Tài liệu trong cuốn sách này được lấy vào năm 1986 và 1987 thông qua phương pháp thôi miên hồi quy về tiền kiếp của đối tượng. Nó không bị xáo trộn trong hồ sơ của tôi cho đến khi nhà xuất bản của tôi đề nghị tôi viết phần tiếp theo của bộ Chúa Giê-su and những người Essene vào năm 1993. Tôi biết vào thời điểm đó tôi sẽ phải thực hiện các nghiên cứu cần thiết để xác nhận hoặc phủ nhận các tham chiếu lịch sử và hàm ý trong lời tường thuật. Đây là điều cần thiết, và trong trường hợp của tôi, là một phần thú vị trong công việc của tôi.
Một nhà nghiên cứu hồi quy cẩn thận làm việc trong lĩnh vực này không thực hiện bất kỳ loại nghiên cứu nào cho đến khi các buổi thôi miên kết thúc. Có ý kiến cho rằng nếu nhà thôi miên hoặc đối tượng có bất kỳ sự hiểu biết nào về thời kỳ lịch sử hoặc tài liệu, nó có thể được truyền đi một cách vô thức bởi ESP (Cảm nhận ngoại cảm) – mà tôi coi bản thân điều đó là một hiện tượng quan trọng, nếu nó có thể được chứng minh. Tôi đã có các thân chủ đưa ra dấu hiệu cho thấy họ nhận thức được những thứ đang diễn ra trong phòng mà bình thường họ không thể nhìn thấy hoặc nghe thấy. Họ thường trả lời một câu hỏi trước khi tôi hỏi câu đó, như thể họ đang nhặt nó ra khỏi tâm trí tôi. Tôi biết mình không cung cấp câu trả lời một cách vô thức và họ không thay đổi câu chuyện để phù hợp với những gì tôi đang tưởng tượng, bởi vì tôi có thể hình dung trong đầu về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, và nó thường hoàn toàn sai. Họ dường như đang kể các sự kiện theo quan điểm độc đáo của riêng họ, và tôi không thể làm gì để ảnh hưởng đến điều này. Tôi đã thực hiện các bài kiểm tra nhiều lần để chứng minh rằng ảnh hưởng quá mức không xảy ra, với sự hài lòng của riêng tôi. Nhưng nếu cả tôi và đối tượng đều không có bất kỳ kiến thức nào về tài liệu, giai đoạn lịch sử hoặc khu vực, thì câu trả lời phải đến từ một nơi khác ngoài tiềm thức của chúng ta. Vì những lý do này, các nhà nghiên cứu hồi quy được khuyên không nên nghiên cứu cho đến khi ca trị liệu được hoàn thành.
Trong giai đoạn cuối của quá trình chuẩn bị bản thảo này, tôi quyết định đã đến lúc phải nghiên cứu kỹ những tập sách cũ đầy bụi trong thư viện trường đại học, nơi tôi thực hiện nghiên cứu của mình. Nếu tôi không thể tìm thấy thứ mình muốn, họ có một hệ thống cho mượn liên thư viện rất đáng tin cậy có thể định vị bất kỳ cuốn sách nào ở Hoa Kỳ. Máy tính của họ tìm thấy cuốn sách, thường là trong các thư viện đại học khác, và nó được gửi đến cho tôi. Đây là phần công việc rất thu hút tôi. Tôi thích tìm kiếm thông qua những cuốn sách cũ, đọc hàng giờ để tìm ra một chi tiết quan trọng. Nó giống như việc tìm thấy một viên kim cương trong một đống cát, và việc tìm kiếm mang lại sự thỏa mãn vô cùng.
Một số thông tin tôi tìm thấy có thể là kiến thức phổ biến đối với những người Do Thái quan tâm đến lịch sử của quê hương họ, nhưng là một người Mỹ theo đạo Tin lành, chắc chắn là tôi không biết. Tôi sẽ đưa nó vào đây để vẽ một bức tranh về khu vực đó, như nó đã tồn tại vào thời của Chúa. Các khu vực xung quanh rất quan trọng đối với bất kỳ sự tường thuật nào.
Hàng triệu du khách đi du lịch đến Đất Thánh mỗi năm với mong đợi được đến thăm chính những nơi Chúa Giê-su đã sống, giảng dạy và qua đời. Tôi thấy rằng điều này là không thể vì những nơi này không còn nữa. Ngay cả những người hy vọng có thể đi bộ trên cùng một mảnh đất mà Chúa Giê-su đã bước đi cũng sẽ thấy điều đó là không thể, bởi vì địa hình đã thay đổi quá nhiều.
Ngày nay, Jerusalem là một thành phố thiêng liêng đối với ba trong số những tôn giáo quan trọng nhất trên thế giới: Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Đối với hai tôn giáo đầu tiên, nó được công nhận là Thành phố Thánh, và đối với tôn giáo thứ ba, chỉ đứng sau Mecca và Medina. Có lẽ vì lý do này hơn bất kỳ lý do nào khác, Jerusalem đã duy trì sự tồn tại vững chắc của nó – và vì lý do này, nó không bao giờ có thể chết đi, chừng nào loài người vẫn tiếp tục có bất kỳ niềm tin tôn giáo nào. Đối với cuốn sách này, tôi đang tập trung tìm kiếm thông tin chi tiết về Đền thờ Jerusalem cũ và về chính Jerusalem. Tôi muốn xem mô tả của Abigail về Ngôi đền có thể được xác minh hay không. Những gì tôi khám phá ra đã làm tôi kinh ngạc. Người ta biết rằng nhiều thành phố cổ đã biến mất và mọi dấu vết của chúng đã bị cát bụi thời gian vùi lấp. Những thứ này thường được tìm thấy thông qua những nghiên cứu chuyên chú và được khám phá từng chút một bởi các nhà khảo cổ học (Nguyên văn: bởi chiếc xẻng của các nhà khảo cổ học). Tuy nhiên, tôi luôn giả định rằng nếu một thành phố vẫn ở vị trí cũ trong hàng nghìn năm, thì tàn tích của nền văn minh cũ đó sẽ được bảo tồn. Tôi đã thấy những tàn tích ở Anh có niên đại nhiều thế kỷ. Rome vẫn còn tàn tích của Đấu trường La Mã và các công trình kiến trúc cổ khác. Vì vậy, tôi nghĩ điều tương tự cũng đúng với Jerusalem. Nó đã là tâm điểm tôn giáo đáng chú ý qua nhiều thời đại, tôi cho rằng một số địa điểm cổ xưa này sẽ được bảo tồn.
