CHƯƠNG 16
Vì chúng ta đang bàn về những khía cạnh rộng lớn của cuộc sống trên bình diện toàn cầu, cũng như đang xem lại một số yếu tố của đời sống cá nhân đã được tìm hiểu trong quyển 1, Con muốn hỏi Ngài về môi trường.
Con muốn biết về điều gì?
Có phải môi trường đang bị phá hủy, như một số nhà môi trường học đang quả quyết, hay là đó chỉ là những người cực đoan mắt lệch, những tên Cộng sản tự do rởm, cái đám tốt nghiệp Berkeley và chơi ma túy?
Đúng, với cả hai câu hỏi.
Aaaaaaaa-???
Đùa thôi. Được rồi, đúng với câu hỏi đầu, không với câu thứ nhì.
Có phải tầng ozone bị hủy hoại? Các khu rừng nhiệt đới đang bị tàn sát?
Đúng vậy. Nhưng không chỉ những thứ hiển nhiên ấy đâu. Có những vấn đề khó thấy hơn mà con nên quan tâm.
Xin giúp con chỗ ấy với!
Được rồi, chẳng hạn, đang có một sự thiếu đất đai phát triển nhanh chóng trên hành tin các con. Tức là, các con đang hết dần đất tốt để có thể trồng lương thực. Đó là vì đất đai cần thời gian để tự tái tạo, và các nông dân không có thời gian. Họ muốn đất sản xuất, sản xuất, sản xuất. Cho nên việc thay đổi các cánh đồng từ mùa này sang mùa khác, một tập quán lâu đời đang bị từ bỏ hoặc rút ngắn lại. Để thêm vào việc mất mát thời gian, hóa chất được đổ vào đất để làm cho nó màu mỡ nhanh hơn. Nhưng khi làm thế, cũng như với mọi sự, các con không thể phát triển một sự thay thế nhân tạo cho Mẹ Thiên Nhiên để đến gần với việc cung cấp điều mà Mẹ cung cấp.
Kết quả là các con đang xói mòn, thực sự là một vài inches ở một số nơi, lớp đất dinh dưỡng trên cùng. Nói cách khác, các con đang trồng ngày càng nhiều lương thực trong vùng đất có ngày càng ít chất dinh dưỡng. Không có sắt. Không có khoáng chất. Không còn gì trong đất để cung cấp nữa. Còn tệ hơn, các con đang ăn những thực phẩm đầy những hóa chất được đổ vào đất trong nỗ lực tái tạo nó. Trong khi không gây ra tác hại rõ rệt nào cho cơ thể trong thời gian ngắn, các con sẽ buồn bã khám phá ra rằng về lâu dài, những hóa chất ấy, vẫn còn trong cơ thể, không tạo ra sức khỏe đâu.
Vấn đề xói mòn đất đai thông qua việc tăng sản lượng cây trồng không phải là điều mà hầu hết mọi người đều ý thức được, cũng như số đất đai trồng trọt được đang bị teo nhỏ không phải là tưởng tượng của những nhà môi trường học lập dị đang tìm kiếm cho sự nghiệp thời thượng sắp tới của họ đâu. Hãy hỏi bất cứ nhà khoa học nào về Trái Đất và con sẽ nghe đầy lỗ Tai. Đó là vấn đề có tầm vóc đại dịch; nó là vấn đề toàn cầu, và nghiêm trọng.
Đây chỉ là một thí dụ về rất nhiều cách mà con đang làm hại và hủy hoại. Mẹ các con, Trái Đất, người ban cho sự sống, từ một sự hoàn toàn không đếm xỉa đến những nhu cầu và tiến trình tự nhiên của bà.
Các con quan tâm quá ít về hành tinh của mình, ngoại trừ thỏa mãn những đam mê của chính mình, đáp ứng các nhu cầu tức thời (và hầu hết vênh váo – bloated), và thỏa mãn ham muốn vô tận của nhân loại để tìm cái Lớn hơn, Tốt hơn, và Hơn nữa. Nhưng con có thể hỏi như một chủng loài, khi nào là đủ chưa?
