NHỮNG THỂ TRÍ
(The Mind Bodies)
***
Chúng ta đã học về thể xác và thể vía con người. Thể xác hoạt động ở cõi trần, có phần hữu hình và phần vô hình. Chúng ta đã theo dõi cách thức sinh hoạt, cũng như phân tích bản chất của sự tăng trưởng và cách thức thanh lọc hóa nó. Đối với thể vía cũng thế, chúng ta đã theo dõi những hoạt động và tăng trưởng, những hiện tượng liên hệ với sự biểu lộ của nó ở cõi trung giới, và sự thanh lọc hóa nó. Như thế, chúng ta đã có vài ý tưởng về hoạt động của con người ở 2 trong 7 cõi của vũ trụ.
Bây giờ, chúng ta có thể sang qua cõi thứ ba, thế giới của trí tuệ. Chúng ta đã biết có 3 cõi: cõi trần, cõi trung giới và cõi trí tuệ. Trái đất và hai khối cầu bao quanh nó (chỉ cõi trung giới và cõi thượng giới – LDG), như một vùng bộ ba, nơi đó con người hoạt động trong suốt những lần đầu thai ở cõi trần, và cũng nơi đó con người cư trú trong suốt những giai đoạn xen kẽ giữa sự chết (khép lại một đời sống thế gian) và sự sinh (mở ra một đời sống khác ở thế gian).
Ba khối cầu đồng tâm là trường học và là vương quốc của con người, trong đó nhân loại phát triển và đi suốt hành trình tiến hóa. Trước khi cánh cửa của sự điểm đạo được mở ra trước mặt, con người không thể vượt một cách có ý thức ra ngoài 3 thế giới này, ngoài ra không có con đường nào khác.
Vùng thứ ba này, chúng ta gọi là cõi của trí tuệ, bao gồm (tuy không giống hệt) một thế giới mà người Thông Thiên Học gọi là Cõi Trời Chân Phúc (Devachan or Devaloka), được diễn tả là nơi ở của những vị thần, vùng đất hạnh phúc và phước lành. Sở dĩ có tên Cõi Trời Chân Phúc do bản chất và tình trạng của nó, vì không điều gì gây đau khổ, phiền muộn có thể xâm nhập được vào thế giới này. Nó là một trạng thái được bảo vệ đặc biệt, không cho phép những điều xấu ác xâm nhập vào. Nó là nơi an nghỉ đầy phúc lạc, để con người có thể thanh thản đồng hóa những quả lành mang theo từ đời sống thế gian.
Để tránh nhầm lẫn, trước tiên chúng ta cần giải thích một cách tổng quát về thế giới trí tuệ. Giống như những cõi khác, có 7 cảnh trong cõi trí tuệ, nhưng đặc biệt 7 cảnh này được chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 3 cảnh trên được gọi theo danh từ kỹ thuật là vô sắc tướng (arupa), hay không có hình thể, do chúng rất thanh nhẹ; 4 cảnh dưới được gọi là sắc tướng (rupa), hay có hình thể. Do đó, tâm thức con người có hai dẫn thể để hoạt động ở cõi này, cả hai đều được gọi là thể trí. Ta sẽ xét đến trước tiên ‘‘thể trí thấp’’ hay hạ trí, từ ngữ này được tạm dùng cho đến khi nào có một từ ngữ khác thích hợp hơn. Đối với ‘‘thể trí cao’’, hay thượng trí, còn được gọi là ‘‘nhân thể’’ (causal body), vì những lý do sẽ được làm sáng tỏ về sau. Dần dần học viên sẽ quen thuộc và phân biệt giữa Thượng Trí và Hạ trí (Higher and Lower Manas). Thượng Trí là nhân thể, tức thể trường tồn của Chân Ngã, hay con người thật, nó còn lại từ kiếp này qua kiếp khác. Hạ Trí, gọi tắt là Thể Trí, còn lại sau khi chết và vào Cõi Trời Chân Phúc (Devachan), rồi sẽ tan rã khi sự sống ở những cảnh sắc tướng của Cõi Trời Chân Phúc chấm dứt.
- THỂ TRÍ(The Mind Body) – Đây là dẫn thể của tâm thức, được cấu tạo bởi chất liệu của 4 cảnh thấp cõi thượng giới. Tuy nó là dẫn thể đặc biệt của tâm thức cho phần thấp này của cõi trí, nó hoạt động dựa vào và xuyên qua thể vía cùng thể xác trong mọi sự biểu lộ, cho nên chúng ta gọi nó là ‘‘cái trí’’ trong tâm thức tỉnh thức bình thường của chúng ta. Thật vậy, trong suốt cuộc sống cõi trần của người chưa phát triển, nó không thể hoạt động riêng rẽ trên cõi riêng của nó như một dẫn thể độc lập của tâm thức. Khi một người sử dụng khả năng trí tuệ, họ phải khoác vào chất liệu cõi trung giới và cõi trần, trước khi có thể trở nên ý thức về hoạt động của họ. Thể trí là dẫn thể của Linh Hồn, là Chủ Thể Tư Tưởng, nó điều hợp mọi công việc. Nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc sống, nó còn phôi thai, rời rạc và không hữu dụng, giống như trường hợp thể vía của người chưa phát triển.
