CHƯƠNG III
CƯ DÂN CÕI TRUNG GIỚI (phần 3)
B. KHÔNG THUỘC NHÂN LOẠI:
Điều khá rõ ràng là thiên nhiên sắp đặt mọi sự vật gần gũi, ảnh hưởng đến chúng ta ở cõi trần, hoàn toàn không phải cho tiện nghi hay lợi ích của chúng ta. Tuy nhiên, những người còn ấu trĩ, nghĩ rằng thế giới này và mọi vật nó chứa đựng đều dành riêng cho họ sử dụng và vì lợi ích của họ. Trong thời đại hiện tại, ta cần loại bỏ ảo tưởng ấy để nhận ra vị trí thích hợp và bổn phận của chúng ta đối với thế giới.
Trong cuộc sống hàng ngày, phần lớn con người vẫn chưa ý thức được điều đó, họ làm nhiều việc tác hại đến những vật chung quanh, nhất là sự ác độc của những người tự cho là văn minh, với mục đích thể thao, đi săn bắn giết hại, gây căm phẫn đối với giới cầm thú. Dù người mới học hỏi chút ít về huyền môn, cũng nên biết mọi sự sống đều thiêng liêng, và nếu không có lòng từ ái thì không thể có tiến bộ thực sự. Khi tiến lên trên đường học hỏi, con người sẽ hiểu biết nhiều hơn về sự tiến hóa, và nhận thức được vị trí khiêm tốn của nhân loại trong toàn thể thiên nhiên.
Con người đã biết rõ đất, nước, không khí nuôi dưỡng vô số hình thức sự sống, mà mắt thường không trông thấy được, nhưng được thấy với kính hiển vi. Cũng giống thế, các cõi cao nối tiếp với cõi trần, chứa đông đảo những cư dân mà bình thường chúng ta không hề biết đến. Khi hiểu biết nhiều hơn, con người sẽ xác quyết rằng sự tiến hóa là điều cần thiết. Dù con người nhận thấy hình như trong thiên nhiên có những lực bị lãng phí hay bị bỏ quên, thật ra đó không phải là kế hoạch của vũ trụ lầm lỗi, mà vì chúng ta chưa hiểu thấu đáo cách thức vận hành của nó.
Trong phần nghiên cứu về các thực thể không thuộc loài người ở cõi trung giới, ta nên để qua một bên những hình thức sơ khai của sự sống vũ trụ, chúng đang tiến hóa theo một đường hướng nào đó mà ta ít hiểu biết về chúng; như những thành phần của nguyên tử, phân tử và tế bào. Loài thấp nhất, tức loài tinh linh, loài này rất đông đúc ở cõi trung giới, mà ta chỉ mới biết được đôi chút, không thể mô tả rõ ràng và đầy đủ chi tiết trong quyển sách nhỏ này.
Cách sắp xếp thuận tiện nhất là chia các thực thể không thuộc nhân loại thành bốn loại. Trong trường hợp này, mỗi loại không phải chỉ là một nhóm nhỏ như ở phần trước, mà là cả một giới to lớn trong thiên nhiên, giống như ở cõi trần ta có giới động vật hoặc giới thực vật. Một số loại có sự tiến hóa thấp kém hơn con người, một số ngang hàng, và một số cao hơn con người rất nhiều về đức tính cũng như về năng lực. Vài loài có cùng đường tiến hóa với nhân loại, có nghĩa là chúng đã hoặc sẽ trở thành con người; vài loại tiến hóa theo đường hướng hoàn toàn khác biệt với đường tiến hóa của ta. (xin xem sơ đồ sự tiến hóa trong quyển “Khía Cạnh Ẩn Khuất của Sự Vật” (The Hidden Side of Things).
Trước khi bắt đầu, để cho đầy đủ, ta cần nêu lên hai sự hạn chế. Thứ nhất, không đề cập đến sự thỉnh thoảng xuất hiện của các vị Chân Sư từ những hành tinh khác trong thái dương hệ, hoặc các vị “Du Khách” đáng tôn kính từ những thế giới xa hơn, vì vấn đề này không thích hợp để mô tả trong một bài tiểu luận dành cho công chúng, vả lại cũng khó giải thích cho người bình thường hiểu vì sao các nhân vật cao cả như thế lại cần biểu hiện ở một cõi thấp như trung giới. Nếu cần làm như vậy vì một lý do đặc biệt, các Vị phải tạm thời tạo ra một thể thích hợp bằng chất liệu thuộc cõi trung giới, giống như trường hợp các vị Ứng Thân.
Thứ nhì, có hai đường tiến hóa lớn khác, hiện tại đang sử dụng chung bầu trái đất với nhân loại, hai đường tiến hóa này không liên hệ gì đến bốn loại được liệt kê trong phần này. Trong giai đoạn hiện tại, những điều có liên quan đến hai đường tiến hóa này đều bị cấm tiết lộ. Hình như trong tình trạng bình thường, họ không ý thức gì đến sự hiện hữu của nhân loại, cũng như nhân loại không ý thức về họ. Rất ít khi chúng ta gặp các vị ấy, nếu có thì chỉ ở cõi trần, vì họ rất ít khi liên hệ đến cõi trung giới. Họ chỉ xuất hiện do sự tình cờ khó xảy ra trong một buổi tế lễ ma thuật, may thay, chỉ có những người phù thủy cao cấp mới thực hiện được. Tuy nhiên, sự tình cờ hiếm hoi đã xảy ra ít nhất một lần, và có thể xảy ra nữa, do đó sự cấm đoán kể trên cần phải ghi vào quyển sách này.
1. Loài tinh hoa chất thuộc đường tiến hóa của chúng ta (The Elemental Essence belonging to our own evolution):
Vì từ ngữ “âm ma” (elementary) đã được nhiều tác giả dùng để chỉ mọi trạng thái của con người sau khi chết, nên từ ngữ “tinh linh” (elemental) được sử dụng trong nhiều trường hợp để chỉ những thực thể không thuộc nhân loại, từ những vị cao cả như Đại Thiên Thần xuống các tinh linh thiên nhiên (nature spirit), đến những loài tinh hoa chất không hình thể thâm nhập vào giới kim thạch. Sau khi đọc qua vài quyển sách, độc giả có thể hoàn toàn bị lạc lối do sự trình bày mâu thuẫn của các danh từ ấy. Trong quyển sách này, chúng ta nên hiểu từ ngữ “tinh hoa chất” (elemental essence) chỉ là tên gọi cho một vài giai đoạn tiến hóa đến “tinh chất chân thần” (monadic essence), mà ta có thể định nghĩa “tinh chất chân thần” là sự tuôn tràn của tinh thần, hay năng lực thiêng liêng vào vật chất.