Tại sao chúng con không lắng nghe những nhà môi trường học? Tại sao chúng con không nghe lời cảnh báo của họ?
Về chuyện này, cũng như trong mọi vấn đề thực sự quan trọng có ảnh hưởng tới chất lượng và lối sống trên hành tinh của các con, có một mẫu thức dễ dàng nhận ra. Các con đã đóng khung một câu trong thế giới của các con, nó trả lời cho câu hỏi này một cách hoàn hảo. “Hãy đi theo dấu vết của đồng tiền.”
Làm thế nào chúng con có thể bắt đầu hy vọng giải quyết những vấn đề ấy trong khi đấu tranh với một điều vừa rộng lớn vừa dai dẳng như vậy?
Đơn giản lắm. Hãy loại trừ đồng tiền đi.
Loại bỏ tiền đi à?
Đúng. Hoặc ít nhất, loại trừ tính vô hình của nó.
Con không hiểu.
Hầu hết mọi người che giấu những điều làm họ xấu hổ hoặc không muốn người khác biết đến. Đó là lý do tại sao phần lớn các con che giấu về tính dục của mình, và gần như mọi người giấu tiền của mình. Tức là, các con không cởi mở về nó. Các con xem tiền của mình là một vấn đề rất riêng tư. Và vấn đề nằm ở chỗ đó.
Nếu như ai cũng biết hết mọi sự về tình hình tiền bạc của mọi người, sẽ có một sự nổi dậy trong đất nước con và trên hành tinh các con, mà những điều tương tự như thế các con chưa bao giờ được thấy. Và hậu quả của điều đó sẽ là công bằng và bình đẳng, trung thực và thực sự vì- lợi-ích-của-tất-cả chiếm ưu tiên trong cách hành xử của loài người.
Ngay bây giờ, không thể mang tới công bằng hay bình đẳng, trung thực, hay lợi ích chung, chính là vì tiền bạc thật quá dễ dàng che giấu. Con có thể thực sự cầm lấy nó và giấu nó đi. Cũng có đủ cách đủ phương tiện để những nhân viên kế toán sáng tạo có thể làm cho công quỹ bị “giấu đi” hoặc biến mất.
Vì tiền bạc có thể che giấu, nên không có cách nào để người ta biết chính xác người khác có bao nhiêu hoặc họ làm gì với nó. Điều này đưa tới khả năng tồn tại sự thừa mứa về bất bình đẳng, nếu không muốn nói là chơi hai mặt. Các công ty có thể trả cho hai người số lương cách biệt lớn cho cùng một công việc. Họ có thể trả cho một người này 57.000 đô-la một năm, trong khi người khác thì 42.000 đô-la, cho cùng một công việc, vị trí chức năng. Họ trả người này nhiều hơn người kia chỉ vì người thứ nhất có một cái mà người kia không có.
Cái gì vậy?
“Con cu.”
Ồ.
Đúng. Ồ, đúng lắm.
Nhưng Ngài không hiểu rồi. Có một cái dương vật làm cho người thứ nhất có giá trị hơn người thứ hai chứ. Thông minh hơn, lanh lợi hơn gấp rưỡi, và hiển nhiên là có khả năng hơn.
Hừm. Ta không nhớ là đã tạo nên các con theo hướng đó. Ta muốn nói là bất bình đẳng như thế về khả năng.
Ồ, Ngài đã làm thế mà. Con thấy lạ là Ngài không biết điều đó. Mọi người trên hành tinh này đều biết cả.
Thôi thôi mình ngưng lại chỗ này đi, kẻo người khác lại nghĩ chúng ta đang bàn luận nghiêm túc.