Thật ngạc nhiên, tôi phát hiện ra rằng hoàn toàn không có gì từ thời Chúa còn tồn tại. Không có địa điểm nào được bảo vệ và lưu giữ cho hậu thế, bởi vì vào thời điểm các sự kiện đang xảy ra, không có dấu hiệu nào về tầm quan trọng và ảnh hưởng của chúng đối với thế giới nhiều thế kỷ sau. Có thể là một cú sốc khi nhận ra rằng phần lớn các địa điểm được phô bày ra cho những người hành hương sùng đạo thật ra không có cơ sở thực tế. Các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Israel được xây dựng trên các địa điểm được cho là nơi sinh và mất của Chúa, v.v., và được cho là địa điểm chính xác, nhưng không nhất thiết phải là địa điểm đích thực. Phần lớn các địa điểm linh thiêng được thể hiện ở Jerusalem đã dần được lựa chọn trong suốt nhiều thế kỷ vì lợi ích của những người hành hương Cơ đốc giáo, và một số địa điểm đã được di chuyển hoặc nhóm lại với nhau để thuận tiện hơn.
Hơn 3.000 năm, khu vực Jerusalem đã bị chinh phục và chiếm đóng bởi nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau. Thành phố đã trải qua một loạt thay đổi, phá hủy và tái thiết liên tục. Vật liệu được sử dụng trong một thời đại đã được sử dụng lại nhiều lần, đôi khi bị phân tán đến các địa điểm khác nhau trong quá trình này. Các tác phẩm có thể phục vụ một mục đích, đã được thay đổi và tái tạo để hầu như không thể hiện bất kỳ dấu vết nào về mục đích sử dụng ban đầu của chúng. Diện tích của Thánh địa và các điểm linh thiêng đã thay đổi rất nhiều nên rất ít địa điểm có thể được xác định một cách chắc chắn. Ngay cả vị trí chính xác của thành phố Bethlehem cũ trong Kinh thánh vẫn chưa được xác định chắc chắn. Không nghi ngờ gì nữa, nó là một thành phố nhỏ hơn thành phố ngày nay. Các học giả hiện đang nói rằng, mặc dù dân số tăng lên trong cuộc điều tra dân số, nhưng có lẽ không quá mười lăm bé trai được sinh ra ở đó trong thời gian quan trọng đó. Điều này làm cho vua Herod dễ dàng theo dõi họ hơn, và có sự đồng thuận là có lẽ không có vụ tàn sát trẻ sơ sinh lớn nào, thứ mà được mô tả trong các bộ phim.
Phần lớn thành phố Jerusalem ngày nay được xây dựng về phía Tây Bắc của thành phố cổ. Tuy nhiên, có thể khôi phục một bức tranh khá chính xác về thành phố vào thời Chúa Giê-su. Từ núi Olives, người ta có thể nhìn thẳng ra Thung lũng Kedron ở Thành phố Thánh. Vào thời Chúa Giê-su, Jerusalem nằm trên một ngọn đồi cao, và ba mặt của núi Temple được bao quanh bởi những bức tường lớn. Nó tạo ấn tượng về một pháo đài hùng mạnh nằm ở một vị trí không thể tiếp cận, và thực sự đã đứng vững trước thử thách của thời gian, chống lại vô số cuộc tấn công của kẻ thù. Các vách đá thẳng đứng đổ từ các phía đông, tây và nam xuống các thung lũng dốc (Thung lũng Kedron và Thung lũng Hinnom), và được sử dụng như những thành lũy phòng thủ tự nhiên. Vào thời của Chúa, thành phố bị ngăn cách bởi một khe núi, Thung lũng Tyropoeon, và được chia thành hai phần được xác định rõ ràng. Một cầu cạn lớn bằng đá hoặc đường bờ đắp cao được bắc ngang qua thung lũng sâu này, được hỗ trợ bởi những mái vòm khổng lồ.
Jerusalem đã bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần đến nỗi thành phố này nằm chồng lên cả thành phố khác. Ở một số nơi, những con phố hiện đại cao hơn gần một trăm feet so với mặt bằng của khu phố cổ, thứ mà bị chôn vùi dưới những mảnh vụn tích tụ trên phần lớn thành phố cổ. Thung lũng Tyropoeon ngày nay phần lớn đã bị lấp đầy và chỉ còn là một vùng trũng nông gọi là el-Wad. Do đó, ngay cả địa hình của vùng đất xung quanh Thành phố Thánh cũng đã thay đổi đáng kể kể từ thời của Chúa. Khu vực này ban đầu là một số ngọn đồi và thung lũng rõ rệt, và bây giờ đã được chuyển đổi thành một cao nguyên gần như bằng phẳng. Các thung lũng xung quanh Jerusalem đã bị lấp đầy qua sự tích lũy của nhiều thời đại.
