CÕI ÂM TOÀN TẬP (CÕI TRUNG GIỚI) – Chương 3 phần 1

0
268

CHƯƠNG III

CƯ DÂN CÕI TRUNG GIỚI (phần 1)

 

Sau khi phác họa sơ lược toàn cảnh bức tranh, bây giờ chúng ta thêm vào những hình ảnh mô tả cư dân cõi trung  giới. Có rất  nhiều  “thực  thể” hay cư dân khác  nhau sống ở đây, làm cho cách sắp xếp và phân loại cực kỳ khó khăn. Có  lẽ phương pháp tiện dụng nhất là chia các cư dân sống ở  cõi trung  giới thành  ba loại chính như sau: nhân loại, không thuộc hàng ngũ nhân loại, và nhân tạo.

A. NHÂN LOẠI

Nhân loại ở cõi trung giới được phân chia một cách tự nhiên thành hai nhóm: người còn sống và người đã chết, nói đúng hơn là người còn giữ xác thân và người không còn giữ xác thân.

a) NGƯỜI CÒN GIỮ XÁC THÂN

Ta có thể chia những người còn đang sống ở cõi trần xuất hiện trên cõi trung giới ra làm bốn nhóm:

1. Chân Sư và những đệ tử:

Thường những người này không sử dụng thể vía, mà sử dụng thể trí, được  tạo  bằng chất liệu lấy ra từ bốn cảnh  thấp, hay bốn cảnh sắc tướng của cõi thượng giới, kề cận bên trên cõi trung giới.  Lợi điểm của thể này là người sử dụng  nó có thể di chuyển nhanh như chớp,  từ cõi thượng giới qua cõi trung giới và ngược  lại,  và họ  luôn luôn có được năng  lực mạnh mẽ hơn, giác quan nhạy bén hơn.

Lẽ tự nhiên, nhãn quan thể vía không thể nhìn thấy được thể trí, do đó, nếu muốn những cư dân cõi trung giới nhìn thấy được để giúp đỡ họ hữu hiệu hơn, người đệ tử làm việc ở cõi này phải học cách thu góp chung quanh mình chất liệu cõi trung giới, làm thành một bức màn tạm thời bao bọc thể trí để có thể được nhìn thấy. Thể tạm thời này được gọi là “huyễn thể” (mayavirupa), thường được Chân Sư tạo ra lần đầu tiên cho đệ tử, và sau đó Ngài chỉ dạy và hướng dẫn cho đến khi người đệ tử có thể tự tạo nó một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy thể này rất giống với người sử dụng nó, nhưng không liên hệ gì với thể vía người ấy; nó tương xứng với thể vía, giống như sự hiện hình tương xứng với thể xác vậy.

Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, người đệ tử có thể phải sử dụng thể vía như mọi người khác. Khi được một vị  thầy đầy đủ khả năng hướng dẫn vào cõi trung giới,  dù sử dụng bất cứ thể nào, họ cũng có tâm thức hoàn toàn thức tỉnh  và có  thể hoạt động dễ dàng ở mọi cảnh của cõi trung giới. Thật ra họ cũng vẫn là họ, giống hệt như các bạn bè đã biết  họ tại cõi trần, chỉ khác là họ  không có  thể xác và thể phách trong trường hợp  họ  sử dụng thể vía,  và không có cả thể vía trong trường hợp họ sử dụng thể trí. Ngoài ra họ  có  nhiều năng  lực  và khả năng hơn để thực hiện hữu hiệu những công việc thuộc minh triết thiêng liêng  trong lúc  ngủ,  mà  trong lúc  thức họ thuờng nghĩ  đến. Khi thức tỉnh ở cõi trần, họ có thể nhớ  trọn vẹn và chính xác  những  điều đã học  hay làm được ở cõi khác, tùy thuộc phần lớn vào khả năng chuyển  di tâm thức không gián đoạn từ trạng thái này sang trạng thái kia.

Người quan sát cõi trung giới đôi khi gặp những sinh viên huyền môn từ mọi nơi trên thế giới, có những sinh viên thuộc về những môn phái không liên hệ đến các vị Chân Sư mà  hội Thông Thiên  Học được biết, họ thường là những  người hy sinh, chân thành tìm chân lý. Tuy không trực tiếp liên  hệ đến các  vị Chân Sư thuộc Đại Đoàn Chưởng Giáo ở  Hy Mã Lạp Sơn, nhưng họ  đều biết có sự hiện diện của các  Ngài,  và họ  cũng biết trong số các Ngài có những vị Chân  Sư cao cả nhất trên địa cầu.

2. Người đã phát triển khả năng tâm linh, nhưng chưa được Chân Sư hướng dẫn:

Những người này có thể đã, hay chưa tiến hóa về phương diện tinh thần[17],  vì  hai vấn  đề này không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Một người sinh ra với khả năng tâm linh là do những cố gắng của họ ở kiếp  trước, những cố gắng ấy có  thể có đặc tính cao thượng, vị tha,  mà cũng có thể do thiếu hiểu biết,  bị hướng dẫn lầm lạc, không giúp ích cho sự tiến hóa.

