CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 2

0
225

CHƯƠNG II

QUANG CẢNH CÕI TRUNG GIỚI

 

Trước hết ta cần biết cõi trung giới được chia thành bảy cảnh[5], mỗi cảnh được cấu tạo  bằng chất liệu có độ đậm đặc và trạng thái riêng. Vì không đủ từ ngữ,  chúng  ta  phải gọi cảnh này  “cao” hay “thấp” hơn cảnh kia, nhưng không phải những cảnh này tách rời nhau, chiếm vị trí riêng biệt trong không gian,  chồng chất  lên nhau như một kệ sách, hoặc bao bọc nhau như những lớp vỏ của một củ hành, mà chất liệu của mỗi cõi hay mỗi cảnh đều xuyên thấm vào những cõi hay cảnh thấp hơn nó. Như thế, tất cả mọi cõi và cảnh đều hiện tồn trên mặt đất chúng ta đang sống, dù chất liệu của cõi cao hơn thì vươn ra xa hơn khỏi mặt đất so với cõi thấp hơn.

Khi nói một người tiến lên từ một cõi hay cảnh này đến một cõi hay cảnh khác, ta biết rằng không phải người ấy di chuyển trong không gian, mà người ấy chỉ chuyển di tâm thức từ mức độ này đến mức độ khác. Dần dần người ấy không còn đáp ứng những rung động của một loại vật chất thấp, và bắt đầu đáp  ứng những rung động của loại vật chất  cao hơn và thanh nhẹ hơn. Như thế, quang cảnh và cư dân của một thế giới dần dần phai mờ trước thị giác  của họ, thay  vào đó một thế giới khác thanh cao hơn hiện ra.

Có một quan điểm biện minh cho cách dùng từ “cao hơn”  hay  “thấp  hơn”,  và  so sánh những cõi và cảnh như những lớp vỏ đồng tâm. Trên mặt đất có  chất liệu của tất  cả các cõi và cảnh, nhưng cõi trung giới rộng lớn hơn cõi trần rất nhiều và lan rộng ra hàng ngàn dặm khỏi mặt đất. Định luật về trọng lực[6] cũng tác  dụng đối với chất liệu  cõi trung giới, nếu không bị khuấy động, nó sẽ lắng  đọng và sắp  xếp  thành  những lớp  vỏ đồng tâm. Nhưng quả đất luôn di động, tự xoay quanh nó và xoay quanh mặt trời, thêm vào đó mọi ảnh hưởng và mọi lực liên tục tác động lên nó, nên tình trạng yên tĩnh lý tưởng không bao giờ có được,  và các  chất liệu  pha trộn lẫn nhau. Dù có sự pha trộn, nhưng thật sự khi càng lên cao thì chất liệu thô kệch, nặng nề càng ít đi.

Sự tương đồng này khá rõ rệt ở cõi trần: đất, nước, không khí (chất đặc, chất lỏng, chất hơi) đều hiện diện trên mặt đất. Nhưng chúng ta có thể nói một cách tổng quát là chất đặc ở thấp nhất, kế đến là chất lỏng, và cao hơn là chất hơi.  Nước và không khí xuyên thấm vào trong đất đến một mức độ nào đó. Nước bốc  hơi lên thành những đám mây trên  không, nhưng chỉ đến một độ cao giới hạn. Chất  đặc  cũng  có thể được phóng lên cao trong bầu không khí bởi những rung chuyển mãnh liệt, như ngọn núi lửa Krakatoa bùng nổ vào năm 1883. Khi ấy tro bụi của núi lửa bay cao đến 17 dặm (hơn 27 cây số), và phải mất ba năm mới lắng đọng hết lại.  Do  sự bốc  hơi,  nước  được  đưa lên cao và trở lại mặt đất bằng những cơn mưa. Càng lên cao không khí càng loãng, và sự kiện này cũng đúng đối với chất liệu cõi trung giới.

