CHƯƠNG III
CƯ DÂN CÕI TRUNG GIỚI (phần 2)
b) NGƯỜI KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN:
Trước hết, từ “chết” là một lầm lẫn rõ rệt, vì hầu hết các thực thể được xếp loại trong phần này đều hoàn toàn sống động như chúng ta, thường khi họ còn sống động hơn chúng ta. Như thế, ta nên hiểu một cách đơn giản người đã “chết” là người không còn bị trói buộc vào xác thân vật chất. Ta có thể phân ra 10 hạng chính như sau:
1. Vị Ứng Thân (Nirmanakaya):
Nirmanakaya là vị đắc đạo cao, có quyền thụ hưởng vĩnh viễn cõi niết bàn, nhưng từ chối sự hưởng thụ ấy, và trở lại giúp đỡ nhân loại. Đề cập đến các vị nầy để cho bảng liệt kê được đầy đủ, thật ra họ rất ít khi xuất hiện ở cõi thấp. Khi các Ngài cần làm công việc cao cả có liên quan đến cõi trung giới, các Ngài sẽ dùng chất liệu cõi trung giới để tạo thành thể vía tạm thời, như cách làm của vị Chân Sư đang ở trong thể trí qua cõi trung giới, vì những thể tinh anh của các Ngài đều vô hình đối với nhãn quan trung giới. Để có thể hoạt động không chậm trễ ở bất cứ cõi nào, các Ngài luôn luôn duy trì bên trong vài nguyên tử thuộc mỗi cõi, chúng tác dụng như một nhân tố giúp các Ngài thu nạp ngay tức khắc chất liệu và tạo ra thể thích hợp với cõi mà các Ngài muốn hiện thân. Muốn tìm hiểu thêm về địa vị và công việc của các vị Ứng Thân, xin xem quyển “Tiếng Vô Thinh” của bà Blavatsky và quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình” do tôi biên soạn.
2. Đệ tử chờ tái sinh:
Trong các sách Minh Triết Thiêng Liêng thường đề cập đến trường hợp người đệ tử khi đã tiến triển đến một giai đoạn nào đó, với sự giúp đỡ của Chân Sư, họ có thể thoát khỏi tác động của luật thiên nhiên, mà trong trường hợp bình thường tác động của luật này là đưa con người vào cõi trời chân phúc, sau khi chấm dứt cuộc sống cõi trung giới. Ở cõi trời chân phúc, con người sẽ hưởng kết quả do năng lực tinh thần và ước vọng cao cả mà họ đã thể hiện trong đời sống ở thế gian.
Theo lý thuyết, đệ tử là người có đời sống trong sạch và tư tưởng cao thượng, do đó năng lực tinh thần của họ rất mạnh mẽ, nếu họ vào cõi trời chân phúc thì họ sẽ sống ở cõi này rất lâu. Thay vì chấp nhận cuộc sống thụ hưởng phúc lạc ở thiên đàng, họ chọn Con Đường Từ Bỏ (the Path of Renunciation); như thế, dù còn thấp kém trên đường đạo, người đệ tử cũng noi theo bước chân của đức Phật, vị Thầy Từ Bỏ Vĩ Đại. Đệ tử có thể sử dụng năng lực ấy vào chiều hướng khác có lợi cho nhân loại, dù cho sự đóng góp ấy rất nhỏ nhoi, họ cũng dự một phần khiêm tốn vào công việc của các đấng Ứng Thân. Theo con đường này, chắc chắn đệ tử phải hy sinh niềm phúc lạc tuyệt vời trong nhiều thế kỷ, nhưng đổi lại họ được lợi điểm rất lớn, vì có thể tiếp tục đời sống hoạt động và tiến triển không gián đoạn.
Khi đệ tử quyết định thực hiện theo đường lối này, họ thoát ra khỏi xác thân như trước kia họ vẫn thường làm, và chờ đợi ở cõi trung giới cho đến lúc thích hợp để tái sinh; việc này thường được Chân Sư của họ sắp xếp. Đây là sự đi chệch hướng khỏi lề lối thông thường, trước khi bắt đầu tiến trình này, phải được sự cho phép của các cấp cao. Vì năng lực của luật thiên nhiên rất mạnh, cho nên dù đã được phép, đệ tử cũng phải rất cẩn thận tự giới hạn mình luôn luôn trong cõi trung giới, trong khi chờ đợi sự sắp xếp. Nếu họ chạm vào cõi thượng giới, dù chỉ một lúc ngắn ngủi, họ cũng có thể bị dòng năng lực mạnh mẽ cuốn hút theo con đường tiến hóa thông thường, không thể nào cưỡng lại được.
Trong vài truờng hợp rất hiếm, đệ tử được cho phép tránh những phiền toái của sự tái sinh, bằng cách nhập thẳng vào một thể xác người lớn đã bị chủ nhân của nó bỏ phế, dĩ nhiên ít khi có được một thể xác thích hợp.
Rất nhiều trường hợp, đệ tử phải chờ đợi một thời gian khá lâu ở cõi trung giới, cho đến khi có cơ hội thích hợp cho sự tái sinh. Tuy nhiên, đó không phải là thời gian vô ích, vì họ đã hoàn toàn linh hoạt tại cõi này, nên có thể tiếp tục công việc mà Chân Sư giao phó. Họ làm công việc phụng sự hiệu quả và nhanh chóng hơn lúc còn giữ xác thân, và cũng không còn bị sự mệt mỏi làm trở ngại. Tâm thức người đệ tử phát triển gần như hoàn toàn ở cõi trung giới, và họ có thể di chuyển dễ dàng theo ý muốn, xuyên qua mọi cảnh của cõi này.
Tuy ở cõi trung giới không có nhiều đệ tử chờ đợi tái sinh, nhưng thỉnh thoảng ta thấy có sự hiện diện của họ, nên cũng được xem như một thành phần trong các cư dân ở đó. Nhân loại càng ngày càng tiến hóa hơn, và số người bước vào Thánh Đạo càng ngày càng nhiều, thì thành phần đệ tử chờ đợi tái sinh sẽ trở nên đông đúc hơn.
3. Người bình thường sau khi chết:
Thành phần này nhiều gấp triệu lần những thành phần được kể ở trên, họ có đặc tính và điều kiện rất khác biệt nhau. Những người có đặc tính tương tự cũng khác nhau về thời gian mà họ đã trải qua ở trung giới, có người chỉ mới qua đây vài ngày hay vài giờ, có người đã ở đây nhiều năm hay nhiều thế kỷ.
Một người đã sống đời tốt lành, trong sạch, không ích kỷ, và có khát vọng tâm linh cao cả, sẽ không bị thu hút vào cõi này. Nếu được hoàn toàn tự do, họ không có gì để quyến luyến nơi đây, hay cần hoạt động trong thời gian tương đối ngắn tạm thời ở cõi này. Sau khi chết, con người thật rút đi, bước đầu tiên là thoát ra khỏi thể xác, và hầu như ngay sau đó ra khỏi thể phách. Linh hồn ấy cũng có ý định rời bỏ luôn thể vía, hay thể cảm dục, càng sớm càng tốt để vào cõi trời chân phúc, vì chỉ nơi đây, những nguyện vọng tâm linh mới có thể đơm bông kết trái.
