CHƯƠNG 10
Con đang chờ điều này. Đây còn hơn những gì con nghĩ Ngài hứa với con khi Ngài bảo con rằng Quyển 2 sẽ bàn tới những vấn đề ở tầm mức toàn cầu. Vậy, liệu chúng ta có thể xem xét nền chính trị của loài người bằng cách cho con hỏi Ngài một câu có vẻ rất sơ cấp không?
Không có câu hỏi nào là không đáng giá cả. Câu hỏi cũng giống như con người vậy.
À, tốt rồi. Vậy cho phép con hỏi: Chấp nhận một chính sách đối ngoại dựa trên những quyền lợi được bảo đảm của quốc gia mình thì có sai lầm không?
Không. Trước hết, từ quan điểm của Ta, không có gì là sai cả. Nhưng Ta hiểu con dùng từ ấy như thế nào, nên Ta nói trong bối cảnh ngữ vựng của con. Ta sẽ dùng từ “sai lầm” để chỉ “cái không giúp ích cho con, xét về người và cái mà con chọn là.” Đây là cách Ta luôn sử dụng khi nói về “đúng và sai” với con; và luôn ở trong ngữ cảnh này, vì thực ra, không có gì Đúng hay Sai cả.
Vậy, trong ngữ cảnh này thì không, việc đặt các quyết định đối ngoại trên những xem xét về lợi ích chắc chắn không có gì sai. Cái sai là làm ra vẻ con không phải đang làm như thế.
Dĩ nhiên là hầu hết mọi quốc gia đều làm ra như vậy. Họ hành động hay không hành động – vì một số lý do, rồi đưa ra như một loạt lý do có lý khác.
Tại sao vậy? Tại sao các quốc gia lại làm thế?
Vì các chính quyền biết rằng nếu nhân dân hiểu được các lý do thực sự của hầu hết các quyết định đối ngoại, người ta sẽ không ủng hộ họ nữa.
Điều này đúng cho các chính quyền ở khắp mọi nơi. Có rất ít chính quyền không chủ ý đánh lạc hướng người dân của họ. Lừa gạt là một phần của việc cai trị, vì có ít người chọn để được cai trị theo cách họ đang được cai trị – càng ít người chọn để được cai trị – trừ phi chính quyền thuyết phục được họ rằng các quyết định của nó là nhằm điều tốt đẹp cho họ.
Đây là một cuộc thuyết phục đầy khó khăn, vì hầu như ai cũng thấy rõ sự ngu dốt trong chính quyền. Vì thế chính quyền phải nói dối để ít ra, cố giữ mọi người trung thành với mình. Chính quyền là minh họa hoàn hảo cho sự chính xác của câu: nếu con nói dối đủ lớn, đủ lâu, thì lời nói dối sẽ trở thành “sự thật.”
Những người cầm quyền không bao giờ được cho phép công luận biết được họ đã nắm được quyền lực như thế nào – cũng như tất cả những gì họ đã làm và muốn làm để trụ lại đó.
Sự thật và chính trị không và không thể hòa vào nhau được, vì chính trị là nghệ thuật chỉ nói những gì cần nói – và nói nó đúng cách – để đạt được một mục tiêu mong muốn.
Không phải mọi nền chính trị đều xấu, nhưng nghệ thuật chính trị là một nghệ thuật thực hành. Nó nhận biết rõ rệt tâm lý của hầu hết mọi người. Nó chỉ ghi nhận rằng hầu hết mọi người hành động vì tư lợi. Thế nên chính trị là cách mà người có quyền lực tìm cách thuyết phục được con rằng mối tư lợi của họ là mối tư lợi của con.
Các chính phủ hiểu rõ sự tư lợi. Vì thế các chính quyền rất giỏi đưa ra các chương trình nhằm đem lại nhiều điều cho người ta.