Cõi trung giới rất rộng lớn, chúng ta chỉ có thể phỏng định một cách gần đúng, khi nói ranh giới của nó chạm mặt trăng khi mặt trăng ở vào điểm gần trái đất nhất, nhưng không chạm đến mặt trăng khi mặt trăng ở vào điểm xa trái đất nhất[7]. Lẽ dĩ nhiên ranh giới ấy chỉ dành cho chất liệu thanh nhẹ nhất của cõi trung giới.

Hãy đếm các cảnh của cõi trung giới từ cảnh  cao  nhất  với chất liệu thanh nhẹ nhất, xuống cảnh thấp nhất với chất liệu thô kệch nhất, ta sẽ thấy chúng chia ra ba nhóm một cách tự nhiên: nhóm một gồm cảnh 1,2,3; nhóm hai gồm cảnh 4,5,6; nhóm ba chỉ có  cảnh số  7, là cảnh thấp nhất. Sự khác  biệt về chất liệu cấu tạo giữa nhóm này với nhóm kia có thể  ví như sự khác biệt giữa chất đặc  và  chất  lỏng;  trong  khi sự khác biệt về chất liệu cấu tạo giữa những cảnh trong cùng một nhóm có thể ví như sự khác biệt giữa hai loại chất đặc, thí dụ như thép và cát. Trừ cảnh thứ 7, ta có thể nói nhóm cảnh 4, 5, 6 của cõi trung giới có bối cảnh liên hệ đến cõi trần mà chúng ta đang sống với đầy đủ mọi vật thể quen thuộc. Đời sống ở cảnh thứ sáu không khác gì với đời sống bình thường ở cõi trần, ngoại trừ không có xác thân và những nhu cầu. Khi lên đến cảnh thứ năm và thứ tư thì mức độ vật chất càng lúc càng ít đi, và con người càng tách rời khỏi thế giới thấp và ảnh hưởng của nó.

Như thế, cảnh vật ở những cảnh thấp này giống  như  ở  cõi trần,  nhưng  trên thực tế nó có nhiều phương diện hơn, nhất là khi ta nhìn nó từ một khía cạnh khác. Với thị giác thể vía, dù nhìn một vật thể ở cõi trần cũng thấy nó hoàn toàn khác. Như đã nói qua ở phần trước, người có nhãn thông cõi trung giới nhìn thấy đồ vật cùng lúc từ mọi phía, chính ý niệm này cũng đủ làm cho người thường bối rối và lẫn lộn. Thêm vào đó, người có  nhãn thông cũng thấy được rõ ràng mọi phần tử bên trong của đồ vật. Như thế,  dù đối với một vật  rất  quen thuộc, người chưa có kinh nghiệm vừa mới gặp nó có thể không nhận ra được.

Tuy nhiên khi đã quan sát quen, ta sẽ biết rằng  thị giác  cõi trung  giới xác thực hơn thị giác cõi trần. Thí dụ ở cõi trung giới, ta nhìn thấy mọi mặt của một khối vuông[8] thủy tinh đều bằng nhau — đúng như sự thật — trái lại ở cõi trần,  theo viễn cảnh, ta thấy mặt ở xa nhỏ hơn mặt ở gần, và đó chỉ là ảo giác. Do  đặc tính này mà một số tác  giả cho rằng thị giác cõi trung giới thuộc chiều đo thứ tư, cách mô tả này rất gợi ý.

Ngoài ra còn những nguyên nhân khác gây lầm lẫn, làm cho vấn đề càng thêm phức  tạp,  như  thị giác  ở cõi cao có thể nhận thấy hình thể bằng những chất liệu thuộc  vật  chất thuần  túy  tạo ra chúng, mà trong điều kiện bình thường, thị  giác cõi trần không nhận thấy được. Thí dụ về  các  chất  này  là những thành phần tạo ra bầu khí quyển như: những loại bốc hơi[9] phát ra từ mọi sinh vật, và bốn cấp độ chất liệu rất thanh  nhẹ  thuộc  cõi trần mà ta thường gọi là chất dĩ thái[10]. Các chất dĩ thái thuộc một hệ thống riêng, chúng có thể xuyên thấm dễ dàng vào  mọi chất liệu khác  thuộc cõi trần. Sự quan sát những rung động và đặc tính của chúng khi bị tác động bởi những năng  lực  cao, là một ngành nghiên  cứu rộng lớn và hấp dẫn đối với người sở hữu khả năng nhãn thông và có tinh thần khoa học.

