Con có thể không, nhưng một số người tin rằng họ hiểu, và nhiều tôn giáo của con nói rằng họ hiểu.
Con có sẵn sàng nhìn vào điều đó không? Con có sẵn sàng theo cách riêng của mình trở thành động lực và nguồn cơn tạo ra sự thay đổi, trong một góc trời riêng thuộc về thế giới của riêng con, điều mà sẽ thay đổi những niềm tin này không?
Con nghĩ rằng con có thể trở thành nguồn động lực và nguồn cơn tạo ra sự thay đổi. Con thích điều đó. Nhưng bằng cách nào? Làm thế nào để trở thành như vậy? Đó là câu hỏi ở đây.
Đầu tiên, con phải lựa chọn trở thành. Con phải chọn chính mình. Đó là vấn đề về sự tự -chọn-bản-thân-mình. Con phải quyết định rằng, con chính là người như thế.
Sau đó, Con phải quyết định biểu lộ quyết định của con về chính mình, từng giờ từng ngày một. Con phải hiểu rằng mỗi một hành động đều là một hành động tự định nghĩa bản thân. Mọi thứ con nghĩ, nói và làm đều định nghĩa con, đều tuyên bố về điều con đã chọn cho mình.
Cuộc sống là một nhà truyền đạt những quyết định. Nó truyền đạt cho thế giới những quyết định mà con đã thực hiện về bản thân. Nó cho mọi người biết con đã quyết định về việc con là ai, họ là ai và tại sao con ở đây, và tại sao con nghĩ rằng họ ở đây, và bản thân cuộc sống là về điều gì.
Những quyết định đó có tác động lớn hơn những gì con có thể đoán được đấy. Chúng ảnh hưởng đến mọi người theo những cách vượt xa những gì con có thể tưởng tượng.
Nhưng những quyết định đó không bắt đầu bằng việc cố gắng thay đổi thế giới. Nó bắt đầu bằng việc tìm cách thay đổi bản thân. Thay đổi bản thân và thế giới nội tâm bên trong của con sẽ thay đổi. Và khi thế giới bên trong của con thay đổi, thế giới bên ngoài mà con tiếp xúc sẽ thay đổi, từng chút một. Và khi thế giới bên ngoài mà con chạm vào thay đổi, thế giới mà nó chạm vào sẽ thay đổi và thế giới mà nó chạm vào. Nó cứ tiếp tục tỏa ra, tỏa ra, tỏa ra như những gợn sóng bên trên mặt hồ.
Vâng, con đã từng nghe phép so sánh tương đồng đó trước đây. Và có lẽ bây giờ là lúc làm dậy sóng để chao đảo con thuyền.
Nếu không phải bây giờ, thì khi nào nữa? Nếu không phải là con, thì còn là ai nữa?
Thật vậy. Bây giờ con hiểu điều này rồi. Con thấy rằng con phải tham dự vào. Con, chính cá nhân con. Con không thể ngồi yên một chỗ chờ ai khác giải quyết vấn đề. Không ai trong chúng con còn có thể ngồi yên như thế. Chúng con không còn có thể tiếp tục lặng yên. Thời gian đã gấp lắm rồi.
Con nói đúng.
Con có thể bắt đầu bằng việc tìm cách thay đổi một phần của bản thân, phần mà không tin rằng con có bất kỳ vai trò nào trong việc giúp sức tạo ra một thế giới chung, nơi mà tất cả chúng con đều đang sinh sống. Con có thể thay đổi niềm tin bên trong của mình về thế giới đó, về Cuộc sống và về Thượng Đế. Sau đó, con có thể nói chuyện với các nhà lãnh đạo tôn giáo của cộng đồng của con. Tất cả chúng con đều có thể làm được điều đó. Chúng con có thể đến gặp các nhà lãnh đạo tinh thần ở địa phương mình và yêu cầu họ ngồi xuống với chúng con — chết tiệt thật, ngồi xuống với nhau — và nói về những điều này.
