Làm sao mà các Con có thể làm Thượng Đế thất vọng được, khi mà Thượng Đế chẳng muốn hay cần bất kỳ điều gì cả?
À, dĩ nhiên là, con không tin điều đó.
Đúng rồi. Con tin vào Niềm Tin Sai Đầu Tiên.
Và đó là nơi mà con đã bắt đầu sai lầm ư?
Chính xác. Tất cả các niềm tin khác dựa trên chính Niềm Tin Sai Lầm đó đấy.
Niềm Tin Sai đầu tiên về Thượng Đế là Thượng Đế cần một thứ gì đó. Sai lầm thứ hai là Thượng Đế có thể không đáp ứng được nhu cầu của Ngài.
Nhưng Ngài có thể không có được! Ngài đã không có được.
Khi nào cơ?
Vào buổi khởi đầu. Trong Vườn Địa Đàng. Ngài bảo con người không được ăn trái từ cây Kiến thức về Thiện và Ác, nhưng chúng con đã làm. Vì vậy, Ngài đã ném chúng con ra khỏi Khu Vườn. Ngài đuổi chúng con khỏi Thiên Đường.
Tất cả điều này chỉ là một câu chuyện, dĩ nhiên. Nó là một câu chuyện ngụ ngôn. Nó ngụ ý rằng chúng con đã tự tách mình ra khỏi Thượng Đế khi chúng con phạm tội.
À, phải, Niềm Tin Sai Thứ Ba về Thượng Đế.
Đầu tiên, con tin rằng Thượng Đế cần một thứ gì đó.
Thứ hai, con tin rằng Thượng Đế có thể không đạt được những gì Ngài cần.
Thứ ba, con tin rằng Thượng Đế tách con ra Ngài bởi vì lỗi tại con mà Ngài đã không đạt được những gì Ngài cần.
Nhưng đó là sự thật. Ngài cần chúng con không phạm tội, và chúng con đã phạm tội. Vì vậy, hình phạt của chúng con là chúng con bị cấm đến Thiên đường. Chúng con bị tách khỏi Thượng Đế. Bây giờ chúng con phải tìm cách quay trở lại. Chúng con phải quay trở lại với những ân sủng tốt lành của Thượng Đế.
Những đứa trẻ tuyệt vời của ta, các con không bao giờ không nằm trong những ân sủng tốt lành của ta cả. Các con đã tạo ra trong trí tưởng tượng của mình một vị Thượng Đế mà xúc cảm Ngài bị tổn thương. Cảm xúc của Ta không hề bị tổn thương. Sự nhạy cảm của Ta không hề bị xúc phạm. Các con không thể làm Ta buồn lòng.
Các con không thể khiến ta giận dữ. Bực bội và tức giận những thứ trái ngược hoàn toàn với Ta Là Ai và Là Gì.
Các con tưởng tượng rằng Ta là một Hữu Thể giống như các con, chỉ là lớn hơn và mạnh mẽ hơn mà thôi, sống ở một nơi nào đó trong vũ trụ — một kiểu mẫu cha mẹ nào đó có những mong muốn của bản ngã và cảm xúc bực dọc nào đó giống như các con. Nhưng Ta lại nói với các con rằng, Ta không phải là người đó và không là như thế.
Đây là
MẶC KHẢI MỚI THỨ NĂM:
Thượng Đế không phải là một Siêu Hữu Thể đơn lẻ, sống ở nơi nào đó trong Vũ Trụ hay bên ngoài nó, có cùng những nhu cầu cảm xúc và chịu ảnh hưởng của cùng những xáo trộn xúc cảm giống như con người. Hữu Thể là Thượng Đế ấy không thể bị tổn thương hoặc bị tổn hại theo bất kỳ cách nào, và do đó, không cần phải tìm cách trả thù hoặc trừng phạt gì cả.
Nào, Ta biết và hiểu rằng điều này làm xáo trộn thế giới quan của con. Điều này ném mọi thứ vào tình trạng hỗn loạn. Bởi vì toàn bộ hệ thống đúng và sai, thiện và ác, công lý và bất công của con đều dựa trên một suy nghĩ ngược lại. Nó được tiếp thêm sức mạnh thông qua suy nghĩ rằng Thượng Đế thực sự trả thù và trừng phạt.
