ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 12

0
269

CHƯƠNG 12

 

Thật tuyệt vời. Điều Ngài vừa nói thật tuyệt diệu. Con ước gì cả thế giới có thể được như thế. Con ước gì thế giới có thể hiểu và tin được điều ấy.

Quyển sách này sẽ giúp. Con đang giúp họ. Vậy con đang đóng một vai trò, và con đang thực hiện phần của mình trong việc khơi dậy Ý Thức Tập Thể. Đó là điều mọi người phải làm.

Vâng. Chúng ta có thể chuyển đến chủ đề mới chưa? Con nghĩ điều quan trọng là chúng ta nói về thái độ này – ý niệm về các sự việc – mà Ngài đã nói trước đây một chút rằng Ngài muốn trình bày cho thỏa đáng. Thái độ mà con muốn nói tới là thái độ của nhiều người, cho rằng người nghèo đã được cho đủ rồi; rằng chúng con phải ngưng đánh thuế người giàu – trong thực tế là trừng phạt họ vì đã làm việc nhiều và “làm ra nó” – để cung cấp nhiều hơn cho người nghèo.

Những người ấy tin rằng người nghèo thì nghèo cơ bản là vì họ muốn thế. Nhiều người thậm chí không thèm cố gắng kéo mình lên. Họ thích ngậm vú của chính phủ hơn là chịu trách nhiệm về bản thân mình.

Có nhiều người tin rằng việc tái phân phối của cải – chia sẻ – là một điều xấu của xã hội chủ nghĩa. Họ trích dẫn Tuyên ngôn Cộng sản – “từ chuyện mỗi người tùy theo năng lực, cho tới mỗi người tùy theo nhu cầu” – như bằng chứng của nguồn gốc ma quỷ của cái ý niệm bảo đảm phẩm giá căn bản của con người cho mọi người qua những nỗ lực của mọi người. Những người ấy tin rằng “mọi người vì mình.” Nếu họ được bảo rằng khái niệm này nhẫn tâm và vô cảm, họ tránh né vào câu khẳng định rằng cơ hội gõ cửa là như nhau cho mọi người; họ tuyên bố không ai làm việc dưới một sự bất lợi nội tại; rằng nếu họ có thể “làm ra nó”, thì mọi người đều có thể – và nếu ai không làm được, ấy là do sai lầm đáng chết của chính họ.

Con cảm thấy đó là một suy nghĩ ngông cuồng, bắt nguồn từ sự vô tâm?

Vâng. Thế Ngài cảm thấy thế nào?

Ta không xét đoán gì về chuyện này. Đó chỉ đơn giản là một suy nghĩ. Chỉ có một câu hỏi có liên quan phần nào đó tới suy nghĩ này hoặc nọ. Liệu nó có phục vụ cho con không khi bám vào nó? Xét về khía cạnh Người Mà Con Là và Người Mà Con Tìm Cách Trở Thành, suy nghĩ ấy có giúp cho con không?

Nhìn vào thế giới, đó là câu hỏi mà mọi người phải hỏi. Nuôi dưỡng tư tưởng như thế có giúp cho chúng ta không?

Ta quan sát thấy điều này: Có những người – quả thật, toàn bộ những nhóm người đã được sinh vào cái mà con gọi là bất lợi. Điều này hiển nhiên là sự thật.

Một điều khác cũng đúng là ở một bình diện rất siêu hình, không có ai “bất lợi” cả, vì mỗi linh hồn tạo ra cho chính nó đúng những người, những biến cố, và những hoàn cảnh cần thiết để nó hoàn thành điều nó muốn hoàn thành.

Con chọn lựa mọi sự. Cha mẹ con. Quốc gia con sinh ra. Tất cả mọi hoàn cảnh bao quanh việc tái nhập của con.

Tương tự, trong suốt mọi ngày và thời gian của đời con, con tiếp tục chọn và tạo ra những người, những biến cố và hoàn cảnh được thiết kế để mang tới cho con đúng những cơ hội hoàn hảo mà hiện con mơ ước, để biết về chính mình như con thực sự là.

Nói cách khác, không có ai “bất lợi” cả, xét đến điều mà linh hồn muốn hoàn thành. Lấy thí dụ, linh hồn có thể ước ao làm việc với một thân thể tật nguyền, hoặc trong một xã hội bị áp bức, hoặc dưới những đè nén khổng lồ về mặt chính trị hoặc kinh tế, để tạo ra những điều kiện cần thiết nhằm hoàn thành điều nó đã quyết định làm.

Vậy chúng ta nhìn thấy rằng những người quả thực đối mặt với “bất lợi” theo nghĩa vật lý, nhưng đó thực sự là những hoàn cảnh đúng và hoàn hảo về mặt siêu hình.

Xét về mặt thực tế, điều đó có nghĩa gì với chúng con? Chúng con có nên giúp đỡ “những người bất hạnh” hay chỉ đơn giản nhìn thấy rằng, thực ra, họ đang ở đúng chỗ họ muốn và như vậy cho phép họ thực hiện cái Nghiệp của chính họ?

Đó là một câu hỏi rất hay – và rất quan trọng.

Trước hết, hãy nhớ rằng, mọi điều con nghĩ, nói và làm là một phản ảnh của điều con đã quyết định về chính mình; một sự tuyên bố Con Là Ai; một hành vi sáng tạo trong quyết định của con về người mà con muốn là. Ta sẽ còn quay trở lại điều ấy, vì đó là điều duy nhất con đang làm ở đây; đó là điều mà con hướng tới. Không còn điều gì khác để tiếp tục, không còn lịch làm việc nào khác cho linh hồn đâu. Con đang tìm cách trở nên và cảm nghiệm Người Mà Con Thực Sự Là và tạo nên nó. Con đang tạo nên chính mình một lần mới trong mọi giây phút Hiện Tại.

