CÕI TRỜI CHÂN PHÚC – PHẦN 2: NHỮNG LOÀI KHÔNG THUỘC HÀNG NGŨ NHÂN LOẠI

0
124

2. NHỮNG LOÀI KHÔNG THUỘC HÀNG NGŨ NHÂN LOẠI

(Non – human)

Khi chúng ta thử diễn tả những loài không thuộc hàng ngũ nhân loại trên cõi thượng giới, chúng  ta sẽ gặp phải những sự khó khăn gần như không thể vượt qua. Vì khi đến cảnh thứ bảy của cõi  thiên đàng lần đầu tiên, chúng ta tiếp xúc với một cõi do vũ trụ trải rộng ra; do đó chúng ta có thể gặp vô số thực thể mà ngôn ngữ con người không thể diễn tả. Trong khuôn khổ tác phẩm này, tốt  hơn là chúng ta tạm gác qua một bên vô số thực thể thuộc khu vực vũ trụ, và giới hạn sự nghiên  cứu của chúng ta đến những cư dân đặc biệt thuộc cõi thượng giới của dãy hành tinh chúng ta.  Cũng như trong quyển “Cõi Trung Giới”, chúng ta không diễn tả các vị khách viếng thăm đến từ những hành tinh, hoặc từ những hệ thống khác. Dù rằng những vị khách viếng thăm này, ít khi  đến cõi trung giới, lại có rất nhiều trên cõi thượng giới; nhưng chúng ta cần áp dụng cùng một  nguyên tắc khảo sát. Vì vậy, chúng ta chỉ nói sơ lược về loài tinh hoa chất cõi thượng giới, và  những vị thuộc hàng ngũ thiên thần (Deva) có liên hệ trực tiếp ở cõi thượng giới. Điều khó khăn  nhất là trình bày cho độc giả các ý niệm tương đối đơn giản này, mà không làm vấn đề phức tạp  hơn.

LOÀI TINH HOA CHẤT

(The Elemental Essence)

Chúng ta cũng nhớ một trong những bức thư đầu tiên, nhận được từ một vị Chân Sư có nói, chỉ những người đã được điểm đạo mới am hiểu bản thể loài tinh hoa chất thứ nhất và thứ nhì. Vì  vậy, với ngôn ngữ cõi trần, chúng ta chỉ diễn tả được một phần. Trước tiên, chúng ta phải có ý  tưởng rõ ràng loài tinh hoa chất thực sự là gì ? Vì đây là một vấn đề dễ gây nhầm lẫn, kể cả một  số người có đọc sách Thông Thiên Học.

LOÀI TINH HOA CHẤT LÀ GÌ ?

Tinh hoa chất chỉ là tên gọi áp dụng cho tinh hoa chân thần (monadic essence), trong những giai  đoạn tiến hóa đầu tiên. Tinh hoa chân thần có thể được định nghĩa như là sự tuôn xuống vào vật  chất của Nguồn Sống Thiêng Liêng, xuất phát từ Thượng Đế Ngôi Hai. Trước khi có sự tuôn  xuống đến giai đoạn cá nhân hóa để có sự thành lập nhân thể của con người, nó phải trải qua và  làm linh động sáu giai đoạn tiến hóa thấp, đó là loài cầm thú, thảo mộc, kim thạch và ba loài tinh  hoa chất. Khi năng lượng xuyên qua ba giai đoạn liên tiếp này, đôi khi nó được gọi là chân thần  động vật, thực vật hay khoáng vật. Từ ngữ này dễ đưa đến sự nhầm lẫn, vì rất lâu trước khi đạt  tới một trong các loài này, nó đã trải qua nhiều chân thần, chớ không phải một. Tuy nhiên, cái tên  đã được thừa nhận để diễn đạt ý tưởng rằng, mặc dù từ lâu có sự phân biệt những tinh hoa chân  thần, nó vẫn chưa tiến đến trình độ cá thể hóa. Bây giờ, khi tinh hoa chân thần này đang cung  ứng năng lượng qua ba loài tinh hoa chính đến trước loài khoáng chất, nó được gọi là “tinh hoa  chất” (elemental essence).

SỰ CHE PHỦ CỦA LINH HỒN

(The Veiling of The Spirit)

Nhưng trước khi chúng ta có thể hiểu bản chất của tinh hoa chân thần và cách thức nó tự biểu lộ ở các cõi khác nhau, chúng ta hãy theo dõi cách thức mà linh hồn tự bao phủ trong tiến trình đi  sâu vào vật chất. Chúng ta không xét nguồn gốc sự tạo thành vật chất trong các cõi, mà chỉ xét về sự đi xuống của luồng sóng mới của sự tiến hoá nhập vào vật chất đã có. Trước giai đoạn mà chúng ta vừa đề cập đến, luồng sóng sinh hoạt này đã trải qua sự tiến hoá  trong vô số thời đại, mà chúng ta không thể nào hiểu được hoàn toàn, nó lần lượt vào trong  những nguyên tử, phân tử, và tế bào. Nhưng chúng ta hãy tạm thời gác lại phần lịch sử khởi thuỷ này, mà chỉ khảo sát sự nhập thế vào vật chất của những cõi mà trí óc con người có thể hiểu  được, mặc dù cao hơn nhiều đối với mức độ vật chất.