Dù với sự tưởng tượng và nắm vững trọn vẹn các sự kiện được  mô  tả,  ta cũng chưa hiểu được phân nửa vấn đề  phức tạp này. Vì ngoài những hình thể mới thuộc vật chất cõi trần,  còn có  nhiều vật thể rất phức tạp ở cõi trung giới. Trước hết nên ghi nhớ rằng mỗi vật thể ở cõi trần cũng như mỗi thành phần  của  nó,  đều có một đối phần hay phó bản[11] ở cõi trung giới, các phó bản này không phải là một hình thể đơn giản, mà rất phức tạp và được cấu tạo bởi nhiều chất liệu khác nhau của cõi trung giới. Hơn nữa, mỗi sinh vật được bao bọc bởi một bầu không gian riêng, thường được gọi là hào quang; riêng hào quang của con người, là một  đề tài rất  hấp  dẫn để nghiên  cứu.  Hào quang của con người giống như một khối sương mù hình bầu dục sáng chói, cơ cấu rất  phức tạp, vì nó giống hình trứng nên thường  được gọi là noãn hào quang[12].

Độc giả Thông Thiên Học có lẽ  rất  hài lòng khi biết  rằng dù ở giai đoạn đầu của sự phát triển,  khi bắt đầu sở đắc khả năng nhãn thông,  người đệ tử có thể quan sát trực tiếp  để bảo đảm tính xác  thực của những giáo  lý do bà Blavatsky, vị sáng lập viên vĩ đại hội Thông Thiên Học chỉ dạy, nhất là những đề tài liên quan đến bảy thể của con người. Khi nhìn một người, đệ tử không chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài của họ, mà còn thấy rõ thể phách và sinh lực[13] đang được  hấp thụ. Sinh lực này được chuyên biệt hóa và lưu chuyển như một luồng sáng màu hồng đi khắp cơ thể; ở người khoẻ mạnh, sinh lực này tỏa ra chung quanh cơ thể với hình dạng thường thay đổi.

Phần sáng chói và dễ thấy nhất của hào quang được  cấu tạo  bằng  chất  liệu thanh nhẹ cõi trung giới, phần này rất sinh động, màu sắc luôn thay  đổi do  những ham muốn khác  nhau  xuất hiện từng lúc xuyên qua trí óc con người, phần này chính là thể vía. Phần kế gồm những chất liệu thanh nhẹ hơn thuộc  những  tầng lớp  sắc tướng cõi thượng giới,  đó là thể trí hay hào quang của hạ trí. Màu sắc của hào quang  hạ  trí  thay  đổi  chậm  theo nếp sống con người, nó biểu lộ khuynh hướng tư tưởng, tính tình và đặc tính riêng của họ.  Cao  hơn nữa và rất đẹp đẽ, là ánh sáng sống động của nhân  thể (causal body), thể này thuộc chân ngã và được phát triển ở người tiến  hóa cao; nhân  thể biểu lộ  giai đoạn phát triển của chân ngã xuyên qua các kiếp luân hồi. Để thấy được các thể ấy, đệ tử phải khai mở nhãn thông đến cõi của nó.

Sinh viên huyền môn sẽ bớt gặp trở ngại, nếu họ biết hào quang không chỉ là  sự “phát xuất”,  mà còn là sự biểu lộ trung thực của linh hồn ở những cảnh giới liên hệ; họ cũng cần hiểu chính chân ngã là con người thật, chứ không phải  những thể ở các cõi thấp.  Khi chân ngã luân hồi (reincarnating ego) còn ở nơi quê hương thật sự của nó, tức  những cảnh vô sắc tướng của cõi thượng giới, thì nó sống trong nhân thể (causal body). Khi xuống những cảnh sắc tướng, để có thể hoạt động được, nó phải khoác lớp áo vật chất của những cảnh ấy, và thu hút chất liệu ở đó để tạo nên thể hạ trí.