Con biết về một tình huống trong cộng đồng của con ở Ashland, Oregon, nơi một nhà lãnh đạo tinh thần Hồi giáo địa phương đã nghe thấy một linh mục Cơ Đốc Giáo thuyết giảng trước giáo đoàn và cộng đồng Cơ Đốc những điều khủng khiếp và không chính xác về tín ngưỡng của ông ta. Người Hồi giáo này đã gọi điện cho văn phòng bộ trưởng để hỏi xem liệu ông ta có thể gặp mặt được không nhưng rồi ông ấy thậm chí còn không nhận được một cuộc điện thoại gọi lại. Dù vậy, ông vẫn không chịu bỏ cuộc. Ông gọi điện hàng ngày, rồi hàng giờ, nhẹ nhàng hỏi han liệu Bộ trưởng có thể ngồi lại nói chuyện với ông ta được hay không. Cuối cùng, một giáo dân từ nhà thờ đã nói chuyện với người Hồi giáo trong một cuộc họp cá nhân trong một vài phút. Nhưng bộ trưởng không bao giờ làm vậy. Ông ta đã từ chối. Ông ta vẫn từ chối cho đến tận ngày nay.
Con sẽ nói gì với các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương nếu con có thể mời họ ngồi xuống cùng với con?
Con sẽ kể cho họ nghe về một cuộc trò chuyện mà cách đây không lâu con với Ngài John Templeton – ông ấy là người đã tạo ra Giải thưởng Templeton trong Tôn Giáo – trong đó con hỏi ông ấy điều gì ông ấy cảm thấy thế giới hiện tại cần nhất. Ngài John nói, “thần học về sự khiêm tốn” Khi con hỏi ông ta đó là gì, ý ông ta là gì, ông ta trả lời, “Đó là một thần học thừa nhận rằng nó không có tất cả các câu trả lời. Chúng ta cần một thần học sẵn sàng tiếp tục việc đặt câu hỏi.”
Ngài John rất khôn ngoan.
Nhưng con tự hỏi liệu có thể tìm ra cách nào để thuyết phục bất kỳ tôn giáo lớn nào trên thế giới rằng họ không có câu trả lời cuối cùng hay không. Các tôn giáo này dựa trên niềm tin rằng câu trả lời đúng là của họ. Họ nói rằng tất cả những gì chúng con phải làm chỉ là lắng nghe họ. Chúng con có thể nói gì với các linh mục địa phương, với các giáo sĩ Do Thái, với các thành viên đoàn giáo sĩ từ tất cả các tín ngưỡng trong cộng đồng mình, nếu họ nói như thế đây?
Hãy hỏi họ liệu họ có thấy rằng những người lắng nghe những lời dạy của các tổ chức tôn giáo có đang được bình an hay không. Hay chính những người nào giờ vẫn lắng nghe lại cảm thấy mình tức giận, cố chấp, cứng nhắc, lạm dụng và xông pha trong rất nhiều cuộc chiến?
Hãy hỏi họ ai đã từng tham chiến ở Ireland? Ai đã gây chiến ở Trung Đông? Ai đã xung đột liên tục ở Balkan, trên biên giới Ấn Độ-Pakistan, ở Afghanistan? Ai đã gieo mầm cho sự không khoan dung với những người đồng tính, về sự bất bình đẳng của phụ nữ, của sự phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ?
Nhưng hãy biết rằng ngọn cờ của các tổ chức tôn giáo không phải là ngọn cờ duy nhất tung bay trong nhiều cuộc đấu tranh của nhân loại. Ngoài ra còn có lá cờ của chủ nghĩa dân tộc. Vì vậy, các con cũng phải nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị địa phương mình nữa.
Ngài đã nói rằng vấn đề không phải thuộc về chính trị, và nó cũng không phải là kinh tế, mà thuộc về tâm linh cơ mà.
Chính xác là vậy. Chính những quan niệm tâm linh các con đang có đã tạo ra và bảo trợ cho các công trình chính trị và kinh tế hiện nay. Vì vậy, việc ngồi xuống đàm luận cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo là có lý đấy. Nhưng cũng hãy ngồi xuống đàm luận với các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh, bởi vì chính sự hiểu biết về tâm linh của họ thúc đẩy động cơ chính trị và kinh tế của họ.
Chính trị chính là tâm linh được biểu hiện ra bên ngoài. Cả kinh tế cũng vậy.
