyên hiện trạng để chúng ta không đánh mất đối tượng gắn bó của mình. Theo đó, chúng ta chống lại dòng chảy của cuộc sống. Sự kháng cự gây ra đau đớn. Bây giờ chúng ta không còn hòa hợp với dòng chảy cuộc sống, hoặc tranh đấu ngược dòng trong khi cứ khăng khăng đòi hỏi rằng dòng sông phải chảy theo một hướng khác, hoặc chúng ta hư hỏng và chết mòn trong cái ao tù đọng, tự hỏi tại sao cuộc sống lại trôi qua bỏ mặc chúng ta. Nỗi đau của sự trì trệ là không thể chịu đựng được vì nó phủ nhận sự vận động của cuộc sống.

  • Nỗi đau tạo ra trải nghiệm

Lúc đầu, chúng ta có thể phủ nhận hoặc kìm nén nỗi đau của mình, nhưng sớm muộn gì nó cũng dồn lên bề mặt ý thức, tạo ra một trải nghiệm cuộc sống không mấy dễ chịu. Luật hấp dẫn, hay nhân quả, đóng vai trò trung tâm trong việc thu hút những trải nghiệm đau đớn đến với chúng ta khi chúng ta gắn bó với quá khứ và do đó, đau đớn. Trải nghiệm khó chịu này được lưu vào bộ nhớ, do đó bắt đầu một chu kỳ khác trên vòng tròn của sự sợ hãi.

Phá vỡ vòng luẩn quẩn

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn, chúng ta phải có khả năng bước ra ngoài vòng tròn của nỗi sợ hãi và quan sát nó từ một góc độ cao hơn. Nơi đơn giản nhất và trực tiếp nhất để làm điều này là ở bước “suy nghĩ tạo ra nỗi sợ hãi”. Khi bạn nhìn thẳng vào một cái gì đó với ý thức trọn vẹn, không suy nghĩ, chỉ có sự chú ý hoàn toàn. J. Krishnamurti, trong nhiều cuốn sách của mình về chủ đề này, thảo luận về quá trình làm tĩnh lặng tâm trí bằng cách hoàn toàn chú ý đến chuyển động của nhận thức. Tâm trí thiền định này đã dừng việc suy nghĩ. Khi không có suy nghĩ, không thể có sợ hãi vì vòng luẩn quẩn đã bị phá vỡ.

Bằng chứng về nỗi sợ hãi là một ảo tưởng

Để chứng minh sự thật này, cần phải làm rõ một số định nghĩa. Sự thật là điều thực sự tồn tại ở một thời điểm nhất định bất kỳ. Ảo tưởng là thứ có thể có vẻ như vậy, nhưng không thực sự tồn tại ở một thời điểm nhất định bất kỳ, ít nhất là theo cách nó được nhận thức. Sợ hãi là sự trốn tránh, mong muốn thoát khỏi hoặc chống lại những gì thực sự tồn tại.

Nếu bạn nhìn thẳng vào điều gì đó với toàn bộ sự hiện hữu của mình trong thời điểm hiện tại và nó tồn tại thì theo định nghĩa, điều đó là thật. Nếu nó biến mất hoặc không thực sự ở đó, nó là một ảo tưởng. Nếu bạn nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi với toàn bộ sự hiện hữu của mình, ngay lúc này, bạn không còn tránh né và chạy trốn khỏi việc đối diện với những gì đang xảy ra, và do đó, theo định nghĩa, nỗi sợ hãi không còn nữa. Do đó, sợ hãi là một ảo tưởng và không thực sự tồn tại.

Cách duy nhất để xua tan ảo tưởng sợ hãi là ngừng né tránh, chạy trốn, chống cự và e ngại đối diện với những gì đang thực sự xảy ra trong nhận thức của bạn và trên trần thế, trong mỗi và mọi khoảnh khắc. Điều này có nghĩa là ta đang ở trong trạng thái ý thức tỉnh táo, sự sáng suốt hơn và đầu óc minh mẫn hơn.

Mục đích của phần này của cuốn sách là giúp bạn thấy rõ bản chất và chuyển động của ý thức để bạn có thể dễ dàng đi vào trạng thái chú ý này hơn.

Các dạng sợ hãi

Nỗi sợ hãi có nhiều dạng, một số dạng được minh họa trong cây sợ hãi (Hình 4.1). Để hiểu đầy đủ về bản chất phân nhánh của nỗi sợ hãi, bạn có thể truy ngược lại nguồn gốc của mọi dạng sợ hãi bạn gặp phải bằng cách tự nói với chính mình, “Bên dưới nỗi sợ này là gì?” hoặc “Tôi thực sự sợ điều gì?” Ví dụ, bên dưới nỗi sợ nói trước đám đông có thể là nỗi sợ bị từ chối. Bên dưới nỗi sợ bị từ chối là nỗi sợ về sự cô đơn. Bên dưới nỗi sợ hãi cô đơn là ký ức về nỗi cô đơn xuất hiện lần đầu tiên bạn từng trải qua. Cô đơn đến từ niềm tin vào sự chia tách, và đây chính là gốc rễ của vấn đề.

Biểu hiện của nỗi sợ hãi

Ở phía trên cùng của Hình 4.1, bạn thấy nhiều tình trạng trong cuộc sống xuất phát từ nỗi sợ hãi. Nếu bạn có bất kỳ điều nào trong số này trong cuộc sống của bạn hiện tại, đó là dấu hiệu cho thấy bạn có nỗi sợ hãi chưa được giải quyết. Nói cách khác, cuộc sống là một tấm gương. Những phần khó chịu của nó đang cho bạn thấy bạn có những vấn đề về bản ngã và nỗi sợ hãi chưa được giải quyết.

Cảm xúc sợ hãi

Xua tan nỗi sợ hãi là hành động thích hợp trên bình diện tâm trí. Nhưng sợ hãi cũng là một cảm xúc, và cảm xúc phải được yêu thương và chấp nhận thì chúng mới có thể hợp nhất được. Khi bạn tiếp xúc với nỗi sợ hãi ở cấp độ tâm trí, bạn cần phải quay vào quan sát cơ thể và cảm nhận nỗi sợ hãi trong các tế bào và các cơ quan. Đôi khi đó là cảm giác căng cứng ở trán, hoặc cảm giác bồn chồn trong bụng. Đôi khi nó tinh tế hơn như là cảm giác mệt mỏi hoặc buồn tẻ. Cảm giác sợ hãi dữ dội có thể khiến cơ thể bạn không yên và không thể ngủ được.

Chìa khóa ở đây là hoàn toàn chấp nhận những cảm giác và trải nghiệm chúng với sự chú ý hoàn toàn vào các mẫu năng lượng. Nỗi sợ hãi trong cơ thể thường là cảm giác năng lượng điện xung quanh các khu vực bị ảnh hưởng. Nếu bạn có thể duy trì cảm giác mà không cần dán nhãn hay phán xét nó, cơ thể bạn sẽ dạy cho bạn những gì nó cần để cơ thể được an toàn. Đây là cách bạn phân biệt giữa nỗi sợ thể lý (bản năng tự vệ) và nỗi sợ tâm lý (bắt nguồn từ suy nghĩ dựa trên sự tách biệt).

Tìm hiểu thêm về nỗi sợ thể lý và nỗi sợ tâm lý

Khi cơ thể gặp nguy hiểm thực sự, bạn có thể bị tăng adrenaline đột ngột và mong muốn hành động mãnh liệt. Đây không thực sự là nỗi sợ hãi, mà là một dạng trí thông minh của cơ thể thúc đẩy hành động. Mặt khác, tâm lý sợ hãi không liên quan gì đến nguy hiểm sắp xảy ra, mà dựa trên sự bất an tưởng tượng từ kinh nghiệm trong quá khứ. Bởi vì các tình huống và sự kiện luôn thay đổi, không có lý do gì để mong đợi kết quả của một tình huống trong tương lai luôn giống với quá khứ. Sợ hãi là một lời tiên tri sẽ-thành-sự-thật. Bạn có xu hướng thu hút những gì bạn lo sợ, bởi vì suy nghĩ của bạn có tính sáng tạo, mặc dù nhiều nỗi sợ hãi của bạn có thể không bao giờ thực sự được biển hiện dưới dạng vật chất. Trong trường hợp này, bạn có thể thu hút những người khác đang sợ hãi hoặc xem mọi thứ xung quanh bạn là nỗi sợ hãi. Khi hợp nhất được nỗi sợ hãi, bạn có thể phản ứng tốt hơn với tình huống có tiềm ẩn sự đe dọa một cách thông minh.

Bạn sẽ thấy rằng hầu hết, nếu không phải tất cả, những thứ có vẻ đe dọa đến sự an toàn của bạn đều dựa trên ý tưởng rằng cơ thể dễ bị tổn thương dưới nhiều hình thức tấn công khác nhau. Nếu bạn đã chữa lành những suy nghĩ của mình và mở rộng nhận thức của mình đủ, nhìn chung bạn sẽ còn thu hút những tình huống nguy hiểm cho mình như một công cụ để học những bài học về cuộc sống. Nếu bạn chưa chữa lành suy nghĩ và mở rộng nhận thức đủ để tránh nguy hiểm, thì bạn phải dựa vào trí thông minh sẵn có trong cơ thể để bảo vệ chính mình. Dù bằng cách nào, bạn luôn có sẵn mọi thứ cần thiết để đảm bảo an toàn về thể chất.