Cũng thế, khi xuống cõi trung giới, chân ngã  luân  hồi sử dụng những chất liệu của cõi này để tạo nên thể vía (hay cảm dục thể), đồng thời vẫn giữ nguyên những thể trước. Khi xuống  đến cõi thấp  nhất,  tức  cõi trần, thì thể xác được thành hình theo khuôn mẫu thể phách do các vị Nghiệp Quả Tinh Quân[14] tạo ra. Trong quyển “Con người hữu hình và

vô hình” do tôi biên soạn, có nói khá đầy đủ về những hào quang này; nơi đây, qua sự diễn tả ở phần trên, cũng đủ cho chúng ta biết hào quang các thể của một người chiếm cùng một vị trí trong không gian, hào quang thanh nhẹ xuyên thấm hào quang thô kệch hơn.  Để phân biệt rõ thể này với thể kia,  người mới tập quan sát phải tốn nhiều công sức nghiên cứu  và thực tập. Dù sao,  một phần hay  toàn thể  hào  quang con người là một trong những vật thể trung giới mà người chưa  trải qua sự huấn luyện nhìn thấy trước tiên, và thường dễ bị nhầm lẫn.

Hào quang thể vía có màu sắc sáng chói nên thường dễ nhận thấy, trong khi chất dĩ  thái của hệ thần kinh và thể phách tuy là chất liệu đậm đặc hơn thuộc cõi trần, cũng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu dùng khả năng nhãn thông quan sát thể xác một em bé mới sinh, ta sẽ thấy nó được xuyên thấm bởi mọi loại chất liệu cõi trung giới với những độ đậm đặc khác nhau, và những cấp độ khác  nhau của chất dĩ thái. Nếu chịu khó tìm hiểu những thể bên trong này đến  tận nguồn gốc, ta sẽ thấy những chất dĩ thái thuộc về thể phách, tức cái khuôn mà từ đó thể xác được tạo ra, do những thành viên trực thuộc các vị Nghiệp Quả Tinh Quân. Trong khi đó, những chất liệu trung giới được gom góp lại thành thể vía một cách tự động, không ý thức, khi linh hồn trên đường đi xuống xuyên qua cõi trung giới.

Thể phách được tạo nên bằng đủ mọi cấp độ chất dĩ thái, và tỷ lệ của những chất dĩ thái trong thể phách rất khác nhau, tùy theo một số yếu tố như: giống dân chánh, giống dân phụ,  đặc  tính của mỗi người và nghiệp  quả của họ. Bốn loại dĩ thái hình thành theo nhiều cách phối hợp, và những  phối hợp này lại kết tụ tạo nên những hỗn hợp đi vào trong thành phần “nguyên tử” của những “nguyên tố”[15] hóa học, do đó  thể thứ nhì  của con người (tức thể phách) rất phức tạp và có thể thay đổi không ngừng. Như thế,  dù nghiệp  quả của một  người rất phức tạp và bất thường, thì thể phách  cũng có thể được tạo ra đúng với khuôn mẫu, để theo đó thể xác được thành hình phù hợp với nghiệp quả của người đó. Muốn biết thêm về vấn  đề nghiệp  quả, độc giả cần tham khảo  thêm những tài liệu minh triết thiêng liêng có liên hệ đến đề tài này.