Thể trí được cấu tạo bằng loại chất liệu rất hiếm và thanh nhuyễn. Như ta đã biết, chất liệu cõi trung giới kém đậm đặc rất nhiều so với chất dĩ thái ở cõi trần. Chúng ta cần có ý niệm rộng rãi hơn về chất liệu, hãy nghĩ đến một chất vô hình đối với mắt thường và cả thị giác thể vía, nó thanh nhuyễn đến độ không thể nhận thấy được bằng giác quan ‘‘bên trong’’ của con người.
Chất liệu này thuộc về cõi thứ năm trong vũ trụ đếm từ trên xuống, hoặc cõi thứ ba nếu đếm từ dưới lên. Trong chất liệu này Chân Ngã biểu lộ qua cái trí hiểu biết, cũng như ở cõi bên dưới nó (cõi trung giới) Chân Ngã biểu lộ qua cảm giác.
Phần bên ngoài của thể trí hiện diện trong hào quang có một đặc tính nổi bật, kích thước cũng như hoạt động của nó tăng trưởng từ kiếp này sang kiếp khác, tùy theo độ tăng trưởng và phát triển của chính con người. Trong khi thể xác được tái tạo ở mỗi kiếp, thay đổi tùy theo quốc gia và phái tính, nhưng kích thước gần như không thay đổi kể từ thời châu Atlantis đến ngày nay. Đối với thể vía, chúng ta thấy cơ cấu của nó được tổ chức hoàn hảo hơn khi con người phát triển nhiều hơn. Nhưng ở thể trí, có sự tăng trưởng về kích thước, nó lớn lên theo trình độ tiến hóa của con người. Khi nhìn một người còn sơ khai, chúng ta khó phân biệt thể trí của họ, nó phát triển rất ít, cần phải nhìn thật kỹ mới nhận thấy. Ở một người tiến bộ hơn, tuy chưa phát triển về tinh thần, nhưng đã mở mang những khả năng của cái trí, đã huấn luyện để phát triển những năng khiếu trí tuệ, chúng ta thấy thể trí họ rất phát triển, và tổ chức đầy đủ thành một dẫn thể. Thể trí của những người này có chu vi xác định rõ ràng, chất liệu thanh nhuyễn, màu sắc đẹp đẽ, rung động liên tục, linh hoạt, đầy sinh lực và diễn đạt mạnh mẽ trong thế giới của trí tuệ.
Về bản chất, nó được cấu tạo bởi chất liệu thanh nhẹ; về nhiệm vụ, nó là dẫn thể kề cận để Chân Ngã biểu lộ trí tuệ. Thể trí tăng trưởng từ kiếp này đến kiếp khác, tỉ lệ với sự phát triển của trí tuệ. Những thuộc tính và phẩm chất của nó càng ngày càng được sắp xếp xác định, và càng trở nên rõ ràng.
Khi hoạt động nối kết với thể vía và thể xác, thể trí không có hình thể và đặc điểm rõ rệt của con người. Nó có hình bầu dục, giống như quả trứng, thâm nhập vào thể xác và thể vía, và bao quanh chúng thành một bầu hào quang sáng rực, khi trí tuệ càng phát triển nó càng nở rộng hơn.
Chúng ta biết, khi cái trí con người phát triển những khả năng cao, hình trứng này trở nên rất đẹp và sáng chói. Nhãn quan trung giới không thấy được nó, nhưng người có nhãn quan cao thuộc cõi trí tuệ thấy nó rất rõ ràng. Một người bình thường ở cõi trần không thấy gì ở cõi trung giới, dù cõi này ở chung quanh ta, chỉ đến khi con người mở giác quan thể vía mới thấy được. Cũng thế, một người chỉ có những giác quan thể xác và thể vía linh hoạt sẽ không thấy gì ở cõi trí, hoặc những hình thể cấu tạo bằng chất liệu cõi trí, dù cõi này ở mọi phía chung quanh họ, chỉ đến khi họ mở giác quan thể trí mới có thể thấy được.
Những giác quan sắc sảo thuộc về cõi trí, khác xa với những giác quan mà chúng ta quen thuộc nơi cõi trần. Thật ra từ ngữ ‘‘những giác quan’’ bị dùng sai, chúng ta phải nói là ‘‘giác quan’’. Vì cái trí tiếp xúc với sự vật thuộc thế giới của riêng nó một cách trực tiếp lên toàn thể bề mặt, không có những cơ quan phân biệt cho sự thấy, nghe, sờ, nếm và ngửi. Ở cõi trần, chúng ta tiếp nhận mọi rung động xuyên qua những giác quan riêng biệt, còn ở cõi trí, tất cả những đặc tính này xảy ra một lượt khi xúc chạm với cái trí. Thể trí tiếp nhận tất cả cùng lúc, ngay tức khắc, và nhận ra mọi sự vật nào có thể gây ấn tượng lên nó.