Vì vậy mà, toàn thể cộng đồng phải tham gia, không chỉ cộng đồng tôn giáo của riêng con mà thôi đâu, toàn thể phải tham gia khám phá một đời sống tâm linh mới, thứ mà có thể thay đổi mọi thứ.
Đấy là một ý tưởng! Có lẽ những cư dân bình thường đang sinh sống ở các thành phố và thị trấn trên khắp thế giới có thể tạo ra một phong trào không quá rầm rộ, chỉ cần ngồi lại với nhau để xem có thể làm gì trong cộng đồng họ, để gieo hạt giống hòa bình, sau đó mời các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và doanh nghiệp địa phương đến và bắt đầu đối thoại với họ — và quan trọng hơn là với nhau — về tất cả những điều này.
Có lẽ chúng con có thể thay đổi một số niềm tin — hoặc ít nhất là khiến mọi người bắt đầu suy nghĩ, ít nhất là bắt đầu xem xét một số ý tưởng mới.
À, nhưng những ý tưởng mới sẽ là gì? Đó là câu hỏi. Chúng con đã tìm kiếm cách thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình trong nhiều thế kỷ. Chúng con chẳng hiểu biết gì về Thượng Đế và về Cuộc Sống cả, mà chính hiểu biết này sẽ thay đổi mọi thứ?
Bản thân con cũng đang cố gắng suy nghĩ, con sẽ nói gì nếu được hỏi câu hỏi này? Con có thể đưa ra điều gì như một ý tưởng mới để mọi người nghĩ về, một ý tưởng mới để con gợi cho mọi người cùng xem xét?
Chúng con cần sự hướng dẫn ở đây. Chúng con cần vài góc nhìn. Chúng con cần biết mình có thể tiếp cận tất cả hiểu biết này từ góc độ mới nào.
Chúng con không hiểu điều gì về Thượng Đế và về Cuộc Sống đây chứ?
Con đã thực sự sẵn sàng cho một số thông tin chi tiết chưa? Con đã thực sự chuẩn bị để nhìn mọi thứ từ một góc độ mới chưa? Con có thực sự muốn biết những gì mà con không hiểu hay không?
Có ạ.
Được rồi, ta bắt đầu nào. Và hãy nhớ rằng, vài người sẽ không dễ dàng có thể chấp nhận những điều này ngay được đâu nhé.
Con hiểu. Mình tiếp tục đi ạ. Ít nhất chúng ta sẽ có một cái gì đó mới để thảo luận. Nói và nói và nói mãi về các thuyết thần học cũ theo cùng những cách cũ rích đã khiến chúng ta chẳng đi đến đâu cả. Chúng ta cứ mãi đi trong một cái vòng lẩn quẩn ở đây. Và trong lúc đó, chúng con lại vẫn đang giết nhau, bởi vì các học thuyết thần học cũ đã không thể phát huy để mà ngăn chặn chúng con nổi.
Được thôi. Vậy đây là sự thật mà con không hiểu: Toàn bộ nền văn minh của các con— tôn giáo của các anh, chính trị của các anh, kinh tế của các anh, cấu trúc xã hội của các anh, mọi thứ — đều dựa trên những sự ảo tưởng.
Chà, điều đó có thể mở ra cả một cuộc đối thoại. Con cho rằng đây là những ảo tưởng mà nào giờ chúng ta đã đang nói đến ở đây?
Đúng vậy. Và đây là Năm Điều Về Thượng Đế và Năm Điều Về Cuộc Sống đã trở thành niềm tin không lay chuyển của con người. Năm Niềm Tin Sai Lầm Về Thượng Đế đã hình thanh ra các tổ chức tôn giáo, và Năm Niềm Tin Sai Lầm Về Cuộc Sống đã tạo ra chủ nghĩa dân tộc.
Đây là hai nguyên nhân khiến cho thế giới của các con luôn ở trong tình trạng hỗn loạn không dứt suốt nhiều thế kỷ.
Ồ, tốt rồi, vậy con có thể nói với mọi người rằng chúng ta không nên có tôn giáo và chúng ta không nên có quốc gia! Con có bỏ sót gì không?
Đó không phải là những gì Ta đã nói.