Một điểm khác cần lưu ý là khi phát triển đầy đủ, nhãn thông cõi trung giới hay cõi cao hơn có khả năng phóng đại các phần tử vật chất cực nhỏ thành lớn bao nhiêu tùy ý, như nhìn qua kính hiển vi, và độ phóng đại này lớn hơn rất nhiều  lần độ phóng đại của bất cứ loại kính hiển  vi nào  đã được khoa học làm ra và sẽ được làm ra. Sinh viên huyền môn thật  sự nhìn thấy được những phân tử và nguyên tử mà  khoa học  ước  định,  và họ nhìn thấy bản chất của phân tử và nguyên  tử phức tạp hơn nhiều so với những gì mà khoa học  khám phá được. Đây là  một lãnh vực  nghiên cứu rộng lớn rất hấp  dẫn, cần đề cập trong một quyển sách riêng. Nếu một nhà khảo cứu khoa học có nhãn thông trung giới hoàn hảo, chẳng những họ nghiên cứu các hiện tượng thông thường dễ dàng hơn, mà còn thấy cả một chân trời hiểu biết hoàn toàn mới,  suốt đời cũng không thể khảo sát hết được.

Người có nhãn thông sẽ thấy được những màu sắc hoàn toàn mới mẻ, bên ngoài giới hạn của quang phổ, mà mắt thường không nhìn thấy được; thí dụ, với nhãn thông trung giới một người có thể thấy rõ  những  tia tử ngoại và hồng  ngoại, trong khi chúng chỉ được khoa học khám phá bằng phương tiện máy móc. Tuy nhiên trong giới hạn quyển sách, chúng ta phải trở lại ý chính là quang cảnh tổng quát cõi trung giới.

Những vật thể bình thường của cõi trần  làm  nên  phối cảnh sống động cho vài cảnh thấp cõi trung giới, những vật  thể này được nhận thấy trung thực hơn và có đặc  tính khác  biệt  hơn nhiều  so  với sự thấy mà  chúng ta quen thuộc. Thí dụ một vật đơn giản như tảng đá, khi được nhìn bằng nhãn thông có huấn luyện,  sẽ thấy nó  không chỉ  đơn giản là một khối bất động. Trước nhất, toàn thể chất liệu vật chất của tảng đá đều được thấy, thay vì chỉ một phần nhỏ ở mặt ngoài. Thứ nhì, những  rung động của các phần tử vật chất cấu tạo nên tảng đá đều được nhận thấy. Thứ ba, nó được nhìn thấy  có một đối thể cấu tạo bằng những chất liệu trung giới khác  nhau, và những phần tử này cũng liên tục chuyển động. Thứ  tư, Sự Sống Thiêng Liêng của Vũ Trụ (Universal Divine Life) được nhận thấy  đang  tác  động trong  tảng  đá cũng như trong mọi vật thể khác, và Sự Sống ấy biểu lộ  rất  khác  biệt  ở  mỗi giai đoạn kế tiếp nhau trên đường đi xuống vào vật chất, mà chúng ta tiện gọi mỗi giai đoạn bằng một tên khác nhau. Trước hết là ba loài tinh hoa chất (elemental kingdoms): khi nó vào loài kim thạch, ta gọi là chân thần  kim  thạch  (mineral  monad); khi nó vào loài thảo mộc, ta gọi là chân thần thảo mộc (vegetable monad) v.v… Hiện nay chúng ta chưa biết có một loại vật chất nào gọi là vật chất “chết” cả.

Hơn nữa, tảng đá còn được nhìn thấy có hào quang bao bọc chung quanh, tuy hào quang này không vươn xa và ít thay đổi hơn hào quang của các loại cao hơn. Trong loài đất đá, ta còn thấy những loài tinh linh ở những vùng thích hợp, thường được gọi là thổ tinh linh (gnomes), là  một trong những loài tinh linh thiên nhiên (nature-spirit)[16].  Trong chương sau có nói thêm một số chi tiết về vấn đề tinh linh, nếu độc giả muốn biết rõ hơn vấn đề này, xin đọc thêm những tài liệu minh triết thiêng liêng khác. Ở loài thảo mộc, thú cầm và con người, dĩ nhiên lại càng phức tạp hơn.