Bây giờ, trong bối cảnh ấy, khi con đi ngang qua một người mà người đó, trong mức độ tương đối như được quan sát trong thế giới của con, có vẻ bất lợi, câu hỏi đầu tiên con phải hỏi là: Con Là Ai và Con chọn là ai, trong quan hệ với điều này?

Nói cách khác, câu hỏi đầu tiên khi con gặp một người khác trong bất kỳ hoàn cảnh nào phải luôn luôn là: Con muốn gì ở đây?

Con có nghe không? Câu hỏi đầu tiên của con phải luôn luôn là như thế: Con muốn gì ở đây? Chứ không phải: Người này muốn gì ở đây?

Đó là ánh sáng hấp dẫn nhất mà con từng nhận được về cách xử sự trong quan hệ con người. Nó cũng đi ngược lại mọi thứ con đã từng được dạy.

Ta biết. Nhưng lý do mà những mối quan hệ của con đang rối tung như vậy là vì con luôn tìm cách hình dung ra điều mà người khác muốn và những người khác muốn – thay vì điều con thực sự muốn. Thế rồi con phải quyết định liệu có đưa cái đó cho họ không. Và đây là cách mà con quyết định: Con quyết định bằng cách nhìn vào điều mà con có thể muốn từ họ. Nếu không tìm ra được điều gì mà con cho rằng con muốn từ họ, lý do thứ nhất để con cho họ điều họ muốn biến mất, và thế là con hiếm khi làm. Mặt khác, nếu con thấy rằng có điều gì đó con muốn hoặc có thể muốn ở nơi họ, khi ấy động cơ tự sinh tồn của con thức dậy, và con tìm cách cho họ cái họ muốn.

Thế rồi con oán hận – nhất là nếu người kia không cho con cái con muốn. Trong cái trò chơi tên là Tôi Sẽ Giao Dịch Với Bạn này, con lập ra một sự quân bình rất tế nhị. Anh đáp ứng nhu cầu của tôi, và tôi sẽ đáp ứng cho anh.

Nhưng mục đích của mọi quan hệ loài người – những mối quan hệ giữa các quốc gia cũng như giữa các cá nhân – không có liên quan gì tới bất cứ điều này ở đây. Mục đích của Quan Hệ Thiêng Thánh của con với mọi người khác, vật khác, thứ khác không phải là để hình dung ra điều họ muốn hay cần, nhưng là cái con muốn hoặc ước ao ngay lúc này để lớn lên, để là Người mà con muốn Là. Đó là lý do tại sao Ta đã tạo ra Quan Hệ với những thứ khác. Nếu không phải vì thế, con có thể tiếp tục sống trong chân không, trong cái Tất Cả Vĩnh Cửu mà từ đó con đến.

Nhưng trong cái Tất Cả, con chỉ hiện diện và không thể cảm nghiệm được “ý thức” của con như một cái gì cụ thể, vì, trong Tất Cả, không có gì mà con không là.

Vì thế Ta đã đưa ra một cách cho con sáng tạo lại mới, và Biết, Con Là Ai trong cảm nghiệm của con. Ta đã làm thế bằng cách cho con:

Tương đối tính, một hệ thống trong đó con có thể tồn tại như một món đồ trong tương quan với một thứ khác.

Sự quên lãng– một tiến trình nhờ đó con tự nguyện đi vào một cơn mê hoàn toàn, để con không thể biết được rằng tương đối tính chỉ là một tiểu xảo, và con là Tất Cả của Nó.

Ý thức – một trạng thái mà con phát triển cho đến khi con đạt đến nhận thức đầy đủ, sau đó trở thành một Thượng Đế, sáng tạo và trải nghiệm thực tế của riêng con, mở rộng và khám phá ra thực tế đó, thay đổi và tái tạo mà thực tế là con kéo dài ý thức của con để giới hạn mới – hoặc chúng ta sẽ nói, không có giới hạn.

Trong mô hình này, Ý thức là tất cả.

Ý thức – cái mà con thực sự ý thức – là cơ sở của mọi sự thật và của mọi linh đạo thật.

Nhưng mục đích chính của tất cả những cái này là gì? Trước hết, Ngài làm cho chúng con quên đi Chúng Con Là Ai, để chúng con có thể nhớ lại Chúng Con Là Ai à?

Không hẳn thế. Để các con có thể tạo ra Người Mà Các con Là và Người Mà Các con Muốn Là.

Đây là hành động của Thượng Đế Là Thượng Đế. Đó là Ta Là Ta – thông qua các con!

Đây là tiêu điểm của tất cả sự sống.

Thông qua con, Ta trải nghiệm là Người và Cái Ta Là.

Không có con, Ta có thể biết được nó, con không cảm nghiệm được nó.

Biết và cảm nghiệm là hai chuyện khác nhau. Ta sẽ chọn cảm nghiệm mọi lúc. Thực vậy, Ta đã làm thế. Thông qua con.

Dường như con đã lạc mất câu hỏi ban đầu ở chỗ này rồi.

Ồ, thật khó mà giữ Thượng Đế lại trên một chủ đề. Ta thích diễn giải. Hãy xem xem chúng ta có thể quay lại không.

Ồ vâng – có liên hệ gì tới những người kém may mắn.

Trước hết, hãy quyết định Người và Cái Con Là trong Quan Hệ với họ.

Thứ đến, nếu con quyết định rằng con muốn trải nghiệm chính mình như một người Cứu trợ, như người Yêu thương và Thông Cảm và Chăm Sóc, thì hãy xem xem làm sao con có thể là những thứ ấy cách tốt nhất như thế nào. Và ghi nhận rằng khả năng của con để làm những điều ấy không liên quan gì đến những người khác là gì hoặc làm gì.