Nếu một tình huống khó chịu xảy ra với bạn bất chấp tất cả những điều này, thì ở tầng thứ linh hồn, bạn đã thu hút được trải nghiệm để bạn học hỏi từ nó và bạn cần biết ơn điều này. Cũng có khả năng bạn đang trải qua những hiểm họa khi sống trên hành tinh Trái Đất, một nơi được coi là nguy hiểm bởi nhiều người đã đến thăm Trái Đất từ ​​các hành tinh khác nhau (xem Phần 2 để biết thêm về chủ đề đó). Bất kể nguyên nhân của vấn đề là gì, khi bạn đang ở giữa một hoàn cảnh khó khăn, hãy luôn biết ơn điều đó. Điều này có thể không dễ dàng. Bạn có thể cần phải giải phóng rất nhiều cảm xúc trước khi bạn có thể tán thành với ý tưởng này. Nhưng lòng biết ơn về những bài học trong cuộc sống là cách nhanh nhất để vượt qua chúng.

2.              Sự phán xét

Phán xét là một hành vi của bản ngã, khi được phép chiếm lấy nhận thức, nó sẽ thay thế sự sáng suốt của tâm trí cao hơn. Phán xét luôn dựa trên trải nghiệm trong quá khứ. Vấn đề với sự phán xét là nó duy trì sự tách biệt bởi vì người phán xét phân chia và giữ tách bạch cái mà anh ta đánh giá là xấu, sai, không xứng đáng, hoặc không thể chấp nhận được. Những cảm xúc được bị phán xét thường bị từ chối và kìm nén, tạo ra nhiều vấn đề hơn. Phán xét các bộ phận của cái tôi là nguyên nhân chính dẫn đến việc mắc kẹt trên con đường chữa lành và phát triển bản thân. Khi chúng ta phán xét, chúng ta đã đóng tâm trí của mình với những cách nhìn mới về sự việc. Để thoát ra khỏi vòng tròn của sợ hãi và những cạm bẫy của bản ngã khác, chúng ta cần một cách tiếp cận mới. Chúng ta không thể mở lòng đón nhận cái mới khi tâm trí của chúng ta đang bị che mờ trong sự phán xét. Sự phán xét có liên quan mật thiết đến cảm giác tội lỗi. Cảm giác tội lỗi nảy sinh khi chúng ta cảm thấy mình bị đánh giá là không xứng đáng, hoặc chúng ta tự đánh giá hành động của mình là xấu hoặc sai. (Điều này khác với lương tâm, là cái biết có sẵn trong tâm trí về những gì hiệu quả và không hoạt động trong cuộc sống.) Bạn sẽ tìm thấy nhiều tài liệu tham khảo trong suốt quyển sách này về tác hại của sự phán xét và cảm giác tội lỗi.

3.              Sự từ chối/phủ nhận

Một khía cạnh cơ bản khác của sự tách biệt là sự từ chối. Từ chối là cơ chế duy trì sự tách biệt. Khi chúng ta phán xét ai đó hoặc điều gì đó (kể cả bản thân) là không xứng đáng và cảm thấy tội lỗi về điều đó, thì sự khó chịu do sự phán xét đó tạo ra thường bị từ chối/phủ nhận. Chúng ta đẩy những cảm giác không thoải mái xuống tiềm thức để cho chúng trở nên nhức nhối và sôi sục, trong khi chúng ta vui vẻ với suy nghĩ trấn an rằng mọi thứ đều ổn (cho đến khi có điều gì đó đẩy chúng ta ra khỏi sự từ chối/phủ nhận).

Hình 4.3 mô phỏng cây từ chối. Giống như đối với cây sợ hãi, cách thoát khỏi sự phủ nhận là đi đến tầng thứ sâu nhất và nhìn thẳng vào toàn bộ bản chất và cấu trúc của nó, xem xét cách các tầng trên đó tạo ra những vấn để mang tính bề ngoài hơn. Điều này không nhất thiết phải trải qua nhiều năm phân tích tâm lý trị liệu của từng nhánh; mà chỉ cần có sự sẵn sàng hoàn toàn đối mặt với mọi khía cạnh của sự phủ nhận với sự trung thực và khiêm tốn – và tình yêu thương.

Việc từ chối nhìn vào thực ttại bên trong hoặc bên ngoài sẽ tách biệt chúng ta khỏi thực tại đó và lấy đi khả năng giải quyết vấn đề một cách xây dựng. Trong Chương 19, tôi đã đưa vào một câu chuyện, “Các vị thần của sự từ chối”, mô tả tác động hủy diệt của một loại từ chối.

Hình 4.3 – Cây từ chối

4.              Đồng điệu với bản ngã

Bản ngã lành mạnh là bản ngã phục vụ một cách khiêm tốn cho Cái Tôi Cao Hơn, hay linh hồn. Nó nhận các chỉ dẫn từ linh hồn và thực hiện chúng trong thế giới vật chất. Ở trạng thái bình thường, bản ngã không bị mắc kẹt trong việc phán xét và buộc tội. Sự phán xét và buộc tội chỉ xảy ra khi bản ngã, thay vì  linh hồn, đang nắm giữ sự kiểm soát. Những người tìm cách tiêu diệt bản ngã, thực ra, đang bị mắc kẹt trong đó. Bản ngã vốn dĩ không chiến đấu chống lại các bộ phận của chính nó và khiến chúng trở nên sai lầm. Nó chỉ trở nên như vậy khi không liên lạc được với linh hồn. Bằng cách cho phép bản ngã quyền kiểm soát, bạn đang trao cho nó sức mạnh mà đáng lý ra phải thuộc về linh hồn.

Bằng cách mở rộng nhận thức của bạn để bao gồm các chiều kích cao hơn của bản thân, bạn nhìn thấy khía cạnh thực sự bản ngã. Nó chỉ đơn giản là cơ chế liên hệ trong thế giới chiều kích thứ ba. Bởi vì bản ngã là nhận thức về một cái tôi riêng lẻ, bị bỏ mặc trong các phương tiện của riêng mình, nó sẽ xem mọi thứ là tách biệt. Vì vậy, nếu bạn đồng nhất với bản ngã, tức là, tin rằng bạn là bản ngã, bạn cũng sẽ tin rằng bạn tách biệt với phần còn lại của Sự Sáng Tạo. Bằng cách đồng nhất mình với bản chất thực sự của bạn (linh hồn của bạn), bạn sẽ không còn thấy mình tách biệt với người khác và với cuộc sống – và bản ngã sau đó sẽ phục vụ bạn trong cuộc hành trình cuộc sống.

Bản ngã giúp bạn thiết lập ranh giới và phát triển không gian cá nhân riêng khỏi những người khác. Những người không đặt ra ranh giới cá nhân thường tiếp nhận (chịu trách nhiệm về) bất cứ điều gì và mọi thứ từ người khác và môi trường xung quanh họ. Thể hào quang của họ trở nên “vấy bẩn” và hỗn độn và họ cảm thấy rất khó để suy nghĩ cho chính mình. Họ có xu hướng tiếp nhận các hình thức suy nghĩ của tâm trí loài người (tâm trí tổng hợp của nhân loại, hay vô thức tập thể). Phần lớn những suy nghĩ trong tâm trí loài người đều hướng đến sự tồn tại về thể chất, tìm kiếm sự an toàn, cạnh tranh, tham lam, sợ hãi và phòng thủ.

Bản ngã lành mạnh sẽ tách bạn khỏi những đặc điểm không mong muốn này. Bạn không thể làm gì nhiều để giúp đỡ người khác nếu bạn đang vướng vào những vấn đề tương tự như họ. Bằng cách yêu cầu không gian cá nhân của riêng bạn, bạn mời gọi sự hiện diện của Cái Tôi Cao Hơn, hay linh hồn, để bảo vệ bạn khỏi những năng lượng không hòa hợp của tâm trí loài người. Khi đó, trí tuệ của linh hồn có thể giúp bạn nhìn nhận sáng suốt thông tin nào trong tâm trí loài người là hữu ích cho bạn và thông tin nào không.

Bản ngã, hay lý trí, khi nó mất cân bằng, là nguyên nhân của nhiều vấn đề trên thế giới ngày nay. Đó thường là phần của cái tôi đang kìm nén, phán xét và phủ nhận cảm xúc. Nó cũng là một phần của cái tôi mà lập trình tiềm thức. Bản ngã không đồng nghĩa với tâm trí có nhận thức, bởi vì tâm trí có nhận thức bao gồm mọi thứ bạn có nhận thức, và bạn có thể không phải lúc nào cũng có nhận thức về bản ngã.

Cách tốt nhất để biết bản ngã của bạn đang làm gì là trở nên nhận thức về lập trình tiềm thức, điều kiện sinh trưởng và niềm tin của bạn.