Chúng ta đã quen với ý niệm là trước khi luồng năng lực thiêng liêng ấy đến giai đoạn cá nhân hóa để tạo thành “nhân thể” (causal body) của con người, nó phải trải qua và cung cấp sinh khí cho sáu giai đoạn tiến hóa thấp: cầm thú, thảo mộc, kim thạch và ba loài tinh hoa chất. Khi nó truyền sinh lực cho những giai đoạn thấp này, đôi lúc nó còn được gọi là chân thần (monad) động vật, thực vật hay kim thạch. Từ ngữ này rất dễ gây nhầm lẫn, vì rất lâu trước khi tiến đến các giai đoạn ấy nó đã trở thành nhiều chân thần, chớ không phải một. Tuy nhiên từ ngữ này đã được sử dụng để diễn tả ý tưởng là: dù sự phân chia trong tinh chất chân thần đã bắt đầu từ lâu, nhưng nó vẫn chưa phân biệt ngã tính.
Trước khi tiến đến loài kim thạch, tinh chất chân thần đi xuyên qua ba loài tinh linh và được truyền thêm năng lượng, khi đó nó được gọi là “tinh hoa chất” (elemental essence). Muốn hiểu bản chất và phương cách nó biểu lộ, ta cần nhận biết cách mà tinh thần tự bao bọc trên đường đi vào vật chất.
Khi tinh thần đang ở một cõi (bất kỳ là cõi nào, hãy gọi là cõi số 1), muốn đi xuống cõi thấp hơn kế cận (hãy gọi là cõi số 2), thì nó phải tự bao bọc bằng chất liệu của cõi số 2. Cũng vậy, khi nó tiếp tục đi xuống cõi số 3, nó phải thu hút chất liệu của cõi số 3 để tạo thành nguyên tử thân thể của nó, hay lớp bao bọc quanh nó. Ở giai đoạn này, phần sinh lực bên trong, gọi tổng quát là linh hồn, không phải là phần tinh thần trong tình trạng ở cõi số 1, mà nó là lực thiêng liêng cộng thêm lớp màn vật chất của cõi số 2. Khi tiếp tục xuống cõi số 4, thì nguyên tử của nó càng trở nên phức tạp hơn, vì nó có một thân thể thuộc chất liệu cõi số 4, được làm sinh động bởi phần tinh thần đã được bao bọc bằng hai lớp màng bằng chất liệu của cõi số 2 và 3. Tiến trình này được lặp lại đối với mỗi cảnh của các cõi trong thái dương hệ, cho đến lúc lực nguyên thủy xuống đến cõi vật chất, thì nó được bao bọc kín đến nỗi con người không còn nhận ra nó là tinh thần nữa.
Theo tiến trình tự bao bọc này, giả sử tinh chất chân thần đã đi xuống đến cảnh thứ nhất cõi thượng giới (tức mức độ nguyên tử cõi thượng giới), thay vì từ đó nó đi xuống từng cảnh của cõi thượng giới (tức cảnh thứ 2, thứ 3…đến thứ 7), nó lại lao trực tiếp xuống cõi trung giới. Nơi đây nó thu nạp chung quanh nó một thể nguyên tử chất liệu cõi trung giới, mà nó là sự sống sinh động ở bên trong. Sự phối hợp này là tinh hoa chất của cõi trung giới, nó thuộc loại thứ ba trong ba loài tinh hoa chất, nếu xếp theo thứ tự thì vị trí của loài tinh hoa chất thứ ba ở ngay trước loài kim thạch. Trong tiến trình phân biệt 2,401 lần của nó ở cõi trung giới, nó thu nạp vào nhiều hợp chất khác nhau từ một số cảnh của cõi này. Nhưng những hợp chất này chỉ tạm thời, và chủ yếu là nó vẫn duy trì cùng một loại, có đặc tính là tinh chất chân thần liên kết với mức độ nguyên tử (cảnh số 1) cõi thượng giới, nhưng biểu hiện qua nguyên tử chất liệu cõi trung giới.
Hai loài tinh hoa chất cao hơn chỉ hiện tồn và hoạt động ở những cảnh cao và thấp cõi thượng giới, nhưng ta không nghiên cứu hai loài này nơi đây.
Ta nhận thấy có một kho vô tận những tinh hoa chất, chứ không phải “một” tinh hoa chất như vài tác giả diễn tả. Chúng vô cùng nhạy cảm đối với mọi thay đổi của tư tưởng con người, chúng đáp ứng một cách rất tinh vi, nhanh chóng từng sát-na[27], đối với một rung động phát ra từ ý muốn hoặc dục vọng của con người, dù ý muốn hay dục vọng này chỉ xảy ra trong vô thức.
Khi chịu ảnh hưởng của tư tưởng hay ý muốn phát ra, tinh hoa chất sẽ được đúc khuôn thành một lực sống động, mà đôi khi nó được mô tả như một tinh linh, khi ấy nó không còn thuộc vào loại mà chúng ta đang đề cập nơi đây, mà thuộc vào nhóm tinh linh nhân tạo. Sự hiện tồn riêng rẽ của tinh linh nhân tạo thường không bền, khi xung động đã tạo nên nó chấm dứt nó trở vào trong khối chưa phân hóa của loại tinh hoa chất đặc biệt mà từ đó nó xuất ra.
Phân loại các loài tinh hoa chất là công việc rất nhàm chán, nếu liệt kê ra cũng rất khó hiểu, ngoại trừ người chuyên nghiên cứu về chúng, có thể gọi chúng hiện ra trước mặt để so sánh. Tuy nhiên muốn hiểu biết một vài loại chính cũng không khó lắm, và điều này rất hữu ích.
Trước hết là cách phân loại tổng quát tùy theo loại chất liệu mà loài tinh hoa chất cư ngụ. Theo đặc tính “thất phân” của sự tiến hóa, chúng được chia thành bảy nhóm chính, liên hệ đến bảy trạng thái của vật chất: đất, nước, không khí, và lửa; chuyển dịch từ biểu tượng thời trung cổ sang từ ngữ hiện đại là: chất đặc, chất lỏng, chất hơi, và 4 trạng thái của chất dĩ thái.