Chắc chắn là nó nghe như là thế.
Vậy thì nãy giờ con đã không hề lắng nghe rồi.
Ta đã không nói bất cứ điều gì về việc xóa bỏ các tôn giáo, và ta đang không hề nói bất cứ điều gì về việc xóa bỏ các quốc gia cả. Dù các tổ chức tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc là hai nguyên nhân chính gây ra hỗn loạn trên Trái Đất, nhưng cũng chính là tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc và các nền văn hóa và truyền thống đã mang đến cho con người ý thức về bản sắc và về cộng đồng.
Nói cách khác, một số điều hiệu quả và một số thứ thì không. Con sẽ không bao giờ đề nghị rằng chỉ cần đơn giản là loại bỏ cả tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc.
Các con không phải là “không nên có” chúng. Tuy nhiên, điều rõ ràng là bây giờ các con cần phải cải thiện chúng — không phải loại bỏ, mà là cải thiện — các cách con người trải nghiệm và thể hiện bản sắc tôn giáo và quốc gia của mình nếu các con thực sự mong muốn tạo ra một thế giới nơi con người sống trong hòa bình, chan hòa và hạnh phúc.
Và làm thế nào để chúng con cải thiện được?
Có một cách là xem xét những Niềm Tin Sai mà niềm tin hiện tại của các con về Thượng Đế và Cuộc Sống lấy làm cơ cở. Điều này chỉ có thể xảy ra khi con và những người cùng con thảo luận về vấn đề này thực hiện Năm Bước Đến Hòa Bình.
Vậy đó có thể là nhiệm vụ đầu tiên của chúng con — để xem liệu chúng con có thể khiến tất cả mọi người trong phạm vi ảnh hưởng của chúng con, tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị gia và người làm kinh doanh ở địa phương con, có đồng ý thực hiện Năm Bước Đến Hòa Bình hay không.
Con có nghĩ mình làm được chuyện đó không?
Nó có thể không dễ dàng gì đâu.
Đó là một sự khởi đầu. Là một nơi để xuất phát. Các con không thể bắt đầu cố gắng cải thiện nếu vẫn chưa thể công nhận rằng có điều gì đó cần được cải thiện. Các con không thể làm cho bất cứ điều gì không phù hợp trở nên phù hợp được, nếu vẫn chưa công nhận rằng hiện giờ nó đang không phù hợp.
Hiện tại cuộc sống trên hành tinh của các con — và nền tảng niềm tin của cuộc sống này — không hoạt động hiệu quả. Không hiệu quả, nếu như các con muốn trải nghiệm những gì các con tuyên bố rằng các con muốn trải nghiệm. Nhưng nếu các con không thể đồng ý rằng những điều này là không hoạt động hiệu quả thì các con đã lạc lối rồi và các con chẳng thể làm gì thêm được nữa cả.
Chà, con sẽ thử. Con sẽ xúc tiến Năm Bước Đến Hòa Bình. Xuất bản chúng ra. Nhờ công chúng cho lời nhận xét về chúng. Hỗ trợ cho cộng đồng chúng con thảo luận về chúng.
Con thậm chí có thể tổ chức một cuộc đối thoại hoặc hội nghị Năm Bước Đến Hòa Bình, và mời các nhà lãnh đạo địa phương. Con sẽ làm cho nó trở thành một lời mời công khai. Con sẽ cố gắng làm cho lời mời của mình không thể từ chối được.
Đây là cuộc vận động vì tâm linh, và con nghĩ ngày nay chúng con cần đến chúng nhiều hơn. Chúng con cần bắt đầu các cuộc đối thoại cởi mở, trung thực tôn trọng các quan điểm của từng người trong chúng con. Chúng con cần cho phép bị phản đối, cho quyền được chỉ trích, quyền đặt câu hỏi – và quyền được đặt nghi vấn cho các câu trả lời chúng con nhận được cho câu hỏi của mình.
