NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 22: Vượt khỏi sự tiến hóa của nhân loại (Kết thúc)

0
171

CHƯƠNG XXII
Vượt khỏi sự tiến hóa của nhân loại

Qua khỏi thời kỳ nầy, tất nhiên chúng ta không thể hiểu được một chút gì về những điều kiện cần thiết cho những cấp cao hơn mà con người khi đã đến bậc chí thiện rồi còn phải tiến thêm nữa. Chúng ta không còn nghi ngờ là sau khi đắc quả Chân Tiên, trình độ tâm linh của ngài đã phát triển đến mức tột cùng, vì thế khi nói về sự tiến bộ cao hơn đối với ngài, chỉ có nghĩa là vẫn còn những kiến thức rộng lớn hơn và những năng lực tinh thần tuyệt diệu hơn. Chúng ta được biết rằng, khi con người đạt đến trình độ tâm linh cao tột ấy, hoặc theo con đường tiến hóa chậm chạp của đa số nhân loại, hoặc do sự cố gắng vượt lên trước, thì con người đã tuyệt đối làm chủ định mạng của chính mình và tự chọn con đường cho cuộc tiến hóa sắp tới trong bảy đường mở rộng trước mặt.

Ở giai đoạn hiện tại, đương nhiên là chúng ta không thể hiểu được nhiều về việc nầy, những điều chỉ dẫn tổng quát chỉ có thể cho chúng ta biết được một phần nào mà thôi. Chúng ta chỉ biết rằng phần đông các ngài từ bỏ hoàn toàn ngôi vị Chân Tiên ở dãy trái đất của chúng ta, vì nơi đây không còn gì cần học hỏi cho sự tiến hóa cao tột của các ngài.

Một trong những đường nầy, theo từ ngữ chuyên môn là “nhập niết bàn.” Các ngài sẽ ở vào trạng thái cao siêu nầy một thời gian rất dài, không thể tính được. Các ngài chuẩn bị thi hành công tác gì và cách thức tiến hóa sắp tới của các ngài ra sao, chúng ta không biết được chút nào. Nói cho đúng, dù chúng ta có được giải thích về những vấn đề nầy, chắc chắn với trình độ hiện tại, chúng ta vẫn không thể nào hiểu nổi, nhưng ít ra chúng ta cũng biết được một cách tổng quát như sau:

Sự toàn phúc ở niết bàn không phải là một sự tịch diệt trống vắng như một số người lầm tưởng. Trái lại, nó bao hàm một sự hoạt động vô cùng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Cứ theo đà tiến lên trên nấc thang tiến hóa thiên nhiên càng cao hơn, con người càng có khả năng rộng lớn hơn, và công tác vị tha trở thành vĩ đại, rộng rãi hơn. Đối với vị Chân Sư thì sự minh triết và quyền năng vô hạn chỉ có nghĩa là một năng lực vô biên để phụng sự, vì điều đó được hướng dẫn bởi tấm lòng từ bi vô lượng.

Những vị khác chọn sự tiến hóa tâm linh không hoàn toàn xa cách với nhân loại, tuy không trực tiếp đi theo đà tiến hóa với nhân loại sang qua dãy địa cầu kế tiếp như đã được thiên cơ hoạch định cho hệ thống tiến hóa của nhân loại hiện thời, đó là phải tiếp tục trong hai thời kỳ dài, tương ứng với cuộc tuần hoàn thứ nhất và thứ nhì. Sau đó, dường như các ngài cũng sẽ nhập niết bàn nhưng với cấp bậc cao hơn.

Một số vị nhập vào đường tiến hóa của thiên thần, hoạt động theo dãy địa cầu vĩ đại gồm bảy dãy, như dãy địa cầu của chúng ta, mà mỗi dãy đối với các ngài như một thế giới duy nhất. Trong bảy đường tiến hóa, con đường nầy có vẻ chậm chạp và ít hiểm trở nhất, có khi nó được gọi là “con đường của những vị không muốn trở thành Thượng Đế.” Nếu so sánh với sự từ bỏ cao thượng của các vị Nirmanakaya, thì con đường nầy được xem như chỉ từ bỏ có một nửa. Khi vị Chân Tiên lựa chọn con đường đó, thì một cuộc sinh hoạt vinh quang sẽ phơi bày ra trước mặt. Tuy không phải là con đường ngắn nhất, nhưng nó rất cao quí. Con đường nầy đã được bà Mary, mẹ của đức Jesus, sau khi đã đạt đến trình độ Chân Tiên, bà được giao phó cho chức vụ rất đặc biệt và cao quí, đó là “Đức Mẹ Thế Giới.”