Ngọn đồi rộng hơn và cao hơn ở phía tây của Thung lũng Tyropoeon là địa điểm của Thành phố Thượng (Upper City), mà sử gia cổ đại Josephus gọi là Chợ Thượng (Upper Market). Có thể giả định rằng phần này của thành phố ban đầu là một trung tâm chợ. Ngọn đồi thấp hơn phía đông, dốc xuống từ khu vực Đền thờ, được gọi là Acra và là địa điểm của Thành phố Hạ (Lower). Khu vực Đền thờ chính là ‘ngọn đồi thứ ba’. Phía bắc của ngôi đền là ‘ngọn đồi thứ tư’, nơi mà thành phố đang phát triển lan rộng ra. Theo Josephus, phần cuối cùng và mới nhất này được gọi là Bezetha (có lẽ có nghĩa là ‘Ngôi nhà của Olives’) và cũng là Phố Mới (New Town). Khu vực này vẫn chưa có tường bao vào thời của Chúa. Jerusalem vào thời điểm đó là một thành phố trên đồi, hơn là so với ngày nay, và những ngôi nhà được xây dựng trên các sườn núi dốc. Các đường phố hẹp thường có dạng bậc thang và do đó xe đẩy và người đi xe không thể vượt qua được.
Người Do Thái thích coi Jerusalem là trung tâm của thế giới, và nó thực sự có thể được gọi là trung tâm của thế giới cổ đại. Nhiều dân tộc khác nhau của Palestine, và lượng lớn người nước ngoài đến Jerusalem, khiến người ta nhìn thấy nhiều loại người, và nhiều loại ngôn ngữ khác nhau được nghe thấy trên đường phố của nó. Tiếng Hy Lạp, tiếng Do Thái và tiếng Aramaic là những ngôn ngữ chính. Nhiều dân tộc có khu dân cư riêng ở Jerusalem, và đặc biệt là các giáo đường và đền thờ của riêng họ.
Một số bức tường to lớn bao quanh Núi Temple ban đầu nằm dọc theo những vách đá thẳng đứng đổ xuống đáy thung lũng nằm sâu ba trăm feet phía bên dưới. Các cuộc khai quật dường như xác nhận tuyên bố của Josephus rằng vào thời Vua Solomon, bức tường phía tây khổng lồ đã lộ ra ngoài toàn bộ chiều cao của nó, dài tám mươi bốn feet tính từ phần nền móng đến ngang mặt lát của Ngoại Cung, và phía trên là bức tường của tu viện nhô cao phía trên Ngoại Cung. Trong nhiều năm, người ta đã nghĩ rằng mô tả này chỉ là một sự phóng đại của Josephus mà thôi.
Một cây cầu đá được xây dựng kỳ công khác đã từng bắc qua khe núi sâu của Thung lũng Kedron ở phía đông của ngôi Đền, và nối đoạn đó với Núi Olives. Đây được mô tả là một con đường đắp cao được xây dựng bằng các mái vòm đứng trên các mái vòm, các mái vòm phía trên mọc ra từ các đỉnh của các mái vòm phía dưới. Vào thời đó, có những công trình kiến trúc khổng lồ, được xây dựng để có được một bề mặt bằng phẳng giữa những ngọn đồi cao thấp không đều tự nhiên. Ở phía xa (Núi Olives) trước đây có một cầu thang ngoằn ngoèo, dẫn xuống thung lũng rồi lên dốc đến cổng phía đông của khu vực Đền thờ. Có một lối đi dạo rộng rãi hoặc sân thượng rộng 50 feet ở phía trước lối vào Cổng Vàng (Golden Gate) trong thời cổ đại. Người ta cho rằng Chúa Giê-su đã tiến vào Jerusalem theo hướng này từ Núi Olives vào ngày Chủ nhật Lễ Lá. Các khu vườn bậc thang cũng làm đẹp các sườn núi từ lòng thung lũng Kedron lên đến sân thượng cao, cạnh bức tường của Đền thờ.
Josephus nói với chúng ta rằng vào thời Chúa Giê-su, Jerusalem hoàn toàn là một tổ ong với các phòng trưng bày ngầm và các lối đi dưới lòng đất, không được sử dụng nhiều cho mục đích thoát nước hoặc chôn cất, như là cho mục đích chiến tranh. Mỗi thành trì cổ đại đều có lối đi bí mật để thoát hiểm khi gặp nguy hiểm. Khi người La Mã xâm chiếm và phá hủy Jerusalem vào năm 70 Sau Công Nguyên, họ nhận thấy rằng có rất nhiều kẻ đào tẩu đã ẩn náu trong các căn hầm dưới lòng đất, đến nỗi cần phải đào hang dưới lòng đất để tìm kiếm kẻ thù. Hàng trăm trận chiến đã diễn ra trong lòng trái đất. Có rất nhiều xác chết trong những đường hầm này đến nỗi mùi hôi thối độc hại bốc lên từ mọi cái bẫy và lỗ thông hơi, và không khí của thành phố không còn thích hợp cho việc hít thở. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, người La Mã đã bịt chặt các bẫy và lỗ thông hơi, đồng thời ngăn chặn các đường dẫn vào những lối đi bí mật. Những phần cũ xưa này đã bị lãng quên theo thời gian và nhiều phần đã bị mất.
