ĐỐI THOẠI VỚI THƯỢNG ĐẾ 2: Chương 11

0
287

CHƯƠNG 11

 

Ngài đã hứa rằng trong Quyển 2, Ngài sẽ đi vào các vấn đề lớn thuộc địa lý-chính trị của hành tinh (ngược với các vấn đề cơ bản mang tính cá nhân đã nói trong Quyển 1), nhưng con không nghĩ rằng Ngài lại đi cả vào cuộc tranh luận này!

Đã tới lúc thế giới thôi đừng tự giỡn mình nữa, để thức dậy, nhận ra rằng vấn đề duy nhất của nhân loại là thiếu tình yêu.

Tình yêu sinh ra lòng khoan dung, lòng khoan dung sinh ra hòa bình. Thiếu khoan dung đưa tới chiến tranh và những ánh mắt thờ ơ trên những điều kiện không thể chịu nổi.

Tình yêu không thể thờ ơ được. Nó không biết làm thế.

Cách nhanh nhất để đi đến một nơi của tình yêu và sự quan tâm với cả nhân loại là nhìn cả nhân loại như gia đình của con.

Cách nhanh nhất để nhìn cả nhân loại như gia đình của con là ngưng tự chia rẽ mình. Mỗi quốc gia hiện giờ làm nên thế giới các con phải hiệp nhất lại.

Chúng con có Liên Hiệp Quốc rồi mà.

Đó là tổ chức bất lực. Để cho nó hoạt động, cần phải tái cấu trúc lại hoàn toàn. Không phải là không thể, nhưng có lẽ khó khăn và nhiều vướng mắc lắm.

Được rồi – thế Ngài có đề nghị gì?

Ta không có “đề nghị.” Ta chỉ đưa ra những nhận xét. Trong cuộc đối thoại này, con nói với Ta những chọn lựa mới của con là gì, và Ta đưa ra những nhận định về những cách thức thể hiện điều đó. Thế bây giờ con chọn điều gì, xét đến mối quan hệ hiện nay giữa nhân dân và các quốc gia trên hành tinh?

Con sẽ sử dụng những lời của Ngài. Nếu con có chọn lựa, con sẽ chọn cho chúng con “đi tới một nơi của tình yêu và mối quan tâm cho cả nhân loại.”

Dựa trên chọn lựa đó, Ta thấy rằng điều có tác dụng sẽ là thành lập một cộng đồng chính trị toàn cầu mới, mỗi quốc gia có tiếng nói bình đẳng trong các sự kiện trên địa cầu, và chia sẻ cùng một tỷ lệ vào các tài nguyên trên thế giới.

Điều đó không bao giờ thực hiện được. “Những nơi có” sẽ không bao giờ bỏ đi quyền thống trị, giàu có và tài nguyên của họ cho “những nơi không có.” Và, xét về lý, tại sao họ phải làm thế?

Bởi vì điều đó nằm trong lợi ích tốt nhất của họ.

Họ không thấy thế đâu – và con cũng không chắc là mình thấy như thế. 

Nếu các con có thể thêm hàng tỷ đô-la mỗi năm vào nền kinh tế của quốc gia – những đồng đô-la có thể dùng để nuôi người đói, may quần áo cho người thiếu thốn, nhà cho người nghèo, đem lại an ninh cho người già, đem lại sức khỏe tốt hơn, và tạo ra một tiêu chuẩn sống xứng hợp cho mọi người, điều đó không phải vì lợi ích lớn nhất của các con sao?

Ồ, ở Mỹ có những người sẽ lập luận rằng điều đó sẽ giúp cho người nghèo nhưng làm tổn hại tới người giàu có và những người nộp thuế ở tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, quốc gia tiếp tục đi xuống hỏa ngục, tội ác hoành hành khắp quốc gia, lạm phát cướp đi số tiền tiết kiệm của người dân, thất nghiệp leo thang, chính quyền phình to và chậm chạp, và trong trường họ phân phát bao cao su.

Con nói y như một chương trình diễn thuyết trên radio vậy.

Ồ, đó là những quan tâm của nhiều người Mỹ.