Từ lâu, chúng ta có thói quen thương hại lẫn khinh thường sự thiếu hiểu biết của các nhà luyện kim thời trung cổ, vì họ gọi là “nguyên tố” những chất mà các nhà hóa học hiện đại đã khám phá ra là những hợp chất. Phê bình như thế là bất công quá đáng, vì kiến thức của họ về vấn đề ấy rộng rãi hơn, chớ không hạn hẹp hơn chúng ta. Có thể họ có hoặc không có bảng danh mục của tám hay chín mươi chất mà chúng ta gọi là những nguyên tố, nhưng chắc rằng họ không dùng cùng một tên gọi như chúng ta hiện nay, vì khoa huyền bí học đã dạy họ: theo một ý nghĩa thì chỉ có Một “nguyên chất”, từ đó biến thể ra tất cả mọi hình thức vật chất. Sự thật này đã được một số nhà hóa học nổi tiếng hiện nay bắt đầu nghĩ đến.
Thật ra trong trường hợp đặc biệt này, sự phân tích của các vị tiền bối ấy đã đi vài giai đoạn sâu xa hơn chúng ta. Họ đã hiểu biết và quan sát chất dĩ thái, mà khoa học hiện đại chỉ mới đưa ra giả thuyết. Họ đã nhận biết dĩ thái thuộc vật chất cõi trần, và có bốn trạng thái riêng biệt của chất dĩ thái ở bên trên chất hơi, sự kiện này hiện nay chưa được khám phá ra. Họ biết mọi vật thể ở cõi trần đều gồm có một hoặc nhiều chất liệu thuộc bảy trạng thái này, và mỗi cơ thể sống đều được cấu tạo bằng tất cả bảy trạng thái với mức độ nhiều ít khác nhau. Những câu chuyện về các hỏa tinh, thủy tinh hay “tinh chất” có vẻ kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng thật ra họ dùng những danh từ ấy với ý nghĩa là “những thành phần cấu tạo”, chứ không chỉ các chất không còn có thể phân tách ra được nữa. Họ cũng hiểu mỗi loại vật chất được dùng làm căn bản cho việc biểu lộ một loại tinh chất chân thần đang tiến hóa, do đó họ đặt tên là “tinh hoa chất”.
Theo cách nói của những học giả thời trung cổ, ta nhận thấy trong mỗi phân tử chất đặc đều có chứa một số lượng tinh hoa chất sống động của đất tương ứng, cũng thế, mỗi phân tử của vật chất ở trạng thái lỏng, hơi, và dĩ thái đều chứa tinh hoa chất của nước, không khí, và lửa. Như thế, loài tinh hoa chất thứ ba được phân chia thành nhiều phân loại, và sự phân chia này được xếp theo hàng ngang, mỗi phân loại lại chia thành bảy tiểu phân loại, tất cả khác biệt về độ đậm đặc, tuy mỗi bậc có sự chênh lệch rất nhỏ, như chúng ta cũng thấy rõ là có nhiều độ đậm đặc khác nhau trong các chất đặc, lỏng và hơi.
Ngoài ra, còn sự phân hạng theo chiều dọc, khó hiểu hơn, chỉ có những huyền bí gia mới nắm vững mà thôi. Tuy nhiên, nói một cách tổng quát là ở mỗi phân loại thuộc hàng ngang, ta có thể tìm gặp bảy loài tinh linh hoàn toàn khác nhau, sự khác biệt giữa chúng không còn là vấn đề độ đậm đặc của vật chất, mà chỉ là tính chất và hấp dẫn lực của chúng.
Mỗi chủng loại phản ứng trên các chủng loại khác, nhưng các tinh chất không trộn lẫn. Mỗi chủng loại chia làm bảy phân loại, khác nhau bởi màu sắc đặc biệt do ảnh hưởng từ nguồn gốc của nó. Cách phân chia theo chiều thẳng đứng hoàn toàn khác với cách chia theo chiều ngang, vì nó ổn định và căn bản hơn. Sự tiến hóa của loài tinh hoa chất rất chậm chạp, lần lượt qua những loại và “phân loại” khác nhau theo chiều ngang.
Điều cần nhớ là, sự tiến hóa của loài tinh hoa chất đôi khi được gọi là sự tiến hóa theo chiều đi xuống của vòng cung, tức là tiến sâu và vướng mắc vào vật chất mà ta nhận thấy trong giới kim thạch, thay vì tiến ra xa khỏi vật chất như hầu hết sự tiến hóa khác. Như thế, sự tiến hóa của nó có nghĩa là đi xuống vào trong vật chất, thay vì đi lên những cõi cao hơn. Trước khi hoàn toàn hiểu được mục đích của nó, ta thấy có sự đảo lộn lạ lùng. Nếu học giả không giữ vững ý niệm trên rõ ràng trong trí, họ sẽ bị bối rối bởi những điều khác thường phức tạp ấy.
Mặc dù được phân chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhưng vẫn còn một vài đặc tính chung cho tất cả các loài tinh hoa chất khác nhau. Vì các đặc tính này hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã quen thuộc ở cõi trần, nên rất khó khăn trong việc mô tả chúng cho những người không thể tự quan sát những sinh hoạt của chúng.
Hãy giả thử khi một phần nào đó của tinh hoa chất, trong một lúc hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì từ bên ngoài (điều kiện này rất khó thực hiện), nó không có hình dạng riêng biệt, dù nó vẫn di chuyển nhanh chóng không ngừng nghỉ. Nhưng chỉ một xáo động nhẹ, như khi có một dòng tư tưởng thoáng qua, nó tức khắc bị xáo trộn, thay đổi hình thể, khi ẩn khi hiện nhanh chóng như những bọt trên mặt nước đang sôi.
Nói chung, hình thể của những sinh vật luôn biến dạng ấy, có khi hình người hoặc các loài khác, không cho thấy sự tồn tại riêng rẽ những thực thể trong tinh chất, mà giống như sự thay đổi của những lượn sóng trên mặt hồ lúc gặp cơn gió mạnh thổi qua. Hình như chúng chỉ là phản ảnh từ kho chứa vĩ đại của cõi trung giới, chúng thích ứng đối với đặc tính của dòng tư tưởng tạo ra chúng, mặc dù gần như luôn luôn có những biến dạng kỳ lạ, với những hình dáng kinh dị khó coi.
