CON NGƯỜI
(The man)
***
Đến đây chúng ta để sang một bên sự nghiên cứu về những dẫn thể của tâm thức, và bắt đầu xem xét chính con người, tâm thức tác động lên những thể. Có nghĩa là chúng ta không chú trọng đến những thể mà chú trọng đến ‘‘thực thể’’ tác động bên trong những thể. Khi đề cập đến ‘‘con người’’, tôi muốn nói đến ‘‘cá nhân’’ tiếp tục đi qua từ đời sống này đến đời sống khác. Con người vào những thể rồi lại rời bỏ chúng, và cứ thế lặp đi lặp lại, nó tăng trưởng chậm chạp theo thời gian, phát triển bằng cách góp nhặt và đồng hóa những kinh nghiệm, nó tồn tại trên vùng cao của cõi trí tuệ. ‘‘Con người’’ này là chủ đề chúng ta nghiên cứu, nó xuống và sinh hoạt trong 3 cõi mà chúng ta đã biết: cõi vật chất, cõi tình cảm và cõi trí tuệ.
Con người bắt đầu kinh nghiệm bằng cách phát triển ý thức bản ngã ở cõi vật chất. Nơi đây xuất hiện cái chúng ta gọi là ‘‘tâm thức thức tỉnh’’, mà mọi người đều quen thuộc, nó làm việc xuyên qua não bộ và hệ thần kinh. Nhờ nó, chúng ta suy luận theo đường lối thông thường, nhờ nó chúng ta nhớ được những sự việc quá khứ thuộc kiếp hiện tại, và xét đoán những công việc trong đời sống.
Tất cả những khả năng tinh thần của ta là kết quả do công trình của ‘‘con người’’ xuyên qua những giai đoạn trong cuộc hành trình đã qua. Khi con người phát triển, tiến bộ từ đời này qua đời khác, ý thức bản ngã trở nên càng ngày càng mạnh mẽ, tích cực và sống động hơn.
Chúng ta thấy ở người hoàn toàn chưa phát triển, hoạt động trí tuệ của ý thức bản ngã có phẩm chất rất kém và số lượng rất giới hạn. Họ đang làm việc trong xác thân xuyên qua não bộ của thể xác đậm đặc và dĩ thái. Hệ thần kinh hữu hình và vô hình hoạt động nhưng rất vụng về. Nhận thức chưa được đúng đắn và trí tuệ rất thô sơ. Họ có một vài hoạt động trí tuệ thuộc loại ấu trĩ. Trí họ bận rộn với những sự vật nhỏ mọn, vui thích bởi những chuyện nhỏ nhặt. Những điều thu hút sự chú ý của họ có đặc tính vụn vặt. Họ thích ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài đường phố bận rộn, ngắm nhìn và nhận xét những bộ hành và xe cộ đi qua. Họ vui thích hả hê nếu thấy một người ăn mặc đàng hoàng bị trợt té vào vũng nước, hay bị chiếc xe chạy qua tạt nước tung toé đầy người. Trong chính họ không có nhiều điều bận bịu để họ phải chú ý, do đó trí họ luôn luôn chạy ra bên ngoài để có được cảm giác đang sống. Đó là một trong những đặc tính chính, thuộc vào giai đoạn thấp của sự phát triển trí tuệ, và con người luôn tìm kiếm những cảm giác thô bạo. Trong giai đoạn này, con người làm việc ở cấp độ thể xác và thể phách, sắp xếp chúng theo thứ tự để có thể đóng vai trò những dẫn thể của tâm thức. Con người cần bảo đảm rằng họ đang cảm nhận và học hỏi để phân biệt sự vật từ những cảm giác mạnh bạo và sống động.
Đây là một giai đoạn phát triển cần thiết, dù chỉ là sơ cấp, nếu không có giai đoạn này, con người sẽ tiếp tục bị nhầm lẫn giữa tiến trình bên trong và bên ngoài dẫn thể của họ. Họ phải học hỏi những mẫu tự của cái ngã và cái phi ngã bằng cách phân biệt giữa những vật thể gây va chạm và những cảm giác tạo ra bởi những va chạm đó, nói cách khác, giữa tác nhân kích thích và cảm giác.
Ta thường thấy những hạng người thấp nhất thuộc giai đoạn này, tụ tập ở những góc đường, lang thang lười biếng đứng dựa vào vách tường, thỉnh thoảng thốt ra những nhận xét đột ngột rồi cười sằng sặc, hoặc tự nhiên phá lên cười một cách trống rỗng. Nếu có thể nhìn bên trong não bộ của họ, ta sẽ thấy họ đang nhận những ấn tượng lờ mờ từ những vật thể đi qua trước mặt, mối liên kết giữa những ấn tượng này và những ấn tượng tương tự rất lỏng lẻo. Những ấn tượng chất chứa giống một đống sỏi đá, hơn là một bức tranh ghép từng mảnh một cách khéo léo.
Để nghiên cứu cách thức não bộ thể xác và thể phách trở thành những dẫn thể của tâm thức, chúng ta trở lại sự phát triển đầu tiên của ‘‘ngã thức’’ (Iness) hay (ahamkara), một giai đoạn được thấy ở những động vật thấp. Những rung động gây nên bởi sự va chạm từ sự vật bên ngoài được tạo ra trong não bộ, từ đó truyền vào thể vía, và tâm thức cảm nhận chúng như những cảm giác, trước khi có mối liên kết giữa những cảm giác này với sự vật gây nên chúng, mối liên kết này là một tác động xác định của trí tuệ, hay một sự nhận thức.
Khi bắt đầu có nhận thức, tâm thức sử dụng não bộ xác thân và thể phách như một dẫn thể cho chính nó, do phương tiện từ đó nó thu thập được kiến thức từ thế giới bên ngoài. Nhân loại đã vượt qua giai đoạn này từ lâu, nhưng chúng ta có thể thấy nó lặp lại một lúc ngắn khi tâm thức tiếp nhận một não bộ mới lúc tái sinh. Đứa trẻ bắt đầu ‘‘ghi nhận’’, tức liên hệ một cảm giác xảy ra trong nó, với một ấn tượng được tạo ra trên lớp vỏ mới, hay dẫn thể của nó bởi một sự vật bên ngoài, và như thế nó ‘‘nhận ra’’ sự vật.