Ban đầu, chính quyền có vai trò rất hạn chế. Mục đích của chúng đơn giản chỉ là “duy trì và bảo vệ.” Thế rồi có ai đó đã thêm vào vai trò “cung cấp.” Khi chính quyền bắt đầu là nhà cung cấp cho người dân đồng thời là người bảo vệ nhân dân, chính quyền bắt đầu tạo ra xã hội, thay vì duy trì nó.
Nhưng không phải chính quyền đang làm những gì nhân dân mong muốn đó sao? Không phải chính quyền chỉ cung cấp cơ cấu mà qua đó, người dân tự cung cấp cho mình trên một bình diện xã hội đó sao? Chẳng hạn, ở Mỹ, chúng con đặt một giá trị rất cao cho phẩm giá sự sống con người, tự do cá nhân, tầm quan trọng của cơ hội, và sự thánh thiện của trẻ em. Thế nên chúng con đã làm ra luật và yêu cầu chính quyền tạo ra những chương trình nhằm đem lại thu nhập cho người già, để họ có thể giữ được phẩm giá của mình qua số năm được lãnh lương của họ; để bảo đảm những cơ hội làm việc và có nhà ở như nhau cho mọi người – thậm chí cả những người khác với chúng con, hoặc có lối sống mà chúng con không đồng tình; để thông qua luật lao động trẻ em, bảo đảm rằng trẻ em trong quốc gia không trở nên nô lệ, và không có gia đình nào có con mà không có những cái cơ bản cho một đời sống có phẩm giá – lương thực, quần áo, nhà ở.
Những luật ấy phản ánh tốt trên xã hội của các con. Nhưng, khi cung ứng cho các nhu cầu của người dân, các con phải cẩn thận để không tước đoạt của họ phẩm giá cao cả nhất: việc thực thi quyền cá nhân, sự sáng tạo của bản thân, và sự khéo léo nhất trí cho phép người khác nhận thấy rằng họ có thể tự cung cấp cho mình. Đó là một sự quân bình tinh tế phải được đáp ứng.
Người dân các con dường như chỉ biết làm thế nào để đi từ thái cực này sang thái cực khác. Hoặc các con muốn chính quyền làm hết cho người dân, hoặc các con muốn giết hết các chương trình của chính quyền và tẩy sạch các luật lệ chính quyền ngay ngày mai.
Đúng, và vấn đề là có rất nhiều người không thể tự cung cấp cho mình trong một xã hội đem lại những cơ hội sống tốt nhất theo thói quen cho những người đang có ủy nhiệm thư “đúng” (hoặc không có ủy nhiệm thư “sai”); những người không thể tự cung cấp cho mình trong một quốc gia mà các chủ đất sẽ không cho các gia đình đông con thuê, những công ty sẽ không ưu tiên phụ nữ, công bằng rất thường là sản phẩm của địa vị, tiếp cận y tế được hạn chế cho những người có đủ thu nhập, và nhiều kỳ thị và bất bình đẳng khác tồn tại trên bình diện vĩ mô.
Vậy nên, chính quyền phải thay thế lương tâm của người dân?
Không. Chính quyền là lương tâm, là phát ngôn của người dân. Chính thông qua chính quyền, người dân tìm kiếm, hy vọng và quyết định sửa đổi những căn bệnh của xã hội.
Nói hay lắm. Nhưng Ta lặp lại, các con phải liệu sao để không tự bóp nghẹt mình trong luật khi tìm cách bảo đảm cho người dân một cơ hội để thở! Các con không thể làm luật về đạo đức. Các con không thể ủy thác sự bình đẳng.
Cái cần là một sự dịch chuyển trong ý thức tập thể, chứ không phải một sự củng cố lương tâm tập thể.
Hành vi (và mọi khoản luật, và tất cả các chương trình của chính phủ) phải vọt ra từ Sự Là, phải là một phản ánh thực sự của Người Mà Con Là.
Luật pháp trong xã hội chúng con đúng là phản ánh người mà chúng con là! Chúng nói với mọi người: “Ở Mỹ là như thế này đây. Người Mỹ là thế này đây.”
Trong hầu hết các trường hợp, có lẽ là vậy. Nhưng thường thì luật của các con là những tuyên bố về những điều mà những người nắm quyền nghĩ rằng các con nên là nhưng lại không phải như thế.