Một câu hỏi thường được nêu lên: cái trí khôn nào đã tác động trong sự lựa chọn một hình dạng thích hợp, hay sự biến dạng ấy? Nơi đây, ta không đề cập đến loại tinh linh nhân tạo mạnh mẽ và có đời sống lâu dài, được tạo nên bởi một tư tưởng mạnh mẽ chính xác. Ta chỉ xem xét đến kết quả được tạo nên bởi dòng ý thức mơ màng, và những tư tưởng không chủ tâm mà phần đông nhân loại để cho chúng vu vơ lướt qua trí não họ. Như thế, ta thấy rõ là trí khôn tác dụng vào chúng không đến từ cái trí của người suy tưởng, và chắc rằng chính tinh hoa chất cũng không có trí khôn đó, vì chúng thuộc về chủng loại còn lâu mới được cá tính hóa, lâu hơn cả kim thạch, do đó tính chất trí tuệ chưa được thức tỉnh.
Vì chúng có sự thích ứng tuyệt diệu, nên một trong những sách xuất bản ở buổi ban đầu đã mô tả chúng là “những sinh vật nửa tinh khôn của cõi trung giới.” Ta sẽ thấy rõ hơn về năng lực này của chúng trong đoạn nói về tinh linh nhân tạo. Khi đề cập đến một thực thể nhân tạo, hoặc một trong những loại tinh linh thiên nhiên, ta không nên gán cho chúng tính chất tốt hay xấu.
Tuy nhiên, có khuynh hướng và thành kiến cho rằng hầu hết những chi nhánh tinh linh có vẻ thù địch hơn là thân thiện với loài người. Người mới đến cõi trung giới thường có ấn tượng đầu tiên là bị bao vây bởi nhiều ma quái có hình dạng thay đổi, tiến đến gần họ với vẻ hăm dọa, nhưng chúng luôn luôn rút lui hay biến mất mà không gây hại gì, nếu người ấy đối mặt với chúng bằng vẻ tự tin. Những tác giả thời trung cổ cho rằng con người nên cám ơn sự hiện diện của các tinh linh. Vào thời hoàng kim, trước thời mạt pháp hiện nay, nói chung con người ít vị kỷ và hướng về tâm linh nhiều hơn, khi ấy các tinh linh rất thân thiện với con người. Hiện nay không như vậy nữa, vì con người không còn để ý đến chúng, và cũng không có thiện cảm với chúng, cũng như với những sinh vật khác.
Tinh hoa chất đáp ứng một cách rất tinh tế và tuyệt diệu đối với mọi phát xuất dù yếu ớt của tư tưởng hoặc ham muốn, như thế, một cách tổng quát ta thấy phần nhiều loài tinh linh do tư tưởng tập thể của con người tạo nên. Suy nghĩ trong chốc lát, ta sẽ thấy ảnh hưởng lớn lao của tư tưởng tập thể trong thời hiện tại, và sẽ không ngạc nhiên với tư tưởng “con người sẽ gặt hái những gì họ đã gieo”. Tinh hoa chất không có năng lực nhận thức, chúng chỉ mù quáng nhận và phản ảnh lại những gì đã đưa đến chúng, cho nên chúng thường phô bày những đặc tính bất thiện cảm.
Chắc chắn ở những giống dân hoặc cuộc tuần hoàn kế tiếp, con người sẽ tiến hóa cao hơn, khi ấy tư tưởng tốt lành của đa số nhân loại sẽ liên tục ảnh hưởng lên loài tinh linh, làm chúng không còn thù địch với nhân loại nữa, trái lại chúng thuần thục và sẵn sàng trợ giúp con người; cũng vậy, các loài thú vật sẽ hợp tác và trợ giúp con người nhiều hơn. Ta hãy để qua một bên những gì xảy ra trong quá khứ, và hướng nhìn về một thời đại hoàng kim tương lai, lúc mà phần đông nhân loại trở nên cao thượng, không ích kỷ, thì những năng lực thiên nhiên sẽ hợp tác đầy thiện chí với con người.
Vì ta có thể ảnh hưởng đến loài tinh linh, nên ta phải có trách nhiệm đối với chúng, cũng như đối với cách thức mà ta sử dụng ảnh hưởng của chúng. Khi xét đến những điều kiện hiện tồn của các tinh linh, ta thấy rõ chúng bị ảnh hưởng bởi mọi tác động thuộc tư tưởng và dục vọng của tất cả những sinh vật có lý trí đang cư trú trong cùng hệ thống thế giới này, tác động đó là một yếu tố trong sự tiến hóa của chúng.
Bất chấp giáo huấn của các tôn giáo lớn, phần đông nhân loại vẫn hoàn toàn không ý thức gì đến trách nhiệm của họ trên cõi tư tưởng. Người ta thường tự hào về lời nói và hành động của mình không gây hại gì cho người khác, họ tin rằng họ đã làm đúng tất cả những gì mà họ phải làm. Nhưng trên phương diện tư tưởng, trong nhiều năm họ đã gieo rắc ảnh hưởng hẹp hòi, xấu xa đến những người chung quanh, và lấp đầy khoảng không gian chung quanh bằng những sáng tạo bất thiện gây nên bởi những ý tưởng đê hèn. Còn một khía cạnh quan trọng khác của vấn đề này sẽ được thảo luận khi ta bàn về loại tinh linh nhân tạo. Đối với loài tinh hoa chất, ta đã biết rõ rằng ta có đủ năng lực thúc đẩy hoặc làm trì trệ sự tiến hóa của chúng, tùy theo cách mà ta sử dụng tư tưởng, hữu thức hay vô thức, trong cuộc sống hàng ngày.
Khuôn khổ quyển sách nhỏ này không thể giải thích đầy đủ mọi phương cách sử dụng các năng lực khác nhau của loài tinh hoa chất, điều này chỉ có thể thực hiện được bởi người đã được huấn luyện chuyên nghiên cứu về chúng. Phần lớn các buổi tế lễ ma thuật tùy thuộc vào sự điều khiển các tinh linh, hoặc trực tiếp do ý chí của thuật sĩ, hoặc gián tiếp bởi vài thực thể cõi trung giới được gọi đến để sai khiến.
Hầu hết các hiện tượng vật chất trong những buổi cầu hồn đều do các tinh linh gây ra, trong nhiều trường hợp, chúng cũng là tác nhân chính gây ra các hiện tượng ném đá, rung chuông ở những ngôi nhà bị ma ám. Những hiện tượng này có thể do cố gắng vụng về của vong linh còn quyến luyến cõi trần để gợi sự chú ý, hoặc cũng có thể do những trò đùa tinh nghịch của những tinh linh thiên nhiên thuộc hạng thứ ba. Nhưng đừng nghĩ các tinh linh có thể tự chủ động mọi việc, chúng chỉ là năng lực tiềm ẩn, cần có một động lực từ bên ngoài làm cho chúng hoạt động.
