CHƯƠNG IV
NHỮNG HIỆN TƯỢNG (phần 2)
C. SỬ DỤNG NĂNG LỰC CÕI TRUNG GIỚI
1. Sự hiểu biết về năng lực và rung động:
Để hiểu được cách tạo ra một phần lớn những hiện tượng vật chất, ta cần biết rõ những năng lực khác nhau mà một người ở cõi trung giới có thể sử dụng được. Đây là một phần của đề tài mà ta khó nói rõ, vì nó được bảo vệ và hạn chế. Ta nên nhớ rằng trong nhiều khía cạnh, cõi trung giới được coi như phần nối tiếp cõi trần, và vật chất của nó có thể ví như ở thể dĩ thái (mặc dù ta không cảm nhận được chất dĩ thái, nhưng nó cũng thuộc cõi trần), điều này có thể giúp ta hiểu được bằng cách nào chúng lại hòa tan vào nhau được. Theo quan niệm của người Ấn về Jagrat, hay “trạng thái tỉnh thức” (the waking state), thì cõi trần và cõi trung giới được kết hợp nhau; như thế, bảy cảnh của “kết hợp” này tương đương với: bốn trạng thái của chất liệu vật chất, và ba nhóm rộng lớn của chất liệu trung giới như đã giải thích ở phần trước[32].
Với ý nghĩ ấy, ta dễ dàng tiến tới một bước xa hơn, và hiểu được thế nào là nhãn quan trung giới, hay sự nhận thức ở cõi trung giới; nói khác đi, là khả năng nhận thức được nhiều loại rung động với những tần số khác nhau. Một nhóm nhỏ rung động ảnh hưởng đến ta như âm thanh; một nhóm nhỏ rung động khác nhanh hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến ta như ánh sáng; một nhóm nhỏ khác như điện lực. Tuy nhiên, còn rất nhiều loại rung động trung gian không gây ảnh hưởng nào trên các giác quan của xác thân. Nếu hiểu được rằng tất cả, hay chỉ một số những rung động trung gian ấy, với những độ dài sóng (wave-length) khác nhau, đều có thể nhận biết được ở cõi trung giới, thì sự hiểu biết về thiên nhiên của chúng ta sẽ có nhiều tiến bộ, và ta có thể hiểu thêm nhiều điều mà cho đến nay vẫn còn ẩn giấu.
2. Nhãn Thông:
Việc chấp nhận một số các rung động đi xuyên qua chất đặc khá dễ dàng, giúp ta hiểu một cách khoa học về đặc tính của nhãn quan dĩ thái (etheric vision). Đối với nhãn thông, hay nhãn quan cõi trung giới (astral sight), lý thuyết về chiều đo thứ tư giải thích rõ ràng và đầy đủ hơn. Khi có được nhãn thông cõi trung giới, con người sẽ làm được nhiều việc đối với chúng ta có vẻ phi thường, thí dụ như: đọc được một đoạn trong quyển sách khép kín, đọc được tư tưởng, nhất là khi tư tưởng ảnh hưởng đến cảm xúc. Hơn nữa, nếu khả năng ấy được kết hợp với hiểu biết về sự phóng chiếu của các dòng lưu chuyển trung giới, thì ta có thể quan sát được một vật thể ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Như thế, nhiều hiện tượng nhãn thông có thể giải thích được mà không cần nâng tâm thức lên cõi trung giới. Nếu muốn nghiên cứu tường tận hơn vấn đề này, nên xem quyển “Nhãn Thông” do tôi biên soạn, sách ấy liệt kê, giải thích, và có nhiều thí dụ về các loại nhãn thông.
3. Tiên tri và nhãn quan thứ hai:
Loại nhãn thông chính xác, được huấn luyện, đáng tin tưởng hoàn toàn, là một khả năng khác hẳn, thuộc về cõi cao hơn cõi trung giới, nên không được đề cập trong quyển sách này. Khả năng tiên đoán chính xác cũng thuộc về cõi cao hơn, tuy có những lúc nó lóe lên, hay phản ảnh xuống, và có thể nhận thấy được bởi nhãn quan trung giới. Đặc biệt ở những người có đầu óc đơn giản, trong những điều kiện thích hợp, sự thấy này được gọi là “nhãn quan thứ hai”, thường gặp ở người dân miền cao nguyên xứ Tô Cách Lan (Scotland).
