CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 1

0
482

LỜI TỰA

Tôi xin có vài lời giới thiệu về quyển sách nhỏ này đến quí độc giả. Đây là quyển thứ năm trong loạt sách trình bày đơn giản Minh Triết Thiêng Liêng để đáp ứng nhu cầu công chúng. Một số độc giả  phàn nàn sách vở hội Thông Thiên Học quá trừu tượng, quá kỷ thuật và khó hiểu đối với những người bình thường. Chúng tôi hy vọng loạt sách này sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của quần chúng. Minh Triết Thiêng Liêng không chỉ dành  riêng cho các học giả, mà cho mọi người. Có lẽ một số người khi đọc những quyển  sách này  lần  đầu tiên  sẽ nhận ra ý nghĩa tổng quát của nó, muốn tìm hiểu sâu xa hơn về Minh Triết Thiêng Liêng,  muốn  đối diện  với những vấn đề khó khăn hơn với lòng hăng hái của một sinh viên nhiệt tâm. Đối với những người ấy, sẽ có  những tác  phẩm  lớn,  sâu xa hơn dành cho họ. Tuy nhiên, những  quyển sách nhỏ mà chúng tôi giới thiệu nơi đây  không  phải chỉ dành riêng cho những sinh viên nhiệt thành, không khó khăn ban đầu nào có thể làm họ nản lòng, mà nó cũng được dành cho những người đang bận rộn trong cuộc sống hàng ngày, muốn tìm hiểu một vài chân lý cao cả để hướng dẫn đời sống họ bớt nặng trĩu, và đồng thời giúp họ đối diện sự chết dễ dàng hơn. Chúng tôi, những người phụng sự các vị Chân Sư, viết nên những quyển sách này không ngoài mục  đích giúp ích quần chúng.

ANNIE BESANT

 

LỜI GIỚI THIỆU

Trong tủ sách Thông Thiên Học, quyển sách nhỏ  này  nổi bật với vài tính chất đặc biệt. Nó  cố gắng mô  tả thế giới vô hình bằng phương pháp của nhà thực vật học, khi nghiên cứu một vùng đất mới trên địa cầu mà trước đó chưa một ai biết đến.

Phần nhiều các tác phẩm trình bày thần học và huyền bí  học đều thiếu  tính cách chính xác của khoa học hiện đại. Nó trình bày ý nghĩa của sự việc thay vì mô tả chính sự việc. Trong quyển sách này, tác giả mô tả thế giới vô hình trên quan điểm của khoa học hiện đại. Là người chép lại bản thảo  cho nhà in,  nên tôi có thể kể lại tác phẩm được viết ra như  thế nào.

Quyển sách này được viết vào năm 1894, lúc đó ông C.W. Leadbeater là thư ký của chi bộ Thông Thiên Học Luân Đôn, còn ông A.P. Sinnet là chi trưởng. Lúc đó, hoạt động của chi bộ không được truyền bá rộng rãi trong công chúng, không thường xuyên tổ chức những buổi giảng công cộng, nhưng  mỗi năm có  3 hay 4 lần họp tại nhà ông hội trưởng, thiệp mời được gởi đến các hội viên của chi bộ và một số người thuộc tầng lớp “thượng lưu” mà ông Sinnet nghĩ rằng họ thích thú tìm hiểu Minh Triết Thiêng Liêng. Ông  Sinnet  thường mời ông Leadbeater làm diễn giả trong những buổi họp này.

Đề tài “Cõi Trung Giới” thật là thích hợp với ông  Leadbeater,  vì  tác  giả  đã được huấn luyện về khả năng nhãn thông, nhờ nó mà ông có thể nghiên cứu các hiện tượng ở cõi trung giới một cách khoa học. Trong quyển “Thông Thiên Học đã đến với tôi như thế nào” tác giả đã mô tả sự huấn luyện của ông như sau:

SỰ PHÁT TRIỂN KHÔNG NGỜ

“Lúc ấy, tôi không có một khả năng tâm linh nào, và cũng không bao giờ nghĩ mình có được sự nhạy cảm. Tôi tin rằng một người phải có vài khả năng tâm linh bẩm sinh và một cơ thể nhạy cảm, mới có thể phát triển được theo chiều hướng ấy. Do đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể phát triển khả năng đó trong kiếp này. Nhưng tôi hy vọng nếu trong kiếp này tôi cố gắng theo chiều hướng đó, thì kiếp sau tôi có thể được sinh ra với một xác thân phù hợp hơn trong việc phát triển khả năng tâm linh.

Cho đến một ngày, tôi vinh hạnh được Chân Sư Kuthumi viếng thăm, Ngài hỏi tôi: Có khi nào thử áp dụng một vài phương pháp tham thiền liên quan đến sự phát triển năng lực thần bí gọi là luồng hỏa hậu chăng? Dĩ nhiên tôi có nghe nói đến năng lực ấy, nhưng sự hiểu biết rất thô thiển, và tôi luôn cho rằng nó vượt quá khả năng của người Phương Tây. Tuy nhiên, Ngài khuyến khích tôi cố gắng thực tập vài phương pháp, và dặn tôi không được tiết lộ cho bất cứ ai, trừ khi được Ngài cho phép; và cho biết sẽ đích thân quan sát công việc luyện tập  của tôi,  để ngăn ngừa mọi điều nguy hiểm có thể  xảy ra.

