CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 3: THỂ  VÍA  hay  THỂ  CẢM  DỤC

0
227

THỂ  VÍA  hay  THỂ  CẢM  DỤC

(The astral or desire body)

***

 Chúng ta đã nghiên cứu thể xác con người, cả phần hữu hình lẫn vô hình. Chúng ta hiểu con người, một thực thể sống động có ý thức, khi tâm thức ‘‘thức tỉnh’’ và sống trong thế giới vật chất, nó chỉ có thể hiểu biết và biểu lộ năng lực trong giới hạn của thể xác. Tùy theo sự hoàn hảo hay không của thể xác, mà sự diễn đạt của con người có hoàn hảo hay không tại cõi trần. Thể xác giới hạn những khả năng của con người ở cõi thấp, tạo ra ‘‘vòng giới hạn’’ thực sự chung quanh con người. Những điều gì không thể vượt qua vòng giới hạn này thì không thể biểu lộ được ở thế gian; vấn đề này quan trọng đối với người đang phát triển.

 Cũng thế, khi con người xuất ra khỏi thể xác và hoạt động trong cõi trung giới, họ chỉ có thể diễn đạt những kiến thức và năng lực trong giới hạn của thể vía. Như thế, thể vía là một dẫn thể, đồng thời cũng là giới hạn đối với con người.

 Tiềm năng con người vượt quá sức những thể của họ, con người không thể biểu lộ đầy đủ khả năng của mình ở cõi trần cũng như ở cõi trung giới. Những gì mà con người có thể diễn đạt ở cõi trần bị giới hạn bởi xác thân, và những gì mà con người có thể diễn đạt ở cõi trung giới bị giới hạn bởi thể vía. Như thế khi con người tiến hóa, càng lên những cõi cao hơn, họ thấy càng lúc càng có thể diễn đạt chính họ nhiều hơn, dần dần tiến đến sự hoàn hảo của những dẫn thể càng cao hơn của tâm thức.

 Cần nhắc thêm, khi đề cập đến những lãnh vực tương đối ít người biết đến, rằng chúng tôi không đòi hỏi người đọc tin những kiến thức này không thể sai lầm, hoặc năng lực quan sát của chúng tôi hoàn hảo. Chúng ta cần nhớ là những lầm lỗi của sự quan sát và suy luận có thể xảy ra ở những cõi ở bên trên cõi trần, cũng như ở cõi trần. Khi được huấn luyện lâu dài, và có nhiều kiến thức hơn, sự quan sát sẽ chính xác hơn, và những lầm lẫn dần dần được loại trừ. Tác giả chỉ là một nghiên cứu sinh, những lầm lẫn có thể xảy ra và cần được sửa chữa trong tương lai. Những sai sót có thể thuộc về chi tiết, nhưng những nguyên lý tổng quát và ý tưởng chính không thay đổi.

 Trước hết chúng ta cần hiểu rõ danh từ cõi trung giới hay thế giới trung giới (astral plane or astral world)*. Cõi trung giới là một vùng xác định trong vũ trụ, bao quanh và xuyên thấm cõi vật chất, mắt trần không nhận thấy được, vì nó được cấu tạo bởi chất liệu khác với chất liệu cõi trần.

 *Ghi chú: từ ngữ astral (chỉ các vì sao) không được thích hợp, nhưng đã được dùng nhiều thế kỷ qua, khó thay đổi. Có lẽ những quan sát viên đầu tiên, khi quan sát cõi trung giới nhận thấy chất liệu cõi này chiếu sáng như những vì sao so với chất liệu cõi trần.  

 Khi nguyên tử cơ bản, tức phần nhỏ nhất của cõi trần bị phá vỡ ra từng mảnh vụn, chúng được xem như biến mất. Nhưng thật ra những mảnh vụn này do sự kết hợp của nhiều phần tử thô kệch nhất của chất liệu cõi trung giới, tức ‘‘chất đặc’’ của cõi trung giới. Chúng ta được biết có 7 trạng thái phụ của chất liệu cõi vật chất (đặc, lỏng, hơi và 4 loại dĩ thái), chúng tạo thành vô số những tổng hợp làm ra cõi trần. Cũng giống thế, có 7 trạng thái phụ của chất liệu cõi trung giới, tương ứng với cõi trần, chúng được sắp xếp thành vô số những tổng hợp làm ra cõi trung giới.

 Tất cả những nguyên tử cõi trần đều có lớp bọc bằng chất liệu cõi trung giới, ta có thể nói chất liệu trung giới tạo nên cái khuôn cho cõi vật chất, tức cõi vật chất gắn bó trong cõi trung giới. Chất liệu trung giới được dùng như một dẫn thể cho Jiva  (Một Sự Sống làm sinh động cho tất cả), và nhờ chất liệu trung giới mà những dòng Jiva lưu chuyển chung quanh, nâng đỡ và nuôi dưỡng mọi thành phần chất liệu vật chất. Những dòng luân lưu của Jiva không những tạo ra sinh lực như thường được nói đến, mà còn tạo ra điện năng, từ năng, hóa năng và những dạng năng lượng khác như lực thu hút, lực kết dính, lực xô đẩy v.v…, tất cả là những dạng phân biệt của Sự Sống Duy Nhất trong vũ trụ, như những con cá bơi lội trong biển cả.

 Cõi trung giới thâm nhập, khắng khít với cõi trần, một người giàu tưởng tượng nghĩ rằng nếu một phép lạ nào đó làm cho cõi vật chất bị biến mất mà không làm thay đổi cõi khác, ta vẫn sẽ có một bản sao hoàn hảo của cõi trần bằng chất liệu trung giới. Khi ta tưởng tượng thêm nếu mọi người đều được phú cho những khả năng hoạt động ở cõi trung giới, trước hết họ sẽ không ý thức có sự khác biệt nào ở chung quanh họ. Người ‘‘chết’’ khi thức tỉnh ở những vùng thấp cõi trung giới, thường nghĩ họ vẫn còn sống ở cõi trần.