Người như thế thường hoàn toàn tỉnh thức khi ra khỏi xác thân  (xuất  vía), nhưng vì không được huấn luyện đúng mức, nên sự quan sát thường nhầm lẫn. Họ có thể vượt  qua những cảnh khác nhau của cõi trung giới, như trường hợp những đệ tử được kể ở đoạn trước; nhưng đôi khi họ  bị thu hút  đến một vùng đặc biệt nào đó, mà không ra khỏi được.  Sự nhớ lại những gì đã thấy có thể bị thay đổi rất nhiều, tùy theo mức độ phát triển, từ rất rõ ràng đến hoàn toàn bị biến dạng, hoặc không nhớ được gì cả. Những người thuộc  loại này  chỉ  xuất  hiện được trong thể vía, vì chưa biết cách sử dụng thể trí.

3. Người bình thường:

Lúc thể xác ngủ, người bình thường chưa phát triển khả năng tâm linh, trôi nổi bềnh bồng với thể vía, kề cận với thể xác trong tình trạng vô thức nhiều hay ít.  Trong giấc ngủ say, những bản thể cao[18]  ngụ  trong thể  vía,  gần như hoàn toàn thoát ra khỏi thể xác và bay quanh quẩn gần thể xác. Đối với người hoàn toàn chưa tiến  hóa,  trong giấc ngủ họ thường ngủ say trong thể vía.

Một số người có thể vía ít hôn mê hơn,  trôi nổi mơ  màng theo những dòng lưu chuyển trung giới[19],  đôi khi họ nhận thấy những người khác trong tình trạng tương tự, và gặp nhiều kinh  nghiệm đủ loại,  thích thú hoặc  không vui. Khi  nhớ lại những sự kiện này, họ cảm thấy thật lộn xộn với những hình ảnh kỳ dị như trong các tranh vẽ hoạt kê (caricature), làm cho họ nghĩ rằng đêm qua họ đã trải qua một giấc mộng lạ lùng.

Người trí thức  thuộc  những giống dân tiến bộ trên thế giới hiện nay, có những giác  quan thể vía khá phát triển. Vì  thế, nếu trong giấc ngủ họ đủ tỉnh thức để quan sát quang cảnh thực tế ở  chung  quanh,  họ  sẽ học hỏi được ở đó rất  nhiều, nhưng trong đa số trường hợp, những người này chưa đủ tỉnh thức. Phần lớn thời giờ trong giấc ngủ, họ bị thu hút sâu xa bởi một tư tưởng riêng về bất cứ điều gì quan trọng nhất trong trí trước khi đi ngủ. Khả năng thể vía của họ linh hoạt, nhưng ít khi họ sử dụng được, với khả năng này đáng lẽ họ  phải tỉnh thức,  nhưng họ  không tỉnh thức  chút nào ở  cõi trung giới. Do đó họ chỉ ý thức được một cách mơ hồ, hoặc chẳng ý thức  được  gì  cả đối với môi trường chung quanh.

Khi người như thế trở thành đệ tử của một trong những vị Chân Sư Minh Triết, họ  thường được  đánh thức ra khỏi tình trạng ngủ mơ màng. Họ  sẽ hoàn  toàn  thức  tỉnh  đối với môi trường thực tại chung quanh thuộc cõi trung giới, học hỏi và làm việc ở đó. Giấc ngủ của họ không còn là những giờ trống rỗng, mà  đầy hoạt động hữu ích,  không cần nghỉ ngơi do tình trạng mệt mỏi của xác thân. (xin xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”)

Ở người kém tiến hóa thuộc những giống dân chưa phát triển,  thể  vía khi xuất  ra  khỏi xác thân thường không có hình dạng cố định, và đường nét không rõ rệt. Nhưng khi con người đã phát triển trí tuệ  và  tâm linh,  thể  vía xuất ra thường có hình dạng rõ rệt hơn và giống với thể xác hơn. Người ta  thường  hỏi: thể  vía của người chưa phát triển có đường nét không rõ rệt, mà phần đông nhân loại đều chưa phát triển, vậy làm sao nhận biết được một người khi họ ở trong thể vía? Để trả lời câu hỏi này, ta nên hiểu rằng người có nhãn thông thấy thể xác con người được bao quanh bởi “hào quang”, giống như một đám mây có màu sắc chiếu sáng, có hình dạng gần như quả trứng, và vươn ra khỏi xác thân chừng 45 phân[20] về mọi phía. Mọi sinh viên huyền môn đều biết hào quang này có cấu trúc rất phức tạp, nó chứa chất liệu của tất cả những cảnh cấu tạo nên các thể khác  nhau  của con người.  Chúng  ta  hãy  xét xem trường hợp người có nhãn thông cõi trung giới, nhưng chưa phát triển loại nhãn thông cao hơn, sẽ thấy hào quang hiển hiện như thế nào.