Dĩ nhiên tôi vâng lời, và với cố gắng mãnh liệt  liên  tục  từ  ngày  này  qua ngày khác, thực hành phương pháp tham thiền đặc biệt được Ngài chỉ dạy. Phải công nhận đó là một công việc  rất cực  nhọc, và đôi lúc  gây đau đớn, nhưng tôi  vẫn kiên trì và cuối cùng đã đạt được kết quả mong đợi.  Một vài kinh huyệt cần được khai thông, và một vài vách ngăn cần phải phá bỏ. Ngài cho biết, nếu cố gắng mãnh  liệt  và  liên tục, thời gian trung bình để đạt được kết quả là 40 ngày.  Đến ngày thứ 42, tôi cảm thấy mình sắp đến mức thành công cuối cùng. Khi ấy đích thân Chân Sư đến giúp tôi vượt qua giai đoạn cuối để hoàn tất công phu, từ đó tôi có thể sử dụng khả năng nhãn thông cõi trung giới trong lúc tâm thức hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trần. Nói khác đi, có sự liên  tục  của tâm thức  và trí nhớ ở cõi trung giới, dù cho xác thân thức tỉnh  hay đang ngủ. Chân Sư cho biết, nếu tự cố gắng tôi có thể vượt qua giai đoạn cuối lâu hơn 24 giờ, tuy nhiên Ngài đã can thiệp để tôi vượt qua sớm hơn, vì Ngài muốn tôi làm ngay một vài công việc.

HUẤN LUYỆN TÂM LINH

Chúng ta đừng nghĩ, khi đạt được khả năng nhãn thông là đã hoàn tất việc huấn luyện huyền môn. Trái lại, đó chỉ là bước đầu của một năm cố gắng khó nhọc nhất mà từ trước đến nay tôi chưa từng trải qua. Tôi ở một mình trong căn  phòng bát giác cạnh bờ sông, nhiều giờ dài dằng dặc mỗi ngày, và được giữ không cho bất cứ ai đến quấy rầy, ngoại trừ  giờ cơm. Thỉnh thoảng có vài vị Chân Sư đến thăm tôi và khuyên nhủ đôi lời; nhưng chính Chân Sư Djwal Kul dạy tôi nhiều điều quan trọng nhất. Được sự ưu ái nầy có lẽ vì  tôi và Ngài đã có liên hệ gần gũi trong tiền kiếp,  khi tôi được học với Ngài ở đạo viện Pythagore do Ngài sáng lập tại Athens, và tôi còn được vinh dự điều hành đạo viện ấy, khi Ngài qua đời. Tôi thật không biết phải làm gì để đền đáp lại công lao to lớn và khó khăn mà Ngài phải gánh chịu trong việc huấn luyện tâm linh cho tôi. Ngài luôn kiên nhẫn lặp đi lặp lại nhiều lần công việc tạo  ra hình tư tuởng sống động, và hỏi tôi:  “Anh thấy gì?” Khi tôi cố gắng hết sức để mô tả, thì câu trả lời sau được lặp lại nhiều lần: “Không phải, không phải, anh thấy không đúng, không trọn vẹn, hãy đào sâu hơn trong anh, hãy sử dụng cả thị giác thể trí lẫn thể vía, hãy tiến xa hơn chút nữa, cao hơn chút nữa.”

Tiến trình này thường được lặp lại nhiều lần cho đến khi Ngài  hài lòng.  Người sinh  viên  huyền môn được trắc  nghiệm bằng mọi cách, và dưới mọi điều kiện. Vào giai đoạn cuối,  những tinh linh thiên nhiên hay đùa nghịch được đặc  biệt gọi đến, và nhận chỉ thị bằng mọi cách cố làm cho người quan sát bối rối và nhầm lẫn. Dĩ  nhiên đó là công việc  rất khó nhọc và căng thẳng, tuy chưa quá sức chịu đựng của con người.  Nhưng cuối cùng công việc huấn luyện cho kết quả rất xứng đáng, vì nó trực tiếp  đưa đến sự kết  hợp  giữa  phàm ngã  và chân ngã, làm cho con người hiểu biết chắc chắn  dựa trên kinh nghiệm, mà bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai cũng không thể lung lạc được[1].”

Tôi ở chung với ông Leadbeater, lúc ông đang soạn thảo bài diễn văn cho Chi Bộ Luân Đôn, còn tôi đang học thi. Đức Giám Mục[2] Leadbeater có thói quen là không bao giờ vứt bỏ những bao thư mà ông nhận được. Ông rọc nó ra và dùng mặt bên trong để viết các bản thảo, ông vẫn giữ thói quen này đến ngày ông mất. Sau khi đọc bài diễn văn theo bản ghi chép, ngày 21-11-1894, công việc kế tiếp của ông là viết lại để đăng trong tờ Diễn Đàn số 24 của Chi Bộ Luân Đôn. Ông bắt đầu viết mỗi lần một ít trên các bao thư cũ rọc ra, và  bổn phận của tôi là  sao  chép  lại các bản thảo ấy vào  những trang giấy trống của một quyển nhật ký cũ.  Như  thế,  chữ viết  trong tác  phẩm viết tay này là của tôi. Công việc  sáng tác này mất độ 3 hay 4 tuần  lễ,  vì  ông còn phải bận rộn với nhiều công việc lo cho đời sống, nên chỉ có thể viết  được vào lúc rảnh rỗi.

