CON NGƯỜI VÀ CÁC THỂ – Chương 1: THỂ XÁC

0
259

CHƯƠNG 1

THỂ XÁC

 ***

 

Từ ngữ thể xác bao gồm hai nguyên lý thấp của con người, hai nguyên lý này cùng hoạt động ở cõi trần, cùng được tạo nên bởi chất liệu vật chất, cùng sinh hoạt trong thời gian cuộc sống của con người ở cõi trần, và bị vứt bỏ lúc con người ‘’chết’’, khi con người bước qua cõi trung giới chúng sẽ tan rã dần ở cõi trần.

Một nguyên nhân khác để ta xếp loại hai nguyên lý này chung trong thể xác hay ‘’dẫn thể vật chất’’ là cho đến khi nào ta chưa vượt ra khỏi cõi trần, ta cần phải sử dụng một trong hai, hoặc cả hai lớp áo vật chất này. Vì chất liệu cấu tạo ra chúng, cả hai thể đều thuộc về cõi trần, và không thể đi ra bên ngoài cõi trần. Tâm thức tác động trong chúng bị ràng buộc bên trong những giới hạn vật chất, và phải tuân theo những định luật thông thường của không gian và thời gian. Dù chúng có thể tách riêng một phần nào, nhưng trong suốt đời sống thế gian, ít khi chúng tách rời nhau. Sự tách rời này không được khuyến khích và luôn luôn là một dấu hiệu bệnh hoạn hay mất quân bình.

Do đặc tính chất liệu tạo ra, ta có thể phân biệt chúng thành thể xác thô kệch và thể ‘’dĩ thái kép’’ (etheric double) . Thể dĩ thái kép hay thể phách là bản sao, đối chiếu từng phần của thể xác hữu hình; qua trung gian nó, mọi dòng điện và sinh lực được cung cấp cho những hoạt động của thể xác. Đôi khi thể phách còn được gọi là Linga sarira, tuy nhiên do vài lý do khác nhau, người ta khuyên không dùng từ ngữ này. Từ thời tối cổ, từ ngữ này được dùng trong kinh sách Ấn giáo với ý nghĩa khác, và điều này gây nhiều bối rối cho sinh viên đông phương lẫn tây phương. Tốt hơn là chúng ta không nên dùng nhiều những từ Phạn ngữ trong những sách vở sơ cấp cho người mới làm quen với Minh Triết Thiên Liêng. Hơn nữa, danh từ ‘’dĩ thái kép’’ diễn đạt rất đúng bản chất và sự cấu tạo phần thanh nhẹ của thể xác, nó cũng dễ nhớ, ‘dĩ thái’ (etheric) vì được cấu tạo từ chất dĩ thái (ether), ‘kép’ (double) vì là bản sao (duplicate) của thể xác thô kệch, hay cái bóng của nó.

Vật chất ở cõi trần được sắp xếp thành bảy loại khác nhau, mỗi loại có rất nhiều dạng tổng hợp trong giới hạn của nó. Bảy loại chất liệu cõi vật chất là: chất đặc, chất lỏng, chất hơi, và 4 trạng thái của chất dĩ thái. Những trạng thái của chất dĩ thái phân biệt nhau, như chất lỏng phân biệt với chất đặc và chất hơi vậy. Bất cứ chất liệu vật chất nào cũng có thể biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, tuy nhiên, dưới điều kiện mà ta gọi là nhiệt độ và sức ép bình thuờng, chúng tương đối giữ nguyên dạng, như vàng thường ở dạng đặc, nước ở dạng lỏng, chlorine ở dạng hơi. Thể xác con người đuợc cấu tạo bởi chất liệu thuộc 7 loại trạng thái vật chất — thể xác thô kệch gồm có chất đặc, chất lỏng và chất hơi; thể dĩ thái kép gồm có 4 phân loại của chất dĩ thái, thường được gọi là Dĩ Thái I, II, III, IV.