Hầu hết mọi người không muốn “buông bỏ” một Thượng Đế thích trừng phạt bởi vì họ muốn cảm thấy rằng trong Vũ trụ còn có công lí. Nếu “kẻ xấu” không bị trừng phạt khi còn ở trên Trái Đất, ít nhất chúng con có thể giữ suy nghĩ rằng “họ sẽ bị trừng phạt” khi họ chết — bởi vì “Thượng Đế đã hứa cho chúng ta sự công chính.”
Trong vương quốc của Ta không hề có thứ gì gọi là thưởng và phạt. Nhưng nói rằng không có cái gọi là “ sự trừng phạt” không giống như nói rằng không hềcó hậu quả.
Khi con làm điều được gọi là “chết” – nghĩa là sau khi con kết thúc thời gian của mình với một cơ thể vật chất ở trên Trái Đất – con sẽ có cơ hội để được Duyệt Lại Cuộc Đời. Trên thực tế, con sẽ yêu cầu được làm như thế. Con sẽ muốn được làm thế. Đây sẽ là một phần quan trọng của quá trình để con hiểu thêm về bản thân và về Cuộc Sống, nhờ đó mà con tiến hóa.
Trong quá trình Duyệt Lại Cuộc Đời này, con sẽ được phép trải nghiệm mọi khoảnh khắc của cuộc đời mình, mọi thứ mà con đã từng nghĩ, đã nói hoặc đã làm. Trải nghiệm này sẽ bao quát toàn diện. Con sẽ không chỉ trải nghiệm điều này từ quan điểm của riêng con, con sẽ trải nghiệm nó từ quan điểm của mỗi một người mà con đã chạm vào cuộc đời họ.
Con sẽ có thể trải nghiệm những gì họ đã trải nghiệm do hậu quả của mọi suy nghĩ, lời nói hoặc hành động của con.
Để xem liệu con có hiểu được điều này không nhé. Con sẽ di chuyển qua tất cả những lần tiếp xúc giữa con với những người khác trong cả cuộc đời, mỗi thời điểm một tương tác, từ quan điểm của người kia?
Chính xác.
Chúa ơi, đó sẽ là địa ngục.
Không. Nó sẽ là việc nhớ lại. Con sẽ nhớ lại con thực sự là ai và con có thể trở thành ai khi biết được những gì người khác đã trải qua do con mà ra. Nhưng dù họ có thể đã đau đớn, con sẽ không phải đau khổ.
Làm thế nào mà có thể như vậy được?
Khổ đau là do góc nhìn. Hãy nhớ điều đó. Cơn đau là một trải nghiệm. Khổ đau là góc nhìn về trải nghiệm đó. Con sẽ trải qua cơn đau – như một người mẹ trải qua cơn đau sinh nở – nhưng con sẽ không cho đó là khổ. Kết luận lại phép so sánh tương đồng này thì, con sẽ trải nghiệm cơn đau ấy như một niềm vui được sinh nở vậy. Trong trường hợp này, là chính con được tái sinh hoàn toàn tươi mới. Con người mới này của con bây giờ đã thấu hiểu hơn, tỏ tường hơn, giác ngộ nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn – và kết quả là, sẵn sàng để trải nghiệm Bản thân mình theo một cách mới.
Quá trình này được gọi là tiến hóa. Và trong quá trình tiến hóa, không có chỗ đứng cho các khái niệm sơ khai về “thưởng và phạt”.
Nhiều người có thể thấy điều này thật khó hiểu. Bỏ đi chuyện Thưởng và Phạt và mọi thứ dường như sụp đổ.
Trừ phi nó không hề sụp đổ.
Trừ phi loài người tự trao cho mình sức mạnh để tạo ra bất kỳ cách hiểu nào họ muốn đặt ra về “đúng” và “sai”, “thiện” và “ác”, “công lý” và “bất công”, mà không cần dùng Thượng Đế để biện minh cho chính mình.
Ngài đang nói về một nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục. Nhiều tổ chức tôn giáo nói rằng nó chính là Thế Lực Tà Ác Vĩ Đại đang chiếm lấy thế giới.
Họ gọi đó là Chủ Nghĩa Thế Tục[ Secularism: Niềm tin cho rằng tôn giáo không nên tham gia vào hoạt động chính trị và xã hội của một quốc gia], hay Chủ Nghĩa Nhân Văn[ Humansim: Hệ Tư Tưởng Lí Luận dựa trên giá trị và sở thích con người, không chấp nhận đức tin tôn giáo ] , hoặc tệ nhất là chủ nghĩa Nhân Văn Thế Tục, và họ nói rằng đó là kẻ thù lớn của Thượng Đế.