Khi bản in thử của tờ Diễn Đàn Chi Bộ Luân Đôn từ nhà in đưa về cho ông Leadbeater, thì bản thảo viết tay của tôi cũng được trả về. Thường khi bản viết tay được nhà in giao trả thì đã dính đầy dấu tay của thợ sắp chữ, của người sửa  chữa trên những trang giấy này. Điều này cũng không quan trọng, vì khi được in xong thì bản thảo  viết tay cũng phải vứt bỏ.

Nhưng một chuyện bất thường xảy ra làm  cho  ông Leadbeater  rất bối rối. Một buổi sáng ông cho tôi biết là Chân  Sư K.H. muốn có tập bản thảo để đặt vào Bảo Tàng Viện của Đại Đoàn Chưởng Giáo. Chân Sư giải thích rằng quyển “Cõi Trung Giới” là một tác phẩm đặc biệt, nó đánh dấu một giai đoạn lịch sử về sự mở mang trí tuệ của nhân loại. Ngài  nói thêm, từ xưa đến nay, dù dưới thời văn minh cao tột ở châu Atlantis, những vị đạo sư của các môn phái bí truyền đã không diễn tả những sự kiện thiên nhiên theo  quan điểm khoa học  hiện  đại,  mà theo một quan điểm khác. Những vị đạo  sư huyền môn thuở xưa chỉ chú trọng đến ý nghĩa bên trong, mà ta  có thể gọi là “sự sống” của thiên nhiên, mà ít chú  trong  đến phần “hình thể” của thiên nhiên. Phần lớn kiến thức  về những điều bí nhiệm của thiên nhiên được các vị cao cả  ở những nền văn minh quá khứ góp nhặt. Cho  đến nay,  những  hiểu  biết  này  không được tổng hợp theo phương pháp khoa học, mà theo phản ứng của tâm thức đối với phương diện “sự sống”.

Đây là lần đầu tiên trong giới huyền môn, cõi trung giới được nghiên cứu trọn vẹn với đầy đủ chi tiết, theo phương pháp tương tự như phương pháp mà nhà thực vật học dùng khi nghiên cứu rừng Amazon, để phân loại các loài cây cỏ và viết lịch sử thực vật của cánh rừng. Vì lý do ấy, quyển sách nhỏ  “Cõi Trung Giới” đúng là một trụ mốc; và Đức Thầy,  như là người giữ gìn hồ sơ những biến cố xảy ra trên địa cầu, muốn đặt bản thảo của nó trong Bảo Tàng Viện vĩ đại.

Bảo  tàng viện này lưu trữ nhiều loại đồ vật khác  nhau được  chọn lựa kỹ lưỡng,  những đồ vật có liên quan đến lịch  sử, mà Đức Thầy nhận thấy quan trọng, đặc  biệt đối với những đệ tử trong việc  học  hỏi ở trình độ cao. Bảo  tàng viện  này cũng chứa những văn kiện ghi lại sự phát triển của nhân loại trong mọi lãnh vực hoạt động. Thí dụ những quả địa cầu mẫu diễn tả hình dạng của mặt đất trải qua những thời đại khác nhau. Từ những quả địa cầu mẫu này mà ông Leadbeater  đã vẽ ra bản đồ châu Atlantis trong bài viết của W. Scott-El iot in trên tờ  Diễn  Đàn của Chi Bộ Luân Đôn. Trong số những đồ vật mang ý nghĩa quan trọng,  là  một khối thủy ngân đồng vị (isotope) ở thể đặc. Bảo  tàng viện này cũng chứa đủ loại tài liệu xưa, liên hệ đến các tôn giáo hiện tại và những tôn giáo  thời xa xưa, cùng những tài liệu hữu ích khác  giúp cho sự tìm hiểu tác động của “Luồng Sóng Sinh Hoạt” (Life Wave) trên địa cầu.

Tôi nhớ từ trước đến nay, chỉ một lần tôi thấy ông Leadbeater “bối rối”, đó là lúc ông nhận được  lời yêu cầu của Chân Sư muốn có bản thảo viết tay của quyển sách nhỏ  này;  vì  bản thảo  đã bị vấy bẩn sau khi nhà in đã dùng nó. Mặc dù vậy, việc Đức Thầy yêu cầu vẫn phải được thi hành. Còn một  vấn  đề khác là làm thế nào gởi bản thảo ấy đến Tây Tạng. Việc này chẳng làm bận lòng ông Leadbeater chút nào, vì ông có vài quyền năng thần bí mà ông không tiết lộ cho người khác, tuy chỉ riêng tôi có vài dịp quan sát được.

Bản thảo được gởi đi bằng phương pháp phân tán vật chất (dematerialisation), khi đến Tây Tạng sẽ được làm trở lại nguyên dạng bằng phương pháp hoàn nguyên vật chất (rematerialisation).

Tôi có một dây lụa màu vàng,  bề ngang  chừng  7  phân,  tôi quấn dây lụa chung quanh tập bản thảo xếp làm tư, và cột chặt lại thành một gói. Tôi rất  khích động khi nghĩ  đây là  cơ hội rất tốt để có được bằng chứng của “hiện tượng”.  Nếu tập bản thảo được đặt trong một cái hộp khóa kín,  và  tôi luôn  luôn  giữ chìa khóa bên mình, rồi sau đó bản thảo  biến mất, thì tôi sẽ có được một hiện tượng tuyệt vời để kể lại.

