NHỮNG BÍ ẨN CUỘC ĐỜI – CHƯƠNG 4: QUẢ BÁO XÁC THÂN  

0
121

CHƯƠNG IV  

QUẢ BÁO XÁC THÂN  

Những người tàn tật, đui què, câm điếc, những người bị các chứng nan y, đó là  những ví dụ rõ rệt nhất về sự đau khổ của người đời. Đứng trước những cảnh đau  khổ đó, chúng ta cảm thấy một lòng trắc ẩn sâu xa và thấm thía. Khi mà một trong  những cảnh khổ đó xảy đến cho ta, khi chúng ta gặp phải những cảnh ngộ đắng  cay, trái ngược, chúng ta có lẽ đâm ra hoài nghi về lòng nhân từ bác ái của Đấng  Tạo Hóa. Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi: “Tại sao tôi bị sự đau khổ này? Và tại sao sự đau khổ này lại xảy đến cho tôi?”

Anh X … Là một người hiền lành và đức hạnh hơn người. Anh đã bị mất hết gia  tài, sản nghiệp và tất cả những đứa con của anh đều chết hết; anh chịu đựng những  cảnh khổ đó một cách kiên nhẫn và không phàn nàn rên siết. Nhưng khi anh bị một chứng bệnh kỳ quái làm toàn thân anh đều nổi các mụn nhọt lở loét, ghê tởm,  thì anh X … Bèn nguyền rủa Thượng Đế lần đầu tiên, và cũng lần đầu tiên, anh la  lên trong cơn tuyệt vọng để tìm biết lý do cho những sự đau khổ đã xảy đến: “Ai  có thể nói cho tôi biết, rồi tôi sẽ im lặng và an phận. Tôi đã gây nên những tội lỗi  gì?”

Nói rằng nguyên nhân sự đau khổ là do bởi những hành động sai lầm, tội lỗi gây  ra, thì người thời nay thường cho đó là một điều dị đoan, di sản của những tôn  giáo cổ xưa đã lỗi thời. Ít người chịu suy nghĩ và nhìn nhận điều đó. Tuy vậy, theo  những cuộc soi kiếp của ông Edgar Cayce, thì tội lỗi và đau khổ đi liền với nhau  như bóng với hình, và giữa Nhân với Quả vốn có một sự liên quan chặt chẽ.

Để hiểu rõ cái quan niệm trên, nó làm nền tảng cho những cuộc soi kiếp của ông  Edgar Cayce, ta cần hiểu ý nghĩa của danh từ Karma, là danh từ duy nhất giải  thích ý nghĩa về vấn đề Nhân Quả. Karma là một danh từ Phạn ngữ, có nghĩa là  hành động. Nhưng theo ý nghĩa về triết học, thì nó định nghĩa Luật Nhân Quả, là  một định luật cai quản và chi phối mọi hình thức sinh hoạt trong Trời Đất. Ông  Emerson là người đã từng tiếp thu và tin tưởng nền triết học Ấn Độ, gọi đó là Luật  Thừa Trừ. Đức Jesus cũng đã nói về luật ấy một cách gọn gàng giản dị trong câu:  “Ngươi sẽ gặt những gì ngươi đã gieo”. Định lý khoa học của Newton nói rằng:  “Mỗi hành động đều gây nên một phản ứng tương đương và ngược chiều”, áp  dụng trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Những cuộc soi kiếp của ông Edgar Cayce làm cho người ta thích thú say mê vì nó  khám phá ra tận nguồn gốc của những bệnh tật đau khổ trong kiếp hiện tại, truy  nguyên ra từ những hành động ở những kiếp quá khứ, và làm sáng tỏ một cách rõ  ràng cái quan niệm trừu tượng về Nhân Quả. Một sự nghiên cứu tỉ mỉ về những  trường hợp đã khám nghiệm cho biết rằng có nhiều loại quả báo khác nhau. Một trong những loại đó có thể gọi là “Quả Báo Dội Ngược”, nghĩa là một hành động  gây tổn thương cho kẻ khác, kết quả sẽ dội ngược trở về bản thân của đương sự.