5.              Lập trình tiềm thức

Khi bạn muốn một máy tính thực hiện một công việc, bạn cần phải viết một chương trình. Điều này cũng đúng với máy tính sinh học của con người. Thông tin được đưa vào não thông qua các giác quan và được lưu trữ trong bộ nhớ. Tất cả các trải nghiệm sống, sự kiện, suy nghĩ, cảm xúc và hình ảnh được ghi lại trong bộ nhớ. Nếu thông tin này được đưa vào một cách ngẫu nhiên nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn. Tuy nhiên, khi thông tin được trình bày một cách có trật tự, nó sẽ trở thành một chương trình. Chúng ta hiện nay đang bị thông tin tấn công liên tục. Đầu vào giác quan đầu tiên mà chúng ta có thể nhận được trong cuộc đời là tại thời điểm chúng ta được sinh ra. Nếu chúng ta được chăm sóc, cho ăn và được bế ngay lập tức, chúng ta có thể đã nhận được ấn tượng ban đầu rằng cuộc sống thật ấm áp và tràn đầy sự quan tâm.

Các chương trình (lập trình tiềm thức) được lưu trữ trong cơ thể vật lý. Ví dụ, khi chúng ta mới sinh ra, chúng ta có thể đã có một cảm giác khó chịu trong dạ dày được gọi là cơn đói. Khi mẹ cho chúng ta bú sữa, cảm giác thay đổi thành dễ chịu, do đó chúng tôi có một sự ghi nhận (chương trình/lập trình) rằng thức ăn hay việc ăn uống là cách có thể biến nỗi đau/khó chịu thể xác thành niềm vui.

Chương trình là một tập hợp các niềm tin được kết tinh để hướng bản thân đưa ra những phản ứng nhất định đối với các tình huống trong cuộc sống. Ví dụ, nếu ai đó tự giới thiệu bản thân, bạn có thể có một phản ứng (chương trình/lập trình) rằng bạn phải đưa tay phải ra bắt tay họ. Rõ ràng, một số chương trình có lợi hơn những chương trình khác. Nếu bạn là một người đàn ông độc thân và bạn có một suy nghĩ (chương trình/lập trình) nói rằng “Phụ nữ đẹp không thích tôi”, thì mỗi khi bạn gặp một người phụ nữ hấp dẫn, bạn có thể tránh cô ấy. Đây có lẽ không phải là một chương trình có lợi.

Làm thế nào để bạn nhận ra một chương trình (lập trình tâm trí)? Chúng ta biết nhiều chương trình có xu hướng tinh vi và phức tạp. Thông thường, chúng ta có thể đang chạy một vài chương trình cùng một lúc ở các tẩng thứ nhận thức khác nhau. Những chương trình ở tầng trên có thể được điều khiển bởi những chương trình ở tầng sâu hơn. Nếu chúng ta tìm thấy một chương trình không phục vụ mình, chúng ta có thể mong muốn thay đổi nó. Nếu chương trình không mong muốn này bị chôn vùi dưới nhiều lớp chương trình ở tầng trên, chúng ta có thể cần nỗ lực rất nhiều trong việc tự khám phá để tìm ra nó. Bằng cách thay đổi các chương trình cơ bản (ở tầng sâu) hơn, các chương trình khác sẽ dễ dàng thay đổi hơn.

Cách tốt nhất để nhận ra các chương trình là nhìn vào tấm gương được gọi là “cuộc sống của bạn”. Trải nghiệm sống của bạn là tổng hợp các chương trình của bạn (cộng với nhận thức thực sự). Nếu cuộc sống của bạn diễn ra suôn sẻ trong 80% thời gian, bạn có thể có 80% chương trình có lợi trong ý thức của mình. Những lĩnh vực chưa được hiệu quả/suôn sẻ trong cuộc sống của bạn là chỉ dấu của những chương trình tiêu cực.

Có một số kỹ thuật cụ thể có thể giúp bạn xác định được các chương trình tiêu cực. Nếu có một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống của bạn mà bạn muốn cải thiện, bạn có thể sử dụng quy trình sau.

Đầu tiên, hãy nghĩ về tình huống đó. Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

  1. Tôi đang cảm thấy gì ngay bây giờ?
  2. Điều gì đã xảy ra khiến tôi cảm thấy như vậy?
  3. Tôi đang lý trí hóa, kìm nén hay trốn tránh cảm xúc của mình?
  4. Tôi muốn gì từ tình huống này?
  5. Nếu những người khác tham gia, tôi có yêu cầu và mong đợi gì ở họ?
  6. Nếu đây là một tình huống lặp lại, kết quả thông thường của trải nghiệm này là gì và tôi cảm thấy thế nào về kết quả đó?

Sau đó, lập danh sách tất cả các chương trình bạn có thể nghĩ ra liên quan đến tình huống này. Một số sẽ là những suy nghĩ hoặc niềm tin đơn giản, số khác có thể là những ý tưởng phức tạp. Hãy tự hỏi bản thân, “Điều gì đã khởi phát chương trình này và tại sao nó không còn có lợi trong cuộc sống của tôi?

6.              Điều kiện sinh trưởng

Điều kiện sinh trưởng là môi trường và kinh nghiệm sống mà từ đó bạn đã tạo ra các chương trình (lập trình tiềm thức) của mình. Khi chúng ta lớn lên từ một em bé sơ sinh thành một đứa trẻ nhỏ, chúng ta tiếp thu nhiều chương trình vì nhiều lý do. Nếu bị bố đánh đòn khi cư xử trái với nguyên tắc của ông, ta có cảm giác thật khó chịu. Chúng ta đã hình thành một ý tưởng rõ ràng về hành vi của mình và theo đó, một chương trình được tạo ra.

Trong suốt những năm đầu đời, những người gần gũi nhất với chúng ta, chủ yếu là cha mẹ và gia đình, là nguồn chính tạo ra điều kiện sinh trưởng. Hệ giá trị, ý tưởng, trải nghiệm có nhận thức và điều kiện sinh trưởng họ nhận được trong suốt cuộc đời quyết định thông tin mà chúng ta nhận được khi còn nhỏ.

Thường thì bạn không nhất thiết phải quay lại với những người bạn thời thơ ấu, hoặc một giáo viên cấp ba cụ thể nào đó v.v. Điều quan trọng là bạn phải nhìn thấy bản chất sâu xa của điều kiện sinh trưởng, hiểu các chương trình (lập trình tiềm thức) hình thành từ những điều kiện đó, và động lực của nó, từ đó kết nối với những gì bạn cảm thấy về nó. Hãy nhớ rằng bạn đang tạo ra trải nghiệm sống của mình thông qua các chương trình và niềm tin của bạn. Chúng tô màu cho nhận thức của bạn về các sự kiện trong cuộc đời mình. Về cơ bản, các chương trình lấy các sự kiện trung tính (tức không tiêu cực hay tích cực) và tạo ra phản ứng cảm xúc với các sự kiện ấy.

Ví dụ, tôi đã từng tham dự một buổi hội thảo, nơi mỗi người được yêu cầu chia sẻ những trải nghiệm tốt đẹp nhất và tồi tệ nhất trong cuộc đời của họ. Mấu chốt là mỗi người có thể gọi tên sự kiện, nhưng những người khác phải đoán xem đó là sự kiện đó đem lại trải nghiệm tốt đẹp nhất hay tồi tệ nhất (dựa trên nhận thức của họ). Mọi người đứng dậy và chia sẻ những điều như “Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi, cuộc ly hôn đầu tiên của tôi, cuộc hôn nhân thứ hai của tôi,” v.v. Đối với một người, cuộc ly hôn đầu tiên là thời gian hạnh phúc nhất; đối với người khác, ly hôn lại là thời điểm không hạnh phúc nhất, v.v. Cùng một loại sự kiện nhưng phản ứng lại hoàn toàn khác nhau. Một số người đau khổ khi phải xa cách với những người thân yêu; những người khác cảm thấy được giải phóng và phấn khích khi được ở một mình. Sự khác biệt là ở các chương trình và điều kiện sinh trưởng. Bạn có thể thay đổi chương trình của mình, nhưng bạn không thể thay đổi điều kiện sinh trưởng. Tuy nhiên, bạn có thể hiểu nó và từ chối làm nô lệ cho nó. Tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm khó chịu trong thời thơ ấu của mình. Thay vì cảm thấy bị tổn thương bởi một nền dưỡng dục không mang lại hạnh phúc, chúng ta có thể học cách hiểu điều kiện sinh trưởng này đã hình thành nên các phản ứng (trong suy nghĩ và hành vi) hiện tại của chúng ta như thế nào. Tất cả chúng ta đều đã nghe những câu chuyện về những người đã từng bị bạo hành khủng khiếp nhưng đã vượt qua để trở nên hạnh phúc và thành công trong lĩnh vực mà họ đã chọn. John Bradshaw là một ví dụ điển hình[1]. Mặc dù mỗi chúng ta là duy nhất và đặc biệt, nhưng điều kiện sinh trưởng của chúng ta rất giống nhau trên khắp thế giới. Các vấn đề của chúng ta là phổ quát. Và các giải pháp cũng vậy. Nếu một người có thể vượt qua nỗi đau và nỗi sợ hãi bị lạm dụng thì tất cả chúng ta đều có thể.