Nhưng thật lạ kỳ, vào lúc ấy những đồ dùng của ông Leadbeater và của tôi, không có thứ nào có thể khóa lại được chắc chắn. Có một cái rương cũ bằng da bò, nhưng khóa của nó đã bị gãy.  Chúng tôi có  rất ít xách tay,  nhưng không  cái nào còn khóa. Có một hộp gỗ bên trong lót bằng đồi mồi, đó là chiếc hộp làm việc của mẹ Ngài lúc xưa, nhưng chìa khóa cũng lạc mất từ lâu.

Như thế, chỉ có cách tốt nhất là để tập bản thảo  trong  chiếc  hộp  ấy  và đặt nhiều cuốn sách chồng lên trên. Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi dỡ chồng sách ra và nhìn vào trong hộp, tập bản thảo  không còn đó nữa! Mất đi một dịp  chứng kiến hiện tượng, nỗi buồn của tôi vẫn không nguôi khi ông Leadbeater  cho  biết  chính tôi, trong thể vía, đã mang tập bản thảo ấy đến đức Thầy.

Trong một tài liệu khác, tôi có viết về việc không thể nào tìm được bằng chứng về tác động của năng lực  siêu nhiên, nó hoàn toàn khép kín đối với giới khoa học có óc hoài nghi hay chỉ trích.

Mỗi khi ta có dịp chứng minh các hiện tượng huyền bí một cách xác thực, thì  luôn luôn có vài sự việc  xảy ra ngăn cản bằng chứng cuối cùng ấy.  Trong giai đoạn đầu của phong trào  giáng ma thuật (spiritualism),  có những hiện tượng rõ rệt xảy ra như: những đồ vật bị dời chỗ rất xa, cho thấy thành phần tâm linh có thể sử dụng những năng lực phi thường. Nhưng trong mỗi trường hợp đều bị mất “một khoen của sợi dây xích”; như thế, luôn luôn có một lỗ hổng cho sự nghi  ngờ. Cũng thế, những hiện tượng phi thường do Chân Sư tạo ra liên quan đến công việc của bà Blavatsky tại Simla, một thành phố ở miền bắc Ấn Độ. Đó là  việc  chuyển tờ “Thời Báo” vừa mới phát hành từ Luân Đôn đến Simla, trong cùng  một ngày như được đề nghị, công việc này quá dễ dàng đối với Ngài. Do một vài lý  do  nào  đó, mỗi hiện  tượng xảy ra đều thiếu sót một vài bằng chứng hiển nhiên.

Chúng tôi được biết các vị Chân Sư cố ý làm cho những hiện tượng tâm linh không thể được chứng minh một cách rõ ràng. Trong giai đoạn tiến hóa của nhân loại hiện tại, có nhiều người phát triển mạnh mẽ về thể trí, nhưng trình độ đạo đức còn thấp kém, do đó các Ngài không muốn những người đầu óc không cẩn mật và bất toàn ấy có cơ hội tin tưởng hoàn toàn về sự hiện hữu của quyền năng siêu  nhiên.  Chừng  nào  mà  họ còn hoài nghi về quyền năng này thì nhân loại còn chưa bị họ lợi dụng. Chúng ta cũng thừa biết những người ích kỷ đã chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên, bóc lột nhân loại về phương diện kinh tế và kỹ nghệ như thế nào rồi. Với một ít tưởng tượng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những tai họa lớn lao có thể xảy ra, nếu những người ích kỷ sử dụng năng lực siêu nhiên trong việc khai thác trục lợi.

Ông Leadbeater gặp bà Besant lần đầu vào  năm 1894.  Năm sau bà mời ông Leadbeater và tôi đến ở trụ sở của hội tại Luân Đôn, nơi mà bà Blavatsky mất năm 1891. Kể  từ đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ông và bà Besant cho đến cuối đời. Năm 1892, bà Besant bắt đầu viết một  loạt  sách khổ  nhỏ  tóm lược  giáo lý Minh triết Thiêng Liêng về nhiều đề tài khác nhau. Theo thứ tự, bốn quyển sách đầu là: Bảy Thể Của Con Người, Luân Hồi, Nhân Quả, Sự Chết Và Tình Trạng Sau Khi Chết. Bà cũng yêu cầu ông Leadbeater cho in những bài viết của ông ở Chi Bộ Thông Thiên Học Luân Đôn vào loạt sách kể trên, thành quyển thứ năm được phát hành.