“Một số ít” thông thái hướng dẫn cho “số nhiều ngu dốt” ngang qua luật pháp.
Chính xác như thế.
Chuyện ấy có gì sai đâu? Nếu có một số ít những người xuất sắc tài giỏi trong chúng con muốn nhìn vào các vấn đề của xã hội, của thế giới và đưa ra giải pháp, điều đó không phục vụ số nhiều sao?
Tùy vào động cơ của số ít ấy. Và tùy vào sự minh bạch của họ. Nói chung, không có gì phục vụ “số nhiều” hơn là để cho họ tự cai quản chính mình.
Vô chính phủ. Điều đó không bao giờ làm được.
Các con không thể lớn lên và trở nên vĩ đại khi các con luôn luôn được chính quyền bảo cho biết phải làm gì.
Có thể lập luận rằng sự cai trị – con muốn chỉ luật pháp nhờ đó chúng con đã chọn để cai trị chính mình – là phản ảnh sự vĩ đại của xã hội (hoặc thiếu sự vĩ đại), vì các xã hội lớn đưa ra những luật lớn.
Và rất ít luật. Vì trong các xã hội lớn, rất ít luật coi là cần thiết.
Dù vậy, những xã hội thực sự vô luật pháp là những xã hội sơ khai, nơi đó “mạnh là đúng.” Luật pháp là cố gắng của con người nhằm tạo nền cho sân chơi; để bảo đảm rằng điều thực sự đúng sẽ chiếm ưu thế, dù mạnh hay yếu. Không có quy tắc hành xử được mọi người đồng ý với nhau, làm sao chúng con có thể cùng tồn tại?
Ta không đặt giả thiết một thế giới không có quy tắc hành xử, không có sự đồng ý. Ta muốn nói rằng các sự thỏa thuận và quy tắc của các con nên được đặt trên một hiểu biết cao hơn và một định nghĩa lớn hơn về lợi ích cá nhân.
Điều mà hầu hết luật pháp thực sự nói là điều những kẻ mạnh nhất trong các con có được như quyền lợi được bảo đảm của họ.
Hãy thử nhìn vào một thí dụ nhé. Hút thuốc lá.
Bây giờ, luật pháp nói rằng các con không được trồng và sử dụng một loại cây, là cây gai dầu, vì, chính quyền bảo các con, rằng nó không tốt cho các con.
Nhưng cũng cùng một chính quyền ấy nói rằng được phép trồng trọt và sử dụng một loại cây khác, cây thuốc lá, không phải vì nó tốt cho các con (quả thật, chính chính quyền nói nó xấu), nhưng có lẽ, vì các con đã luôn luôn làm như thế.
Lý do thực sự của việc cây đầu tiên bị cấm còn cây thứ nhì không bị không có liên quan gì tới sức khỏe cả. Nó liên quan tới kinh tế. Và tức là, tới quyền lực.
Bởi thế, luật pháp của các con không phản ảnh điều xã hội các con nghĩ về nó, và muốn trở thành. Luật pháp của các con phản ảnh quyền lực đang nằm ở đâu.
Không công bằng. Ngài đã lấy một tình huống ở đó các mâu thuẫn là quá rõ. Hầu hết các trường hợp không phải như thế.
Ngược lại mới đúng. Hầu hết các trường hợp đều như thế cả.
Thế giải pháp là gì?
Là có càng ít luật – là những giới hạn thực sự – càng tốt.
Lý do hạt đầu tiên bị cấm chỉ liên hệ bề ngoài tới sức khỏe. Sự thật là, cần sa không gây nghiện và nguy hại cho sức khỏe nhiều hơn thuốc lá hay rượu bia, mà cả hai thứ này được luật pháp bảo vệ. Thế tại sao nó không được cho phép? Bởi vì nếu nó được trồng, một nửa những người trồng bông, nhà máy sản xuất nylon và tơ nhân tạo, và những người sản xuất gỗ trên thế giới sẽ mất việc.