Lời nói rất khó diễn đạt rõ cách thức giác quan thể trí nhận và tổng hợp những ấn tượng. Có lẽ diễn tả như sau dễ hiểu hơn: nếu một sinh viên được huấn luyện, đến cõi đó và tiếp xúc với một sinh viên khác, cái trí sẽ ‘‘nói chuyện’’ bằng màu sắc, âm thanh và hình dạng. Như thế toàn thể tư tưởng được truyền đi như một hình ảnh có màu sắc và âm thanh, thay vì là một mảnh vụn của tư tưởng như được điễn tả ở cõi trần bởi những biểu tượng mà chúng ta gọi là ‘‘chữ’’.
Một số độc giả có nghe nói đến những quyển sách cổ, viết bởi các vị điểm đạo cao bằng ngôn ngữ của màu sắc, hay ngôn ngữ của Thần Minh, có nhiều người đệ tử biết đến loại ngôn ngữ này và sử dụng nó. Đây là ‘‘lời nói’’ của thế giới tư tưởng, diễn đạt bằng hình thể và màu sắc, những rung động từ một tư tưởng đơn độc tạo ra hình thể, màu sắc và âm thanh. Cái trí không coi nó là một màu sắc hay một âm thanh, mà coi nó như một tư tưởng, hay một hình thể. Tư tưởng tạo nên rung động phức tạp trong chất liệu thanh nhẹ, và diễn đạt theo nhiều cách thức bằng cách tạo nên những rung động này.
Chất liệu của cõi trí liên tục bị rung động, tạo ra những màu sắc, âm thanh và hình thể. Nếu một người tách rời khỏi thể vía và thể xác, để hoạt động trong thể trí, họ cảm thấy hoàn toàn thoát khỏi mọi giới hạn do những cơ quan cảm giác của họ, họ tiếp nhận ở mỗi điểm đối với mỗi rung động mà ở cõi thấp nó xuất hiện riêng rẽ và khác biệt.
Trong lúc thức, một người suy nghĩ và làm việc qua thể vía và thể xác, tuy nhiên tư tưởng được phát ra từ ‘‘người sản xuất tư tưởng’’ trong thể trí, qua thể vía trước, rồi đến thể xác. Khi suy nghĩ, chúng ta suy nghĩ bằng thể trí, nó là tác nhân của tư tưởng, tâm thức tự diễn đạt như chủ thể ‘‘Tôi’’. Cái ‘‘Tôi’’ thật ra chỉ là ảo tưởng, nhưng nó là cái ‘‘Tôi’’ duy nhất mà phần đông con người biết. Khi đề cập đến tâm thức của xác thân, chúng ta nhận thấy con người không ý thức được hết những gì xảy ra trong xác thân, một phần những hoạt động của cơ thể không tùy thuộc vào con người. Con người không suy nghĩ giống như những tế bào nhỏ nhít riêng rẽ suy nghĩ, con người không chia xẻ toàn thể tâm thức của cơ thể.
Khi đề cập đến thể trí, chúng ta đến gần sự đồng hóa với con người, nó dường như là chính người ấy; ‘‘Tôi Nghĩ’’, ‘‘Tôi biết’’ – có thể nào chúng ta hiểu phía sau sự kiện đó? Cái trí là ‘‘chủ tể ‘‘ trong thể trí, dường như nó là mục đích của hầu hết chúng ta khi đi tìm Chân Ngã. Nhưng điều này chỉ đúng nếu chúng ta bị giới hạn trong tâm thức lúc thức. Chúng ta đều biết tâm thức lúc thức, cũng như những cảm giác của thể vía, chỉ là một mức độ trong cuộc hành trình của chúng ta, khi chúng ta đi tìm Chân Ngã. Những ai đã học hỏi sâu xa hơn sẽ nhận ra rằng thể trí, đến phiên nó cũng chỉ là dụng cụ của con người thật sự.
Tuy nhiên trên phương diện tư tưởng, hầu hết chúng ta không thể tách rời con người với thể trí của người ấy. Đối với chúng ta hình như cái trí là sự diễn đạt cao nhất, một dẫn thể cao nhất của con người, và là ‘‘cái ngã’’ cao nhất mà chúng ta có thể tiếp xúc và nhận thức được. Điều này không thể tránh được và rất tự nhiên ở trình độ tiến hóa hiện tại của con người, khi con người bắt đầu làm sống động thể trí để nó hoạt động nổi bật. Trong quá khứ, con người đã làm sống động thể xác để nó sinh hoạt như một dẫn thể của tâm thức, và trong hiện tại đang dùng nó như một thói quen. Những người chậm tiến thuộc giống dân hiện tại đang làm sống động thể vía, nhưng phần đông nhân loại đã hoàn thành một phần lớn công việc này. Thể trí của người thuộc giống dân thứ năm đang được linh hoạt, và hiện nay công việc đặc biệt mà nhân loại cần thực hiện là làm phát triển thể này.