Sau một thời gian, sự nhận thức một vật bên ngoài không còn cần thiết để tạo ra hình ảnh trong tâm thức, nó có thể tự hồi nhớ dáng vẻ của vật, khi nó không tiếp xúc với vật bằng giác quan. Sự nhận thức bằng trí nhớ như thế là một ý tưởng, một khái niệm, một tâm ảnh, chúng tích tụ thành nơi chứa để tâm thức góp nhặt từ thế giới bên ngoài. Giai đoạn đầu của tác động này là sự sắp xếp những ý tưởng, mở đầu cho khả năng ‘‘suy luận’’.
Khả năng suy luận bắt đầu bằng sự so sánh những ý tưởng với nhau, kế đó suy ra sự liên hệ giữa chúng do sự xảy ra đồng thời hay nối tiếp nhau của hai hay nhiều sự việc từ lúc này đến lúc khác. Trong tiến trình này, tâm thức thu về bên trong chính nó, mang theo những ý tưởng mà nó đã nhận thức xong. Tâm thức tiếp tục thêm vào những ý tưởng này vài điều của chính nó, khi ấy nó suy ra một chuỗi nối tiếp nhau, sự việc này liên hệ đến sự việc kia như nguyên nhân và hiệu quả. Sau khi đã suy ra một chuỗi sự kiện nối tiếp nhau, nó bắt đầu rút ra kết luận, ngay cả tiên đoán những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai. Như thế, khi có sự nhận thức về ‘‘nguyên nhân’’ xuất hiện, nhận thức về ‘‘hiệu quả’’ đuợc chờ đợi xảy ra theo sau.
Một lần nữa, khi so sánh những ý tưởng, tâm thức nhận thấy có nhiều ý tưởng chứa một hay nhiều yếu tố giống nhau, trong khi phần còn lại khác nhau, nó bèn rút ra những đặc tính chung và xếp chúng lại thành một loại. Kế đến nó sắp xếp những sự vật có đặc tính chung, và bao gồm chúng vào cùng một loại. Bằng cách này, nó dần dần sắp xếp vào một hệ thống có thứ tự những hỗn tạp của sự nhận thức, từ đó nó bắt đầu công việc trí tuệ, và suy luận ra định luật từ sự nối tiếp có thứ tự của những hiện tượng và loại sự vật mà nó tìm thấy trong thiên nhiên. Tất cả những điều này là công việc của tâm thức bên trong và xuyên qua não bộ xác thân, nhưng chúng ta nhận thấy não bộ không thể thực thi một số công việc, mà chúng ta sẽ bàn đến về sau.
Não bộ chỉ tiếp nhận những rung động, tâm thức tác động trong thể vía, biến đổi những rung động này thành cảm giác. Trong thể trí, cảm giác được biến đổi thành nhận thức, và tiếp tục sắp xếp những hỗn tạp thành một hệ thống có thứ tự.
Thêm vào đó, hoạt động của tâm thức được soi sáng từ bên trên, với những tư tưởng không đến từ vật chất cõi trần, mà những tư tưởng này được phản ảnh trực tiếp từ Trí Vũ Trụ. ‘‘Đại luật của tư tưởng’’ điều khiển mọi suy nghĩ, và chính tác động của sự suy nghĩ cho thấy sự hiện tồn trước kia của tư tưởng. Sự suy nghĩ được thực hiện bởi tư tưởng, và bên dưới tư tưởng, con người không thể suy nghĩ nếu không có tư tưởng.
Mọi cố gắng trước kia của tâm thức để tác động trong thể xác đều mắc phải nhiều lỗi lầm, do sự nhận thức không hoàn hảo và sự suy luận sai lạc. Sự suy luận vội vàng và sự tổng hợp từ kinh nghiệm giới hạn, làm sai lạc nhiều kết luận được đưa ra. Do đó có một số qui tắc lý luận được đưa ra để rèn luyện khả năng suy tưởng và để tránh những lý lẽ sai trái thường có. Dù không được hoàn hảo, tuy nhiên con người vẫn cố gắng suy luận, đó là một dấu hiệu rõ rệt của sự phát triển, vì nó cho thấy con người đang thêm vài điều của chính họ vào những dữ kiện đến từ bên ngoài.
Công việc thu thập những chất liệu do xác thân thực hiện. Khi cái trí liên kết 2 nhận thức với nhau, nó cũng tạo nên một sự liên kết giữa những rung động từ đó nảy sinh sự nhận thức, đồng thời nó cũng gây nên những rung động tương ứng trong não bộ. Vì khi thể trí hoạt động, nó tác động trên thể vía, rồi đến thể dĩ thái và thể xác đậm đặc, làm cho chất thần kinh của thể xác rung động bởi những xung động truyền qua nó. Chính tác động này cho thấy như có sự phát ra điện lực, và những dòng từ trường hoạt động giữa những phân tử và những nhóm phân tử, gây nên những liên hệ rất phức tạp. Những tác động này để lại ‘‘lối mòn thần kinh’’, dọc theo đó một dòng từ điện khác sẽ chạy dễ dàng hơn. Nếu một nhóm phân tử có liên quan đến một rung động, được tâm thức làm cho hoạt động trở lại, tái lập ý tưởng đã được ghi ấn tượng lên chúng, sự xáo trộn được tạo ra sẵn sàng chạy dọc theo lối mòn được thành lập giữa nó và một nhóm khác bởi đường nối kết từ trước, và làm cho nhóm khác hoạt động. Sau khi biến đổi, rung động được đưa lên cái trí, tự trình bày như một ý tưởng kết hợp. Như thế, sự liên kết rất quan trọng, tác động này của não bộ đôi khi gây nhiều rắc rối, một trong những rắc rối đó là khi vài ý nghĩ điên rồ, ngớ ngẩn được nối kết với một ý tưởng nghiêm túc hoặc thiêng liêng.