Người như thế chỉ nhìn thấy hào quang chứa đựng chất liệu trung giới, và nó sẽ là một vật thể đơn giản hơn cho sự nghiên cứu. Chất liệu cõi trung giới không những chỉ bao quanh mà  còn thâm nhập vào bên trong thể xác, ở phần hào quang bên trong thể xác chất liệu  ấy  càng kết  tập  đậm đặc  hơn phần hào quang bên ngoài. Điều này dường như do sự thu hút một số lượng lớn chất liệu đậm đặc cõi trung giới, kết hợp lại để tạo thành đối phần của những tế bào thể xác. Dù sao đi nữa, sự thật vẫn là chất liệu của thể vía ở bên trong thể xác đậm đặc gấp nhiều lần hơn chất liệu của thể vía ở bên ngoài thể xác.

Khi thể vía thoát ra khỏi thể xác trong lúc ngủ, sự sắp xếp ấy vẫn tồn tại,  và người có  nhãn thông nhìn thể vía ấy,  thấy nó vẫn giống như lúc nó còn nhập chung với thể xác trong lúc thức, tức một hình dạng giống như thể xác với hào  quang bao quanh. Hình dạng thể vía lúc thoát ra khỏi  thể  xác  được  tạo  nên  hoàn toàn bằng chất liệu cõi trung giới, nhưng độ đậm đặc khác biệt giữa phần bên trong và  phần  “sương mù” bao chung quanh đủ để phân biệt rõ ràng hình dạng, dù cho hình dạng phần bên trong cũng là một khối sương mù, nhưng dày đặc hơn.

Chúng ta hãy xem thể vía của người chưa tiến hóa khác với thể vía của người tiến hóa như thế nào. Ở trường hợp người chưa tiến hóa, những đặc điểm và hình dạng phần bên trong thể vía, dù mờ nhạt và không rõ nét, nhưng luôn luôn cũng có thể nhận  biết  được.  Còn phần bên ngoài, tức hào  quang hình trứng, không còn đúng với cái tên này nữa, nó chỉ là một đám sương mù không có hình dạng rõ rệt, với đường nét bên ngoài không liền lạc và thường thay đổi.

Đối với người tiến hóa, có sự thay đổi rất rõ rệt ở phần hào quang bên ngoài cũng như phần hình dạng bên trong. Phần hình dạng bên trong hiện ra rõ  ràng,  và ổn định hơn,  nó  giống với thể xác  hơn. Phần hào quang bên ngoài, thay vì  là một đám sương mù trôi nổi bềnh bồng, ta thấy nó có hình bầu dục rõ nét, như  cố  giữ vững hình dạng này không bị thay đổi bởi các dòng lưu chuyển cõi trung giới luôn xoáy quanh nó.

Nhân loại đang trên đường tiến hóa, mọi người đang ở vào  những  giai đoạn phát  triển  riêng,  tự nhiên hạng người bình thường dần dần sẽ tiến lên và hòa nhập vào hạng người tiến hóa cao hơn.

4. Nhà hắc thuật và đệ tử của họ:

Hạng người này cũng giống như hạng  thứ  1 (Các  vị Chân Sư và  đệ tử), ngoại trừ sự phát triển của họ được dùng làm điều xấu ác thay vì điều tốt lành, và quyền năng họ thủ đắc,  được  sử dụng cho  mục  đích hoàn toàn ích kỷ thay vì  cho lợi ích của nhân loại. Cấp bậc thấp thuộc hạng này gồm có những thầy mo của các bộ lạc còn dã man, và những  người thuộc giống dân da đen Phi Châu, họ thực hành những nghi lễ gớm ghiếc và các loại bùa chú để trù ếm. Kế đến là những nhà hắc thuật Tây Tạng, họ cao hơn loại người kể trên về phuơng diện trí thức, vì thế họ càng đáng trách hơn; họ được người Âu Châu gọi một cách sai lầm là Dugpas. Trong quyển “Phật Giáo Tây Tạng” của Waddel có giải thích Dugpas là tên gọi chi phái Bhotan của tín ngưỡng Kargyu. Phái này là một phần của Phật giáo Tây Tạng chưa được cải cách hoàn hảo.

Phái Dugpas (phái Mũ Đỏ)[21] có liên hệ mật thiết với vạn pháp  kỳ  môn  (Tantrik  magic), là chi phái hoàn toàn không được cải cách của phái Nin-ma-pa, và ở cấp rất thấp của phái này  là chi phái Bon-pa, gồm những người sùng tín tôn giáo nguyên sơ, họ không chấp nhận bất cứ hình thức nào của Phật Giáo.  Tuy nhiên, ta không nên cho rằng chỉ có  phái Gelugpa (phái Mũ Vàng) là chánh, còn mọi chi phái khác  ở Tây Tạng đều bất hảo.  Muốn có cái nhìn đúng đắn về các môn phái, ta cần có tinh thần rộng rãi và cởi mở, và nên để ý đến tỷ lệ giữa những người ích kỷ, tìm lợi lộc cá nhân, với những người có tinh thần cải cách nghiêm ngặt trong môn phái.

 

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here