Tư tưởng làm cho thể trí tăng trưởng, nói khác đi, tư tưởng của chúng ta là nguyên liệu để xây dựng thể trí. Do sử dụng khả năng trí tuệ, do sự phát triển năng lực nghệ thuật và những cảm xúc cao cả, chúng ta xây dựng thể trí ngày này qua ngày khác, hằng tháng hằng năm trong những kiếp sống. Nếu không sử dụng khả năng trí tuệ, cam chịu làm nơi tiếp nhận chớ không phải người sáng tạo, nếu bạn luôn luôn tiếp nhận từ bên ngoài thay vì tạo tác từ bên trong, nếu trong cuộc sống, những tư tưởng của người khác tụ tập tràn đầy trong trí bạn, nếu đó là tất cả những gì bạn biết về tư tưởng thì thể trí bạn không thể tăng trưởng. Từ đời này sang đời khác, bạn trở lại giống như lúc bạn sinh ra, từ đời này sang đời khác, bạn vẫn còn là người chưa phát triển. Vì chỉ đến khi bạn tập luyện thể trí, thường xuyên sử dụng những khả năng sáng tạo của nó, thể trí mới có thể phát triển và con người mới thật sự tiến hóa.
Ngay lúc bắt đầu nhận thức điều này, chắc bạn sẽ cố gắng thay đổi thái độ tổng quát đối với ý thức bạn trong cuộc sống hàng ngày, và bạn sẽ bắt đầu canh chừng những hoạt động của nó. Khi làm thế, bạn sẽ nhận thấy phần nhiều những ý nghĩ của bạn không thực sự là tư tưởng của chính bạn, mà chỉ là sự tiếp nhận tư tưởng của kẻ khác. Những tư tưởng đến với bạn mà bạn không biết chúng đến bằng cách nào và từ đâu, những tư tưởng ra đi mà bạn không biết chúng đi đâu. Có lẽ bạn sẽ bắt đầu cảm thấy phiền não và thất vọng, khi biết thể trí thay vì tiến hóa lên cao, nó không khác gì một trạm cho những tư tưởng đến rồi đi.
Hãy tự quán xét để thấy có bao nhiêu điều chứa đựng trong tâm thức bạn là của chính bạn, và bao nhiêu điều từ bên ngoài đưa tới. Trong ngày, thình lình hãy ngừng lại và nhìn xem bạn đang suy nghĩ về điều gì, có lẽ bạn sẽ nhận thấy bạn đang không chủ động suy nghĩ về vấn đề nào cả, đây là một kinh nghiệm rất thường xảy ra. Hoặc bạn đang suy nghĩ một cách mơ hồ, chỉ tạo nên ấn tượng rất yếu ớt đối với bất cứ điều gì mà bạn nhớ được.
Chính sự thử nghiệm này trở thành tự ý thức hơn trước, sau khi đã thử nghiệm nhiều lần như trên, bạn bắt đầu ghi nhận những tư tưởng mà bạn tìm thấy trong trí bạn, để biết sự khác nhau như thế nào giữa tình trạng khi chúng xâm nhập vào trí bạn, cũng như khi chúng ra khỏi trí bạn, và bạn đã thêm vào điều gì trong thời gian chúng ở với bạn.
Bằng cách này, trí bạn sẽ trở nên linh hoạt và vận dụng năng lực sáng tạo của nó, và bạn có thể sử dụng khôn ngoan một số điều sáng tạo ấy. Trước hết bạn có thể chọn những tư tưởng mà bạn cho phép chúng duy trì trong trí. Bất cứ khi nào tìm thấy trong trí một tư tưởng tốt lành, bạn hãy dừng lại với nó, nuôi dưỡng, tăng cường, làm cho nó phát triển thêm và gởi nó ra ngoài như một tác nhân hữu ích vào cõi trung giới. Khi nhận thấy có một tư tưởng xấu nẩy sinh, bạn hãy nhanh chóng đẩy nó ra khỏi trí. Bây giờ bạn nhận thấy trí bạn đón nhận những tư tưởng tốt lành, hữu ích, và từ chối những tư tưởng xấu ác. Càng ngày càng có nhiều tư tưởng tốt lành, và càng ít tư tưởng xấu ác từ bên ngoài xâm nhập được vào trí bạn. Khi trí bạn chứa đầy tư tưởng tốt lành, hữu ích, nó tác động như một nam châm thu hút những tư tưởng cùng loại ở chung quanh. Nếu trí bạn không chấp nhận tư tưởng xấu ác, nó sẽ tự động đẩy lui những tư tưởng này khi chúng tiến đến gần bạn. Thể trí sẽ thu hút những tư tưởng tốt lành từ môi trường chung quanh và xua đuổi những tư tưởng xấu ác, do đó nó liên tục góp nhặt những chất liệu thanh nhẹ, tốt lành thuộc cõi trí, làm cho nó mỗi ngày càng tăng trưởng thêm.