Tâm thức gợi lên ý tưởng thiêng liêng để chú tâm vào đó, nhưng thình lình hoàn toàn không có sự ưng thuận của nó, ý tưởng về khuôn mặt với nụ cười toe toét xâm nhập vào và đưa lên trên do tác động máy móc của não bộ, tự xông vào xuyên qua cánh cửa của điện thờ và làm ô uế nó.
Người khôn ngoan chú ý tới sự liên kết, và cẩn thận khi nói về những điều thiêng liêng, đừng để những người khù khờ, vô minh có thể làm mối liên kết giữa sự linh thánh và điều ngớ ngẩn, thô tục, vì về sau, mối liên kết này có khuynh hướng tự lặp lại trong tâm thức. Một đại sư minh triết Do Thái Giáo có nói: ‘‘Đừng cho con chó điều gì linh thánh, đừng ném ngọc trai trước mặt con heo.’’
Một dấu hiệu tiến bộ khác xảy ra khi một người bắt đầu điều chỉnh cách cư xử do những kết luận đến từ bên trong, thay vì do những xung động nhận được từ bên ngoài. Người ấy hành động do rút ra từ nơi tích trữ những kinh nghiệm của riêng họ, hồi nhớ những sự kiện xảy ra trong quá khứ, so sánh những kết quả đạt được bởi những đường lối hành động khác nhau trong quá khứ, và quyết định đường lối hành động nào được áp dụng trong hiện tại. Do quá khứ, họ bắt đầu dự báo, định lượng, tiên đoán tương lai, suy luận trước bằng cách nhớ lại những gì đã xảy ra, khi làm thế, họ tiến bộ rõ rệt như một ‘‘con người’’. Hoạt động của họ có thể vẫn bị giới hạn trong não bộ xác thân, nhưng tâm thức họ đang phát triển và bắt đầu hành xử như một cá thể, biết chọn lựa con đường riêng thay vì trôi dạt thụ động theo hoàn cảnh, hoặc bị bắt buộc hoạt động theo một đường lối đặc biệt do sức ép từ bên ngoài. Khi ấy, con người tăng trưởng theo một đường lối nhất định, họ phát triển ngày càng nhiều cá tính, và năng lực ý chí.
Do sự khác nhau trong khía cạnh này mà có sự phân biệt giữa người ý chí mạnh mẽ và người ý chí mềm yếu. Người ý chí mềm yếu bị lôi kéo ra bên ngoài bởi sự thu hút và đẩy lui, trong khi người ý chí mạnh mẽ bị lôi kéo vào bên trong. Họ làm chủ hoàn cảnh bằng cách đưa vào những lực thích ứng, hướng dẫn bởi những kinh nghiệm từ kho tích trữ. Kho tích trữ này đã được họ góp nhặt và tích lũy trong nhiều kiếp sống, trở nên càng ngày càng sẵn sàng để sử dụng khi não bộ xác thân trở nên dễ tiếp nhận hơn. Kho tích trữ ở trong con người, nhưng họ có thể sử dụng được nhiều hay ít tùy theo họ có thể gieo ấn tượng lên tâm thức hồng trần nhiều hay ít. Chính con người có trí nhớ và suy luận, họ có thể xét đoán, chọn lựa và quyết định, nhưng họ phải làm tất cả những điều này xuyên qua não bộ xác thân và thể phách. Họ phải làm việc và tác động tùy theo xác thân, với cơ chế thần kinh và phần dĩ thái kiên kết với nó. Khi não bộ trở nên dễ gây ấn tượng hơn, và khi con người cải thiện chất liệu tạo cơ cấu của nó và kiểm soát nó nhiều hơn, họ có thể sử dụng nó để diễn đạt trung thực hơn.
Chúng ta, những người đang sống, làm thế nào để huấn luyện những dẫn thể của tâm thức, để chúng trở thành những dụng cụ thích hợp hơn? Bây giờ, tạm gác qua sự phát triển vật chất của dẫn thể, chúng ta xét xem làm thế nào tâm thức huấn luyện dẫn thể để sử dụng nó như một dụng cụ của tư tưởng. Lúc nào con người cũng sẵn sàng chú ý đến việc cải thiện dẫn thể vật chất của họ, để làm nó hữu ích hơn; họ phải huấn luyện để nó đáp ứng nhanh chóng và liên tiếp nhau đối với những tín hiệu mà họ gởi đến nó. Để được như thế, não bộ phải có thể đáp đứng liên tiếp có thứ tự, và chính con người phải suy nghĩ theo thứ lớp liên tiếp nhau. Khi đó, con người gởi đến não bộ những xung lực nối tiếp theo thứ tự, khiến cho não bộ quen thuộc làm việc theo thứ tự do những nhóm tế bào nối kết nhau, thay vì những rung động không trật tự và không liên hệ nhau. Con người khởi xướng, não bộ bắt chước, nếu con người suy nghĩ cẩu thả, với những ý tưởng không liên kết nhau, sẽ gây ra thói quen trong não bộ và tạo nên những nhóm rung động không liên kết nhau.
Có 2 giai đoạn trong việc huấn luyện: (1) Con người quyết định suy nghĩ có thứ tự, huấn luyện thể trí nối kết tư tưởng này đến tư tưởng kia, không để chúng phát ra một cách tình cờ, không chuẩn bị. (2) Bằng cách suy nghĩ như thế, con người huấn luyện não bộ cho nó rung động đáp ứng với tư tưởng của họ. Do đó những cơ quan xác thân, hệ thống thần kinh và dĩ thái, sẽ có được thói quen làm việc có phương pháp, khi nào chủ nhân của chúng muốn, chúng sẽ đáp ứng nhanh chóng theo thứ tự hẳn hoi.