Bản thân nhiều tôn giáo của chúng con đã ngăn chặn những cuộc thảo luận và tranh luận như vậy. Dù các thành viên trong hầu hết các nhóm Cơ Đốc Giáo hiện nay đều đã thừa nhận rằng không phải mọi từ ngữ mà Kinh Thánh đã chép đều nên được hiểu thuần theo nghĩa đen, tuy thế mà vẫn có nhiều thành viên Cơ Đốc theo trào lưu chính thống tiếp tục tin tưởng rằng Kinh thánh là Lời tuyệt đối thuần khiết của Thượng Đế, cho đến từng dấu gạch ngang trên chữ t và từng dấu chấm trên đầu chữ i.
Trong truyền thống Hồi giáo, thậm chí không có bất kỳ thứ gì gọi là “người theo chủ nghĩa chính thống”. Tất cả các tín đồ Hồi giáo đều tuyên bố tin rằng Kinh Qur’an được tiết lộ qua Muhammad là Lời tuyệt đối thuần khiết từ Thượng Đế, cho đến từng dấu gạch ngang trên chữ t và từng dấu chấm trên đầu chữ i. Không cho phép bất kì sự sai lệch nào. Bất cứ ai không tuân theo niềm tin này đều bị coi là kẻ nghịch đạo. Ở một vài nơi, hình phạt cho những kẻ nghịch đạo là cái chết.
Một số người có thể nghĩ rằng con đang nói quá, nhưng sự thật là hiện nay một số tín đồ tôn giáo còn đang khơi mào cuộc tranh cãi về cả những đại từ nhân xưng. Sự xung đột giữa chúng con về Thượng Đế đã trở nên tầm thường quá mức, Thượng Đế mà chúng con tưởng tượng ra nhỏ nhen quá mức, đến nỗi mà một nhà xuất bản ở Mỹ đã mồi lên một cơn bão lửa, bằng cách cho in cuốn Kinh Thánh hướng tới sự trung lập về giới tính.
Nhà văn Cathy L yn n Grossman đã tường thuật về sự kiện này vào tháng 3 năm 2002 trong tờ báo Hoa Kỳ Ngày Nay[ USA Today] với tiêu đề: CUỘC THÁNH CHIẾN BẰNG NGÔN TỪ.
Grossman thông báo rằng một bản diễn dịch mới ‘chính xác về giới tính’ theo Kinh Tân Ước, được gọi là Bản Kinh Thánh Quốc Tế Mới Ngày Nay, được một công ty tên là Zondervan xuất bản – đang tạo ra một cơn bão phản đối kịch liệt từ những người tin tưởng, rằng mọi lời thiêng đều chính là một viên sỏi chỉ đường trên con đường dẫn về với Giê-su và sự cứu rỗi.
Câu chuyện của Grossman tiếp tục nói rằng trong Kinh thánh từ “ông ấy”đã được đổi thành “họ” và từ “con trai” được đổi thành “con cái”, trong hàng loạt kinh sách từ Kinh Mathew đến Kinh Khải Huyền. Chủ tịch nhà xuất bản Zondervan, ông Scott Bolinder, tuyên bố rằng cách gọi này vừa “tôn trọng các nguyên tắc trong Kinh thánh” nhưng cũng vừa cho độc giả ngày nay thấy được rằng “Kinh thánh không chỉ dành cho các cậu trai.”
Nhưng các nhà phê bình như James Dobson, người sáng lập tổ chức Bảo thủ Tập Trung Vào Gia Đình[ Focus on Family], nói rằng việc loại đi “tính nam mà các tác giả của Kinh thánh đã ám chỉ”là đi ngược lại với đoạn Kinh Phúc Âm đã chép rằng “làm nhạt nhòa tình phụ tử của Thượng Đế” … “và thân phận thực sự của Chúa Giê-su.”
Phóng viên Grossman tổng hợp quan điểm của nhiều người trong số những nhà phê bình này là: “đang làm loạn Kinh Thánh và đang giỡn mặt với Thượng Đế.”.
Những nhà phê bình này nói rằng Kinh thánh trung lập về giới tính có thể “ném những tín đồ vô tội và những người mới cải đạo ra khỏi con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh hằng…” Grossman viết.
Bài báo trích lời các nhà phê bình nói rằng vấn đề là “việc thay đổi đại từ trong văn bản Kinh thánh ngụ ý rằng bản gốc có điều gì đó sai” — và “giữa những người truyền giáo với nhau, ta không thể nói rằng Kinh Thánh đã chép sai được”, trích dẫn lời Nan cy Ammerman, đến từ Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo thuộc Chủng Viện Hartford.