 Phần đông con người chưa phát triển nhãn quan trung giới, cho nên họ buộc phải xét cõi này bằng trí phân tích, thay vì bằng nhãn quan thể vía. Cõi trung giới gần gũi với Thực Tại Duy Nhất hơn, nên nó ‘‘thực’’ hơn cõi trần; cũng như ở cõi trần, những hiện tượng ở đó rộng mở cho người có khả năng quan sát. Ở cõi trần, người mù không thấy được sự vật chung quanh, và có nhiều vật cả người mắt sáng cũng không thấy được, phải dùng những dụng cụ trợ lực như kính hiển vi, kính quang phổ v.v… Cũng thế đối với cõi trung giới, người không có thị giác trung giới không thể nhìn thấy đồ vật ở cõi trung giới, ngoài ra còn nhiều vật với thị giác trung giới bình thường hay nhãn thông cũng không nhận thấy được. Ở giai đoạn tiến hóa hiện nay, nhiều người có thể phát triển giác quan trung giới đến một giới hạn nào đó, đủ để họ có thể nhận được những rung động thanh nhẹ ở cõi trung giới.

 Những người mới mở thị giác thể vía thường dễ bị lầm lẫn, như một đứa trẻ thường bị lỗi lầm khi bắt đầu dùng giác quan thể xác, và điều này sẽ được sửa đổi khi có kinh nghiệm, cũng giống như ở cõi trần, sau một thời gian họ sẽ thấy và nghe chính xác ở cõi trung giới.

 Không nên thúc đẩy sự khai mở thị giác thể vía bằng những phương tiện nhân tạo, vì người bình thường có năng lực vật chất vừa đủ để sinh hoạt ở cõi trần, nếu có thêm sự xâm nhập của những cảnh tượng hay âm thanh ở cõi trung giới, chúng trở thành những hiện tượng quấy nhiễu, đôi khi gây kinh sợ cho họ. Khi đúng lúc, đến giai đoạn cần thiết, tự nhiên cõi trung giới sẽ hiện ra trong tâm thức thức tỉnh của con người.

 Để được như thế, không những phải có thể vía, như tất cả chúng ta đều có, mà còn cần thể vía được tổ chức đầy đủ và hoạt động theo thứ tự, hơn nữa, tâm thức cần quen tác động trong thể vía, không phải chỉ tác động qua nó ở thể xác. Con người thường xuyên hoạt động xuyên qua thể vía, nhưng tương đối chỉ có một số ít công việc tách rời thể xác. Nếu không có tác động tổng quát xuyên qua thể vía, sẽ không có sự liên kết giữa thế giới bên ngoài và trí não con người, cũng không có sự liên kết từ những va chạm bên ngoài lên các giác quan thể xác và sự nhận thức của trí não về chúng. Va chạm trở thành một cảm giác trong thể vía, kế đó được nhận thức bằng thể trí. Thể vía (hay thể tình cảm) có những trung tâm cảm giác. Người ta thường gọi thể vía là con người trung giới, cũng như ta có thể gọi thể xác là con người vật chất, nhưng dĩ nhiên nó chỉ là một dẫn thể, một lớp vỏ như trong kinh Phệ Đà gọi nó. Con người hoạt động trong thể vía, qua thể vía con người liên hệ và được liên hệ bởi dẫn thể đậm đặc hơn, tức thể xác.

 Về phương diện cơ cấu, thể vía được tạo thành bởi 7 trạng thái phụ của chất liệu cõi trung giới, những chất liệu thô kệch hoặc thanh nhẹ rút ra từ mỗi trạng thái này. Ta có thể dễ dàng hình dung một người trong ‘‘thể vía hoàn toàn’’, đã loại bỏ thể xác và đứng trong một phó bản của thể xác, với nhãn thông ta thấy nó giống y thể xác nhưng thanh nhẹ và sáng chói hơn, nó vô hình đối với mắt thường.

 Khi nói ‘‘một thể vía hoàn toàn’’, tôi muốn phân biệt nó với thể vía còn trong tình trạng phôi thai của người chưa phát triển. Thể vía của người chưa phát triển có chu vi không rõ ràng, những chất liệu cấu tạo mờ đục và sắp xếp không mạch lạc, nếu rút ra khỏi thể xác, nó giống như một đám mây luôn thay đổi, không có hình dạng cố định, không thích ứng để hoạt động như một dẫn thể độc lập. Thật ra nó như một mảnh của chất liệu trung giới, hơn là một thể vía có tổ chức, nó giống một khối nguyên sinh chất trung giới, như cách cấu tạo của con amib.

 Người có thể vía hoàn toàn là người đã tiến đến trình độ trí tuệ, văn hóa và tinh thần khá cao, do đó hình thể của thể vía cho thấy trình độ tiến triển của con người. Ta có thể xét đoán giai đoạn tiến hóa của Linh Hồn bằng cách xem xét thể vía với: nét rõ ràng của chu vi, sự sáng chói của chất liệu cấu tạo, và tính chất mạch lạc, hoàn hảo trong cách sắp xếp.