Khi những chân lý minh triết thiêng liêng cao cả được giới thiệu cho quần chúng, câu hỏi thường được nêu ra như sau: ‘’Là những người sống ở thế gian, làm thế nào để chúng tôi có thể hiểu và kiểm chứng những sự kiện, thay vì chỉ tin tưởng suông vào người khác?’’ Sau đây tôi sẽ cố gắng giải đáp câu hỏi này, để giúp những người mong muốn chân thành có thể đi những bước thực hành đầu tiên thấy rõ sự thật. Luôn luôn cần hiểu những giai đoạn huấn luyện này phải là những thành phần thuộc về sự sống, đạo đức, trí tuệ và tinh thần.

Sửa đổi xác thân không thể làm con người trở thành vị thánh, nhưng vì thể xác là dụng cụ cần thiết để ta sử dụng, nên ta cần điều chỉnh nó để bước chân trên đường đạo được dễ dàng. Chỉ với xác thân không thể giúp ta đạt được ước vọng cao cả, nhưng nếu quên lãng nó, ta cũng không thể tiến bước lên cao được. Điều đầu tiên nên nhớ là thể xác hiện tồn để ta sử dụng, không phải nó sử dụng ta; ta không làm tôi tớ nó, không bị nó dùng. Ta cần thanh lọc, cải thiện, uốn nắn cơ thể để nó trở thành một dụng cụ thích hợp nhất cho mục tiêu cao cả của ta ở cõi trần.

Mọi sự việc có khuynh hướng đưa ta đến mục đích cao cả, cần được khuyến khích và vun trồng, mọi sự việc đưa ta đi ngược lại mục đích ấy cần phải tránh. Bất cứ điều gì thể xác muốn, bất cứ thói quen nào nó phạm phải trong quá khứ, nếu không hợp với đường hướng thượng cần phải dẹp bỏ. Thể xác là sở hữu của chúng ta, nó phải được dùng theo ý chúng ta muốn. Lúc nào thể xác làm chủ con người, đòi quyền dẫn dắt con người thay vì được con người dẫn dắt, lúc ấy trọn mục đích của cuộc đời bị hủy diệt, và con người không thể tiến bộ được. Người nhiệt tâm cầu tiến phải bắt đầu kiểm soát thể xác.

Do bản chất, thể xác có thể dễ dàng được con người uốn nắn thành một dụng cụ, một tôi tớ tốt. Nó có vài tính chất đặc biệt giúp chúng ta dễ dàng huấn luyện, hướng dẫn và uốn nắn nó. Một trong những đặc tính đó là: khi nó đã quen làm việc theo một đường lối đặc biệt nào, nó sẽ sẵn sàng tiếp tục tự động và hoàn toàn vui thích làm việc theo đường lối đó, như trước kia nó đã thích làm theo những đường lối khác. Khi đã vướng vào một thói quen xấu, thể xác sẽ mạnh mẽ chống lại mọi sự thay đổi thói quen đó. Nhưng nếu nó bị bắt buộc phải thay đổi, nếu ta thắng được sự chống đối của nó, và nó bị ép buộc phải hành động theo ý muốn chúng ta, một thời gian ngắn sau, nó sẽ có thói quen mới do chúng ta áp đặt, và vui lòng tuân theo đường lối mới, cũng như trước kia nó đã vui lòng theo đường lối cũ.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét thể đậm đặc, phần hữu hình của thể xác, dù những chất hơi cũng là thành phần của thể đậm đặc, nhưng không thấy được bằng mắt thường. Thể xác đậm đặc là ‘’lớp áo’’ ngoài cùng và là biểu lộ thấp nhất của con người ; với nó con người bị giới hạn nhiều nhất, và qua nó con người diễn đạt bất toàn nhất.