Vào năm 1895, hai vị cùng phối hợp nghiên  cứu cơ cấu những chất khinh khí, dưỡng khí, đạm khí  và một chất thứ  tư mà chúng tôi tạm đặt tên là “Huyền Linh Chất” (Occultum), chất này chưa được khoa học khám phá. Cũng trong năm  ấy, hai vị nghiên cứu sâu rộng về cơ cấu, điều kiện và cư dân ở các cảnh thấp và cao của cõi thượng giới, theo cùng  phương pháp mà ông Leadbeater đã dùng để nghiên cứu cõi trung  giới.  Bà  Besant  và ông quan sát từng trường hợp những chân ngã ở cõi chân phúc (Devachan), còn gọi là cõi cực lạc hay thiên đàng, nơi đây con người sống trong trạng  thái hạnh phúc hoàn toàn, sau khi rời bỏ cõi trần và cõi trung giới. Vì bà Besant  bận rộn với nhiều  công việc  khác, nên ông Leadbeater viết lại những gì mà hai vị đã quan sát được, từ đó chúng ta có quyển thứ sáu trong loạt sách nhỏ nói về Minh Triết Thiêng Liêng, đó là quyển “Cõi Trời Chân Phúc” (The Devachanic Plane).

Quyển “Cõi Trung Giới” và “Cõi Trời Chân Phúc” là hai công trình nghiên cứu rất công phu; hai vị đã quan sát một cách rất kỹ lưỡng và khách quan theo phương pháp khoa học những sự việc thực tế trong hai cõi ấy,  nhờ đó mà chúng ta có được hai tác phẩm rất giá trị nói về thế giới vô hình. Đối với người nhiệt tâm muốn tìm hiểu một cách vô tư và không thành kiến, sau khi đọc kỹ và phân tích, dù chưa thể  tin  tưởng  ngay những gì được diễn tả, nhưng ít ra cũng có một ý niệm tổng quát về tính cách khách quan của hai quyển sách. Hai vị đã diễn tả sự vật như được nhận thấy qua một kính  hiển vi hay viễn vọng kính, chớ không chủ quan như tiểu thuyết gia diễn tả dài giòng những tình tiết của câu chuyện.

Tóm lại, đây là lược thuật về câu chuyện làm thế nào quyển sách nhỏ, quí giá này được viết ra, quyển “Cõi Trung Giới”.

C. Jinarajadasa

 

CHƯƠNG 1

QUAN SÁT TỔNG QUÁT

 

Con người sống trọn cuộc đời trong một thế giới vô hình, rộng lớn, đông đúc dân cư, nhưng phần đông hoàn toàn không ý thức được. Khi các giác quan thể  xác  tạm  thời ngưng  hoạt động, như trong lúc ngủ hoặc trong trạng thái xuất thần, con người có thể nhận thấy được phần nào thế giới ấy, và đôi khi tỉnh lại có thể nhớ một cách mơ hồ  về những điều đã nghe thấy. Khi con người từ bỏ cõi trần, người đời gọi là “chết”, con người vẫn sống tại đây, nhưng thật sự họ đã “bước vào” thế giới vô hình, và sống qua nhiều thế kỷ dài trước khi được tái sinh nơi cõi trần. Phần lớn thời gian dài giữa hai kiếp luân hồi, con người được sống trong cõi trời chân phúc (cõi này được mô tả trong quyển sách thứ sáu). Trong quyển sách này, chúng ta chú ý đến phần thấp nhất của cõi vô hình, nơi mà con người bước vào ngay sau khi rời bỏ xác thân. Cõi này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: âm phủ hay thế giới bên dưới của người Hy Lạp, cõi luyện tội hay trạng thái trung gian của Thiên Chúa Giáo, cõi trung giới của phái luyện kim thời trung cổ, v.v…

Mục đích của quyển sách nhỏ này là góp nhặt và sắp xếp lại những hiểu biết có liên quan đến cõi trung giới, được trình bày rải rác trong những tác phẩm Minh Triết Thiêng Liêng.  Thêm vào  đó có những dữ kiện mới mà chúng tôi quan sát được. Xin hiểu rằng những điều chúng tôi thêm vào chỉ là kết  quả do  sự nghiên cứu của một số  ít người,  do đó không nên xem như những điều phải tin tưởng tuyệt đối. Chúng tôi trình bày những điều quan sát được chỉ vì chúng tôi nhận thấy nó có giá trị.

Mặt khác, chúng tôi rất thận trọng trong khả năng quan sát của mình để bảo  đảm chính xác  tối đa. Không một sự kiện nào, dù cũ hay mới, được ghi vào quyển sách này mà chưa được ít nhất hai quan sát viên đã được huấn luyện trong nhóm chúng tôi, quan sát riêng rẽ và xác nhận. Ngoài ra nó còn được các sinh viên huyền môn kỳ cựu, có nhiều kinh  nghiệm hơn về sự kiện, xem lại để bảo đảm sự chính xác. Dù  chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng chúng tôi nghĩ  rằng những  dữ kiện diễn tả trong quyển sách này rất xác thực và đáng tin cậy.

(Kể từ ấn bản đầu tiên đến nay đã được 40 năm, tôi có thể nói thêm rằng kinh nghiệm hàng ngày của tôi trong suốt thời gian ấy, cũng xác nhận sự đúng thực của những sự kiện được nghiên cứu lúc trước. Nhiều sự việc trước kia có vẻ lạ  lùng và mới mẻ,  giờ  đây đã trở  nên quen thuộc vì  được gặp thường xuyên, và vô số chứng cớ được thu thập thêm. Mặc  dù có một ít chữ được thêm vào ở vài nơi, nhưng thực tế không có gì thay đổi.)