Một sự kiện khác cần biết là, bất cứ cư dân có trí khôn nào ở cõi trung giới, chẳng những có thể nhận biết các rung động của dĩ thái, mà còn có thể học cách sử dụng chúng theo ý muốn.
4. Năng lực cõi trung giới (Astral forces):
Trong thời hiện tại, những năng lực siêu nhiên và các phương pháp sử dụng chúng là những đề tài không thể viết rõ trong một quyển sách dành cho công chúng, dù ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa nhân loại sẽ biết cách sử dụng một hoặc hai loại năng lực ấy. Để không vượt khỏi giới hạn được cho phép, ta chỉ đề cập một cách đại cương về cách thức mà vài hiện tượng được tạo ra.
Người đã từng chứng kiến những hiện tượng trong các buổi giáng thần có thể thấy bằng chứng hiển nhiên về năng lực mạnh mẽ được sử dụng, thí dụ như dời chỗ một vật rất nặng. Với óc khoa học, người ta tự hỏi năng lực ấy từ đâu mà có và tác động như thế nào? Có nhiều cách thực hiện những hiện tượng cõi trung giới, nhưng nơi đây chúng ta chỉ liệt kê bốn phương cách tiêu biểu.
- Dòng lưu chuyển dĩ thái (Etheric currents): Có những dòng lưu chuyển vĩ đại của chất dĩ thái luôn lướt trên bề mặt địa cầu, từ cực này đến cực kia, khối lượng của dòng lưu chuyển này tạo nên một sức mạnh không cưỡng lại được như dòng thủy triều đang lên. Có những phương pháp an toàn để sử dụng năng lực kỳ diệu này, nhưng những toan tính vụng về để sử dụng nó có thể đưa đến những hậu quả nguy hiểm đáng sợ.
- Áp lực dĩ thái (Etheric pressure): Có thể nói áp lực dĩ thái tương tự như áp lực không khí, nhưng lớn hơn rất nhiều. Trong đời sống bình thường tuy ta ít chú ý đến những áp lực này, nhưng nó vẫn hiện tồn. Nếu khoa học có thể rút hết dĩ thái ra khỏi một khoảng không gian nào đó, như đã làm được với không khí và tạo nên khoảng “chân không”, thì sẽ nhận rõ áp lực của nó. Việc này rất khó làm, vì chất dĩ thái tự do xuyên thấm mọi trạng thái vật chất đậm đặc hơn nó. Cho đến nay các nhà vật lý học chưa tách riêng được chất dĩ thái ra khỏi những chất khác, nhưng các huyền bí gia đã làm được việc ấy, và có thể sử dụng được áp lực mạnh mẽ của dĩ thái.
- Năng lực tiềm ẩn (Latent energy): Có một kho dự trữ to lớn năng lực tiềm ẩn, năng lực này ngủ yên trong vật chất suốt thời gian tiến hóa hướng hạ, từ thanh nhẹ xuống trọng trược. Do sự thay đổi trạng thái của vật chất, vài năng lực ấy có thể được phóng thích và sử dụng, thí dụ như năng lực tiềm ẩn dưới hình thức sức nóng có thể được phóng thích khi trạng thái của vật chất thay đổi.
- Sự rung động đồng cảm (Sympathetic vibration): Năng lực gây ra do sự rung động đồng cảm cho những kết quả rõ rệt. Những thí dụ lấy từ cõi vật chất thường chỉ áp dụng được một phần và không làm sáng tỏ hiện tượng cõi trung giới. Tuy nhiên khi mô tả hai sự việc đơn giản trong đời sống hàng ngày, có thể cho chúng ta thấy rõ được phần nào năng lực này.