Chúng ta thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa dẫn thể của tâm thức được huấn luyện với dẫn thể của tâm thức không được huấn luyện, giống như sự khác biệt giữa những dụng cụ của một người thợ cẩu thả, để chúng dơ bẩn cùn lụt, không thích hợp để sử dụng, với những dụng cụ của một người thợ cẩn thận, giữ gìn chúng sạch sẽ, sắc bén, để khi cần sử dụng đến anh ta có ngay theo ý muốn. Tương tự như thế, dẫn thể vật chất phải luôn luôn sẵn sàng đáp ứng theo ý muốn của cái trí. Cũng nên biết là khả năng của não bộ tăng trưởng liên tục, không bao giờ kiệt quệ.
Vì mỗi xung động được gởi đến thể xác phải đi xuyên qua thể vía, nên cũng tạo hiệu quả trên thể vía. Như chúng ta biết, chất liệu trung giới đáp ứng với tư tưởng dễ dàng hơn chất liệu cõi trần, dĩ nhiên, hiệu quả của tư tưởng ở cõi trung giới cũng nhiều hơn. Khi được huấn luyện, thể vía có hình dạng rõ rệt và cơ cấu có tổ chức mạch lạc hơn.
Khi con người biết cách chủ trị não bộ, biết định trí, và có thể điều khiển tư tưởng theo ý muốn, họ có thể chủ động sự sinh hoạt trong giấc mơ, do đó giấc mơ trở nên trong sáng, hợp lý, có thể duy trì theo ý muốn và đem lại nhiều thông tin. Con người bắt đầu hoạt động trong dẫn thể thứ nhì của tâm thức, tức thể vía. Họ đang đi vào vùng thứ nhì, hay cõi của tâm thức, là một vùng rất rộng lớn, và đang sinh hoạt trong thể vía, tách rời khỏi thể xác.
Chúng ta hãy dừng lại một lúc để so sánh sự khác biệt giữa 2 người, cả hai đều ‘‘hoàn toàn thức’’, đang hoạt động trong xác thân, một người chỉ dùng thể vía một cách vô ý thức, như một cầu nối giữa cái trí và não bộ, còn người kia sử dụng thể vía một cách có ý thức, như một dẫn thể.
Nhãn quan của người thứ nhất rất tầm thường và giới hạn, thể vía của họ chưa phải là dẫn thể hữu hiệu của tâm thức. Người thứ hai có thể sử dụng thể vía, và không còn bị giới hạn bởi vật chất cõi trần. Người này có thể thấy xuyên qua xác thân, phía sau cũng như phía trước; vách tường và những vật chất mờ đục khác đối với họ trong sáng như kính, họ còn có thể thấy được hình thể và màu sắc ở cõi trung giới, và những hào quang, tinh linh v.v… Nếu người này tham dự một buổi hòa nhạc, sẽ thấy những màu sắc giao hưởng đẹp lộng lẫy khi nhạc trổi lên. Trong một buổi thuyết trình, họ thấy tư tưởng của thuyết trình viên với những hình dạng và màu sắc, như thế họ hiểu tư tưởng được trình bày hoàn toàn hơn đối với người chỉ nghe bằng lời nói.
Đối với tư tưởng diễn đạt bằng biểu tượng, như chữ, cũng phát ra như những hình thức âm nhạc và màu sắc, và khoác vào chất liệu trung giới, ghi ấn tượng lên thể vía. Khi tâm thức hoàn toàn thức tỉnh trong thể vía, nó tiếp nhận và ghi lại toàn thể những ấn tượng thêm vào này. Nếu chịu tự quan sát kỹ lại chính mình, thính giả sẽ thấy được ý nghĩa mà diễn giả muốn trình bày, nhiều hơn lúc họ chỉ nghe bằng lời.
Phần lớn thính giả tìm thấy trong trí nhớ họ nhiều hơn những gì diễn giả thốt ra, đôi khi có một loại gợi ý cho tư tưởng tiếp tục, như có sự gì đó nảy sinh chung quanh từ ngữ làm cho nó có ý nghĩa nhiều hơn khi nghe bằng tai. Kinh nghiệm này cho thấy thể vía đang phát triển, và khi con người chú ý vào tư tưởng của họ và sử dụng một cách vô ý thể vía, làm nó tăng trưởng và trở nên có tổ chức hơn.
Sở dĩ con người ‘‘không ý thức’’ trong lúc ngủ là do thể vía chưa phát triển, hoặc thiếu sự nối kết có ý thức thức giữa thể vía và não bộ thể xác. Một người sử dụng thể vía trong lúc thức, gởi những dòng tư tưởng qua thể vía đến não bộ thể xác. Nếu não bộ người đó có thói quen nhận những ấn tượng từ bên ngoài một cách thụ động, họ sẽ không tiếp thu những ấn tượng đến từ thể vía, vì họ chưa quen sử dụng não bộ một cách độc lập.
Hơn nữa, một người có thể tập sử dụng thể vía để hoạt động ở cõi trung giới, mà khi trở lại thể xác, họ không biết gì về những hoạt động đó. Họ dùng thể vía trong thế giới riêng của nó, trước khi có thể nối kết giữa cõi trung giới và cõi bên dưới. Cuối cùng họ thực hiện được sự nối kết, từ đó có thể đi từ dẫn thể này sang dẫn thể kia với đầy đủ tâm thức, và tự do sinh hoạt trên cõi trung giới.
Người ấy có thể nới rộng vùng tâm thức tỉnh thức bao gồm cả cõi trung giới, và khi ở trong thể xác, họ vẫn sử dụng được hoàn toàn những giác quan thể vía. Có thể nói những người này sống một lượt trong cả hai thế giới, mà không có sự gián đoạn, khi ấy tâm trạng họ như một người mù bẩm sinh vừa có được thị giác.
Vào giai đoạn kế của sự tiến hóa, con người bắt đầu làm việc có ý thức trên cõi thứ ba, hay cõi trí. Từ cõi này, họ gởi xuống mọi tư tưởng, chúng lấy hình thức chủ động trong cõi trung giới và diễn đạt ở cõi trần xuyên qua não bộ. Lúc ấy họ trở nên ý thức trong thể trí hay dẫn thể trí tuệ, họ thấy được rằng khi đang suy nghĩ, họ tạo ra những hình thể. Người ấy trở nên ý thức về tác động sáng tạo, mặc dù họ đã sử dụng năng lực này từ lâu một cách vô thức.