Thể xác đậm đặc

Chúng ta cần tìm hiểu sự cấu tạo của cơ thể để biết cách thanh lọc và huấn luyện nó. Trước hết là sơ lược về những hoạt động phần lớn ở bên ngoài sự kiểm soát của ý muốn, rồi đến những hoạt động theo ý muốn chúng ta, những hoạt động này đều do sự điều khiển của những hệ thống thần kinh khác nhau. Một hệ thống điều khiển tất cả những hoạt động của cơ thể để duy trì sự sống hàng ngày như sự co dãn của phổi, nhịp đập của tim, những vận chuyển của hệ thống tiêu hóa. Chúng là những dây thần kinh tự động, thường được gọi là ‘’hệ thần kinh giao cảm’’.

Trong quá khứ xa xưa của sự tiến hóa vật chất, khi thể xác được tạo ra, và hệ thần kinh giao cảm được đặt dưới sự kiểm soát của ‘’con vật’’ sở hữu nó, dần dần về sau, sự hoạt động của nó trở nên tự động. Nó vượt qua khỏi sự kiểm soát của ý muốn, hoạt động gần như độc lập và giúp cho những sinh hoạt trọng yếu hàng ngày của cơ thể.

Lúc khỏe mạnh, con người không để ý đến những hoạt động này. Con người chỉ biết mình đang thở khi có gì làm ngăn chận sự thở, chỉ biết trái tim đang đập khi nó đập dồn dập, hay không đều, nhưng khi chúng hoạt động điều hòa, con người không nhận ra sự hiện diện của chúng. Tuy nhiên với sự thực tập khó khăn, lâu dài, con người có thể kiểm soát những hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Những tu sĩ Hatha Yoga phát triển rất cao năng lực kiểm soát hệ thần kinh giao cảm, với mục đích kích thích những quyền năng tâm linh bậc thấp. Người ta có thể làm phát triển những năng lực này (không để ý đến sự tăng trưởng tinh thần, đạo đức hay trí tuệ) bằng cách tác động trực tiếp lên thể xác. Tu sĩ Hatha Yoga học cách kiểm soát hơi thở, có thể đến giai đoạn ngưng thở trong một thời gian khá lâu, kiểm soát nhịp đập quả tim, làm sự tuần hoàn nhanh hay chậm tùy theo ý muốn. Do những cách thức này, họ đưa thể xác vào trạng thái xuất thần, để cho thể vía tự do thoát ra khỏi thể xác.

Đây không phải là phương pháp thực hành được khuyến khích, nhưng nó cho những người ở tây phương (những người ở các nước này coi thể xác như là bản chất chủ yếu của con người) biết được con người có thể kiểm soát những sinh hoạt tự động của cơ thể. Họ thấy khi con người tự rèn luyện khắc khổ, lâu dài có thể được tự do thoát khỏi ngục tù xác thân, và vẫn tiếp tục sống khi sự sống của cơ thể bị đình chỉ. Ít nhất họ biết được con người không phải chỉ là nô lệ của những giác quan.

Đến đây chúng ta xét đến hệ thần kinh quan trọng hơn đối với những mục đích tinh thần, đó là hệ thần kinh chủ động. Đây là hệ thống lớn, là dụng cụ của tư tưởng, nhờ đó ta có thể cảm giác và cử động ở cõi trần. Nó bao gồm trục não tủy (não bộ và tủy sống), từ đó chất liệu thần kinh truyền ra khắp các phần của cơ thể bằng những dây thần kinh cảm giác và vận động. Nhờ những dây thần kinh chạy từ ngoại biên vào trục não tủy mà chúng ta có cảm giác; nhờ những dây thần kinh chạy từ trục não tủy ra ngoại biên mà chúng ta có thể vận động. Những dây thần kinh nhỏ nhít trải khắp các phần cơ thể, kết hợp nhau tạo thành những bó thần kinh. Những dây thần kinh từ tủy sống đi lên, phân nhánh trải khắp trong não bộ, trung tâm mọi cảm giác và cử động có chủ tâm, tức có thể kiểm soát theo ý muốn. Qua hệ thần kinh não tủy con người diễn đạt ý chí cũng như tâm thức của mình, và chủ tể được xem như nằm trong não bộ.