Vậy thì họ là những người cận thị rồi. Con không thấy rằng, nếu hàng tỷ đô-la mỗi năm – hàng triệu mỗi tháng, hàng trăm hàng ngàn mỗi tuần, một lượng chưa từng nghe mỗi ngày – có thể chảy ngược vào hệ thống của các con nếu các con dùng những tiền ấy để nuôi người đói, lo quần áo cho người thiếu thốn, cấp nhà cho người nghèo, mang lại an toàn cho người già yếu, và cung cấp dịch vụ y tế và phẩm giá cho mọi người… các nguyên nhân của tội phạm sẽ vĩnh viễn biến mất? Các con không thấy rằng các công việc mới sẽ nở rộ khi các đồng đô la được bơm trở lại vào nền kinh tế của các con? Chính quyền các con thậm chí sẽ thu nhỏ lại vì nó sẽ phải làm việc ít đi?

Con cho rằng một phần những điều đó có thể xảy ra – con không thể hình dung được chính quyền sẽ nhỏ đi! – nhưng những hàng triệu hàng tỷ đó từ đâu ra? Tiền thuế áp đặt bởi chính quyền một thế giới mới của Ngài ư? Lấy nhiều hơn của những người làm việc để kiếm nó, và đưa cho những người không “đứng được trên hai chân mình” và đi sau nó ư?

Đó có phải là cách con hình dung nó không?

Không, nhưng đó là cách đại đa số người ta nhìn về nó, và con muốn khẳng định một cách công bằng cái nhìn của họ.

Chà, Ta muốn nói về điều đó sau này. Ngay bây giờ Ta không muốn lạc đề – nhưng Ta muốn trở lại nó sau này.

Tuyệt.

Nhưng con đã hỏi những đồng tiền mới ấy sẽ đến từ đâu. Ồ, chúng sẽ không phải đến từ bất cứ loại thuế mới nào đặt ra bởi cộng đồng thế giới mới đâu (dù những thành viên của cộng đồng, những công dân – sẽ muốn, dưới một sự quản trị sáng suốt, gửi mười phần trăm thu nhập để cung cấp cho các nhu cầu của xã hội xét như một toàn thể). Chúng cũng không đến từ các loại thuế mới do bất cứ chính quyền địa phương nào đặt ra. Thực ra, một số chính quyền địa phương chắc chắn sẽ có thể giảm thuế nữa.

Tất cả những điều này – tất cả những lợi ích này – là kết quả của việc đơn giản tái cấu trúc cái nhìn của các con về thế giới, sắp xếp lại cấu hình chính trị của thế giới các con cho đơn giản hơn thôi.

Làm sao được?

Số tiền các con tiết kiệm được từ việc xây dựng các hệ thống phòng thủ và vũ khí tấn công.

Ồ, con hiểu rồi! Ngài muốn chúng con dẹp quân đội đi!

Không chỉ các con. Mọi người trên thế giới luôn.

Nhưng không phải dẹp quân đội đi, mà chỉ là giảm bớt thôi – giảm đáng kể. Trật tự nội bộ sẽ là nhu cầu duy nhất của các con. Các con có thể tăng cường cảnh sát địa phương – một điều các con nói mình muốn làm, nhưng mỗi năm đều kêu la vào thời gian lập ngân sách rằng các con không thể làm

– đồng thời lại giảm đáng kể chi tiêu vào các vũ khí chiến tranh và chuẩn bị cho chiến tranh; tức là, các vũ khí tấn công và phòng thủ có sức hủy diệt lớn.

Trước hết, con nghĩ các con số của Ngài phóng đại chuyện có thể tiết kiệm được bao nhiêu nếu làm điều đó. Thứ hai, con không cho rằng Ngài sẽ thuyết phục được nhân dân rằng họ nên từ bỏ khả năng tự vệ.

Hãy nhìn vào các con số. Hiện tại (tức là ngày 25.3.1994 khi chúng ta viết dòng này) các chính phủ trên thế giới chi tiêu khoảng một nghìn tỷ đô-la mỗi năm cho các mục tiêu quân sự. Tức là một triệu đô-la mỗi phút trên toàn cầu. Các quốc gia đang chi tiêu nhiều nhất có thể chuyển hướng nhiều nhất sang các ưu tiên khác đã nói trên. Vậy các quốc gia càng lớn, càng giàu mạnh nên nhìn nó trong các lợi ích tốt nhất của họ để làm được điều ấy – nếu họ nghĩ điều đó là có thể. Nhưng các quốc gia càng lớn, càng giàu không thể hình dung chuyện không tự vệ, vì họ sợ sự xâm lược và tấn công từ các quốc gia ganh tị với họ và muốn điều họ có.