 Để giải đáp câu hỏi: ‘‘làm thế nào cải thiện thể vía’’, ta cần nhớ mối liên hệ của nó với sự trong sạch hóa và sự phát triển thể trí. Thể vía chịu ảnh hưởng một cách đặc biệt bởi những ấn tượng của tư tưởng, vì chất liệu trung giới đáp ứng mọi xung động từ thế giới tư tưởng, nhanh hơn nhiều so với thể xác. Chẳng hạn, nếu nhìn vào cõi trung giới, ta sẽ thấy đầy dẫy những hình dạng luôn luôn thay đổi, những hình thể được cấu tạo bởi tinh hoa chất và được làm sống động bởi tư tưởng. Chúng ta nhận thấy những khối rất lớn tinh hoa chất, từ đó được rút ra và tạo hình thể, liên tục xuất hiện, rồi lại biến mất vào khối tinh hoa chất. Quan sát cẩn thận ta có thể thấy những dòng tư tưởng làm rung động chất liệu trung giới, tư tưởng mạnh mẽ tạo ra hình dạng rõ ràng và tồn tại như những thực thể trong một thời gian rất lâu, trong khi tư tưởng yếu ớt tạo ra hình dạng không rõ ràng và bị loại ra nhanh chóng, do đó toàn thể cõi trung giới luôn thay đổi theo những xung lực của tư tưởng. Thể vía con người được cấu tạo bằng chất liệu trung giới, nên nó sẵn sàng đáp ứng những va chạm của tư tưởng, dù tư tưởng đến từ bên ngoài, từ thể trí của người khác, hay đến từ bên trong thể trí của chính người đó.

 Chúng ta hãy nghiên cứu thể vía khi nó chịu sự va chạm từ bên trong và từ bên ngoài. Như chúng ta đã biết, thể vía thấm nhập thể xác và vươn ra mọi hướng chung quanh thể xác như một đám mây có màu sắc. Những màu sắc thể vía thay đổi tùy theo bản chất con người, và tùy theo ham muốn thú tính thấp hèn của họ. Phần thể vía bao bọc bên ngoài thể xác được gọi là hào quang cảm dục, vì nó thuộc về thể cảm dục, thường được gọi là thể vía.

 Ghi chú: Sự tách rời ‘hào quang’ khỏi con người, xem nó như một thực thể khác biệt với người ấy, là một sự nhầm lẫn, mặc dù trên quan điểm của người quan sát thấy nó như vậy. Theo lối nói thông thường, ‘hào quang’ là một đám mây bao chung quanh thể xác. Thật ra con người sống ở những cõi khác nhau, mang những lớp áo thích hợp ở mỗi cõi. Tất cả những lớp áo, hay những thể, thấm nhập vào nhau. Lớp áo thấp nhất và nhỏ nhất được gọi là thể xác, và chất liệu trộn lẫn của những lớp áo khác được gọi là hào quang khi chúng vươn ra ngoài thể xác. Như thế, hào quang thể cảm dục chỉ là phần vươn ra bên ngoài xác thân của thể cảm dục. 

 Thể vía là dẫn thể của tâm thức cảm dục con người, trụ sở của những ham muốn và dục vọng thú tính, trung tâm của những giác quan, nơi phát xuất mọi cảm giác. Màu sắc của nó thay đổi liên tục, do nó rung động dưới ảnh hưởng của tư tưởng. Khi một người nổi giận, thể vía họ xuất hiện những chớp sáng màu đỏ tươi, tình cảm yêu thương tạo ra những rung động màu đỏ hồng khắp thể vía. Tư tưởng trong sạch, cao thượng đòi hỏi thể vía phải có chất liệu thanh nhẹ tương đương với tư tưởng ấy để diễn đạt; nếu theo dõi tác động của thể vía, ta sẽ thấy nó loại ra ngoài những phân tử đậm đặc, thô kệch, và thu hút vào những phân tử thanh nhẹ hơn từ mỗi cảnh. Người có tư tưởng thấp hèn và nhiều thú tính có thể vía thô kệch, nặng nề, màu sắc u tối, dầy đặc; nó u tối, dày đặc dến nỗi có nhiều trường hợp chu vi thể xác dường như lẫn vào nó làm ta không thấy rõ. Còn thể vía của người tiến hóa thì thanh nhẹ, rõ ràng, sáng chói và có màu sắc tươi sáng, trông rất đẹp đẽ.

 Bằng tư tưởng cao thượng, thể vía sẽ được thanh lọc, dù ta không để ý đến, sự thanh lọc vẫn thực hiện có hiệu quả. Thể vía không trong sạch có thói quen đáp ứng và thu hút như một thanh nam châm, đối với những hình tư tưởng xấu ác tương đương với nó ở môi trường chung quanh. Trái lại thể vía trong sạch có năng lực xua đuổi những tư tưởng xấu ác, và thu hút vào những hình tư tưởng thích hợp với cấu trúc thanh cao của nó.

 Như trên đã nói, thể vía gắn liền với thể xác, và chịu ảnh hưởng bởi sự trong sạch hay dơ bẩn của thể xác. Những chất đặc, lỏng, hơi và dĩ thái cấu tạo nên thể xác có thể thô kệch hay thanh nhẹ, gồ ghề hay mịn màng, bản chất của chúng có ảnh hưởng tới bản chất của thể vía tương ứng.

 Nếu do cẩu thả làm tích lũy vào thể xác đậm đặc những phần tử chất đặc loại không trong sạch, chúng ta sẽ thu hút vào thể vía những chất ‘đặc’ loại không trong sạch của cõi trung giới. Trái lại khi xây dựng vào thể xác những phần tử chất đặc tinh khiết, chúng ta thu hút những chất liệu ‘đặc’ tinh khiết tương ứng của cõi trung giới. Khi tiếp tục làm trong sạch hóa cơ thể  bằng cách nuôi dưỡng nó với những thức ăn, thức uống trong sạch, loại trừ những thức ăn ô nhiễm như máu động vật, rượu và các loại thực phẩm bốc mùi hôi, đang tan rã, đồng thời chúng ta cũng làm trong sạch hóa thể vía và thu hút vào nó những chất liệu thanh nhẹ, mịn màng từ cõi trung giới. Sự kiện này không những quan trọng cho cuộc đời hiện tại, mà nó cũng rất quan trọng cho trạng thái sau khi chết, cho tình trạng chúng ta ở cõi trung giới, và cũng là nhân tố quyết định cho loại cơ thể mà chúng ta sẽ có được ở kiếp sau.