Cũng nên hiểu rằng khi linh hồn lưu ngụ trên bất cứ một cõi nào đó trên đường đi xuống vào  trong vật chất, do một sức mạnh bất khả kháng của sự tiến hoá riêng, nó phải nhập vào và tự biểu lộ ở một cõi thấp kế đó, và ít nhất là nó trú ngụ vào nguyên tử vật chất của cõi thấp này; thu  hút chất liệu tạo thành lớp áo vật chất mà nó tác động như một linh hồn, hay một năng lực thúc  đẩy bên trong. Cũng tương tự như thế, khi linh hồn tiếp tục nhập thế xuống cảnh thứ ba, nó tự thu hút chung quanh những vật chất thuộc nguyên tử của cõi thứ ba này, và trở thành một thực  thể có thân xác hay vỏ bọc bên ngoài, được tạo thành bởi nguyên tử vật chất của cõi này.

Nhưng lực tác động trong thực thể này, có thể nói là linh hồn của nó, không phải là linh hồn trong  trạng thái mà nó được thấy đầu tiên trên cõi cao nhất. Nó chính là linh hồn cộng thêm lớp màng  bằng nguyên tử vật chất của cảnh thứ nhì mà nó đã trải qua. Khi linh hồn xuống xa hơn, đến tận  cõi thứ tư, thực thể càng trở nên phức tạp hơn, vì nó sẽ mang thể vật chất của cõi thứ tư ấy, và  thể này được sinh động do bên trong có linh hồn đã khoác lên hai lớp màng làm bằng nguyên tử vật chất của cõi thứ nhì và thứ ba. Diễn trình này tự lặp lại đối với mỗi cõi của thái dương hệ; đến  lúc lực nguyên thuỷ đạt đến cõi trần thì nó được che phủ trọn vẹn, cho nên không có gì đáng  ngạc nhiên khi con người thường không nhận thức được bản thể tâm linh của họ. Thí dụ, một người bình thường có nhãn thông mà chưa được huấn luyện, thử nghiên cứu chân  thần khoáng vật, khảo sát sinh lực trong loài kim thạch. Thị giác của người có nhãn thông này  chắc chắn chỉ giới hạn ở cõi trung giới, và ngay ở cõi trung giới, thị giác đó có lẽ cũng rất bất  toàn; vì vậy đối với người ấy, năng lực chỉ giới hạn ở cõi trung giới. Trái lại, đối với một nghiên  cứu sinh đã được huấn luyện, khảo sát nó với năng lực cao, sẽ thấy rằng những gì mà người có  thông nhãn đã sử dụng ở cõi trung giới, chỉ là nguyên tử vật chất trung giới được làm vận hành  bởi lực đến từ trạng thái nguyên tử của cõi thượng giới. Một nghiên cứu sinh có trình độ cao hơn,  có thể thấy nguyên tử vật chất cõi thượng giới cũng chỉ là một vận cụ chịu sự tác động từ cảnh  cao nhất của cõi bồ đề. Trong khi một vị Chân Sư sẽ nhận thấy rằng chất liệu cõi bồ đề chỉ là vận  cụ của cõi niết bàn, và năng lực xuyên suốt tác động lên lần lượt những lớp màng. Trên thực tại,  năng lực này đến từ cõi vũ trụ nguyên thủy (cosmic – prakritic plane), và là sự biểu lộ của Năng  Lực Thiêng Liêng (Divine Force).

CÁC LOÀI TINH LINH

(The Elemental Kingdom)

Những tinh hoa chất mà chúng ta thấy trên cõi thượng giới, thuộc hai loài thứ nhất và thứ nhì của  giới tinh hoa chất. Một luồng sóng sinh hoạt thiêng liêng từ những thiên niên đại trước đã hoàn  tất sự tiến hóa đi xuống xuyên qua cõi bồ đề, tuôn xuống cảnh thiên đàng thứ bảy, và làm sinh  động khối vật chất nguyên tử cõi thượng giới, và trở thành loài tinh hoa chất thứ nhất. Trong giai  đoạn này, ở điều kiện đơn giản nhất nó không phối hợp các nguyên tử thành những phân tử để tạo nên hình thể của riêng nó, nhưng chỉ kết hợp do sự hấp dẫn và bởi một sức ép rất lớn.  Chúng ta có thể tưởng tượng, năng lực lần đầu tiên tuôn xuống cõi này hoàn toàn không quen  thuộc với những rung động ở đó, và không thể đáp ứng lại chúng. Trải qua nhiều thời đại ở mức  độ này, nó tiến hóa do sự làm quen với tất cả những rung động có thể có ở đây, vì thế bất cứ lúc  nào nó cũng có thể làm linh động và sử dụng tất cả những phối hợp vật chất riêng biệt trên cõi  này. Trong suốt giai đoạn tiến hoá lâu dài này, nó sẽ có được tất cả những phối hợp có thể có ở ba cảnh vô sắc tướng. Đến cuối cùng, nó trở lại mức độ nguyên tử, dĩ nhiên nó chỉ tích chứa  những năng lực tiềm ẩn mà nó đã đạt được.