Vài độc giả cho rằng hầu hết những nhà tâm linh  thuật  (psychics) đôi khi thoáng thấy cõi trung giới, hoặc các thực  thể (entities) “giáng hạ” trong những buổi chiêu hồn thuật (seances) đều mô  tả cõi trung giới có  vẻ không phức tạp như thế, chúng tôi sẽ thảo luận thêm về vấn đề này. Những người, còn sống hay đã chết, chưa được huấn luyện, chỉ nhìn thấy sự vật đúng như thật, sau một thời gian dài kinh nghiệm. Ngay đối với người đã có nhãn thông, đôi khi cũng rất kinh ngạc và bối rối trong việc hiểu hay nhớ lại những sự việc.  Trong số  người có thể thấy và nhớ, ít người có thể diễn tả lại được các sự việc đã thấy ở cõi trung giới bằng ngôn ngữ cõi trần. Nhiều nhà tâm linh chưa được huấn luyện, không bao giờ  có thể phân tích rõ rệt một cách khoa học sự việc mà họ thấy, họ chỉ có được ấn tượng gần đúng, hoặc chỉ đúng phân nửa, hoặc hoàn toàn sai lạc.

Thêm vào đó, những cư dân vui tính ở cõi trung giới thường đùa giỡn, phá khuấy, làm  sai lệch  sự quan sát của  những người chưa được huấn luyện và không phòng bị. Cũng nên biết các cư dân bình thường ở cõi trung giới với những điều kiện thông thường, chỉ ý thức được  những vật thể cõi trung giới,  còn những vật thể cõi vật chất hoàn toàn vô hình  đối với họ, cũng như những  vật  thể cõi trung giới hoàn toàn vô hình đối với đa số người ở cõi trần. Như đã được đề cập ở phần trước, mỗi vật thể ở cõi trần đều có một đối thể ở cõi trung giới mà các cư dân ở đó có thể nhận thấy được, sự khác biệt giữa vật thể và đối thể rất nhỏ, và đó là phần thiết yếu của sự đối xứng vật thể.

Nếu một cư dân cõi trung giới thường xuyên làm việc  và  tiếp  xúc  với cõi trần qua trung gian đồng cốt, thì những giác quan tinh tế thuộc thể vía của họ dần dần trở nên thô kệch, không còn nhạy cảm với chất liệu  thanh cao cõi trung  giới, khi ấy họ chỉ thấy được các vật thể ở cõi trần như sự thấy của chúng ta. Chỉ những người được huấn luyện khai mở tâm thức ở cả hai cõi, mới có thể nhìn cùng lúc cả hai nơi một cách rõ ràng. Chỉ khi nào nhận thức đầy đủ và phân tích một cách khoa học mới chắc chắn không bị lừa phỉnh hay lầm lạc.

Cảnh thấp nhất cõi trung giới, tức cảnh thứ bảy, cũng có phối cảnh là cõi trần, mặc  dù những gì  được nhìn thấy nơi đó chỉ là hình ảnh méo mó, không toàn vẹn của những vật thể cõi trần, vì những gì tốt đẹp, sáng sủa đều dường như vô hình ở cảnh này. Hơn 4.000 năm trước ở Ai Cập, Scribe Ani đã mô  tả  cảnh này  trên loại giấy làm bằng cây chỉ thảo:  “Tôi đã đến một nơi rất kỳ lạ,  không có nước, không có không khí, nó  sâu thẳm,  không dò được, nó tối đen như đêm   tối nhất, có những người đi lang thang vô vọng, nơi đây con người không thể sống với tấm lòng yên tĩnh.” Đối với những người bất hạnh ở cõi này, thật đúng là: “Tất cả mặt đất đều đen tối và đầy dẫy cư dân độc  ác,” nhưng  đó là sự đen tối phát ra từ bên trong con người, làm cho đời sống họ trở thành đêm dài vô  tận,  đầy khổ  sở hãi hùng,  một địa ngục thật  sự, mặc dù cũng như mọi địa ngục khác, hoàn toàn do tự họ tạo ra.