Trong những tập hồ sơ của ông Edgar Cayce, có nhiều ví dụ về loại quả báo này,  mà một trường hợp được kể ra như sau:

Một vị giáo sư dạy nhạc, lúc mới sinh ra đã bị mù mắt, có nghe nói về ông Edgar  Cayce trong một chương trình phát thanh “Những Sự Mầu Nhiệm”. Ông bèn đến  nhờ ông Edgar Cayce khám bệnh và sau một thời gian chạy chữa theo sự chỉ dẫn  của ông Edgar Cayce, ông ta cảm thấy khá nhiều. Ba tháng sau, ông đã thuyên  giảm được 10 phần trăm về con mắt bên trái, mà các nhà chuyên môn về bệnh đau  mắt cho là đã hoàn toàn hỏng. Kế đó, một cuộc soi kiếp cho thấy rõ ràng tất cả bốn  tiền kiếp của ông ta: Kiếp thứ nhất ở Bắc Mỹ hồi thời kỳ Chiến tranh Phân Ly  (Secession); kiếp thứ nhì ở Pháp hồi thời kỳ Thập Tự Chinh (Croisades); kiếp thứ ba ở Ba Tư vào khoảng 1.000 năm trước công nguyên; và kiếp thứ tư ở châu  Atlantis trước khi xảy ra cuộc Đại Hồng Thủy. Chính trong kiếp thứ ba ở Ba Tư,  ông ta đã gây nên cái nhân ác nó báo ứng bằng sự mù mắt của ông ta trong kiếp  này. Hồi đó, ông ta có chân trong một bộ lạc dã man có tục lấy dùi sắt nhọn nung  đỏ châm vào mắt những tù binh, và chính ông ta là đao phủ hành tội các tù nhân  bằng cách đó.

Một ví dụ thứ hai đáng được ghi nhớ là trường hợp của một thiếu nữ làm nghề sửa  móng tay, bị chứng liệt bại cả hai chân từ khi mới lên một tuổi. Cô này không thể đi đứng gì được, nếu cô không dùng nạng chống và những dụng cụ nối xương  nhân tạo. Cuộc soi kiếp tiết lộ rằng nguyên nhân của bệnh trạng của cô bây giờ là  do một tiền kiếp ở châu Atlantis. Trong kiếp đó, cô đã dùng những phép thuật tà  đạo để làm cho kẻ khác bị yếu mềm cả tay chân, trở nên bất lực và chịu để cho cô  sai khiến. Bởi vậy trong kiếp này cô phải chịu quả báo về sự tổn thương mà cô đã  gây ra cho kẻ khác. (Trong cuộc soi kiếp, ông Edgar Cayce thường dùng chữ  “Linh hồn” để chỉ đương sự, vì con người vốn là một linh hồn bất tử đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác để học hỏi những bài học kinh nghiệm cần thiết trên  đường tiến hóa đưa đến mức Toàn Thiện.)

Một ví dụ thứ ba về quả báo dội ngược được kể ra như sau:

Một người đàn bà 40 tuổi từ lúc nhỏ bị một chứng bệnh kỳ lạ. Mỗi khi cô ăn một  chút thức ăn như bánh mì, hoặc chất ngũ cốc, thì bị nhảy mũi dữ dội như bị chứng  sổ mũi hoặc cảm cúm. Khi cô dùng đến một vài thứ đồ vật dụng, nhất là đồ bằng  da hay bằng chất nhựa (plastique) thì lại cảm thấy đau nhói dữ dội ở bên hông trái.  Cô đã đi khám bệnh với nhiều bác sĩ, nhưng không có kết quả, và cho biết rằng cô  chỉ thấy bớt trong những cuộc chữa bệnh bằng thôi miên lúc 25 tuổi. Sự thuyên  giảm đó kéo dài được sáu năm, nhưng triệu chứng cũ lại tái phát. Cô đến nhờ ông  Edgar Cayce chữa bệnh. Cuộc soi kiếp tiết lộ rằng:

“Trong một tiền kiếp, linh hồn này làm nghề bào chế sư, y đã dùng nhiều chất hóa  học để gây tổn thương cho kẻ khác. Bởi đó y bị hành xác bằng những chất hóa học  trong kiếp này. Linh hồn này cũng đã dùng một vài chất độc để làm cho kẻ khác bị nghẹt thở, bởi đó mà ngày nay ông bị nhiễm độc bởi một vài chất kim khí, chất  nhựa, và đồ da thuộc bằng chất hóa học … ”

Một loại quả báo thứ nhì trên địa hạt vật chất có thể được gọi là quả báo về xác  thân, theo đó sự lạm dụng cơ thể trong một kiếp sẽ gây nên quả báo thích nghi  trong một kiếp sau. Đây là một ví dụ:

Một người đàn ông 35 tuổi, từ thuở nhỏ đã bị chứng đau ruột và bộ máy tiêu hóa.  Y phải ăn uống kiêng cữ gắt gao và chỉ dùng được một vài loại thức ăn giản dị mà  thôi, và mặc dầu như thế, y cũng tiêu hóa các bữa ăn của y một cách khó khăn, sau  nhiều giờ vất vả và mệt nhọc. Chứng bệnh này gây cho y rất nhiều điều bất tiện, và  gây trở ngại không ít trong đời sống ngoài xã hội. Cuộc soi kiếp của ông Edgar  Cayce tiết lộ cho biết nguyên nhân của bệnh trạng này là trong một tiền kiếp dưới  thời vua Louis 13 bên Pháp, y làm chức hầu cận của nhà vua. Y thừa hành chức vụ một cách tận tâm và chu đáo, nhưng y có tật tham ăn và ăn uống quá độ. Trong  một kiếp trước nữa, khi y làm nghề y sĩ dưới triều vua nước Ba Tư, y cũng ăn  uống vô tiết độ. Như thế trong hai kiếp, y đã phạm cái lỗi về tâm lý là lạm dụng sự ăn uống để tìm khoái lạc của nhục thể. Điều này làm đảo lộn sự quân bình trong  trạng thái tâm lý của y, và phải được thừa trừ bằng một cách nào đó trong kiếp  hiện tại. Quả báo về xác thân làm cho y bị đau bộ máy tiêu hóa, và bắt buộc y phải  hạn chế ăn uống trong kiếp này.

Một loại quả báo thứ ba về thân xác mà người ta thường thấy trong những cuộc soi  kiếp của ông Edgar Cayce, có thể gọi là “Quả báo Tượng Trưng”. Đây là một loại  quả báo rất lạ kỳ và thú vị nhất trong các loại quả báo về thể xác. Một trường hợp  của loại quả báo này được kể ra như sau:

Ông Edgar Cayce có soi kiếp cho một người thanh niên bị bệnh thiếu máu từ thuở nhỏ. Y là con của một vị bác sĩ, bởi đó y đã được săn sóc thuốc thang và chạy  chữa đủ cách, nhưng vẫn vô hiệu quả. Một chứng bệnh nan y như thế hẳn là phải  có một nguyên nhân rất sâu xa. Cuộc soi kiếp cho biết rằng trong một tiền kiếp ở xứ Pêru, đã năm kiếp về trước, linh hồn này làm tướng đem quân chiếm đoạt xứ ấy một cách bạo tàn. Trong cuộc soi kiếp, ông Edgar Cayce nói: “Cuộc chiến tranh  đó đã làm cho bao nhiêu đầu rơi máu chảy, gây nên một thảm họa lưu huyết rất  lớn. Bởi đó trong kiếp hiện tại của linh hồn này, y bị bệnh mất máu, không sao  chạy chữa”.

Chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa câu này hơn, nếu chúng ta so sánh với trường hợp quả báo về thể xác, vì tội lỗi của người này không phải do sự lạm dụng một bộ phận nào trong cơ thể của y. Đây cũng không phải là một trường hợp “Quả báo dội  ngược”, vì nếu như thế thì người thanh niên này có lẽ đã là nạn nhân của một cuộc  tàn sát hung bạo, chẳng hạn như y có thể là một người lính Ba Lan bị quân Đức  Quốc Xã của Hitler sát hại.