Đôi khi cách tốt nhất để yêu một người, và sự giúp đỡ tốt nhất, là để họ một mình hoặc giúp sức cho họ để họ giúp chính mình.

Việc ấy cũng giống như một bữa tiệc. Đời sống là một bữa tiệc tự chọn, và con có thể cho họ một sự giúp đỡ lớn cho chính họ.

Hãy nhớ rằng sự trợ giúp lớn nhất con có thể cho một người khác là đánh thức họ dậy, nhắc nhở họ về Người Mà Họ Thực Sự Là. Có nhiều cách để làm điều đó. Đôi khi với một chút giúp đỡ; một cú hích, một cú đẩy mạnh, một cái thúc cùi chỏ… và đôi khi với một quyết định để mặc họ, theo đường của họ, bước đi bằng chân họ, không can thiệp hay ngăn cản gì cả. (Mọi bậc cha mẹ đều biết tới chọn lựa này và đau đớn về nó hằng ngày.)

Điều con có cơ hội làm cho người kém may mắn là nhắc nhở họ. Tức là, làm cho họ có một Tâm Trí Mới về chính mình.

Và con nữa, con phải có một Tâm Trí mới về họ, vì nếu con nhìn họ như những người kém may mắn, thì họ sẽ thành như vậy.

Năng khiếu vĩ đại của Jesus là Ngài nhìn thấy mọi người như họ thực sự là. Ngài từ chối không chấp nhận vẻ bề ngoài; Ngài không chịu tin vào cái những người khác tin về chính họ. Ngài luôn có một suy nghĩ cao hơn, và luôn mời người khác tin vào đó.

Nhưng Ngài cũng tôn trọng nơi những người khác chọn. Ngài không yêu cầu họ chấp nhận ý niệm cao hơn của mình, mà chỉ đưa nó ra như một lời mời gọi.

Ngài cũng cư xử với lòng thương xót, và nếu những người khác chọn thấy mình như những Hữu thể cần sự trợ giúp, Ngài không khước từ họ vì sự lượng giá sai lầm của họ, nhưng cho phép họ yêu mến Thực tại của họ và yêu thương trợ giúp họ thực hiện chọn lựa của mình.

Vì Jesus biết rõ rằng đối với một số người, con đường nhanh nhất đưa đến Người Mà Họ Là là con đường ngang qua Người Mà Họ Không Là. Ngài không gọi đây là con đường không hoàn hảo, và rồi kết án nó. Thay vì như thế, Ngài thấy đó cũng là con đường hoàn hảo – và hỗ trợ mọi người trong việc là người họ muốn là.

Vì thế, bất cứ ai xin Đức Giê- su giúp đỡ đều được nhận lời. Ngài không khước từ ai, nhưng luôn xem xét cẩn thận để sự giúp đỡ của mình sẽ giúp cho người kia hoàn thành ước muốn thành thật của mình cách trọn vẹn.

Nếu những người khác thành thực tìm kiếm sự giác ngộ, thành thật bày tỏ sự sẵn sàng đi đến nấc kế tiếp, Jesus ban cho họ sức mạnh, lòng can đảm, sự khôn ngoan để làm điều đó. Ngài đưa ra chính mình như một gương mẫu và khuyến khích mọi người, nếu họ không thể làm gì khác, hãy tin vào Ngài. Ngài nói, Ngài sẽ không dẫn ai lạc lối bao giờ.

Nhiều người đã đặt niềm tin vào Ngài, và cho đến nay, Ngài đã giúp đỡ những người kêu cầu danh Ngài. Vì linh hồn Ngài đã dấn thân vào việc đánh thức những người tìm kiếm sự tỉnh thức và sống trọn vẹn trong Ta.

Nhưng Đức Ki-tô thương xót những người không muốn thức. Vì thế, Ngài gạt3 bỏ sự tự mãn, và cũng như Cha trên trời, Ngài không xét đoán bao giờ.

Ý niệm của Đức Jesus về Lòng Mến Hoàn Hảo là đem cho mọi người sự giúp đỡ đúng như họ yêu cầu, sau khi nói với họ về loại giúp đỡ họ có thể có được.

Ngài không bao giờ từ chối giúp đỡ một ai, và ít nhất Ngài muốn làm thế vì một ý nghĩ rằng “con dọn giường của con, giờ hãy nằm vào đó đi.”

Jesus biết rằng nếu Ngài cho người ta sự giúp đỡ mà họ xin, thay vì chỉ giúp điều Ngài muốn cho, Ngài đang giúp sức cho họ ở mức độ mà họ sẵn sàng nhận tiếp sức.

Đây là cách của mọi bậc thầy lớn. Những người đã bước đi trên hành tinh của con trong quá khứ, và đang bước đi hiện nay.

Bây giờ con bối rối quá. Khi nào thì việc giúp đỡ là tước bỏ sức mạnh?

Khi nào việc giúp đỡ lại đi ngược lại sự trưởng thành của người khác?

Khi sự giúp đỡ của con được trao cho người kia theo một cách thức mà nó tạo ra sự lệ thuộc tiếp tục, thay vì sự độc lập nhanh chóng.

Khi con cho phép người khác, nhân danh lòng thương xót, bắt đầu dựa vào con thay vì dựa vào chính họ.

Đó không phải là lòng thương xót, mà là sự cưỡng bức. Con có một sự cưỡng bức quyền lực. Vì loại giúp đỡ ấy thực sự là tước đoạt sức mạnh. Bây giờ, sự phân biệt này có thể rất tinh tế, và đôi khi con thậm chí còn không biết rằng con đang tước đoạt quyền lực. Con thực sự tin rằng con chỉ đang làm hết sức mình để giúp người khác…, nhưng hãy cẩn thận để con không tìm cách tạo ra giá trị bản thân của chính con. Vì tùy theo mức độ con cho phép người khác làm cho con chịu trách nhiệm về họ, mà theo đó con đã cho phép họ làm cho con nên mạnh mẽ. Và dĩ nhiên, làm cho con cảm thấy mình đáng giá.