Cần sa hóa ra là một trong những vật liệu hữu dụng nhất, mạnh nhất, dai nhất, bền nhất trên hành tinh của các con. Các con không thể tạo ra một loại sợi tốt hơn cho vải vóc, một chất liệu bền chắc hơn cho dây, và một nguồn bột giấy dễ trồng và thu hoạch hơn. Các con chặt xuống hàng trăm ngàn cây mỗi năm để cho mình các tờ báo ngày Chủ nhật, để các con có thể đọc về nạn phá rừng trên thế giới. Cần sa có thể cho các con hàng triệu tờ báo ngày Chủ nhật mà không cần phải chặt một cây nào cả. Quả thật, nó có thể thay thế cho rất nhiều loại nguyên liệu, với chi phí chỉ bằng một phần mười.
Và đó là vấn đề. Một ai đó mất tiền nếu loại cây kỳ diệu này – tình cờ, nó cũng có những thành phần dược tính đặc biệt – được cho phép gieo trồng. Và đó là lý do tại sao cần sa là loại bất hợp pháp trong đất nước các con.
Cũng cùng lý do ấy, các con đã cần quá lâu để để sản xuất đại trà xe điện, cung cấp y tế rẻ và hợp lý, hoặc sử dụng nhiệt mặt trời hoặc năng lượng mặt trời cho mọi gia đình.
Các con đã có đủ tiền và công nghệ để tạo ra tất cả những điều ấy nhiều năm rồi. Thế tại sao các con không có được chúng? Hãy nhìn xem ai sẽ mất tiền nếu các con có. Ở đó các con sẽ tìm ra câu trả lời.
Đây là Đại Xã Hội mà con rất đỗi tự hào ư? “Xã hội vĩ đại” của con phải bị lôi xềnh xệch, đá và la hét, để chịu xem xét tới lợi ích chung. Bất cứ khi nào lợi ích chung và cái tốt tập thể được nhắc tới, mọi người liền la lên “cộng sản!” Trong xã hội các con, nếu xét tới điều tốt đẹp cho nhiều người không tạo ra một lợi ích khổng lồ cho ai đó, thì điều tốt đẹp cho nhiều người thường bị lãng quên.
Điều này đúng không chỉ trong đất nước của con, nhưng cũng đúng trên cả thế giới nữa. Vì thế, vấn đề căn bản mà nhân loại đối diện là: Lợi ích riêng tư có thể được thay thế bằng những lợi ích tốt đẹp nhất, lợi ích chung, của cả nhân loại hay không? Nếu được, làm thế nào?
Tại Hoa Kỳ, các con đã tìm cách cung cấp lợi ích chung, lợi ích tốt nhất thông qua luật pháp. Các con đã thất bại thảm thương. Quốc gia các con là quốc gia giàu mạnh nhất trên địa cầu, và cũng có một tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất. Tại sao? Vì người nghèo không thể đủ điều kiện để hưởng sự săn sóc y tế đủ chất lượng trước và sau khi sinh, và xã hội các con là xã hội chạy theo lợi nhuận. Ta lấy chuyện này như một thí dụ về sự thất bại thảm hại của các con. Sự kiện các trẻ em nơi các con chết với một tỷ lệ cao hơn hầu hết các quốc gia công nghiệp khác trên thế giới lẽ ra phải làm các con phiền lòng. Nhưng không. Điều đó nói lên nhiều về những ưu tiên của xã hội các con đặt ở đâu. Những quốc gia khác chu cấp cho người bệnh và người nghèo, người già và bệnh nhân. Các con chu cấp cho người giàu có, người có ảnh hưởng và vị thế cao. Tám mươi lăm phần trăm người Mỹ về hưu sống trong nghèo khó. Nhiều người trong số những người Mỹ cao tuổi, và hầu hết những người có thu nhập thấp sử dụng phòng cấp cứu ở bệnh viện địa phương như “bác sĩ gia đình” của họ, họ tìm đến các chữa trị y tế chỉ trong trường hợp kinh khủng nhất, và hầu như không nhận được một chút chăm sóc y tế dự phòng nào.