Có lẽ độc giả cũng nhớ trích dẫn một trong những lá thư về Thế Giới Huyền Bí, Chân Sư nói mọi người đều tạo ra hình tư tưởng, nhưng người bình thường tạo ra chúng một cách vô ý, trong khi các vị ở những trình độ điểm đạo tạo ra chúng một cách có ý thức.
Ở vào trình độ phát triển này, năng lực hữu dụng của con người tăng lên rất nhiều, vì khi họ có thể tự ý tạo ra và định hướng một hình tư tưởng — thường được gọi là một tinh linh nhân tạo — họ có thể sử dụng nó làm việc ở nơi không thuận tiện cho họ đến đó bằng thể trí. Nhờ nó mà họ có thể làm công việc ở nơi xa giống như chính họ có mặt, họ kiểm soát những hình tư tưởng của họ từ nơi xa, trông chừng và hướng dẫn để chúng làm đúng theo ý họ muốn.
Khi thể trí phát triển, con người sống và làm việc trong nó một cách có ý thức, họ cảm nhận được cuộc sống đầy đủ, rộng lớn ở cõi thượng giới. Trong khi họ sống với xác thân, ý thức sự vật cõi trần ở chung quanh, họ hoàn toàn thức tỉnh và chủ động trong cõi cao hơn, không cần để xác thân đi ngủ mà vẫn sử dụng được những khả năng cõi cao. Họ quen dùng giác quan thể trí, tiếp nhận mọi loại ấn tượng từ cõi trí, có thể cảm nhận được mọi hoạt động trí tuệ của người khác rõ ràng, giống như nhìn thấy những chuyển động của cơ thể người ấy.
Khi con người đạt đến trình độ phát triển này, một trình độ tương đối trên trung bình, nhưng vẫn còn thấp nếu so sánh với ước vọng của họ, người ấy có thể hoạt động có ý thức trong dẫn thể thứ ba, tức thể trí, phác họa mọi công việc mà họ làm trong nó, và kinh nghiệm về năng lực cũng như giới hạn của nó. Con người cũng cần học phân biệt giữa họ và dẫn thể mà họ sử dụng. Họ sẽ cảm thấy tính chất hư ảo của cái ‘‘Tôi’’ cá nhân, cái ‘‘Tôi’’ của thể trí, biết rằng nó không phải là chính con người họ, và họ tự đồng hóa một cách có ý thức với chân ngã ngự ở trên, với nhân thể ở những cảnh cao cõi thượng giới, vùng vô sắc tướng. Họ biết rằng họ có thể tự rút ra khỏi thể trí, rời bỏ nó để tiến lên cao hơn, mà họ vẫn còn là chính họ. Khi đó họ biết rằng nhiều kiếp sống của họ trên thực tế chỉ là một sự sống, và họ, một con người sống thực, vẫn là họ qua tất cả các kiếp sống.
Thoạt đầu con người không ý thức về những đường nối kết giữa những thể khác nhau. Những đường nối kết này vẫn ở đó, nếu không, từ cõi trí họ không thể qua cõi trần, nhưng họ không ý thức sự hiện tồn của chúng. Những đường liên kết này không sinh động tích cực, chúng giống như những cơ quan phôi thai trong cơ thể.
Sinh viên sinh vật học đều biết có 2 loại cơ quan thô sơ: một loại giữ lại dấu vết những giai đoạn đã qua của cơ thể trong tiến trình tiến hóa, trong khi loại thứ hai cho thấy dấu hiệu của cách thức phát triển tương lai. Những cơ quan này tồn tại nhưng không vận hành, hoạt động của chúng trong cơ thể thuộc về quá khứ hoặc thuộc về tương lai.
Tôi mạo muội so sánh những đường nối kết với những cơ quan thô sơ thuộc loại thứ hai, chúng nối kết thể xác đậm đặc và thể dĩ thái kép với thể vía, thể vía với thể trí, thể trí với nhân thể. Những đường nối kết này hiện tồn, nhưng cần được làm cho hoạt động, có nghĩa là chúng phải được làm cho phát triển, và giống như những cơ quan thể xác, phải được sử dụng mới phát triển. Cũng như dòng sống, dòng tư tưởng chảy xuyên qua chúng, để giữ cho chúng được sống và nuôi dưỡng. Nhưng chúng chỉ dần dần trở nên linh hoạt khi con người sử dụng ý chí, chú tâm làm cho chúng phát triển. Tác động của ý chí bắt đầu làm sinh động một cách chậm chạp những đường nối kết thô sơ, chúng bắt đầu hoạt động và con người bắt đầu sử dụng chúng để tâm thức từ dẫn thể này đi qua dẫn thể khác.
Trong thể xác, những va chạm từ bên ngoài và những xung động từ não bộ đi qua những nhóm nhỏ của tế bào thần kinh. Nếu một trong những nhóm tế bào thần kinh này không hoạt động, lập tức có sự xáo trộn và tâm thức cõi trần bị rối loạn. Có những trung tâm tương ứng trong thể vía, nhưng ở người chưa phát triển, chúng còn thô sơ và không hoạt động. Đây là những đường nối kết giữa thể xác và thể vía, giữa thể vía và thể trí, khi con người tiến hóa hơn, chúng được làm sinh động bởi ý chí, giải phóng và hướng dẫn đường đi của ‘‘hỏa xà’’ (serpent-fire) hay Kundalini.
Giai đoạn chuẩn bị cho tác động giải phóng hỏa xà là sự huấn luyện và thanh lọc những dẫn thể, nếu giai đoạn này không được thực hiện hoàn hảo, hỏa xà sẽ trở nên một năng lực hủy diệt thay vì là một năng lực sinh động. Vậy sự nhấn mạnh vấn đề làm trong sạch hóa các thể rất cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị cho tất cả các phương pháp Yoga chân chính.