Tại cõi trần, con người không thể làm được việc gì nếu không có não bộ và hệ thần kinh. Khi não bộ và hệ thần kinh không hoạt động thích hợp, con người không thể diễn đạt có trật tự. Dựa vào sự kiện này, chủ thuyết duy vật khẳng định rằng tư tưởng và tác động của não bộ luôn phải đi đôi nhau, vấn đề này không thể tranh cãi nếu chỉ có cõi vật chất. Chúng ta cần đề cập đến một cõi khác, đó là cõi trung giới, để chứng tỏ rằng tư tưởng không phải chỉ là kết quả do tác động của hệ thần kinh. Nếu não bộ bị ảnh hưởng của thuốc, bệnh tật, hoặc tổn thuơng, tư tưởng không còn diễn đạt được ở cõi vật chất. Vài chứng bệnh cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, như chứng ‘’thất ngữ’’ (aphasia) là một chứng bệnh hiếm, một phần tế bào trong não bộ gần vùng tai bị hư hoại, người bệnh bị mất hoàn toàn trí nhớ đặc biệt là về từ ngữ. Nếu bạn hỏi người bệnh này, họ không thể trả lời. Nếu bạn hỏi họ tên gì, người bệnh cũng không biết, nhưng nếu bạn nói ra tên người bệnh, họ cho thấy dấu hiệu là họ nhận biết. Nếu bạn nói về một vấn đề, họ sẽ cho thấy dấu hiệu đồng ý hay không đồng ý; người bệnh này có thể suy nghĩ, nhưng không thể nói. Dường như một phần của não bộ liên hệ với trí nhớ từ ngữ đã bị hư hoại, do đó người bệnh không còn nhớ được những lời nói ở cõi trần, trong lúc họ vẫn duy trì năng lực tư tưởng, và có thể đưa ra dấu hiệu đồng ý hay không đối với bất cứ đề nghị nào mà ta nói với họ.

Như thế, lý luận của người duy vật không đứng vững, vì khi con người được tự do rời khỏi dụng cụ bất toàn, không còn diễn đạt được bằng phương tiện vật chất, họ vẫn có thể biểu lộ năng lực của họ. Điều quan trọng ở đây không phải là phát biểu của người duy vật có giá trị hay không, mà là sự diễn đạt của con người ở cõi vật chất bị giới hạn bởi những khả năng của dụng cụ vật chất. Dụng cụ vật chất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác nhân vật chất, nếu những tác nhân vật chất có thể làm nó bị tổn hại , thì cũng có thể làm nó được cải thiện, sự kiện này rất quan trọng đối với chúng ta.

Hệ thống thần kinh, giống như những thành phần khác của cơ thể, được tạo nên bởi nhiều tế bào. Tế bào là một thể nhỏ xác định, có màng bao bọc và những thành phần bên trong, nó thay đổi tùy theo nhiệm vụ trong những cơ quan khác nhau của cơ thể. Tế bào được tạo thành bởi nhiều phân tử nhỏ, và đến lượt những phân tử nhỏ này cũng do những nguyên tử hợp lại, mỗi nguyên tử là thành phần của một nguyên tố hóa học. Những nguyên tử hóa học này kết hợp theo vô số cách thức khác nhau để tạo nên chất khí, chất lỏng, và chất đặc của cơ thể đậm đặc.

Theo giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng, mỗi nguyên tử hóa học là một vật sống, nó có thể sống một đời sống độc lập. Nhiều nguyên tử hóa học kết hợp lại thành một thực thể phức tạp hơn, cũng là một vật sống. Mỗi tế bào có đời sống riêng của nó, và tất cả những nguyên tử hóa học, phân tử và tế bào được kết hợp chung trong một cơ quan, một cơ thể, cung ứng như dẫn thể của một hình thức tâm thức cao cả hơn.