Vấn đề đầu tiên cần được nêu rõ trong việc mô tả cõi trung giới là sự hoàn toàn “thực tại” của nó. Khi nói “thực tại” (reality), tôi không đứng trên quan điểm siêu hình; vì theo  quan điểm này,  ngoại trừ “Cái Duy Nhất Không Thể Hiện”  (The One Unmanifested), còn lại tất cả đều không thực, vì không trường tồn. Tôi dùng từ “thực tại” với ý nghĩa rõ  ràng, mà hàng ngày chúng ta thường dùng, tôi muốn nói: sự vật  và cư dân ở cõi trung giới đều có thật, như bàn ghế, nhà cửa,  lâu đài hay xác thân chúng ta. Giống như những sự vật ở cõi trần, những sự vật ở cõi trung giới không tồn tại vĩnh viễn, nhưng theo quan điểm bình thường, dù sao chúng cũng là thật  khi chúng còn hiện  hữu;  sự hiện  hữu mà chúng ta không thể bỏ qua, dù phần đông nhân loại không cảm biết hay chỉ cảm biết một cách mơ hồ.

Tôi biết, thật khó khăn để người bình thường chấp nhận tính chất thực tại của những sự việc mà họ không thể thấy bằng đôi mắt trần. Ta cần biết thị giác của con người rất giới hạn. Con người sống thường trực  trong một thế  giới rộng lớn, nhưng chỉ thấy được một phần hết sức  nhỏ.  Khoa học cho  ta biết  chắc rằng có những sinh vật rất bé nhỏ mà với  mắt thường ta không nhận thấy được. Tuy bé nhỏ nhưng chúng rất quan trọng, sự hiểu biết về thói quen và điều kiện sinh sống của một số loại vi trùng có thể giúp cho ta giữ gìn sức khoẻ, và trong nhiều trường hợp cứu được mạng sống con người.

Theo một chiều hướng khác, giác quan con người cũng bị  giới hạn,  như  ta không thể thấy được không khí bao quanh ta. Thị giác con người không nhìn thấy được sự hiện hữu của không  khí,  trừ  khi nó  di chuyển và ta cảm nhận được nó qua xúc giác. Tuy vô  hình đối với ta, nhưng sức mạnh của không khí  có thể nhận chìm chiếc  tàu to lớn nhất và xô ngã tòa nhà vững chắc nhất. Rõ ràng là chung quanh ta có nhiều năng lực mạnh  mẽ,  mà các giác  quan thô sơ và bất toàn của ta không cảm nhận được. Vậy ta phải cẩn thận,  đừng vướng  mắc  vào  sự lầm lẫn tai hại thường tình, khi cho  rằng những gì ta thấy được là tất cả, ngoài ra không còn gì khác.

Chúng ta như bị nhốt trong một cái tháp, các giác quan của ta giống như những cửa sổ rất  nhỏ,  mở  ra theo vài  hướng nào đó, còn những hướng khác, ta hoàn toàn bị che kín. Nhãn thông hay thị giác cõi trung giới mở thêm cho ta một hay hai cửa sổ nữa, để ta có thể thấy được một thế giới mới rộng lớn hơn, nhưng đó chỉ là một phần của toàn thể thế giới mà trước kia ta chưa được biết đến.

Ta chỉ có thể hiểu rõ giáo lý của Tôn Giáo Minh Triết[3] khi nắm vững sự kiện là trong thái dương hệ có những cõi hoàn toàn xác định, mỗi cõi được cấu tạo bằng chất liệu của chính cõi đó với những mức độ đậm đặc khác  nhau. Ngoài cõi trần, những người có khả năng có thể thăm viếng và quan sát một số cõi khác, giống như ta đi thăm viếng và quan sát một nước khác. Do so sánh với những điều quan sát được của các  vị thường xuyên làm việc  ở những cõi đó, quan sát  viên sẽ có được chứng cớ rõ ràng về sự hiện hữu cũng như bản chất của những cõi mà họ thăm viếng, giống như sự hiện hữu của các đảo Greenland (ở bắc Mỹ) và Spitzbergen (thuộc Na Uy). Bất cứ người nào  có phương tiện và chịu khó  đều có thể đi thăm viếng các hòn đảo nói trên; cũng thế, bất cứ ai chịu khó sống một đời xứng đáng, một ngày kia tự mình  cũng có thể thăm viếng các cõi cao hơn cõi trần.

Sau đây là tên gọi các cõi trong thái dương hệ, dựa theo mức độ  đậm đặc của chất liệu cấu tạo, từ thô kệch đến thanh nhuyễn: cõi trần, cõi trung giới, cõi thượng giới (hay cõi trí tuệ), cõi bồ đề và cõi niết bàn. Còn có hai cõi cao hơn nữa, tạm thời không đề cập nơi đây vì vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta.  Ta có  thể so  sánh sự khác biệt về chất liệu cấu tạo của một cõi đối với cõi thấp hơn kế nó như hơi nước so với chất đặc, dù sự khác biệt lớn hơn rất nhiều. Thật ra, trạng thái của vật chất mà ta gọi là: đặc, lỏng, hơi chỉ là vật chất của ba cảnh[4] thấp thuộc cõi trần.

Cõi trung giới mà tôi cố gắng mô tả là cõi thứ nhì trong các cõi vĩ đại của thiên nhiên, nó là cõi kề cận bên trên (hay bên trong) cõi trần. Người ta thường gọi nó là vùng ảo ảnh, không phải vì nó hư ảo hơn cõi trần, mà chỉ vì những người chưa được huấn luyện sau khi quan sát cõi trung giới trở về, có cảm nhận như nó thay đổi rất bất thường.