Khi một người đã chuẩn bị sẵn sàng để làm sinh động những đường nối kết này một cách an toàn, tự nhiên họ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những vị đang không ngừng tìm cơ hội trợ giúp những người có đạo tâm chân thành và không ích kỷ. Đến một ngày, họ sẽ có thể trượt ra khỏi thể xác trong lúc hoàn toàn thức tỉnh, mà tâm thức không bị gián đoạn, và cảm thấy mình được tự do. Khi họ đã làm được việc này vài lần, sự đi qua từ dẫn thể này sang dẫn thể khác trở nên dễ dàng và quen thuộc.
Có một giai đoạn vô thức ngắn, khi thể vía rời bỏ thể xác trong lúc ngủ, ngay đối với một người sinh hoạt một cách chủ động ở trung giới, khi trở về họ không thể nối liền giai đoạn vô thức ấy. Họ rời bỏ thể xác một cách vô thức, và cũng sẽ trở vào lại thể xác một cách vô thức. Khi ở cõi trung giới, tâm thức họ có thể đầy đủ và trong sáng, nhưng khi trở lại thể xác, não bộ hoàn toàn trống rỗng.
Đối với người đã phát triển và làm sinh động đường nối kết giữa những dẫn thể, sẽ rời bỏ thể xác một cách có ý thức, họ đã bắc được cầu nối qua cái hố ngăn cách, khi ấy tâm thức họ đi qua nhanh chóng từ cõi này đến cõi kia, và họ tự biết mình vẫn là một người ở cả 2 cõi.
Khi não bộ càng được huấn luyện để đáp ứng những rung động từ thể vía, hố ngăn cách giữa ngày và đêm càng được bắc cầu nối liền. Não bộ càng trở nên một dụng cụ tốt cho con người sử dụng, hoạt động theo những xung động từ ý chí, giống như một con ngựa thuần thục, tuân theo từng đụng chạm nhẹ của bàn tay và đầu gối của người cỡi. Cõi trung giới mở rộng cho những người đã kết hợp được hai dẫn thể thấp của tâm thức, nó thuộc vào người ấy với tất cả những khả năng, năng lực rộng lớn, để họ có nhiều cơ hội phụng sự hơn. Niềm vui sướng của họ là giúp đỡ những người đau khổ, khiến những người này cảm thấy bớt đau buồn tuy không ý thức được lý do, và gánh nặng đè trên vai họ được nhẹ nhàng hơn như một phép lạ.
Ở trình độ cao hơn, con người có thể bắc cầu nối qua hố ngăn cách giữa kiếp này với kiếp kia. Có trí nhớ không gián đoạn xuyên qua ngày và đêm, có nghĩa là thể vía đang hoạt động hoàn hảo, và đường nối kết giữa nó và thể xác hoàn toàn linh hoạt. Nhưng nếu một người muốn bắc cầu nối giữa kiếp này với kiếp khác, họ phải làm nhiều hơn là hoạt động có ý thức trọn vẹn trong thể vía và cả thể trí, vì cũng như thể vía, thể trí được cấu tạo bởi chất liệu của những cảnh thấp cõi trí, và sự tái sinh không bắt đầu từ những cảnh này. Thể trí tan rã khi đến lúc, cũng như đối với thể vía và thể xác, và không mang theo được gì. Chính là nhân thể tồn tại từ kiếp này qua kiếp kia, trong nhân thể mọi sự vật được tích chứa, mọi kinh nghiệm được duy trì. Từ nhân thể, tâm thức được rút ra, và từ nơi cư trú của nhân thể, con người đi xuống tái sinh. Lúc chết, con người rút ra khỏi phần đậm đặc của thể xác, để lại nó tan rã và những phân tử của nó hoàn trả lại cõi vật chất, không gì còn lại để chứa đựng đường nối kết từ trường cho trí nhớ. Bây giờ người chết ở trong phần thanh nhẹ của thể xác, tức thể phách, nhưng trong vòng vài giờ, họ cũng giũ bỏ nó, và nó cũng sẽ tan rã thành những nguyên tố. Như thế, Linh Hồn không còn liên hệ gì đến thể phách mà nó đã bỏ lại.
Con người qua cõi trung giới, ở đó cho đến lúc họ giũ bỏ thể vía để qua cõi trí, họ để lại thể vía giống như họ đã để lại thể xác. Đến lượt ‘‘xác chết thể vía’’ tan rã, và hoàn trả lại chất liệu tạo ra nó vào cõi trung giới, không gì còn lại để chứa đựng đường nối kết từ trường cho trí nhớ.
Sau khi bỏ thể vía, con người sống trong thể trí ở vùng sắc tướng của cõi thượng giới, họ sống ở đây vài trăm năm để làm tăng cường những khả năng và vui hưởng quả lành. Khi thời giờ đến, từ thể trí con người rút ra tinh túy của tất cả những gì họ đã góp nhặt được và đồng hóa, rồi họ phải rời bỏ thể trí, để lại nó tan rã giống như trường hợp các thể khác. Theo quan điểm của chúng ta, thể trí rất thanh nhẹ, nhưng nó không đủ thanh nhẹ để đi qua những cảnh cao hơn của cõi thượng giới. Như thế con người cũng phải giũ bỏ thể trí để nó hoàn trả lại những chất liệu cấu tạo nên nó vào vùng thấp cõi thượng giới, một lần nữa, chúng ta nhận thấy sự phân giải hợp chất thành những nguyên tố. Trên con đường đi lên, con người tự giải phóng khỏi thể này đến thể khác, chỉ đến khi đạt tới những cảnh vô sắc tướng cõi thượng giới, con người mới thoát khỏi những vùng mà sự chết còn thống trị. Cuối cùng con người cư trú trong nhân thể, ở đó sự chết không có quyền lực, ở đó họ tích trữ tất cả những gì họ đã góp nhặt. Vì lý do đó mà thể này có tên là nhân thể, trong thể này chứa đựng mọi nguyên nhân ảnh hưởng đến những kiếp tái sinh tương lai.