Câu chuyện cũng trích dẫn lại lời của ông R. Albert Mohler Jr, Chủ tịch Chủng Viện Thần Học Baptist Miền Nam, nói rằng “sự thỏa hiệp trước những luồng gió nguy hiểm của nền văn hóa đại chúng sẽ là một sự xúc phạm đối với đặc tính căn bản của Kinh Thánh, là những Lời kinh vĩnh hằng, bất biến và đầy quyền năng từ Thượng Đế.”
Bây giờ, chúng ta đang nói về loại xúc phạm nào ở đây vậy? Chàng phóng viên Grossman đã nêu ra một ví dụ. Trong Phiên Bản Kinh Thánh Quốc Tế Mới Ngày Nay, in lời của John 11:25 như sau…
“Kẻ tin vào Ta sẽ được sống, cho dù anh ta có chết đi, và bất cứ kẻ nào đang sống mà tin vào Ta sẽ không bao giờ chết.”… đã được đổi thành… “Bất cứ ai tin vào Ta sẽ sống, cho dù họ chết, và bất cứ ai đang sống mà tin vào Ta sẽ không bao giờ chết.”
Grossman cũng đưa ra những ví dụ khác, bao gồm sự thay đổi trong Titus 2:12, trong đó, giải thích kỹ hơn về lời dạy của Paul, những cuốn Kinh thánh cũ nói rằng ân điển của Thượng Đế mang lại sự cứu rỗi đã “xuất hiện cho tất cả những người đàn ông”, trong khi bản dịch mới nhất gây tranh cãi lại ghi rằng ân điển này sẽ “mang lại sự cứu rỗi cho tất cả mọi người.”
Giờ thì tôi không chắc rằng những thay đổi như vậy có tạo thành “sự xúc phạm đến đặc tính căn bản của Kinh thánh” hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng chỉ kiểu cãi vã gay gắt về lời “bất biến” của Đức Chúa Trời như vầy mới chính là thứ tạo ra rất nhiều những hành vi sai lầm của con người.
Susan Harding, nhà nhân chủng học tại Đại học California-San ta Cruz, được Grossman gọi là cây bút chuyên về ngôn ngữ và chính trị theo trường phái chính thống trong bài viết trên tờ Hoa Kỳ Ngày Nay, cho biết: “Sự chính xác và trung thành với lời của Thượng Đế luôn là nền tảng đạo đức cao cả.” Câu chuyện trích dẫn lời cô Harding, nói rằng những kiểu thay đổi giới tính trong Kinh thánh được trích dẫn trước đó tạo ra “một dốc trượt dài đến sự diệt vong”.
Vậy là xong. Chúng ta đang trên đường đến Địa ngục nếu chúng ta thay đổi các đại từ trong Kinh thánh từ “anh ta” thành “họ”.
Câu trích dẫn bà Harding kết luận rằng, “Các bạn không thể có một cộng đồng những người tin vào Thượng Đế nhưng thực chất lại không đồng ý với những gì Kinh thánh chép.”
Với lòng tôn trọng, con không đồng ý. Con quan sát thấy rằng chính khi chúng con có một cộng đồng những tín đồ mà không bất đồng ý kiến với nhau về bất cứ điều gì cả, thì chúng con mới là đang gặp rắc rối rất lớn đấy.
Những gì chúng con cần phải làm là đối thoại cởi mở về những điều mặc khải của Thượng Đế, về sự thật của cuộc sống, về việc con người là ai và chọn trở thành ai, và làm thế nào để tất cả xã hội loài người đều có thể đến được nơi chúng con muốn đến, với tư cách một tập thể.
Cuộc đối thoại mà chúng ta đang có ở đây là một ví dụ điển hình về một cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn. Hãy chia sẻ nó với những người khác, để họ có thể biết về những thứ đang được thảo luận tại đây.
Bây giờ, thông qua cuộc thảo luận này, con, chính con, đã thực hiện hai bước đầu tiên để đạt được hòa bình. Con đã thừa nhận rằng niềm tin cũ của con không còn hoạt động hiệu quả nữa và con cũng thừa nhận rằng có những thứ con không hiểu về Thượng Đế và về Cuộc Sống, mà sự hiểu biết này sẽ thay đổi mọi thứ.