Ta biết khi một trong những sợi dây của cây đàn thụ cầm (harp) được khảy lên cho rung động thật mạnh, sẽ gây nên những rung động đồng cảm ở những sợi dây tương đồng của bất cứ cây đàn thụ cầm nào khác đặt chung quanh nó, nếu những sợi dây ấy được điều chỉnh cùng một độ căng. Ta cũng biết khi một đạo quân lớn đi bộ qua một chiếc cầu treo, họ phải bỏ ngay bước đi đồng nhịp, vì bước đi đồng nhịp của nhiều người sẽ tạo nên sự rung động trong chiếc cầu, và sự rung động này càng lúc càng tăng cường lên với mỗi nhịp đi, cho đến lúc nó vượt quá sức đề kháng của vật liệu làm cầu, thì cầu có thể bị sập.
Hai thí dụ trên cho ta hiểu thêm về tầm quan trọng của sự tạo ra rung động, và chủ âm (keynote) của mỗi loại vật chất. Một người có thể phát ra một chủ âm và tạo ra một số rất lớn những rung động đồng cảm. Khi việc ấy được thực hiện ở cõi trần, thì không có sự phát triển thêm năng lượng. Nhưng chất liệu cõi trung giới linh hoạt hơn vật chất cõi trần, khi những rung động đồng cảm tác động lên nó, năng lực sống động của chất liệu này sẽ thêm vào xung lực tác động ban đầu, làm tăng thêm sức mạnh gấp nhiều lần. Với sự lặp lại các rung động ban đầu một cách nhịp nhàng, như trường hợp bước chân của những binh sĩ trên cầu, sự rung động có thể được tăng cường đến độ cho ra kết quả vượt mức so với nguyên nhân. Thật vậy, không thể nào định được giới hạn năng lực này khi nó được sử dụng bởi những vị Chân Sư cao cả đã hoàn toàn nắm vững nguyên lý đó. Chính sự thành lập vũ trụ cũng là kết quả của rung động phát xuất từ “Lời Nói” (Spoken Word).
Thần chú (mantras or spells): có những loại thần chú tạo ra kết quả không phải do sự kiểm soát vài loài tinh linh, mà do sự lặp lại vài âm thanh đặc biệt, sự hiệu nghiệm ấy cũng tùy thuộc vào tác động của rung động đồng cảm.
5. Sự phân tán vật thể (Disintegration):
Hiện tượng phân tán vật thể cũng có thể do tác động của những rung động cực nhanh, tạo ra một lực vượt quá lực kết hợp những phân tử của vật thể, cho ra những phân tử rời rạc nhau. Có một loại rung động khác thuộc cấp độ cao hơn, làm tách rời những phân tử này, cho ra những nguyên tử cấu tạo cơ bản. Bằng cách ấy một cơ thể được thu về tình trạng dĩ thái, có thể di chuyển rất nhanh theo dòng lưu chuyển trung giới từ nơi này đến nơi kia; khi năng lực tác động rút lui thì áp lực dĩ thái sẽ làm nó trở về trạng thái cũ.
Tân sinh viên huyền môn cảm thấy khó hiểu, làm sao vật bị phân tán, khi hồi phục trở lại còn giữ đúng hình thể cũ? Như một vật bằng sắt, thí dụ cái chìa khóa, bị nung chảy và nâng lên thành thể hơi do sức nóng, khi sức nóng rút đi, thì nó sẽ trở lại thành thể đặc, nhưng không phải là cái chìa khóa nữa, mà chỉ là một mảnh sắt. Luận cứ này cũng có lý, nhưng phương pháp loại suy không vững chắc. Loài tinh hoa chất thấm nhuần chất sắt của chìa khóa đã bị phân tán do điều kiện thay đổi, không phải vì tinh chất ấy bị ảnh hưởng bởi sức nóng, nhưng khi thể tạm thời của nó bị hủy hoại (thể đặc), nó trở về kho dự trữ to lớn của cùng loại tinh chất; dù không bị hủy hoại bởi sức nóng, nó vẫn buộc phải rút ra khỏi thể vật chất đang bị lửa hủy hoại.