Những phần tử cấu tạo nên cơ thể là sự tập hợp của những nguyên tử hóa học rất nhỏ, với kính hiển vi cũng khó nhận thấy. Dùng kính hiển vi để quan sát một giọt máu, ta thấy nhiều thể sống động di chuyển, những hồng huyết cầu và bạch huyết cầu, cấu trúc và sinh hoạt của bạch huyết cầu tương tự như con amib, ngoài ra còn có nhiều loại vi trùng và vi khuẩn liên hệ đến bệnh tật. Trong số những loại vi trùng, có loại thân thiện với cơ thể, có loại không, vài loại gây hại và vài loại chỉ xâm nhập khi cơ thể suy yếu, một số gây bệnh, cũng có một số có lợi cho sức khỏe. Những chất liệu cấu tạo nên y phục, hay cơ thể ta luôn luôn thay đổi, chúng đến và ở lại một lúc, xong bỏ đi và trở nên thành phần của những cơ thể khác, một sự thay đổi liên tục.

Dựa vào những sự kiện này, ta thấy con người có thể thanh lọc hóa thể đậm đặc (thể xác), để nó trở thành dụng cụ thích hợp. Người thường cứ để cho cơ thể tự bù đắp bằng những chất liệu từ bên ngoài, mà không để ý đến bản chất của chúng. Họ chỉ chú trọng đến sự ngon miệng và những ham muốn, mà không để ý đến chúng có thích hợp hay không trong việc tạo nên nơi trú ngụ trong sạch, cao quí cho Chân Ngã, tức con người thật sự ngự bên trong.

Những người bất cẩn, không chú ý đến những phần tử đến và đi, không chọn lựa, không từ chối, họ để cho mọi thứ tự tích tụ, như người thợ nề cẩu thả không loại bỏ rác rưởi, đất bùn, những mảnh vụn v.v… khỏi những vật liệu xây dựng ngôi nhà.

Như thế, sự thanh lọc hóa thể xác đậm đặc bao gồm sự cố ý chọn lựa những phần tử cấu tạo nên nó. Con người cần ăn những thực phẩm trong sạch, tinh khiết, từ chối những thức ăn thô kệch, không trong sạch. Theo thiên nhiên, những phần tử thô kệch cấu tạo nên thể xác do không kiểm soát lối sống trước kia, sẽ dần dần bị loại đi để thay thế bằng những phần tử trong sạch, sự thay đổi hoàn toàn mất chừng 7 năm, và ta có thể thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn. Khi làm tăng những thành phần tinh khiết, con người tạo ra một ‘’đạo quân’’ tự vệ trong cơ thể, chúng sẽ tiêu diệt bất cứ phân tử dơ bẩn nào từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể mà không có sự đồng ý của chủ nhân. Thêm vào đó, ta cần chủ động dùng ý chí để bảo vệ cơ thể luôn luôn trong sạch, ý chí này tác động như một từ trường, liên tục xua đuổi những sinh vật không trong sạch muốn xâm nhập cơ thể. Như thế, ta che chở cơ thể tránh khỏi sự tấn công từ môi trường bên ngoài đầy dẫy mọi loại độc hại.

Khi làm trong sạch hóa cơ thể, để nó trở thành dụng cụ thích hợp cho sự biểu lộ của Chân Ngã, con người đã đi bước đầu trên đường thực hành Yoga. Bước đầu tiên này phải được thực hiện trong đời sống hiện tại hoặc trong những kiếp tương lai, trước khi con người có thể nghiêm chỉnh hỏi: ‘’Làm thế nào để tôi có thể tự kiểm chứng những chân lý của Minh Triết Thiêng Liêng ?’’ Tự kiểm chứng những sự kiện siêu nhiên, tùy thuộc vào sự làm chủ hoàn toàn cơ thể. Chính con người phải tự kiểm chứng, họ không thể thực hiện được điều này một khi còn bị trói buộc bên trong ngục tù của xác thân, hay khi xác thân không được trong sạch.

Ngay đối với những người đã phát triển một phần khả năng tâm linh, sự sử dụng những khả năng này sẽ bị trở ngại khi xác thân họ không được trong sạch, vì những khả năng tâm linh sẽ bị cùn lụt và vặn vẹo, khi ấy những tiết lộ của họ không đáng được tin cậy.