Ngài muốn nói là Ngài đùa à? Ồ, chúng con nói thật mà. Mọi người trên hành tinh này đều biết. Đó là lý do tại sao phụ nữ không được làm linh mục trong Công giáo Rô-ma hay phái Mormon, hoặc xuất hiện ở phía bên kia của Bức Tường Than Khóc ở Jerusalem, hoặc leo lên những công việc chóp bu ở danh sách 500 công ty của Fortunes, hoặc làm phi công, hoặc…
Đấy, chúng ta hiểu đúng rồi. Quan điểm của Ta là sự kỳ thị trong việc trả lương này, ít nhất, sẽ khó dẹp đi hơn nếu mọi giao dịch tiền bạc được minh bạch, thay vì giấu kín. Con có thể hình dung ra được điều gì sẽ xảy ra trong mọi công xưởng trên địa cầu, nếu mọi công ty buộc phải công bố mọi lương bổng của mọi nhân viên? Không chỉ mức lương cho loại công việc, nhưng là thù lao thực sự được trao cho mỗi người.
Chà, lúc đó sẽ xảy ra trò “thọc gậy hai đầu,” ngay ngoài cửa sổ.
Đúng.
Rồi có màn “Chuyện gì nó không biết thì sẽ không làm hại nó đâu.”
Đúng.
Rồi “Chà, nếu Ta có thể thuê bà Ta với mức lương thấp hơn 3 lần, thì cần gì phải chi nhiều hơn làm gì?”
Ừ.
Rồi cả chuyện chạy chọt, nịnh bợ, và “tay trong,” và chính sách công ty, và –
Và nhiều, nhiều nữa sẽ biến mất khỏi công xưởng, và khỏi thế giới, thông qua một việc đơn giản, bật mí đồng tiền.
Hãy nghĩ về điều đó. Nếu con biết chính xác mỗi người trong các con nắm giữ bao nhiêu tiền, và thu nhập thực sự của mọi công ty, xí nghiệp và mỗi người điều hành – cũng như mỗi người và mỗi công ty đang sử dụng đồng tiền như thế nào – con có nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi mọi thứ không? Hãy nghĩ về điều ấy. Con nghĩ liệu mọi sự sẽ thay đổi theo hướng nào?
Hiển nhiên là người ta sẽ không bao giờ chịu nổi 90 phần trăm những gì đang diễn ra trong thế giới nếu họ biết điều gì đang diễn ra. Xã hội sẽ không bao giờ chấp nhận cho sự phân phối của cải cực kỳ mất cân đối như thế, và về những phương tiện để dẫn tới chuyện đó lại càng không chấp nhận được, cũng như cách thức được sử dụng để kiếm được nhiều hơn, nếu mọi người ai cũng biết được những dữ kiện này một cách cụ thể và tức thời.
Không có gì làm nảy sinh hành vi thích hợp nhanh hơn là phơi bày ra ánh sáng của công luận. Đó là lý do tại sao cái gọi là Luật Mặt Trời của các con đã làm được nhiều điều tốt như thế trong việc tẩy sạch đám rác rưởi đáng sợ của hệ thống điều hành và chính trị nơi các con. Các phiên tòa công cộng và tính khả tín nơi công cộng đã đi xa tới mức tiêu diệt các loại trò hề mật nghị diễn ra vào những năm hai mươi, ba mươi, bốn mươi và năm mươi trong các thị sảnh và phòng họp trường học và các khu vực bầu cử chính trị – và các chính phủ quốc gia nữa.
Bây giờ đến lúc đem chút “ánh sáng” vào cách mà các con xử lý việc chi trả cho hàng hóa và dịch vụ trên hành tinh các con rồi.
Ngài đề nghị thế nào?
Đây không phải là một đề nghị, mà là một thách đố. Ta thách các con vứt bỏ tất cả tiền bạc, mọi tiền giấy và tiền đồng cũng như các loại tiền tệ quốc gia, và bắt đầu lại. Hãy phát triển một hệ thống tiền tệ quốc tế mang tính rộng khắp, hoàn toàn hữu hình, có thể tra cứu lập tức, hoàn toàn có thể tính toán được. Hãy thiết lập một Hệ Thống Chi Trả Toàn Cầu, nhờ đó mọi người sẽ được Ghi Có cho các dịch vụ họ cung cấp và các sản phẩm họ làm ra, và Ghi Nợ với các dịch vụ được sử dụng và sản phẩm được tiêu thụ.