Khi chìa khóa nguội lại và trở về thể đặc, thì tinh hoa chất thuộc thể đặc quay trở lại sẽ không đúng y như trước, và như thế sẽ không có lý do gì để giữ được hình dạng cũ. Nếu dùng phương pháp phân tán để đem chìa khóa theo dòng lưu chuyển trung giới từ nơi này đến nơi kia, ta phải cẩn thận giữ cùng tinh hoa chất trong cùng hình dạng, cho đến khi sự di chuyển hoàn tất. Khi lực ý chí rút đi, thì tinh hoa chất này sẽ làm phận sự như một cái khuôn để tiếp nhận sự đông đặc lại của những phân tử chất sắt, và ta có cái chìa khóa giữ nguyên hình dạng như cũ, trừ khi năng lực tập trung của người đang tạo hiện tượng bị mất đi giữa chừng.
Bằng cách này mà trong những buổi giáng thần tâm linh, những đồ vật được dời đi tức khắc với một khoảng cách rất xa. Khi được phân tán, đồ vật có thể dễ dàng đi xuyên qua bất cứ chất đặc nào, như: mặt của một cái hộp khóa kín, bức tường nhà; sự kiện này thường được gọi là “vật chất xuyên thấu vật chất”. Khi hiểu nguyên tắc này, ta thấy sự kiện đơn giản như nước chảy qua sàng lược, hay chất hơi xuyên qua chất lỏng trong những thí nghiệm hóa học.
6. Sự hiện hình (Materialiazation):
Khi biết một vật có thể được biến đổi từ thể đặc sang thể dĩ thái bằng cách thay đổi các rung động, ta dễ dàng hiểu tiến trình ngược lại của sự biến đổi từ chất dĩ thái sang chất đặc. Một hiện tượng được giải thích bằng sự phân tán vật thể, hiện tượng ngược lại được giải thích bằng sự “vật chất hóa” hay “sự hiện hình”. Trong trường hợp phân tán vật thể, cần cố gắng liên tục của ý chí để ngăn giữ vật thể không cho nó trở lại hình dạng ban đầu; trường hợp hiện hình cũng giống như thế, cần một cố gắng liên tục để ngăn cản vật thể đang hiện ra, không trở lại thể dĩ thái.
Ở các buổi giáng thần bình thường, sự hiện hình được thực hiện nhờ mượn chất liệu từ thể phách của người đồng, sự kiện này làm tổn hại sức khỏe của người đồng và cũng không tốt đẹp về nhiều phương diện khác. Trong trường hợp này, hình thể hiện ra thường ở gần bên người đồng, có một lực luôn lôi kéo trở về cái thể từ đó nó xuất phát, do đó hình hiện ra không giữ được lâu. Khi hình hiện ra tan biến thì chất liệu tạo ra nó trở về thể dĩ thái và quay lại ngay với thể phách người đồng.
Có vài trường hợp thật rõ ràng là hình hiện ra bằng chất liệu vật chất đậm đặc, chất liệu này được mượn tạm từ cơ thể người đồng, hiện tượng này khó giải thích hơn. Chính tôi đã chứng kiến sự việc như vậy, với bằng chứng là sức nặng của cơ thể người đồng bị giảm rõ rệt. Có những trường hợp tuơng tự được kể lại trong quyển sách của Đại Tá Olcott “Con Người Từ Thế Giới Khác” (People from Other World), và trong quyển sách của M. A. Aksakow “Một Trường Hợp Phân Tán Vật Thể” (Un Cas de Dematerialization). Một trường hợp khác rất đáng chú ý được bà Esperance kể lại trong quyển “Thế Giới Của Bóng Tối” (Shadowland).
Có câu hỏi là: vì sao sự hiện hình trong những buổi giáng thần cần phải có bóng tối? Những thực thể điều khiển buổi giáng thần cảm thấy dễ chịu hơn nếu căn phòng ở trong bóng tối hay được che bớt ánh sáng, vì năng lực của chúng thường không thể duy trì được hình hiện ra hay chỉ một bàn tay hiện ra, lâu quá vài giây giữa sự rung động quá mạnh của ánh sáng chói.