Dù mọi loài tinh hoa chất đều có năng lực phản ảnh những hình ảnh cõi trung giới như đã mô tả, nhưng sự bén nhạy của loại này khác với loại kia trong việc tiếp nhận những ấn tượng. Sự kiện này có thể do bản chất tự nhiên của chúng thích hợp với một loại hình thể nào đó, khi bị kích thích đúng tần số thích hợp với chúng, thì hình thể chúng tạo ra có huynh hướng tồn tại lâu hơn bình thường.
Trước khi chấm dứt chương này, độc giả cần lưu ý phân biệt loài tinh hoa chất với tinh chất chân thần[28] biểu hiện qua loài kim thạch. Trong một giai đoạn, tinh chất chân thần biểu hiện qua loài tinh hoa chất, ở giai đoạn kế đó nó biểu hiện qua loài kim thạch. Cả hai thể của tinh chất chân thần trong những giai đoạn tiến hóa khác nhau này đều biểu hiện cùng một lượt và cùng chiếm một vị trí trong không gian, nhưng không ảnh hưởng lẫn nhau.
2. Thể vía của loài thú:
Đây là một hạng rất rộng lớn, nhưng không chiếm một vị trí đặc biệt nào ở cõi trung giới, vì các phần tử của nó thường chỉ lưu lại cõi này một thời gian ngắn. Phần lớn thú vật chưa đến trình độ cá tính hóa, khi chết, tinh chất chân thần biểu hiện trong nó lại trở về tầng lớp xuất xứ, và đem theo một ít tiến bộ hay kinh nghiệm trong kiếp sống vừa qua. Việc trở về ấy không thể thực hiện tức khắc được, vì thể vía của loài vật khi tách rời thể xác cũng tự sắp xếp lại như trường hợp con người, và loài vật thực sự có một đời sống ở cõi trung giới. Thời gian cư ngụ ở cõi trung giới, tuy ngắn ngủi, nhưng lâu hay mau còn tùy thuộc vào trí khôn mà con vật đã phát triển. Trong hầu hết mọi trường hợp, thời gian này thường không kéo dài hơn một giấc mộng có ý thức, nhưng chắc hẳn đó là giấc mộng đẹp.
Một số ít thú vật nhà đã đạt được cá nhân tính, sẽ không còn tái sinh vào hình hài thú vật nữa, chúng ở lại cõi trung giới lâu hơn và sinh động hơn những thú vật chưa tiến hóa, đến giai đoạn cuối ở cõi trung giới chúng chìm đắm dần vào trạng thái chủ quan, trạng thái này có thể kéo dài khá lâu. Trong “Giáo Lý Bí Truyền” của bà Blavatsky, có đề cập đến thể vía của loài khỉ giống người (anthropoid apes), chúng đã được cá nhân tính hóa, sẵn sàng đầu thai vào hình thể con người ở cuộc tuần hoàn sắp tới, trong đó, có lẽ một số ít sẽ được chuyển kiếp sớm hơn.
3. Loài tinh linh thiên nhiên:
Có rất nhiều loài tinh linh thiên nhiên khác nhau, muốn nghiên cứu đầy đủ cần phải có một tác phẩm riêng dành cho đề tài này. Tuy nhiên chúng có những đặc tính chung, mà ta sẽ cố gắng trình bày nơi đây.
Trước nhất, cần phải nhận thức đây là những thực thể hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta đã nghiên cứu trước đây. Mặc dù ta đã xếp tinh hoa chất và thể vía của thú vật vào mục “không thuộc nhân loại,” nhưng tinh chất chân thần sinh động trong chúng, trong tương lai sẽ tiến hóa đến mức độ có thể biểu hiện qua hình thể nhân loại như chúng ta hiện nay. Nếu có thể nhìn lại quá khứ xa xăm về sự tiến hóa của chính chúng ta trong những chu kỳ tuần hoàn trước, ta sẽ thấy nhân thể chúng ta trên đường hướng thượng cũng đã trải qua những giai đoạn tương tự như các loài kể trên.
Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của loài tinh linh thiên nhiên, chúng không phải và sẽ không bao giờ là thành phần của nhân loại. Chúng theo đường tiến hóa hoàn toàn khác hẳn với đường tiến hóa của con người, và chỉ liên hệ với con người do tạm thời cư trú trên cùng một hành tinh. Là láng giềng của nhau, con người có bổn phận đối xử tốt với chúng nếu có dịp gặp nhau. Vì hai đường tiến hóa rất khác biệt, nên rất khó có thể giúp ích được nhiều cho nhau.
Nhiều tác giả đã xếp loại những tinh linh thiên nhiên chung với loài tinh hoa chất, vì chúng là tinh hoa của những hình thức tiến hóa cao hơn. Mặc dù chúng tiến hóa cao hơn loài tinh hoa chất thuộc đường tiến hóa của con người, chúng cũng có vài đặc tính chung với loài tinh hoa chất. Chúng cũng được chia thành bảy chủng loại lớn, cư ngụ, thẩm thấu vào trong bảy trạng thái của vật chất như đã được mô tả cho từng loại tinh hoa chất tương ứng. Để dễ hiểu hơn, ta có thể chia ra: tinh linh của đất, nước, không khí và lửa (hay dĩ thái), đó là những thực thể có trí khôn, cư ngụ và hoạt động trong những môi trường vật chất kể trên.
Một câu hỏi được nêu lên: loại sinh vật nào có thể sống trong chất đặc như tảng đá, hay trong vỏ cứng của quả đất? Câu trả lời là: vì loài tinh linh thiên nhiên được cấu tạo bằng chất liệu cõi trung giới, vật chất như đất, đá không làm ngăn trở sự di động và nhãn quan của chúng, và vật chất ở trạng thái đặc là nguyên tố tự nhiên của chúng, do đó chúng đã quen thuộc và cảm thấy như là nhà của chúng. Cũng giống như thế đối với những tinh linh sống trong nước, không khí và dĩ thái.