Chỉ người có tinh thần cao thượng và trong sạch mới có thể làm được điều này, vì họ đã chinh phục mọi đam mê thế tục; sức mạnh của ý chí họ hướng về con đường cao cả hơn, và như thế sẽ không còn nhiều năng lực dành cho ham muốn thấp kém cần phải tinh luyện ở cõi trung giới. Do đó thời gian họ phải sống ở cõi này rất ngắn ngủi, và thường thì họ chỉ có phân nửa ý thức như trong giấc mơ cho đến khi chìm vào giấc ngủ say, khi ấy các “nguyên lý”[22] cao của họ sẽ tự giải thoát ra khỏi lớp áo trung giới, và vào đời sống chân phúc cõi thượng giới.
Đối với người chưa bước vào đường phát triển tâm linh thì những gì mô tả ở đoạn trên chỉ là lý tưởng, rất ít người đạt được. Người trung bình không thể nào thoát khỏi hết mọi ham muốn thấp kém trước khi chết, họ cần phải trải qua một thời gian dài ở những cảnh khác nhau của cõi trung giới, có thể thức tỉnh nhiều hay ít, và chờ cho các lực mà họ đã phát ra dần dần tiêu tan để chân ngã được giải thoát.
Sau khi chết, mọi người đều phải trải qua tất cả các cảnh của cõi trung giới, trên đường đến cõi thượng giới, nhưng không nhất thiết là họ ý thức tất cả các cảnh ấy. Thể xác được cấu tạo bằng chất liệu cõi trần với mọi trạng thái: đặc, lỏng, hơi và dĩ thái; giống như thế, thể vía cũng chứa những chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, mặc dù tỷ lệ giữa các chất liệu ấy thay đổi rất lớn tùy theo từng trường hợp.
Ta nên nhớ, ngoài chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, thể vía còn thu hút các tinh hoa chất (elemental essence) tương ứng; trong suốt đời sống của thể vía, tinh hoa chất này tách rời khỏi biển cả tinh hoa chất tương tự ở chung quanh, và trong thời gian ấy nó trở thành một loài tinh linh nhân tạo (artificial elemental). Tạm thời nó có đời sống riêng, và theo đuổi dòng tiến hóa hướng hạ, tức đi sâu vào vật chất, mà không để ý gì đến sự thuận tiện và lợi ích của linh hồn. Điều này tạo nên sự tranh chấp liên tục giữa ý muốn của thể xác và ý muốn của tinh thần, mà các tôn giáo thường đề cập đến.
Dù “luật của những thành viên thường đối nghịch với luật của trí tuệ,”[23] nếu con người tuân theo thay vì kiểm soát nó, sự tiến hóa của họ sẽ bị cản trở nghiêm trọng. Thật ra chính nó không xấu, vì luật là luật! đó chỉ là sự tuôn tràn của năng lực thiêng liêng theo trật tự ấn định, gặp lúc năng lực này trên đường đi xuống tiến sâu vào vật chất, thay vì đi lên rời khỏi vật chất như trong giai đoạn con người.
Khi chết, con người rời khỏi cõi trần, lực phân hủy của thiên nhiên bắt đầu tác động lên thể vía. Khi ấy, loài tinh linh trước đây vẫn bám vào thể vía nhận thấy có nguy cơ đối với đời sống riêng của nó. Để tự vệ, nó cố gắng giữ cho thể vía tồn tại càng lâu càng tốt, bằng cách sắp xếp lại chất liệu cấu tạo nên thể vía thành những lớp vỏ đồng tâm, phần chất liệu của cảnh thấp nhất, tức thô kệch nhất ở ngoài cùng, vì ít bị ảnh hưởng của sự phân hủy nhất.
Sau khi chết, con người phải ở cảnh thấp nhất của cõi trung giới, cho đến khi họ trút bỏ hết các chất liệu thuộc cảnh ấy ra khỏi thể vía. Kế đó tâm thức họ tập trung vào lớp vỏ kế tiếp, lớp vỏ này do chất liệu của cảnh thứ sáu; nói khác đi, họ chuyển sang cảnh kế tiếp, tức cảnh thứ sáu cõi trung giới. Ta có thể nói, khi thể vía không còn bị thu hút bởi một cảnh nào, thì phần lớn chất liệu thô kệch của cảnh ấy bị rơi ra, và thể vía có hấp lực với trạng thái sống cao hơn. Trọng lực của nó giảm dần, và nó được liên tục nâng lên từ tầng lớp đậm đặc đến tầng lớp thanh nhẹ hơn, chỉ ngưng nghỉ trong một lúc khi có sự quân bình.
Sự kiện này giải thích lời các vong linh thường nói trong các buổi cầu hồn rằng họ sắp lên một vùng cao hơn, từ nơi đó họ không thể, hoặc rất khó liên lạc qua đồng cốt. Thật vậy, một người ở cảnh cao nhất của cõi trung giới, hầu như không thể nào liên hệ được với người đồng cốt bình thường.
Ta biết rằng thời gian con người phải ở một cảnh nào của cõi trung giới tùy thuộc vào số lượng chất liệu của cảnh đó trong thể vía, và số lượng chất liệu này được thu hút vào cơ cấu của thể vía do lối sống và những ham muốn của họ khi còn ở cõi trần. Như thế, một người có đời sống trong sạch và tư tưởng thanh cao, sẽ làm giảm chất liệu thuộc những cảnh thấp của cõi trung giới trong thể vía họ, nâng thể vía lên mức độ gọi là “điểm tới hạn”, để khi lực phân hủy vừa bắt đầu tác động sẽ làm tan rã ngay sự kết dính của chất liệu thô kệch, và trả nó về tình trạng nguyên thủy, khi đó con người tức khắc được giải thoát và bước qua cảnh cao hơn.
Đối với người có đời sống hoàn toàn tinh thần, sự kiện nâng cao này có thể đạt được ở tất cả mọi cảnh của cõi trung giới; khi rời bỏ xác thân, họ lập tức đi xuyên qua khỏi cõi này và tâm thức họ thức tỉnh trở lại ở cõi thượng giới. Như đã được giải thích, không có sự phân chia giữa cảnh này với cảnh kia trên phương diện không gian, mà những cảnh xuyên thấu vào nhau. Như thế, khi ta nói một người đi từ cảnh này qua cảnh kia, không có nghĩa là họ di chuyển trong không gian, mà là sự tập trung tâm thức chuyển từ lớp vỏ bên ngoài vào bên trong.
Chỉ những người có dục vọng thấp hèn và thú tính thô bạo, những kẻ nghiện ngập, trác táng… mới thức tỉnh ở cảnh thấp nhất cõi trung giới. Họ phải ở đây lâu hay mau tùy theo sức mạnh của dục vọng, họ thường rất đau khổ vì sức mạnh dục vọng vẫn còn mà không có cách gì để thỏa mãn, vì không còn xác thân, trừ khi họ ám ảnh được một người có bản chất tương tự và thỏa mãn một cách gián tiếp qua người đó.
Đối với một người bình thường, không có gì để giữ họ lại ở cảnh thứ bảy cả. Tuy nhiên, nếu ham muốn và tư tưởng của họ tập trung vào những công việc trần gian, họ thường được ở vào cảnh thứ sáu, và quanh quẩn những nơi và những người mà họ có liên hệ gần gũi ở cõi trần. Cảnh thứ năm và thứ tư có đặc tính tương tự nhau, ngoại trừ khi nâng cao từ cảnh tứ năm lên cảnh thứ tư, sự liên hệ với cõi trần trở nên càng ít đi, và người quá cố tiến dần vào thế giới của tư tưởng.
