NHỮNG BÍ ẨN CUỘC ĐỜI – CHƯƠNG 8: QUẢ BÁO SỨC KHỎE

0
143

CHƯƠNG VIII  

QUẢ BÁO SỨC KHỎE

Có nhiều người tin tưởng một cách sai lầm về Luật Nhân Quả. Họ nghĩ rằng theo  luật ấy, mọi sự đều có tiền định, và điều này làm cho họ có một thái độ thụ động,  lười biếng, mất cả chí tiến thủ, và việc gì cũng đổ thừa cho số mệnh. Đó là trường  hợp của người Ấn Độ, mà sự tin tưởng của Luật Nhân Quả vốn ăn sâu vào dân tộc  của họ đã từ nhiều ngàn năm trước, làm cho phần đông có cái thái độ kể trên.

Trình độ sinh hoạt ở Ấn Độ nói chung vẫn ở vào mức rất thấp và bi đát. Tình trạng  này phần lớn là do óc thụ động, thiếu tranh đấu của người Ấn trong sự chấp nhận  nghiệp quả và số mệnh của họ.

Nếu chúng ta chấp nhận quan niệm về Nhân Quả, thì thái độ của chúng ta đối với  Luật Nhân Quả, cũng như đối với mọi định Luật Tự Nhiên, phải là an phận và tin  tưởng. Nhưng chúng ta không khỏi tự hỏi rằng chúng ta nên chấp nhận sự kiềm  tỏa của Luật Nhân Quả và bằng lòng an phận đến một giới hạn nào, và đến một  mức độ nào? Vấn đề này được nêu ra trong những trường hợp quả báo về xác thân  gây nên những bệnh tật đau khổ cho thể xác.

Về vấn đề này, những cuộc soi kiếp của ông Edgar Cayce đều rất lý thú vì nó đem  đến sự giải đáp rõ ràng và chắc chắn cho những sự tranh luận về thuyết Luân Hồi.

Những câu hỏi sau đây đã được nêu ra:

Đối với những người đau khổ vì một chứng bệnh quả báo, phải dùng phép điều trị như thế nào? Có hy vọng chữa khỏi những chứng bệnh “Nhân quả” đó không?  Mỗi cuộc soi kiếp trong tập hồ sơ Edgar Cayce đều khuyên ta không nên có một  thái độ quá thụ động trong sự trả quả. Luôn luôn trong những cuộc soi kiếp, ông  Edgar Cayce đều lặp đi lặp lại câu này để nói với bệnh nhân:

“Đó là nghiệp quả của anh (hay chị). Và bây giờ, đây là điều mà anh (hay chị) có  thể làm để sửa đổi lại”.

Trong những tập hồ sơ đó, có điều đáng chú ý là trong tất cả mọi trường hợp về bệnh “Nhân quả”, luôn luôn đều có những lời khuyên về cách điều trị. Trong nhiều  trường hợp về bệnh quả báo, cuộc soi kiếp cho biết có hi vọng chữa khỏi. Trong  những trường hợp mà nghiệp quả nặng nề hơn, cuộc soi kiếp nói rõ rằng không  nên hy vọng được hoàn toàn chữa khỏi, nhưng bệnh có thể được thuyên giảm nhờ sự cố gắng; và kế đó là sự diễn tả phương pháp điều trị.

Đây là một trường hợp lý thú của một người thợ điện, 34 tuổi, bị một chứng bệnh đau mắt có cườm rất nặng, không thể chữa khỏi. Trong ba năm, anh không làm  việc gì được; anh đã quá mù mắt để có thể đọc hay viết; và khi anh thử đi vài bước  thì thường bị vấp ngã. Anh đã vào nằm nhiều bệnh viện, trong khi đó vợ anh ta  làm công trong một cửa hàng lớn để nuôi gia đình và một đứa con năm tuổi. Trong  một cuộc khám nghiệm, anh ta được cho biết đó là do một chứng bệnh quả báo,  nhưng anh không nên tuyệt vọng. Cuộc soi kiếp nói:

_ À! Chúng ta có cái thể xác ở đây. (Các cuộc soi kiếp đều bắt đầu bằng một câu  này, tuy giản dị mà lạ lùng, trước khi diễn tả căn bệnh của đương sự) Theo chỗ chúng ta thấy thì bệnh trạng rất nặng, nhưng anh chớ tuyệt vọng vì sự cứu chữa đã  sắp đến.