Trong các kinh sách thời trung cổ, những tinh linh đất còn được gọi là thổ thần (gnomes), tinh linh nước là thủy thần (undines), tinh linh không khí là không tinh (sylph), tinh linh dĩ thái hay lửa là hỏa thần (salamanders). Trong dân gian, chúng còn được biết với nhiều tên khác như: tiên nữ, chú lùn, thiện thần, tiểu quỷ, yêu tinh, thần mỏ, thần núi, thần rừng, thần ao hồ v.v…có khi nhiều tên được gọi cho cùng một loại.
Chúng có nhiều hình dạng khác nhau, thường có vẻ giống con người, nhưng nhỏ bé hơn. Giống như hầu hết mọi cư dân cõi trung giới, chúng có thể thay đổi hình dạng theo ý muốn. Tuy nhiên, chúng có hình dạng xác định riêng, đó là hình dạng mà chúng ưa thích, nếu không có mục đích nào cần thay đổi hình dạng, thì chúng trở về hình dạng này. Trong tình trạng bình thường, con người không thể nhìn thấy chúng, nhưng nếu muốn, chúng có khả năng hiện hình để con người có thể thấy được.
Có rất nhiều phân loại hay chủng loại tinh linh thiên nhiên, những cá thể trong mỗi phân loại lại khác nhau về trình độ trí khôn và phẩm chất, giống như đối với nhân loại. Phần đông chúng thích lẩn tránh con người, vì con người có thói quen và sự “tiết xuất” (emanations) làm cho chúng khó chịu. Hơn nữa, những dòng lưu chuyển liên tục cõi trung giới mang theo những lo lắng, những ham muốn không được kiểm soát của con người làm quấy nhiễu chúng. Mặt khác, cũng có những tinh linh thiên nhiên kết bạn với con người và trợ giúp họ trong khả năng của chúng, như trong những câu chuyện về các thiện thần ở Tô Cách Lan, hay những hỏa thần được kể trong các chuyện về thuật giáng ma, thái độ thân thiện này tương đối hiếm.
Trong hầu hết các trường hợp, khi gặp con người, những tinh linh thiên nhiên tỏ ra không chú ý, không thích, hoặc lấy làm thích thú khi dùng những trò bịp bợm trẻ con để đánh lừa con người. Nhiều câu chuyện điển hình như thế được kể lại ở các làng mạc hẻo lánh hay những vùng núi non. Những người thường tham dự các buổi cầu hồn để tìm những hiện tượng lạ, có thể bị chọc phá, thường không có ác ý, điều này cho thấy có sự hiện diện của loại tinh linh thiên nhiên bậc thấp.
Có một sức mạnh lạ lùng trợ giúp tinh linh thiên nhiên trong các trò phá phách ấy, do đó chúng có khả năng làm mê hoặc những người chịu xuôi theo ảnh hưởng của chúng. Khi ấy, nạn nhân tạm thời chỉ nghe và thấy những điều mà các tinh linh này gieo ấn tượng lên họ, giống như trường hợp một người bị thôi miên nghe, thấy, cảm giác và tin tưởng những điều mà nhà thôi miên muốn. Tuy nhiên, các tinh linh thiên nhiên không có năng lực thôi miên để khống chế ý chí con ngưòi, ngoại trừ người tâm trí quá yếu, hoặc người tự buông xuôi để rơi vào tình trạng quá sợ hãi, tạm thời mất ý chí. Chúng không có khả năng đi xa hơn là lường gạt giác quan con người. Chúng là “bậc thầy” trong nghệ thuật này, có những trường hợp chúng mê hoặc được cùng lúc một số đông người. Nhờ sự trợ giúp của chúng mà các nhà ảo thuật Ấn Độ thực hiện được những trò hết sức lạ lùng: trọn cử tọa bị mê hoặc với ảo giác, tưởng mình đã thấy và nghe hàng loạt sự việc mà thật ra chẳng có gì xảy ra.
So với nhân loại ở cõi trần, ta có thể xem các tinh linh thiên nhiên như là nhân loại của cõi trung giới, tuy không có tinh linh nào – dù là bậc cao nhất – có chân ngã trường tồn. Có một điểm khác biệt giữa đường tiến hóa của chúng và của con người là trí tuệ của chúng được mở mang rất nhiều trước khi cá tính hóa. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về những giai đoạn tiến hóa đã qua và sẽ đến của chúng.
Thời gian sống của các phân loại tinh linh thay đổi rất lớn, vài loài có đời sống rất ngắn, vài loài sống lâu hơn con người. Ta hoàn toàn đứng ngoài lề cuộc sống của chúng, cũng như chúng đứng ngoài lề đối với cuộc sống con người, vì thế ta khó có thể hiểu rõ tình trạng cuộc sống của chúng. Nói chung, cuộc sống của chúng có vẻ đơn giản, vui tươi, không có trách nhiệm, chúng giống những đứa trẻ vui đùa, hạnh phúc như sắp bước vào cuộc sống đầy tiện nghi.
Mặc dù hay tinh nghịch và bịp bợm, nhưng chúng ít khi độc ác, trừ khi bị gây hấn bởi những kẻ phá đám, quấy rầy chúng. Một cách tổng quát, chúng có cảm giác nghi ngờ đối với con người, vì thế chúng thường có vẻ bực bội khi có người mới đến cõi trung giới, nên chúng thường hù dọa người ấy bằng cách hiện ra hình dáng khó coi, dễ sợ. Nếu con người tỏ ra không sợ hãi khi đối diện với sự chọc phá, chúng sẽ nhanh chóng coi sự hiện diện của họ như là một điều không mong muốn, nhưng bắt buộc phải chấp nhận và không còn để ý đến nữa. Sau một thời gian, đôi khi cũng có vài tinh linh kết thân với người đến cõi trung giới, và chúng tỏ ra vui vẻ khi gặp lại họ.
Vài hạng tinh linh đứng đắn, ít tinh nghịch hơn, từ hạng này mà ta có các vị thần cấp thấp, thường được dân chúng gọi là thần rừng cây, thần làng mạc (hay thành hoàng)[29]. Những thực thể này rất nhạy cảm và vui thích đối với sự tâng bốc và tôn kính của con người, đáp lại, chúng thường sẵn lòng giúp đỡ dân chúng trong vài việc lặt vặt.