Khi thời giờ đến, cuối cùng con người giũ bỏ thể xác và thể vía, để qua cõi trí, họ sẽ mang theo những chất liệu họ đã góp nhặt vào cõi thượng giới, mà chỉ những gì chứa đựng trong tâm thức thích hợp với vùng nó thuộc về. Con người sẽ dùng thời gian sống ở cõi trời chân phúc để đào luyện mọi chất liệu được tích trữ thành những khả năng và năng lực.
Vào cuối thời gian ở cõi trời chân phúc, thể trí sẽ trao lại cho nhân thể những đặc tính mà nó đã đào luyện, để chúng được mang vào kiếp tái sinh tới. Khi con người đầu thai, những khả năng này sẽ tự bao bọc trong chất liệu của những cảnh sắc tướng thuộc cõi thượng giới, tạo nên thể trí mới cho kiếp sống sắp đến, thể trí mới này có cơ cấu và phát triển nhiều hơn thể trí kiếp trước. Những khả năng cũng sẽ biểu hiện trong thể vía và thể xác mới như ‘‘những khả năng bẩm sinh’’ mà đứa trẻ có được khi vào đời. Trong suốt kiếp sống hiện tại, chúng ta góp nhặt những chất liệu theo cách thức mà chúng ta đã phác họa. Trong cuộc sống ở cõi trời chân phúc, chúng ta đào luyện những chất liệu này, biến những cố gắng riêng rẽ của tư tưởng thành khả năng của tư tưởng, thành những hoạt động và năng lực trí tuệ.
Đó là sự thay đổi lớn lao được thực hiện trong suốt cuộc sống ở cõi trời chân phúc. Vì những khả năng này tùy thuộc những điều tốt lành góp nhặt trong cuộc sống ở thế gian, chúng ta không từ bỏ một cố gắng nào từ bây giờ.
Thể trí của kiếp sau tùy thuộc vào việc mà chúng ta đang làm cho thể trí hiện tại. Như thế, chúng ta thấy thời gian ở cõi trời chân phúc rất quan trọng trong sự tiến hóa của con người, nếu những sinh hoạt và thời gian ở cõi trời chân phúc bị giới hạn, phẩm chất trí tuệ mà con người mang trở lại khi tái sinh cũng bị giới hạn. Chúng ta không thể tách rời một kiếp sống này khỏi kiếp sống khác, và cũng không có phép lạ nào tạo ra một sự vật từ chỗ không có gì. Nhân quả cho chúng ta thu hoạch những gì chúng ta đã gieo, và mùa gặt ít ỏi hay phong phú tùy theo sự vun trồng của chúng ta.
Có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sinh hoạt tự động của thể trí, khi chúng ta xét đến bản chất của những chất liệu từ đó nó rút ra để tạo thành cơ cấu của nó. Thể trí liên kết với Trí Vũ Trụ (Universal Mind), trong chính bản chất là kho dự trữ mọi chất liệu từ đó nó rút ra. Những chất liệu này tạo ra mọi loại rung động khác nhau về phẩm chất cũng như năng lực, tùy theo cách thức chúng phối hợp. Thể trí tự động rút vào nó chất liệu từ kho chứa tổng quát, nó có thể duy trì những phối hợp đã có sẵn, vì giống như trong thể xác, những phần tử trong thể trí luôn luôn thay đổi, và những phần tử rời bỏ thể trí, để lại chỗ cho những phần tử tương tự thế vào.
Nếu một người tự thấy mình có những khuynh hướng xấu xa và muốn thay đổi, người ấy tạo nên một loạt rung động mới. Khi ấy, thể trí đã khuôn đúc để đáp ứng những rung động cũ, sẽ chống lại những rung động mới, từ đó gây ra xung đột và đau khổ. Nhưng dần dần, những phần tử cũ bị loại ra ngoài và được thay vào bởi những phần tử mới, đáp ứng với những rung động mới. Chính năng lực đáp ứng đối với những rung động mà thể trí bị thu hút từ bên ngoài, nó thay đổi chất liệu trong cơ cấu, những rung động của nó trở nên đối kháng với sự xấu ác và thu hút đối với sự tốt lành. Như thế, sự khó khăn tột đỉnh mà những cố gắng đầu tiên phải đối diện là sự chiến đấu phát xuất từ phương diện hình thức cũ của thể trí. Sự suy tưởng đúng đắn càng ngày càng dễ dàng hơn khi có sự thay đổi trong hình thức cũ của thể trí, cuối cùng là sự thành công tự phát và thú vị, theo sau thói quen mới.