 Hơn nữa, thực phẩm tồi tệ còn thu hút những thực thể tinh quái ở cõi trung giới. Không phải chúng ta chỉ chú trọng đến chất liệu trung giới, mà còn đến những loài tinh linh ở đó. Những tinh linh này có trình độ cao thấp khác nhau, được tạo ra do tư tưởng của loài người. Ở trung giới còn có những người suy đồi, bị giam hãm trong thể vía, đôi khi được gọi là những tinh ma.

 Những tinh linh bị thu hút bởi những người có thể vía cấu tạo bằng chất liệu tương đồng với bản chất của chúng. Những âm ma (elementaries) thường tìm đến người hay thả lỏng theo thói hư tật xấu, để dự phần vào nếp sống hàng ngày của người ấy. Khi đi trên đường phố, người có nhãn thông sẽ thấy những đám tinh linh đáng ghê tởm tụ tập chung quanh các hàng thịt, và những âm ma đang vui hưởng mùi rượu thịt hôi hám bốc lên từ các quán nhậu hoặc tửu lầu; mỗi khi có thể, loại âm ma này cố xâm nhập vào cơ thể người uống rượu. Những thực thể này thường bu quanh người có các thể làm bằng chất liệu không thanh sạch, như là thành phần sự sống cõi trung giới của chúng. Khi ta thanh lọc hóa thể xác, đồng thời ta cũng thu hút những chất liệu thanh cao cõi trung giới, tạo ra thể vía trong sạch hơn.

 Dĩ nhiên khả năng của thể vía tùy thuộc vào bản chất những chất liệu tạo ra nó. Trong tiến trình thanh lọc hóa thể vía, chúng ta làm cho nó càng ngày càng thanh nhẹ hơn. Nó sẽ ngưng rung động đáp ứng với xung lực thấp hèn, và bắt đầu đáp ứng với ảnh hưởng cao cả hơn của cõi trung giới. Chúng ta tạo ra một dụng cụ, có bản chất nhạy cảm với những ảnh hưởng từ bên ngoài, nó sẽ dần dần mất năng lực đáp ứng những rung động thấp, và tăng cường năng lực đáp ứng những rung động cao. Chúng ta có thể chọn lựa một sợi dây đàn với độ lớn, chiều dài và độ căng thích hợp để tạo ra những rung động đồng cảm với những sợi dây khác. Cũng thế, chúng ta điều chỉnh thể vía để nó có thể rung động đồng cảm, đáp ứng hòa nhịp với những rung động cao thượng ở môi trường chung quanh. Đây không phải vấn đề suy luận hay lý thuyết suông, mà là một sự kiện có căn bản khoa học. Chúng ta có thể điều chỉnh dây của một cây đàn, cũng thế chúng ta có thể điều chỉnh cây đàn của thể vía; luật nhân quả tác động công bằng ở mọi nơi. Chúng ta bị thu hút bởi luật, sống trong luật và tin cậy vào luật. Chúng ta cần sự hiểu biết, và ý muốn áp dụng sự hiểu biết vào thực hành. Nếu muốn, bạn có thể coi kiến thức này như một giả thuyết đem ra thí nghiệm để xem nó có thích hợp với những sự kiện quen thuộc ở cõi trần hay không. Về sau, khi thể vía bạn đã được trong sạch hóa, giả thuyết sẽ trở thành kiến thức. Vấn đề là sự quan sát đầu tiên của chính bạn, từ đó bạn có thể kiểm chứng những lý thuyết mà trước đó bạn chỉ chấp nhận như những giả thuyết.

 Khả năng thông suốt và làm việc phụng sự nơi cõi trung giới tùy thuộc trước tiên vào tiến trình thanh lọc hóa. Có những phương pháp yoga làm phát triển những giác quan thể vía theo cách thức hợp lý và lành mạnh. Nhiều người nóng lòng muốn tiến bộ, cố thử các phương pháp mới, những phương pháp lạ thường. Thật là vô ích nếu luyện tập yoga mà không thực hành những bước chuẩn bị để thanh lọc hóa trong cuộc sống hàng ngày.

 Giả thử ta bắt đầu dạy vài phương thức yoga đơn giản cho một người chưa được chuẩn bị. Có thể ngưòi ấy sẽ hăm hở, nhiệt thành đón nhận, vì nó mới mẻ, và vì họ hy vọng sẽ nhanh chóng đạt kết quả. Tuy nhiên, sau khi tập thử một thời gian họ cảm thấy mệt mỏi do phải luyện tập hàng ngày, và chán nản vì không sớm đạt kết quả. Không quen với sự bền bỉ cố gắng từ ngày này qua ngày kia, họ sẽ bỏ dở việc thực hành.

 Nếu một người không thể hoàn thành những bổn phận đơn giản và tương đối dễ dàng trong việc thanh lọc hóa thể xác và thể trí, không dứt bỏ được sự ràng buộc của những thói quen xấu trong việc ăn uống, sẽ không có hy vọng thành công ở những giai đoạn khó khăn hơn. Những người này dễ chán nản đối với mục đích hấp dẫn họ lúc đầu, họ sẽ bỏ dở công việc thực hành như vứt bỏ một gánh nặng không chịu đựng nổi. Mọi phương pháp đặc biệt đều vô dụng nếu bạn chưa thực hành một thời gian những cách thức chuẩn bị thông thường, nhưng với sự thanh lọc hóa, những khả năng mới sẽ bắt đầu xuất hiện.

 Dần dần, người sinh viên sẽ đạt được tri thức, nhãn quan trở nên bén nhạy hơn, họ sẽ nhận được những rung động từ mọi phía, đáp ứng được những ảnh hưởng mà trước kia khi còn mù lòa, trì độn họ không thể đáp ứng được. Tùy theo nhân quả của quá khứ, không sớm thì muộn họ sẽ đạt được kinh nghiệm này, như một đứa bé thích thú đọc sách, sau khi vượt qua được những khó khăn trong việc học và nắm vững bảng chữ cái. Người sinh viên sẽ có kiến thức rộng mở, kiểm soát được những khả năng mà trước kia đối với họ chỉ là sự mơ ước, và triển vọng hiểu biết về vũ trụ bao la mở rộng khắp mọi hướng.