Rõ ràng là điều đó không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và một cam kết mạnh mẽ. Tôi sẽ không đưa ra cho bạn một giải pháp dễ dàng có thể sửa chữa nhanh chóng các vấn đề của bạn. Nhiều giải pháp mà xã hội của chúng ta đưa ra đã thất bại thảm hại trong việc giải quyết vấn đề. Các nhà trị liệu thường tính phí cao mà chính họ lại chưa được đào tạo đầy đủ. Những áp lực của cuộc sống hiện đại có thể khiến chúng ta khó có thể dành đủ thời gian và sự chú tâm đến điều kiện sinh trưởng. Chúng ta đã được dạy phải kìm nén và phủ nhận cảm xúc của mình trong một thời gian dài đến nỗi nhiều chương trình của chúng ta bị chôn vùi bên dưới hàng trăm lớp điều kiện; do đó chúng ta cần có thời gian để khám phá từng lớp.

Tôi đã làm việc với các vấn đề của mình trong một thời gian dài và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Những gì từng là những tắc nghẽn lớn nay chỉ còn là những khiếm khuyết nhỏ rất con người – có thể được yêu thương và chấp nhận, trong khi tôi vẫn tiếp tục làm việc trên bản thân mình. Nói chung, tôi cảm thấy tốt hơn về bản thân tôi bây giờ, và kể cả bất cứ lúc nào trong quá khứ. Tôi tham gia vào ít nhất 6 dự án sáng tạo được thiết kế để mang lại lợi ích cho nhân loại. Tôi đã nhận thức được các trạng thái của hiện hữu và các chiều kích của vũ trụ đem lại niềm tôn kính. Phần lớn, tôi làm những gì khiến tôi hứng thú trong cuộc sống. Một số trải nghiệm của tôi có thể giống như khoa học viễn tưởng đối với một người bình thường. Tôi luôn cảm thấy mình sống động và sôi nổi trong hầu hết thời gian, và sự buồn chán hiếm khi ảnh hưởng đến tôi. Tôi đã nhìn thấy và là một phần của sự chữa lành kỳ diệu cho bản thân và những người khác. Tuy nhiên, tôi vẫn có những vấn đề con người giống như tất cả chúng ta. Tôi vẫn cảm thấy nỗi đau, buồn, giận, sợ hãi và cô đơn, mặc dù tôi không bị những cảm xúc này kiểm soát. Tôi đang giải quyết các vấn đề của riêng mình liên quan đến sự tách biệt, sự từ chối, cảm giác tội lỗi, sự phán xét và mất mát. So với lúc tôi bắt đầu thì hiện tại tôi đã hiểu hơn rất nhiều, và chấp nhận nhiều hơn con người mà tôi là. Nhưng tôi không “ở trên” tình trạng con người, và tôi nghi ngờ có bất cứ ai hiện còn sống tuyên bố rằng mình đã vượt thoát khỏi những vấn đề của con người.

Sự khác biệt chính giữa những vị thầy tiến hóa cao và người bình thường là ở nhận thức về sự trọn vẹn. Những vị thầy giác ngộ xem mình là những sinh mệnh sáng tạo, rộng lớn của Ánh Sáng, có một chút bản ngã con người, với những khiếm khuyết của nó. Mặc dù họ vẫn còn những “chất liệu” này, nhưng chúng là một phần nhỏ trong thực tại của họ.

7.              Thay đổi

Mặc dù chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng tất cả chúng ta đều là một phần của thân phận con người, nhưng chúng ta cũng cần nhận ra rằng thế giới của chúng ta đã đi rất xa so với con đường hiện tại của nó. Nếu chúng ta không thay đổi, chúng ta sẽ không thể tồn tại như một loài. Đây là sự thật. Và mặc dù một phần trong chúng ta mong muốn thay đổi, chúng ta vẫn chống lại nó. Nó không dựa trên thực tế thoải mái, thân thuộc, đã biết mà chúng ta đã quen. Lý trí chống lại sự thay đổi vì nó đe dọa hình ảnh của chúng ta về bản thân. Chúng ta có được cảm giác an toàn từ việc có một tính cách “ổn định”. Tuy nhiên, liệu có thực sự an toàn trong việc giữ mọi thứ theo cách của chúng không?

Sự an toàn đích thực đến từ bên trong Cái Tôi. Cái Tôi có khả năng phát triển và thay đổi hài hòa với môi trường, để phản ứng thích hợp với tình huống nhất định bất kỳ. Tìm kiếm sự an toàn bên ngoài Cái Tôi có nghĩa là chúng ta đã trao sức mạnh của mình cho người khác, và do đó đã đánh mất sự an toàn thực sự của mình.

Không có số tiền, quyền lực hay danh vọng nào có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn thực sự. Cho đến khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta sẽ tiếp tục hủy hoại môi trường và chính bản thân mình. Chúng ta phải thay đổi sự lập trình tâm trí rằng sự an toàn và hạnh phúc đến từ đâu đó bên ngoài. Chúng ta phải sẵn sàng đặt câu hỏi với niềm tin rằng công việc phù hợp, mối quan hệ phù hợp, hoặc ngôi nhà phù hợp là câu trả lời cho các vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải thay đổi nhận thức của mình về thế giới. Các mối quan hệ của chúng ta phải thay đổi. Nếu chúng ta không thể hòa hợp với những người thân thiết nhất với chúng ta, làm sao chúng ta có thể kỳ vọng rằng mình có thể chữa lành hành tinh?

Với tư cách là một giống loài, chúng ta cần phải đối diện với thực tế rằng các kiểu hành vi, ý tưởng và khái niệm hiện tại của chúng ta phần lớn dựa trên các chương trình và niềm tin tiêu cực. Chúng ta không những phải thay đổi mà thay đổi đó phải là sự chuyển hóa căn bản và triệt để.

Để trải nghiệm tự do, chúng ta phải có một cuộc cách mạng cơ bản trong tư duy của mình. Tự do đích thực là một trạng thái mà chúng ta không còn bị ràng buộc vào những khuôn mẫu tâm trí của chúng ta. Khi chúng ta thoát khỏi sự lập trình giống như robot không còn hữu ích nữa, thì việc học hỏi thực sự sẽ bắt đầu. Chúng ta trở thành người thầy của chính mình. Chúng ta không còn bị tâm trí điều khiển nữa; chúng tôi sử dụng nó như một công cụ đã được tinh chỉnh để nhận thức.

Chúng ta học cách mà suy nghĩ phát sinh từ trí nhớ, cách mà nỗi sợ hãi được hình thành và cách sống trong khoảnh khắc với phản ứng mới mẻ đối với từng tình huống. Sau đó, chúng ta được tự do khám phá những điều chưa biết, từ đó vượt qua cái tôi cũ kỹ. Chúng ta khám phá ra Cái Tôi chân thật của mình – luôn thay đổi, nhưng bất diệt. Để thay đổi và phát triển, chúng ta không thể bám vào “sự an toàn” của cái tôi cũ kỹ. Chúng ta phải tiến lên. Thay đổi là một thực tại phổ biến trong các chiều kích thấp hơn. Chúng ta không thể sợ sự thay đổi mà lại có thể được tự do. Nỗi sợ hãi về sự thay đổi của chúng ta dựa trên lập trình trong quá khứ.

Làm thế nào để chúng ta thay đổi sự lập trình tâm trí của mình? Những chương trình nào có lợi cho sự phát triển của chúng ta? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta phải học cách sử dụng trí thông minh của mình để nhìn trực tiếp, trong từng khoảnh khắc, chính xác những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài chúng ta. Chúng ta phải học cách nhận thức chủ động trong mọi khoảnh khắc, không chỉ đơn thuần hành động dựa trên những phản ứng có điều kiện trong trí nhớ. Bộ nhớ luôn có sẵn cho chúng ta như một công cụ khi chúng ta cần. Nó luôn luôn ở đó trong sự toàn vẹn. Nhưng nó không thể chi phối nhận thức của chúng ta nếu chúng ta muốn nhận thức một cách chính xác.

8.              Hệ thống niềm tin

Nếu một chương trình được lặp lại đủ số lần với cùng một kết quả, nó sẽ trở thành một hệ thống niềm tin. Mặc dù các chương trình được tạo thành từ các tập hợp các suy nghĩ và niềm tin, đến lượt chúng lại tạo ra các suy nghĩ và niềm tin mới. Hệ thống niềm tin là những nhận thức mà chúng ta tin là đúng, nhưng điều đó rốt cuộc không dựa trên sự thật. Hệ thống niềm tin giống như các ứng dụng máy tính, trong đó mỗi ứng dụng chứa một hoặc nhiều chương trình cơ bản. Những gì chúng ta biết về bản thân phụ thuộc phần lớn vào hệ thống niềm tin mà chúng ta có được. Nhận thức của chúng ta chứa đầy các hệ thống niềm tin khác nhau. Một số trong đó chúng khá mờ nhạt và có tác động rất ít đến cuộc sống của chúng ta. Một số khác bám rễ rất sâu và tạo nền tảng cho quan điểm của chúng ta về cuộc sống. Như tôi đã nói trước đây, niềm tin tạo ra thực tại của chúng ta, tức là cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống.

