CHƯƠNG X
Hai anh em
Câu chuyện nầy đã được đăng trong tạp chí The Theosophical Review, tháng 11 năm 1897, trang 229, do một tác giả có tài năng về kịch bản hơn tôi, với những chi tiết dồi dào, không thể kể hết ra đây được. Đề nghị bạn đọc nên xem bản tường thuật nầy, vì câu chuyện tôi kể ra đây là bài tóm lược, vắn tắt, chỉ đủ diển tả rõ ràng sự việc xảy ra mà thôi. Những tên họ được kể ra đây chỉ là tạm đặt ra, nhưng những sự việc được tường trình một cách xác thực, tỉ mỉ.
Có hai anh em, con của một gia đình thượng lưu ở miền quê tên là Lancelot, 14 tuổi, và Walter, 11 tuổi. Đó là hai cậu trai trẻ nhiều nam tính, khoẻ mạnh bình thường giống như nhiều trẻ khác trong vùng đất thơ mộng nầy. Chúng không biểu lộ những đặc tính tâm linh gì rõ ràng, ngoại trừ chúng mang dòng máu của giống dân Celt. Điều đặc biệt nhất có lẽ là tình thân ái thâm sâu kết hợp chúng nó lại, chúng nó không hề rời nhau. Không đứa nào bằng lòng đi đâu mà không có đứa kia, và đứa em coi anh nó như là thần tượng duy nhất trong lòng nó.
Vào một ngày không may nọ, Lancelot cỡi con ngựa tơ của nó, và bị té chết. Từ đó, đối với Walter, thế gian nầy dường như trống rỗng. Đứa trẻ đau khổ cùng cực, đến nỗi nó không ăn ngủ được. Mẹ nó và bà vú không còn biết làm cách nào khác hơn. Nó không nghe lời khuyên lơn, cũng như bất cần lời khiển trách. Khi người ta nói với nó rằng sầu não là có tội, và anh nó đã ở trên cõi trời, thì nó trả lời rằng không chắc là được như thế, và nếu đúng như vậy thì nó biết là Lancelot sẽ không sung sướng ở trên trời khi thiếu nó, cũng như nó ở dưới đất thiếu Lancelot.
Việc này dường như không thể tin được, nhưng đứa trẻ khốn khổ phải chết, vì ưu sầu. Điều làm đau lòng thêm nữa là Walter không ngờ rằng anh nó luôn luôn ở bên nó, hiểu sự đau khổ của nó. Chính Lancelot (người anh đã chết) cũng rất rối trí, vì sờ mà không đụng, nói mà em nó không nghe được. Tình cảnh đáng thương nầy vẫn tiếp tục đến tối ngày thứ ba, sau khi tai nạn xảy ra. Tình trạng của hai anh em nầy thu hút sự chú ý của Cyril, chính nó cũng chẳng giải thích được tại sao. Cyril nói: “Tình cờ tôi đã đi qua chỗ đó.” Nhưng chắc chắn là do ý chí của những vị Chân Sư từ bi đã hướng dẫn nó lại đó. Bé Walter khốn khổ đã nằm liệt giường, kiệt sức, nhưng không ngủ được. Nó cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, mặc dầu người anh đau khổ của nó vẫn ở bên cạnh nó. Lancelot đã thoát khỏi những chướng ngại của xác thể, có thể thấy và nghe được Cyril. Vậy là phải bắt đầu làm giảm sự đau khổ của nó bằng sự thân thiện và giúp nó có phương cách để tiếp xúc với em nó.
Khi Cyril đã làm cho đứa trẻ đã chết lạc quan và hy vọng rồi, nó trở lại đứa trẻ còn sống, và dùng tất cả sức mình để ghi vào trí óc của Walter cái ý tưởng là anh nó hiện ở tại đó, đã không mất mà vẫn như xưa, sinh khí dồi dào và đầy lòng nhân ái. Nhưng tất cả cố gắng của nó điều vô ích. Sự lãnh đạm nặng nề, vì sầu thảm, đã chế ngự cả tâm trí của Walter khốn khổ, đến nỗi không lời khuyến dụ nào xen vào được, và Cyril cũng không còn biết phải làm sao nữa. Đứng trước cảnh trạng não lòng nầy, Cyril cảm thấy một mối xúc động phi thường, một tình thân ái nồng nhiệt, nó quyết định phải giúp đỡ bằng mọi cách, cho dù phải sử dụng tất cả sức lực cần thiết, rồi tự nhiên nó bỗng hiện hình ra được. Nó nắm tay Walter và nói chuyện với đứa trẻ đang sầu khổ nầy. Cho đến ngày nay, nó cũng không hiểu tại sao nó hiện hình ra được.