Thí dụ một người chân thành quyết định làm trong sạch hóa thể xác, người ấy có thể lợi dụng sự kiện thể xác sẽ thay đổi hoàn toàn trong 7 năm, hoặc họ có thể chọn con đường ngắn, nhanh nhưng khó khăn hơn để làm thay đổi nó. Trong cả hai trường hợp họ phải bắt đầu ngay việc chọn lựa những chất liệu cấu tạo nên thể xác ‘’mới’’, và vấn đề thực phẩm được đặt ra.

Người muốn thanh lọc thể xác phải tức khắc bắt đầu loại bỏ các thực phẩm không trong sạch, độc hại cho sự cấu tạo những phần tử trong cơ thể. Họ phải kiêng cữ rượu và những thực phẩm có chứa rượu, vì chúng đem vào cơ thể những phân tử rất ô uế. Rượu là thực phẩm do sự thối rữa tạo ra, tự nó không những đáng ghê tởm, mà còn thu hút con người. Sự thu hút này lan truyền đến những người khác cùng sự ham muốn, trong đó có những cư dân vô hình đáng thương hại vất vưởng ở cõi trung giới.

Những người nghiện ngập lang thang ở cõi trung giới, vì đã mất thể xác cho nên không thể thỏa mãn sự thèm khát say sưa. Họ tụ tập chung quanh những nơi ăn nhậu, cố gắng xâm nhập vào thể xác những người đang uống rượu để hưởng nhờ cảm giác thích thú thấp thỏi mà tự họ không thể thỏa mãn. Người tao nhã sẽ không còn muốn uống rượu nữa, nếu họ có thể nhìn thấy những ‘’sinh vật’’ đang tìm cách dự phần vào sự vui thích của thể xác họ, và nếu họ biết được rằng uống rượu là thiết lập liên hệ với những thực thể đáng ghê tởm ấy. Những phần tử xấu trong loài tinh hoa chất tụ tập chung quanh tư tưởng người nghiện rượu, trong khi cơ thể họ thu hút những phân tử thô kệch được thải ra từ cơ thể những người nghiện ngập, phóng đãng ở môi trường chung quanh, làm cho cơ thể họ càng thô kệch, suy đồi hơn. Quan sát những người làm nghề chế tạo hoặc buôn bán rượu và những loại thực phẩm chứa rượu, ta thấy thể xác họ càng ngày càng trở nên nặng nề, thô kệch. Như thế, chẳng những đối với những người thích ăn nhậu say sưa, người làm nghề ủ rượu và người chủ quán rượu cũng cho thấy thể xác họ chứa đựng những thành phần thô kệch.

Cũng thế, những thể xác được nuôi sống bằng thịt các loài thú vật, loài bò sát, chim, cá v.v… không thể nào nhạy cảm, thanh nhẹ, quân bình, khỏe mạnh và bền chắc như thép đã được tôi luyện, cần thiết cho mọi công việc cao cả. Hãy nhận xét người làm nghề sát sinh và người đồ tể, xem thể xác họ có giống như những dụng cụ thích hợp để sử dụng cho tư tưởng cao thượng và những vấn đề tinh thần cao cả chăng? Thể xác không thanh sạch làm cản trở con người muốn sống một đời tinh thần. Ta không nên để sự biểu lộ của năng lực, dù lớn hay nhỏ, bị giới hạn bởi dụng cụ không hoàn hảo.