Nhưng loại giúp đỡ này là một loại dâm dược có tác dụng quyến rũ những người yếu đuối. Mục đích là giúp những người yếu nên mạnh mẽ, chứ không làm cho người yếu nên yếu hơn.

Đây là vấn đề của nhiều chương trình trợ giúp của chính phủ, vì chúng thường làm cái sau hơn là cái đầu. Các chương trình của chính phủ có thể mang tính tự ghi nhớ mình. Mục tiêu của chúng trong từng chi tiết có thể là để biện minh cho sự tồn tại của chúng cũng như giúp đỡ những người mà chúng được lập ra để trợ giúp.

Nếu có một giới hạn cho tất cả mọi sự trợ giúp của chính phủ, người ta sẽ được giúp khi họ thực sự cần giúp, nhưng không thể trở nên nghiện ngập với sự giúp đỡ ấy, thay nó cho sự tự chủ của chính họ.

Chính phủ hiểu rằng giúp đỡ là quyền lực. Đó là lý do tại sao chính phủ đưa ra rất nhiều trợ giúp cho càng nhiều người càng tốt, vì càng giúp nhiều người, chính phủ càng được nhiều người giúp.

Những người mà chính phủ hỗ trợ sẽ ủng hộ chính phủ.

Vậy nên không nên có sự tái phân phối của cải. Tuyên ngôn cộng sản là của ma quỷ.

Dĩ nhiên, không hề có ma quỷ, nhưng Ta hiểu ý con rồi.

Ý tưởng nằm sau câu tuyên bố “Từ mỗi người tùy theo năng lực, đến mỗi người tùy theo nhu cầu” không phải xấu, nhưng rất đẹp. Đó chỉ là một cách khác để nói rằng con là người quản gia của anh em con. Đó là sự bổ túc cho ý niệm đẹp đẽ này, đã trở nên xấu xí.

Chia sẻ phải là một cách sống, chứ không phải một chỉ thị của chính phủ.

Chia sẻ phải là tự nguyện, không phải bị ép buộc.

Nhưng – ở đây chúng ta đi lại lần nữa! – xét ở phần tốt nhất, chính phủ là nhân dân, và các chương trình của nó chỉ là các cơ cấu nhờ đó người dân chia sẻ với người khác, như là một “lối sống.” Và con muốn lý luận rằng nhân dân, như một tập thể thông qua các hệ thống chính trị của họ, đã chọn làm như thế vì nhân dân đã quan sát, và lịch sử đã cho thấy, rằng “những người có” không chia sẻ với “người không có.”

Nông dân Nga đã có thể chờ cho đến tàn đời để giới quý tộc Nga chia sẻ của cải của họ, thường được tích lũy và phình to thông qua công việc nặng nhọc của các nông dân. Nông dân chỉ được cung cấp đủ sống, như là phần “hoa hồng” để tiếp tục canh tác và làm cho các chúa đất giàu hơn. Hãy nói về một quan hệ lệ thuộc đi! Đây là một sự giàn xếp kiểu tôi-sẽ-giúp-anh-nếu- anh-giúp-tôi mang nhiều tính bóc lột và thô bỉ hơn bất cứ cái gì từng được chính quyền phát minh ra!

Chính cái sự thô bỉ này, dựa vào đó các nông dân Nga đã nổi loạn. Một chính quyền bảo đảm rằng mọi người được đối xử bình đẳng đã ra đời từ sự tuyệt vọng của dân chúng khi “những người có” không muốn cho “những người không có” phần ước muốn của họ.

Như nữ hoàng Marie Antoinette đã nói về đám đông chết đói đang ồn ào dưới cửa sổ phòng bà trong giận dữ, trong khi bà lười biếng nằm trong một cái bồn dát vàng viền ngọc quý, nhâm nhi mấy trái nho nhập cảng: Hãy cho họ ăn bánh đi!

Đây là thái độ mà đám dân đen bị chà đạp đã chửi bới. Đây là điều kiện gây nên cách mạng và tạo ra chính quyền của nhóm được gọi là bị áp bức.

Những chính quyền lấy của người giàu chia cho người nghèo được gọi là áp bức, trong khi những chính quyền không làm gì khi người giàu bóc lột người nghèo thì được gọi là hà khắc.

Hãy hỏi nông dân ở Mê-hi-cô ngay cả ngày hôm nay. Người ta nói rằng hai mươi hoặc ba mươi gia đình – những người giàu có và quyền lực – điều khiển Mêhicô (chủ yếu vì họ sở hữu nó!), trong khi hai mươi hoặc ba mươi triệu sống trong sự tước đoạt hoàn toàn. Thế nên nông dân vào năm 1993-94 đã nổi loạn, tìm cách buộc chính phủ của đám quý tộc nhận ra bổn phận của nó là giúp đỡ người dân cung cấp các phương tiện sống ít nhất đủ cho phẩm giá của họ. Có một sự khác biệt giữa các chính phủ quý tộc và chính phủ “của, bởi và cho nhân dân.”

Không phải các chính phủ của nhân dân được tạo ra bởi những người dân tức giận và tuyệt vọng vì sự ích kỷ cố hữu của bản tính con người sao? Không phải các chương trình của chính phủ được tạo ra như một giải pháp cho việc loài người không muốn tự đưa giải pháp cho mình sao?

Đây không phải là nguồn gốc của các luật về công bằng nhà ở, tình trạng lao động trẻ em, các chương trình hỗ trợ những bà mẹ có con lệ thuộc mình sao?

Chương trình An Sinh Xã Hội không phải là nỗ lực của chính phủ nhằm cung cấp cho những người già một cái gì mà gia đình của họ không muốn hoặc không thể cho sao?