Mọi thứ sẽ nằm trên hệ thống Có và Nợ. Lợi tức đầu tư, thừa kế, tông tag cá độ, lương bổng, tiền thưởng và hoa hồng, mọi thứ. Và không có gì có thể mua được nếu không có Tín dụng. Sẽ không còn loại tiền tệ nào khác. Và hồ sơ của mọi người sẽ được để mở cho mọi người khác.
Đã có người nói, hãy cho con thấy tài khoản ngân hàng của một người, và con sẽ cho anh biết người ấy là ai. Hệ thống này tiến gần đến kịch bản ấy. Người ta sẽ, ít nhất có thể, biết rất nhiều về con hơn là họ biết hiện giờ. Nhưng không chỉ các con biết nhiều hơn về nhau, mà các con sẽ biết nhiều hơn về mọi thứ nữa. Nhiều hơn về các công ty đang chi trả và tiêu xài như thế nào – và chi phí của họ trên các món hàng ra sao, cũng như giá đưa ra của họ. (Con có thể hình dung được các công ty sẽ làm gì nếu họ phải ghi hai con số vào mỗi ô giá: giá thành và chi phí? Điều đó có làm giá cả giảm xuống không? Điều đó có làm tăng cạnh tranh và thúc đẩy giao dịch công bằng không? Con thậm chí không thể hình dung được hậu quả của điều ấy.)
Trong Hệ Thống Chi Trả Toàn Cầu mới này, gọi tắt là CTTC, việc chuyển giao các khoản Nợ và Có sẽ là tức thời và hoàn toàn minh bạch. Tức là, bất kỳ ai và mọi người đều có thể xem xét hồ sơ của bất cứ người nào và tổ chức nào vào bất cứ lúc nào. Không còn gì được giữ bí mật cả, không còn gì là “riêng tư” nữa.
CTTC sẽ trích ra 10% mỗi năm từ thu nhập của những người tự nguyện yêu cầu một sự khấu trừ như thế. Sẽ không còn thuế thu nhập nữa. không còn chứng từ để lưu hồ sơ, không còn các khoản khấu trừ phải hình dung, không còn “lối thoát hiểm” phải xây dựng hay sự bí hiểm về sản xuất! Vì mọi chứng từ sẽ công khai, mọi người trong xã hội sẽ có thể quan sát ai đang chọn đưa ra 10% cho công ích, và ai không. Sự khấu trừ tự nguyện này sẽ dùng để hỗ trợ cho mọi chương trình và dịch vụ của chính quyền, như được mọi người dân biểu quyết.
Toàn bộ hệ thống sẽ vô cùng đơn giản, vô cùng minh bạch.
Thế giới sẽ không bao giờ đồng ý với một điều như thế.
Dĩ nhiên là không rồi. Và con biết tại sao chứ? Vì một hệ thống như thế sẽ khiến ai đó không thể nào làm bất cứ điều gì họ không muốn người khác biết đến. Nhưng tại sao con muốn làm điều gì như thế nhỉ? Ta sẽ nói cho con biết tại sao. Bởi vì hiện thời các con sống trong một hệ thống mà các tương tác xã hộ đều dựa trên nguyên tắc “tranh tiên,” “lợi dụng,” “làm cái tốt nhất, và “sự sống còn của kẻ được coi là mạnh nhất.”
Khi mục đích chính của xã hội các con (cũng như trong mọi xã hội văn minh) là sự sống còn của tất cả mọi người; là lợi ích đồng đều của tất cả; là sự cung cấp một đời sống tốt đẹp cho mọi người, khi ấy nhu cầu giữ bí mật, mọi giao dịch ngầm và sự lèo lái dưới gầm bàn hay tiền bạc có thể giấu được sẽ biến mất.