Tiếp theo sau đó là sự diễn tả căn bệnh bằng những danh từ Y học. Kế đó, ông  Edgar Cayce nói về những mãnh lực hàn gắn tiềm tàng trong thể xác của bệnh  nhân; ông nói qua vài điều chỉ ra rằng nguyên do chứng bệnh này là do quả báo  gây ra. Tiếp theo đó là lời khuyên bệnh nhân hãy thay đổi tâm tính, và dẹp bỏ mọi  điều oán ghét, thù hận và mọi tư tưởng ác. Cuộc soi kiếp kết thúc bằng một  phương pháp điều trị tỉ mỉ từng chi tiết.

Độ một năm sau, chính người bệnh nhân ấy viết thư yêu cầu ông Edgar Cayce  dành cho một cuộc soi kiếp thứ nhì; anh cho biết rằng anh đã áp dụng cách điều trị một cách đúng đắn và đã thấy khá. Sự thuyên giảm đó kéo dài được bốn tháng,  nhưng sau đó bệnh lại tái phát và sức khỏe bị giảm sút. Dường như anh ta chỉ áp  dụng phép điều trị về phương diện vật chất, mà không chú ý bao nhiêu đến  phương diện tinh thần, vì cuộc soi kiếp lần thứ hai đã cảnh cáo anh ta một cách  không úp mở như sau:

“À! Chúng ta có cái thể xác ở đây. Thể xác này, chúng ta đã thấy trước đây không  lâu. Chúng ta nhận thấy rằng thể xác này đã có nhiều tiến bộ về vật chất, nhưng nó  còn rất nhiều điều phải sửa chữa.”

“Như đã nói ở trên, đây là một chứng bệnh quả báo. Linh hồn này phải thay đổi  thái độ đối với cuộc đời, đối với mọi hoàn cảnh và đối với người đồng loại. Bệnh  được thuyên giảm một phần nào, do sự áp dụng những phương pháp điều trị về thể chất. Nhưng nếu linh hồn này lấy làm tự mãn, và không chịu thay đổi thái độ về mặt tâm linh; nếu anh ta vẫn còn nuôi lòng thù hận, ích kỷ, độc ác, bất công và  ganh ghét; nếu anh ta vẫn còn nuôi trong lòng những gì trái ngược lại với đức kiên  nhẫn, khoan dung, bác ái, thiện cảm, nhân từ, thì bệnh trạng của anh ta không thể nào chữa khỏi”.

“Linh hồn này còn muốn khỏi bệnh vì mục đích gì?”

“Phải chăng là để thỏa mãn những dục vọng của thể xác?”

“Hay là để làm tăng trưởng thêm lòng ích kỷ của mình? Nếu như thế, thì tốt hơn là  y hãy cứ ở nguyên tình trạng cũ của y bây giờ”.

“Nếu linh hồn này có sự thay đổi bên trong về thái độ và về đường tâm tính, nếu y  biểu lộ sự thay đổi đó trong lời nói và hành động, và nếu y áp dụng cách điều trị đúng như phương pháp đã nêu ra, thì bệnh y sẽ có thể thuyên giảm”.

“Nhưng trước hết cần phải có một sự thay đổi tính tình, tâm trạng và mục đích. Tất  cả những cách điều trị máy móc mà anh đã áp dụng chỉ có thể đem đến một sự khỏi bệnh hoàn toàn khi nào linh hồn anh và mục đích của anh được tiếp nhận ân  đức Thánh Linh. Ân huệ đó, anh muốn nhận lãnh hay từ chối, là tùy ý anh. Chúng  tôi không còn gì để xét thêm, trừ phi anh biết tự sửa đổi. Chúng tôi đã chấm dứt  cuộc khám bệnh ở nơi đây”.