Làm sao chúng con hòa giải được việc ghét chính quyền kiểm soát và thiếu sẵn sàng làm bất cứ điều gì mình không buộc phải làm khi không có sự kiểm soát?

Nghe nói rằng một số thợ mỏ làm việc dưới những điều kiện khủng khiếp trước khi chính quyền yêu cầu những chủ mỏ giàu sụ phải làm sạch các mỏ than bẩn thỉu. Tại sao những ông chủ không tự mình làm điều đó? Vì điều đó sẽ cắt vào lợi nhuận của họ! Và người giàu không quan tâm chuyện có bao nhiêu người nghèo đã chết trong những khu mỏ thiếu an toàn, để giữ cho lợi nhuận tiếp tục chảy – và lớn lên.

Các nhà buôn trả cho nô lệ những đồng lương học việc mãi đến khi chính phủ áp đặt những quy định tối thiểu về lương. Những người thích quay về “một thời vàng son” thì nói: “Cái quái gì vậy? Họ đã tạo công ăn việc làm mà. Thế ai đang mạo hiểm đây? Công nhân à? Không rồi! Nhà đầu tư, ông chủ mới là người mạo hiểm! Vậy thì ông ta phải được phần lớn nhất!”

Có ai nghĩ rằng những công nhân mà các ông chủ đang dựa vào sức lao động của họ phải được đối xử với phẩm giá xứng đáng, họ lập tức bị gọi là cộng sản.

Ai nghĩ rằng một người không nên bị từ chối quyền có nhà ở vì màu da thì được gọi là người theo xã hội chủ nghĩa.

Ai nghĩ rằng phụ nữ không nên bị từ chối cơ hội làm việc hoặc thăng tiến chỉ vì cô ấy sai giới tính thì bị gọi là người theo phong trào nữ quyền cực đoan.

Và khi chính phủ, thông qua các đại biểu được bầu lên của họ, đi vào giải quyết những vấn đề mà những người có quyền trong xã hội nhất quyết từ chối giải quyết lấy, những chính phủ ấy được gọi là áp bức! (Oái oăm là từ chính những người mà họ giúp. Chỉ bởi những người từ chối tự giúp mình).

Không nơi đâu điều này rõ hơn trong lĩnh vực y tế. Vào năm 1992, một tổng thống Hoa Kỳ và vợ ông đã quyết định rằng để cho hàng triệu người Mỹ không được tham gia y tế phòng ngừa là không công bằng và hợp lý; ý tưởng ấy đã bắt đầu một cuộc đấu tranh về y tế, lôi kéo cả ngành y và kỹ nghệ bảo hiểm vào cuộc tranh cãi.

Vấn đề thực sự không phải là giải pháp của ai tốt hơn; kế hoạch của chính phủ hay kế hoạch do tư nhân đề xuất. Vấn đề thực sự là: Tại sao giới tư nhân không đề nghị giải pháp của mình từ lâu trước đó?

Con sẽ nói cho Ngài biết tại sao. Bởi vì nó không phải làm thế. Không có ai phàn nàn. Và công nghệ được thúc đẩy bởi lợi nhuận.

Lợi nhuận, lợi nhuận, lợi nhuận.

Vì thế, điểm xoáy của con là chỗ này. Chúng ta không thể kêu gọi, khóc lóc và phàn nàn về tất cả những gì mình muốn. Sự thật đơn giản là, chính phủ đưa ra các giải pháp khi khu vực tư nhân không đưa.

Chúng ta cũng có thể nói rằng chính phủ đang làm cái họ đang làm dựa trên ước muốn của nhân dân, nhưng bao lâu người dân kiểm soát chính quyền – như họ làm một phần lớn ở Mỹ – chính quyền sẽ tiếp tục tạo ra và yêu cầu các giải pháp cho các căn bệnh xã hội vì đa số người dân đều không giàu và có quyền lực, và vì thế, hành luật cho chính họ điều mà xã hội sẽ không tự nguyện mang cho họ.

Chỉ trong những quốc gia mà đa số nhân dân không kiểm soát chính phủ, chính phủ mới làm ít hoặc không làm gì trước các bất công.

Vậy thì vấn đề là: Chính phủ điều hành bao nhiêu là quá nhiều? Bao nhiêu là quá ít? Và mức nào là quân bình?

Ái chà! Ta chưa bao giờ thấy con hăng máu như thế này! Trong cả hai cuốn, chưa lần nào con chiếm diễn đàn lâu như thế.

Chà, Ngài đã nói là quyển sách này sẽ nói về một số vấn đề rộng lớn hơn đối diện với gia đình nhân loại. Con nghĩ con vừa đặt một vấn đề lớn.

Về mặt hùng biện thì đúng vậy. Mọi người từ Toynbee tới Jefferson và Marx đều đã thử giải quyết nó hàng trăm năm rồi.

Đúng vậy. Thế giải pháp của Ngài là gì?

Chúng ta sẽ phải đi ngược lại từ đây; chúng ta sẽ phải đi lại một số nền tảng cũ.

Tiếp đi. Có lẽ con cần nghe lại hai lần.

Vậy chúng ta sẽ bắt đầu với sự kiện là Ta không hề có “giải pháp” nào cả. Và đó là vì Ta không thấy chuyện này là có vấn đề gì cả. Nó chỉ là cái nó là, và Ta không có ưu tiên nào về điều đó. Ta chỉ mô tả ở đây cái quan sát được; cái mà ai cũng có thể thấy được.

Được rồi, Ngài không có giải pháp nào cả và không có ưu tiên. Vậy Ngài có thể cho con một nhận xét không?

Ta thấy rằng thế giới chưa đi tới một hệ thống quản trị có thể đưa ra một giải pháp tổng thể – dù chính quyền Mỹ đã đi đến gần nhất.