Có hai cách để triệt tiêu mối đe dọa này.

Chia sẻ vừa đủ số thặng dư và tài nguyên của thế giới với mọi dân tộc trên thế giới, để không còn ai thiếu thốn và cần điều người khác có, và mọi người có thể sống trong phẩm giá và gạt bỏ nỗi sợ hãi của mình.

Tạo ra một hệ thống giải quyết các khác biệt để loại bỏ nhu cầu chiến tranh – và thậm chí khả năng xảy ra chiến tranh.

Các dân tộc trên thế giới có lẽ sẽ không bao giờ làm điều này.

Họ đã làm rồi.

Rồi à?

Đúng. Có một thử nghiệm lớn hiện đang diễn ra trong thế giới của các con, ngay trong lĩnh vực chính trị. Thử nghiệm đó được gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Là cái mà Ngài nói là đang thất bại thảm thương.

Nó đó. Còn xa lắm để gọi nó là một thành công. (Như Ta đã hứa trước đây, Ta sẽ nói về điều này – và những thái độ hiện đang ngăn cản nó – sau này). Tuy nhiên, nó vẫn là thử nghiệm tốt nhất đang diễn ra.

Như Winston Churchill đã nói. “Dân chủ là hệ thống tồi tệ nhất, ngoại trừ tất cả những hệ thống khác.”

Quốc gia các con là nơi đầu tiên lập ra một liên hiệp lỏng lẻo gồm các tiểu bang riêng rẽ, và thành công trong việc hiệp nhất chúng vào một nhóm gắn bó, mỗi thành viên đều tùng phục một quyền lực trung tâm.

Có lúc, không một tiểu bang nào muốn làm điều này, và mỗi thành viên đều mạnh mẽ chống lại, lo sợ việc mất đi sự vĩ đại cá nhân của mình và tuyên bố rằng một sự liên hiệp như thế không giúp gì cho lợi ích cao nhất của mình.

Tìm hiểu điều gì đang diễn ra với những tiểu bang riêng rẽ vào thời điểm ấy có thể sẽ là một bài học hữu ích.

Trong khi họ cùng liên kết trong một liên minh lỏng lẻo, không hề có chính quyền Mỹ thực sự, và vì thế không có quyền lực nào áp đặt các Điều Khoản Liên Bang mà các tiểu bang đã đồng ý. Các tiểu bang xử lý các công việc đối ngoại của riêng mình, nhiều tiểu bang tìm kiếm các thỏa thuận riêng tư về giao dịch và những vấn đề khác với Pháp, Tây Ban Nha, Anh và các quốc gia khác. Các tiểu bang cũng giao dịch với nhau, và mặc dù các Điều Khoản Liên Hiệp đã ngăn cấm, một số tiểu bang vẫn đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ các tiểu bang khác – cũng như họ đánh thuế hàng hóa từ bên kia đại dương! Các nhà buôn không có chọn lựa nào khác ngoài việc nộp thuế tại cảng nếu họ muốn mua bán hàng hóa của họ, ở đó không hề có quyền lực trung tâm – dù đã có một thỏa thuận bằng văn bản cấm các việc đánh thuế như vậy.

Các tiểu bang riêng rẽ cũng có chiến tranh với nhau. Mỗi tiểu bang xem quân đội của mình là một đội quân riêng rẽ, chín tiểu bang có hải quân riêng của mình, và “Đừng giẫm chân tôi” có thể đã là khẩu hiệu chính thức của mọi tiểu bang trong Liên minh.

Trên một nửa số tiểu bang đã từng in tiền riêng của mình. (Mặc dù Liên minh đã đồng ý rằng làm thế là bất hợp pháp!) Tắt một lời, các tiểu bang lúc đầu của các con, dù đã hợp với nhau dưới Các điều khoản Liên minh, vẫn hành động như các quốc gia độc lập hành động ngày nay.