Tất nhiên là họ làm vậy, bởi vì đó là một mối đe dọa lớn đối với họ. Thượng Đế không có “kẻ thù”, bởi vì Thượng Đế không thể bị thương, bị hại hoặc bị hủy diệt.
Nhưng các từ điển của chúng con định nghĩa “Chủ Nghĩa Thế Tục” là “từ chối hoặc li khai tôn giáo và những sự suy xét về tôn giáo”. Và quan điểm của con là thế.
Nó đâu nói gì về việc từ chối hoặc li khai Linh Đạo và những suy xét của tâm linh.
Sự khác biệt giữa tôn giáo và tâm linh là gì?
Tôn giáo là tổ chức và Tâm Linh là trải nghiệm.
Tôn giáo là những thể chế được xây dựng dựa trên một ý tưởng cụ thể về vạn vật là như thế nào. Khi những ý tưởng đó trở nên khô cứng và đúc thành khuôn, chúng được gọi là những giáo điều và học thuyết. Sau đó, phần lớn những điều thuyết này trở nên không thể phản đối được. Các tổ chức tôn giáo đòi hỏi các con phải tin vào những lời họ dạy.
Tâm linh không đòi hỏi các con phải tin vào bất cứ điều gì.
Thay vào đó, nó liên tục mời gọi các con chú ý đến kinh nghiệm của chính mình.
Chính kinh nghiệm cá nhân của con mới trở thành quyền suy nghĩ và quyết định hành vi của con, chứ không phải điều gì đó mà người khác đã nói cho con biết.
Nếu các con phải gia nhập một tôn giáo cụ thể nào đó để tìm thấy Thượng Đế, điều đó có nghĩa là Thượng Đế có một cách thức hoặc phương tiện cụ thể mà con bắt buộc phải thông qua đó để đến được với Ngài. Nhưng mà Ta yêu cầu vậy để mà làm chi?
Con không biết. Tại sao Ngài làm thế?
Câu trả lời là, Ta không hề yêu cầu.
Ý tưởng rằng chỉ Thượng Đế có một cách duy nhất để tiếp cận Ông ta, hoặc một phương tiện cụ thể để trở lại với Bà ta, và chỉ bằng cách duy nhất này là sẽ hiệu quả, là hậu quả do ảo giác về sự đòi hỏi.
Ảo giác về sự đòi hỏi là gì?
Là một ảo giác khác của con người, một trong số những niềm tin sai lầm mà chúng ta đã thảo luận. Nó không liên quan gì đến thực tế tối thượng cả.
Ta không có nhu cầu đòi hỏi gì từ nơi các con, bởi vì Ta không có nhu cầu nhận lại bất cứ thứ gì từ nơi các con. Và, trái với niềm tin của con, Ta hoàn toàn không có nhu cầu đòi hỏi các con phải đến với Ta theo một cách thức nào đó.
Đọc linh lần hạt[ Rosary: Kinh Mân Côi vừa đọc và lần chuỗi hạt của Cơ Đốc Giáo.] thì có tốt hơn là làm lễ savitu[ Savitu: Nghi thức của các Brahmin (tầng lớp thầy giáo, thầy tu Ấn Độ) cầu nguyện vào buổi chiều tà đọc cái bài kinh trong sử thi Mahabrata.] không? Thực hành bhakti[ Bhakti: tôn vinh Thượng Đế bằng cách hát ca, kể truyện, đọc thơ, cầu nguyện trong thực hành yoga truyền thống Ấn Độ.] có linh thiêng hơn làm Lễ Vượt Qua[ Seder: Lễ Vượt Qua của người Do Thái kỉ niệm việc Người Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập] không?
Nhà thờ Công Giáo có linh thiêng hơn một nhà thờ Hồi giáo không? Một nhà thờ Hồi Giáo có linh thiêng hơn một giáo đường Do Thái không? Ta chỉ có mặt một nơi duy nhất và không ở nơi nào khác nữa ư?