7. Chụp ảnh bóng ma:
Những người thường xuyên tham dự các buổi giáng thần, đều ghi nhận có ba loại hiện hình: thứ nhất là hình hiện ra có thể đụng chạm, nhưng không thấy được; thứ hai là có thể nhìn thấy, nhưng không sờ đụng được; thứ ba là hình hiện ra có thể nhìn thấy và sờ đụng được. Loại thứ nhất rất thường gặp, có “bàn tay vô hình” sờ vào mặt những người hiện diện, hoặc di chuyển đồ vật nhỏ trong phòng, và cũng có thể phát ra tiếng nói. Trường hợp này “kẻ vô hình” sử dụng một loại chất liệu không phản chiếu và cũng không cản ánh sáng, nhưng trong một số điều kiện nó có thể tạo ra những rung động trong bầu không khí để phát ra thành tiếng nói. Một biến thể của loại hiện hình này, dù không phản chiếu ánh sáng để có thể thấy được, nhưng có thể ảnh hưởng đến các tia cực tím, do đó đã để lại ít nhiều dấu vết trên phim ảnh, và tạo thành những “hình ảnh bóng ma”.
Khi năng lực không đủ để tạo ra sự hiện hình hoàn hảo, ta thấy hình ảnh mờ ảo thuộc loại thứ hai, khi ấy “vong linh” thường báo với các người tham dự là không được đụng chạm vào hình hiện ra. Loại hiện hình thứ ba ít khi xảy ra, trong trường hợp này, thực thể có đủ năng lực để giữ cho hình thể hiện ra trong một lúc, hình thể này có thể thấy và sờ đụng được.
Khi vị Chân Sư hay đệ tử thấy cần thiết để cho thể trí hay thể vía hiện hình, họ không rút chất dĩ thái từ thể phách của chính họ hay của bất cứ người nào khác, vì họ biết phương pháp rút trực tiếp chất liệu từ môi trường dĩ thái bao quanh.
8. Nhân đôi vật thể (Reduplication):
Hiện tượng này được thực hiện bằng cách tạo ra một hình ảnh trong trí giống y như vật muốn sao, để làm thành cái khuôn, và gom góp các chất liệu cần thiết thuộc cõi trung giới và cõi trần cho vào cái khuôn đó. Muốn làm được như vậy, mọi phân tử từ bên trong lẫn bên ngoài phải được giữ vị trí chính xác, do đó cần đến khả năng tập trung cao độ mới thực hiện được. Những người không đủ khả năng rút chất liệu trực tiếp từ dĩ thái chung quanh, đôi khi mượn chất liệu từ vật thể mẫu, trong trường hợp này vật mẫu sẽ bị giảm trọng lượng.
9. Sự kết tụ (Precipitation):
Một số sách Thông Thiên Học có đề cập đến sự kết tụ, làm xuất hiện chữ và hình ảnh trên giấy. Sự kiện này có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Vị Chân Sư muốn viết cho một người, có thể đặt tờ giấy ở trước mặt, tạo nên hình ảnh thể trí những chữ muốn viết, và rút từ dĩ thái các chất liệu để cụ thể hóa những dòng chữ ấy. Ngài cũng có thể tạo ra kết quả y như vậy trên một tờ giấy đặt trước mặt người mà Ngài muốn gởi tới, dù ở cách Ngài rất xa.
Phương pháp thứ ba, thường được áp dụng hơn vì nó tiết kiệm được thời giờ, bằng cách gieo ấn tượng toàn bộ bức thư lên thể trí của một đệ tử, và để cho người đệ tử làm công việc kết tụ bức thư. Người đệ tử đặt tờ giấy trước mặt, tưởng tượng thấy các chữ viết do chính bàn tay Đức Thầy, và thực hiện việc kết tụ như được mô tả ở trên. Nếu đệ tử cảm thấy khó khăn vì phải thực hiện hai việc cùng một lúc: rút chất liệu từ dĩ thái bao quanh và kết tụ nó trên tờ giấy, người ấy có thể để một ít mực viết hay ít bột màu trên bàn, sẵn sàng được rút ra khi cần.
Quyền năng này nếu ở trong tay những người thiếu đạo đức sẽ là một khí giới nguy hiểm, vì họ có thể bắt chước chữ viết của người khác mà không cách nào khám phá được sự giả mạo. Một đệ tử có liên hệ mật thiết với Đức Thầy, luôn luôn có cách trắc nghiệm để biết xem những bức thư gởi cho họ có phải từ Đức Thầy hay không. Còn đối với những người khác, bằng chứng về nguồn gốc của bức thư chỉ có thể dựa vào nội dung và “mùi vị tinh thần” của bức thư, chứ không thể dựa vào nét chữ để khám phá là thật hay giả, vì nét chữ có thể bị giả mạo giống hệt.