Người ta nhận thấy trong những đoạn kể trên đây, rằng, hy vọng được khỏi bệnh  tùy thuộc nơi sự thay đổi trong tâm hồn và thái độ của bệnh nhân đối với cuộc đời.  Anh muốn khỏi bệnh với mục đích gì? Đó là một câu hỏi rõ ràng với một giọng dò  xét. Phải chăng là để thỏa mãn những dục vọng của thể xác? Hay là để làm tăng  trưởng lòng ích kỷ? Nếu như thế tốt hơn anh hãy ở vào tình trạng cũ!

Trải qua trên 15.000 cuộc soi kiếp, ông Edgar Cayce không một lần nào từ chối  giúp đỡ ý kiến để cho một bệnh nhân tự điều trị lấy, dẫu y đã phạm tội lỗi xấu xa  nặng nề như thế nào. Nhưng cũng như trong trường hợp kể trên, ông thường nhấn  mạnh rằng bệnh tật đau khổ có một mục đích giáo dục để bắt buộc chúng ta quay  về đường chính, và sự tội lỗi, tà vạy đã gây nên quả báo bệnh tật cần phải được  sửa đổi. Người bệnh cần phải cố gắng bằng đủ cách để cải thiện tình trạng của  mình; nhưng đồng thời y phải sửa đổi sự yếu kém bên trong tâm hồn. Những sức  mạnh hàn gắn tự nhiên và những cách điều trị của khoa học hiện đại có thể đem  đến một sự thuyên giảm tạm thời, nhưng không thể chữa khỏi bệnh, nói về khía  cạnh tinh thần của Luật Nhân Quả. Nói tóm lại, sự khỏi bệnh phải là do ở khía  cạnh tâm linh, nó phải đến từ bên trong, nếu không, nó sẽ không được lâu bền.

Trường hợp sau đây của một người mù, rút trong số hằng trăm trường hợp mù lòa  trong các tập hồ sơ Edgar Cayce, có thể tiêu biểu cho quan điểm kể trên. Đây là  biên bản cuộc khám nghiệm: “Đây cũng là một bệnh quả báo. Sự áp dụng các lý  tưởng đạo đức tâm linh trong cách xử thế hằng ngày đã đem đến một sự thay đổi  lớn trong cuộc đời của bệnh nhân. Tuy lúc đầu bệnh nhân vẫn không thấy bớt,  nhưng chúng tôi thấy rằng cặp mắt bệnh nhân đã dần dần thuyên giảm khi y bắt  đầu sửa đổi tâm tính. Chúng tôi nhận thấy rằng sự cố gắng đầu tiên phải là thuộc  về địa hạt tinh thần và bệnh nhân phải cố gắng biểu lộ lòng nhân từ trong những  cử chỉ hằng ngày. Hãy tập lấy sự thiện cảm, tình thân hữu, đức kiên nhẫn, dịu  dàng, khoan dung, nhân hậu … “.

Trong hai trường hợp kể trên, người ta thấy rằng cuộc soi kiếp nhấn mạnh trước  hết ở sự thay đổi tâm tính và cải tạo tinh thần, và đó là điều kiện cốt yếu để sửa đổi  nghiệp quả về xác thân. Nếu chúng ta nhớ rằng mục đích của sự quả báo là giáo  dục tâm linh, chúng ta sẽ hiểu rằng phương pháp điều trị kể trên là lẽ tự nhiên vậy.  Điều tội lỗi mà Luật Nhân Quả sửa đổi, không phải là thứ “Tội lỗi” hiểu theo ý  nghĩa dị đoan cổ xưa là làm trái ý hoặc xúc phạm Quỷ Thần, cũng không phải theo  ý nghĩa của các nhà Thần học, hay của nền luân lý khiết bạch hồi thời Nữ hoàng  Victoria. Đó là tội lỗi theo ý nghĩa tâm lý, nó bao gồm tất cả những gì trái với định  Luật Tự Nhiên.