Trái lại, ở đây chúng ta thấy nghiệp báo ứng vào chính thể xác của y. Nó trở thành  một vật khí dụng cho y dùng để trả quả. Bệnh mất máu làm cho cơ thể yếu đuối  suy nhược suốt một đời chính là một cơ hội trả quả nặng nề đau đớn hơn. Và nó có  một ý nghĩa giáo dục rộng rãi hơn là một cái chết vì đao kiếm trên bãi chiến  trường. Linh hồn này đã làm đổ máu cả một dân tộc để làm thỏa mãn tham vọng  chinh phục đất đai. Trong kiếp này, sự yếu đuối bất lực so bệnh thiếu máu gây nên  làm cho y chịu quả báo một cách tượng trưng.

Điều này có vẻ hình như hoang đường, nếu chúng ta không quen với những quan  niệm thuộc về loại đó, qua sự phát minh gần đây về những sự tương quan giữa  linh hồn và thể xác theo khoa Tâm Bệnh Học (Psychosomatique). Trước đây  không lâu, người ta vẫn tưởng rằng tất cả mọi chứng bệnh đều do những nguyên  nhân về sinh lý. Những sự tiến bộ của khoa chữa bệnh bằng phương pháp tinh thần  (Psychiatrie) đã chỉ ra rằng ít nhất có vài bệnh trạng nguyên nhân là do bởi những  sự xáo trộn tinh thần hoặc xúc động tình cảm gây nên. Từ sự khám phá này mới  nảy sinh một ngành Y học mới, gọi là khoa Tâm Bệnh Học (Psychosomatique, do  hai danh từ Hy Lạp: Psyche là linh hồn, và soma là thể xác), khoa này cũng đạt  được những kết quả hiển nhiên và không thể chối cãi về sự liên quan giữa thể xác  và linh hồn.

Khoa Tâm Bệnh Học đã chứng minh rằng những sự căng thẳng về tình cảm nếu  không biểu lộ được bằng lời nói hay hành động, thường tự biểu lộ nơi thể xác một  cách tượng trưng bởi một thứ “Tiếng nói của cơ thể”.

Ví dụ: Nếu người bệnh không nuốt được một cách trôi chảy trong bữa ăn mà  người ta không tìm thấy có một nguyên nhân nào thuộc về cơ thể, thì đó có thể là  một cái gì đó xảy ra trong đời của bệnh nhân làm cho y “không thể nuốt được”. Sự buồn mửa, nếu không phải là do bệnh tật của cơ thể sinh ra, có nghĩa là người  bệnh còn mang trong lòng một sự uất hận nào đó trong đời sống tình cảm của y.

Dường như có một sự tương quan chặt chẽ giữa “Tiếng nói của cơ thể” theo khoa  Tâm Bệnh Học, và điều mà người ta gọi là “Quả báo tượng trưng”. Trong các  trường hợp sau này, dường như đương sự có một ý thức sâu xa thâm trầm về tội  lỗi của mình, và cái ý thức đó biểu lộ ra nơi một bộ phận trong cơ thể. Sự chọn lựa  một bộ phận nào sẽ tùy nơi cái ý nghĩa tượng trưng của bộ phận ấy. Dưới đây là  một vài ví dụ điển hình trong số rất nhiều trường hợp quả báo tượng trưng mà  người ta tìm thấy trong các tập hồ sơ của ông Edgar Cayce.

Một người bị chứng bệnh suyễn kinh niên, trong lúc soi kiếp được nghe ông Edgar  Cayce nói rằng: “Anh đã từng đè nén, áp bức kẻ khác, lẽ tự nhiên, nhân quả báo  ứng, có lúc anh phải cảm thấy nghẹn ngào khó thở, cũng như chính anh bị kẻ khác  đè nén và áp bức vậy”.

Một người điếc bị cảnh báo rằng: “Như vậy anh đừng bịt lỗ tai làm ngơ trước sự đau khổ của những người cầu xin anh giúp đỡ”. Cuộc soi kiếp cho biết người điếc  này là một người giàu sang, quý tộc dưới thời cách mạng Pháp, nhưng thường  ngoảnh mặt làm ngơ trước những tiếng kêu rên siết và những cảnh lầm than khốn  khổ của người đương thời.