Con muốn nói rằng câu trả lời là không. Nhưng rồi, tại sao các tôn giáo lại nhấn mạnh rằng con đường của họ là đường tốt nhất — không, không, là đường DUY NHẤT — để đến với Ngài?
Sẽ rất hữu ích cho các tổ chức tôn giáo khi hình dung điều này bởi vì nó cung cấp cho họ một công cụ để tìm, nhận và giữ chân các tín đồ — để có thể tiếp tục tồn tại.
Đây là chức năng đầu tiên của tất cả các tổ chức để giữ cho mình được trường tồn. Thời điểm mà bất kỳ một tổ chức nào bắt đầu phục vụ cho mục đích mà nó được thành lập, thì tổ chức đó không còn cần thiết nữa. Đây là lý do tại sao các tổ chức hiếm khi hoàn thành nhiệm vụ mà họ được giao.
Như một quy luật, các tổ chức không quan tâm đến việc khiến bản thân mình trở nên lỗi thời.
Điều này cũng đúng đối với các tôn giáo cũng như đối với bất kỳ hoạt động có tổ chức nào khác. Có lẽ, còn hơn thế nữa.
Thực tế là một tổ chức tôn giáo nào đó mà đã tồn tại trong một thời gian rất dài không phải là một dấu hiệu cho thấy tính hiệu quả của nó, mà là ngược lại.
Nhưng nếu không có tôn giáo, làm sao chúng con biết cách trở về với Thượng Đế đây?
Ngay từ đầu, con không thể không “quay trở về với Thượng Đế”. Đó là bởi vì con không bao giờ rời xa Thượng Đế, và Thượng Đế không bao giờ rời xa các con.
Niềm Tin Sai Thứ Ba về Thượng Đế đó là các con và Ta bị chia cắt. Vì con nghĩ chúng ta bị chia cắt khỏi nhau nên con cứ cố gắng quay trở lại với Ta.
Ồ, chờ đã! Con có một câu chuyện tuyệt vời để kể ở đây! Nó thực sự tuyệt vời đấy!
Được rồi! Chúng ta hãy cùng nghe nó nào!
Đó là về cậu bé này, cậu luôn lẻn vào rừng một hoặc hai phút mỗi ngày. Cha cậu trở nên lo lắng. Cậu có thể làm gì ngoài đó mỗi ngày? Một ngày nọ, người cha hỏi cậu bé, “Tại sao con lại dành nhiều thời gian trong rừng như vậy?” Và cậu bé trả lời, “Để được gần với Thượng Đế hơn.”
“Chà,” người cha nói, nhẹ nhõm, “con không phải vào rừng để làm điều đó. Thượng Đế ở khắp mọi nơi. Thượng Đế không khác gì ở trong rừng hay ở ngoài này, trong phần còn lại của thế giới cả.”
“Đúng vậy, thưa cha,” cậu bé mỉm cười, “nhưng trong rừng, con khác.”
À, đó là một câu chuyện tuyệt vời.
Cả hai cha con đều nói lên một chân lý tuyệt vời.
Người con trai hiểu rằng Thượng Đế ở khắp mọi nơi, nhưng cậu ấy không thể đi chậm lại và cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế ở khắp mọi nơi được như khi cậu ấy ở trong rừng.
Điều này là rất khôn ngoan. Câu chuyện cho con người biết rằng nếu người ta chỉ cần dừng việc họ đang làm chỉ một chút xíu thời gian mỗi ngày, họ sẽ có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Thượng Đế.
Người cha cũng rất khôn ngoan. Vì ông ta hiểu rằng việc đi vào rừng là không cần thiết. Câu chuyện cho chúng ta biết ở đây rằng chính khi con mang cả khu rừng theo bên mình mọi lúc mọi nơi, con đã bắt đầu biết sống hơn rồi đấy.
Đây là Niềm Tin Sai Lầm Thứ Tư về Thượng Đế:
Các con bắt buộc phải làm điều gì đó để quay về với ta. Các con phải làm theo quy định nào đó để được đoàn tụ với Thượng Đế ở nơi mà các con gọi là “thiên đường”.
Và giờ hãy đón nhận Tin Mừng này. Chẳng có nơi nào khác để đến cả. Thử thách ở đây không phải là “lên tới” thiên đường, mà là biết rằng các con đã ở đó rồi. Vì thiên đàng là Vương quốc của Thượng Đế, và ngoài nó ra không có Vương Quốc nào khác cả.