Kế đó, trong nhân thể, con người bắt đầu hoạt động có ý thức đầy đủ ở những cảnh vô sắc tướng của cõi trí trước khi có thể mang trí nhớ xuyên qua cái hố của sự chết. Khi vào vùng cao cả này, một linh hồn chưa phát triển không thể giữ lại ý thức của nó, họ mang theo mầm mống những phẩm chất của họ. Một ánh chớp của tâm thức cho họ thấy được quá khứ và tương lai, Linh Hồn bị chói mắt và chìm đắm vào sự tái sinh.
Con người mang những hạt giống trong nhân thể và ném những hạt giống này ra mỗi cõi tương ứng với chúng. Ở vùng sắc tướng của cõi trí, hạt giống trí tuệ kéo về quanh chúng chất liệu thuộc những vùng này để tạo nên thể trí mới. Chất liệu vừa được góp nhặt cho thấy những đặc tính trí tuệ được nẩy sinh từ mầm mống bên trong nó, như quả sồi phát triển thành cây sồi bằng cách thu góp những chất liệu thích hợp từ đất và không khí. Như thế, hạt giống trí tuệ phải phát triển theo bản chất của chính nó, không thể khác được. Do đó nhân quả tác động trong sự cấu tạo những dẫn thể, và con người thu hoạch mùa màng từ những hạt giống mà họ đã gieo. Hạt mầm được nhân thể gieo ra ngoài chỉ có thể tăng trưởng theo loại của nó, thu hút vào nó cấp độ chất liệu giống với nó, sắp xếp chất liệu theo khuôn mẫu để tạo ra bản sao của phẩm chất con người quá khứ.
Khi con người xuống đến cõi trung giới, những hạt mầm thuộc về cõi này được ném ra, kéo về quanh chúng chất liệu trung giới và những tinh hoa chất thích hợp. Khi đến cõi trung giới, những sự thèm khát, cảm xúc và đam mê tái xuất hiện trong thể cảm dục (hay thể vía) vừa được tái tạo.
Con người không nhớ được những kiếp quá khứ, vì chưa có được ý thức như một dẫn thể trong nhân thể; nói khác đi, nhân thể chưa phát triển hoạt động của chính nó. Nó linh hoạt một cách không ý thức, tức chưa có sự tự ý thức; chỉ đến khi nó tự ý thức hoàn toàn, trí nhớ mới có thể đi qua từ cõi này đến cõi kia và từ kiếp này đến kiếp khác. Khi con người phát triển hơn một ít, những ánh chớp của tâm thức chiếu soi những mảnh vụn quá khứ, nhưng những ánh chớp này cần được biến đổi thành một ánh sáng liên tục trước khi con người có được trí nhớ không bị gián đoạn.
Con người có thể thúc đẩy sự phát triển tâm thức ở những cõi cao, nếu họ kiên nhẫn, cố gắng và can đảm. Họ phải cố gắng sống nhiều hơn với cái ngã trường tồn, không tiêu phí tư tưởng và năng lượng vào những chuyện tầm phào, không trường tồn của cuộc đời thế tục. Tôi không có ý nói con người phải sống mơ mộng, không thực tế, trở nên một thành viên vô dụng của gia đình và xã hội. Trái lại, con người phải thi hành một cách hoàn hảo mọi trách nhiệm ở cõi trần. Họ không thể làm công việc cẩu thả, không hoàn hảo như người kém phát triển. Đối với họ, trách nhiệm là trách nhiệm, họ phải đền trả lại hoàn toàn khoản nợ mà thế gian đã cung cấp cho họ.
Con người phải hoàn tất mọi trách nhiệm một cách hoàn hảo với tất cả khả năng mình, nhưng niềm vui thích thật sự không đặt vào những sự vật này, và tư tưởng họ không bị ràng buộc vào kết quả của những việc làm này. Ngay sau khi đã hoàn thành bổn phận, tư tưởng họ quay về sự sống trường tồn, thăng hoa năng lực lên cấp độ cao cả, bắt đầu sống ở đó và thẩm định giá trị những điều tầm thường, vô bổ của đời sống thế gian.
Thực hành đều đặn công việc đó, và tự huấn luyện tư tưởng trừu tượng cao cả, con người bắt đầu làm sinh động những đường nối kết trong tâm thức, và mang vào cuộc sống ở cõi thấp tâm thức của chính họ.
Con người là một, và cùng là một người ở bất cứ cõi nào mà họ hoạt động. Con người đạt được thành công cuối cùng là lúc họ có thể hoạt động trong tất cả 5 cõi, với tâm thức liên tục. Tâm thức của các vị Chân Sư, những con người hoàn hảo, không những chỉ thức tỉnh ở 3 cõi thấp, mà cả ở cõi thứ tư, trong kinh Mandukyopanishad gọi là cõi Turiya, cõi đại đồng, và cõi ở trên nó, tức cõi Niết Bàn. Đối với các vị này, sự tiến hóa đã hòan tất, các vị đã đi hết trọn chu kỳ tiến hóa. Bây giờ họ như thế nào? và tất cả mọi người đang tiến chậm chạp lên trên sẽ như thế nào? Trong khi tâm thức hợp nhất, những dẫn thể vẫn hiện tồn cho chủ nhân sử dụng, nhưng chúng không thể giam hãm họ, và họ có thể sử dụng bất cứ dẫn thể nào tùy theo công việc mà họ phải làm.
Người đã đến trình độ hợp nhất, thời gian lẫn không gian đều bị họ chinh phục, và chúng không còn là rào cản đối với họ. Càng leo lên mỗi giai đoạn cao hơn, con người càng thấy ít rào cản hơn; thí dụ như vật chất thuộc cõi trung giới ít phân chia hơn vật chất cõi trần, và sự ngăn cách giữa một người với các huynh đệ của họ giảm đi rất nhiều. Thể vía di chuyển rất nhanh chóng, có thể nói con người đã chinh phục thời gian và không gian, vì họ đi xuyên qua không gian nhanh đến nỗi họ cảm thấy chúng mất khả năng chia cắt họ và các bạn bè.