Những vị Nirmanakaya từ chối tất cả những con đường dễ dàng, để chọn con đường dốc đứng hiểm trở nhất, đưa đến những đỉnh cao tột. Những vị đó hợp thành điều mà người ta gọi một cách thi vị là “tường thành bảo hộ” (guardian wall), như đã được đề cập đến trong quyển Tiếng Vô Thinh (The Voice of the Silence) như sau: “Bảo vệ thế gian khỏi những thống khổ và buồn thảm càng ngày càng gia tăng.” Không phải là bảo vệ thế gian chống lại ảnh hưởng xấu, xâm nhập từ bên ngoài, mà các ngài dùng hết năng lực của các ngài để ban rải khắp thế gian sức mạnh và sự cứu trợ tâm linh. Nếu thiếu sự giúp đỡ ấy, chắc chắn thế gian sẽ lâm vào cảnh trạng tuyệt vọng hơn hiện nay.

Còn có những vị trực tiếp gần gũi với nhân loại, tiếp tục đầu thai trong nhân loại và chọn con đường vượt ra ngoài bốn cấp bậc đầu, mà ở đoạn trước chúng tôi gọi là thời kỳ chính thức (official period). Trong số nầy là những vị Chân Sư minh triết dạy dỗ chúng ta Minh Triết Thiêng Liêng, và chúng ta đã được học hỏi từ các Ngài một số ít các điều hiểu biết về sự điều hòa phi thường trong cuộc tiến hóa thiên nhiên. Dường như chỉ có một số ít các vị Chân Tiên hoạt động theo chiều hướng nầy, có lẽ như thế đã đủ thi hành công việc ở cõi vật chất nầy.

Trong khi nghe nói đến các loại khả năng ấy, thỉnh thoảng một số người vội vàng phát biểu rằng, ngoài sự chọn lựa con đường giúp ích nhiều nhất cho nhân loại, Chân Sư không nên chọn con đường nào khác. Nếu hiểu biết nhiều hơn, những người ấy sẽ không nói như thế. Chúng ta không bao giờ nên quên rằng, trong thái dương hệ, ngoài cuộc tiến hóa của chúng ta, còn có nhiều cuộc tiến hóa khác nữa. Có lẽ có sự cần thiết phải tham dự vào công việc trong toàn thể thiên cơ bao la của Thượng Đế, do đó các vị Chân Tiên chia nhau làm việc trong tất cả bảy đường tiến hóa như chúng tôi đã diễn tả. Chắc chắn là mỗi vị Chân Sư sẽ lựa chọn đến nơi nào cần các ngài nhất, và quên mình để thi hành phận sự dưới sự xếp đặt của các Bậc Uy Quyền, cai quản phần việc nầy trong toàn thể cuộc tiến hóa vĩ đại.

Đó là con đường đạo mở rộng trước mắt chúng ta, con đường mà mọi người đều phải bắt đầu bước đi. Dù rằng lý tuởng tuyệt đỉnh nầy rất cao, nhưng nên nhớ chúng ta sẽ tiến đến đích, tuy chậm chạp, dần dần từ bước một, và những người hiện nay đã đến gần đỉnh, khi xưa cũng đã khó nhọc lê từ bước trong bùn lầy, nơi các thung lũng, giống như tình trạng của chúng ta hiện nay. Khi chúng ta mới bắt đầu tiến bước thì thấy con đường dường như khắc khổ, gian nan, nhưng khi càng lên cao thì bước đi càng thêm vững chắc, và phạm vi hiểu biết càng rộng lớn hơn, đồng thời chúng ta cũng có thêm khả năng giúp đỡ các huynh đệ đang leo lên, bên cạnh chúng ta.