Tuy nhiên, có những khó khăn trên đường thanh lọc xác thân mà ta cần lưu ý. Ta có thể cố gắng khổ nhọc, cương quyết loại bỏ những thực phẩm không trong sạch để thanh lọc hóa cơ thể, nhưng ta đang sống giữa những người cẩu thả, những người mà phần đông không hiểu biết gì về những sự kiện thiên nhiên này. Thể xác càng được thanh lọc, những giác quan chúng ta càng bén nhạy, chúng ta càng phải chịu đựng sự khó chịu khi phải tiếp xúc với những người thô kệch, mang nhiều thú tính, trên đường phố của nền văn minh vật chất hiện nay. Những phân tử không thanh khiết từ những quán rượu, những nơi ăn nhậu, những hàng bán thịt, xâm nhập lên cơ thể người đi đường, cũng như trộn lẫn vào bầu không khí mà họ hít vào. Nhưng một cơ thể khỏe mạnh không có chỗ để cho những loại vi trùng mang mầm bệnh nẩy nở; cũng giống thế, một thể xác thanh sạch không để cho những phân tử dơ bẩn phát triển. Như ta đã biết, có một ‘’đạo binh’’ những sinh vật sống luôn luôn làm việc để giữ cho máu chúng ta được trong sạch, những đoàn quân bảo vệ này sẽ tiêu diệt bất cứ phần tử độc hại nào xâm nhập vào ‘’thành phố’’ của cơ thể thanh sạch. Tùy ý, ta có thể tạo ra trong dòng máu những vệ sĩ bảo vệ sự sống, hay đưa vào những tên cướp giết hại những thành phần tốt trong cơ thể ta. Càng quyết tâm từ chối đem vào cơ thể những chất ô trược, ta càng có nhiều sức mạnh chống lại những sự tấn công độc hại từ bên ngoài.

Ta đã biết thể xác rất dễ sinh hoạt theo thói quen, và ta cần lợi dụng tính chất đặc biệt này. Nếu ta nói với một người muốn đạt được cảnh giới cao trong việc thực hành Yoga : ‘’ Bạn phải bắt đầu thanh lọc hóa thể xác trước khi thực hành bất cứ loại Yoga nào, xứng đáng với cái tên của nó. Vì Yoga đúng thực cũng nguy hiểm đối với một xác thân không trong sạch, không được rèn luyện, như một que diêm để gần thùng thuốc súng,’’ có lẽ ta sẽ nhận được câu trả lời của họ là nếu phải trải qua những cách tinh luyện cơ thể, sức khỏe của họ sẽ bị yếu kém đi.

Thể xác sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu ta cung cấp đầy đủ thực phẩm cần thiết cho sự sinh hoạt của nó, trong một thời gian ngắn, thể xác sẽ tự thích ứng với các loại đồ ăn trong sạch, dinh duỡng mà chúng ta chọn lựa cho nó. Xác thân là một sinh vật có tính tự động, một thời gian ngắn nó sẽ ngưng đòi hỏi những thứ mà chúng ta không cho nó. Nếu bạn không quan tâm đến sự đòi hỏi những loại thức ăn có mùi vị mà trước kia nó thích, nó sẽ sớm có thói quen không còn thích những món đó nữa. Như khẩu vị tự nhiên của một người bình thường là ghê tởm những loại thịt thú rừng thối rữa, vị giác của người thanh sạch sẽ từ chối những thực phẩm thô kệch.

Những người từ lâu đã dùng nhiều loại thức ăn không trong sạch, cơ thể họ sẽ đòi hỏi mạnh mẽ những thức ăn đó, nếu họ có khuynh hướng chiều theo ý muốn của cơ thể, sự kiện cứ tiếp diễn mãi. Nhưng khi họ không chú ý đến sự đòi hỏi, họ sẽ ngạc nhiên thấy rằng cơ thể sẽ sớm nhận ra ý muốn của chủ nó và tự thích ứng với thói quen mới. Kế đó nó sẽ bắt đầu thích những thực phẩm mới, và dần dần phát triển thói quen thích thực phẩm trong sạch, không thích thực phẩm thô trược. Thói quen của thể xác có thể được sử dụng trong việc trợ giúp hoặc ngăn cản, và cơ thể sẽ nhường bước khi nó hiểu bạn, ông chủ của nó. Cơ thể chỉ là dụng cụ để bạn sử dụng, và nó không thể ngăn cản được bạn, vì mục đích cuộc đời bạn là do ý muốn của chính bạn.