Con có nhận thức được có bao nhiêu sự tham nhũng kiểu cũ, chưa nói đến sự không công bằng và bình đẳng, sẽ biến mất thông qua việc áp dụng một hệ thống như thế không?
Bí mật ở đây, mật mã ở đây chính là SỰ MINH BẠCH.
Ồ. Đúng là một khái niệm hay. Một ý tưởng tuyệt vời. Tuyệt đối minh bạch trong việc xử lý tiền tệ. Con đang thử tìm một lý do để nói rằng đó là “sai lầm,” rằng điều đó không “ổn,” nhưng con không tìm được cái nào cả.
Dĩ nhiên là con không tìm được rồi, vì con không có gì để che giấu.
Nhưng con có thể tưởng tượng được những người có tiền bạc và quyền lực trong thế giới sẽ làm gì, và họ sẽ kêu thét lên như thế nào, nếu họ nghĩ rằng mọi động tịch, mọi vụ mua bán, mọi giao dịch, mọi hoạt động của công ty và chọn giá và thỏa thuận lương, mọi quyết định đều có thể duyệt lại bởi bất cứ ai đơn giản bằng việc nhìn vào dòng cuối cùng không?
Ta bảo con điều này: không có gì làm phát sinh công bằng nhanh hơn là sự minh bạch.
Sự minh bạch chỉ là một từ khác của chân lý.
Hãy biết sự thật, và sự thật sẽ làm cho các con tự do.
Các chính quyền, công ty, những người có quyền lực biết rõ điều đó, đó là lý do không bao giờ họ cho phép sự thật – sự thật đơn giản trần trụi – là cơ sở cho bất cứ một hệ thống chính trị, xã hội hay kinh tế nào họ đưa ra.
Trong các xã hội văn minh, không hề có bí mật. Mọi người biết người khác có gì, người khác lãnh lương bao nhiêu, người khác chi trả những gì trong tiền lương, thuế và phúc lợi, biết các công ty khác tính phí và mua bán cái gì, lợi tức bao nhiêu, tất tần tật. MỌI THỨ.
Con có biết tại sao điều này chỉ có thể có được trong những xã hội văn minh không? Vì không một ai trong xã hội văn minh muốn lấy một cái gì, có một cái gì mà làm người khác bị thiệt hại cả.
Đó là một cách sống cực đoan.
Đúng là nó có vẻ cực đoan trong các xã hội sơ khai. Trong các xã hội văn minh, đó lại có vẻ là hiển nhiên hợp lý.
Con thấy khái niệm về “tính minh bạch” này rất hấp dẫn. Có thể mở rộng nó ra ngoài những chuyện tiền bạc được không? Nó có thể là một chìa khóa cho các mối quan hệ cá nhân của chúng con không nhỉ?
Người ta sẽ hy vọng như thế.
Tuy nhiên lại không được.
Xét như một quy tắc thì không. Chưa được trên hành tinh các con. Hầu hết mọi người vẫn còn quá nhiều cái muốn che giấu.
Tại sao? Về chuyện đó thì sao?
Trong các quan hệ cá nhân (và thực sự là trong mọi mối quan hệ) điều đó luôn có nghĩa là thua thiệt. Đó là lo sợ về điều mình có thể mất hoặc không có được. Nhưng những quan hệ cá nhân tốt nhất, và chắc chắn là lãng mạn nhất, là những quan hệ trong đó mọi người đều biết rõ mọi thứ; trong đó sự minh bạch không chỉ là chìa khóa, mà còn là từ ngữ duy nhất; trong đó đơn giản không hề có bí mật nào nữa. Trong những quan hệ ấy, không có gì bị rút lại, không còn gì bị che khuất hoặc tô màu hoặc ẩn kín hoặc biến dạng. Không có gì bị loại ra hoặc không nói ra. Không còn có chuyện phỏng đoán, không còn đánh đố; không có ai đạo diễn, quay số hoặc lăng xê con lên nữa.
