CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 2: THỂ DĨ THÁI KÉP, HAY THỂ PHÁCH

0
254

CHƯƠNG 2

THỂ DĨ THÁI KÉP, HAY THỂ PHÁCH

 (The etheric double)

***

 

Theo khoa học vật chất, mọi sự thay đổi của bắp thịt, thần kinh, tế bào, hoặc những thay đổi hóa học liên tục trong cơ thể, đều do tác động của điện. Bất cứ lúc nào có tác động của điện, thì luôn luôn có sự hiện diện của chất dĩ thái, do đó, khi có dòng điện chứng tỏ có chất dĩ thái kèm theo. Chất dĩ thái thấm nhuần và bao quanh tất cả. Không có phần tử nào của vật chất tiếp xúc trực tiếp với phần tử khác, mà các phần tử đều di động trong môi trường chất dĩ thái. Thật ra dĩ thái cũng hữu hình như cái bàn, cái ghế, nhưng mắt trần không nhận thấy được, do mức độ tiếp nhận khác nhau của thị giác. Như đã được đề cập, có 4 loại dĩ thái khác nhau, loại thanh nhuyễn nhất bao gồm những nguyên tử căn bản của cõi trần, (nguyên tử căn bản cõi trần không phải nguyên tử mà các nhà hóa học hiện tại tìm ra, nguyên tử hóa học thật ra là một thể phức tạp). Ta gọi là nguyên tử căn bản, hay tối hậu vì khi nó phân hủy sẽ cho ra chất liệu cõi trung giới (Xem “Hóa Học Huyền Bí” của A. Besant & C.W. Leadbeater).

Thể phách, hay ‘’thể dĩ thái kép’’, còn được gọi là ‘’nhị xác thân’’, được cấu tạo từ 4 loại chất dĩ thái, nó thấm nhập vào cấu trúc chất đặc, chất lỏng và chất hơi của thể xác đậm đặc, và bao bọc tất cả những phần tử với một lớp dĩ thái, như thế nó là một bản sao hoàn hảo của thể xác đậm đặc. Người có nhãn quan được huấn luyện, có thể nhìn thấy rõ thể phách, nó màu xám tím, cấu trúc nó thô hay mịn tùy theo độ thô kệch của thể xác đậm đặc. Điều quan trọng cần ghi nhận là những thay đổi về phẩm chất của thể xác đậm đặc đi đôi với phẩm chất của thể phách. Khi người học đạo có ý thức và chú tâm thanh lọc thể xác đậm đặc, thể phách cũng được trong sạch theo mà không cần cố gắng nào khác, và mặc dù người ấy không ý thức về điều đó.

Ghi chú của A. Besant : Khi nhìn những thể thấp của con người bằng nhãn quan cõi trung giới, ta thấy thể dĩ thái kép (etheric double, còn gọi là linga sarira) và thể vía (astral or kamic body) thấm nhập lẫn nhau; cũng như hai thể này thấm nhập vào thể xác đậm đặc. thế, trong quá khứ chúng gây khá nhiều bối rối, danh từ linga sarira astral body bị dùng lẫn lộn nhau, trong khi astral body là từ ngữ đặc biệt được dùng để chỉ thể vía hay thể cảm dục. Vấn đề từ ngữ không chính xác này đã gây nhiều trở ngại, như nhiệm vụ của thể vía thường bị hiểu lầm như nhiệm vụ của thể phách, và ngược lại. Điều này làm cho những học viên bị vướng mắc, không giải quyết được những mâu thuẫn trong giáo lý. Bằng sự quan sát cẩn thận cách cấu tạo 2 thể này, ta có thể xác định thể phách chỉ được cấu tạo bởi những chất dĩ thái cõi vật chất, nó không thể rời khỏi cõi vật chất, và nếu xuất ra khỏi thể xác đậm đặc tương ứng, nó không thể đi xa. Hơn nữa, nó được tạo nên bởi vị Thần Nhân Quả để làm khuôn cho thể xác đậm đặc theo đó thành hình. Trong khi thể vía (hay thể cảm dục) chỉ được cấu tạo bằng chất liệu cõi trung giới. Khi rời bỏ thể xác nó có thể đi khắp cõi trung giới, nó chính là dẫn thể của Linh Hồn ở cõi trung giới, nó được mang xuống bởi Linh Hồn lúc luân hồi.