Lên đến cõi trí, con người có được năng lực cao hơn. Khi nghĩ đến một nơi chốn, họ hiện diện ngay nơi đó; khi nghĩ đến một người bạn, người bạn hiện diện trước mặt họ. Tâm thức con người vượt quá giới hạn của vật chất, không gian và thời gian, và con người hiện diện bất cứ nơi nào mà họ muốn. Mọi vật mà họ thấy, họ thấy ngay tức khắc vào lúc mà họ chú ý đến chúng. Mọi âm thanh mà họ nghe, họ nghe toàn thể âm thanh như một ấn tượng đơn độc. Vật chất, không gian và thời gian, như được biết đến ở cõi trần, đều không tồn tại ở cõi trí, chuỗi nối tiếp không còn hiện hữu trong ‘‘hiện tại vĩnh cửu’’.
Khi con người lên cao hơn, hàng rào ngăn cách giữa những tâm thức biến mất, họ cảm nhận là một với những tâm thức khác, họ có thể suy nghĩ như người khác suy nghĩ, cảm giác như người khác cảm giác, nhận biết như người khác nhận biết. Con người có thể xâm nhập vào giới hạn của người khác trong một lúc, để hiểu chính xác người ấy đang nghĩ gì, nhưng vẫn giữ trọn ý thức của riêng mình. Họ có thể sử dụng kiến thức thâm sâu hơn để giúp đỡ tư tưởng bị giới hạn, hẹp hòi, bằng cách tự đồng hóa với tư tưởng đó để làm cho nó mở rộng một cách nhẹ nhàng giới hạn của nó. Khi không còn chia cách với những kẻ khác, họ đảm nhận nhiệm vụ mới trong thiên nhiên; họ nhận thấy Chân Ngã là một trong tất cả, và từ cõi đại đồng này họ gởi năng lượng xuống thế gian. Ngay đối với những động vật thấp thỏi, họ cũng có thể cảm nhận được chúng hiện tồn như thế nào trong thế giới, và họ có thể giúp đỡ theo đúng nhu cầu của chúng.
Như thế, họ chinh phục không phải vì họ, mà vì tất cả. Họ đạt được năng lực mạnh mẽ chỉ để phụng sự vạn vật đang ở nấc thang tiến hóa thấp kém hơn. Bằng cách này, họ trở nên tự ý thức khắp nơi trên thế giới, họ có thể học đáp ứng với mọi tiếng kêu bi thương, mọi cảm giác vui sướng hay đau khổ. Khi đạt đến trình độ cao tột này, họ có tất cả, họ là một vị Chân Sư, ‘‘người không còn gì phải học hỏi nữa’’. Không phải ở mỗi lúc, tâm thức của Chân Sư chứa tất cả mọi kiến thức, nhưng không điều gì mà Ngài không biết được khi tâm thức Ngài chú ý vào nó. Trong vòng tiến hóa này, không có gì Ngài không thông hiểu, và như thế Ngài có thể trợ giúp tất cả.
Đó là sự khải hoàn tối hậu của con người. Tất cả những gì tôi nói sẽ vô ích cho những người có cái tôi hạn hẹp, mà ở cõi trần chúng ta nhận ra là những người chỉ biết sống theo phàm ngã. Mọi cố gắng sẽ không có giá trị thực tiễn, nếu cuối cùng đưa con người đến đỉnh cao tách biệt khỏi mọi tội lỗi, thống khổ, thay vì đưa con người đến nơi mà tất cả đều là một.
Tâm thức của Chân Sư mở rộng ra mọi hướng, tự đồng hóa với bất cứ điểm nào mà Ngài hướng đến, nhận biết bất cứ điều gì mà Ngài muốn biết. Để trợ giúp một cách hoàn hảo, không có gì mà Ngài không cảm nhận được, không có gì mà Ngài không thể chăm sóc, không có gì mà Ngài không thể tăng cường, và không có gì mà Ngài không thể giúp cho phát triển thêm. Đối với Ngài, thế giới là một toàn thể rộng lớn đang tiến hóa, và Ngài có nhiệm vụ trợ giúp sự tiến hóa ấy. Nếu cần, vị Chân Sư có thể tự hòa đồng với bất cứ giai đoạn nào, để trợ giúp người khác đang ở giai đoạn đó. Ngài trợ giúp sự tiến hóa cho tất cả mọi loài kim thạch, thảo mộc, thú cầm và con người, mỗi loài theo cách riêng của nó. Ngài giúp tất cả vạn vật như tự giúp mình. Vì sự huy hoàng của đời sống Ngài là để cho tất cả, và khi giúp đỡ người khác, Ngài nhận thấy họ là chính Ngài.
Điều bí nhiệm là khi con người phát triển, tâm thức dần dần mở rộng ra để bao gồm càng ngày càng nhiều, trong khi nó trở nên trong sáng hơn, sống động hơn, mà không mất sự nhận thức về chính nó. Khi một điểm đã trở thành một khối hình cầu, khối cầu nhận thấy chính nó là một điểm. Mỗi điểm chứa đựng tất cả, và tự biết nó là một với những điểm khác. Cái bên ngoài được thấy như là sự phản ảnh của cái bên trong. Thực Tại là Sự Sống Duy Nhất, và sự dị biệt chỉ là ảo ảnh cần được khắc phục.
—- HẾT —-
***
Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ ( Trọn Bộ)
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 5: CON NGƯỜI ( Kết Thúc)
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 4: NHỮNG THỂ TRÍ
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 3: THỂ VÍA hay THỂ CẢM DỤC
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 2: THỂ DĨ THÁI KÉP, HAY THỂ PHÁCH
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 5 : NHỮNG DẪN THỂ KHÁC
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 1: THỂ XÁC
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Mở Đầu và Giới Thiệu
- Download ebook sách Con Người và Các Thể – tác giả: Annie Besant – file pdf