Con đã sẵn sàng để thực hiện bước thứ ba chưa?
Hãy xem nào… Bước 3 là lựa chọn sẵn sàng đón nhận những hiểu biết mới về Thượng Đế và Cuộc Sống sắp được mang đến.
Được rồi, con đã sẵn sàng cho hiểu biết mới rồi.
Con sẵn sàng chưa? Thật sự sẵn sàng rồi chứ?
Ý tưởng này có tính đe dọa cao đối với một số người. Rằng bất cứ ai đang sống ngày nay cũng có thể mang lại một sự hiểu biết mới về Thượng Đế và về Cuộc Sống mà đáng gọi là có thể làm rung chuyển chính nền tảng của tư tưởng chính thống.
Tạm thời con sẵn sàng bước xuống khỏi diễn đài. Con rất vui lòng để ai đó thử cố gắng.
Không, không, đây không phải là việc để ai đó “cố gắng” mà là về việc con sẵn sàng cho phép một hiểu biết mới được mang đến, không phải là việc con sẵn sàng để ai đó cố gắng mang nó đến.
Có gì khác biệt không ạ?
Sự khác biệt nằm ở chỗ con cởi mở về các Khả Năng đến độ nào.
Những người tin vào Muhammad, và Giê-su và Baha’u’llah, và những người khác không nói rằng những vị đó đã “cố gắng” để mang đến sự thật vĩ đại. Họ nói rằng những vị đó đã mang chúng đến. Bây giờ thì, con có sẵn sàng công khai tuyên bố rằng một người nào đó có thể “cố gắng” mang lại sự hiểu biết mới về Thượng Đế và Cuộc Sống, hay ai đó thực sự có thể mang lại sự hiểu biết mới về Thượng Đế và Cuộc Sống?
Có một sự khác biệt lớn ở đây đấy.
Con thấy đấy, trong thế giới của con, rất khó để có thể trải nghiệm bất cứ điều gì mà con không tin là có thể. Ngay cả khi nó xảy ra rồi, con vẫn sẽ phủ nhận nó.
Con cảm thấy điều đó không đúng. Nhiều điều đã xảy ra trong cuộc sống của con mà con không nghĩ là có thể xảy đến được.
Đúng vậy, nhưng những người xung quanh con đã xác nhận thay cho con. Họ nói rằng đó là sự thật. Vì vậy, nó đã trở thành sự thật đối với con.
Mặt khác, nếu phần lớn mọi người trong nền văn hóa của con – gần như là tất cả mọi người trong xã hội của con – nói rằng điều gì đó là không thể, con sẽ rất khó trải nghiệm nó. Thật vậy, có thể con sẽ không trải nghiệm được chút nào.
Ngay cả khi con đang nhìn thẳng vào nó, con cũng có thể không nhìn thấy nó. Hoặc con sẽ nhìn ngay vào nó và xem nó như một thứ khác, đơn giản là bởi vì con không hiểu nó.
Phải, con nhớ bà ngoại của con lần đầu xem con người đi bộ trên mặt trăng đã nhìn chằm chằm vào tivi và nói, “Đây không phải là một bộ phim hay sao?” Khi cha con và cô con nói với bà ấy, “Không, Mẹ, đây là sự thật. Họ thực sự đang ở trên mặt trăng,” Bà nói, “Đó là một bộ phim tuyệt vời. Thật giàu sức tưởng tượng.” Bà ấy chỉ đơn giản là không thể nắm bắt được thực tế. Bà ấy chỉ đơn giản là không hiểu làm thế nào mà một điều như vậy có thể xảy ra.
Và những gì con không hiểu được—?
Con sẽ phủ nhận!
Chính xác.
Và vì vậy, nếu con không nghĩ rằng ai đó đang sống ngày nay có thể mang lại sự hiểu biết mới về Thượng Đế và Cuộc Sống, mang đến cho thế giới một mặc khải mới, con sẽ thấy điều đó thật khó hiểu. Con sẽ không hiểu được chuyện đó. Và đồng nghĩa là?