Tôi không nói cảnh này hoàn toàn do tưởng tượng, không có thật. Một phần nhỏ của cảnh này ở trên mặt đất, phần lớn còn lại ở dưới mặt đất, xuyên thấm vào lớp vỏ đặc của trái đất. Tôi xác  định rằng,  không người nào sống cuộc đời bình thường, trong sạch, đứng đắn, cần phải đến vùng mà không ai muốn đến,  và cũng không cần biết đến sự hiện hữu  của nó. Nếu một người bị rơi vào cảnh này, hoàn toàn do họ có hành động, lời nói hay tư tưởng quá tàn nhẫn, độc ác.

Phần lớn các sinh viên huyền môn khi nghiên cứu cảnh này  đều cảm thấy  rất khó chịu. Vật chất đậm đặc và thô  kệch ở đó làm nảy sinh cảm giác ghê tởm không thể tả, làm họ  có cảm tưởng như bị xô đẩy vào một chất lỏng lầy nhầy đen tối, và những cư dân mà họ gặp rất thô tục đáng ghê sợ.

Mặc dù chiếm cùng một vị trí trong không gian, cảnh thứ nhất,  nhì  và ba gây nên cảm giác  như thoát khỏi thế giới  vật chất nặng trược. Các cư dân ở những cảnh này không nhìn thấy cõi trần và những vật thể vật chất; họ hoàn toàn chú tâm đến riêng họ và tạo nên môi trường riêng biệt để tránh sự nhận thấy của những thực thể khác  và cả những người có nhãn thông. Đây là “vùng đất trường hạ” (Summerland) mà chúng ta nghe kể lại rất nhiều ở các buổi chiêu hồn, và những thực  thể từ vùng ấy “giáng hạ” thường diễn tả đúng trong giới hạn mà họ  hiểu biết được. Ở những cảnh này, “tinh linh”  tạm thời tạo ra nhà cửa, trường học và thành phố theo tư tưởng của cư dân ở đây. Những vật thể này quả “có thật” trong một thời gian, mặc dù với nhãn quan thông tuệ hơn, thấy chúng giả tạm, đáng thương, không có gì đáng thích thú như  những cư dân tạo ra nó mong muốn. Dù sao, nhiều sự tưởng tượng đã tạo  ra hình thể rất thật và đẹp đẽ, nhưng chỉ tạm  thời. Một du khách không biết gì cao xa  hơn,  sẽ thích  thú  đi dạo  lang thang giữa cảnh núi rừng, hồ ao và những vườn hoa, tất cả đều đẹp hơn nhiều so với cõi trần; hoặc họ cũng có thể tạo ra quang cảnh chung quanh phù hợp với sự tưởng tượng của họ. Những chi tiết về sự khác biệt giữa ba cảnh cao này sẽ được đề cập nhiều hơn, khi xét đến những cư dân thuộc thành phần con người ở những cảnh đó.

Việc mô tả quang cảnh cõi trung giới sẽ thiếu sót nếu ta không đề cập đến điều thường được gọi một cách sai lầm là “ký ảnh cõi trung giới”, thực ra nó là hình thức vật chất hóa ký ức thiêng liêng,  một phản ảnh sống động của mọi sự việc  đã xảy ra trong vũ trụ. Thực ra, những ký ảnh ghi khắc thường trực ở một cõi cao hơn nhiều, và chỉ phản ảnh một cách không đều đặn ở cõi trung giới. Những người chỉ mở nhãn thông cõi trung giới, chưa phát triển loại nhãn thông cõi cao  hơn, thì chỉ thỉnh thoảng thấy được những hình ảnh đứt đoạn của quá khứ, thay vì một sự kiện liên tục. Nhưng dù sao, những hình ảnh phản chiếu mọi biến cố  quá khứ, thường  xuyên  lặp  lại ở cõi trung giới, tạo thành một phần quan trọng của quang cảnh nơi đây cho những quan sát viên. Trong khuôn khổ quyển sách, tôi chỉ đề cập  sơ lược  về vấn đề này,  độc giả muốn tìm hiểu thêm, xin tìm đọc chương bảy trong quyển “Nhãn Thông” (Clairvoyance), cũng do tôi biên soạn.

 

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here