Tội lỗi hiểu theo ý nghĩa đó vốn căn cứ trên lòng ích kỷ, hay khuynh hướng chia  rẽ người với ta, và sự tăng cường bản ngã đó có thể khoác lấy nhiều hình thức. Nó  có thể là sự tàn bạo đối với kẻ khác; hoặc sự lạm dụng cơ thể của chính mình do  bởi sự vô tiết độ hay sinh hoạt cẩu thả; hoặc nó có thể là do sự kiêu căng, tự tôn tự đại. Những sự lầm lỗi đó sở dĩ có là do bởi một điều lầm lạc chính đại, căn bản về nguồn gốc con người.

Vì con người vốn là tinh thần chứ không phải là thể xác. Tội lỗi của con người là  do bởi y quên đi cái chân lý căn bản đó và tưởng rằng mình là cái thể xác. Y phải  cố gắng loại trừ điều ảo vọng đó; và phương tiện chắc chắn nhất để đánh đổ điều  hư vọng ấy không phải là phủ nhận thể xác một cách tiêu cực, mà là một phương  pháp tích cực tự hỗn hợp với tinh thần.

Về điểm này, những cuộc soi kiếp của ông Edgar Cayce và những giáo lý thần bí  khác gọi sự hỗn hợp tinh thần đó là Ân Phước, hay Ơn Trên. Người ta thấy trong  những trường hợp kể trên cũng như trong những trường hợp khác về quả báo xác  thân trong tập hồ sơ Edgar Cayce, rằng lời khuyên răn tối hậu để được khỏi bệnh  là bệnh nhân hãy cố gắng làm thế nào để được thấm nhuần Ơn Trên, hay lòng  Nhân Từ của Đức Jesus. Những cuộc soi kiếp của ông Edgar Cayce đã dùng  những lời lẽ và danh từ Cơ đốc giáo, bởi vì ông Edgar Cayce là người theo đạo Cơ đốc. Trong lúc bình thường, ý thức của ông đã thấm nhuần những từ ngữ và quan  điểm Cơ đốc, vì vậy những lời nói do nơi tiềm thức của ông thốt ra trong giấc thôi  miên đều phải đi xuyên qua cái bức màn đó. Người ta có thể hiểu rằng nếu ông  Edgar Cayce sinh trưởng ở một xứ Phật giáo, thì có lẽ ông đã dùng những lời lẽ danh từ trong khuôn khổ tôn giáo và văn hóa địa phương và có lẽ ông đã dùng  những danh từ nhà Phật. Nhưng cách biểu lộ tư tưởng của ông, dẫu là dưới hình  thức nào, cũng không có ảnh hưởng gì đến công việc cứu khổ mà ông vẫn theo  đuổi. Dưới đây là một ví dụ về sự khuyên răn của ông cho một người bị chứng  bệnh lao tủy xương sống: “Anh hãy nhớ rằng nguồn gốc bệnh trạng của anh là tự anh gây ra: Nó là một chứng bệnh quả báo. Phương diện tốt nhất là anh hãy cầu  nguyện Ơn Trên và hoàn toàn tin tưởng nơi Đấng Thiêng Liêng, vì Ngài là Công  Bằng, Chân Lý và Ánh Sáng”.

Ơn Trên ở đây không phải là một độc quyền của đạo Cơ đốc hay của những người  tin ở Đức Jesus: Ơn Trên có thể được ban xuống cho tất cả người nào, dẫu y là  người Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo hay Cơ đốc giáo cũng vậy. Được thấm nhuần  Ơn Trên, tức là do sự sám hối, ăn năn tội lỗi và quyết chí sửa mình mà được  hưởng ân huệ tốt lành nó làm tiêu tan nghiệp chướng do Luật Nhân Quả đưa đến.  Sự suy ngẫm, cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, lập hạnh, và làm việc phụng sự giúp  đời, là những phương pháp thường được nêu ra trong các cuộc soi kiếp của ông  Edgar Cayce để sửa đổi tâm tính và tiến bộ tâm linh. Nhưng muốn được hiệu  nghiệm, những phương pháp đó phải được thi hành một cách thành thật, chứ không phải là một cách máy móc. Nếu không có một tình thương nhân loại và  chúng sinh phát ra tự trong đáy lòng, nếu không có đức nhân ái từ bi, thì những  phương pháp thực hành kể trên chỉ là trống rỗng và không có giá trị gì. Chỉ có  những kỷ luật đúng đắn, một sức dẫn dụ mạnh mẽ quyết tâm cải tà quy chính, mới  có thể đưa linh hồn vào đúng con đường của nó. Nhưng còn đối với hằng triệu linh  hồn hãy còn vào thời kỳ ấu trĩ về phương diện tâm linh, những phương pháp trên  không thể nhất thời đưa họ tiến ngay đến mục đích. Không phải tất cả mỗi người  đều đã tiến hóa đến một trình độ tâm linh đầy đủ để có thể đạt được trong một kiếp  cái tình bác ái rộng rãi bao la nó bao trùm tất cả mọi loài, tức là trạng thái tâm thức  đó mới có đủ mãnh lực làm tiêu tan mọi điều tật ách, nghiệp chướng do quả báo  đưa đến.