 Trong việc nghiên cứu thể vía, ta có thể dễ dàng biết được nhiệm vụ của nó khi nó tách rời khỏi thể xác, và là dẫn thể chính của tâm thức. Khi quan sát một người lúc thức và lúc ngủ, ta sẽ thấy thể vía của người ấy có sự thay đổi rõ rệt. Khi thức, những hoạt động của thể vía, màu sắc thay đổi v.v…tất cả đều biểu lộ bên trong và bên ngoài viền chung quanh của thể xác. Nhưng khi người ấy ngủ, ta thấy thể xác, phần đậm đặc và phần dĩ thái nằm lại trên giường, trong khi thể vía tách rời khỏi thể xác và bay lơ lửng bên trên.

 Khi xuất ra khỏi thể xác, thể vía của một người tầm thường có hình dạng như một khối không rõ rệt, nó không thể đi xa khỏi thể xác, và nó không hữu dụng như một dẫn thể của tâm thức. Con người bên trong thể vía ấy ở vào tình trạng chiêm bao mơ màng, không quen hoạt động khi xa rời thể xác. Có thể coi như người ấy đang say ngủ, vì họ bị mất dụng cụ, tức thể xác, mà họ đã sử dụng quen thuộc. Khi ấy họ không thể tiếp nhận những ấn tượng chính xác từ cõi trung giới, hoặc diễn đạt rõ ràng những ý tưởng qua trung gian thể vía chưa được tổ chức hoàn hảo. Các trung tâm cảm giác trong thể vía người ấy có thể bị ảnh hưởng bởi những hình tư tưởng trôi qua, và họ có thể đáp ứng lại những kích thích làm khơi dậy bản chất thấp hèn. Như thế, khi ngủ thể vía của người chưa phát triển không có hoạt động chính xác nào, nó trôi lơ lửng, dật dờ trong không khí bên trên thể xác. Nếu xảy ra điều gì có khuynh hướng đẩy nó đi xa, thể xác sẽ bị đánh thức và thể vía nhanh chóng nhập trở lại thể xác.

 Đối với một người đã phát triển nhiều, đã quen sinh hoạt trong thể vía ở cõi trung giới, khi thể xác ngủ, thể vía xuất ra khỏi thể xác và họ hoàn toàn thức tỉnh ở cõi trung giới. Thể vía có hình dạng rõ ràng và cơ cấu xác định, trông giống như thể xác, và con người có thể sử dụng nó như một vận cụ, dĩ nhiên là một vận cụ tiện lợi hơn thể xác. Người trong thể vía ấy hoàn toàn thức tỉnh, hoạt động tích cực hơn, chính xác hơn, thông hiểu nhiều hơn khi họ còn bị giới hạn trong thể xác. Họ có thể di chuyển tự do và rất nhanh chóng đến bất cứ nơi xa nào, mà không làm xáo trộn thể xác đang ngủ trên giường.

 Nếu người ấy chưa biết cách liên kết thể vía với thể xác, và nếu có sự ngắt quãng tâm thức khi thể vía xuất ra khỏi thể xác đang ngủ, tuy họ hoàn toàn thức tỉnh và có đầy đủ ý thức ở cõi trung giới, khi trở về nhập lại thể xác, họ sẽ không thể gieo ấn tượng về những gì họ đã làm và biết được trong lúc ở cõi trung giới, vào não bộ cơ thể. Như chúng ta thường có thói quen dùng từ ‘‘thức tỉnh’’ để chỉ hình thức giới hạn nhất của tâm thức, trong trường hợp này tâm thức ‘‘thức tỉnh’’ không chia sớt kinh nghiệm của nó trong cõi trung giới, không phải con người không biết, nhưng vì cơ thể vật chất quá đậm đặc, không thể nhận những ấn tượng từ họ.

 Đôi khi trong lúc thức, con người có cảm giác về một sự việc nào đó đã xảy ra mà họ không nhớ được, đó có thể là cảm giác do sự hoạt động của tâm thức trong cõi trung giới khi thể vía xuất ra khỏi thể xác, dù não bộ không nhạy cảm đủ để có được trí nhớ những sự việc đã xảy ra.

 Vào trường hợp khác, khi thể vía trở về thể xác, con người thành công trong việc gieo ấn tượng tạm thời lên thể phách và thể xác đậm đặc, ngay lúc thức dậy, người ấy nhớ được rõ ràng sự việc xảy ra ở cõi trung giới, nhưng sự việc bị mất đi nhanh chóng trong ký ức, không thể nhớ lại được, dù có cố gắng cũng vô ích, và mỗi lần cố nhớ lại sẽ tạo ra những rung động mạnh trong não bộ làm che lấp những rung động thanh nhẹ của cõi trung giới, làm ta càng không nhớ được. Một trường hợp khác, con người thành công trong việc gieo ấn tượng về một hiểu biết mới mẻ lên não bộ xác thân, nhưng không thể truyền đạt trí nhớ về sự kiện làm thế nào và nơi đâu mà sự hiểu biết ấy có được. Ở trường hợp này, có những ý tưởng tự nhiên nảy sinh trong đầu óc người ấy, đem lại giải đáp làm sáng tỏ vấn đề mà trước đó họ còn mù mờ, không hiểu thấu. Đó là dấu hiệu tiến bộ đáng khích lệ, cho thấy thể vía đã được tổ chức tốt và hoạt động tích cực ở cõi trung giới, dù thể xác chỉ tiếp nhận được một phần rất ít.