Đã có một số ngôi đền nằm trên Núi Temple. Trong thời đại của chúng ta, Dome of the Rock, một thánh địa của người Hồi giáo (nhà thờ Hồi giáo), nằm trên địa điểm của những ngôi đền trước đây. Địa điểm này hiện được gọi là Haram esh-Sherif, có nghĩa là ‘vòng bao thiêng liêng’, và thực sự là nơi linh thiêng đối với những người theo đạo Thiên Chúa, Do Thái và Hồi giáo. Đã ba nghìn năm kể từ khi Vua David chọn Jerusalem là nơi thích hợp nhất để làm thủ đô của vương quốc Israel. Vua Solomon (năm 973-933 Trước Công Nguyên) đã xây dựng đền thờ đầu tiên tại Jerusalem từ kế hoạch do cha mình là Vua David vạch ra. Đền thờ của Solomon đã ở vị trí mà hiện tại là thánh đường Dome of the Rock, mặc dù khu bảo tồn hiện đại chắc chắn có diện tích lớn hơn cấu trúc của Solomon. Người ta phỏng đoán rằng Đá Thiêng (Holy Rock), bên dưới mái vòm Hồi giáo được trang trí công phu, là đỉnh tự nhiên của ngọn đồi và là nơi xây dựng chính ngôi Đền. Tảng đá này có thể đã được sử dụng như một bàn thờ tự nhiên từ thời nguyên thủy. Đền thờ và Cung điện của Solomon được bao bọc trong một bức tường và ngăn cách với phần chính của thành phố. Hiện không có gì còn sót lại của những cấu trúc này trên mặt đất, mặc dù những phần đáng kể đã được phát hiện dưới lòng đất. Chúng ta chỉ có những ghi chép của các sử gia cổ đại để giúp chúng ta hình dung về việc tái tạo lại địa điểm này.
Lịch sử của Jerusalem là một quá trình lâu dài và đầy biến động do nhiều quốc gia khác nhau tiếp quản, và nhiều thế kỷ xây dựng, sau đó là sự phá hủy hoàn toàn, và rồi được xây dựng lại. Cần phải tiến hành khai quật kỹ lưỡng hơn để có đủ dữ liệu về tính hợp lệ của bất kỳ lý thuyết hiện có nào và hình thành một bản tái tạo chính xác sơ đồ nền móng của Đền thờ Do Thái. Dữ liệu như vậy thực sự tồn tại, nhưng hiện tại nó bị chôn vùi dưới một đống rác khổng lồ, những mảnh vụn của nhiều thế kỷ, và nằm bên dưới các đường phố và nhà cửa, vì vậy không thể dễ dàng khai quật được. Những đợt xây dựng lại sau đó đã gây ra sự tàn phá lớn trong các khu vực của thành phố cổ mà cho đến nay vẫn chưa được khai quật.
Các thầy đạo (Rabbi trong tiếng Hebrew) có một truyền thống mà trong đó bản sao gốc của Sách Luật (Ngũ Thư) được chôn trong vòng bao thiêng liêng của Haram (khu vực xung quanh thánh đường Dome of the Rock). Và người ta thường tin rằng Rương đựng Thánh Tích (Ark of the Covenant), thứ mà đột ngột biến mất và không bao giờ được nhìn thấy sau khi Vua Babylon phá hủy Đền thờ của Vua Solomon, thật ra đã được cất giấu và vẫn nằm ẩn mình trong một hang động bên dưới Đồi Temple.
Ở một nơi nào đó trong các bức tường của Thành phố Thánh có ngôi mộ hoàng gia của các vị Vua của Judah (như được thuật lại trong Kinh thánh). Trong hầm hoàng gia đó là tro cốt của Vua David, và xung quanh ông ở hai bên sẽ là Solomon và các hoàng tử kế vị của Nhà David, những người được chôn cất trong cùng một ngôi mộ. Các nhà khảo cổ học tin rằng khi các Lăng mộ Hoàng gia được tìm thấy, chúng sẽ là một quần thể lăng mộ chứ không phải một loạt các lăng mộ riêng lẻ. Các nhà sử học cho rằng vua Herod Đại đế đã biết vị trí của lăng mộ chôn cất, và đã loại bỏ một số kho báu được chôn cùng các vị vua. Ông ta muốn tiến hành một cuộc tìm kiếm ráo riết hơn, nhưng hai lính canh của ông ta đã bị giết bởi một ngọn lửa bí ẩn bùng phát từ ngôi mộ. Điều này khiến Herod sợ hãi và ông ta đã bỏ mặc các ngôi mộ. Người ta cho rằng các ngôi mộ không bao giờ bị làm phiền nữa, và vị trí của chúng đã biến mất.
Jerusalem bị vua Nebuchadnezzar của Babylon chiếm vào năm 598 TCN, và một lần nữa sau một cuộc nổi loạn, vào năm 587 TCN. Đặc biệt, vào lần xâm chiếm cuối cùng, thành phố đã bị tàn phá khủng khiếp. Người Babylon đã phá hủy hoàn toàn thành phố Jerusalem – Đền thờ và các bức tường bị phá hủy, và cư dân bị lưu đày. Không có cuộc tái kiến thiết lớn nào được thực hiện cho đến sau năm 538 TCN, khi những người Do Thái lưu vong được phép trở về từ Babylon sau năm mươi năm bị giam cầm. Vào thời điểm đó, thành phố Jerusalem được xây dựng lại một cách chậm chạp và đầy đau đớn. Nehemiah cho phép xây lại các bức tường và Đền thờ trên cùng địa điểm với Đền thờ của Solomon, nhưng ở quy mô nhỏ hơn và nghèo nàn hơn. Ngôi đền này tồn tại trong khoảng năm thế kỷ, nhưng một số khối gạch đá đã bị mục nát và bị bỏ bê. Những lời tường thuật về Đền thờ này được ghi lại trong Kinh Cựu Ước.