Cảnh thứ ba có đặc tính khác hẳn, con người sống trong những đô thị tưởng tượng của riêng họ. Khác với cõi thượng giới, mỗi đô thị này không được hoàn toàn tạo ra do tư tưởng của riêng họ, mà họ chỉ thừa hưởng và thêm thắt vào các cấu trúc được tạo nên bởi tư tưởng của những người đi trước. Nơi đây có nhà thờ, trường học và nơi cư trú của những người tin tưởng vào “thế giới trường hạ”, thường được mô tả trong các buổi cầu hồn. Tuy nhiên, đối với một quan sát viên không thành kiến, cảnh tượng này ít thực và ít huy hoàng hơn đối với những cư dân đã tạo ra nó.
Cảnh thứ hai hình như đặc biệt dành cho những người có niềm tin cứng nhắc vào tôn giáo, mà không sống đời tâm linh, và tính tình còn ích kỷ. Nơi đây họ đội vương miện bằng vàng và tôn thờ hình tượng vật chất đại diện cho vị thần linh đặc biệt của xứ sở trong giai đoạn họ sống. Cảnh cao nhất hình như đặc biệt thích hợp với những nhà trí thức, khi còn sống ở cõi trần, họ hiến mình cho việc nghiên cứu về vật chất; tuy nhiên, ý tưởng của họ không hoàn toàn vì lợi ích cho nhân loại, mà thường do tham vọng cá nhân hoặc chỉ vì muốn cho trí não hoạt động. Người như thế thường ở lại cảnh này nhiều năm, họ thật sự vui thú với những vấn đề cần giải quyết bằng trí não, nhưng không làm gì có ích lợi cho người khác; họ tiến rất chậm trên đường lên cõi trời chân phúc.
Như đã được trình bày, ý tưởng về không gian hoàn toàn không áp dụng được ở những cảnh của cõi trung giới. Một người đang sống với thể vía ở Anh Quốc có thể di chuyển dễ dàng, nhanh chóng đến Úc Châu hoặc bất cứ nơi nào họ nghĩ đến. Tuy nhiên tâm thức họ không thể chuyển từ cảnh thấp lên cảnh cao hơn, trước khi những chất liệu thuộc cảnh thấp bị loại hết ra khỏi thể vía. Qui luật này không có ngoại lệ; dù trong một giới hạn, con người có thể kéo dài hay rút ngắn thời gian cư trú ở cảnh ấy.
Mức độ thức tỉnh của con người ở một cảnh nào đó của cõi trung giới có thể được điều chỉnh. Sau đây là một thí dụ hơi thái quá để chúng ta hiểu được cách thức tác động của sự điều chỉnh này:
Do nghiệp quả kiếp trước, một người tái sinh với thể vía có nhiều chất liệu của cảnh thứ bảy, là cảnh thấp nhất cõi trung giới. Tuy nhiên, lúc còn trẻ trong đời sống hiện tại, người ấy may mắn học được cách kiểm soát tư tưởng, và với sự cố gắng, người ấy có thể loại trừ những khuynh hướng xấu xa. Nếu thành công, những chất liệu thô trược trong thể vía sẽ dần dần được thay thế bằng chất liệu thanh nhẹ hơn. Tiến trình thay thế thường xảy ra chậm chạp, và rất có thể người ấy lại chết, khi việc thay thế mới được nửa chừng. Trong trường hợp này, chất liệu thô kệch của cảnh thứ bảy vẫn còn nhiều trong thể vía, đủ để giữ người ấy ở cảnh thấp nhất cõi trung giới. Tuy trong kiếp sống vừa qua, dù không còn thói quen theo đuổi những ham muốn thấp hèn, người ấy vẫn phải lưu lại cảnh thấp nhất này chờ cho chất liệu thô kệch tan rã hết. Trong thời gian lưu lại ở cảnh thứ bảy, người ấy hoàn toàn không tỉnh thức, như ngủ một giấc dài, và không bị ảnh hưởng khó chịu của cảnh thấp này.
Sau khi chết, người bình thường gần như lúc nào cũng bất tỉnh, họ chỉ tỉnh lại ở cảnh thích hợp, do sự sắp xếp chất liệu thể vía bởi những tinh linh dục vọng (desire-elemental). Họ chỉ có thể cảm nhận được những rung động từ bên ngoài phù hợp với loại chất liệu lớp vỏ ngoài cùng của thể vía do tinh linh sắp xếp, và tầm nhìn của họ bị hạn chế trong cảnh ấy. Con người bằng lòng với sự hạn chế như một phần của cuộc sống mới, thật ra họ không ý thức được sự giới hạn, và tưởng là đã thấy được tất cả, vì họ không biết gì về tinh linh và tác động của chúng.
Khi thấu hiểu Minh Triết Thiêng Liêng, học giả biết sự hạn chế ấy không cần thiết. Họ lập tức kháng cự lại hành động của tinh linh dục vọng, và cố giữ thể vía ở nguyên tình trạng như lúc họ còn sống ở cõi trần, tức những phần tử chất liệu thể vía hòa lẫn nhau và di động tự do. Kết quả là họ có thể cảm nhận đồng loạt rung động từ những chất liệu thuộc mọi cảnh cõi trung giới, và toàn thể cõi trung giới mở rộng trước mắt họ. Họ có thể tự do di chuyển qua mọi cảnh cõi trung giới, như trong lúc còn sống họ đã làm khi xác thân ngủ say, và họ có thể tìm gặp bất cứ ai, ở bất cứ cảnh nào của cõi trung giới.
Cách thức chống với sự sắp xếp lại và duy trì thể vía nguyên tình trạng như trước khi chết, tương tự như sự cố gắng chống lại một ham muốn mạnh mẽ lúc còn sống. Sau khi thể xác chết, với tâm thức mơ màng, tinh linh rất sợ không còn chỗ nương tựa, nó cố truyền sự sợ hãi đó cho con người, làm cho người ấy luôn cảm thấy bất an về một hiểm nguy khó tả, mà họ chỉ có thể tránh được nếu để yên cho thể vía được sắp xếp lại. Nếu họ vẫn cương quyết chống lại cảm giác sợ hãi vô lý ấy bằng cách sử dụng trí tuệ, và bình tĩnh khẳng định rằng không có lý do gì phải sợ, thì họ sẽ làm yếu dần sự đối kháng của tinh linh, giống như họ đã nhiều lần chống lại những ham muốn lúc còn sống. Được vậy, họ trở thành một năng lực sinh động trong suốt đời sống cõi trung giới, họ có thể thực hành công việc cứu trợ kẻ khác như họ thường làm khi tại thế, trong lúc ngủ.
Cũng như ở cõi trần, do thiếu kiến thức, sự giao tiếp giữa những cư dân cõi trung giới thường bị hạn chế. Trong khi những đệ tử sử dụng được năng lực thể trí, có thể giao tiếp bằng tư tưởng một cách nhanh chóng với những cư dân ở đó, bằng cách gây ấn tượng lên trí não họ. Cư dân cõi trung giới thường không thể sử dụng được năng lực tư tưởng này, do đó họ bị giới hạn như ở cõi trần, nhưng ít khắt khe hơn. Kết quả là ta thấy những hội đoàn được thành lập rải rác đó đây, nhiều nhóm người tụ hợp nhau do đồng sở thích, cảm nghĩ, tư tưởng và cùng ngôn ngữ.