 Một người có não bộ xác thân đáp ứng được những ấn tượng của thể vía, thì họ có giấc mơ rõ ràng, hợp lý và mạch lạc, đôi khi gây cho họ cảm giác thích thú, và cảm thấy sự việc xảy ra ở cõi trung giới sống động hơn những sự việc xảy ra lúc thức, có khi họ nhận được kiến thức hữu ích giúp họ trong cuộc sống trần gian. Đây là những giai đoạn phát triển đánh dấu sự tiến bộ và cải thiện trong cơ cấu của thể vía.

 Mặt khác, có nhiều người tiến bộ thật sự và nhanh chóng trên đường tinh thần, có thể hoạt động tích cực và hữu ích trong cõi trung giới, mà không gieo ấn tượng lên não bộ khi trở về xác thân, họ không nhớ tí gì về những hoạt động mà họ đã làm trong thể vía. Tuy nhiên họ nhận thấy tâm thức ở cõi thấp càng ngày càng được soi sáng, và sự hiểu biết về những chân lý tinh thần càng rộng mở hơn. Có một sự kiện mà mọi sinh viên nên biết như một khích lệ, từ đó có thể tự tin hơn: dù trí nhớ của não bộ không ghi nhận được những kinh nghiệm siêu nhiên, nhưng khi ta càng làm việc cho tha nhân, khi ta cố gắng trở nên hữu ích cho thế gian, khi ta bền bỉ phụng sự đắc lực những Người Anh Cả của nhân loại, chân thành chia sớt và làm hoàn hảo phần nhỏ nhoi của ta trong công việc vĩ đại của các Ngài, năng lực thể vía chúng ta chắc chắn phát triển để chúng ta trở thành những người phụng sự hữu hiệu hơn. Dù khi thức có nhớ lại hay không, trong giấc ngủ say ta rời bỏ ngục tù xác thân để hoạt động hữu ích ở cõi trung giới, trợ giúp những người mà lúc thức ta không thể gặp, để giúp đỡ và an ủi theo cách thức mà ta không làm được trong lúc thức.

 Sự tiến hóa luôn tiếp diễn ở người có cái trí trong sạch, tư tưởng thanh cao, tấm lòng luôn mong muốn phụng sự. Họ có thể làm việc nhiều năm ở cõi trung giới, mà tâm thức cõi trần không nhớ gì cả, họ sử dụng năng lực cho sự tốt lành thế giới, vượt qua khả năng mà họ có lúc bình thường. Đối với họ, khi nhân quả cho phép, họ sẽ có được tâm thức đầy đủ không gián đoạn, theo ý muốn giữa cõi trần và cõi trung giới, sẽ có cầu nối liền cho trí nhớ qua từ cõi này đến cõi kia mà không cần phải gắng sức. Như thế, sau khi người ấy hoạt động ở cõi trung giới trở về với xác thân, tâm thức không lúc nào bị gián đoạn.

 Đây là điều chắc chắn mà người đi theo con đường phụng sự sẽ gặt hái đuợc. Một ngày nào đó, họ sẽ có được tâm thức liên tục, đối với họ cuộc sống không còn là những chuỗi ngày làm việc có thể nhớ được và những đêm quên lãng, mà là một toàn thể diễn tiến liên tục. Họ để cơ thể qua một bên cho nó nghỉ ngơi, trong khi họ sử dụng thể vía để hoạt động ở cõi trung giới. Họ giữ sự nối kết không gián đoạn của tư tưởng, biết khi nào và lý do họ rời bỏ thể xác, biết sự sống bên ngoài thể xác và biết khi nào sẽ trở lại sử dụng nó. Sau nhiều năm, với tâm thức liên tục không mệt mỏi, họ sẽ biết được một cách chắc chắn về sự hiện tồn của Chân Ngã, và xác thân chỉ là một bộ y phục có thể mặc vào hay cởi ra tùy ý, nó không phải dụng cụ cần thiết của tư tưởng và sự sống. Người ấy sẽ có một cuộc sống linh hoạt hơn, tư tưởng không bị trở ngại và giới hạn bởi thể xác.

 Khi đạt đến giai đoạn này, con người bắt đầu hiểu biết nhiều hơn về thế giới, trong đó có sự sống của chính họ, và thấy rõ hơn mục đích, cũng như khả năng cao cả của nhân loại. Sau khi con người có tâm thức cõi vật chất, kế đến tâm thức cõi trung giới, dần dần họ nhận thấy còn có những cấp độ tâm thức cao hơn mà con người có thể đạt được từ cấp độ này đến cấp độ khác. Con người trở nên linh hoạt trên những cõi cao, rộng rãi, sử dụng được những năng lực mạnh mẽ hơn, và trên tất cả là họ nhận mình như một người phụng sự các Bậc Thánh Thiện trong việc trợ giúp nhân loại.

 Đối với người ấy, sự quan trọng của cuộc sống cõi vật chất có một tỷ lệ hợp lý, không điều gì xảy ra ở cõi trần có thể ảnh hưởng nhiều đến họ như lúc họ chưa nhận biết có một sự sống phong phú đầy đủ hơn. Sự chết của xác thân không làm tổn hại gì cho họ, cũng như cho những người mà họ muốn giúp đỡ. Vai trò của cuộc sống trần gian chỉ như một một phần rất nhỏ trong toàn thể sinh hoạt của con người. Cuộc đời không có vẻ đen tối như trước kia, vì được ánh sáng từ những vùng cao cả chiếu soi.