Một phương pháp khác giúp cho sự phát triển thể trí là sự thực hành định trí, tức chú ý vào một điểm nhất định và giữ chặt cái trí nơi đó, không cho nó trôi dạt lang thang. Chúng ta phải tập suy tưởng vững chắc và mạch lạc, không để cho cái trí thình lình chạy rong từ việc này sang việc khác, cũng không để lãng phí năng lượng vào những tư tưởng nhỏ nhặt. Suy nghĩ theo một đường lối lý luận liên tục là cách thực hành tốt, trong đó một tư tưởng phát triển tự nhiên từ một tư tưởng đi trước, trí chúng ta sẽ dần dần phát triển những phẩm chất thông minh làm cho sự sắp xếp tư tưởng có thứ tự và hợp lý. Vì khi cái trí làm việc theo cách thức này, tư tưởng tiếp nối tư tưởng theo một thứ tự xác định, từ đó thể trí được vững mạnh thêm, trở thành dụng cụ hữu hiệu của Chân Ngã để hoạt động ở cõi trí. Với sự định trí và phương pháp suy tưởng có hệ thống, năng lực tư tưởng sẽ phát triển, khi đó thể trí tăng trưởng rất nhanh và có hình dạng rõ rệt, xác định, vững chắc và quân bình, những cố gắng sẽ được đền bù với kết quả tiến bộ.
- NHÂN THỂ(The Causal Body) – Đến đây, chúng ta hãy đề cập đến thể trí thứ nhì, được biết với tên đặc biệt là ‘‘nhân thể’’. Sở dĩ có tên ‘‘nhân thể’’ vì trong đó chứa đựng tất cả những nguyên nhân, sẽ biểu hiện như những hậu quả ở những cõi thấp. Nó là ‘‘thể của Trí Tuệ’’, là phương diện hình thể của chân ngã, con người thật. Nó là nơi tiếp nhận, hay chỗ chứa đựng, trong đó tất cả châu báu được gìn giữ đời đời. Nó tăng trưởng tùy theo bản chất của những điều quí giá từ duới đưa lên, càng ngày càng nhiều để bồi đắp vào cơ cấu của nó. Trong nhân thể mọi dữ kiện được đan kết vào nhau để có thể tồn tại lâu dài, và chứa đựng những mầm giống của mọi phẩm chất được mang vào kiếp tái sinh sắp tới. Như thế, những biểu lộ thấp hoàn toàn tùy thuộc vào sự tăng trưởng và phát triển của ‘‘con người này’’ vì đối với nó ‘‘thời giờ không bao giờ điểm’’.
Như đã nói ở trên, nhân thể là phương diện hình thể của chân ngã. Nhìn vào chu kỳ hiện tại của con người, ta có thể nói chỉ đến khi có sự hiện diện của nhân thể mới có ‘‘con người’’ đúng nghĩa. Có thể có điện thờ làm bằng vật chất và dĩ thái, chuẩn bị cho ‘‘con người’’ cư trú. Có thể có những đam mê, cảm xúc và thèm khát được góp nhặt dần để tạo nên bản chất cảm dục trong thể vía. Nhưng chỉ đến khi nào sự tăng trưởng xuyên qua cõi trần và cõi trung giới đã được hoàn tất, và cho đến khi chất liệu của cõi trí bắt đầu xuất hiện bên trong những thể thấp đang tiến hóa, mới có ‘‘con người’’ thật sự.
Do năng lực của chân ngã chuẩn bị nơi cư trú của nó, chất liệu của cõi trí bắt đầu phát triển một cách chậm chạp, kế đó có sự tuôn xuống từ đại dương của cõi bồ đề và niết bàn, nơi đó từng ấp ủ sự tiến hóa của con người, dòng sinh lực tuôn xuống này gặp chất trí tuệ đang tăng trưởng và khai mở, nó kết hợp và vun bón cho chất trí tuệ, ở thời điểm kết hợp này nhân thể hay cá tính được tạo ra.
Người có nhãn quan cõi cao nhận thấy phương diện hình thể của con người thật, giống như một màng mỏng của chất liệu thanh nhẹ, đánh dấu nơi con người bắt đầu sự sống riêng biệt. Tấm màng mỏng này không màu sắc bằng chất liệu thanh nhẹ là cái thể trường tồn xuyên qua toàn thể cuộc tiến hóa của con người, và tất cả những kiếp luân hồi được xâu vào sinh mệnh tuyến (sutratma) hay sợi chỉ bản ngã (thread-self). Theo định luật tự nhiên, nhân thể là nơi chứa đựng mọi thuộc tính cao quí, hài hòa, cho nên nó trường tồn. Chính nó đánh dấu sự phát triển của con người, và giai đoạn tiến hóa mà họ đạt được. Mỗi tư tưởng bác ái, vị tha, mỗi tình cảm trong sạch và cao thượng đều được đem lên làm chất liệu xây dựng nên nhân thể.
Chúng ta hãy xét cuộc sống của một người bình thường để xem có bao nhiêu điều trong cuộc sống của họ được đem lên để xây dựng nhân thể. Chúng ta hãy tưởng tượng nhân thể như một màng mỏng, mịn màng; khi con người phát triển và tiến hóa, nó càng ngày càng vững mạnh, màu sắc đẹp đẽ, linh hoạt, chiếu sáng lộng lẫy hơn, và độ lớn cũng tăng trưởng hơn.