Vì thiếu hiểu biết mà trong thi thơ có ý tưởng cho rằng sau khi chết mọi người đều như nhau. Thật ra trong hầu hết mọi trường hợp sau khi rời bỏ xác thân, tính tình và trí tuệ con người không thay đổi, do đó có nhiều cấp bậc trí tuệ khác nhau trong số những người mà ta gọi là đã chết, cũng như những người còn sống.
Các tín ngưỡng bình dân ở Tây phương thường kể một cách rất sai lạc rằng: một người dù thông minh đến đâu, sau khi chết và tỉnh lại ở cõi trung giới, cũng thường cảm thấy mình lú lẫn. Thực sự, người mới rời bỏ xác thân lên cõi trung giới, cảm thấy tình trạng của họ khác xa với những gì mà tín ngưỡng bình dân đã dạy, làm cho họ không tin là mình đã bước qua cửa tử. Hơn nữa, vì tin tưởng vào sự bất tử của linh hồn, nên khi cảm thấy mình vẫn còn ý thức, con người cho đó là bằng chứng rõ rằng họ chưa chết.
Giáo lý khủng khiếp về sự trừng phạt đời đời, hoàn toàn không có nền tảng vững chắc, phải chịu trách nhiệm cho sự sợ hãi đáng thương của những người vừa mới đến cõi trung giới. Trong nhiều trường hợp, họ phải chịu đau khổ tinh thần dữ dội trong một thời gian lâu dài, trước khi họ có thể tự giải thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của lời dọa dẫm khủng khiếp ấy. Cuối cùng, họ mới biết thế giới không bị cai quản bởi những hung thần có tính khí thất thường, khoái trá trước nỗi thống khổ của nhân loại, mà được quản trị bởi luật tiến hóa cao đẹp và từ ái. Nhiều người bình thường sau khi chết, chưa hiểu rõ luật tiến hóa, họ phải trải qua thời gian sống không mục đích ở cõi trung giới, như họ đã trải qua cuộc sống không mục đích ở cõi trần. Cũng như lúc sống, sau khi chết chỉ có một số ít người hiểu được sơ lược mục đích đời người và biết làm gì tốt nhất; số đông chưa hiểu biết, ít khi chịu nghe theo lời hướng dẫn của những người hiểu biết hơn.
Tuy nhiên, dù người đã chết thuộc trình độ trí thức nào, luôn luôn có sự thay đổi, vì hạ trí sẽ được kéo lên trên do bản chất tinh thần tác động từ bên trên, và năng lực dục vọng cố giữ lại từ bên dưới. Như thế, có sự dao động giữa hai lực thu hút ấy, mà lực hướng thượng luôn có khuynh hướng càng ngày càng tăng, trong khi dục vọng thấp hèn sẽ tiêu hao dần.
Sau khi chết, một người ngu dốt, hạ đẳng có thể học hỏi và được nâng cao hơn, nếu tiếp xúc với người đồng đứng đắn trong các buổi cầu hồn có sự kiểm soát của những người đáng tin cậy. Nhưng trong trường hợp người bình thường, sau khi chết, tâm thức được đều đặn nâng từ cảnh thấp lên cảnh cao hơn, thì rõ ràng là không có lợi cho sự tiến hóa, nếu phần thấp đang trong tình trạng vô thức tự nhiên, bị đánh thức và kéo trở xuống để tiếp xúc với trần gian qua đồng cốt. Một điều đặc biệt nguy hiểm là khi phần thấp thường trở lại cõi trần, trong lúc con người thật từ từ rút vào bên trong, với thời gian con người không còn kiểm soát và điều khiển được phần thấp ấy nữa, cuối cùng nó hoàn toàn tách rời và đủ sức gây thêm nghiệp quả, xấu nhiều hơn tốt.
Một sự việc khác, thường xảy ra và có ảnh hưởng làm chậm trễ nghiêm trọng con đường đến thượng giới của những người đã rời bỏ xác thân, đó là sự buồn rầu quá đáng, không kiểm soát được của thân nhân và bạn bè còn ở lại. Do sự hiểu biết sai lầm tai hại và quan điểm phi tôn giáo, hàng bao thế kỷ qua, chúng ta, những người Phương Tây chẳng những tự làm cho mình đau khổ không cần thiết, mà còn làm hại rất nhiều cho người mà ta thương mến, khi họ chỉ tạm thời rời xa chúng ta.
Khi người thân chúng ta từ giã cõi trần, chìm dần một cách tự nhiên và bình an vào vô thức, trước khi tỉnh lại ở cõi trời chân phúc huy hoàng, thì người ấy thường bị đánh thức khỏi giấc mộng êm đềm bởi những kỷ niệm sống động trong cuộc đời thế gian, do tác động của sự đau buồn luyến tiếc từ những người thân còn ở cõi trần. Sự đau buồn này khơi dậy những rung động tương ứng trong thể tình cảm của người quá cố, làm cho người ấy cũng cảm thấy rất đau khổ.
Những ai có bạn bè đã ra đi, cần hiểu biết các điều trên vì lợi ích của người quá cố. Bổn phận người ở lại là tự kiềm chế sự bi thương, dù đó là tình cảm tự nhiên phát xuất từ bên trong, nhưng bản chất vẫn có sự ích kỷ. Những giáo huấn huyền môn này không dạy ta quên hẳn người quá cố, mà nó chỉ gợi ý rằng lòng thương nhớ đối với người thân đã ra đi là một sức mạnh, nếu được hướng đi đúng đường sẽ là năng lực chúc lành, đưa người quá cố bình an vượt qua trạng thái trung gian ở cõi trung giới, và mau đến cõi trời chân phúc. Được vậy sẽ hữu ích cho người đã ra đi, sự phí sức thương tiếc và mong ước người thân trở lại, không những vô ích mà còn có hại. Do khuynh hướng đúng đắn, tự nhiên, mà Ấn Độ Giáo tổ chức lễ Shraddha, và các nhà thờ Thiên Chúa Giáo tổ chức lễ cầu nguyện cho người chết.
Đôi khi, người đã ra đi cũng muốn liên lạc với người còn sống, vì họ có vài điều đặc biệt muốn nói với người ở lại, mà trước khi chết họ không kịp tiết lộ. Những điều tiết lộ của họ đôi khi cũng quan trọng, như chỉ nơi cất giấu tờ di chúc, nhưng thường họ chỉ kể lể những điều nhỏ nhặt. Dù cho điều muốn tiết lộ là gì đi nữa, nhưng nếu nó ám ảnh sâu đậm đến tâm trí người chết, thì họ sẽ không yên lòng khi ý muốn ấy không được thực hiện, và tâm thức họ dễ bị kéo xuống cõi trần, khó thoát lên các cảnh giới cao. Trong trường hợp này, họ có thể được giúp đỡ qua một người thông linh (Psychic) hiểu được họ, hoặc nói hay viết qua trung gian một đồng cốt (medium).