Nhờ thể phách, sinh lực (prana) chạy dọc theo những dây thần kinh của cơ thể, để chúng tác động như những tác nhân của lực vận động, và trợ giúp sự dẫn truyền cảm giác từ những va chạm bên ngoài. Năng lực của tư tưởng, của sự vận động và của cảm giác không trụ tại chất liệu dây thần kinh, cũng không ở chất liệu dĩ thái bọc quanh dây thần kinh. Chúng là những hoạt động của Linh Hồn làm việc ở những thể bên trong, chúng được diễn đạt nơi cõi trần qua ‘’hơi thở của sự sống’’ chạy dọc theo những sợi thần kinh và chung quanh những tế bào thần kinh. Vì ‘’prana’’ là hơi thở của sự sống (life-breath), là năng lượng chủ động của Chân Ngã, như Ngài Sankaracharya đã dạy. Nhiệm vụ của thể phách là phục vụ như trung gian vật chất cho năng lượng này, vì thế nó thường được gọi là ‘’dẫn thể của sinh lực’’ (vehicle of prana).

Một ghi nhận hữu ích là thể phách nhạy cảm đặc biệt với thành phần bốc hơi của rượu.

Những hiện tượng liên quan đến thể xác

Khi một người ở trạng thái ngủ, Linh Hồn trượt ra ngoài thể xác để cho thể xác ngủ yên, và hồi phục lại sức khoẻ cho công việc làm ngày mai. Linh hồn để mặc thể xác đậm đặc và thể phách, do bản chất cấu tạo và thói quen, hai thể này sẽ chịu ảnh hưởng bởi những sự việc mà chúng tự thu hút vào. Những luồng hình tư tưởng từ cõi trung giới có bản chất phù hợp với những hình tư tưởng đã được tạo ra hoặc được chứa chấp bởi Linh Hồn trong sinh hoạt hàng ngày, chúng đi vào và ra khỏi phần đậm đặc và phần dĩ thái của não bộ. Những hình tư tưởng này trộn lẫn với những rung động lặp lại một cách tự động trong tâm thức lúc thức của Linh Hồn, tạo nên những giấc mơ hỗn loạn rời rạc thường xảy ra ở người bình thường.

Những hình ảnh rời rạc này cho thấy sự hoạt động của thể xác khi nó bị bỏ lại một mình. Nó chỉ có thể tái lập những phần vụn vặt từ những rung động quá khứ, mà không theo một thứ tự mạch lạc, tạo ra những hình ảnh kỳ dị, không hợp lý. Nó không nhận biết được sự ngớ ngẩn, vô lý, nó chỉ thấy những ảo ảnh với hình dạng và màu sắc thay đổi, như ta thấy những hình ảnh trong một ống kính có nhiều mặt (kaleidoscope), mà những hình ảnh nó thấy được còn không liền lạc bằng những hình ảnh nhìn trong ống kính. Như thế, bộ óc xác thịt đậm đặc và phần dĩ thái của nó chỉ là dụng cụ của tư tưởng, không phải là kẻ sáng tạo ra tư tưởng, khi bị bỏ một mình, nó chỉ tạo ra được những hình ảnh thất thường.

Trong lúc ngủ, Linh Hồn trượt ra khỏi thể xác (thể xác đậm đặc hữu hình và thể phách vô hình), để lại hai thể này ở chung nhau. Khi ‘’chết’’, Linh Hồn trượt ra khỏi thể xác lần cuối, nhưng điểm khác nhau là nó mang theo thể phách với nó, phân cách thể phách với phần thể xác đậm đặc tương ứng, để lại thể xác đậm đặc không còn sự sống.