Người La Mã bước vào cục diện nhiều thế kỷ sau đó khi các con trai của nhà cai trị Hasmonean là Hyrcannus và Aristobulus tranh cãi về ngai vàng. Điều này đã mở đường cho sự sụp đổ của vùng đất trước quyền lực của người La Mã. Cuối cùng, La Mã đã phong cho Herod trở thành vua xứ Judaea, một vị trí mà ông đã nắm giữ từ năm 40 đến năm 4 TCN. Herod Đại đế là một người hăng hái xây dựng, và dưới sự cai trị của ông, thành phố Jerusalem đã có được diện mạo nó từng có, vào đầu kỷ nguyên Cơ đốc giáo. Jerusalem đã trở thành một thành phố hùng mạnh hơn nhiều kể từ thời của Vua David.
Herod rất không được lòng những người dân Do Thái của mình. Khi ông ấy già hơn, ông ấy đã tìm cách đạt được sự ủng hộ của người dân. Ông là một người có gu thẩm mỹ đáng kể trong nghệ thuật xây dựng bằng gạch đá, và biết được sự tôn kính sâu sắc của người Do Thái đối với thánh địa quốc gia của họ, ông đã hình thành ý tưởng khắc phục một số ác cảm và khiến bản thân trở nên nổi tiếng bằng cách xây dựng lại Đền thờ. Điều đó cũng cung cấp việc làm cho một số lượng lớn đàn ông, và giảm mối đe dọa của một cuộc cách mạng. Lời đề nghị xây dựng lại của nhà vua thoạt đầu nhận được sự nghi ngờ và ám muội, nhưng Herod đã thực hiện lời hứa của mình. Đúng vậy, đây chính là Vua Herod, người đã mãi mãi lưu lại tiếng ác của mình bằng cách giết trẻ sơ sinh, để tìm kiếm một đứa trẻ sơ sinh là Chúa Giê-su.
Ông đã sửa chữa các bức tường và xây dựng ba tòa tháp hùng mạnh trên những bức tường thành cũ. Liền kề ba tòa tháp là cung điện của Herod. Khi Judaea sau đó được cai trị bởi các viện kiểm sát La Mã, tòa nhà khổng lồ này đã trở thành nơi ở và trụ sở chính phủ của họ trong khi họ đang ở Jerusalem. Ở góc tây bắc của khu vực Đền thờ, ông đã xây dựng một pháo đài sang trọng cho binh lính, được gọi là Antonia (đặt theo tên của Mark Antony), được kết nối với các cổng của Đền thờ bằng hai cầu thang hay là hai cầu, vì vậy họ có thể tiếp cận khu vực Đền thờ ngay lập tức nếu gặp vấn đề. Từ vị trí thuận lợi của pháo đài, có thể canh chừng liên tục cả thành phố, vùng ngoại ô và Thánh địa.
Công trình kiến trúc táo bạo và quan trọng nhất của vua Herod chính là việc xây dựng lại Đền thờ. Mặc dù ông ta tuyên bố đang làm việc này vì lợi ích của quần chúng, nó có lẽ thực sự được thúc đẩy bởi sự phù phiếm thì đúng hơn. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2019 TCN, và việc xây dựng lại khu Thánh Địa được hoàn thành sau một năm rưỡi. Phần chính của tòa nhà mới được hoàn thành trong khoảng tám năm, nhưng công việc tôn tạo và xây dựng các tòa Ngoại Cung vẫn được tiếp tục trong suốt thời của Chúa Giê-su. Sự tồn tại của Đền thờ trang nghiêm của Herod rất ngắn ngủi. Trong vòng bốn mươi năm, lời tiên đoán của Chúa rằng ‘sẽ không được để hòn đá này lên hòn đá khác, thì chúng sẽ không bị ném xuống’ (Mark 13: 2) đã trở thành sự thật, khi quân xâm lược La Mã phá hủy tòa dinh thự nổi bật này.
Tất cả những gì còn lại của Đền thờ lớn của Jerusalem đã tan tành. Khi người La Mã tấn công thành Jerusalem vào năm 70, Ngôi đền khổng lồ và tuyệt vời đã bị đốt cháy và hoàn toàn san bằng. Ngoại trừ cung điện của Herod, được giữ lại cho các mục đích hành chính, toàn bộ thành phố Jerusalem đã không còn tồn tại. Nhiều bức tường đã bị đào lên đến tận móng, và đá bị quẳng xuống các khe núi. Người La Mã muốn tạo ra một diện mạo rằng Jerusalem không còn người ở, rằng nó không còn tồn tại. Nó đã kết thúc, bị phá hủy hoàn toàn, và tất cả cư dân đều bị sát hại hoặc bị loại bỏ trong một trong những cuộc tắm máu tồi tệ nhất trong lịch sử. Để khiến toàn bộ khu vực trở nên tiêu điều hơn nữa, những người La Mã đã phá hết rừng khu vực cận xung quanh thành phố, sau đó là toàn bộ vùng đất trong vòng bán kính hơn 11 dặm. Do đó, họ đã biến một khu vực rừng rậm, vườn nho và vườn tược thành một vùng hoang vu hoàn toàn. Palestine không bao giờ lấy lại được diện mạo trước đây. Đây là thời gian mà Qumran, cộng đồng người Essene tại Biển Chết, cũng bị tiêu diệt. Pháo đài Masada đã bị chiếm, nhưng là sau khi hàng trăm người đã tự sát ở đó, sau một cuộc bao vây kéo dài của người La Mã.