Mặc dù họ có thể thấy được rằng các thỏa thuận trong Liên minh của họ (như việc ban cho Quốc Hội quyền lực duy nhất được đúc tiền) không hoạt động, họ vẫn nhất mực chống lại việc tạo ra và tuân thủ một quyền lực trung tâm có thể áp đặt các thỏa thuận ấy và làm cho nó có hiệu lực.

Nhưng, theo thời gian, một số nhà lãnh đạo tiến bộ bắt đầu tông tag thế. Họ đã thuyết phục quân đội rằng việc tạo ra một Liên minh mới như thế sẽ thu được nhiều lợi ích hơn là mất mát. Các thương gia sẽ tiết kiệm được tiền bạc và tăng thêm lợi nhuận vì các tiểu bang riêng rẽ không còn đánh thuế hàng hóa của nhau được nữa.

Các chính phủ có thể tiết kiệm tiền bạc và có thêm tiền để đưa vào các chương trình và dịch vụ thực sự giúp đỡ nhân dân, vì các tài nguyên sẽ không phải sử dụng để bảo vệ các tiểu bang riêng rẽ với nhau.

Nhân dân sẽ có an ninh lớn hơn, và cũng thịnh vượng hơn, bằng việc hợp tác với nhau thay vì đánh nhau.

Thay vì mất đi sự vĩ đại của mình, mỗi tiểu bang có thể còn trở nên lớn mạnh hơn nữa.

Và dĩ nhiên, đó là điều đã xảy ra. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với 160 quốc gia trên thế giới ngày nay, nếu họ muốn gia nhập với nhau thành một Liên Minh Hiệp Nhất. Điều đó có nghĩa là chấm dứt chiến tranh.

Làm sao được? Sẽ vẫn còn có những bất đồng.

Bao lâu con người vẫn còn bám vào những thứ bên ngoài, điều đó đúng. Có một cách thực sự loại trừ chiến tranh – và tất cả mọi kinh nghiệm bất an và thiếu hòa bình – nhưng đó là một giải pháp tinh thần. Chúng ta ở đây đang khai thác một giải pháp địa lý-chính trị.

Thực sự, mẹo ở đây là kết hợp hai cái. Chân lý tinh thần phải được sống trong đời thực, để thay đổi được kinh nghiệm thường ngày.

Trước khi sự thay đổi này xảy ra, sẽ vẫn chỉ có những bất đồng. Con nói đúng. Nhưng không cần chiến tranh nữa. Không cần giết chóc nữa.

Có chiến tranh giữa California và Oregon về quyền lợi trên nước không? Giữa Maryland và Virginia về chuyện đánh cá? Giữa Wisconsin và Illinois, Ohio và Massachusetts không?

Không.

Và tại sao không? Không phải có những tranh cãi và khác biệt xảy ra giữa họ sao?

Qua nhiều năm rồi, con đoán thế.

Con có thể đánh cược về điều đó. Nhưng các tiểu bang riêng rẽ ấy đã tự nguyện đồng ý, đó là một thỏa thuận đơn giản, tự nguyện – tuân thủ một số luật và một số thỏa hiệp về các vấn đề chung giữa họ, trong khi vẫn giữ được quyền bỏ qua các tình trạng chia rẽ về các vấn đề liên hệ tới mỗi cá nhân.

Và khi tranh cãi giữa các tiểu bang có nổ ra, do sự giải thích khác nhau về luật liên bang, hay có ai đó vi phạm luật, vấn đề được đem ra tòa án… là nơi đã được ban quyền (tức là, được ban quyền bởi các tiểu bang) giải quyết tranh chấp.

Và, nếu bộ luật hiện thời không cung cấp được một tiền lệ hoặc một phương tiện để vấn đề có thể ngang qua tòa án đạt được một giải pháp thỏa đáng, các tiểu bang và nhân dân trong đó sẽ cử các đại diện đến một chính quyền trung ương để tìm cách tạo ra sự đồng thuận về một luật mới, luật này sẽ tạo ra một hoàn cảnh thỏa mãn – hoặc ít nhất, một sự thỏa hiệp hợp lý.

Đây là hiệu quả của liên minh. Một hệ thống luật pháp, một hệ thống tòa án được các con trao quyền để giải thích những luật ấy, và một hệ thống công lý – được đỡ lưng bằng lực lượng vũ trang, nếu cần – để thực thi các quyết định của tòa án.