Tại sao vong linh không thể nói hay viết nếu không có đồng cốt làm trung gian? Lý do là khi người chết đang ở một cảnh nào đó của cõi trung giới, thường chỉ có thể tác động lên cảnh thấp hơn kế đó. Thể vía đã loại bỏ hết chất liệu thô kệch thuộc các cảnh thấp hơn, nên họ không thể tạo ra rung động trong vật chất cõi trần để truyền ra không khí thành tiếng nói, và cũng không thể di động được cây viết chì nếu không mượn chất liệu trung gian từ thể phách người đồng; đây là phương cách truyền rung động từ cảnh này qua cảnh kia. Người chết không thể mượn chất liệu từ một người bình thường, vì các thể của người bình thường liên kết nhau rất chặt chẽ, không thể tách rời do ý muốn của người chết. Trái lại ở người đồng, các thể tách rời ra dễ dàng, và người chết có thể mượn chất liệu họ cần dùng từ người đồng để biểu lộ ở cõi trần.
Nếu người chết không thể tìm được người đồng, hay không biết cách sử dụng đồng cốt, đôi khi họ tự cố gắng một cách vụng về và sai lầm để liên lạc với người sống. Với sức mạnh của ý muốn, họ tạo ra năng lực khiến cho các tinh linh tác động một cách mù quáng, khi ấy có thể xảy ra những hiện tượng ngoài ý muốn như ném đá, rung chuông v.v… Thường khi một người có khả năng thông linh hay một người đồng đến nơi đang bị những hiện tượng kể trên phá quấy, dễ khám phá được ý muốn của người chết, và có thể làm chấm dứt sự quấy rầy. Tuy nhiên, các hiện tượng kể trên có thể do những nguyên nhân khác, vì các tinh linh tác động theo những động lực khác nhau.
4. U Hồn (The shade):
Khi các ”nguyên lý”[24] hoàn toàn tách rời, đời sống trung giới của con người chấm dứt, họ bước vào cõi trí. Cũng như khi chết ở cõi trần và bỏ xác thân; khi chết ở cõi trung giới, con người bỏ lại thể vía đang tan rã. Nếu trong kiếp sống thế gian, họ đã loại bỏ hết mọi ham muốn vật chất, sống không ích kỷ và chú tâm vào việc phát triển tâm linh, thì chân ngã có thể thu hồi trở lại toàn thể hạ trí mà nó đã đưa xuống khi tái sinh. Trong trường hợp này, thể vía họ bỏ lại cõi trung giới chỉ là một “xác chết”, như đối với xác thân vật chất, và nó không thuộc vào loại này, mà thuộc vào loại sau. Đối với người có đời sống kém thánh thiện hơn, nhưng vẫn trên mức trung bình, khi ở cõi trung giới kết quả cũng giống như thế, nếu họ tách rời khỏi những ham muốn thấp hèn, để yên cho chúng tự tác động.
Đối với đa số người đời, chỉ cố gắng lấy lệ trong việc loại bỏ những khuynh hướng thấp hèn, họ tự làm cho mình chẳng những phải lưu lại rất lâu ở cõi trung giới, mà còn phải bị “mất một phần hạ trí.”
Đây là cách diễn đạt “cụ thể hóa” về phản ảnh của thượng trí trong hạ trí, nhưng giả thuyết đúng hơn cho biết, trong mỗi kiếp tái sinh, nguyên lý trí tuệ gởi một phần của nó xuống cõi thấp, ta gọi phần ấy là hạ trí, và mong mỏi sẽ thu hồi được nhiều kinh nghiệm gặt hái được từ phần ấy sau khi kiếp sống trần gian chấm dứt. Người bình thường hay chạy theo làm nô lệ cho những ham muốn thấp hèn, nên một phần của hạ trí bị đan chặt vào thể cảm dục (thể vía). Vào lúc chấm dứt cuộc sống cõi trung giới, khi hạ trí tách rời thể vía, thì một phần hạ trí bị “xé rách” và dính lại với thể vía đang tan rã.
Thể vía này gồm có những phần tử chất liệu cõi trung giới, cộng với phần hạ trí còn dính chặt vào đó, khi con người qua cõi trời chân phúc bỏ lại nó, mảnh hạ trí bị tách rời này còn giữ lại được một phần trí tuệ. Tỷ lệ chất liệu thuộc mỗi cảnh của cõi trung giới hiện diện trong thể vía này tùy thuộc vào tình trạng vướng mắc của cái trí với các dục vọng thấp hèn. Khi thể hạ trí chuyển từ cảnh thấp qua cảnh cao, một phần của nó bị kết dính với chất liệu thể vía của cảnh thấp, và trong thể vía còn lại cho thấy có một số chất liệu thô kệch đã thành công trong việc duy trì liên hệ với nó.
Như thế, xuất hiện một thực thể gọi là u hồn (shade), mà nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy nó không phải là con người thật, vì người ấy đã chuyển qua cõi thượng giới. Thực thể này, ngoài hình dáng giống hệt người cũ, nó còn có một ít trí nhớ và những đặc tính nhỏ nhặt cố hữu của người ấy, do đó ta dễ bị nhầm lẫn là người thật, như ở những buổi cầu hồn. Nó không có ý thức về sự mạo nhận, vì cái trí giới hạn, nó chỉ nghĩ được rằng nó chính là cá nhân đó. Bạn bè của người quá cố sẽ ghê sợ khi biết họ đã bị đánh lừa để chấp nhận là bạn, một mớ các bản chất thấp kém nhất, không có linh hồn của người quá cố.
Thời gian u hồn tồn tại tùy thuộc vào số lượng chất liệu hạ trí còn lại làm cho nó sinh động, chất liệu này sẽ giảm dần với thời gian, nên trí khôn của u hồn cũng giảm theo, dù còn vài xảo quyệt thú tính. Đến gần cuối sự sống của nó, u hồn vẫn có thể liên hệ qua đồng cốt bằng cách mượn tạm trí khôn của người đồng. Do bản chất, u hồn rất dễ bị ảnh hưởng bởi mọi lực bất hảo. Vì đã tách rời khỏi chân ngã, trong cơ cấu của nó không còn gì có thể đáp ứng được với điều cao cả, nên nó thường bị các người hắc đạo bậc thấp sử dụng trong những việc nhỏ nhặt. Khi chất liệu thuộc hạ trí dần dần tan rã hết và trở về cõi của nó, u hồn từ từ phai nhạt và trở thành thực thể khác gọi là ma hình.
5. Ma hình (The shell):
Đây hoàn toàn chỉ là cái vỏ của thể vía trong giai đoạn cuối của sự tan rã, tất cả những phần tử của hạ trí đã rời bỏ nó. Nó hoàn toàn không có ý thức và không hiểu biết, trôi dạt theo các dòng lưu chuyển trung giới như một đám mây bị gió đưa đi lang thang khắp nơi. Tuy nhiên, trong chốc lát nó có thể trở nên linh động một cách dị kỳ dễ sợ, nếu nó lọt được vào vòng hào quang của một đồng cốt. Trong trường hợp này, nó xuất hiện rất giống với người đã bỏ nó lại, và cũng có thể lặp lại vài câu nói quen thuộc hay chữ viết của người chết. Do tác động máy móc của những tế bào còn lại trong cấu trúc, khi bị kích thích nó có khuynh hướng lặp lại hoạt động mà nó rất quen thuộc. Dù có sự khôn ngoan ẩn phía sau những biểu lộ ấy, nó cũng không có liên quan gì đến con người thật, mà chỉ là công cụ của người đồng, hay của người hướng dẫn người đồng sử dụng trong lúc ấy. Ngoài ra nó cũng thường được tạm thời làm cho sống động bằng cách thức khác, sẽ được đề cập đến trong đề mục sau.