Không để ý đến câu hỏi của Walter hỏi nó là ai và đến đây bằng cách nào, Cyril đi ngay vào vấn đề, nói cho Walter biết là anh của nó hiện đang ở tại đây, kế bên nó. Cyril cố gắng làm cho Walter hiểu bằng cách lặp đi lặp lại sự bảo đảm là Lancelot không chết, mà đang
sống, tha thiết muốn giúp đỡ và khuyên giải nó. Bé Walter cũng muốn tin như vậy lắm, nhưng đối với nó chỉ là sự hy vọng. Cuối cùng, sự nhiệt tâm và cố nài của Cyril đã thắng được sự nghi ngờ của cậu bé. Nó nói: “À! Tôi tin anh, vì anh tử tế quá! Nhưng nếu tôi thấy được anh tôi thì tôi mới tin được! Nếu tôi có thể nghe tiếng của anh tôi nói rằng anh đang hạnh phúc, thì dù có cách xa anh, tôi cũng chẳng sao!”
Mặc dù kinh nghiệm còn hữu hạn, Cyril cũng hiểu nguyện vọng làm cho Lancelot hiện hình rất ít khi được chấp thuận. Thật là miễn cưỡng, khi nó phải nói cho Walter hiểu rõ điều ấy. Nhưng thình lình nó cảm nhận một sự “hiện diện,” cảm giác nầy những người cứu trợ đều biết, và tuy không có một tiếng nói nào thốt lên, nhưng trong trí nó tiếp nhận được ý tưởng, là thay vì nói với Walter như nó định nói, nó
nên hứa rằng đặc ân do tâm thành của em sẽ được chấp nhận. Cyril nói: “Hãy đợi tôi trở lại, và chừng đó em sẽ được thấy anh ấy,” rồi nó biến mất.
Sự tiếp xúc với Chân Sư nầy đủ chỉ cho nó biết phải làm như thế nào. Cyril vội vã ra đi để tìm người bạn lớn tuổi, đã thường dự vào các công tác cứu trợ. Vị lớn tuổi nầy chưa đi ngủ, nhưng khi nhận được sự cầu cứu khẩn cấp của Cyril, ông lật đật đi theo. Vài phút sau, họ đã ở bên giường của Walter. Ban đầu đứa trẻ tưởng là nó đã trải qua một giấc mơ đẹp mà thôi. Khi nó thấy Cyril trở lại, nó rất vui mừng và
cảm động. Một lúc sau, quang cảnh lại càng cảm động hơn nữa, khi theo mạng lệnh của Thầy, vị lớn tuổi làm cho bé Lancelot, lúc ấy đang nóng lòng, hiện hình ra được, và kẻ sống người chết được gặp nhau, cùng nắm tay nhau một lần nữa.
Hai anh em vui vẻ và hạnh phúc không tả xiết. Chúng nó nói là sẽ không buồn nữa, vì bây giờ biết rằng sự chết không thể làm cho chúng xa nhau được. Nỗi hân hoan và sự hiểu biết làm cho chúng không ưu sầu khi nghe Cyril giải thích kỹ lưỡng, theo lời khuyên của người bạn lớn tuổi, là cuộc hội ngộ hữu hình đặc biệt nầy sẽ không được tái diễn nữa, tuy nhiên, anh nó sẽ ở kề cạnh bên nó từ sáng đến chiều, mà nó không thấy được, rồi mỗi đêm Walter sẽ thoát ra khỏi xác thân, và có đầy đủ ý thức gặp lại anh nó.