Vào giai đoạn tiến hóa thấp, con người không có nhiều dấu hiệu về phẩm chất tinh thần, trái lại có nhiều biểu hiện đam mê, thèm khát. Họ mong muốn và chú trọng trong việc tìm kiếm những cảm giác. Dường như sự sống bên trong con người đưa ra một ít chất liệu thanh nhẹ trong cơ cấu của nó, từ đó được góp nhặt để tạo ra thể trí. Thể trí đưa một phần của chính nó vào cõi trung giới, để tiếp xúc với thể vía và trở nên liên kết với thể vía, như thế cầu nối được thành lập giữa thể vía và thể trí.
Con người gởi tư tưởng xuống xuyên qua cầu nối này, vào thế giới của cảm giác, đam mê thú tính, khi đó tư tưởng trộn lẫn với mọi cảm xúc và đam mê thú tính này. Như vậy thể trí trở nên vướng mắc vào thể vía, gắn bó vào thể vía, cho đến lúc chết cũng khó tách rời ra.
Nếu trong cuộc sống trần gian, một người có tư tưởng vị tha, có lòng phụng sự những người họ thương mến, có vài hành động hy sinh để giúp đỡ bạn bè, người ấy sẽ tạo nên vài tính tốt có thể tồn tại lâu dài, có bản chất thuộc cõi cao cả. Những đặc tính này có thể được mang lên và trở thành chất liệu của nhân thể, làm cho nó đẹp đẽ và màu sắc tươi tốt hơn. Có lẽ trong suốt kiếp sống một người bình thường, chỉ có rất ít những điều có thể cung cấp như ‘‘thực phẩm’’ cho sự phát triển con người thật. Như thế, sự phát triển rất chậm chạp vì những khuynh hướng xấu ác do vô minh tạo ra và lớn mạnh do sự lặp đi lặp lại, mầm mống của những khuynh hướng này thu rút vào trạng thái tiềm ẩn nơi thể vía, đến lúc thể vía tan rã, chúng sẽ phân tán trong cõi trung giới. Những khuynh hướng xấu ác này cũng rút vào nằm tiềm ẩn trong thể trí, nhưng ở cõi trời chân phúc không có chất liệu cho chúng biểu lộ. Khi đến lượt thể trí tan rã, chúng rút vào nhân thể và vẫn nằm tiềm ẩn ở đó. Những khuynh hướng này sẽ được biểu lộ ra ngoài vào lúc linh hồn đầu thai trở lại thế gian, khi đến cõi trung giới chúng tái xuất hiện như những khuynh hướng xấu ác mang theo từ quá khứ.
Như thế, nhân thể có thể được xem như kho chứa những điều xấu ác cũng như điều tốt lành, tức tất cả những gì còn lại sau khi những thể thấp đã tan rã. Nhưng điều tốt lành được bổ xung vào cơ cấu của nhân thể và giúp nó tăng trưởng, trong khi điều xấu ác vẫn ở trạng thái tiềm ẩn và duy trì như những mầm giống, ngoại trừ trường hợp được ghi nhận sau đây.
Trong cuộc sống, nếu con người chủ tâm suy tưởng để hoạch định công việc xấu ác, điều này sẽ gây tổn thương nhiều hơn cho nhân thể, thay vì chỉ nằm ở trạng thái tiềm ẩn trong nhân thể như mầm giống gây đau khổ và tội lỗi tương lai. Tư tưởng xấu ác không giúp cho sự tăng trưởng của con người thật, hơn nữa khi nó tinh tế và bền bỉ, nó sẽ làm mất đi một phần bản tính con người. Nếu một người duy trì mãi một tật xấu, tiếp tục theo đuổi việc ác, thể trí sẽ vướng mắc chặt chẽ vào thể vía cho đến nỗi sau khi chết nó không thể hoàn toàn giải thoát ra khỏi thể vía, và một phần cơ cấu của nó bị xé rời khỏi nó. Đến khi thể vía tan rã, phần thể trí bị vướng mắc này sẽ được trả trở lại vào cõi trí và coi như người ấy bị mất phần này vĩnh viễn. Nếu chúng ta nghĩ đến hình ảnh nhân thể con người như một màng mỏng hay bong bóng, nó sẽ bị mỏng đi do nếp sống đồi bại của con người, không những sự phát triển bị chậm lại, mà còn gây khó khăn trong việc kiến tạo. Khả năng tăng trưởng của nhân thể bị ảnh hưởng, không thể phát triển thêm mà còn có thể bị hao mòn phần nào. Trong trường hợp bình thường, sự thiệt hại cho nhân thể chỉ giới hạn như thế.
Đối với một Linh Hồn đã vững mạnh về phương diện trí tuệ lẫn ý chí, cùng lúc với sự phát triển lòng vị tha và tình thương, nếu nó tự thu rút về trung tâm riêng của chính nó, thay vì rộng mở, nó sẽ tạo ra một bức tường ích kỷ chung quanh nó, và dành năng lực phát triển cho cái ‘‘Tôi’’ thay vì cho tất cả nhân loại. Trường hợp này được ám chỉ trong nhiều kinh sách thế giới, nó rất nguy hiểm vì sự ác ăn sâu vào tận gốc rễ, do Linh Hồn tự ý thức sắp xếp chống lại Luật Trời và sự tiến hóa.