Khó khăn ở chỗ là sự thiện và công bằng là những vấn đề đạo đức, không phải chính trị.

Chính quyền là nỗ lực của loài người nhằm áp đặt lòng tốt và bảo đảm công bằng. Nhưng chỉ có một nơi ở đó lòng tốt được sinh ra, đó là trong lòng con người. Chỉ có một nơi mà sự công bằng có thể được khái niệm hóa, là trong trí óc con người. Chỉ có một nơi mà tình yêu có thể được thực sự cảm nghiệm, là trong hồn con người. Vì linh hồn loài người là tình yêu.

Các con không thể làm luật đạo đức. Các con không thể ban hành một luật nói rằng “hãy yêu thương nhau.”

Chúng ta hiện giờ đang đi vòng vo trong những vòng tròn, vì chúng ta đã bàn đến những chuyện này trước đây rồi. Tuy nhiên, việc thảo luận vẫn rất tốt, nên cứ tiếp tục đi. Cho dù chúng ta bàn đi bàn lại đến hai ba lần, điều đó vẫn tốt. Nỗ lực ở đây là đi đến đáy của vấn đề; để xem xem con muốn tạo ra nó như thế nào lúc này.

Ồ, vậy thì con sẽ hỏi lại cùng một câu đã hỏi trước đây. Mọi luật pháp không phải chỉ là nỗ lực của con người nhằm đưa thành luật các khái niệm luân lý sao? Không phải “việc ban hành luật là sự cùng thỏa thuận của chúng con về cái gì là “đúng” hay “sai” sao?

Đúng. Và một số quy tắc và luật lệ của bộ luật dân sự là cái bắt buộc trong xã hội sơ khai của các con. (Con phải hiểu rằng trong xã hội không sơ khai luật lệ như vậy là không cần thiết. Mọi hữu thể đều tự quản lý mình). Trong xã hội các con, các con vẫn phải đối mặt với một số vấn đề rất sơ đẳng. Con có dừng lại ở ngã tư đường trước khi đi tiếp không? Con sẽ mua và bán theo một số điều khoản nhất định không? Sẽ có những cấm đoán nào về chuyện con cư xử với người khác?

Nhưng thật ra, ngay cả những luật lệ cơ bản như cấm giết người, cấm làm hại, lừa gạt, hoặc cả chuyện vượt đèn đỏ – không cần và không nên cần đến nếu mọi người ở mọi nơi chỉ tuân theo Luật Yêu Thương.

Đó là Luật Thượng Đế.

Điều cần thiết là một sự trưởng thành trong ý thức, chứ không phải là trưởng thành trong quản trị.

Ngài muốn nói là nếu chúng con chỉ việc tuân theo Mười Điều Răn là mọi chuyện sẽ ổn cả!

Không hề có cái gọi là Mười Điều Răn đâu. (Con xem lại Quyển 1, đã nói kỹ về điều này.) Luật của Thượng Đế là Không Hề Có Luật. Đây là một điều mà các con không thể hiểu được.

Ta không đòi hỏi điều gì cả.

Nhiều người không thể tin vào câu vừa rồi của Ngài đâu.

Thì bảo họ đọc Quyển 1 đi. Trong đó đã giải thích rõ chuyện này mà.

Có phải đó là điều Ngài đang đề nghị cho thế giới này? Hoàn toàn vô chính phủ?

Ta không có đề nghị cái gì cả. Ta chỉ quan sát những gì đang diễn ra. Ta đang nói với con về những gì quan sát được. Và không, Ta không thấy rằng vô chính phủ – là sự thiếu vắng quản trị, quy tắc, điều lệ hay hạn chế một điều gì – sẽ có hiệu quả. Một sự an bài như thế chỉ làm được với những hữu thể cấp cao, mà Ta không thấy loài người các con đạt được mức độ ấy.

Bởi thế, một mức độ quản trị nào đó sẽ là điều bắt buộc, cho tới khi chủng tộc các con tiến hóa tới chỗ ở đó các con làm điều tự nhiên đúng một cách tự nhiên.

Các con rất khôn ngoan trong việc quản trị chính mình trong vấn đề nội bộ. Các điểm con đã nêu ra trước đây thật nổi bật, không thể bác bỏ. Người ta thường không làm điều “đúng” khi để cho họ tự quyết định. Vấn đề thực sự không phải là tại sao các chính phủ áp đặt nhiều quy tắc và luật lệ như thế trên người dân, nhưng là tại sao các chính phủ phải làm như thế?

Câu trả lời có liên quan tới Ý Thức Chia Rẽ của các con.

Sự thật là chúng con thấy mình tách rời khỏi nhau.

Đúng rồi.

Nhưng nếu chúng con không tách rời, khi ấy chúng con là Một. Và điều đó không có nghĩa là chúng con chịu trách nhiệm về nhau sao?

Đúng rồi.

Nhưng điều đó không tước mất khỏi chúng con khả năng đạt tới sự vĩ đại cá nhân sao? Nếu con có trách nhiệm với mọi người khác, thế thì Tuyên ngôn Cộng sản đúng rồi còn gì! “Từ mỗi người tùy theo khả năng, tới mỗi người tùy theo nhu cầu.”

Đó là, như Ta đã nói, một lý tưởng cao quý. Nhưng nó bị tước mất sự cao quý của nó khi nó được áp đặt một cách thô bạo. Đó là cái khó khăn của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Không phải là khái niệm, nhưng là ở việc thực thi.

Có những người nói rằng khái niệm phải được áp đặt vì khái niệm vi phạm bản tính căn bản của loài người.

Con đã đóng đinh vào đầu rồi. Điều cần phải thay đổi là bản tính căn bản của loài người. Đó là nơi có việc phải làm đấy.

Tạo ra sự chuyển đổi ý thức mà Ngài đã nói.

Đúng rồi.