Thật ra không phải chỉ một mình thể xác chịu hoàn toàn trách nhiệm lỗi lầm, mà còn có sự xen vào của bản chất dục vọng (kama). Thể xác của người trưởng thành đã có thói quen đòi hỏi những món đặc biệt nào đó, nhưng không phải tự nhiên cơ thể đứa trẻ đòi hỏi những thứ mà cơ thể người lớn thích thú, trừ khi cơ thể nó bị ảnh hưởng di truyền quá nặng. Nó không thích rượu, thịt, nhưng người lớn ép nó ăn thịt, người cha cho nó mếm một tí rượu vang trên bàn ăn, với khả năng bắt chước tự nhiên, đứa trẻ dễ tập theo đường lối xấu, và vị giác không trong sạch được hỗ trợ. Thêm vào đó có lẽ sự thèm khát do bản chất dục vọng cũ được đánh thức, đáng lẽ phải được chôn vùi, từ đó cơ thể dần dần tạo thành thói quen đòi hỏi những vật thực mà nó đã được nếm thử.

Khi bạn đã làm thay đổi thói quen trong quá khứ bằng cách loại bỏ những phân tử không trong sạch ra khỏi thể xác, bạn sẽ tập đuợc thói quen mới, từ đó bạn cảm thấy khó chịu đối với cả mùi vị của những vật mà bạn đã từng thích trước kia. Điều khó khăn thật sự trong việc tái lập thói quen là do nhân quả, chớ không do cơ thể. Bạn không muốn thực hành, nếu thật sự muốn, bạn sẽ làm được. Có người tự nói: ‘’Dù sao vấn đề cũng không quan trọng, tôi không tiến bộ đủ để có được khả năng tâm linh, do đó thanh lọc hóa thể xác cũng không thay đổi được gì.’’ Bạn không bao giờ tiến bộ nếu bạn không nỗ lực sống cuộc đời thanh cao, và để cho bản chất dục vọng ngăn cản bước tiến của bạn, đúng ra lối sống thanh cao nằm trong tầm với của bạn. Có người nói : ‘’Tôi rất thích có được nhãn quan cõi trung giới, làm việc hữu thức trong thể vía khi cần,’’ nhưng khi đến bữa ăn, họ lại thích những thức ăn thô kệch, khoái khẩu. Khi con người được đề nghị một kho tàng vô giá của đời sống cao cả, họ dường như không thể vượt qua được những khó khăn tầm thường như kiêng cữ rượu thịt.

Nếu con người quyết tâm làm điều gì mà họ muốn làm, sẽ có nhiều thay đổi nhanh chóng ở thế gian hơn ta thấy hiện nay. Nhưng con người chỉ giả bộ, họ giả bộ một cách có hiệu quả đến độ đánh lừa cả chính họ, làm họ có ý nghĩ rằng họ rất chân thành. Như thế họ trở đi trở lại từ đời này sang đời khác, với cùng một lối sống trì trệ suốt nhiều ngàn năm. Đến một kiếp sống nào đó, họ tự hỏi tại sao họ không tiến bộ, tại sao một số người khác tiến triển rất nhanh trong một kiếp sống, mà họ không tiến tí nào?

Người có quyết tâm một cách bền bỉ, không phải tùy hứng, có thể tiến bộ theo ý họ muốn. Trong khi người giả bộ, chỉ chạy vòng quanh cối xay trong nhiều kiếp luân hồi.

Ở đây chỉ là sự thanh lọc hóa thể xác để chuẩn bị cho sự thực hành tất cả các loại yoga, không phải toàn thể sự chuẩn bị, mà chỉ là một phần cần thiết. Đến đây sự bàn luận về phần đậm đặc của thể xác, tức dẫn thể thấp nhất của tâm thức, được coi như tạm đủ, chúng ta bước sang phần thanh nhẹ hơn của thể xác, tức thể dĩ thái kép, thường được gọi là thể phách.

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here