Một đặc tính khác của ma hình là nó mù quáng đáp ứng lại một số rung động, thường là rung động thấp hèn, như thường xảy ra ở cuối giai đoạn sống của u hồn. Như thế, nếu người còn nhiều dục vọng hoặc đam mê xấu xa tham dự buổi cầu hồn, sẽ bị các ma hình không ý thức làm cho tính xấu của họ gia tăng.
Ngoài ra có một loại “vỏ” khác cần được kể ra, nó thuộc về giai đoạn khi con người vừa mới chết. Sau khi chết, thể vía rút ra khỏi thể xác và thường nhanh chóng tái sắp xếp, khi ấy thể phách cũng tách rời ra và tan rã từ từ giống như sự tan rã của vỏ thể vía ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên thể phách không trôi nổi đi xa như thể vía, mà nó chỉ quanh quẩn gần thể xác vài thước, và có thể được nhìn thấy bởi những người khá nhậy cảm, đó là đề tài của nhiều câu chuyện ma ở các nghĩa trang. Một người có khả năng linh thị khi đi ngang qua các nghĩa địa, có thể nhìn thấy nhiều hình dạng như sương màu trắng xanh, bay phất phơ bên trên những ngôi mộ mới, cảnh tượng này gây cho người chứng kiến có cảm giác rất khó chịu.
Giống như vỏ thể vía, thể phách hoàn toàn không có ý thức và không có trí khôn, nhưng trong vài trường hợp, nó có thể được làm sống động tạm thời, trở thành một hình thể khủng khiếp bởi vài nghi lễ gớm ghiếc của các nhà hắc thuật hạ đẳng, mà chúng ta càng ít nói đến càng tốt.
Như thế, tiến trình từ lúc chết đến lúc vào cõi trời chân phúc, con người đã cởi bỏ và để cho tan rã dần dần ba thể: xác thân, thể phách và thể vía. Sự tan rã này cho ra những nguyên tố của các cảnh liên hệ, để rồi sẽ được sử dụng lại như những chất liệu mới, bởi nguyên lý hóa học tuyệt diệu trong thiên nhiên.
6. Ma hình được làm sinh động (Vitalized shell):
Lẽ ra thực thể này không được liệt kê chung trong phần nói về nhân loại, vì nó chỉ là lớp áo bên ngoài, thụ động, lớp vỏ không cảm giác, mà đã có lần nó thuộc thành phần con người. Sự sống, trí khôn, ham muốn và ý thích mà nó có được là do các tinh linh nhân tạo làm linh hoạt, và dù do tư tưởng xấu của con người tạo ra, nó cũng không thuộc hàng ngũ nhân loại. Có lẽ chúng ta sẽ đề cập đầy đủ hơn về các ma hình được làm sinh động này trong nhóm những thực thể nhân tạo.
Hầu hết các ma hình đều gây ảnh hưởng xấu, mức độ xấu ác mà nó ảnh hưởng tùy thuộc vào sức mạnh làm nó sinh động. Cũng như các u hồn, nó thường được sử dụng bởi các nhóm hắc thuật hạ đẳng để trù ếm, bùa ngải, như Voodoo hay Obead. Một vài tác giả gọi nó là “âm ma” (elementary), nhưng từ ngữ này được dùng để chỉ nhiều thực thể khác nhau sau khi chết, và ý nghĩa của nó không được rõ ràng, nên chúng ta tránh dùng nó.
7. Người tự tử và người chết bất thần:
Một người bị tách rời khỏi xác thân một cách vội vã trong lúc còn khỏe mạnh và dồi dào sinh lực, do tai nạn hay do tự tử, sẽ đến cõi trung giới trong tình trạng rất khác biệt với những người chết vì tuổi già hay bệnh hoạn. Chắc hẳn người già và người bệnh lâu ngày, không nhiều thì ít sự ham muốn vật chất ở thế gian cũng giảm bớt, và thể tình cảm của họ loại bỏ rất nhiều chất liệu thô kệch. Sau khi rời bỏ xác thân, những người này thường thức tỉnh ở cảnh thứ sáu hoặc thứ năm cõi trung giới, và có thể còn cao hơn. Các “nguyên lý” (principles) đã chuẩn bị dần cho sự tách rời, nên khi ra đi họ không bị chấn động mạnh.
Trong trường hợp tự tử hoặc chết bất thần, không có sự chuẩn bị như trên, các nguyên lý phải rút ra khỏi thể xác một cách đột ngột, ví như hạt bị tách ra khỏi trái cây chưa chín. Phần lớn chất liệu thô kệch cõi trung giới vẫn còn kết chặt với thể vía, do đó họ sẽ bị giữ lại ở cảnh thứ bảy, tức cảnh thấp nhất cõi trung giới, cảnh này, như đã được miêu tả, không phải là nơi thú vị để sống. Điều đó không có nghĩa là tình trạng của những người phải trải qua một thời gian ở đấy đều giống nhau. Những người đã sống một cuộc đời trong sạch, cao quí, bị chết thình lình do tai nạn, họ không có hấp lực với cảnh đó, và thời gian họ bị bắt buộc phải lưu lại nơi đó được mô tả như: “niềm hạnh phúc vô thức đầy quên lãng, hoặc trong trạng thái ngủ yên đầy mộng đẹp.”
Trái lại nếu ở cõi trần, họ có đời sống thấp hèn, tàn ác, ích kỷ và nuông chiều theo dục vọng, thì họ sẽ có đầy đủ ý thức ở cảnh mà không ai muốn tới. Họ sẽ có thể trở thành những hồn ma bóng quỷ ghê rợn, bị thiêu đốt bởi mọi loại thèm muốn khủng khiếp mà không thể nào được thỏa mãn vì đã mất xác thân. Họ chỉ còn cách thỏa mãn những đam mê bẩn thỉu xuyên qua đồng cốt hoặc bất cứ người nào dễ bị họ ám ảnh. Họ có thể tìm được lạc thú thấp hèn bằng mọi cách gây ảo tưởng mà cõi trung giới sẵn sàng tiếp sức, để xúi giục kẻ bị ám ảnh làm những hành động quá đáng, tai hại.
Sau đây là một đoạn trích dẫn từ những tác giả thời trung cổ viết về đề tài này: “ Những hồn ma liêu trai, nam hay nữ, quyến dụ người nằm mộng ái ân với chúng, những ma quỷ đói khát, đầy dục vọng, tham lam, gian xảo, hung ác và tàn bạo, xúi giục nhũng người bị ám ảnh phạm những tội ác khủng khiếp, và hoan lạc say sưa thế cho chúng.” Những loại ma quái ấy đã được kinh sách Cơ Đốc Giáo mô tả là sự cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên, theo thời gian, sức mạnh của chúng sẽ tàn lụi trước sự trong sạch hóa của thể trí, và chúng sẽ chẳng làm gì được một người bình thường, ngoại trừ người ấy có sẵn tính xấu mà chúng muốn lợi dụng.