Một người bị chứng bệnh lao trong tủy xương sống, được biết cho rằng: “Linh hồn  này đã từng gây chướng ngại khó khăn cho kẻ khác. Nên bây giờ y phải chịu  những khó khăn chướng ngại đó trong thân thể của y”.

Một người bị chứng bệnh rút gân, làm cho hai chân y bị teo bắp thịt, càng ngày  càng nhỏ dần, được cho biết rằng: “Đây không phải là bệnh rút gân và teo bắp thịt  mà thôi đâu; đó là hậu quả của những gì mà anh đã làm cho kẻ khác trong những  kiếp trước”.

Trường hợp lạ lùng nhất về quả báo tượng trưng trong các tập hồ sơ Edgar Cayce  là trường hợp của một đứa trẻ mười một tuổi có tật đái dầm từ khi mới lên hai tuổi.  Trường hợp này được kể ra một cách đầy đủ chi tiết hơn, vì tính cách đặc biệt của  sự điều trị cho cậu bé ấy.

Người thiếu niên này hồi nhỏ rất hiền lành, được cha mẹ y nuôi nấng dễ dàng cho  đến khi người mẹ sinh thêm một đứa em gái nhỏ: Từ khi đó, y bắt đầu đái dầm  trên giường trong giấc ngủ. Y đái dầm như vậy đều đều mỗi đêm. Cha mẹ y nghĩ rằng có lẽ y cảm thấy bị bỏ rơi khi người mẹ sinh thêm một em nhỏ nữa, nên tiềm  thức của y khiến cho y tái diễn thói quen của tuổi sơ sinh để làm cha mẹ y phải  chú ý và săn sóc y như thuở ban đầu. Cha mẹ y bèn hết sức cố gắng để tỏ cho y  biết rằng tình thương của cha mẹ vẫn không thay đổi vì đứa em gái nhỏ mới sinh,  và y vẫn được thương yêu săn sóc như trước, nhưng vẫn không có kết quả.

Khi đứa trẻ lên ba tuổi, cha mẹ y bèn nhờ một vị bác sĩ chuyên môn về bệnh thần  kinh chạy chữa cho y. Sau một năm thuốc thang điều trị, y vẫn không thuyên giảm  chút nào, và cha mẹ y đành phải chịu vậy. Suốt 5 năm trường, y vẫn tiếp tục đái  dầm mỗi đêm. Cha mẹ y chạy đủ thầy chuyên môn và thử đủ mọi cách điều trị nhưng chứng bệnh vẫn trơ trơ không sao chữa khỏi. Y vẫn đái dầm cho đến năm  tám tuổi. Một lần nữa cha mẹ y lại chạy chữa với một bác sĩ khác, và cuộc điều trị kéo dài suốt hai năm, nhưng vẫn không hiệu quả. Khi y lên mười tuổi, thấy rằng  cuộc điều trị vẫn không ăn thua gì, cha mẹ y mới thôi và đành chịu yên phận. Khi y lên mười một tuổi, cha mẹ y nghe nói về thuật chữa bệnh của ông Edgar Cayce.  Người cha bèn yêu cầu ông Edgar Cayce khám bệnh về trường hợp kì lạ này của  đứa trẻ. Ông Edgar Cayce bèn dùng Thần Nhãn để soi kiếp cho đứa trẻ thì thấy  rằng trong kiếp trước, y là một người giáo sĩ đạo Cơ đốc trong thời xử án những  kẻ theo tà giáo. Chức vụ của y là trị tội những mụ đồng bóng, phù thủy bằng cách  trói họ trên những chiếc ghế đẩu, rồi cầm chân ghế chổng ngược đầu để nhận chìm  họ xuống ao nước lạnh. Sau khi tìm ra cái lý do nhân quả nói trên, cuộc soi kiếp  cho biết bệnh ấy có hy vọng chữa khỏi. Cha mẹ đứa trẻ được cho biết là hãy áp  dụng phương pháp ám thị cho y trong giấc ngủ, và sự ám thị này phải thuộc về tinh thần chớ không phải về thể xác.