Khi cần, các vị Chân Sư biết cách sử dụng tinh linh thiên nhiên trong công việc hữu ích, nhưng các pháp sư bình thường muốn được chúng trợ giúp phải dùng nghi thức cầu đảo hay triệu thỉnh, những nghi thức này có tính cách gợi sự chú ý của các tinh linh thiên nhiên bởi những lời cầu xin hay thương lượng, hoặc gắng sức tạo ảnh hưởng buộc chúng phải vâng lời. Cả hai phương pháp, cầu xin hay bắt buộc, đều không nên dùng, và phương pháp buộc chúng phải vâng lời lại càng nguy hiểm hơn, vì nó tạo nên lòng căm thù nơi chúng, rất dễ quay ngược lại làm hại vị pháp sư. Người có học về huyền bí học với một Chân Sư đúng nghĩa, không bao giờ được phép thử làm những việc như thế.
4. Các Thiên Thần (The Devas):
Như ta biết, bậc cao nhất trong sự tiến hóa liên hệ đến quả địa cầu này là những vị được người Ấn gọi là Thiên Thần (Devas), những nơi khác gọi là Thiên Sứ (Angels), con của Thượng Đế v.v… Các vị ấy ở cấp bậc kế bên trên nhân loại, giống như nhân loại ở cấp bậc ngay bên trên giới cầm thú vậy, nhưng có sự khác biệt quan trọng trong sự tiến hóa như sau: con thú không thể tiến hóa thành bất cứ loài nào khác, ngoài việc trở thành loài người, trong khi con người đến một mức độ nào đó sẽ có nhiều đường tiến hóa để họ lựa chọn, một trong những đường đó là trở thành vị đại Thiên Thần.
So sánh với sự từ bỏ cao cả của vị Ứng Thân (Nirvanakaya), người chấp nhận đi theo đường tiến hóa của Thiên Thần đôi khi bị sách vở cho là “nhượng bộ sự cám dỗ để trở thành Thần Minh”. Câu này không có ý trách móc đối với người đã chọn con đường này, vì các vị không chọn con đường ngắn nhất, mà chọn con đường rất vinh quang. Khi mở mang được trực giác để hối thúc sự tiến bộ trên con đường này, chắc chắn nó rất phù hợp với khả năng của các vị. Nên nhớ, về phương diện tinh thần cũng như vật chất, không phải bất cứ ai cũng có thể chịu đựng được sự căng thẳng khi leo trên con đường quá dốc đứng; đối với phần đông, con đường thoai thoải hơn có thể là khả năng duy nhất. Chúng ta sẽ không xứng đáng là người theo chân các bậc đại Tôn Sư, nếu vì dốt nát mà coi thường những người chọn con đường khác với con đường của chúng ta.
Do thiếu hiểu biết về những khó khăn trong tương lai, ta không thể nào biết trước được sau nhiều kiếp bền chí cố gắng, đến lúc có quyền lựa chọn tương lai của mình, ta sẽ làm thế nào? Đối với người “nhượng bộ sự cám dỗ để trở thành Thần Minh”cũng có một tương lai huy hoàng. Tuy rằng cũng có một ý xấu khi nói “trở thành Thần Minh”, nhưng đối với vị đã tiến hóa cao thì không thể có sự cám dỗ nào lay chuyển được.
Trong những kinh sách Đông Phương, từ “Thiên Thần” (Devas) được dùng một cách mơ hồ để chỉ hầu hết các thực thể không thuộc nhân loại, nó bao gồm từ những tinh linh thiên nhiên và các tinh linh nhân tạo chí đến những vị thần thánh cao cả. Tuy nhiên, nơi đây từ “Thiên Thần” được dùng giới hạn để chỉ những vị có trình độ tiến hóa cao.
Dù liên hệ đến địa cầu, nhưng các Thiên Thần không bị hạn chế nơi đây, vì trọn bảy bầu hành tinh trong dãy tiến hóa hiện tại đều là thế giới của các vị, sự tiến hóa của các vị xuyên qua bảy dãy thuộc một hệ thống to lớn. Phần lớn những thành phần trong nhóm của các vị được chọn từ nhân loại thuộc các hệ thống thái dương hệ khác, một số thấp hơn và một số cao hơn thái dương hệ chúng ta. Cho đến nay, chỉ có một số ít nhân loại đã đạt đến trình độ có thể gia nhập hàng ngũ các vị. Tuy vậy, cũng có một vài hạng trong hàng ngũ các vị chưa tiến hóa hơn trình độ của nhân loại.
Hiện tại, ta không thể hiểu rõ về các vị, nhưng có điều ta biết chắc là mục đích con đường tiến hóa của các vị cao siêu hơn mục đích của nhân loại rất nhiều. Có thể nói, mục đích sự tiến hóa theo đường nhân loại là nâng cao một phần nhân loại phát triển tâm linh đến một mức độ nào đó vào cuối cuộc tuần hoàn thứ bảy, trong khi mục đích sự tiến hóa theo đường Thiên Thần là đưa các vị thuộc hạng cao đến một trình độ cao hơn nữa trong cùng một thời hạn. Đối với các vị cũng như đối với chúng ta, có con đường dốc đứng nhưng ngắn hơn đưa đến đỉnh cao tuyệt vời dành cho người cố gắng chân thành.
Như thế chỉ có phần thấp của cơ cấu vĩ đại ấy có liên hệ đến đề tài cõi trung giới của chúng ta. Ba hạng thấp nhất (kể từ dưới lên) thường được gọi là: Cảm Dục Thiên Thần (Kamadevas), Sắc Tướng Thiên Thần (Rupadevas), và Vô Sắc Thiên Thần (Arupadevas). Nếu so sánh với con người, ta có xác thân là thể thấp nhất mà bình thường ta sử dụng, trong khi thể bình thường mà các vị Cảm Dục Thiên Thần sử dụng là thể vía. Như thế, các vị ấy đang ở vị trí mà nhân loại sẽ tiến đến khi qua bầu F[30]. Bình thường, các vị sống trong thể vía, và sẽ chuyển qua sống trong thể trí khi lên cõi cao hơn, như con người sau khi bỏ thể xác sẽ sống trong thể vía. Khi phát triển đầy đủ các vị sẽ sống với nhân thể (causal body), cũng như chúng ta sẽ sống với thể trí.
Cũng giống vậy, thể thông thường của các vị Sắc Tướng Thiên Thần là thể trí, vì các vị cư trú ở bốn cảnh thấp, tức các cảnh sắc tướng của cõi thượng giới. Còn các vị Vô Sắc Thiên Thần cư trú ở ba cảnh cao, tức các cảnh vô sắc tướng của cõi thượng giới, như thế các vị này gần nhất với nhân thể. Rất hiếm khi các vị Sắc Tướng và Vô Sắc Thiên Thần biểu hiện ở cõi trung giới, cũng hiếm như các thực thể cõi trung giới hiện hình tại cõi trần, cho nên chúng ta chỉ cần liệt kê mà thôi.