Trong trường hợp người thanh niên bị chứng bệnh lao ở tủy xương sống, cuộc soi  kiếp dường như biết rõ y không đủ sức thực hiện những điều kể trên. Bởi đó, với  sự thẳng thắn của một vị y sĩ biết rõ tiềm lực và khả năng của bệnh nhân và không  muốn làm cho y hy vọng những điều quá sức mình, ông Edgar Cayce đã cho y biết  rõ: “Bệnh anh chỉ có thể giảm bớt phần nào thôi, chứ không thể dứt tuyệt”. Tuy  nhiên, cuộc soi kiếp không phải đã kết thúc.

Trong trường hợp này và những trường hợp khác nữa, cuộc soi kiếp tiếp tục đưa ra  cho bệnh nhân những phương pháp điều trị về phần thể chất, để cho bệnh nhân có  thể làm những cố gắng cụ thể để tự chữa bệnh lấy mình. Sự kiên nhẫn, bền chí,  can đảm và những đức tính khiêm tốn, nhân từ, khoan hậu, mà bệnh nhân cố gắng  phát triển và thu thập được trong thời kỳ đó, sẽ đóng góp phần nào trên phương  diện tinh thần, ít nhất là một cách gián tiếp, để sửa chữa nghiệp quả. Như vậy, thay  vì có một thái độ tiêu cực, thụ động đối với vấn đề trả quả, những cuộc soi kiếp  của ông Edgar Cayce luôn luôn khuyến khích bệnh nhân hãy có một thái độ tích  cực tranh đấu để vượt qua nỗi chướng ngại đau khổ của mình. Dưới đây là một  khía cạnh quan trọng khác của vấn đề chữa bệnh.

Trong những cuộc soi kiếp, ông Edgar Cayce luôn luôn đưa ra những điều khuyên  răn các bệnh nhân tùy theo trình độ tiến hóa riêng của từng người. Ông đưa ra  những phương pháp điều trị thiên hẳn về tinh thần cho những người không thể hiểu được hoặc chống chọi lại những phương pháp đó. Bác sĩ Alexis Carrel, tác  giả hai quyển sách nhan đề: “Con Người, Một Vật Huyền Bí” và “Cuộc Hành  Trình Đến Thành Lourdes”, cho biết rằng ở Lourdes, nhiều người đã được chữa  khỏi ngay tại chỗ về bệnh ung thư và những chứng bệnh nan y khác. Nếu như sự khỏi bệnh ấy quả có thật, thì chắc chắn là việc ấy không thể xảy đến cho những  người không có một đức tin và một thái độ tinh thần giống như của những người  được khỏi bệnh kể trên.