Ngay cả khi ngoài thiên đường ra còn có nơi chốn nào khác đi chăng nữa, mà các con đang tìm “chỉ dẫn” để đến thiên đường, thì hầu hết các tổ chức tôn giáo là những nơi rất gây hoang mang để tìm ra được chỉ dẫn đấy.
Có hàng nghìn tôn giáo khác nhau trên Trái Đất, và mỗi tôn giáo có một bộ “chỉ dẫn” riêng, phản ánh điều họ cho rằng đó là điều “Thượng Đế muốn”.
Tất nhiên, như đã được nói nhiều lần ở đây, Thượng Đế không “muốn” các con phải thờ phượng Thượng Đế theo cách này hay cách kia. Mà trên thực tế, Thượng Đế cũng không cần được tôn thờ.
Bản ngã của Thượng Đế không mong manh đến mức Bà ấy phải yêu cầu các con cúi rạp mình trước Bà trong sự tôn kính sợ hãi, hoặc cúi đầu trước tôn nhan Ngài trong sự khẩn cầu tha thiết, để Thượng Đế thấy con xứng đáng nhận hưởng phước lành.
Đấng Tối Cao kiểu gì mà phải cần làm như thế?
Loại Thượng Đế nào vậy chứ?
Đó là câu hỏi Con phải thành thật tự hỏi chính mình.
Con đã được cho biết rằng Thượng Đế đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, nhưng ta hỏi con điều này: Liệu có khả năng là các tôn giáo đã tạo dựng Thượng Đế theo hình ảnh và tính cách của con người không?
Ngài đã đưa ra nhận xét đó trước đây.
Thật vậy. Đó là một câu hỏi mà ta mời các con đào sâu khám phá. Bởi vì những gì con người làm, khi không nhận được những gì họ yêu cầu từ người khác, đó là trở nên tức giận. Sau đó, nếu họ thực sự nghĩ rằng họ cần những gì họ yêu cầu và họ vẫn không thể có được nó, loài người sẽ lên án và tiêu diệt những người không đưa nó cho họ.
Đây chính xác là những gì mà các con nói Thượng Đế làm.
Đây là Niềm Tin Sai Lầm thứ Năm về Thượng Đế:
Các con tin rằng Chúa Trời sẽ hủy diệt các con nếu các con không đáp ứng các yêu cầu của Ngài.
Đây là điều quá sai sự thật rồi. Tại sao Ta phải hủy diệt các con? Làm vậy để phục vụ cho mục đích gì chứ?
Công lý.
Công lý sao?
Thượng Đế chính là công lý. Nếu chúng con không tuân theo Luật của Thượng Đế, chúng con sẽ bị trừng phạt.
Và “Luật của Thượng Đế” là gì?
Tất cả đều ở đó, trong Quyển Sách.
Sách nào?
Lại hỏi vậy nữa rồi. Ngài biết quyển sách nào mà.
À, phải, quyển sách mà các con tin vào.
Vâng là nó.
Con có thấy cái vòng tròn ở đây không? Một cái vòng luẩn quẩn. Nó cứ lặp đi lặp lại, tạo ra hết thảm họa này đến thảm họa khác cho con người, cho đến khi tất cả các con có thể đồng ý về một bộ luật không dựa trên tôn giáo nào.
Ý Ngài là, tạo ra một xã hội phi tôn giáo à.
Ý Ta là, tạo ra một cộng đồng tâm linh, ngược lại với một cộng đồng tôn giáo. Một cộng đồng dựa trên các nguyên tắc tâm linh, không phải là một cộng đồng dựa trên các học thuyết của các tổ chức tôn giáo chủ chốt, hầu hết các học thuyết này đều bắt rễ từ tri thức không đầy đủ và nền thần học cho rằng chỉ riêng mình là đúng đắn.
Cộng đồng mà Ta đang mời gọi các con tạo ra sẽ có một nền tảng sâu sắc trong tất cả những Lời Mặc khải Mới, trong đó có
MẶC KHẢI MỚI THỨ SÁU, nó sẽ khiến cho Năm Niềm Tin Sai Lầm Về Thượng Đế đi vào dĩ vãng mãi mãi:
Vạn vật đều là Một. Chỉ Cái Một duy nhất tồn tại, và vạn vật đều là một phần của Cái Một Là Nó mà thôi.