Mặc dù không ai có thể tranh cãi rằng hệ thống này không cần cải thiện, cơ chế chính trị này đã hoạt động hơn 200 năm rồi!

Không có lý do nào để nghi ngờ rằng cũng một thực đơn như thế sẽ hoạt động được giữa các quốc gia nữa.

Nếu chuyện đơn giản như thế, tại sao nó chưa được thử?

Đã thử rồi. Liên đoàn quốc gia nơi các con là một nỗ lực khá sớm. Liên Hiệp Quốc là cái mới nhất.

Nhưng một cái thất bại, cái còn lại chỉ có hiệu quả tối thiểu, vì – cũng như 13 tiểu bang trong Liên minh ban đầu của Hoa Kỳ – các nước thành viên (nhất là những thành viên hùng mạnh nhất) sợ rằng họ sẽ mất nhiều hơn được từ cơ cấu đó.

Đó là vì những “dân tộc hùng mạnh” quan tâm nhiều hơn tới việc giữ lấy quyền lực của mình hơn là cải thiện chất lượng sống của mọi người. “Những người có” biết rằng một Liên Minh Thế Giới như vậy chắc hẳn sẽ đem lại nhiều thứ hơn cho “những người không có”, nhưng “những người có” tin rằng điều này xảy đến với sự thiệt hại về phần họ… và không sẽ không từ bỏ một điều gì hết.

Nỗi lo lắng của họ không có lý sao? Chả lẽ muốn giữ lấy cái mình bấy lâu vật lộn để có được nó lại là điều vô lý hay sao?

Trước hết, không nhất thiết là, để cho thêm cho những người hiện đang đói khát và không cửa không nhà, những người khác phải từ bỏ sự giàu có của họ.

Như Ta đã chỉ ra, tất cả những gì các con phải làm là lấy $1.000.000.000.000 mỗi năm trên toàn cầu được sử dụng cho mục tiêu quân sự và chuyển nó sang mục tiêu nhân đạo, và các con sẽ giải quyết được vấn đề mà không cần chi thêm một xu nào hay chuyển bất cứ của cải nào từ nơi nó đang ở sang nơi khác.

(Dĩ nhiên, người ta có thể cãi rằng những tập đoàn quốc tế mà lợi tức của họ là từ chiến tranh và các khí tài chiến tranh sẽ là “những người thua thiệt”

– cũng như những công nhân của họ và tất cả những người mà tài sản của họ là từ ý thức mâu thuẫn trong thế giới mà có – nhưng có lẽ nguồn tài sản của các vị đặt sai chỗ rồi. Nếu người ta phải lệ thuộc vào thế giới sống trong xung đột để tồn tại, có lẽ sự lệ thuộc này giải thích tại sao thế giới các con chống lại bất kỳ một nỗ lực nào nhằm tạo ra một cơ cấu cho hòa bình ổn định.)

Còn về phần sau của câu con hỏi, muốn giữ cái con đã vất vả lâu dài để có được, như một cá nhân hoặc một quốc gia, thì không phải là không có lý, nếu con đến từ một ý thức Thế Giới Bên Ngoài.

Cái gì?

Nếu con tìm được hạnh phúc lớn nhất của con từ những kinh nghiệm chỉ có được trong Thế Giới Bên Ngoài – thế giới vật lý bên ngoài con, con sẽ không bao giờ muốn từ bỏ một miligram những gì con đã tích cóp được, như một người và như một quốc gia, để làm cho con hạnh phúc.

Và bao lâu những người “không có” thấy rằng sự bất hạnh của họ bị cột chặt vào sự thiếu thốn của cải vật chất, thì họ cũng vậy, sẽ bị dính bẫy. Họ sẽ luôn muốn có cái con đã có được, và con sẽ luôn từ chối chia sẻ nó.

Đó là lý do tại sao Ta nói trước đây rằng, có một cách thực sự loại trừ chiến tranh – và mọi kinh nghiệm bất an bất ổn. Nhưng đây là một giải pháp tinh thần.

Cuối cùng, mọi vấn đề địa lý-chính trị, cũng như vấn đề cá nhân, xét cho cùng đều là vấn đề tinh thần cả.