Để hiểu rõ sự thay đổi bất thường này, ta cần chú ý đến hai đặc tính chính của cõi trung giới. Đặc tính thứ nhất là nhiều cư dân ở cõi trung giới có năng lực kỳ diệu,  tự làm thay đổi hình dạng một cách rất nhanh chóng, và có nhiều trò  đùa để trêu chọc người nào mà chúng muốn. Đặc tính thứ hai là thị giác cõi trung giới là một quan năng khác biệt và mở rộng hơn rất nhiều so với thị giác cõi trần. Một đồ vật được nhìn thấy một lượt từ mọi phía, cả bên trong lẫn bên ngoài, như được mở toang ra. Do đó rất khó  cho  người chưa có  kinh nghiệm  ở thế giới mới này hiểu đúng thật những gì họ  thấy, và còn khó khăn hơn nữa nếu họ muốn diễn tả lại bằng ngôn ngữ bình thường.

Một thí dụ điển hình về sự sai lầm thường gặp phải, là ở cõi trung giới người ta thấy các  con số thường bị đảo  ngược, thí dụ số 139 có thể được  thấy là  931 v.v…Đối với sinh viên  huyền môn đã được  Chân Sư huấn luyện,  sự lầm lẫn như thế sẽ không thể xảy ra, trừ trường hợp họ  quá vội vàng,  không cẩn thận.  Người ấy thấy được  chính xác  vì  đã trải qua một chương trình huấn luyện lâu dài về cách nhìn đúng đắn ở cõi trung giới.  Chính Chân Sư hoặc  những đệ tử cao cấp được Ngài giao phó, huấn luyện người sinh viên  bằng cách đưa mọi hình thể có  thể gây ảo ảnh cho người sinh viên nhìn, và trắc nghiệm xem anh ta thấy có  đúng không; mọi câu trả lời sai lầm đều được sửa chữa và giải thích lý do. Sự trắc nghiệm được lặp lại nhiều lần cho đến khi người sinh viên thấy thật đúng, và cảm thấy tự tin trong việc quan sát những hiện tượng cõi trung giới.

Sinh viên huyền môn không những phải học quan sát đúng đắn, mà còn phải học  cách diễn dịch chính xác  qua trí nhớ những điều đã thấy ở một cõi khác. Để đạt được điều này, người sinh viên phải học cách giữ  tâm thức  không gián đoạn từ cõi trần đến cõi trung giới hay thượng giới và ngược lại. Trước khi đạt  được  khả  năng  giữ  tâm thức liên tục, người ấy không thể nhớ lại đầy đủ, và  những  điều  đã thấy  được thường bị biến dạng do khoảng trống chia cắt giữa hai giai đoạn tâm thức của hai cõi khác nhau. Khi đạt được khả năng này một cách hoàn hảo, người sinh viên có thể sử dụng mọi quan năng thể vía, không những trong lúc ngủ hay xuất thần, mà cả lúc họ hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trần.

Một số học  giả  Minh  Triết Thiêng Liêng thường có thói quen khinh thường khi nói đến cõi trung giới,  và cho rằng  nó không đáng được chú ý đến; nhưng với tôi, đó  là một quan điểm sai lầm.  Chắc  hẳn mục  đích chúng ta nhắm đến là  sự sống của linh hồn, thật tai hại nếu người sinh viên quên mục đích cao  cả đó, mà chỉ bằng lòng dừng lại với tâm thức  cõi trung giới. Do nghiệp quả, một số  người có  thể phát  triển  những quan năng cao của thể trí trước, tạm thời vượt bỏ giai đoạn phát triển ở cõi trung giới, nhưng đó không phải là phương pháp thông thường được các  vị Chân Sư Minh Triết áp dụng cho đệ tử.

Có thể việc khai mở trước những quan năng thể trí không gây trở  ngại gì,  vì  cái cao  thường bao  gồm cái thấp, nhưng đối với phần đông chúng ta, sự tiến hóa nhảy vọt, đốt giai đoạn, có thể gây nhiều lỗi lầm tai hại; phương pháp tốt nhất là nên đi từ từ, từng bước một. Cõi trung giới ở kế cận cõi trần, và những kinh nghiệm đầu tiên về thế giới siêu hình thường có liên quan đến nó. Như thế, cõi trung giới rất quan trọng đối với người mới bắt đầu công việc nghiên cứu về thế giới vô hình. Khi biết rõ những điều bí  nhiệm của cõi trung giới,  chúng ta không những hiểu được nhiều hiện tượng khó giải thích ở các buổi chiêu hồn thuật, ở các căn nhà bị ma ám v.v… mà còn bảo vệ cho chính chúng ta và người chung quanh tránh khỏi những điều nguy hiểm.