Kể từ thời gian đó, các học giả và nhà khảo cổ đã cố gắng xác định chính xác Đền thờ của Herod trông như thế nào, và nó nằm ở đâu trên Núi Temple. Phần còn lại duy nhất trên mặt đất là các phần của các bức tường lớn đã tồn tại. Bản thân những bức tường là những tuyệt tác của kỹ thuật và công nghệ, được Josephus mô tả là “công trình kỳ diệu nhất mà con người từng nghe đến”. Các căn cứ được đặt trên nền đá vững chắc, nằm dưới bề mặt hiện tại tới một trăm feet. Những tảng đá khổng lồ nặng vài tấn đã được phát hiện. Những tảng đá này đã được đặt gần nhau đến mức không thể nhét một mảnh giấy vào giữa chúng và không có vữa nào được sử dụng. Dấu tích của công trình xây theo kiểu thời Herod điển hình này vẫn có thể được nhìn thấy trong Bức tường Than Khóc ở phía tây của khu vực Đền thờ.
Trên mặt đất, bức tường này dường như đã được xây dựng lại, bởi vì những viên đá không được lắp với nhau cẩn thận như trước đây. Chín hàng đá thấp nhất bao gồm các khối đá khổng lồ, như đặc điểm của khối xây thời Herod, khối lớn nhất dài 16 feet và rộng 13 feet. Phía trên đấy là mười lăm hàng đá viên nhỏ hơn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nó là một sự tái tạo từ vật liệu cũ. Thật khó tin rằng những người xây dựng ban đầu, những người đã bỏ công sức ra để có được những khối đá tuyệt đẹp với những khuôn mặt được đục đẽo tinh xảo, lại đi đặt những viên đá kia theo một kiểu lộn xộn như vậy. Người Do Thái đã đến Bức tường Than khóc kể từ thời Kinh thánh để than thở về sự phá hủy của Đền thờ.
Có nhiều giả thuyết về sự xuất hiện của Đền thờ vào thời Chúa Giê-su, nhưng ít sự thật. Một số nhà sử học cổ đại – đáng chú ý nhất là Josephus – đã để lại những mô tả và tham chiếu trong tác phẩm của họ. Đền được xây bằng đá vôi cứng được khai thác từ các hang động lớn nằm sâu bên dưới phần phía bắc của Jerusalem. Loại đá này có thể được đánh bóng đến độ sáng bóng cao để khiến nó trông giống như đá cẩm thạch. Khu vực Đền thờ được ban tặng một nguồn cung cấp nước vô tận, đến từ một con suối tự nhiên. Có một hệ thống tuyệt vời gồm các hồ chứa ngầm dưới mặt đất, được kết nối với nhau bằng các đường ống và ống dẫn. Một số hệ thống này vẫn còn tồn tại trong các lăng mộ ngầm bên dưới thành phố hiện tại.
Theo Josephus, các bức tường của Ngoại Cung của Đền thờ được xếp bằng hàng rào, và Vương Cung Thánh Đường ở phía nam đặc biệt đáng chú ý, có ít nhất một trăm sáu mươi hai cột. Mỗi cây cột là một khối đá cẩm thạch trắng tinh khiết nhất, và lớn đến nỗi bằng vòng ôm của ba người đàn ông. Bốn hàng cột này bao gồm ba không gian để đi lại ở giữa các tu viện này. Các mái nhà được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp bằng gỗ tuyết tùng, và mặt trước được làm bằng đá được đánh bóng. Đây là điều đầu tiên bắt gặp sau khi vào cổng qua bức tường lớn bên ngoài. Từ đó, cung mở được lát bởi đủ loại đá. Dường như không có lý do đặc biệt nào cho sự tồn tại nhà thờ chính tòa (vương cung thánh đường) với các dãy cột song song này, trừ phi nó được thiết kế để bảo vệ đám đông dân cư khỏi mưa nắng, hoặc để thu hút thương mại. Có rất nhiều hoạt động mua bán được tiến hành trên Núi Temple, liên quan đến việc buôn bán thú vật và chim để cúng tế, và đổi tiền.
Bên ngoài nhà thờ chính tòa là một ngoại cung lớn thường được gọi là Sân dành cho Dân Ngoại. Mặc dù trong Đền thờ Solomon cổ đại chỉ tiếp nhận người Do Thái vào bên trong tường thành, nhưng Herod cảm thấy rằng ông phải dành riêng một phần nào đó của Thánh địa cho những người lạ thuộc mọi quốc gia sử dụng. Điều này là do có nhiều người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và các thành viên của các quốc gia khác cư trú tại Jerusalem. Vì vậy, một ngoại cung lớn đã được xây dựng, mở cửa cho tất cả những ai muốn đi lại và trò chuyện trong tu viện này, do đó được gọi là Sân của Dân Ngoại. Tiếp giáp với Sân này là Sân của người dân Israel, nơi không người ngoại bang nào được phép vào với bất kỳ nguyên cớ gì đi nữa. Josephus nói rằng hai tòa cung này được ngăn cách bởi một bức tường thấp hoặc lan can cao khoảng bốn feet rưỡi, với mười ba lối vào hoặc cửa mở. Trên đỉnh của vách ngăn này đặt các cột đá vuông nhỏ cách nhau, mỗi cột có một dòng chữ bằng tiếng Hy Lạp rằng không người lạ nào được phép vượt qua bức tường, và đe dọa xử tội chết cho bất kỳ kẻ vi phạm nào.