Cả cuộc sống đều là tinh thần, và vì thế, mọi vấn đề của cuộc sống đều dựa vào tinh thần và được giải quyết bằng tâm linh.

Chiến tranh được tạo ra trên hành tinh của các con vì có người có gì mà người khác muốn. Đây là cái khiến cho ai đó làm cái gì đó mà người nào đó khác không muốn họ làm.

Mọi mâu thuẫn đều nảy sinh từ ước muốn đặt sai chỗ.

Bình an duy nhất trên thế giới mà bền vững là Bình An Nội Tâm.

Mỗi người hãy tìm kiếm bình an nội tâm. Khi con tìm thấy bình an bên trong, con cũng thấy rằng con có thể tìm thấy bên ngoài nữa.

Điều này đơn giản có nghĩa là con không còn cần đến những thứ ở thế giới bên ngoài nữa. “Không cần” là một thứ tự do lớn lao. Trước hết, nó giải phóng con khỏi sợ hãi: sợ rằng có gì đó mình không có; sợ rằng có gì đó mình sẽ bị mất; và sợ rằng không có một thứ gì đó, con sẽ không hạnh phúc.

Thứ nhì, “không cần” giải phóng con khỏi giận dữ. Giận dữ là sự sợ hãi được công bố. Khi con không có gì phải sợ, con cũng không có gì để phải giận dữ cả.

Con không tức giận khi con không lấy được cái con muốn, vì sự muốn của con chỉ đơn giản là một ưu tiên, chứ không phải nhu cầu. Vì thế con không có sự sợ hãi đi kèm với khả năng không lấy được nó. Vì thế, không có tức giận.

Con không tức giận khi con nhìn thấy những người khác làm điều con không muốn họ làm, vì con không cần họ làm hay không làm bất cứ điều gì. Vì thế, không có tức giận.

Con không tức giận khi một ai đó không tốt, vì không cần họ phải tử tế.

Con không tức giận khi ai đó không yêu thương, vì con không cần họ yêu mến con. Con không tức giận khi ai đó ác độc, hoặc xúc phạm, hoặc tìm cách làm hại con, vì con không cần họ phải cư xử khác đi, và con biết rõ rằng con không thể nào bị hại.

Con thậm chí còn không tức giận nếu có ai đó tìm cách lấy mạng con, vì con không sợ chết.

Khi sợ hãi được cất khỏi con, mọi thứ khác có thể lấy đi từ con và con sẽ không tức giận.

Tự bên trong, bằng trực giác, con biết rằng mọi thứ con đã sáng tạo ra đều có thể sáng tạo lại, hoặc – quan trọng hơn – biết rằng chúng không quan trọng gì.

Khi con tìm thấy Bình An Nội Tâm, khi ấy sự có mặt hay vắng mặt của bất kỳ ai, nơi chốn hay đồ vật, điều kiện, hoàn cảnh, hoặc tình trạng nào có thể là Người Sáng Tạo tâm trạng con, hoặc là nguyên nhân cho kinh nghiệm về hiện hữu của con nữa.

Như thế không có nghĩa là con gạt bỏ tất cả mọi thứ trong thân xác mình. Ngược lại mới đúng. Con cảm nghiệm hoàn hảo trong thân xác con và niềm vui về điều đó, như chưa từng cảm nghiệm trước đó.

Nhưng sự liên hệ với những thứ trong thân xác sẽ mang tính tự nguyện, chứ không phải bắt buộc. Con sẽ cảm nghiệm những cảm giác của cơ thể vì con chọn, chứ không phải vì con buộc phải cảm nghiệm để nhờ đó cảm thấy hạnh phúc hay biện minh cho nỗi buồn.

Chỉ một sự thay đổi đơn giản như thế thôi – tìm kiếm bình an nội tâm – có thể chấm dứt mọi chiến tranh, tiêu diệt mọi xung đột, ngăn cản bất công, và mang thế giới tới hòa bình vĩnh cửu. Nếu mọi người làm điều ấy.

Không còn cần tới một công thức nào khác, hoặc không thể có. Hòa bình thế giới là một điều mang tính cá nhân!

Điều cần đến không phải là thay đổi hoàn cảnh, nhưng là thay đổi ý thức.