Một đệ tử mới học cách sử dụng năng lực kết tụ, mỗi lúc chỉ có thể tuởng tượng ra vài chữ, cho nên sử dụng năng lực kết tụ này còn chậm hơn viết bức thư theo lối thông thường. Nhưng người có nhiều kinh nghiệm, có thể hình dung trong trí trọn một trang hoặc trọn cả bức thư, sẽ làm công việc dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều. Bằng cách ấy, ở các buổi giáng thần những bức thư thật dài được thể hiện trong vài giây.
Phương pháp kết tụ một bức hình cũng giống như thế, nhưng điều tuyệt đối quan trọng là toàn cảnh phải được hình dung trong trí cùng một lúc. Nếu bức tranh càng có nhiều màu sắc thì công việc càng phức tạp hơn, vì phải giữ cho chúng không trộn lẫn nhau, và tạo trở lại chính xác các sắc thái của màu trong bức tranh. Về phương diện này cần phải có năng khiếu của họa sĩ, vì thế, không phải bất cứ cư dân nào ở cõi trung giới cũng có khả năng kết tụ một bức tranh đẹp như nhau. Một họa sĩ có tài, lúc còn sống đã có đôi mắt nghệ thuật, khi đến cõi trung giới sẽ thành công hơn người bình thường trong việc kết tụ một bức tranh đẹp.
10. Viết lên bảng đá (Slate-writing):
Trong những điều kiện trắc nghiệm, vài đồng tử đã trở nên nổi tiếng nhờ viết chữ lên bảng đá[33]. Việc trắc nghiệm như sau: một mảnh bút chì được đặt giữa hai tấm bảng đá có khoảng cách rất hẹp, chỉ đủ cho một bàn tay tâm linh hiện hình sử dụng để viết.
11. Thuật khinh thân (Levitation):
Thuật khinh thân thường được thực hiện bởi các nhà yogi Đông Phương, và đôi khi cũng xảy ra ở các buổi giáng thần; đó là cách làm cho xác thân con người nâng cao lơ lửng trong không khí. Ở một buổi giáng thần, chắc chắn là đồng tử được một bàn tay tâm linh nâng lên cao. Để thực hiện việc này, còn một cách khác khoa học hơn, thường được dùng ở Đông Phương và đôi khi ở Tây Phương. Khoa học huyền bí biết rõ cách trung hòa, hay làm đảo ngược hoàn toàn sức hút của trọng lực, nếu biết cách sử dụng khéo léo năng lực ấy thì mọi hiện tượng về khinh thân đều được thực hiện dễ dàng. Do sự hiểu biết về bí mật này mà ở châu Atlantis và Ấn Độ thời cổ, đã làm được những phi thuyền bay lên không trung và được điều khiển đến mục đích. Cũng có thể sự hiểu biết ấy đã giúp con người nâng cao các khối đá vĩ đại được dùng trong các công trình kiến trúc khổng lồ như kim tự tháp ở Ai Cập và cánh đồng đá (Stonehange) ở Anh Quốc.
12. Ánh sáng ma (Spirit lights):
Với sự hiểu biết về các năng lực thiên nhiên, và với những phương tiện cũng như năng lực cõi trung giới, cư dân cõi này có thể dễ dàng tạo ra hiện tượng “ánh sáng ma”. Nó có thể là ánh sáng dịu của lân tinh (phosphorescent) hay như điện xẹt làm chói mắt, hoặc có thể là những đốm lửa lạ lùng bay nhảy do vài loại tinh linh lửa tự biến hiện ra. Vì mọi loại ánh sáng đều do sự rung động của dĩ thái, nên bất cứ ai biết cách điều khiển các rung động ấy đều có thể tạo ra mọi loại ánh sáng theo ý muốn.