Như ta đã biết, thể phách không thể đi qua cõi trung giới, vì thế một lần nữa Linh Hồn nhanh chóng loại bỏ thể phách, để thể phách ở lại nơi cõi trần và tan rã dần cùng với thể xác đậm đặc. Ngay sau khi chết, đôi khi những người thân của kẻ ra đi nhìn thấy được thể phách ở gần xác chết, thường nó không có hoặc có rất ít ý thức, nó không thể nói hoặc làm điều gì khác, ngoài việc tự hiện hình.

Thể phách của người chết được nhìn thấy tương đối dễ dàng bằng mắt thường, với sự căng thẳng nhẹ của hệ thần kinh, người ta có thể có nhãn quan đủ bén nhạy để nhận ra nó. Nó cũng là nguyên nhân của nhiều hiện tượng ma ở nghĩa địa, đó là do thể phách bay lơ lửng trên những nấm mồ chôn xác thân đậm đặc của nó, do đó nó thường được nhận thấy hơn thể vía. Như thế, dù khi chết, thể phách và thể xác đậm đặc cũng không chia cách nhau xa hơn vài thước.

Đối với người bình thường, chỉ khi nào chết thể phách mới tách rời khỏi thể xác đậm đặc, nhưng ở một số người bất thường như những người có năng khiếu đồng cốt, trong lúc sống một phần thể phách dễ tách lìa khỏi thể xác. Điều này khá nguy hiểm vì có thể gây ra nhìều căng thẳng và rối loạn thần kinh, nhưng cũng may là tương đối hiếm.

Khi thể phách xuất ra ngoài, cặp song đôi bị xé ra làm hai. Nếu thể phách hoàn toàn xuất ra khỏi thể xác đậm đặc, sẽ làm cho thể xác đậm đặc bị chết, vì những dòng luân lưu hơi thở của sự sống cần sự hiện diện của dĩ thái để luân chuyển. Ngay khi chỉ rút ra một phần, thể phách cũng để lại cho thể xác đậm đặc tình trạng thiếu sinh lực hoặc hôn mê, và những hoạt động thiết yếu cho sự sống gần như bị ngưng trệ. Đến khi phần thể phách tách rời được nhập trở lại thể xác đậm đặc, con người cảm thấy rất mệt mỏi, kiệt lực, đó là lúc rất nguy hiểm cho người đồng.

Nhiều hiện tượng xảy ra trong buổi lên đồng không liên hệ đến sự xuất ra của thể phách. Nhưng người ta quan sát được trong những trường hợp hiện hình có hiện tượng này rất rõ rệt. Có người cho tôi biết trường hợp rất hiếm thấy ở ông Eglinton, người ta thấy được thể phách của ông rỉ ra từ hông bên phải, trong khi thể xác đậm đặc co rúm lại. Trường hợp ông Husk cũng thế, khi thể phách xuất ra, thể xác đậm đặc thu nhỏ lại khá nhiều, không còn vừa với áo quần ông đang mặc.

Có lần cơ thể của ông Eglinton thu nhỏ lại rất nhiều, và hình hiện ra rõ ràng dưới mắt của những người quan sát. Vài trường hợp dưới ánh sáng vừa đủ, người ta thấy rõ cả hình hiện ra và người đồng. Sự thu nhỏ lại của cơ thể người đồng chứng tỏ một phần chất liệu vật chất đậm đặc của cơ thể bị rút ra để giúp sự hiện hình, rất có thể là thành phần chất lỏng, tuy nhiên chưa có khảo sát nào xác định sự việc trên. Chỉ có một điều chắc chắn là khi một phần thể phách bị xuất ra sẽ gây nhiều rối loạn cho hệ thần kinh, do đó có lời khuyên là những người không may mắn có cơ thể ‘’nhạy cảm’’ không nên thực hành phương pháp đồng cốt.