Nhưng chúng ta lại đi lòng vòng nữa rồi. Có phải một ý thức nhóm sẽ làm cho các cá nhân bị tước mất khả năng?

Hãy nhìn vào nó. Nếu mỗi người trên hành tinh này, mọi nhu cầu cơ bản đều được đáp ứng; nếu đám đông người có thể sống trong phẩm giá và thoát khỏi cuộc đấu tranh để sống còn, liệu điều này có mở ra con đường cho cả nhân loại dấn thân vào những tìm kiếm cao cả hơn không?

Sự vĩ đại cá nhân có thực sự bị đè bẹp nếu sự sống còn của cá nhân được bảo đảm?

Phẩm giá phổ quát có thực sự phải hy sinh cho vinh quang cá nhân không?

Loại vinh quang nào có được khi nó đạt được qua sự hy sinh của người khác?

Ta đã đặt dư thừa tài nguyên trên hành tinh các con để bảo đảm việc cung ứng đầy đủ cho mọi người. Làm sao hàng ngày người lại phải chết đói mỗi năm? Hàng trăm người không nhà không cửa? Hàng triệu người kêu khóc chỉ vì đòi phẩm giá?

Loại giúp đỡ nào giúp chấm dứt chuyện này thì không phải là loại giúp đỡ tước đoạt khả năng của kẻ khác.

Nếu sự sung túc của con nói rằng họ không muốn giúp cho người chết đói và không nhà cửa vì họ không muốn tước đoạt khả năng của những người ấy, khi ấy sự sung túc của con là giả hình. Vì không ai thực sự “sung túc” nếu họ giàu có trong khi người khác chết đói.

Sự tiến hóa của một xã hội được đo lường bởi việc nó đối xử như thế nào với những người nhỏ nhất trong đó. Như Ta đã nói, thách đố là tìm kiếm sự quân bình giữa giúp đỡ người khác và làm tổn hại họ.

Ngài có thể đưa ra hướng dẫn nào không?

Hướng dẫn tổng quát có thể là như thế này: Khi nào nghi ngờ, hãy luôn luôn nghiêng về phía lòng thương xót.

Trắc nghiệm xem con đang giúp đỡ hay làm tổn thương họ là: Đồng loại ấy sẽ lớn lên hay nhỏ đi do sự giúp đỡ của con? Con đã làm cho họ lớn hơn hay nhỏ hơn? Có thêm hay bớt khả năng của họ đi?

Người ta nói rằng nếu anh cho mỗi cá nhân hết mọi thứ, họ sẽ bớt muốn làm việc vì điều đó nữa.

Nhưng tại sao họ lại phải làm việc vì phẩm giá tối thiểu? Không đủ cho mọi người sao? Tại sao chuyện “tay làm hàm nhai” phải liên hệ hết mọi sự vậy?

Phẩm giá căn bản của loài người không phải là bẩm sinh cho mọi người sao? Không buộc phải là như thế sao?

Nếu người ta tìm kiếm nhiều hơn mức độ tối thiểu – nhiều thực phẩm hơn, nhà ở lớn hơn, quần áo tốt hơn – họ có thể tìm cách đạt được những mục tiêu ấy. Nhưng người ta có cần phải tranh đấu để chỉ sống còn mà thôi không – trên một hành tinh ở đó có dư thừa mọi thứ cho mọi người?

Đó là câu hỏi trọng tâm mà cả nhân loại đối diện.

Thách đố không phải là làm cho mọi người bình đẳng, nhưng là cho mỗi người ít nhất sự bảo đảm nhu cầu sinh tồn cùng với phẩm giá, để mỗi người có thể từ đó có cơ hội chọn lấy cái hơn mà họ mong muốn.

Có những người tranh biện rằng một số người không nắm lấy cơ hội ngay cả khi được trao cho họ.

Và họ nhận xét đúng đấy. Điều này đưa lên một câu hỏi khác: với những người không nắm lấy cơ hội được đưa ra cho họ, con có nợ họ một cơ hội khác và khác nữa không?

Không.

Nếu Ta mà giữ thái độ đó, con sẽ rơi vào hỏa ngục đời đời kiếp kiếp.

Ta bảo con điều này: Lòng thương xót không bao giờ kết thúc, tình yêu không bao giờ dừng lại, lòng kiên nhẫn không bao giờ cạn trong Thế Giới của Thượng Đế. Chỉ có trong thế giới loài người, lòng tốt mới có giới hạn thôi. Trong Thế Giới của Ta, sự thiện là vô tận.

Ngay cả nếu như chúng con không xứng đáng với nó.

Con luôn luôn đáng được nó.

Ngay cả nếu như chúng con ném trả vào mặt Ngài lòng tốt của Ngài?

Nhất là khi các con làm thế (“Nếu có ai vả má bên phải của con, hãy giơ luôn má trái. Và nếu có ai đòi con đi với họ một dặm đường, hãy đi với họ hai dặm.) Khi con ném trả lòng tốt của Ta vào mặt Ta (nhân tiện đây, đó là điều nhân loại đã làm với Thượng Đế cả ngàn năm nay rồi), Ta thấy rằng các con chỉ phạm sai lầm. Các con không biết đâu là lợi ích tốt nhất cho mình. Ta có lòng thương xót vì lầm lỗi của các con không dựa trên sự dữ, nhưng trên sự ngu dốt.

Nhưng một số người tự căn bản là xấu. Một số người xấu xa tự thâm căn rồi.

Ai bảo con thế?

Đó là con quan sát thấy.

Thế thì con không nhìn thấy rõ rồi. Ta đã nói với con trước đây rồi: Không có ai làm điều gì xấu cả, xét theo mô hình của họ về thế giới.

Nói cách khác, mọi người đều đang làm điều tốt nhất họ có thể vào mọi thời điểm.

Mọi hành động của mọi người đều tùy thuộc vào dữ liệu họ có trong tay.