Con thấy đấy, không có lợi nhuận gì nơi những người không có nhiều tiền để xài… họ đã mất đi sự hữu dụng của họ…
Và đây là xã hội vĩ đại của các con…
Ngài làm mọi thứ nghe thảm quá. Nhưng Hoa Kỳ đã làm nhiều điều hơn cho những người thiệt thòi và kém may mắn – cả ở đây lẫn ở nước ngoài – hơn bất kỳ quốc gia nào trên địa cầu mà.
Hoa Kỳ đã làm nhiều, điều ấy hiển nhiên đúng. Nhưng con có biết rằng xét như phần trăm tổng sản lượng quốc gia, Hoa Kỳ chu cấp cho nhu cầu quốc tế ít hơn nhiều quốc gia nhỏ khác không? Điểm mấu chốt là, trước khi các con cho phép mình trở nên quá tự mãn, có lẽ các con nên nhìn vào thế giới xung quanh mình. Vì nếu đây là điều tốt đẹp nhất mà thế giới các con có thể làm cho những người kém may mắn, thì các con còn phải học nhiều thứ lắm.
Các con sống trong một xã hội lãng phí, suy đồi. Các con đã đưa vào hầu như mọi thứ các con làm ra cái mà các kỹ sư gọi là “sự lỗi thời được hoạch định trước.” Xe hơi mắc gấp ba lần và tuổi thọ chỉ còn một phần ba.
Quần áo tơi tả sau mười lần mặc. Các con cho hóa chất vào thực phẩm để chúng có thể cất trong tủ lâu hơn, cho dù việc ấy làm cho các con ở lại trên hành tinh này ít hơn. Các con ủng hộ, khuyến khích và giúp cho các đội tuyển thể thao trả những khoản lương tục tĩu cho những cố gắng chọc cười, trong khi các giáo viên, phục vụ viên và các nhà nghiên cứu đang vật lộn để tìm cách chữa lành các căn bệnh lại phải đi năn nỉ xin tiền. Các con vứt bỏ thực phẩm trong các siêu thị, nhà hàng và gia đình mỗi ngày nhiều hơn lượng cần thiết để nuôi sống một nửa thế giới.
Nhưng đây không phải là một bản tố cáo, mà chỉ là một sự quan sát. Và không chỉ một mình nước Mỹ đâu, vì những thái độ đau lòng ấy là bệnh dịch trên khắp thế giới.
Khắp mọi nơi, những người thiệt thòi phải còng lưng dè sẻn chỉ mong sống được, trong khi một số rất ít người nắm quyền lại bảo vệ và tăng cường việc dành dụm tiền bạc, nằm trên nhung lụa, và mỗi sáng lại vặn những núm xoay bằng vàng trong phòng tắm. Và khi những đứa trẻ hốc hác da bọc xương chết trong vòng tay của những bà mẹ đang khóc, thì “những nhà lãnh đạo” quốc gia họ tiếp tục những vụ hối lộ chính trị, ngăn cản những thực phẩm quyên góp tới được với đám đông đang chết đói.
Dường như không một ai có quyền thay đổi những tình trạng ấy, nhưng sự thật là, quyền lực không phải là vấn đề. Dường như không còn ai có ý muốn nữa.
Và thế là nó sẽ vẫn vậy, bao lâu không ai nhìn thấy cảnh ngộ của người khác là của mình.
Ồ, sao lại không chứ? Làm sao chúng con có thể nhìn thấy những thảm cảnh hằng ngày ấy mà lại cho phép chúng tiếp diễn?
Vì các con không quan tâm. Đó là sự thiếu quan tâm. Toàn bộ hành tinh đối mặt với một khủng hoảng lương tâm. Các con phải quyết định xem các con có lo lắng cho nhau hay không.
Có lẽ phải hỏi một câu hỏi đau lòng như thế rồi. Tại sao chúng con không thể yêu mến những người trong gia đình mình nhỉ?