Đối với hạng thấp nhất, Cảm Dục Thiên Thần, không phải tất cả các vị ấy đều tiến hóa cao hơn chúng ta, vì có một số các vị đến từ nhân loại, trong vài khía cạnh nào đó, còn kém hơn những người có trình độ tâm linh cao. Một cách tổng quát, họ tiến hóa cao hơn phần đông nhân loại, vì các vị đã trừ bỏ tất cả những tính xấu. Giữa các vị cũng có nhiều trình độ rất khác nhau, một người ở thế gian có nếp sống tâm linh cao, tính tình cao thượng, không ích kỷ, có trình độ tiến hóa cao hơn một số các vị ấy.
Một vài loại ma thuật có thể gây sự chú ý của các vị Thiên Thần, nhưng chỉ có những Chân Sư cao cấp mới có thể điều khiển các vị ấy. Thông thường họ rất ít ý thức đến sự có mặt của chúng ta ở cõi trần, song đôi khi những khó khăn của con người được vài vị biết đến, làm khơi dậy lòng thương hại nơi các vị và ra tay giúp đỡ, cũng như con người đôi khi giúp đỡ một con thú đang gặp khó khăn vậy. Nhưng các vị hiểu rõ rằng, trong giai đoạn hiện tại, mọi sự can thiệp vào công việc của nhân loại thường có hại hơn là có lợi. Trên các vị Vô Sắc Thiên Thần còn có bốn cấp bậc lớn hơn, và ngoài thiên giới còn có những vị cao cả hơn mà chúng ta không thể đề cập trong quyển sách này.
Mặc dù không thể xếp các vị ấy vào thứ hạng nào, nhưng nơi đây ta có thể kể đến vài thực thể quan trọng và cao cả, đó là Tứ Đại Thiên Thần (Devarajas). Trong danh từ này, chữ Thiên Thần (Deva) không được sử dụng với ý nghĩa bình thường, vì các Ngài không thuộc giới Thiên Thần. Các Ngài coi sóc bốn loại “nguyên tố”: đất, nước, không khí và lửa, trong đó chứa đựng sự sống của những tinh linh thiên nhiên và các loài tinh hoa chất, các Ngài là bốn vị vua của chúng. Ta không thể biết được theo đường tiến hóa nào mà các vị đạt đến mức độ cao tột về quyền năng và trí tuệ như thế, ta chỉ biết rằng, dường như đường tiến hóa của các vị ấy hoàn toàn không giống với đường tiến hóa của nhân loại.
Sách vở thường mô tả các Ngài như những vị cai quản địa cầu, hay Thiên Thần của bốn phương chánh. Kinh sách Ấn Độ gọi các Ngài là Tứ Đại Thiên Vương, có tên riêng biệt là: Dhritarashtra, Virudhaka, Virupaksha và Vaishravana. Cũng trong quyển sách ấy, bốn đoàn thể tinh linh phụ thuộc các vị đại Thiên Thần này có tên lần lượt là: Gandharvas, Kumbhandas, Nagas và Yakshas, tương ứng với bốn hướng: Đông, Nam, Tây và Bắc; màu sắc biểu tượng là: Trắng, Xanh, Đỏ, Vàng. Trong quyển Giáo Lý Bí Truyền gọi họ là “Những quả cầu có cánh và những bánh xe lửa” (winged globes and fiery wheels). Trong kinh thánh Thiên Chúa Giáo cũng cố gắng mô tả các vị ấy với những danh từ tương tự. Ta có thể gặp các vị ấy trong biểu tượng của hầu hết các tôn giáo, các vị luôn luôn được dành cho một địa vị đáng tôn kính, như là những vị bảo vệ nhân loại.
Các vị đại Thiên Thần này coi sóc nhân quả cho đời sống con người ở địa cầu, và giữ vai trò rất quan trọng cho số mạng con người. Vị Đại Thiên Thần nhân quả của vũ trụ (Giáo Lý Bí Truyền gọi là Nghiệp Quả Tinh Quân “Lipika”)[31] cân nhắc, ghi chép hành vi của từng cá nhân vào lúc cuối giai đoạn sống ở cõi trung giới, khi ấy các thể phân ly nhau, để đến khi con người sắp tái sinh, Ngài tạo ra nhị xác thân (hay thể phách: etheric double) như là cái khuôn thích hợp cho xác thân mới. Nhưng công việc tạo ra khuôn thể phách này được thi hành do vị Đại Thiên Vương cai quản những tinh linh, kết hợp và sắp xếp với tỷ lệ các chất liệu theo đúng chủ ý của vị Nghiệp Quả Tinh Quân.
Chính các vị này luôn theo dõi suốt cuộc đời con người, để làm cân bằng lại những thay đổi không ngừng xảy ra trong cuộc sống, do sự tự do ý chí của chính con người và của những người chung quanh. Do đó, không bao giờ có sự bất công, và nghiệp quả được thể hiện chính xác bằng cách này hay cách khác. Các vị cao cả này có khả năng hiện thân thành hình dáng con người, nếu muốn, có một số trường hợp như vậy đã được ghi nhận. Trong Giáo Lý Bí Truyền có diễn tả khá đầy đủ về các vị.
Tất cả các tinh linh thiên nhiên thuộc hạng cao và nhóm tinh linh nhân tạo đều hành động như người thừa hành trong những công tác kỳ diệu, mọi sự chỉ huy và trách nhiệm đều nằm trong tay các Thiên Thần. Rất ít khi các vị biểu hiện ở cõi trung giới, nhưng khi có sự hiện diện của các vị, thật là một sự kiện đáng chú ý. Sinh viên huyền môn đều biết rằng có bảy đại chủng loại tinh linh thiên nhiên và bảy đại chủng loại tinh hoa chất, như thế cũng có bảy cấp bậc Đại Thiên Thần chứ không phải chỉ có bốn, nhưng ba đại Thiên Thần cấp bậc quá cao, vượt ngoài hệ thống điểm đạo, ít được biết và nhắc đến trong kinh sách.
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – (Trọn bộ)
- Download ebook sách Cõi Âm Toàn Tập (Cõi Trung Giới) – tác giả: C. W. LEADBEATER – file pdf
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 5 (Kết thúc)
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 4 phần 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 4 phần 1
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 4
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 3
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 1
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 1