Chúng con sẽ phủ nhận nó.
Ngay cả khi trái tim các con đập rộn ràng khi nghe thấy thông điệp. Ngay cả khi cơ thể các con run rẩy ngày một nhận thức rõ hơn. Ngày cả khi linh hồn con con nhảy múa hân hoan khiến tâm trí các con cũng bắt nhip theo.
Nhưng bây giờ Ta mời gọi các con hãy mở rộng không gian dành cho các Khả Năng hơn thế nữa. Không phải để chấp nhận rằng ai đó có thể “cố gắng” những hiểu biết mới về Cuộc Sống và về Thượng Đế, mà là thừa nhận rằng ai đó có khả năng làm thế.
Không Gian dành cho Khả Năng phải có chỗ cho một Chân Lý Mới – một Chân Lý Mới khá là khổng lồ đấy.
Được rồi, con sẵn lòng cho điều đó. Con sẽ mở lòng đủ để xem xét rằng có thể có một cái gì đó mới lạ ở tại đây cho con quan sát.
Tốt rồi.
Ngài có thể nói thẳng ra không?
Được. Chúng ta hãy gọi điều này là
MẶC KHẢI MỚI ĐẦU TIÊN:
Thượng Đế chưa bao giờ ngừng giao tiếp trực tiếp với con người. Thượng Đế đã giao tiếp với con người và thông qua con người từ thuở sơ khai. Ngày nay Thượng Đế vẫn đang làm thế.
Đây là những gì con có thể nói với người khác khi họ hỏi con, “Anh muốn chúng tôi xem xét những gì tưởng mới nào? Có điều gì mà chúng tôi chưa biết mà nó có thể thay đổi mọi thứ?”
Những gì Ta đang mời con làm là thay đổi niềm tin của con về điều này. Hãy bỏ ý nghĩ trong đầu mình rằng Thượng Đế đã ngừng nói chuyện trực tiếp với con người đi. Hãy sẵn sàng xem xét một ý nghĩ mới — rằng Thượng Đế trò chuyện với mọi người vào mọi lúc.
Con có thể làm điều đó không? Con có thể mở lòng ra với khả năng đó không?
Con đang cố. Con đã cố gắng rất nhiều kể từ khi bắt đầu cuộc đối thoại này.
Con không thể “cố.” Nếu con muốn có trải nghiệm mà con nói rằng con muốn có, nếu con thực sự muốn trở thành một trong những người giúp thay đổi xu hướng tự hủy hoại mà thế giới của con đang hướng tới, con cần làm nhiều hơn là “cố gắng”. Con phải làm điều đó.
Con đã hỏi Ta liệu Ta có thể làm điều gì hay không. Con đã hỏi Ta liệu Ta sẽ giúp đỡ các con chứ. Con đã hỏi Ta liệu Ta có thể trao cho các con một số công cụ để con có thể tham gia vào việc thay đổi thế giới hay không.
Vâng đúng là vậy.
À, Ta đang mời con làm một điều.
Vâng.
Hãy sử dụng những công cụ mà Ta đã trao cho con.
Đừng nói rằng con đang “cố gắng” sử dụng chúng. Đừng hành động như những người khác và coi chúng không phải là công cụ “phù hợp”, hoặc gạt chúng sang một bên, nói rằng chúng “quá khó” để có thể sử dụng.
Ta đã không mang cho các con những công cụ này nếu Ta không biết rằng các con có thể sử dụng được chúng. Ta không có nhiệm vụ làm cho các con rối trí hay thử thách các con. Cũng không trừng phạt con nếu các con không vượt qua được thử thách.
Nhiệm vụ của Ta làm cho các con trở nên sáng láng, và cũng chính là làm rạng rỡ cho chính Ta. Vì thông qua ánh sáng huy hoàng của các con, ánh sáng huy hoàng của Thượng Đế mới được tỏ rạng. Chỉ thông qua sự vĩ đại của các con, sự vĩ đại của Thượng Đế mới được biết đến. Chỉ bằng cách thông qua Sự Sống, thì Sự Sống mới có thể được trải nghiệm sự vĩ đại nhất tiếp theo về chính mình.