Đền thờ là một khu phức hợp khổng lồ bao gồm nhiều tòa cung khác nhau, tòa này dẫn vào tòa kia cho đến nội cung và Linh Điện bên trong. Người dân được phép vào từng tòa tùy theo mức độ xứng đáng và sạch sẽ của họ. Tất cả điều này đã được xác định bởi Luật pháp, hoặc bộ quy tắc Mosaic. Ở phía đông của Núi Temple là Nữ Cung. Nơi này được tiếp cận bằng cách đi vào qua một cổng vòm bao gồm các cột cao (được gọi là Sảnh Solomon), và sau đó leo lên một loạt các bậc thang, bởi vì khu vực này nằm trên một độ dốc hơn, so với phần còn lại của Núi Temple. Các bậc thang dẫn từ khu vực này sang khu vực khác, tiến dần từ tòa Nữ Cung lên đến khu vực Đền thờ chính. Các nhà sử học cổ đại nói rằng một dãy các bậc thang có lẽ đã bị ngăn cách bởi hai đầu cầu thang rộng, với một bậc tam cấp rộng thứ ba ở phía trên dãy cầu thang. Có thể những bậc thang này đã kéo dài toàn bộ chiều dài của Cổng Vòm.
Đàn ông Do Thái có thể vào bên trong khu vực này, để vào tòa Nữ Cung. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ không thể tiến vào xa hơn vì hầu hết thời gian, họ bị coi là không sạch sẽ, do chu kỳ kinh nguyệt của họ và hậu quả của việc sinh nở. Một số người đàn ông cũng không được phép tiến sâu hơn vào các tòa nội cung, nếu họ mắc bất kỳ loại bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh tật nào, hoặc nếu gần đây họ đã tiếp xúc với một xác chết. Có rất nhiều quy tắc liên quan đến sự sạch sẽ của con người, và hầu hết người Do Thái đều nằm trong một số hạng mục này, lúc này hay lúc khác. Xa hơn tòa Nữ Cung là một số nơi khác mà chỉ một số người nhất định mới được phép vào, cho tới khi đến được thánh cung cuối cùng. Lối vào phía đông của tòa Nữ Cung này được tách biệt bởi những cánh cửa gấp làm bằng đồng Corinthian. Josephus nói rằng đôi khi các cuộc tụ họp công khai diễn ra phía trước những cánh cửa này. Chúng quá lớn đến nỗi mà cần đến sự hợp sức của hai mươi người đàn ông để mở và đóng chúng mỗi ngày, bởi vì việc để mở bất kỳ cánh cửa nào trong Đền thờ là bất hợp pháp. Có chín cổng và cửa khác dẫn đến các nội cung này được phủ hoàn toàn bằng những tấm vàng bạc khổng lồ, cũng như các cột cửa và dây buộc của chúng. Nhưng cánh cổng khổng lồ bằng đồng vượt xa chúng về kích thước và giá trị.
Trong Tòa cung của các Thầy Tư Tế, và ngay phía trước chính diện của Đền thờ là bàn thờ, trên đó các lễ vật hiến tế và lễ thiêu được thực hiện. Có một loạt các vòng trong sàn, nơi những con vật hiến tế được buộc chặt, để chờ đợi cái chết của chúng. Khu vực này cũng có tám chiếc bàn bằng đá cẩm thạch, trên đó xác chết được lột da, rửa sạch và chuẩn bị cho bàn thờ. Máu của các con vật chảy ra qua các lỗ trên sàn, và toàn bộ khu vực xung quanh bàn thờ giống như một lò mổ của một người bán thịt. Tại đây, việc thắp hương và cầu phúc cho người dân được thực hiện trước mặt những người có đủ tư cách bước vào khu vực Đền thờ này.
Không chỉ toàn bộ mặt tiền của ngôi đền, mà cả bức tường và lối vào giữa cổng vòm và khu thánh đường đều được dát vàng. Khu thánh đường nằm ở tòa điện trong cùng này và được dẫn vào bằng một dãy cầu thang mười hai bước. Nó được xây bằng đá trắng, mỗi viên đều được Josephus gán cho kích thước khổng lồ khoảng ba mươi lăm, nhân mười hai, nhân mười tám feet. Người ta nói rằng nó đã từng là thánh đường tôn giáo lớn nhất trên thế giới ở vào thời của nó. Theo Josephus, ở phía mặt tiền, chiều cao và chiều rộng của nó bằng nhau, mỗi chiều dài một trăm cubits (gần một trăm năm mươi feet). Nó được bao phủ toàn bộ bằng các tấm vàng, với một chiếc gương cầu hội tụ (gương lõm) bằng vàng treo ở phía trên lối ra vào. Chiếc gương này phản chiếu những tia sáng của mặt trời mọc với vẻ rực rỡ như ánh lửa.
Bên trong thánh đường là các khu vực theo phong tục của Điện Thánh (Holy Place) và Linh Điện (Holy of Holies). Trong Điện Thánh có một bàn thờ, một chân nến bảy nhánh bằng vàng ròng, và ánh sáng không bao giờ tắt. Các bức tường của Linh Điện (Holy of Holies) được dát vàng, nhưng hoàn toàn không chứa bất cứ thứ gì, vì không có hình ảnh nào được cho phép cả. Vị thầy Tư Tế thượng phẩm là người duy nhất được phép vào căn phòng thiêng liêng nhất này, và sau đó chỉ được vào trong những ngày đặc biệt nhất định. Linh Điện (Holy of Holies) được cho là đã nằm trên Tảng Đá thiêng (Sacred Rock) hiện tại, bên trong thánh đường Dome of the Rock.
Người dân chỉ có thể nhìn thấy được lối vào khu vực linh thiêng này. Nó được bao phủ bởi một bức màn sáu màu phong phú di chuyển trong gió. Bức màn này che giấu nội thất mạ vàng và đồ đạc bên trong khỏi tất cả các giáo dân. Đây là bức màn bị xé toạc làm hai từ trên xuống dưới vào thời điểm Chúa Giê-su bị đóng đinh.