Làm sao chúng con có thể tìm được bình an nội tâm khi chúng con đang đói? Có thể ngồi an nhiên tự tại khi đang khát? Giữ được bình tĩnh khi chúng con ướt lạnh và không có chỗ trú thân? Hoặc tránh không tức giận khi những người chúng con yêu thương đang chết không rõ nguyên nhân?

Ngài nói nghe như thơ, nhưng thơ thì có thực tế không? Điều đó nói được điều gì với người mẹ ở Ethiopia đang nhìn thấy đứa con gầy yếu của mình chết vì thiếu một lát bánh mì? Người đàn ông ở Trung Mỹ cảm thấy một viên đạn xé toạc thân thể mình vì ông ta cố gắng ngăn cản quân đội chiếm làng mình? Và bài thơ của Ngài có nói gì với người phụ nữ ở Brooklyn bị một băng nhóm cưỡng hiếp tới tám lần? Hay là gia đình sáu người ở Ireland bị nổ tung bởi một quả bom khủng bố đặt trong nhà thờ vào một buổi sáng Chủ nhật?

Điều này thật khó nghe, nhưng Ta bảo con: Trong mọi sự đều có sự hoàn hảo. Hãy tìm cách nhìn thấy sự hoàn hảo. Đây là sự thay đổi ý thức mà Ta đã nói. Đừng cần gì cả. Hãy mơ ước mọi thứ. Và chọn lấy cái hiện ra.

Hãy cảm nhận những cảm giác của con. Hãy khóc tiếng khóc của con. Hãy cười những tiếng cười của con. Hãy tôn trọng sự thật của con. Nhưng khi tất cả mọi cảm xúc đã qua rồi, hãy lặng thinh và biết rằng Ta là Thượng Đế. Nói cách khác, ngay giữa thảm kịch lớn lao nhất, hãy chiêm ngắm vinh quang của tiến trình. Ngay cả khi con chết vì viên đạn xuyên qua cổ, ngay cả khi con đang bị hãm hiếp hội đồng.

Điều này nghe như thể không thể nào làm được. Nhưng khi con đi đến ý thức của Thượng Đế, con có thể làm được điều đó. Con dĩ nhiên không buộc phải làm điều đó. Tùy vào con có muốn cảm nghiệm giây phút ấy không. Vào giây phút thảm kịch lớn lao, thách đố luôn luôn là giữ lòng yên tịnh và đi sâu vào trong tâm hồn. Con làm điều đó một cách tự động khi con không còn kiểm soát với nó.

Con có bao giờ nói chuyện với một người vô tình lái xe phóng ra khỏi cây cầu chưa? Hoặc thấy mình đối diện với một khẩu súng? Hoặc sắp chết đuối? Thường thì họ sẽ bảo với con rằng thời gian chậm lại, rằng họ được xâm chiếm bởi một sự bình an lạ lùng, rằng không còn sợ gì nữa cả.

“Đừng sợ, vì Ta ở với con.” Đó là điều thơ nói với người đang đối diện thảm kịch. Trong giờ phút tối tăm nhất, Ta sẽ là ánh sáng cho con. Trong những giờ phút đen đủi nhất, Ta sẽ là niềm an ủi cho con. Trong lúc khó khăn vất vả nhất, Ta sẽ là sức mạnh cho con. Vì thế, hãy có đức tin! Vì Ta là mục tử của con; con sẽ không thiếu gì. Ta sẽ cho con nằm nghỉ trong đồng cỏ xanh tươi; Ta sẽ dắt con tới bên dòng nước lặng.

Ta sẽ bổ sức cho linh hồn con, và đưa con vào đường ngay nẻo chính, vì danh ta. Và này, dù con đi qua thung lũng đầy Bóng Tối Sự Chết, con sẽ không sợ hãi gì; vì Ta ở cùng con. Cây gậy và cây Trượng của Ta sẽ làm con vững dạ an lòng. Ta sẽ dọn bàn cho con ngay trước mặt quân thù. Ta sẽ xức dầu trên đầu con. Chén của con sẽ đầy tràn chan chứa. Chắc chắn một điều, lòng nhân từ và ân sủng sẽ theo con cho hết mọi ngày trong đời con, và con sẽ ở lại trong nhà của Ta – và trong trái tim Ta, mãi mãi.

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here