Các con có yêu mến những người trong gia đình mình đấy chứ. Chỉ là các con có một cái nhìn rất hạn hẹp về những ai là người nhà của mình thôi.
Các con không xem mình là thành viên của gia đình nhân loại, và vì thế các vấn đề của gia đình nhân loại không phải là vấn đề của các con.
Làm thế nào mọi dân tộc trên trái đất thay đổi cái nhìn của họ về thế giới? Điều đó tùy thuộc vào việc các con muốn thay đổi nó thành ra cái gì.
Bằng cách nào chúng con có thể tiêu diệt thêm nhiều đau khổ?
Bằng cách tiêu diệt mọi chia rẽ giữa các con. Bằng việc xây dựng một mô hình mới về thế giới. Bằng cách giữ thế giới trong khung một ý niệm mới.
Đó là gì?
Đó sẽ là một sự bứt phá tận căn khỏi thế giới quan hiện tại của các con.
Hiện tại, các con nhìn thế giới – chúng ta hiện giờ đang nói về mặt địa lý – như tập hợp các quốc gia, mỗi quốc gia thống trị, tách rời và độc lập với nhau.
Các vấn đề nội bộ của các tiểu bang độc lập này, nói chung, không được xem là các vấn đề của nhóm xét như một toàn thể – trừ phi và cho đến khi chúng tác động đến nhóm xét như một toàn thể (hoặc những thành viên có thế lực nhất của nhóm ấy).
Nhóm xét như một toàn thể phản ứng với các điều kiện và vấn đề của các tiểu bang riêng lẻ dựa trên các lợi ích được đảm bảo của nhóm lớn hơn. Nếu không ai trong nhóm lớn hơn có gì để mất, thì các điều kiện trong tiểu bang riêng lẻ có thể trở thành địa ngục, và không ai thèm để ý tới nữa.
Hàng ngàn người có thể chết đói mỗi năm, hàng trăm người có thể chết trong chiến tranh nội bộ, các bạo chúa có thể cướp bóc vùng quê, những tên độc tài và đám côn đồ có vũ trang của chúng có thể hãm hiếp, tàn phá và giết chóc, các chế độ có thể tước đoạt những quyền cơ bản của con người – và các con sẽ chẳng làm gì cả. Các con nói, đó là “vấn đề nội bộ.”
Nhưng, khi các lợi ích của các con bị đe dọa ở đó, khi các cuộc đầu tư của các con, an ninh của các con, chất lượng cuộc sống của các con bị đe dọa, các con sẽ kêu gọi cả quốc gia, và cố gắng kêu gọi cả thế giới đứng sau các con, và xông vào nơi mà các thiên thần cũng ngại phải dẫm chân vào.
Khi ấy các con Nói Dối Trắng Trợn – tuyên bố rằng các con đang làm điều đó vì những lý do nhân đạo, để giúp những người bị áp bức trên thế giới, trong khi sự thật là các con chỉ đang bảo vệ cho lợi ích của riêng mình. Bằng chứng của điều này là: nơi nào các con không có chút lợi ích nào, các con chẳng hề quan tâm đâu.
Guồng máy chính trị của thế giới hoạt động dựa trên lợi ích riêng tư.
Còn điều gì khác mới nữa không?
Một điều gì đó sẽ phải là mới nếu con muốn thế giới thay đổi. Các con phải bắt đầu nhìn các lợi ích của người khác như là của mình. Điều này sẽ chỉ xảy ra khi các con tái cấu trúc thực tại toàn cầu, và theo đó, quản trị chính bản thân các con.
Ngài đang nói về một chính quyền một-thế-giới?
Đúng vậy.
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2 (Trọn bộ)
- Download Ebook sách Đối thoại với Thượng Đế tập 2 – File PDF DOCX
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 20 (Kết thúc)
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 19
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 18
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 17
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 16
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 15
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 14
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 13
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 12
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 11
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 10
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 9
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 8
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 7
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 6
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 5
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 4
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 3
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 2
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 1