 Trở lại việc nghiên cứu những nhiệm vụ và khả năng của thể vía, bây giờ chúng ta hãy xem qua vài hiện tượng liên quan đến nó. Những người rời bỏ thể xác trong lúc ngủ hoặc sau khi chết đều nhìn thấy được thể vía. Dĩ nhiên, một người đã quen sử dụng thể vía có thể rời bỏ xác thân bất cứ lúc nào để thăm một người khác ở xa. Nếu người được thăm viếng có nhãn thông, đã phát triển thị giác thể vía, sẽ thấy được người đến thăm trong thể vía; nếu không, người đến thăm viếng phải làm đậm đặc thể vía của mình bằng cách thu hút vào những phân tử vật chất từ môi trường chung quanh, và làm cho thể vía ‘‘hiện hình’’ đủ để cho người bạn có thể thấy được bằng mắt thường. Điều này giải thích nhiều trường hợp xuất hiện hình dáng của người bạn ở cách xa, hiện tượng này xảy ra rất thường hơn nhiều người tưởng, do đa số người thấy không dám kể lại vì bản tính rụt rè, dè dặt, sợ người khác chê cười cho là mê tín. Nếu con người có can đảm nói ra những gì họ thấy được, chúng ta sẽ có nhiều chứng cớ về sự hiện hình của những người mà thể xác họ ở cách xa nơi thể vía hiện ra.

 Trong vài trường hợp, không có sự ‘‘hiện hình’’ nhưng thể vía vẫn được thấy bởi những người không có khả năng nhãn thông. Trường hợp này có thể do hệ thống thần kinh của người ấy quá căng thẳng và thể xác suy yếu, thiếu sinh lực. Sự hoạt động của hệ thần kinh tùy thuộc phần lớn vào thể phách, có thể bị kích thích quá mức, dưới những điều kiện như thế người ấy có thể tạm thời có nhãn thông.

 Một thí dụ khác, trường hợp một bà mẹ quá lo lắng về đứa con đang bị bệnh nguy kịch ở nơi xứ lạ, bà có thể trở nên nhạy cảm đối với những rung động trung giới, đặc biệt vào ban đêm, lúc sinh lực thấp nhất. Trong những điều kiện như thế, nếu đứa con cũng đang nghĩ về người mẹ, và thể xác nó đang vô ý thức, thể vía tách rời thể xác đến thăm mẹ, và người mẹ có thể thấy đuợc đứa con. Sự thăm viếng như thế thường xảy ra khi một người vừa mới loại bỏ thể xác lúc chết. Những trường hợp này khá thông thường, đặc biệt khi người hấp hối có ý muốn mạnh mẽ gặp gỡ người rất thân thiết với họ, hoặc họ có ý muốn truyền đạt một điều gì đặc biệt mà lúc sống không thực hiện được.

 Sau khi người chết bỏ thể phách và thể xác đậm đặc, ta thấy có sự thay đổi hình dạng thể vía. Trong lúc nó còn liên kết với thể xác, những trạng thái phụ của chất liệu trung giới cấu tạo nên thể vía được trộn lẫn nhau, những loại đậm đặc và loại thanh nhuyễn xuyên thấm và hòa hợp nhau. Sau khi chết, cơ cấu thể vía được tái phối trí, những phần tử chất liệu thuộc các trạng thái phụ khác nhau tách rời ra và sắp xếp lại theo thứ tự độ đậm đặc của chúng. Thể vía được sắp xếp thành từng lớp, hay trở thành một chuỗi những lớp vỏ đồng tâm, với lớp đậm đặc nhất ở ngoài cùng. Nơi đây ta lại thấy sự quan trọng của việc thanh lọc hóa thể vía trong lúc con người còn sống ở thế gian, vì sau khi chết thể vía không thể tự sắp xếp theo ý muốn. Cõi trung giới có 7 cảnh, con người sẽ bị giữ lại ở cảnh có chất liệu tạo nên lớp vỏ ngoài cùng của thể vía. Đến khi nào lớp vỏ ngoài cùng tan rã, con người sẽ lên cảnh kế tiếp, và cứ thế tiếp tục từng cảnh một.

 Một người có khuynh huớng thú tính thấp hèn, thể vía họ chứa đựng nhiều loại phân tử chất liệu trung giới đậm đặc, thô kệch, như thế họ sẽ bị giữ lại ở tầng thấp nhất của cảm dục giới. Khi nào cái vỏ ngoài này chưa tan rã, con người vẫn còn bị giam hãm trong cảnh thấp này của cõi trung giới, chịu đựng nhiều phiền muộn, đau khổ nơi đó.

 Khi lớp vỏ ngoài cùng tan rã, con  người thoát khỏi cảnh thấp và lên cảnh cao kế tiếp của cõi trung giới. Nói đúng hơn, con người có thể tiếp cận với những rung động của chất liệu trung giới thuộc cảnh trên kế tiếp, và họ nhận thấy như được ở trong một vùng khác. Họ phải ở vùng kế tiếp này cho đến khi cái vỏ của cảnh thứ sáu tan rã, cho phép họ bước qua cảnh thứ năm. Thời gian con người phải lưu lại ở mỗi cảnh, tương đương với sức mạnh và số lượng chất liệu thuộc về cảnh đó hiện diện trong thể vía.

 Thể vía càng chứa nhiều chất liệu thô kệch thuộc những cảnh thấp, con người càng bị giữ lại lâu hơn ở những cảnh cảm dục thấp. Khi con người loại bỏ những phần tử thô kệch này càng nhanh, thời gian lưu lại những cảnh này càng ngắn. Tiến trình loại bỏ này rất khó khăn và lâu dài, tuy nhiên dù những chất liệu thô kệch chưa được loại bỏ hoàn toàn, nếu trong cuộc sống thế gian con người kiên trì tập từ bỏ những dục vọng thấp hèn, chất liệu cần cho những dục vọng này diễn đạt sẽ bị hao mòn và ngưng tác động như một dẫn thể thích hợp của tâm thức. Trong trường hợp này, dù con người bị giữ lại một thời gian ngắn ở những cảnh thấp, họ sẽ ‘‘ngủ’’ yên lành trong khoảng thời gian ấy. Tâm thức người ấy ngưng tìm cách diễn đạt xuyên qua những loại chất liệu bị ngưng tác động đó, không đi xuyên qua chúng ra bên ngoài để tiếp xúc với những đối tượng được cấu tạo bằng những chất liệu tương đương với chúng ở cảnh thấp này của cõi trung giới.