Trong trường hợp này, chính nhân thể trên cõi trí có những rung động thuộc trí tuệ và ý chí, nhưng cả hai đặc tính này đều đưa đến mục đích ích kỷ, khi đó nó sẽ mất đi đặc tính sáng chói rực rỡ, và màu sắc của nó trở nên tối tăm.
Điều tệ hại này không xảy ra cho những Linh Hồn chưa phát triển, có những đam mê và lầm lỗi bình thường của cái trí, mà chỉ ảnh hưởng đến những Linh Hồn đã phát triển cao, và đã đạt được năng lực mạnh mẽ thuộc cõi trí tuệ. Như thế, chính sự tham vọng, tự đắc và quyền năng của trí tuệ được sử dụng cho những mục đích ích kỷ, nguy hiểm hơn nhiều, và gây nhiều hậu quả tai hại hơn những sai lầm thuộc bản chất thấp, vì thế có câu: ‘‘người Do Thái Giáo nghiêm khắc’’ thường cách xa ‘‘Cõi Trời’’ hơn ‘‘người chủ quán rượu và người tội lỗi’’.
Những người bàng môn tả đạo thường phát triển theo con đường này, họ chiến thắng đam mê và dục vọng, phát triển ý chí và những quyền năng trí tuệ cao, không phải để tự nguyện hiến dâng như một năng lực trợ giúp cho sự tiến hóa của toàn thể, mà để tóm thu tất cả về cho họ, và giữ chặt chứ không chia sớt. Với những tính chất này, họ phân cách và chống lại sự kết hợp, họ cố gắng làm chậm sự tiến hóa thay vì thúc đẩy nó. Họ phát ra những rung động bất hòa thay vì hòa hợp với toàn thể, điều này làm phương hại đến Linh Hồn, vì họ mất hết cơ hội tiến hóa.
Khi bắt đầu hiểu biết một phần nào về nhân thể, chúng ta coi sự tiến hóa như mục đích xác định trong đời sống chúng ta. Chúng ta phải cố gắng suy tưởng một cách không ích kỷ để làm cho nhân thể tăng trưởng và linh hoạt. Con người tiến hóa từ đời này qua đời khác, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác. Chúng ta có thể cố ý thúc đẩy sự tiến hóa này bằng cách làm việc hòa điệu với ý chí thiêng liêng, và thực hành mục đích của kiếp sống chúng ta. Khi được đan vào cấu trúc của nhân thể, không có điều tốt nào sẽ bị mất đi, không điều gì bị tan biến, vì đây là con người thật sự, sống vĩnh viễn.
Chúng ta vừa nhận thấy theo luật tiến hóa, mọi điều xấu ác trong nhất thời dù mạnh mẽ đến đâu, đều mang trong nó mầm mống tự hủy diệt, trong khi mọi điều tốt lành đều có trong nó hạt giống bất tử. Điều bí nhiệm nằm trong sự kiện là mọi điều xấu ác thì không hòa điệu, và tự nó chống lại luật vũ trụ; cho nên không sớm thì muộn cũng bị luật vũ trụ chống lại, phá vỡ và nghiền nát nó thành tro bụi. Trái lại, mọi điều tốt lành, hòa điệu với luật, được trợ lực bởi luật, trở thành một thành phần của dòng tiến hóa, và như thế ‘‘không phải chính chúng ta làm điều đúng, mà là thiên nhiên làm’’, do đó nó không thể nào mất, không bao giờ bị hủy diệt.
Đến đây chúng ta thấy không phải con người chỉ hy vọng suông, mà chắc chắn sẽ đạt được chiến thắng cuối cùng. Sự phát triển có thể chậm chạp nhưng vững mạnh, con đường có thể dài đằng đẵng, nhưng sẽ có đoạn cuối. Cá tính hay Chân Ngã chúng ta đang tiến hóa, không thể bị hủy diệt. Do ngu dốt, con người làm cho sự tiến hóa bị chậm trễ, tuy nhiên, những gì mà chúng ta góp phần vào sự tiến hóa, dù nhỏ nhặt, sẽ tồn tại vĩnh viễn, và là sở hữu của chúng ta qua mọi thời đại tương lai.
***
Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ ( Trọn Bộ)
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 5: CON NGƯỜI ( Kết Thúc)
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 4: NHỮNG THỂ TRÍ
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 3: THỂ VÍA hay THỂ CẢM DỤC
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 2: THỂ DĨ THÁI KÉP, HAY THỂ PHÁCH
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 5 : NHỮNG DẪN THỂ KHÁC
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 1: THỂ XÁC
- CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Mở Đầu và Giới Thiệu
- Download ebook sách Con Người và Các Thể – tác giả: Annie Besant – file pdf