Ta đã nói trước đây – ý thức là tất cả mọi sự. Con ý thức về điều gì? Con biết gì?

Nhưng khi người ta tấn công chúng con, làm tổn thương, làm hại chúng con, ngay cả giết chúng con vì mục đích của riêng họ, điều đó không xấu sao?

Ta đã nói với con rồi: mọi sự tấn công là một lời kêu xin giúp đỡ.

Không có ai thực sự ước muốn làm hại người khác. Những con làm điều đó – kể cả chính quyền của các con, đều làm điều đó từ một ý niệm sai lệch rằng đó là cách duy nhất để có được điều họ muốn.

Ta đã phác họa trong quyển sách này một giải pháp cao cấp hơn cho vấn đề này. Đơn giản chỉ cần không muốn điều gì hết. Có những ưu tiên, nhưng đừng có nhu cầu nào.

Nhưng đây là một tình trạng hiện hữu rất cao; đó là nơi của các Bậc Thầy.

Xét về mặt địa lý-chính trị, tại sao không cùng nhau làm việc như một thế giới, để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất của mọi người?

Chúng con đang làm điều đó – hoặc đang cố làm như thế.

Sau bao nhiêu ngàn năm lịch sử nhân loại, đó có phải là cái tốt nhất con có thể nói không?

Sự thật là, các con không có tiến hóa tí nào. Các con vẫn hoạt động với một não trạng rất sơ khai “mọi người đều vì mình.”

Các con cướp bóc Trái Đất, cưỡng hiếp nó để chiếm lấy tài nguyên, bóc lột người của nó, và tước đoạt quyền của những ai bất đồng với con trong việc làm điều ấy, gọi họ là “những kẻ bảo thủ.” Con làm tất cả những điều này vì mục đích ích kỷ của mình, vì con đã phát triển một lối sống mà con không thể duy trì bằng cách nào khác.

Con phải chặt xuống hàng triệu hecta rừng mỗi năm, nếu không con sẽ không thể có được tờ báo ngày Chủ nhật. Con phải tàn phá hàng dặm tầng ozone bảo vệ đang che phủ hành tinh của con, bằng không con không thể có được thuốc xịt tóc. Con phải làm ô nhiễm các sông suối tới mức không cứu chữa được, bằng không con không thể có những ngành công nghiệp đem lại cho con Lớn Hơn, Tốt Hơn và Hơn Nữa. Và con phải bóc lột những người nhỏ nhất trong các con, những người bất lợi nhất, kém học nhất, vô tri nhất – bằng không con không thể sống trên đỉnh bậc thang nhân loại trong sự sang trọng chưa từng có (và không cần thiết). Cuối cùng, con phải phủ nhận rằng con đang làm điều này, bằng không con không thể sống với chính mình được.

Con không thể tìm thấy nó trong lòng mình, để “sống đơn giản, để những người khác có thể sống được.” Sự khôn ngoan ấy quá đơn giản đối với con. Thế là quá nhiều để hỏi. Quá nhiều để cho. Sau cùng, con đã làm việc quá chăm chỉ để có được cái con có! Con sẽ không từ bỏ một chút nào trong đó! Và nếu phần còn lại của nhân loại – chưa nói đến con cái của con cái con – phải đau khổ vì nó, thì quá tệ, đúng không? Con đã làm điều con phải làm để sống, để “làm ra nó”, họ cũng có thể làm thế mà! Sau cùng thì, đó là mọi người vì chính mình, đúng không nào?

Có cách nào thoát ra khỏi mớ bùng nhùng này không nhỉ?

Có. Có cần Ta nói lại lần nữa không? Một sự chuyển đổi ý thức. Con không thể giải quyết các vấn đề đang lan tràn trong nhân loại bằng các hành động quản trị hay bằng phương tiện chính trị. Con đã cố gắng làm điều đó hàng ngàn năm rồi.

Sự thay đổi phải được thực hiện, và chỉ có thể thực hiện trong tim con người.

Ngài có thể nói về thay đổi cần phải thực hiện chỉ trong một câu thôi không?

Ta đã nói nhiều lần rồi.

Các con phải thôi đừng coi Thượng Đế là tách rời khỏi các con, và các con tách rời khỏi nhau nữa.

Giải pháp duy nhất là Chân Lý Tối Hậu: không có gì tồn tại trong vũ trụ lại tách rời khỏi những thứ khác. Mọi sự đều tự sâu xa được gắn kết với nhau, lệ thuộc vào nhau một cách vô phương đảo ngược, tương tác, xoắn bện vào tấm vải của cuộc sống.

Mọi chính phủ, mọi nền chính trị phải dựa trên chân lý này. Mọi luật pháp phải được xây nền trên đó.

Đây là niềm hy vọng cho tương lai của nhân loại các con; niềm hy vọng duy nhất của hành tinh các con.

Luật Yêu Thương Ngài đã nói trên đây hoạt động như thế nào? Tình Yêu cho đi tất cả và không đòi hỏi gì cả. Làm sao chúng con có thể không đòi hỏi gì cả?

Nếu mọi người trong chủng tộc các con cho đi tất cả, thì con còn đòi hỏi gì nữa? Lý do duy nhất để con đòi hỏi một điều gì đó là vì có người khác đang giữ nó. Hãy thôi đừng giữ lại nữa.

Điều này không thể làm được, trừ phi tất cả chúng con đồng thời làm điều đó.

Quả thực, một ý thức toàn cầu là điều bắt buộc. Nhưng, điều đó xảy đến thế nào được? Một ai đó phải bắt đầu.

Cơ hội là ở đây cho con.

Con có thể là nguồn của Ý Thức Mới này. Con có thể là nguồn gợi hứng.

Thực vậy, con phải là.

Con phải à?

Chứ còn ai nữa?

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here