Người có nhãn thông, thường thấy những đám vong linh vô phước ấy bám theo các hàng bán thịt, quán rượu, hoặc các nơi tồi tệ hơn, những nơi mà chúng tìm được sự thỏa mãn các dục vọng thấp hèn qua những người nam hay nữ ở thế gian có tính tình giống như chúng. Thật vô phước cho vong linh như vậy nếu gặp đồng cốt hợp với nó, chẳng những làm cho nó kéo dài rất lâu thời gian khủng khiếp ở cảnh thấp cõi trung giới, mà còn có thể thêm sức cho nó tạo thêm nghiệp quả xấu xa, làm cho kiếp tái sinh tương lai trở nên thấp hèn hơn, ngoài ra còn có nguy cơ bị mất phần lớn trí thông minh. Trái lại, nếu may mắn không gặp người dễ thụ cảm với nó để thỏa mãn dục lạc, thì những ham muốn không được thỏa mãn sẽ dần dần tự tan rã, và sự đau khổ nó phải chịu đựng có thể làm giảm bớt các nghiệp quả mà nó đã gây ra trong kiếp vừa qua.
Tình trạng của người tự tử còn phức tạp hơn nhiều, vì hành động thiếu suy nghĩ ấy làm giảm năng lực của chân ngã thu hồi phần thấp của nó về, và có thể đem lại thêm nguy hiểm cho họ. Tuy nhiên tội tự tử khác biệt rất nhiều tùy theo mỗi trường hợp, từ hành động không đáng trách về phương diện luân lý như của Seneca hoặc Socrates, đến mọi cấp độ thấp kém như tự tử để trốn tránh trách nhiệm về tội ác đã gây ra của những hung phạm, và tình trạng sau khi chết của những người tự tử cũng khác nhau.
Những vong linh thuộc loại này cũng như u hồn và ma hình được làm sinh động, đôi khi được gọi chung là “ma cà rồng cơ hội”, vì khi có dịp, chúng thường kéo dài đời sống bằng cách rút sinh lực từ những người mà chúng ảnh hưởng được. Vì vậy mà đồng cốt và những người phụ tá chung quanh thường bị suy yếu và mệt lả sau buổi cầu hồn. Sinh viên huyền môn được dạy cách thức giữ mình, tránh bị những thực thể này thu hút sinh lực. Người thiếu hiểu biết khó tránh khỏi bị tổn hại khi đến gần những nơi chúng tụ họp.
8. Ma cà rồng và ma sói (Vampire and Werewolf):
Hai loại này càng đáng ghê tởm hơn, nhưng may thay rất hiếm, dù chúng khác nhau về nhiều phương diện, nhưng ta có thể gom lại cùng một nhóm, vì chúng có chung những tính chất kỳ dị, khủng khiếp và rất hiếm hoi. Chuyện về ma sói thật ra là di sản từ những giống dân tiền sử để lại, đó là những di tích khủng khiếp từ thời đại mà con người và hoàn cảnh sống chung quanh rất khác xa với thời hiện tại.
Chúng ta thuộc giống dân chánh thứ năm, đã tiến hóa khỏi giai đoạn có thể chịu số phận đáng sợ của một trong hai loại vừa kể, gần như những sinh vật này chỉ được nhắc đến trong những truyện cổ tích thời trung cổ. Ngày nay chúng ta có thể biết một vài thí dụ xảy ra ở một chi chủng thuộc giống dân thứ tư ở các nước như Nga Sô và Hung Gia Lợi. Những chuyện cổ tích về đề tài này được truyền khẩu ở thôn quê các nước Đông Âu, và thường bị thêm thắt quá đáng, tuy nhiên cũng có một phần sự thực bên trong. Đặc tính chung của các chuyện ấy đã quá quen thuộc, nên chúng ta chỉ cần nói phớt qua. Chuyện điển hình về ma cà rồng, dù chỉ được trình bày như một chuyện tưởng tượng, là chuyện “Carmila”, và câu chuyện đáng kinh tởm hơn: “Dracula”. Có một hình thức bất thường khác đáng để ý về sinh vật này được trình bày trong quyển “Nữ Thần Isis Được Tiết Lộ” (Isis Unveiled)
Độc giả Thông Thiên Học cần hiểu: có người hoàn toàn xấu xa, ích kỷ, hung ác và thô bạo, đến nỗi hạ trí của họ vướng mắc hoàn hoàn với dục vọng và tách rời khỏi nguồn gốc tâm linh của chân ngã cao cả. Đời sống xấu xa làm cho người ấy mất hết nhân phẩm, bóp nghẹt các tia sáng của tinh thần, đến nỗi không còn một điểm tốt nào có thể bù lại. Vài môn sinh còn cho rằng ta có thể thường gặp loại người “mất linh hồn” này hàng ngày trên đường phố. May thay điều đó không đúng, tuy có những người hoàn toàn xấu, nhưng chỉ là một thiểu số, và từ hàng ngũ những kẻ hoàn toàn xấu này sinh ra loại ma cà rồng.
Những thực thể tự đánh mất mình như thế sẽ sớm nhận thấy họ không thể ở cõi trung giới được, và họ sẽ bị lôi kéo vào “nơi riêng của họ”, mà không cưỡng lại được, trong tình trạng thức tỉnh hoàn toàn, đó là cõi thứ tám huyền linh (còn gọi là cõi A-tỳ)[25], nơi đây, sau khi chịu đựng những kinh nghiệm, họ bị tan rã từ từ, mà tốt hơn chúng ta không nên nói đến. Khi người như vậy bị chết đột ngột hay tự tử, trong vài trường hợp nếu họ biết về hắc thuật, họ có thể giữ mình khỏi rơi vào số phận hãi hùng ở cõi A-tỳ, và chọn sống đời gớm ghiếc của loại ma cà rồng.
Vì cõi thứ tám không thể “bắt” được họ chừng nào thể xác của họ chưa thật sự chết, nên họ cố giữ xác thân sống cố định trong một tư thế, như người đang xuất thần. Với thể vía được vật chất hóa phân nửa (semi-materialized), họ dùng thủ đoạn gớm ghiếc là đi hút máu người khác, đem về truyền cho cái xác bất động của họ, để duy trì sự sống cho thể xác. Như vậy, họ tạm thời gác lại được vận số cuối cùng bằng cách phạm vào hàng loạt án mạng. Người bình dân tin tưởng khá đúng rằng phương pháp dễ dàng và có hiệu quả nhất là khai quật tử thi và hỏa thiêu, như thế sẽ làm mất điểm tựa của ma cà rồng. Khi ngôi mộ được khai quật thì thấy xác chết còn tươi và quan tài thường dính đầy máu. Ở các nước có phong tục hỏa táng, thì không thể có ma cà rồng.
Ma sói cũng rất kinh khiếp, nhưng do loại nghiệp quả khác với ma cà rồng, ta có thể xếp vào loại cư dân “còn sống” hơn là vào loại “đã chết” của cõi trung giới, vì nó luôn luôn bắt đầu xảy ra trong lúc con người còn đang sống. Người ấy cần phải có một số hiểu biết về huyền thuật, đủ để có thể phóng thể vía ra.
Khi một người rất độc ác và tàn bạo, phóng thể vía ra ngoài, thì có vài trường hợp thể xác của họ có thể bị sử dụng bởi những thực thể khác ở cõi trung giới để hiện hình thành những loại thú hoang, thường là chó sói. Trong hình dạng ấy nó chạy quanh vùng, giết hại các thú vật khác và cả con người, để thỏa mãn sự thèm khát máu tươi cho nó và cho loại ma quỷ đang điều khiển nó.