Như được nhìn thấy từ Núi Olives, Đền thờ nằm ngay ở sân trước, nơi mà Thánh đường giờ đây vươn cao lên khỏi Tảng Đá thiêng. Được bao quanh bởi những hàng cột xa hoa, các tòa cung của nó mọc nối tiếp nhau, mỗi tòa cao hơn tòa cuối cùng cho đến khu nội thánh địa, nơi có mặt tiền bằng đá cẩm thạch và vàng, lấp lánh và tráng lệ.
Mục đích của Herod rõ ràng là Ngôi đền phải được nhìn thấy từ xa, và nó phải thống trị các khu vực xung quanh. Vật liệu xây dựng bằng đá vôi trắng như tuyết, và mặt tiền hình vuông được phủ hoàn toàn bằng vàng, nhằm mục đích chuyển hướng sự chú ý từ tất cả phần còn lại của thành phố về Đền thờ. Do đó, việc người ta hay ‘thề có vàng của Đền thờ làm chứng’ là điều hoàn toàn tự nhiên.
Khu Bảo Tồn của Đền thờ Tòa Nữ Cung
Dãy mười hai bậc thang dẫn đến phần Cổng Vòm của Đền thờ.
Tất cả tòa điện rộng lớn này đòi hỏi một số tiền khổng lồ. Vua Herod đánh thuế quá cao và tàn nhẫn, và luôn nghĩ ra những cách mới để cấp tiền cho nhiều dự án của mình. Người dân cũng bị người La Mã đánh thuế khắc nghiệt để tài trợ cho những khoản chi lớn hơn ở nước ngoài, điều này không mang lại lợi ích gì cho thần dân của Vua Herod. Người dân thấy những gánh nặng này thật áp bức. Đã có những lời phản đối gay gắt chống lại sự phung phí tiền bạc, mà đã được vơ vét từ chính máu thịt của người dân. Herod đã tưởng rằng nếu dân chúng có thể thấy một số tiền bạc được đưa vào dự án xây dựng lại Đền thờ cho Đức Chúa Trời của họ, thì ít nhất, họ cũng cảm thấy hài lòng một phần nào đó.
Người ta không thể đánh giá hết bản chất của thánh địa Jerusalem, trừ phi người ta xem xét những quan niệm về ‘sự linh thiêng’ và việc chuẩn bị nghi lễ, mà những người muốn ‘xuất hiện trước Đức Chúa’ phải trải qua. Một số được khuyến khích mở rộng việc áp dụng giáo lễ – thanh sạch vào trong đời sống hằng ngày, để không khơi dậy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Quan điểm của Chúa Giê-su lại khác hẳn. Ông ấy không coi trọng các giai đoạn khác nhau của sự linh thiêng trong thánh địa, như những người ngoan đạo cùng thời với ông. Ông ấy cảm thấy họ quá bận lòng khi chú mục vào những nghi thức và nghi lễ, thay vì vào điều mà chúng đại diện cho. Họ đã quên mất tính cá nhân của mỗi con người và những nhu cầu khác nhau của họ.
Tôi tin rằng khu vực mà Abigail đã tổ chức các lớp học cho lũ trẻ của cô ấy là ở phía đông của tòa điện. Có một số dãy cầu thang khác dẫn từ Sân dành cho Dân Ngoại vào tòa Nữ Cung, nhưng nhóm bậc thang dốc có vẻ phù hợp với mô tả về việc nhảy múa trên các đầu cầu thang (khoảng nghỉ) rộng lớn. Cũng có thể là khá hợp tình hợp lý khi các tu sĩ đã ủy nhiệm Abigail cho tòa Nữ Cung, vì nó phù hợp với địa vị mà họ đã đặt cô vào. Một lần nữa, cô lại được giữ ở “vị trí thích hợp” của mình. Gần khu vực bên ngoài này là một căn phòng để lưu trữ các nhạc cụ, cũng phù hợp với mô tả của cô về các điệu múa.
Có những cây cột ở cuối phía đông của cổng vòm, có thể là nơi Chúa Giê-su đang nói chuyện với đám đông đang tụ tập. Khu vực rộng lớn với dãy cột đỡ ở phía nam (vương cung thánh đường) ở lối vào Núi Temple quá xa để Abigail có thể nhìn và nghe rõ ông ta. Các nhà sử học dường như đồng ý rằng Chúa Giê-su và các môn đồ đã giảng dạy trong khu vực phía đông của Đền thờ. Điều đó có lý, vì ở đó ông ta có thể nói chuyện với bất cứ ai, bất kể mức độ sạch sẽ của họ là thế nào đi chăng nữa. Người Do Thái cũng như dân ngoại đều có thể nghe thấy ông ta, bởi vì khu vực bên ngoài rào cản này mở cửa cho tất cả mọi người.
Nếu giả định của tôi là đúng, thì Chúa Giê-su sẽ nói chuyện ở rìa thấp hơn của tòa Nữ Cung, dưới cổng vòm có cột đỡ, trong khi Abigail chơi với lũ trẻ trên dãy bậc thang dẫn vào các tòa nội cung. Nếu ông ấy quay lại và nhìn thấy cô, ông ấy sẽ leo lên cầu thang về phía cô, trong khi đám đông quan sát từ bên dưới. Tôi nghĩ rằng những phát hiện của các nhà sử học và lời giải thích của Josephus đã xác định đây là khu vực duy nhất mà điều này có thể xảy ra. Và đáng chú ý nhất là cầu thang, cột đỡ và các chi tiết khác đều có ở đó. Đây là những dữ kiện xác minh không có sẵn, mà những ai chưa thực hiện nghiên cứu chuyên sâu không thể tiếp cận được.
Trong các chương sau, tôi sẽ chèn các mục liên quan đến nghiên cứu này ở những vị trí phù hợp.