13. Nắm lửa trong tay (Handling fire):
Do sự trợ giúp của loài tinh hoa chất dĩ thái (etheric elemental essence) một người có thể nắm lửa trong tay mà không bị cháy bỏng, ngoài ra cũng có nhiều cách khác để làm được việc này. Khi bàn tay của người đồng hoặc của người tham dự buổi giáng thần được bao bọc bởi một lớp mỏng chất dĩ thái kỵ lửa, thì họ có thể an toàn khi cầm hòn than đang cháy hay một thanh sắt nung đỏ.
Ngoài những năng lực đặc biệt được kể trên, nguyên tắc đòn bẩy thông thường cũng hay được sử dụng để tạo vài hiện tượng nho nhỏ như: gõ nhịp lên bàn, hay làm nghiêng cái bàn. Trong trường hợp này, điểm tựa là cơ thể người đồng và đòn bẩy là một thanh ngoại chất (ectoplasm) phóng ra từ người đồng. (xin xem quyển “Cơ Cấu Tâm Linh” (Psychic Structures) của Dr. W. J. Crawford).
14. Biến chất (Transmutation):
Chúng ta đã đề cập hầu hết các hiện tượng xảy ra trong các buổi giáng thần, còn hai hiện tượng hiếm thấy hơn ở ngoài đời cần được đề cập nơi đây, đó là sự biến chất và sự phản hưởng. Làm biến chất các kim loại là một vấn đề mà những nhà luyện kim (Alchemists)[34] thời trung cổ mơ ước. Trong nhiều sách mô tả về thuật luyện kim, thật ra họ chỉ đưa ra những biểu tượng cho việc làm trong sạch hóa linh hồn. Tuy nhiên, có vài bằng chứng cho thấy những nhà luyện kim có thể đã thành công trong việc làm này. Hiện nay có những thuật sĩ Đông Phương tự nhận là có thể làm việc ấy dưới những điều kiện trắc nghiệm. Khoa học hiện đại cũng làm nhiều thí nghiệm theo chiều hướng ấy và có thể sẽ thành công với thời gian. Vì nguyên tử căn bản (ultimate atom) của mọi chất liệu là một, chỉ có cách sắp xếp khác nhau để tạo ra các loại vật chất khác nhau. Một người có năng lực phân tán một mảnh kim loại đến trạng thái nguyên tử, sau đó sắp xếp chúng lại theo hình thức khác, thì có thể biến đổi kim loại ra bất cứ thứ gì khác.
15. Sự phản hưởng (Repercussion):
Nguyên lý của sự rung động đồng cảm đã được đề cập ở trên, có thể dùng để giải thích hiện tượng ít được biết đến, đó là hiện tượng phản hưởng. Trong hiện tượng này, những dấu vết hoặc thương tích gây ra trên cơ thể hiện hình, sẽ gây ra trên chính thể xác của người ấy. Ta có thể thấy những dấu tích của hiện tượng này trong các vụ xử phù thủy thời trung cổ. Những mẩu chuyện ấy thường ghi lại rằng một vài vết thương gây ra cho người phù thủy đang đội lốt chó hay sói, sẽ được tìm thấy trên phần cơ thể tương ứng của chính người phù thủy. Hiện tượng giống như thế cũng đôi khi xảy ra trong các buổi giáng thần, và đã gây nên những cáo buộc oan ức về gian lận cho đồng tử. Người ta đã thoa một chất màu lên bàn tay của “vong linh hiện hình”, sau đó lại thấy vết màu trên bàn tay của người đồng. Trường hợp này, cũng như những trường hợp khác cùng loại, được giải thích như sau: hình hiện ra của vong linh là thể phách của người đồng, được một năng lực mượn và biến dạng thành một hình khác. Sự kiện là thể xác và thể phách liên hệ nhau rất chặt chẽ, nên khi đụng vào “chủ âm” của thể này sẽ tức khắc gây nên những rung động tương ứng nơi thể kia.
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – (Trọn bộ)
- Download ebook sách Cõi Âm Toàn Tập (Cõi Trung Giới) – tác giả: C. W. LEADBEATER – file pdf
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 5 (Kết thúc)
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 4 phần 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 4 phần 1
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 4
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 3
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 1
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 1