Đến đây chúng ta đã nghiên cứu thể xác, cả phần đậm đặc lẫn phần dĩ thái, đây là lớp áo mà Linh Hồn phải mặc vào để hoạt động ở cõi trần. Thể xác là phòng làm việc tiện nghi cho Linh Hồn, mà cũng là nhà tù giam hãm nó tới lúc chết. Chúng ta cần làm và phải làm thế nào để cho cơ thể khỏe mạnh, đồng thời cần thanh lọc hóa cho nó được trong sạch, bén nhạy và thanh tao.

Thể xác cần phải khỏe mạnh, ở Đông phương sức khỏe được nhấn mạnh như là một điều kiện để được nhận làm đệ tử, vì một thể xác không khỏe mạnh không thể là một dụng cụ tốt cho Linh Hồn. Thể xác suy yếu có xu hướng làm méo mó những ấn tượng từ ngoài vào và làm lệch lạc những xung lực phát xuất từ trong ra ngoài. Những hoạt động của Linh Hồn sẽ bị cản trở nếu dụng cụ của nó bị căng thẳng hay vặn vẹo do bệnh hoạn. Vì thế chúng ta phải cố gắng gìn giữ cho thể xác được khỏe mạnh, điều hòa, thanh tao, bén nhạy và trong sạch. Được như thế nó sẽ tự động đẩy lui mọi ảnh hưởng xấu xa và dễ tiếp nhận mọi điều tốt lành. Ta phải chọn trong số những sự vật ở chung quanh, những thứ giúp ta tiến đến mục đích ấy, cần hiểu rằng công việc chỉ có thể thành đạt từ từ, nhưng với sự bền chí và kiên nhẫn thế nào cũng thành công.

Ta sẽ nhận biết ngay khi bắt đầu có sự thành công, tuy chỉ mới giới hạn, vì năng lực của mọi loại nhận thức được mở rộng hơn trước rất nhiều. Ta sẽ thấy thị giác và thính giác của ta trở nên nhạy cảm hơn, đầy đủ hơn, êm dịu hơn, hòa điệu hơn, có sắc thái dễ thương hơn. Giống như một họa sĩ huấn luyện đôi mắt để nhìn thấy sự mịn màng của màu sắc, mà đối với mắt người bình thường không nhận thấy. Giống như một nhạc sĩ huấn luyện lỗ tai để nghe được ngụ ý của những nốt nhạc mà tai người bình thường không nghe được. Cũng thế, ta huấn luyện những thể để chúng tiếp thu được những rung động thanh cao hơn của sự sống, mà người bình thường không nhận biết được.

Cũng đúng là khi giác quan trở nên bén nhạy hơn, có nhiều cảm giác không thích thú sẽ đến, vì ta sống trong thế giới có nhiều xáo động thô kệch do loài người phóng thích ra. Nhưng mặt khác, những vẻ đẹp sẽ tự biểu lộ và trả công ta gấp trăm lần cho những khó khăn mà ta phải đối diện và vượt qua. Hơn nữa, ta không sở hữu các thể với mục đích ích kỷ, hoặc để sống phù phiếm, hưởng thụ, mà ta phải sử dụng chúng để phụng sự đắc lực hơn. Ta phải làm cho các thể trở thành những dụng cụ hữu hiệu hơn trong việc giúp đỡ nhân loại, và thích hợp hơn cho công việc thúc đẩy sự tiến hóa chung, đó là chủ trương của các đấng Chân Sư vĩ đại mà chúng ta có đặc ân được hợp tác.

Đến đây, chúng ta đã nghiên cứu qua cõi trần, tức chỉ một phần của đề tài, và chúng ta đã hiểu được sự quan trọng trong việc thanh luyện thể thấp nhất dùng cho tâm thức biểu lộ. Khi những kiến thức này trở thành thông dụng, và được chấp nhận không những chỉ như sự hiểu biết suông, mà như qui luật trong cuộc sống hàng ngày, thì cõi trần sẽ được trong sạch, tốt đẹp hơn.

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here