Trong khi được sự bảo đảm nầy, bé Walter khốn khổ đã kiệt sức nên ngủ ngay, và chứng minh được công việc đúng y như vậy. Mối kinh ngạc phi thường của nó là thấy cùng với anh nó bay được mau lẹ vô cùng, mà lâu nay nó không biết, chúng nó bay từ nơi nầy đến nơi kia, đến những nơi quen thuộc. Cyril đã cẩn thận cho nó biết trước là sáng hôm sau, khi thức dậy, chắc nó sẽ quên một phần lớn những sinh hoạt trên cõi trung giới, nhưng nhờ một sự may mắn hiếm có, nên Walter không quên như phần đông chúng ta. Có lẽ mối cảm kích của sự hạnh phúc phi thường đã đánh thức những quan năng tâm linh ẩn tàng, vốn là đặc tính của giống dân Celt chăng? Dù sao mặc lòng, bé Walter chẳng quên một chi tiết nào về các việc đã xảy ra.
Cha mẹ nó tưởng là sự buồn rầu làm cho nó hóa điên, vì nó là người thừa tự, nên họ để ý theo dõi một thời gian lâu, lo âu về các triệu
chứng khùng điên khác, nhưng không có điều gì khác lạ. Ông bà lại còn nghĩ là nó bị bệnh thần kinh kiến chấp (monomaniac), trong khi lại thừa nhận là “điều mê hoặc” đã cứu sống nó. Nhưng người vú già của nó (là người Thiên Chúa giáo) tin tưởng những gì nó nói là sự thật và cho rằng chính Chúa Jesus vốn đã là nhi đồng, nên có lòng thương xót đứa trẻ, nên khi thấy nó nằm liệt gần chết, vì buồn rầu, Ngài đã gởi một vị thiên thần dắt anh nó từ cõi khác về gặp nó như là sự ban thưởng, vì một tình yêu mạnh hơn cả sự chết. Sự mê tín bình dân có khi còn gần đúng với thực tại hơn là tánh hoài nghi của những người có học thức.
Câu chuyện chưa dứt nơi đây, vì công việc tốt đẹp đã khởi đầu đêm ấy còn tiếp diễn mãi và không thể biết được ảnh hưởng sâu xa của việc ấy đến chừng nào. Sau đó Walter vẫn giữ được tri thức liên tục giữa cõi trần và cõi trung giới. Mỗi sáng cậu bé nhớ lại đầy đủ các sự việc đã xảy ra trong đêm qua của hai anh em. Đêm nào hai anh em cũng gặp Cryril, người bạn tốt của chúng, đã dạy chúng nhiều điều trong thế giới mới lạ, kỳ diệu nầy và trên các thế giới khác cao hơn nữa. Nhờ Cyril chỉ đạo, nên cả hai anh em đều trở nên phần tử nhiệt thành và tận tâm của nhóm cứu trợ. Có lẽ, trong khoảng nhiều năm nữa, khi Lancelot chưa rời bỏ cõi trung giới, còn nhiều trẻ em sắp sửa rời bỏ thể xác phải mang ơn bộ ba nầy, đang cố gắng chia sớt cho những kẻ khác những sự vui vẻ hạnh phúc mà chính chúng nó đã nhận được. Những đoàn viên cứu trợ mới nầy chẳng những giúp đỡ những người đã chết, mà còn đi tìm gặp những đứa trẻ khác đang còn sống ở cõi trần, nhưng trong lúc ngủ có được ý thức ở cõi trung giới. Một trong số những bạn trẻ được họ dắt đến giới thiệu cho Cyril, đã tỏ ra là một tân đồ đệ xứng đáng của nhóm cứu trợ trẻ. Em ấy cũng là một người bạn thiết trẻ trung, tốt bụng ở cõi trần.
Đôi khi cũng khó khăn đối với những người mới làm quen với ý niệm nầy, hiểu tại sao những đứa trẻ nhỏ có thể giúp đỡ được ở cõi trung giới. Họ cho rằng thể vía của một đứa trẻ tất nhiên chưa được tiến hóa, và linh hồn cũng bị hạn chế bởi tình trạng còn ấu thơ nơi cõi trung giới, cũng như nơi cõi trần. Do đó, một linh hồn như thế không thể đủ sức thi hành những công tác chính yếu mà một vị cứu trợ phải làm như: giúp đỡ hoặc trợ lực sự tiến hóa về tâm linh, trí não và đạo lý của nhân loại được.