Nhưng nếu mọi người biết mọi điều mà chúng ta đang nghĩ thì…
Khoan đã. Đây không phải là không có riêng tư trong suy nghĩ, không có chỗ an toàn để đi qua tiến trình cá nhân của con. Đó không phải là cái Ta đang nói tới ở đây.
Đây chỉ là nói về chuyện cởi mở và trung thực trong giao tiếp của con với người khác. Đây chỉ nói về sự thật khi con nói, về chuyện không che giấu sự thật khi con biết nó nên được nói. Đây là về chuyện không bao giờ nói dối, hoặc che giấu, hoặc khéo léo biện luận, hoặc bóp méo sự thật thành một trăm lẻ một sự méo mó khác, điển hình cho số lớn nhất của truyền thông con người. Đây là nói về chuyện đi đến sự rõ ràng, nói nó như nó là. Đây là bảo đảm rằng mọi người đều có mọi dữ liệu và biết mọi thứ họ cần biết về một vấn đề.
Đây là về sự công bằng và cởi mở, và… minh bạch.
Nhưng điều này không có nghĩa là mọi suy nghĩ, mọi sợ hãi riêng tư, mọi ký ức đen tối, mọi phán đoán lướt qua, mọi ý kiến, phản ứng phải được đặt lên bàn để thảo luận và xem xét. Đó không phải là sự minh bạch, đó là sự mất trí, và sẽ làm cho con điên khùng.
Chúng ta đang nói ở đây về sự truyền thông đơn giản, trực tiếp, thẳng tông ta, cởi mở, trung thực và hoàn toàn. Nhưng ngay cả ở chỗ ấy, nó cũng là một khái niệm chấn động, một điều ít ai dùng tới.
Ngài có thể nói lại lần nữa.
Nhưng ngay cả ở chỗ ấy, nó cũng là một khái niệm chấn động, một điều ít ai dùng tới.
Ngài lẽ ra nên ở trong đoàn kịch vui mới đúng.
Con giỡn à? Ta đúng là vậy đó.
Nhưng nghiêm túc mà nói, đây là một ý tưởng tuyệt diệu. Tưởng tượng mà xem, cả một xã hội được xây dựng quanh Nguyên tắc Minh bạch. Ngài có chắc là nó sẽ hoạt động được không?
Ta sẽ bảo cho con hay một điều. Một nửa bệnh tật của thế giới sẽ biến mất vào ngày mai. Một nửa lo âu, một nửa xung khắc, một nửa sự giận dữ, một nửa tuyệt vọng của thế giới……
Ồ, trước tiên sẽ có tức giận và tuyệt vọng chứ, đừng có nhầm lẫn về điều đó. Khi cuối cùng người ta đã khám phá ra chuyện một người bình thường lại bị chơi đùa như một trò bịp, bị sử dụng như một món đồ vứt đi, bị thao túng, dối trá và lường gạt thậm tệ như thế nào, sẽ có đầy những thất vọng và tức tối. Nhưng “sự minh bạch” sẽ tẩy sạch hầu hết điều ấy trong vòng 60 ngày, làm cho nó đi mất.
Cho phép Ta mời con lần nữa – hãy nghĩ về nó.
Con nghĩ xem con có thể sống một đời sống như thế không? Không còn bí mật nữa? Tuyệt đối minh bạch?
Nếu không, tại sao không?
Có điều gì con đang che giấu những người khác và không muốn họ biết? Điều gì con đang nói mà không đúng? Điều gì con không nói với người nên nói?
Nói dối bằng cách bỏ bớt hay các khoản hoa hồng có mang thế giới của các con đến nơi các con thực sự mong muốn không? Việc thao túng thị trường, xoay vần một hoàn cảnh nhất định, hoặc đơn giản là thao túng một người nào đó qua âm thầm và bí mật có thực sự làm lợi cho chúng ta không? “Bí mật” có phải thực sự là cái làm cho đời sống chúng ta hoạt động về mặt chính quyền, công ty và cá nhân không?
Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người có thể nhìn thấy hết mọi sự?
Bây giờ ở đây có một sự mỉa mai. Con không thấy rằng đây là điều duy nhất mà con sợ hãi về lần đầu tiên con gặp mặt Thượng Đế sao? Con không thấy rằng điều con sợ là bị lộ mánh, trò chơi kết thúc, điệu múa kết thúc, và một chuỗi dài những dối trá dù lớn hay nhỏ sẽ đi tới ngõ cụt?
Nhưng có tin mừng là không có việc gì phải sợ hãi, không có gì khiến con phải tái mặt. Không có ai sẽ phán xét con, không có ai sẽ làm cho con thành “sai lầm,” không có ai sẽ ném con vào lửa hỏa ngục đời đời cả.
(Và với các con, những người Công giáo Rô-ma, các con thậm chí sẽ không đi vào luyện ngục đâu.)
(Và các con, những tín hữu Mormon, không, các con sẽ không bị kẹt mãi ở tầng trời thấp nhất, không thể vươn tới tầng trời “cao nhất,” các con cũng sẽ không bị dán nhãn là Con Cái Hư Mất và bị giam vĩnh viễn trong hư không đâu.)
(Và với các con…)
Được rồi, con đã có được bức tranh rồi. Mỗi con trong các con đã xây dựng, trong khung cảnh thần học của riêng các con, một ý niệm, một khái niệm nào đó về Sự Trừng Phạt Tồi Tệ Nhất của Thượng Đế. Và Ta ghét phải bảo con điều này, vì Ta thấy được sự thích thú mà con đang có với tấn kịch của tất cả những cái đó, hừm… nhưng chỉ là không hề có những cái đó.
Có lẽ khi con không còn sợ rằng đời mình trở nên hoàn toàn minh bạch vào lúc con chết, con mới có thể vượt qua nỗi sợ để cho đời mình minh bạch hoàn toàn khi con còn đang sống nó.
Liệu đó không phải là một điều…
Đúng, liệu không phải chứ? Vậy đây là một công thức để giúp con bắt đầu. Hãy quay trở lại ngay từ đầu quyển sách và xem lại Năm Mức Độ của việc Nói Thật. Hãy quyết tâm ghi nhớ mô hình này và áp dụng nó. Hãy tìm kiếm sự thật, nói sự thật, sống sự thật mỗi ngày. Hãy làm điều này với chính mình và với mỗi con mà con chạm tới đời họ.
Rồi hãy sẵn sàng để nên trần truồng. Đứng thẳng trong sự minh bạch.
Chuyện này con thấy sợ đây. Chuyện này đáng sợ quá.
Hãy xem xem con đang sợ hãi điều gì.
Con sợ mọi người sẽ rời khỏi phòng. Con sợ không còn ai thích con nữa.
Ta hiểu. Con cảm thấy con phải dối trá để mọi người thích con?
Chính xác thì không phải là nói dối. Chỉ là không nói với họ hết mọi thứ thôi.
Hãy nhớ lại điều Ta đã nói trước đây. Đây không phải là nói toạc ra mọi cảm xúc, ý nghĩ, tư tưởng, sợ hãi, hồi ức, thú nhận hay mọi thứ nhỏ nhặt. Đây chỉ bàn về chuyện luôn luôn nói lên sự thật, bày tỏ trọn vẹn về chính mình. Với người yêu thương nhất của mình, con có thể trần truồng không quần áo chứ?
Vâng.
Thế tại sao con không thể trần truồng cả về mặt cảm xúc nữa?
Điều này khó hơn điều trước nhiều.
Ta hiểu điều đó. Tuy nhiên, khó khăn ấy không ngăn trở việc cổ vũ nó, vì phần thưởng rất là lớn lao.