Vài hôm sau, khi về đến nhà, ban đêm người mê bèn đến ngồi cạnh giường con  trai bà. Đợi đến lúc y đã ngủ mê, bà mới bắt đầu nói bằng một giọng trầm trầm và  chậm rãi những lời này: “Con là một người hiền lành tốt bụng. Con sẽ làm cho  nhiều người được sung sướng. Con sẽ giúp đỡ tất cả những người con gặp trên  đường đời của con. Con rất hiền lương và tốt bụng”. Bà lặp đi lặp lại câu ấy nhiều  lần, và thay đổi với những danh từ khác nhau, tuy rằng với bấy nhiêu ý tưởng đó  trong chừng mười phút trở lại, trong khi con bà đang ngủ mê. Đêm đó, lần đầu tiên  từ chín năm nay, đứa trẻ không đái dầm như mọi khi. Trong nhiều tháng, bà mẹ vẫn theo đuổi phương pháp ám thị đó và cũng vẫn dùng bấy nhiêu lời tương tự.  Đứa trẻ không đái dầm một lần nào trong suốt mấy tháng đó. Dần dần, bà mẹ thấy  rằng bà chỉ cần ám thị ba ngày một lần, rồi sau đó mỗi tuần một lần là đủ; và sau  cùng, sự ám thị cũng không còn cần thiết nữa: Con bà đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Trường hợp này có nhiều điểm lý thú. Trước hết là cuộc ám thị vừa áp dụng đầu  tiên, đã làm dứt hẳn một chứng bệnh kinh niên trong chín năm. Và nếu người mẹ là một người đàn bà không có học thức và đức hạnh; thì có lẽ người ta cho rằng đó  là chuyện nói thừa; nhưng bà là một nữ luật sư ở tòa án, bà không phải là một  người tin nhảm hay dị đoan mê tín, và không có tâm địa bất lương.

Điểm thứ hai là trong sự ám thị đó, bà mẹ không hề bảo con là đừng đái dầm. Sự ám thị đó không nhằm vào cái ý thức tâm linh của người thiếu niên. Nói một cách  khác, sự ám thị nhắm vào cái ý thức về sự tội lỗi mà y đã làm trong kiếp trước, nó  đã biểu lộ ra một cách tượng trưng trong thể xác của y do đường tiểu tiện, thận và  bọng đái. Kiếp trước y đã nhấn người khác xuống ao nước lạnh, hoặc chịu trách  nhiệm về cái hành động tàn ác đó; kiếp này, y cảm thấy trong chỗ kín đáo, u uẩn  của tiềm thức, rằng y phải trả cái nghiệp ác đó, và cái quả báo đã ứng hiện vào xác  thân của y một cách tượng trưng. Mặc dầu trong kiếp này, y không có làm hại ai,  nhưng một lớp kín đáo trong tiềm thức làm cho y nghi ngờ về lòng tốt của mình,  vì y còn mang nặng trong lòng cái kỷ niệm về sự trừng phạt nặng nề đau khổ mà y  đã gây cho kẻ khác trong kiếp trước. Sự ám thị của bà mẹ đã thức động đến cái lớp  kín đáo u uẩn đặc biệt đó, làm cho y hiểu rằng sự tội lỗi của y có thể xóa bỏ được bằng những hành động và cử chỉ hiền lương, tốt lành, và bởi đó, cái quả báo tượng  trưng kia sẽ không còn là cần thiết nữa.

Từ đó người thiếu niên đã bắt đầu sống một cuộc đời mới. Y được mọi người  thương mến, y là một người học trò tốt và tỏ ra có khả năng lãnh đạo. Tâm tình  tính chất của y đã thay đổi. Trong một cuộc khảo nghiệm về khả năng tại Viện  Đào Tạo Nhân Cách Johnson O’ Connor, y đã được liệt vào hạng những người có  triển vọng thành công về sự giao tế ngoài xã hội. Người mẹ y cho rằng sự thay đổi  cá tính của y một phần nhờ bởi sự điều trị thần kinh, và một phần nhờ bởi cuộc  khám bệnh bằng Thần Nhãn của ông Edgar Cayce. Hiện nay, vào năm 18 tuổi,  theo ý kiến của cha mẹ y, thì người thiếu niên có một đức tính căn bản là rộng rãi  khoan dung đối với mọi người. Đối với thói hư tật xấu của người đời, y đều tìm  cách bào chữa và tìm ra một sự giải thích về tâm lý để khoan dung và tha thứ cho  họ. Dường như tính độc ác, khắc nghiệt của y trong kiếp trước, mà chứng bệnh đái  dầm là một hình phạt tượng trưng, đã được biến đổi thành một đức tính khoan  dung nhân hậu trong kiếp này. Nhờ đó, cán cân nhân quả đã được lập lại sự cân  bằng, và căn bệnh quả báo của y cũng đã dứt tuyệt.