Có hàng ngàn niềm tin và hệ thống niềm tin. Tôi muốn tập trung vào những niềm tin cơ bản và sâu sắc nhất ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trên Trái Đất.

Niềm tin tiêu cực cốt lõi

Lưu ý: Tất cả các hệ thống niềm tin sau đây đều liên quan đến nhau. Chúng đại diện cho những niềm tin phổ biến nhất của nhân loại và là nhân tố nguyên nhân cốt lõi đằng sau hầu hết các vấn đề mà nhân loại phải trải qua. Tất cả những niềm tin này có nguồn gốc là niềm tin về sự tách rời khỏi Thượng Đế.

Tôi không đủ tốt.”

Đây là niềm tin tiêu cực cốt lõi phổ biến nhất trên Trái Đất ngày nay. Gần 90% nhân loại có một số dạng của hệ thống niềm tin này hoạt động trong tiềm thức, nếu không phải là trong ý thức. Nó liên quan mật thiết đến câu tiếp theo mà chúng ta sẽ thảo luận, “Tôi không xứng đáng.

Khi cha mẹ và những người khác kỳ vọng vào chúng ta khi chúng ta còn nhỏ, dựa trên hệ thống niềm tin của riêng họ, và chúng ta không đáp ứng được những kỳ vọng đó, chúng ta thường tin rằng chúng ta không đủ tốt. Toàn bộ xã hội của chúng ta dựa trên ý tưởng rằng chúng ta phải phấn đấu cho sự hoàn hảo, không ngừng vượt qua nhau để trở thành “con chó đầu đàn”. Nhà thờ đã là thủ phạm chính trong vấn đề này khi truyền bá ý tưởng về tội lỗi tổ tiên và nói với chúng ta rằng chúng ta không đủ chuẩn (để vào Nước Trời). Niềm tin tiêu cực cốt lõi này dựa trên ý tưởng rằng Thượng Đế đòi hỏi sự hoàn hảo.

Tôi không xứng đáng.”

Niềm tin này đến trực tiếp từ cốt tủy của cảm giác tội lỗi, và tạo ra cảm xúc xấu hổ. Niềm tin vào sự không xứng đáng có lẽ đã có từ thuở ban đầu của Sự Sáng Tạo. Câu chuyện diễn ra như sau: Khi Thượng Đế tạo ra người nam (và người nữ), Ngài đã ban cho anh ấy (cô ấy) ý chí tự do. Người nam (người nữ) đã hiểu sai ý chí tự do và hành động của anh ta (cô ta) không phù hợp với các nguyên tắc phổ quát. Do đó, anh ấy (cô ấy) cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về hành vi của mình và coi bản thân mình không xứng đáng nhận được tình yêu thương của Thượng Đế.

Có điều gì đó sai đối với tôi.”

Đây có lẽ là niềm tin mang tính phá hoại nhất trong tất cả những niềm tin tiêu cực cốt lõi. Nó chứa mầm mống của lối cư xử bệnh hoạn mang tính cá nhân và xã hội. Mặc dù có liên quan chặt chẽ đến niềm tin “Tôi không đủ tốt” và “Tôi không xứng đáng”, nó đi sâu hơn vào hình ảnh cơ bản về bản thân. Nếu bạn tin rằng có điều gì đó sai bên trong bạn, thì bạn tin rằng bạn đã phạm tội và không xứng đáng với tình yêu thương của Thượng Đế. Hơn nữa, bạn có xu hướng tin rằng bạn không thể làm gì để cải thiện điều này, do đó bạn không còn quan tâm đến điều tốt đẹp hoặc đóng góp cho điều tốt đẹp của thế giới. Niềm tin này tạo ra hành vi tự hủy hoại bản thân và kéo theo đó là hành vi phá hoại đối với người khác.

Tôi không an toàn.”

Niềm tin về sự tách rời khỏi Thượng Đế khiến người ta đồng nhất với mình hình hài thể lý, cái mà dường như tầm thường và bất lực khi đối mặt với nghịch cảnh đến từ tất cả các nguồn có thể tưởng tượng (và không thể tưởng tượng được) – thời tiết, vũ trụ, động vật hoang dã, hạn hán, nạn đói, bệnh dịch, và tất nhiên, những người khác. Niềm tin vào việc trở thành một con người nhỏ bé, bất lực này làm phát sinh các cấp độ phòng thủ phi lý, từ việc lắp nhiều ổ khóa cửa, cho đến việc dự trữ khối lượng lớn vũ khí hạng nặng đầy tốn kém, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Niềm tin này khiến người ta không nhìn thấy được tính nhất thể ẩn bên trong tất cả chúng sinh, điều mà nếu được nhận ra sẽ mang lại cảm giác sâu sắc về an toàn và đảm bảo mà không chính sách hoặc thủ tục nào của chính phủ có thể tạo ra được. “Cuộc chiến chống khủng bố” gần đây là một ví dụ về cách niềm tin tiêu cực cốt lõi “Tôi không an toàn” thể hiện ra bên ngoài thế giới.

Thế giới không an toàn.”

Một số người trong chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta có thể đạt được một số mức độ bình an và an toàn bên trong, nhưng chúng ta vẫn thấy thế giới bên ngoài chính mình là một nơi đáng sợ cần phải tránh đi bằng mọi giá. Do đó, chúng ta tìm kiếm nơi ẩn náu bên trong, điều này tự nó là một ý tưởng tốt, nhưng lại có thể bị dẫn đến sự cực đoan, như là trở nên cô lập và chỉ phục vụ bản thân. Khi điều đó xảy ra, chúng ta bỏ qua những lời van xin của nhân loại và đóng cửa trái tim mình trước những đau khổ của thế giới. Mặc dù bạn không nên bỏ qua những nguy hiểm hiển nhiên, nhưng điều quan trọng là phải tỏa chiếu sự bình yên bên trong bạn ra thế giới, chiếu ánh sáng của bạn vào những nơi tăm tối nhất. Nếu bạn không ngừng tuôn trào tình yêu và lòng trắc ẩn, bóng tối và cái ác sẽ không tìm thấy nơi nào để tồn tại bên trong bạn, và bạn sẽ trải nghiệm một thế giới hòa bình và hài hòa.

Cuộc sống là một sự thất vọng.”

Niềm tin này là một phần của vòng luẩn quẩn “kỳ vọng/thất vọng/hoài nghi”. Chúng ta có một kỳ vọng về một điều gì đó trong cuộc sống; rồi điều nó không diễn ra theo cách mà chúng tôi đã hy vọng; sau đó chúng ta trở nên hoài nghi và nghĩ rằng thất bại sẽ xảy đến trong tương lai. Điều này thường bắt đầu từ thời thơ ấu, đặc biệt là nếu chúng ta say mê những câu chuyện cổ tích và lời hứa hẹn về một “cuộc sống tốt đẹp” do một xã hội bị thương mại hóa trao cho chúng ta. Chúng ta được dạy rằng nếu chúng ta mua cái này hay cái kia, hoặc chúng ta phải gặp đúng người, chuyển đến đúng căn nhà, mua đúng chiếc xe, v.v chúng ta sẽ có được hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm tin này đi sâu hơn lĩnh vực của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó phản ánh sự hạ xuống thế giới vật chất thuở ban đầu (được gọi là Nguyên Nhân Gốc, tội nguyên tổ, hoặc sự trượt xuống từ thiên đàng), theo đó chúng ta dường như mất kết nối với Nguồn và tin rằng bằng cách nào đó Thượng Đế đã phá vỡ lời hứa của Ngài với chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta sẽ khám phá chủ đề này sâu hơn ở phần sau của cuốn sách.

Cuộc sống là sự tranh đấu.”

Đối với nhiều tổ tiên của chúng ta, việc sinh tồn dường như rất khó khăn. Do thiếu hiểu biết về quy luật tự nhiên, sự áp bức từ người khác, thiếu công nghệ cơ bản để sản xuất nông nghiệp, vệ sinh và thuốc men, sợ hãi và mê tín dị đoan, nhiều người trong chúng ta đã từ bỏ sức mạnh vốn có của mình và tin rằng mình là con tốt bất lực trong ván cờ của cuộc đời, vật lộn chống lại những chướng ngại không thể vượt qua được. Với công nghệ hiện đại, giờ đây thế giới có thể không chỉ đảm bảo sự tồn tại về mặt vật chất cho tất cả mọi người, mà còn nâng cao mức sống của chúng ta. Về mặt lý thuyết, có thể có tới 10 tỷ người sống thịnh vượng trên Trái Đất mà không cần phải hy sinh tàn phá môi trường, hoặc biến các thành phố thành những nơi không thể sống được. Nghịch lý thay, việc giữ niềm tin rằng cuộc sống là một cuộc đấu tranh thực ra lại đang thách thức sự tồn tại của chúng ta với tư cách là một giống loài. Điều này là bởi vì có một niềm tin như vậy dẫn đến nghiện làm việc, luật lệ khắt khe và căng thẳng tột độ, cuối cùng gây ra bệnh tật và tử vong.

Không có đủ (tình yêu, tiền bạc, năng lượng, v.v.)