Ồ, Ngài đã đưa ra một vài ý tưởng thú vị. Hủy bỏ những kế hoạch thầm kín, xây dựng một xã hội minh bạch, nói sự thật trong mọi lúc, với mọi người về mọi sự. Chà chà!
Có những xã hội đã được xây dựng trên mấy khái niệm ấy đấy. Đó là những xã hội văn minh.
Con chưa tìm thấy ở đâu cả.
Ta không nói về hành tinh của các con.
Ồ.
Thậm chí cả trong thái dương hệ của các con.
Ồ.
Nhưng con không cần phải rời khỏi hành tinh của mình, thậm chí rời khỏi nhà mình để bắt đầu trải nghiệm xem thế nào là một hệ thống Tư Tưởng Mới. Hãy bắt đầu trong gia đình mình, trong chính ngôi nhà của mình. Nếu con làm chủ một công việc, hãy bắt đầu với chính công ty của mình. Hãy nói với mọi người trong công ty đúng những gì con làm ra, công ty đang làm gì và tiêu tiền như thế nào, và mỗi người, mọi người trong công ty đang làm ra điều gì. Con sẽ làm tất cả mọi người bị sốc. Ta muốn nói điều đó theo nghĩa đen. Con sẽ gây sốc cho cả đám họ. Nếu mỗi người đang làm chủ một công ty đều làm như thế, công việc sẽ không còn là một hỏa ngục sống cho rất nhiều người, vì một cảm thức bình đẳng lớn hơn, công bằng hơn, và thù lao hợp lý hơn sẽ tự động xảy đến cho nơi làm việc.
Hãy nói với khách hàng của mình, mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ tốn hết của con bao nhiêu. Hãy đặt hai con số trên bảng giá của mỗi món: chi phí và giá cả. Liệu con còn có thể tự hào về điều con đang đòi hỏi không? Con có gặp phải nỗi lo lắng lỡ có ai đó nghĩ rằng con đang “bóc lột” họ không, nếu họ biết được tỷ lệ chi phí/giá cả của con? Nếu có, hãy xem xem cần phải điều chỉnh chỗ nào trong giá cả để đưa nó lại vào lĩnh vực công bằng căn bản, thay vì “hãy lấy những gì con có thể trong khi còn lấy được.”
Ta thách con làm được điều ấy đấy. Ta thách con.
Nó đòi con thay đổi hoàn toàn trong suy nghĩ của mình. Con sẽ phải quan tâm tới khách hàng và thân chủ của mình y như quan tâm đến chính mình. Đúng, con có thể bắt đầu xây dựng Xã Hội Mới này ngay bây giờ, ngay ở đây, ngày hôm nay. Chọn lựa là ở nơi con. Con có thể tiếp tục ủng hộ hệ thống cũ, phạm trù hiện tại, hoặc con có thể đi tiên phong và cho thế giới thấy được một con đường mới.
Con có thể là con đường mới ấy. Trong mọi sự. Không chỉ trong kinh doanh, không chỉ ở những quan hệ cá nhân, không chỉ trong chính trị, kinh tế, tôn giáo hay phương diện này nọ của kinh nghiệm sống, nhưng trong mọi sự.
Hãy là con đường mới. Hãy là con đường cao hơn. Hãy là con đường vĩ đại nhất. Khi ấy con có thể thực sự nói rằng, Tôi là đường và là sự sống. Hãy theo tôi.
Nếu cả thế giới đều đi theo con, con có hài lòng với nơi con đưa họ tới không? Hãy để đó là câu hỏi dành cho con hôm nay.
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2 (Trọn bộ)
- Download Ebook sách Đối thoại với Thượng Đế tập 2 – File PDF DOCX
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 20 (Kết thúc)
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 19
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 18
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 17
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 16
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 15
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 14
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 13
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 12
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 11
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 10
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 9
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 8
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 7
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 6
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 5
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 4
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 3
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 2
- ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 1