Nếu chúng ta xét lại những trường hợp nhân quả báo ứng trên, chúng ta có thể thấy rõ một vài nguyên tắc hành động chung của Luật Nhân Quả. Trong những  cuộc khám nghiệm và soi kiếp của ông Edgar Cayce, ông đã chỉ cho ta thấy rằng  mọi hành động trong quá khứ đều gây nên một nghiệp quả hiển nhiên và cụ thể trong hiện tại. Nhưng cái nghiệp quả đó không phải lúc nào cũng báo ứng một  cách thật đúng khớp với cái nguyên nhân gây ra, cũng như vay nửa cân trả tám  lạng. Ví dụ như trường hợp người nhạc sư bị mù mắt. Kiếp trước ông ta đã lấy dùi  sắt nhọn nướng đỏ chọc vào mắt kẻ tù binh; nhưng kiếp này ông ta không có sinh  vào làm dân của một bộ lạc dã man để rồi đến phiên ông bị bắt làm tù binh của bộ lạc thù địch tàn bạo, dùng dùi sắt nướng đỏ chọc vào mắt ông ta. Ông ta sinh ra đã  bị mù lòa, và sinh trưởng trong một xã hội văn minh tân tiến của thế kỷ hai mươi.  Những sự việc xảy ra trong kiếp này của ông ta không hoàn toàn đúng hẳn như trong kiếp trước.

Ví dụ trên và nhiều ví dụ khác cũng một loại, đã đưa chúng tôi đến cái kết luận  chung như sau: “Luật Nhân Quả là một định luật tâm lý, nó hành động trước hết  trên địa hạt tâm lý, những hoàn cảnh vật chất chỉ là một phương tiện để đạt tới cái  mục đích tâm lý đó mà thôi. Bởi đó, sự báo ứng của nghiệp quả trên bình diện vật  chất không hẳn phải là thật đúng khớp và ăn rập theo khuôn mẫu với cái nguyên  nhân đã gây ra từ trước, mà chỉ là đúng một cách phỏng chừng. Trên bình diện tâm  lý, nghiệp quả báo ứng mới thật đúng khớp hơn, và đầy đủ trọn vẹn hơn”. Một  nguyên tắc đại cương khác dường như căn cứ trên vấn đề khí cụ của nghiệp quả.  Trong các tập hồ sơ Edgar Cayce, người ta không hề thấy có trường hợp nào mà  sự đau khổ trong kiếp hiện tại lại gây ra bởi một nạn nhân cũ của đương sự trong  kiếp trước, và đã gặp lại y trong kiếp này. Trong trường hợp của vị nhạc sư mù từ lúc mới sinh: Không có điều gì chỉ ra rằng cha mẹ ông ta vốn là những nạn nhân  cũ trong kiếp trước, nay đầu thai lại để hành phạt ông ta cả. Cô thiếu nữ làm nghề sửa móng tay bị bệnh liệt bại hai chân từ thuở nhỏ không phải là bị trả thù bởi  những nạn nhân cũ của cô trước kia ở châu Atlantis.

Nói tóm lại, quả báo xảy đến thường là không phải do chính nạn nhân cũ của  đương sự gây ra, mà có thể do những người khác, những người này chỉ là những  khí cụ của nghiệp quả, cũng chẳng khác nào như những người tay sai đi đòi nợ, để cho y trả những món nợ cũ. Và những người “Tay sai” này cũng chỉ hành động  một cách vô ý thức, chứ không hề biết gì cả về cái vai trò “Thiên Lôi” hay “Hung  Thần” của mình, tức là cái vai trò làm khí cụ của nghiệp quả.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất
Facebook page

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here