Niềm tin vào sự nghèo đói và khan hiếm phát sinh từ khi chúng ta bắt đầu hạ xuống thế giới vật chất, khi chúng ta “trượt xuống khỏi Thiên Đàng”. Bằng cách hiểu sai ý chí tự do, chúng ta quên rằng vũ trụ là dồi dào và không giới hạn, và chúng ta bắt đầu nhận thức mình là nạn nhân trong một vũ trụ thù địch. Niềm tin về sự khan hiếm và giới hạn xuất phát trực tiếp từ niềm tin cơ bản rằng chúng ta tách biệt khỏi Thượng Đế, nguồn của sự dồi dào, và rằng thực tại bên trong và bên ngoài tách biệt với nhau. Khoa học hiện đại đã chứng minh rằng chúng ta đang sống trong một biển năng lượng gần như vô hạn. Vấn đề thực sự duy nhất là làm thế nào để khai thác sự thịnh vượng đáng kinh ngạc đó và áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Một số biểu hiện phổ biến hơn của niềm tin vào sự thiếu thốn và khan hiếm bao gồm sự tích trữ, tham lam và phân phối hàng hóa và dịch vụ không công bằng – những hoạt động thực sự tạo ra sự khan hiếm.

Buông bỏ “những con bò thiêng” [tức những niềm tin được xem như chân lý]

Những hệ thống niềm tin sau đây được rất nhiều người tin rằng là chân lý. Rất nguy hiểm nếu chấp nhận một cách mù quáng một điều gì đó là sự thật tuyệt đối. Rất thường xuyên, một niềm tin có thể đúng ở một tầng thứ hoặc chiều kích, nhưng lại hoàn toàn vô nghĩa ở tầng thứ hoặc chiều kích khác. Một ví dụ về điều này là luật hấp dẫn. Luật này rất thực trên Trái Đất chiều kích thứ ba, nhưng ngoài không gian thì hầu như không áp dụng. Luật hấp dẫn cũng được thay thế bởi những luật khác, mạnh hơn trong các chiều kích cao hơn (bao gồm cả luật điện từ). Ví dụ, sự bay lên không vi phạm các định luật vật lý. Nó chỉ sử dụng các luật cao hơn, mạnh hơn luật hấp dẫn. Một điều không phải là một sự thật tuyệt đối trừ khi nó đúng trên mọi tầng thứ và chiều kích. Hãy xem bạn đã nhầm bao nhiêu hệ thống niềm tin sau đây là sự thật tuyệt đối. Hầu hết những điều này được coi là sự thật tuyệt đối bởi nhiều xã hội và chính phủ khác nhau trên Trái Đất:

Cơ thể phải lão hóa và chết.”

Điều này sẽ đúng nếu nguyên lý về entropy (nguyên lý về sự suy thoái, thất thoát nhiệt năng vô ích – định luật 2 của nhiệt động lực học[2]) là luật tối cao của vũ trụ, như một số nhà vật lý khẳng định. Tuy nhiên, có một luật khác, nguyên lý tái tạo/phục hồi, hay còn gọi là centropy, tức phản entropy (nguyên lý về sự trật tự). Những cá nhân cân bằng được sự tái tạo/phục hồi với sự lão hóa/suy thoái có thể duy trì một cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung vô thời hạn. Ngay cả y học hiện đại và nghiên cứu di truyền học đã kết luận rằng về mặt lý thuyết có thể giữ cho cơ thể tồn tại mãi mãi (nhưng không phải hầu hết mọi người đều mong muốn điều này). Để biết thêm thông tin về sự bất tử về thể chất, hãy xem Chương 20.

Thượng Đế là hoàn hảo, là tình yêu không thay đổi.”

Có vẻ như có một khía cạnh của Thượng Đế là hoàn hảo, là tình yêu không thay đổi, nhưng nếu Thượng Đế là tất cả, thì Ngài cũng phải lớn lên, tiến hóa và thay đổi. Nếu chúng ta được tạo ra theo hình ảnh và giống như Ngài, thì những đặc điểm và đặc điểm của con người phải hiện diện trong Thượng Đế vào thời điểm con người được sáng tạo ra. Bạn có thể coi con người là phần mở rộng của Thượng Đế – bàn tay, bàn chân, mắt và tai của Thượng Đế. Do đó, phải có một khía cạnh nào đó của Thượng Đế là không hoàn hảo, vì có những sáng tạo của Ngài biểu lộ sự bất toàn. Vì vậy, một phần của Thượng Đế có thể có lúc giận dữ, buồn bã, sợ hãi, ghen tị và sai lầm. Chỉ bởi vì Ngài đã tạo ra chúng ta không nhất thiết có nghĩa là sự tiến hóa của Ngài đã kết thúc hoặc sự chữa lành của Ngài đã hoàn tất.

Bạn phải rời khỏi cơ thể để được lên thiên đàng.”

Ngay từ đầu của quá trình sáng tạo vật chất, cơ thể đã bị phán xét trái ngược với bản chất “cơ bản” của nó. Giới hạn không xảy ra đơn giản bởi vì bạn có một cơ thể. Nó xảy ra bởi vì khía cạnh không giới hạn của con người bạn đã bị phủ nhận. Bằng cách quên mất Cái Tôi Cao Hơn của mình, bạn đã quên mất bản chất không giới hạn của mình. Khía cạnh cao hơn này có thể chuyển hóa cơ thể thành một phương tiện ánh sáng không còn bị ràng buộc bởi các nguyên tắc của chiều kích thứ ba. Trong chương sau, chúng ta sẽ xem xét sự thăng lên về thể chất.

Tôi là Thượng Đế.”

Đúng và sai. Bạn là một phần của Thượng Đế. Bạn có thể hợp nhất nhận thức của mình với Thượng Đế. Bạn là một hình ảnh ba chiều của Thượng Đế. Bạn có khả năng sáng tạo giống như Thượng Đế. Nhưng bạn cũng là một linh hồn riêng biệt, một đức chúa theo đúng nghĩa của bạn, có khả năng tiến hóa đến mức bạn có thể tạo ra toàn bộ vũ trụ.

Nỗi đau là không thể tránh khỏi.”

Nỗi đau là sự kháng cự lại sinh lực. Nó cũng là một công cụ để giảng dạy tuyệt vời. Nếu nó được hoàn toàn chấp nhận, không còn bất kỳ sự kháng cự nào nữa, và nỗi đau sẽ được chuyển hóa. Nhiều người tin vào sự hy sinh và cho rằng bạn phải trải qua những trải nghiệm đau đớn để được chữa lành; rằng nếu bạn chịu đủ đau đớn, bằng cách nào đó Thượng Đế sẽ thưởng cho bạn. Thượng Đế không đòi hỏi sự đau đớn hay hy sinh. Nếu bạn yêu và chấp nhận tất cả các bộ phận của mình, bạn sẽ không có nỗi đau. (Ở đây, chúng ta không nói về nỗi đau thể xác, mà là sự kháng cự của tâm lý đối với những gì xảy ra.

Tôi không thể luôn hạnh phúc.”

Sẽ không lành mạnh nếu đòi hỏi hạnh phúc liên tục. Bạn cần chấp nhận cảm giác của mình cho dù cảm giác đó như thế nào. Nhưng điều này không có nghĩa là không thể luôn hạnh phúc. Niềm tin rằng cuộc sống phải có những thăng trầm bắt nguồn từ cảm giác tội lỗi. Tội lỗi nói rằng bạn không xứng đáng được hạnh phúc và bạn sẽ phải trả giá cho niềm vui của mình ở đâu đó trong tương lai. Nếu bạn bắt đầu chú ý đến những gì kéo bạn xuống sau khi đi lên, bạn sẽ thấy rằng cảm giác tội lỗi và sợ hãi là căn nguyên. Nếu bạn nhận thấy cảm giác tội lỗi xuất hiện trước khi nó nắm kiểm soát, bạn có thể đưa nó ra khỏi con người mình. Nếu bạn yêu thương phần sợ hãi của bản thân, bạn có thể đưa nó vào niềm hạnh phúc của mình. Hạnh phúc là một trạng thái tự nhiên khi tất cả các bộ phận của bản thân hòa hợp với nhau.

Mọi thứ đều là tình yêu và ánh sáng.”

Nếu bạn tin điều này, thì nó cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể cắm sừng bạn dễ như chơi. Đối với hầu hết mọi người, đây là hình thức phủ nhận đã tạo ra nhiều vấn đề trên Trái Đất hơn bất cứ điều gì khác. Sự giác ngộ không đến từ việc chấp nhận những khía cạnh hài lòng của cuộc sống và phủ nhận những khía cạnh còn lại. Tình yêu thực sự cũng chấp nhận bóng tối. Bạn không cần phải ôm lấy bóng tối và đưa nó vào trong bản thể của bạn, nhưng bạn cần có sự chấp nhận yêu thương đối với bóng tối. Có một sự khác biệt ở đây. Tôi có thể yêu thương người say rượu trên phố và xem anh ta như mình (tức không phân cao thấp, mà bình đẳng, ngang hàng), nhưng tôi không nhất thiết phải uống rượu với anh ta. Nếu tôi không có sự phán xét hoặc phủ nhận bên trong tôi, bóng tối đơn giản trở thành một sự tương phản; một vũ điệu của tính hai mặt, chứ không phải là một thứ gì đó xấu xa cần được loại bỏ. Cái ác thực sự chính là bản thân sự phủ nhận, cũng như sự phán xét. Định nghĩa về “cái ác” được sử dụng trong cuốn sách này như sau: “Cái ác là một trạng thái nhận thức theo đó bạn tách ra một số khía cạnh của Sự Sáng Tạo và đánh giá chúng là không xứng đáng được yêu thương bằng những khía cạnh khác của Sự Sáng Tạo.”