 Người đã thanh lọc hóa thể vía, chỉ còn giữ lại những nguyên tố thanh nhẹ của mỗi cảnh, sẽ nhanh chóng lướt qua cảm dục giới, để vào cảnh trên kế đó. Có một điểm được gọi là ‘‘điểm tới hạn’’ ở giữa 2 trạng thái phụ của vật chất kế tiếp nhau; ta có thể đưa nhiệt độ của nước đá đến một điểm mà chỉ cần làm tăng thêm độ nóng chút ít sẽ biến đổi nó thành chất lỏng; ta có thể làm tăng nhiệt độ của nước đến một điểm mà chỉ cần nhích độ nóng lên một chút sẽ biến đổi nó thành chất hơi. Cũng giống như vậy, ta có thể tinh luyện mỗi chất liệu của trạng thái phụ trong cõi trung giới đến một điểm rất mịn màng, khi đó chỉ cần tinh lọc thêm một ít sẽ biến đổi nó thành trạng trái cao kế tiếp. Điều này cũng có thể được áp dụng cho mỗi chất liệu trong thể vía, nếu nó được thanh lọc đến độ cuối cùng, con người sẽ lướt nhanh qua nó mà không bị ngăn trở, để đến những vùng cao hơn.

 Sau khi được thanh lọc, bởi tiến trình vật chất và trí tuệ, chất liệu còn lại trong thể vía sẽ hiện diện trong thể vía mới, khi nó được tạo ra để con người sử dụng trong lần đầu thai kế tiếp. Khi con người ra khỏi cõi cảm dục để vào cõi trời chân phúc (hay cõi thượng giới), họ không thể mang theo những hình tư tưởng thuộc loại xấu ác. Chất liệu trung giới không thể hiện tồn nơi cõi thượng giới, và chất liệu cõi thượng giới không thể đáp ứng những rung động thô kệch của những tình cảm và đam mê xấu xa. Do đó, sau khi loại bỏ những mảnh vụn khỏi thể vía, con người mang theo phần còn lại, phần này trở thành mầm, hay khuynh hướng tiềm tàng, khi trở lại sẽ tìm chất dinh dưỡng hoặc lối thoát, biểu lộ như những ham muốn và đam mê xấu ác trong cõi trung giới. Nhưng những mầm mống này ngủ yên trong suốt cuộc sống ở cõi trời chân phúc của họ.

 Khi tái sinh, con người mang theo những mầm mống tiềm tàng này, và phát triển chúng. Do sự hấp dẫn từ lực, chúng thu hút những chất liệu tương ứng trong cõi trung giới để biểu lộ, và khoác vào những chất liệu trung giới phù hợp với bản chất của chúng, tạo nên thành phần của thể vía con người trong kiếp tái sinh sắp tới. Như thế trong hiện tại, chúng ta không những chỉ sống trong thể vía, mà còn đang tạo ra loại thể vía cho chúng ta dùng trong kiếp tái sinh. Đó là lý do tại sao ta cần thanh lọc tối đa thể vía hiện tại, sử dụng sự hiểu biết để bảo đảm cho sự tiến triển tương lai của chúng ta.

 Tất cả những kiếp sống chúng ta được nối kết nhau, không kiếp sống nào có thể bị tách rời khỏi những kiếp sống trước và sau nó. Nói cho đúng nghĩa, chúng ta chỉ có một sự sống, trong đó cái mà chúng ta gọi là những kiếp sống, thật ra chỉ là những chuỗi ngày của một sự sống duy nhất ấy. Chúng ta không bao giờ bắt đầu một cuộc sống mới với một tờ giấy trắng, để viết nên một câu chuyện hoàn toàn mới, mà chỉ bắt đầu một chương mới, triển khai từ cốt chuyện cũ. Khi chết, chúng ta không thể vất đi trách nhiệm nhân quả của kiếp vừa qua, cũng như khi đi ngủ chúng ta không thể xóa bỏ những món tiền mà chúng ta có trách nhiệm phải trả của ngày hôm qua. Nếu hôm nay mắc phải nợ nần, ngày mai chúng ta không thể tự do thoát khỏi trả nợ, nó sẽ theo đuổi chúng ta cho đến khi trả xong.

 Con người có sự sống không gián đoạn; những kiếp sống trần gian được kết nối nhau, không tách rời. Tiến trình thanh lọc và phát triển cũng liên tục, và phải được thực hiện xuyên qua nhiều kiếp sống liên tục ở thế gian. Một lúc nào đó chúng ta phải bắt đầu công việc thanh lọc, có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì bản chất thấp hèn, mệt mỏi vì sự đòi hỏi thô bạo của những giác quan. Con người sẽ không còn bằng lòng phục tùng những đòi hỏi xấu, sẽ quyết định cắt đứt những giây trói buộc giam cầm họ.

 Tại sao ta để cho sự trói buộc kéo dài, trong khi ta có năng lực cắt đứt nó bất cứ lúc nào? Không một bàn tay nào ngoài chúng ta có thể trói buộc chúng ta, cũng không có bàn tay nào ngoài chúng ta có thể giải thoát chúng ta. Chúng ta có quyền chọn lựa, và tự do ý chí. Vì một ngày nào đó tất cả chúng ta sẽ đứng chung nhau trong thế giới cao cả, tại sao chúng ta không bắt đầu cắt đứt những trói buộc và đòi hỏi quyền thừa kế thiêng liêng ngay bây giờ? Khi bắt đầu công việc đó, chúng ta cương quyết bắt bản chất thấp hèn làm tôi tớ cho phần cao cả. Nơi đây, cõi của tâm thức hồng trần, ta phải bắt đầu kiến tạo những thể thanh cao hơn, và nhận ra những khả năng cao quý hơn, chúng có đặc quyền thiêng liêng, nhưng hiện tại bị che khuất bởi ‘‘con vật’’ mà ta đang sống trong đó.

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here