Sự nghiên cứu nhiều cuộc soi kiếp và khám bệnh của ông Edgar Cayce chỉ rõ ràng  nguồn tài liệu luôn luôn biết rõ giới hạn đức tin của bệnh nhân. Trong nhiều  trường hợp, những cuộc soi kiếp biết rằng vài bệnh nhân có thể được chữa khỏi  bằng phương pháp dẫn dụ tinh thần. Trong những trường hợp khác cũng cùng một  chứng bệnh nhưng bệnh nhân lại không thể chữa khỏi bằng phương pháp đó, hoặc  vì do sự thiếu hiểu biết, hoặc do sự hoài nghi, hoặc vì họ quá thiên về quan niệm  vật chất. Đối với những người này, tốt hơn là hãy khuyên họ dùng phương pháp  điều trị thể xác. Người ta nhớ một câu chuyện cổ điển Ấn Độ nói về một người đệ tử của một người đạo sĩ nọ. Người đệ tử đã trải qua một giai đoạn huấn luyện công  phu để có thể chế ngự được vật chất bằng sức mạnh tinh thần. Y là một người đệ tử ưu tú và có nhiều khả năng. Y bèn ẩn mình trong rừng sâu, và sau mười năm tập  luyện y mới trở lại gặp Tôn Sư. Tôn Sư hỏi: “Con đã làm gì trong suốt thời gian  đó?” Người đệ tử đáp lại với một giọng hơi tự đắc: “Con đã luyện tập chế ngự tư tưởng để có thể đi trên mặt nước và bây giờ con có thể vượt qua sông như đi trên  đất bằng”. Vị Tôn Sư nói với một giọng buồn rầu: “Con ơi! Con đã lãng phí thời  giờ vô ích. Con há lại chẳng biết rằng con có thể vượt qua sông mà chỉ trả có một  xu cho người lái đò sao?”

Câu chuyện này do một dân tộc đã từng phát triển sức mạnh tâm linh trải qua  nhiều thế kỷ để lại, có một ý nghĩa sâu xa để cho chúng ta suy ngẫm. Lẽ dĩ nhiên,  sự cố gắng để tự chữa bệnh cho mình bằng sức mạnh tinh thần là một cố gắng  đáng khen và nó giúp cho ta tự đào luyện tinh thần và ý chí. Khoa học công giáo  và những phong trào tôn giáo cùng một loại đã từng phổ biến trước công chúng sự hiểu biết về những quyền năng của tư tưởng, nó là nguồn gốc của nhiều chứng  bệnh của người đời, và đồng thời cũng có thể được dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên,  người ta cần biết rằng có những chứng bệnh nguyên nhân không phải do tư tưởng  gây ra; nhiều chứng bệnh, dẫu là nguyên nhân nào, có thể điều trị bằng những  phương tiện vật chất một cách hữu hiệu hơn là điều trị bằng tinh thần.

Những quan niệm về y học của ông Edgar Cayce còn có một khía cạnh khác:  Những cuộc soi kiếp không cho là một phương pháp điều trị nào lại “Tinh thần”  hơn một phương pháp nào. Tất cả những phương pháp điều trị đều có một nguồn  gốc thiêng liêng như nhau.

Một người phụ nữ kia bị chứng đau lưng rất dữ dội. Bà muốn biết xem nên theo  cách điều trị thể xác hay tinh thần. Cuộc khám bệnh của ông Edgar Cayce giải đáp  câu hỏi đó như sau: “Bệnh trạng của bà phần lớn có thể chữa khỏi bằng tinh thần.  Nhưng bà hãy để tự nhiên. Nếu bà thấy đau nhiều, bà hãy theo phép điều trị bằng  thuốc men để đáp ứng nhu cầu của thể xác. Thật ra hai phương pháp điều trị đều  không khác gì nhau, vì là đều do một nguồn gốc mà ra. Hai phương pháp ấy không  phải tương phản nhau như vài người lầm tưởng”.

Một ký giả ở Pittsburg bị bệnh tê thấp đã mười năm, được khuyên nên điều trị bằng cách tắm nước nóng và dùng tia chiếu xạ để làm tăng sự lưu thông máu huyết  và bài tiết chất độc trong máu. Cuộc soi kiếp nói: “Mọi sự chữa bệnh đều do một  Quyền Năng Thiêng Liêng. Ai chữa khỏi bệnh cho anh? Đó là cái Nguồn Sống  sinh ra muôn loài vạn vật. Bất cứ phương tiện nào người ta dùng để chữa bệnh,  dẫu cho đó là thuốc men, máy móc dụng cụ, tắm nước nóng, hay là phương tiện  nào khác, người ta cũng phải trở về cái Nguồn Sống Duy Nhất, tức là Thượng Đế vậy”.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here