Lần đầu tiên, con người có ý thức về cõi rộng lớn này theo nhiều  cách khác  nhau.  Một số  người,  trong suốt cuộc đời chỉ có một lần do vài ảnh hưởng bất thường, đã trở nên nhạy cảm và nhận thấy một người thuộc  cõi trung giới.  Vì  kinh nghiệm này không được lặp lại, theo thời gian họ nghĩ rằng điều mà họ thấy khi trước chỉ là ảo ảnh. Người khác thấy hoặc nghe được hiện tượng cõi vô hình ngày càng thường hơn,  trong khi những người chung quanh như mù và điếc đối  với những hiện tượng đó. Nhưng kinh nghiệm thông thường nhất đối với phần đông là bắt đầu nhớ lại càng ngày càng rõ ràng hơn những gì mình đã thấy và nghe ở cõi trung giới trong lúc ngủ.

Cần biết mỗi người chúng ta đều có tiềm năng nhận thức khách quan ở mọi cõi, nhưng phần đông nhân loại tiến hóa rất chậm chạp, phải một thời gian lâu dài tâm thức mới hoàn toàn linh hoạt ở những cõi cao. Đối với người trí thức thuộc những giống dân tiến hóa, tâm thức họ chẳng những có đủ khả năng ứng đáp được mọi rung động cõi trung giới,  mà còn có thể sử dụng thể vía như một dẫn thể, hay dụng cụ.

Phần đông chúng ta đều thức tỉnh ở cõi trung giới trong lúc thể xác đang ngủ,  tuy  nhiên  ta chỉ cảm nhận mơ hồ những gì xảy ra chung quanh. Vì trong lúc ngủ, ta vẫn bị bao phủ bởi những tư tưởng lúc  thức, những tính toán về công việc ở cõi trần, chẳng còn thì giờ để chú ý đến môi trường sống động ở trung giới. Để có thể hoạt động hữu hiệu ở cõi trung giới, trước tiên ta  phải loại bỏ  thói quen bận rộn của tư tưởng, và học cách quan sát thế giới mới lạ, đẹp đẽ ấy. Dù đã tự chủ hoàn toàn ở cõi trung giới, không nhất thiết là khi thức dậy ta có thể nhớ lại được những sinh hoạt ở cõi đó. Sự kiện nhớ lại được những gì xảy ra ở cõi trung giới trong lúc ngủ,  là một vấn đề hoàn toàn khác, và cũng không ảnh hưởng  gì đối với khả năng hoạt động ở cõi đó.

Trong số người tìm học về đề tài cõi trung giới, một số cố tập luyện phát triển nhãn thông trung giới bằng cách nhìn chăm chú vào một quả cầu thủy tinh, hoặc bằng những phương pháp khác,  trong khi một số người rất diễm phúc được  một vị thầy có khả năng hướng dẫn trực tiếp, sẽ thức tỉnh hoàn toàn ở cõi trung giới lần đầu tiên dưới sự bảo vệ đặc biệt của Ngài. Sau đó vị thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn học trò, cho  đến khi qua những cuộc  thử thách,  Ngài nhận thấy người  học trò chứng tỏ không còn sợ hãi và an toàn đối diện với những nguy hiểm có thể xảy ra. Dù bất cứ trường hợp nào, lần đầu tiên nhận thức thực sự mình đang ở giữa một thế giới rộng lớn, sống động mà phần đông con người vẫn hoàn toàn không ý thức, là một kinh nghiệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời.

Cuộc sống cõi trung giới rất phong phú và đa dạng, thường gây bối rối cho người mới đến lần đầu; dù với người có nhiều kinh nghiệm, cũng không dễ dàng phân loại và liệt kê thứ tự các sự việc ở cõi đó. Giống như người thám hiểm một khu rừng rậm miền nhiệt đới mà loài người chưa từng biết đến; sau đó được yêu cầu chẳng những kể lại các chi tiết chính xác về các loại thực vật  và khoáng sản,  mà còn liệt kê từng loài động vật, với vô số côn trùng, chim chóc, dã thú và loài  bò sát trong khu rừng, có thể người ấy sẽ e sợ trước công việc quá to lớn đó. Điều này cũng không thể so sánh được với  sự khó khăn và bối rối của người khảo sát tâm  linh  cõi trung  giới,  vì  cõi này phức tạp hơn nhiều. Trước hết là sự khó khăn trong vấn đề diễn dịch lại những gì  mà  người ấy  đã thấy  từ  cõi trung giới qua cõi trần. Khó khăn thứ nhì là ngôn ngữ thông thường hoàn toàn không thích ứng, cũng như không đầy đủ để diễn đạt những sự việc ở cõi trung giới.

Giống như công việc của người thám hiểm cõi trần, người thám hiểm cõi trung giới bắt đầu diễn tả tổng quát quang cảnh và đặc tính của nó. Như thế, chúng ta nên bắt đầu mô tả sơ lược cõi trung giới, cố  gắng đưa ra vài ý niệm về bối  cảnh cho những sinh hoạt kỳ diệu, luôn biến đổi của nó. Đây chỉ là bước đầu của một công việc khó khăn mà chúng ta  phải đối phó với vấn đề rất phức tạp  này.  Những người có khả năng nhãn thông cõi trung giới đều đồng ý rằng, diễn tả  cho người chưa có khả năng nhãn thông biết rõ quang cảnh sống động của cõi trung giới, cũng khó khăn như diễn tả cho một người khiếm thị biết được quang cảnh đầy màu sắc tuyệt đẹp buổi hoàng hôn. Như thế, dù diễn tả chi tiết  và công  phu, cũng không chắc người nghe nhận biết được hình ảnh đúng thật của nó.

 

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here