Trong trường hợp này, như thường xảy ra trong sự hiện hình, bất cứ con sói bị thương tích gì, thì xác thân người ấy cũng bị thương tích như thế, do hiện tượng “phản hưởng” (repercussion). Sau khi thể xác chết, thể vía của người ấy vẫn có thể tiếp tục giữ hình thể cũ, nhưng ít nguy hiểm hơn. Nó không thể hiện hình hoàn toàn, trừ khi nó tìm được một đồng cốt thích hợp. Sự hiện hình này, được kết hợp bởi nhiều chất liệu thuộc thể phách, và chất lỏng cũng như chất hơi thuộc thể xác. Trong cả hai trường hợp, hình thể hiện có thể đi rất xa khỏi xác thân, vì hình thể này có chứa một số chất dĩ thái.
Dân chúng thời hiện tại thuờng nhạo báng những điều mê tín ngớ ngẩn của người dân quê khờ khạo. Tuy nhiên, sinh viên huyền môn phải hết sức cẩn thận, quan sát kỹ lưỡng các chân lý tiềm ẩn, bị quên lãng của thiên nhiên nằm sau các sự việc, và phải thận trọng trong việc chấp nhận cũng như bác bỏ các hiện tượng. Những người có ý định thám hiểm cõi trung giới không cần phải sợ hãi về những thực thể gây phiền toái như được mô tả trong phần này, vì chúng rất hiếm, và may mắn thay với thời gian số lượng cũng giảm dần. Có lẽ do bản chất thích bám víu vào vật chất, trong mọi trường hợp, chúng chỉ hiện diện gần với thể xác chúng.
9. Người ở thế giới xám (The man in the Grey World):
Tôi đã giải thích ma cà rồng và ma sói là những thực thể ở sai thời đại, chúng thuộc về giai đoạn tiến hóa của giống dân trước. Còn một loại khác là hạng người cố bám víu một cách vô vọng vào cuộc sống trần gian, vì họ không biết là có đời sống ở các cõi khác. Vì quá thiên về vật chất, họ không có ý tưởng hay quan niệm về đời sống nào khác ngoài đời sống cõi vật chất, họ sợ hãi một cách điên cuồng khi nhận thấy mình sắp phải lìa bỏ cuộc sống trần gian.
Những người đó cố gắng cuồng nhiệt để được tiếp xúc trở lại với thế gian bằng một hình thức nào đó, nhưng phần đông không thành công và dần dần từ bỏ ý định. Khi bỏ ý định trở lại cõi trần, tự nhiên họ sẽ rơi ngay vào tình trạng vô thức trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó tỉnh thức lại ở cõi trung giới. Trái lại, những người kiên trì và có ý chí đủ mạnh, có thể tạm thời thành công trong việc giữ lại ít nhất vài mảnh của thể phách họ, và đôi khi có thể thu hút được những phần tử thuộc thể xác.
Như chúng ta biết, định nghĩa của sự chết là: sự tách rời cuối cùng và trọn vẹn của thể phách ra khỏi thể xác[26], nói khác đi là sự tan rã của thể xác do sự rút lui của phần dĩ thái khỏi phần thấp hơn. Cho nên, khi nào vẫn còn có sự nối liền giữa thể phách và thể xác, thì ta có những tình trạng như: cơ thể giữ nguyên dạng (catalepsy), xuất thần (trance), hoặc hôn mê (anaesthesia); khi sự nối kết bị đứt lìa, ta có tình trạng “chết”.
Lúc chết, con người rút ra khỏi thể xác (thể đậm đặc), họ cũng đem theo luôn thể phách, tức phần dĩ thái của xác thân. Phần dĩ thái của xác thân, mà ta có thói quen gọi là “thể phách”, thật ra chính nó không phải là một “thể”, mà chỉ là một phần của xác thân. Như vậy, khi con người vẫn còn bám vào thể phách, thì họ không thuộc cõi trần, mà cũng không thuộc cõi trung giới. Họ đã mất giác quan của thể xác, trong khi không thể sử dụng được giác quan thể vía, vì họ vẫn còn bị đám mây của thể phách bao bọc. Họ phải sống một thời gian ngắn — cũng may là chỉ một thời gian ngắn — trong một thế giới mờ xám rất khó chịu và không yên ổn. Trong thế giới này, họ không thể thấy rõ những gì xảy ra ở cõi trần cũng như ở cõi trung giới, tuy nhiên, đôi khi họ cũng thoáng thấy cả hai, như qua đám sương mù dày đặc, trong đó họ đi lang thang, lạc lõng và bơ vơ.
Không có lý do gì để bất cứ người nào phải chịu khổ như thế. Chỉ vì lúc lâm chung, con người sợ rằng khi mất một phần nhỏ ý thức cuối cùng là sẽ mất đi vĩnh viễn tất cả ý thức, và đối với họ là bị hủy diệt hoàn toàn; vì thế, họ cố bám víu một cách tuyệt vọng vào cái gì còn lại. Tuy nhiên theo thời gian, dù muốn hay không, con người cũng phải để mọi việc trôi chảy, vì thể phách sẽ bắt đầu tan rã, và tự nhiên họ sẽ đi vào một đời sống rộng rãi, đầy đủ và hạnh phúc hơn.
Trong cõi trung giới, đôi khi ta thấy những người như thế trôi nổi khổ sở, và kêu khóc thảm thương. Khuyên giải và thuyết phục họ là một trong những công tác khó khăn của những vị cứu trợ, làm cho họ biết họ chỉ cần quên nỗi sợ hãi, thư dãn các căng thẳng, để cho tâm trí êm ả chìm vào lãng quên và bình an. Hình như tâm trạng của người như thế đối với lời khuyên, gần giống với tâm trạng của người đắm tàu giữa biển khơi đầy sóng gió, được khuyên hãy bỏ cái phao mà họ đang ôm chặt, để tin tưởng vào chính mình.
10. Nhà hắc thuật và đệ tử của họ:
Trong bảng sắp xếp các thực thể đã bỏ xác thân, những người này ở vị trí đối cực, tương đương với hạng thứ nhì, tức những đệ tử đang chờ đợi tái sinh. Nhưng thay vì họ phải xin phép để được áp dụng phương pháp phát triển không thông thường, thì họ bất chấp sự tiến hóa thiên nhiên, duy trì sự sống ở cõi trung giới bằng cách sử dụng các ma thuật, đôi khi rất khủng khiếp.
Ta có thể chia nhóm người này thành những nhóm phụ, tùy theo mục đích của họ, phương pháp họ áp dụng và thời gian họ ở lại cõi trung giới. Đây không phải là một đề tài hấp dẫn để nghiên cứu, sinh viên huyền môn chỉ cần biết làm cách nào để tránh xa họ. Duy có một điều cần ghi nhận là họ muốn kéo dài sự sống ở cõi trung giới ngoài giới hạn ấn định của thiên nhiên, do hấp thu sinh lực của người khác bằng mọi cách.
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – (Trọn bộ)
- Download ebook sách Cõi Âm Toàn Tập (Cõi Trung Giới) – tác giả: C. W. LEADBEATER – file pdf
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 5 (Kết thúc)
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 4 phần 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 4 phần 1
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 4
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 3
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 1
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 2
- CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 1