Hãy để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện dựa trên kinh nghiệm thực tế mà tôi đã có vào năm 1991. Tôi đang khám phá cơn thịnh nộ của mình, vốn đã bị chôn vùi dưới nhiều lớp phủ nhận và giờ đang nổi lên bề mặt. Tôi ngày càng đi sâu vào cơn thịnh nộ cho đến khi tôi có thể hình dung nó như một khối màu đen đỏ mang năng lượng sôi sục. Sau đó, tôi vẫn nhìn sâu hơn và thấy một con rắn hai đầu. Một cái đầu màu đen; cái kia màu trắng.

Tôi hỏi con rắn đó là ai, và cái đầu đen trả lời, “Tôi là Pan, Thần Địa đàng.” Sau đó, cái đầu trắng trả lời, “Và tôi là Satan.” Tôi đã bị sốc. Tôi hoàn toàn nghĩ rằng đầu đen là Satan và đầu trắng là Pan. Sau tất cả, mọi người đều biết rằng màu trắng là tốt và màu đen là xấu. Nhưng khi tôi lắng nghe sâu hơn, câu chuyện bắt đầu có ý nghĩa. Pan, cái đầu đen, đầy giận dữ. Anh ấy đã bị đẩy xuống, bị đàn áp, bị kìm nén và bị từ chối trong hàng niên kỷ, và anh ấy đã tuyệt vọng trong việc bày tỏ sự bực bội của mình vì bị cấm khẩu. Anh ấy đã trở nên dồn nén vì không được thể hiện đến mức gần như không có ánh sáng.

Satan, con rắn trắng, là nguyên nhân gây ra sự đàn áp của Pan. Satan tỏ ra lạnh lùng, điềm tĩnh và tách biệt, Satan đi xung quanh và nói, “Mọi thứ đều là tình yêu và ánh sáng.” Sự phủ nhận là nguyên nhân gây ra chia rẽ, và Satan đại diện cho sự phủ nhận. Trên thực tế, không có sinh mệnh nào được gọi là Satan. Anh ta là một hình mẫu, hoặc một sự tổng hợp của một dạng nhận thức nhất định. Một trong những tổng lãnh thiên thần, Lucifer, là hiện thân của hình mẫu Satan trong một thời gian dài, nhưng sau đó đã tiến đến một nhận thức hợp nhất hơn.

Một lưu ý nữa: Phông màn của vở kịch về con rắn hai đầu này có màu trung tính, không rõ ràng. Tôi được cho biết phông màn này là chính là thân thể của Thượng Đế, và Thượng Đế hoàn toàn trung lập. Ngài không chiến đấu với bóng tối bằng ánh sáng, hay chiến đấu với ánh sáng bằng bóng tối. Ngài chỉ đơn giản hiện hữu.

9.              Sự xung đột

Xung đột là gì? Làm thế nào nó phát sinh? Tác động của nó là gì? Để hiểu đầy đủ những câu hỏi này, chúng ta phải nhìn rất sâu vào bản thân. Xung đột xảy ra khi hai hoặc nhiều phần của bản thân không hòa hợp. Nói cách khác, cái tôi đã bị phân mảnh và chia tách ra thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần dường như đối lập hoặc không hòa hợp với các phần khác. Sự phân mảnh này xảy ra khi chúng ta phủ nhận một phần của bản thân hoặc chấp nhận những niềm tin, ý tưởng và khái niệm không đại diện cho bản chất thực sự của chúng ta.

Dạng xung đột phổ biến nhất liên quan đến sự phán xét về cảm giác và cảm xúc. Có ba bước cho quá trình này. Đầu tiên, một tình huống phát sinh gây ra cảm xúc tiêu cực. Tiếp theo, chúng ta phán xét cảm xúc là không mong muốn. Cuối cùng, chúng ta phán xét chính mình khi cảm nhận cảm xúc tiêu cực.

Nếu chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về cảm xúc tiêu cực và sử dụng nó như một cơ hội để tìm hiểu về sự lập trình tâm trí và điều kiện sinh trưởng của chúng ta, chúng ta sẽ ít có khả năng trở thành nạn nhân của các bước hai và ba ở trên. Ví dụ, những câu sau liên quan đến cảm xúc tiêu cực mà người đó không chịu trách nhiệm về cảm xúc đó:

Cô ấy làm tôi tức giận.”

“Ở một mình khiến tôi chán nản.”

Tôi phát ốm và mệt mỏi vì anh ấy.”

Nhận trách nhiệm về những cảm giác này bắt đầu bằng thay đổi những suy nghĩ, có lẽ theo cách này:

Tôi cảm thấy tức giận khi cô ấy ở xung quanh.”

Tôi cảm thấy chán nản khi ở một mình.”

Tôi cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi khi ở cạnh anh ấy.”

Nhớ rằng chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình luôn là bước đầu tiên trong quá trình chữa lành.

Xung đột xảy ra khi chúng ta phán xét các cảm xúc của mình và phán xét bản thân khi cảm nhận chúng. Ví dụ: nếu tôi cảm thấy tức giận khi cô ấy ở xung quanh, thì tôi có thể quyết định:

Giận dữ là xấu.”

Thật sai lầm khi cảm thấy tức giận.

Tôi không nên cảm thấy như vậy.

Sau đó, chúng ta có khả năng tự phân mảnh mình hơn nữa với các phán xét thứ cấp:

Tôi không phải là một người tốt vì tôi luôn tức giận với cô ấy.”

Tôi phải rất nhỏ nhen mới cảm thấy như vậy.”

Đáng lý ra tôi phải hạnh phúc.”

Bây giờ phần cảm thấy tức giận của chúng ta xung đột với phần đang phán xét bản thân vì cảm thấy tức giận.

Hãy sử dụng một ví dụ khác về chứng trầm cảm. Giả sử bạn có trải nghiệm buồn khi ở một mình. Chương trình diễn ra như sau:

Thật không phải là một trạng thái lành mạnh khi không có bạn bè nào ở bên. Điều đó có nghĩa là tôi không có ai ở bên khi cần được an ủi và chăm sóc. Vì vậy, tôi không hạnh phúc vì tôi muốn mọi thứ khác đi. ”

Chương trình đang được kích hoạt bởi các tình huống bên ngoài và liên quan đến điều kiện sinh trưởng đã được đặt định bởi xã hội và cha mẹ, cũng như kinh nghiệm trong quá khứ – chúng ta nhớ những lúc có bạn bè xung quanh rằng ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Vì vậy, ta đang liên hệ kinh nghiệm hiện tại của mình với một điểm tham chiếu trong quá khứ

Thay vì hiểu và làm việc với chương trình này để tạo ra sự chữa lành, một chương trình khác có thể được kích hoạt, đẩy chúng ta sâu hơn vào trầm cảm:

Tôi không nên cảm thấy buồn rầu. Thật không đúng khi cảm thấy như vậy. Có gì đó sai đối với tôi. Tôi muốn cảm thấy hạnh phúc nhưng giờ thì tôi không như vậy, vì vậy tôi chán ghét chính mình”.

Bạn có thấy những gì đang xảy ra ở đây? Tuyên bố “Tôi chán ghét chính mình” ngụ ý rằng “Tôi” và “mình” là hai thực thể riêng biệt.

Trong thực tế, bạn là một bản thể, nhưng sự phán xét này tạo ra sự phân chia và tách biệt trong bản thể của bạn. Bất cứ khi nào bạn phán xét một cảm giác hoặc suy nghĩ, bạn chia tách nó ra khỏi phần còn lại của bạn. Thay vì chỉ đơn giản là cảm thấy buồn, bạn nghĩ về nỗi buồn của mình như một thứ gì đó tách biệt khỏi bạn; tức là, “Tôi và cảm xúc của tôi” hoặc “Bạn và suy nghĩ của bạn.

Hình 4.4 cho thấy rõ ràng sự phân chia này giữa “cái là” và “cái nên là”.

Hình 4.4 – Xung đột và chia rẽ trong cái tôi

Người này tin rằng cuộc sống nên theo những mô hình và lý tưởng của mình. Anh ta liên tục phủ nhận cảm xúc và suy nghĩ của mình, hoặc phán xét chúng, khi chúng không đúng với mô hình thực tại của anh ta.