Câu hỏi đó được nêu ra, ít lâu sau khi câu chuyện nầy được đăng vào tạp chí của chúng tôi, tôi liền gởi ngay câu hỏi đó cho Cyril, để biết ý kiến của em ra sao. Nó trả lời như sau: “Thật rất đúng như lời của người đặt câu hỏi, tôi chỉ là một đứa bé, sự hiểu biết còn ít oi, và tôi sẽ giúp được nhiều việc hơn nữa, khi tôi được hiểu biết thêm. Tuy nhiên, bây giờ, tôi đã có thể làm được chút ít việc, vì có rất nhiều người chưa học hỏi về Thông Thiên Học, mặc dù họ biết nhiều hơn tôi về các phương diện khác…, huynh cũng rõ, khi huynh muốn đi đến một nơi nào đó thì một đứa trẻ biết đường sẽ ích lợi cho huynh hơn là 100 vị bác học không biết đường hướng đến đó.”
Chúng tôi có thể thêm rằng, dầu đối với một đứa trẻ, sự thức tỉnh ở cõi trung giới cũng đem đến một sự phát triển cấp tốc cho cái vía của nó và chẳng bao lâu nó trở thành gần bằng với những người trưởng thành đã được thức tỉnh ở cõi nầy, tự nhiên khi đó nó có thể giúp đời rất nhiều, còn hơn những người thông thái mà thể vía chưa được thức tỉnh. Nếu linh hồn biểu lộ trong thể xác trẻ nầy không có những phẩm chất của một đức tính vừa quyết tâm, vừa từ ái thì không một nhà huyền bí học nào chịu lãnh trách nhiệm hệ trọng trong việc làm cho nó thức tỉnh ở cõi trung giới. Khi nghiệp quả của những trẻ đã đến lúc có thể cho chúng được thức tỉnh ở cõi trung giới, thường chúng tỏ ra là những kẻ cứu trợ hữu ích nhất và làm việc một cách rất nhiệt thành. Như vậy lời tiên tri xưa lại được xác nhận một lần nữa: “Một đứa trẻ nhỏ sẽ dẫn dắt họ.”
Khi đọc câu chuyện của hai anh em nầy, độc giả có thể nghĩ rằng Cyril đã tự nó có thể hiện hình được, vì nhờ sức mạnh của tình thương, lòng trắc ẩn và năng lực của ý chí, thì tại sao Lancelot cũng có những đặc tính ấy và đã cố hết sức liên lạc với Walter, nhưng không được thành công. Điều đó cũng dễ hiểu vì sự bất khả nầy là điều thông thường. Việc Cyril tự mình hiện hình ra được mới là lạ thường. Có thể vì Cyril có tư tưởng mạnh mẽ hơn, và nó lại có sự hiểu biết đích xác điều nó muốn làm, nó biết là người ta có thể hiện hình được, và biết đại khái phương thức để hiện hình. Trong khi đó, Lancelot tới bây giờ mới biết được những điều này.
***
Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH (Trọn bộ)
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 22: Vượt khỏi sự tiến hóa của nhân loại (Kết thúc)
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 21: Con đường đạo thiệt thọ
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 20: Đường đạo lúc sơ tu
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 19: Những điều kiện cốt yếu
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 18: Những nhiệm vụ khác
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 17: Công việc cứu trợ trong thời kỳ chiến tranh
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 16: Công việc giúp đỡ người chết
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 15: Những vụ đắm thuyền và các thảm họa
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 14: Những trường hợp tiêu biểu thông thường
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 13: Câu chuyện của Ivy
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 12: Em bé trai bị thất lạc
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 11: Ngăn ngừa trường hợp tự tử
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 10: Hai anh em
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 9: Sự hiện hình và hậu quả của nó
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 8: Câu chuyện hỏa tai
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 7: Câu chuyện thiên thần
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 6: Một sự can thiệp đúng lúc
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 5: Thực thể của đời sống siêu nhiên
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 4: Những vị cứu trợ
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 3: Kinh nghiệm cá nhân
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 2: Vài trường hợp cứu trợ hiện đại
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH – CHƯƠNG 1: Niềm tin phổ thông về những vị cứu trợ vô hình
- NHỮNG VỊ CỨU TRỢ VÔ HÌNH (Mục lục)