Bởi vì sự khó khăn và cực nhọc đối với phàm nhân, con đường tiến lên nầy đôi khi bị gọi một cách sai lạc là “con đường thống khổ.” Nhưng để thi vị hóa, bà Annie Besant đã viết như sau: “Trong những sự đau khổ, ngự trị một niềm vui sâu xa, vĩnh cửu. Vì sự đau khổ thuộc về bản chất thấp kém, còn niềm vui thuộc về bản chất cao cả. Tất cả những thống khổ đều sẽ tiêu tan theo với dấu vết cuối cùng của phàm nhân, còn đối với vị Chân Tiên cao cả thì vẫn luôn luôn sống trong sự bình an, hạnh phúc trường tồn. Ngài thấy trọn con đường, đến tận cùng là sự an vui trọn vẹn, những phiền muộn ở cõi đời nầy chỉ là một giai đoạn ngắn, tạm thời trong hành trình tiến hóa rất dài.”

“Có một điều ít khi được nhắc đến, là cảm giác hạnh phúc sâu xa đạt được trong khi chuyên tâm theo đường đạo, là do sự nhận thức được từ mục đích của con đường đi, cũng như từ sự hiểu biết rằng quyền năng hữu ích trong việc phụng sự càng ngày càng tăng trưởng và bản chất thấp hèn dần dần bị tiêu diệt đến tận gốc rễ. Người ta nói rất ít về những tia hạnh phúc phát xuất từ những cảnh cao tuôn xuống đường đạo, về những lúc thoáng thấy sự vinh quang chói lọi, về sự tĩnh lặng không bị làm rối loạn bởi những bão tố nơi trần gian. Đối với người nào đã dấn thân vào đường đạo rồi thì tất cả những con đường khác đều mất hết sự quyến rũ, dù có những sự phiền muộn trên đường đi, cũng vẫn là chân hạnh phúc hơn các cuộc vui thú ở thế gian.”

Mong sao, không có người nào cảm thấy tuyệt vọng, chỉ vì nghĩ rằng công việc vượt quá khả năng. Điều nào đã có người làm được, thì người khác cũng có thể làm được, và nếu chúng ta cố gắng giúp đỡ những người ở trình độ thấp hơn, thì đến lượt chúng ta sẽ được giúp đỡ bởi những vị cao cả hơn. Trên đường đạo, từ người thấp nhất đến kẻ cao nhất đều liên hệ nhau, người nầy liên kết với người kia, bởi một chuỗi dài công việc hỗ tương lẫn nhau.

Mong sao, không có ai lầm tưởng rằng mình bị bỏ rơi hoặc cô độc. Những nấc thang dưới thấp của cây thang cao ngất có thể bị che lấp bởi sương mù, nhưng nhờ có nó mới leo lên được những nơi không khí trong lành, hạnh phúc, xán lạn hơn.

— HẾT—

Thông Thiên Học

(Minh Triết Thiêng Liêng)

Hội Thông Thiên Học

Hội Thông Thiên Học được thành lập năm 1875, là một cơ cấu quốc tế, với mục đích chính yếu là quảng bá tình huynh đệ đại đồng, được đặt căn bản trên sự nhận thức rằng sự sống bên trong mọi hình thể dị biệt, con người và mọi loài, là duy nhất không thể phân chia. Hội không áp đặt bất cứ sự tin tuởng nào lên hội viên. Hội viên của hội được kết hợp bởi một lý tưởng chung là tìm chân lý và mong muốn tìm hiểu về ý nghĩa cũng như mục đích của sự sống bằng cách học hỏi, quán chiếu, thanh lọc hóa cuộc sống và phụng sự trong tình thương.

Thông Thiên Học là minh triết ẩn tàng trong tất cả các tôn giáo, nhưng thường bị che phủ bởi những mê tín dị đoan và những giáo điều thêm thắt về sau. Triết lý của Thông Thiên Học giải thích rõ ràng, minh bạch về sự sống, và chứng minh rằng vũ trụ được điều hành bởi tình thương và sự công bằng tuyệt đối. Những giáo huấn của Thông Thiên Học giúp mở mang bản chất tinh thần tiềm ẩn trong con người, từ đó con người thoát khỏi mọi sự ràng buộc và sợ hãi.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here