Nguyên nhân của các vấn đề của thế giới là sự tách biệt và chia rẽ trong chúng ta. Sự chia rẽ này thể hiện niềm tin rằng những điều xảy đến với chúng ta nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta đã bị áp đặt để tin rằng cảm giác và suy nghĩ là những yếu tố bên ngoài do hoàn cảnh bên ngoài gây ra. Chúng ta phóng chiếu những suy nghĩ và cảm xúc của mình ra bên ngoài và nhìn thấy sự phản chiếu ở thế giới – một tấm gương phản ánh nhận thức của chính chúng ta. Sau đó, chúng ta quên rằng chúng ta đã tạo ra sự phản chiếu đó và đổ lỗi cho thế giới. Niềm tin về sự tách biệt biểu hiện như một niềm tin rằng thế giới tách biệt với chúng ta. Sự thật, chúng ta là thế giới. Nếu bạn từ chối một phần của thế giới, bạn đang từ chối một phần của chính mình. Nếu bạn từ chối bất kỳ phần nào của mình, bạn không thể yêu thương thế giới và trở thành một động lực tích cực trong đó. Khi bạn hiểu được xung đột bên trong bản thân và chấm dứt sự chia rẽ bên trong và bên ngoài bản thân, thì bạn sẽ trở thành một lực lượng chữa lành mạnh mẽ.

Hình 4.5 – Sự thống nhất trong bản thân

Đây là ngôn ngữ của tình yêu. Người được đại diện bởi biểu đồ này nhìn thấy xung đột khi nó nảy sinh, đi theo nó, và vì thế nó được giải quyết. “Người suy nghĩ” trở thành “ý nghĩ”. Điều này được thực hiện bằng cách chấp nhận “cái là” trước khi cố gắng thay đổi nó.

Kết thúc xung đột

Người mà tôi gọi là “tôi” là ai? Đó có phải là con người thật của tôi, hay đó là tập hợp những trải nghiệm, ý tưởng, khái niệm và thông tin trong quá khứ mà tôi đã tích lũy được? Làm thế nào mà cái tôi này thực sự có thể là tôi? Ai là người quan sát quá trình tích lũy này?

Để chấm dứt xung đột, chúng ta hãy nhìn lại sự phân chia của bản thân một lần nữa. Sự tách biệt đã xảy ra như thế nào? Chúng ta biết rằng việc phán xét các bộ phận của bản thân tạo ra sự tách biệt và phân mảnh. Vậy tại sao chúng ta lại phán xét?

Trong suốt quá trình tiến hóa, lý trí của chúng ta đã phát triển thành một thực thể to lớn, phức tạp. Mục đích của nó là phân loại, phổ biến và sắp xếp thực tại theo những cách hỗ trợ cho sự phát triển của chúng ta với tư cách là con người. Tuy nhiên, khi chúng ta phát triển lên các chiều kích cao hơn, chúng ta không thể bị mắc kẹt trong quá trình tư duy logic của trí thông minh. Chúng ta phải phát triển những cách mới để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Lý trí của chúng ta phân loại và so sánh, sắp xếp sự phi lý và hỗn loạn theo trật tự. Điều này rõ ràng là cần thiết, nhưng nó không phải là cách hoạt động của Cái tôi sâu sắc hơn. Bên trong chúng ta là một loại trí thông minh khác có thể lĩnh hội ngay lập tức thông tin mà không cần phải phân loại tất cả các chi tiết. Đây là sự thông thái của tâm hồn có thể nhìn thấy cả hai mặt của xung đột và tìm ra giải pháp thực sự.

Khi chúng ta nhìn từ trí thông minh cao hơn về quá trình xung đột, chúng ta thấy có 5 bước:

  1. Một tình huống phát sinh kích hoạt một chương trình.
  2. Lý trí sinh ra suy nghĩ.
  3. Chương trình và suy nghĩ được tạo ra không hài hòa với hoàn cảnh. Nói cách khác, tình huống bị phán xét là không mong muốn.
  4. Xung đột được tạo ra: “cái nên là” phản ứng lại “cái là”.
  5. Cảm xúc tiêu cực được hình thành, rồi bị phán xét và quá trình này tiếp tục lặp lại.

Bạn có thể thấy quá trình năm bước khiến chúng ta bị mắc kẹt trong trí nhớ như thế nào không? Chúng ta liên tục so sánh trải nghiệm hiện tại của mình với trải nghiệm trong trí nhớ hoặc trải nghiệm được tưởng tượng trong tương lai. Bị mắc kẹt trong trí nhớ tạo ra nỗi sợ hãi về những điều chưa biết. Do đó, bản ngã thiết lập các cơ chế để bảo vệ chính mình. Nỗi sợ hãi xuất hiện bởi vì thế giới của chúng ta bị đe dọa bởi những ý tưởng, khái niệm và niềm tin không hài hòa với quan điểm của chúng ta về cách mọi thứ “nên là”. Khi cuộc sống không phù hợp với khái niệm của chúng ta về những gì nên là, chúng ta trở nên sợ hãi và xa cách với người khác. Sau đó, chúng ta phát ra năng lượng không hài hòa và những rung động tiêu cực.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta “nên” hòa hợp. Chúng tôi bắt đầu lại quá trình. Đây là một trong những vòng luẩn quẩn “không lối thoát” lớn nhất. Chúng ta thấy rằng chúng ta phải chấm dứt xung đột, nhưng vẫn có xung đột. Vì vậy, chúng ta phát sinh nỗi sợ xung đột. Chúng ta quyết định xung đột là xấu xa; một cái gì đó được loại bỏ. Chúng ta không nên có xung đột vì nó dẫn đến tiêu cực. Vì vậy, chúng ta đã phán xét xung đột và sự tiêu cực mà nó dẫn đến.

Quá trình này được lặp đi lặp lại. Nỗi sợ hãi tiếp tục kích hoạt nhiều chương trình hơn, các chương trình kích hoạt nhiều suy nghĩ hơn, các suy nghĩ gây ra nhiều xung đột hơn. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi chúng ta thấy được sự vô lý của tất cả. Khi chúng ta cố gắng thoát ra khỏi vòng lặp này, chúng ta trở nên bực bội và lo lắng và điều này lại tiếp tục thúc đẩy vòng lặp; do đó, rõ ràng là chúng ta cần phải có một cách tiếp cận khác. Chúng ta không thể chấm dứt xung đột bằng cách cố gắng thoát khỏi nó, phá bỏ hoặc trấn áp nó. Và chúng ta không thể sử dụng lý trí của mình để kết thúc nó bởi vì lý trí đã tạo ra vấn đề ngay từ đầu. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung toàn bộ sự chú ý vào quá trình được mô tả ở trên từ một nơi tách biệt, với ý thức trọn vẹn. Bằng cách tập trung vào nó, chúng ta không đắm chìm trong nó hay đồng nhất với nó, mà chỉ đơn giản là quan sát nó từ một nơi cao hơn. Chúng tôi đi theo với quá trình, trải nghiệm nó và chấp nhận nó như nó vốn có.

Điều này không có nghĩa là bạn nói với chính mình, “Đây là nỗi sợ hãi. Tôi sẽ bị mắc kẹt với nó cả đời, vì vậy tôi cũng có thể tận hưởng nó. ” Không. Đơn giản hãy xem xét nó – nhìn vào nó theo cái cách người quan sát không phải là một thực thể riêng biệt với nó. Nói cách khác, chỉ trong chốc lát, hãy trở thành nỗi sợ hãi. Bạn đã tạo ra nỗi sợ hãi, chương trình và sự xung đột. Hãy là một với nó. Trong sự hợp nhất, không có sự phân chia và không có sự tách biệt. Vì vậy, nghịch lý là làm thế nào để trở thành một với một cái gì đó, đồng thời tách ra và quan sát mà không phán xét. Điều này ngụ ý rằng có những cấp độ cao hơn của Cái Tôi tham gia vào quá trình chữa lành, điều mà chúng ta sẽ khám phá tiếp theo đây.

Tóm lại, khi bạn nhìn thấy toàn bộ quá trình xung đột khi nó xảy ra, bạn sẽ có nhận thức không chọn lọc và sự lĩnh hội ngay lập tức. Nhận thức này sẽ dừng vòng lặp và chúng ta đơn giản chỉ còn lại trải nghiệm. Trải nghiệm này không tốt hay xấu; nó chỉ đơn giản là nó.

[1] John Elliot Bradshaw (29/6/1933 – 8/5/2016) là một nhà giáo dục, cố vấn, diễn giả động lực và tác giả người Mỹ, người đã tổ chức một số chương trình truyền hình PBS về các chủ đề như nghiện ngập, phục hồi, phụ thuộc và tâm linh. Ông sinh trưởng trong một gia đình không hạnh phúc và bị bỏ rơi bởi một người cha nghiện rượu.

[2] Entropy được hiểu là (i) sự thất thoát nhiệt năng một cách vô ích (nguồn nhiệt năng thất thoát này không được sử dụng cho bất cứ một mục đích cụ thể, hữu ích nào) trong một hệ thống phát nhiệt bất kỳ, và (ii) sự hỗn loạn.

Nguyên lý về entropy: “Một hệ lớn và không trao đổi năng lượng với môi trường sẽ có entropy luôn tăng hoặc không đổi theo thời gian.” Vì entropy là mức độ hỗn loạn của hệ, định luật này nói rằng vũ trụ sẽ ngày càng “hỗn loạn” hơn. Từ đó dẫn đến định luật là không thể chuyển từ trạng thái mất trật tự sang trạng thái trật tự nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

 

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here