Trong giai đoạn tiếp theo, nó tự xuống cảnh thứ tư cõi thượng giới, tức phần cao nhất của cõi sắc  tướng, và thu hút vật chất vùng này để tạo ra một cơ thể. Khi ấy, chính nó là loài tinh hoa chất  thuộc loại thứ nhì trong trạng thái đơn giản nhất. Nhưng cũng như trước kia, càng tiến hoá nó  càng khoác lên nhiều lớp y phục khác nhau, tạo thành bởi tất cả những sự kết hợp có thể của vật  chất ở các cảnh thấp.

Cũng là điều tự nhiên khi người ta nghĩ rằng, những loài tinh linh sinh hoạt ở cõi thượng giới có  sự tiến hóa cao hơn những loài tinh linh thứ ba thuộc cõi trung giới. Nhưng không đúng như thế, khi nói đến giai đoạn tiến hoá này, từ ngữ “cao hơn” không có nghĩa như bình thường là tiến bộ nhiều hơn, mà trái lại kém tiến bộ hơn; vì nơi đây chúng ta đang đề cập đến tinh hoa chân thần  trên cung tiến hoá đi xuống, và sự tiến bộ của loài tinh linh bằng phương tiện đi xuống vào trong  vật chất, thay vì sự tiến hóa hướng thượng lên các cõi cao như trường hợp nhân loại. Nếu học  viên không nhận định rõ ràng về sự kiện này, họ sẽ bị vướng mắc vào những sai lầm, và không  thể có được cái nhìn đúng đắn về phần này của sự tiến hoá.

Những đặc tính tổng quát của loài tinh hoa chất được diễn tả khá dài trong quyển “Cõi Trung  Giới”, tất cả điều gì đề cập đến những chi nhánh phụ của loài này và sự nhạy cảm kỳ diệu của  những loài này đối với tư tưởng con người, đều giống như ở cõi thượng giới. Có lẽ cần phải giải  thích thêm về sự sắp xếp theo bảy hàng ngang của mỗi loài liên hệ đến những phần khác nhau  của cõi thượng giới. Trong trường hợp của loài tinh hoa thứ nhất, nhánh cao nhất của nó liên  quan đến cảnh thứ nhất, trong khi cảnh thứ nhì và thứ ba, mỗi cảnh được phân chia thành ba  phần, và mỗi phần được một trong các chi nhánh tinh linh trú ngụ. Loài tinh hoa chất thứ nhì tự phân chia đến cõi hạ thiên, nhánh cao nhất của nó liên quan đến cảnh thứ tư, trong khi cảnh thứ năm, thứ sáu và thứ bảy mỗi cảnh được chia ra thành hai phần, mỗi phần do một nhánh tinh hoa  chất của sáu nhánh còn lại trú ngụ.

CÁCH TIẾN HOÁ CỦA LOÀI TINH HOA CHẤT

Trong phần đầu của quyển sách này, chúng ta đã nói nhiều về tác động của tư tưởng lên loài tinh  hoa chất, nên chúng ta không cần lặp lại nơi đây. Nhưng chúng ta cần biết rằng, loài tinh hoa  chất nơi đây rất nhạy cảm đối với tác động của tư tưởng hơn ở cõi trung giới; dù một tư tưởng  yếu ớt cũng gây sự đáp ứng tinh vi tuyệt diệu, mà những quan sát viên có thể thấy được rõ ràng.  Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nếu nhận thấy rằng sự ứng đáp như thế chính là sự tồn tại của cuộc  sống loài tinh hoa chất; sự tiến bộ của chúng được trợ giúp rất nhiều bởi tác động của tư tưởng,  nhất là tư tưởng của những vị tiến hóa cao.

Hãy tưởng tượng, trong một lúc những tinh hoa chất hoàn toàn không tùy thuộc vào tác động của  tư tưởng, chúng sẽ kết tụ lại nhau, không thành hình thể nhất định của những nguyên tử cực nhỏ đang dao động; chúng chứa đầy sinh lực với một sức sống mạnh mẽ kỳ diệu, tuy nhiên chúng  tiến hóa rất chậm trên con đường đi xuống vào trong vật chất. Nhưng khi tư tưởng xâm chiếm,  làm cho loài tinh hoa chất hoạt động ở cõi sắc tướng, chúng tạo thành mọi loại hình thể đẹp đẽ,  và ở cõi vô sắc tướng chúng tạo thành những dòng ánh sáng lấp lánh, do đó chúng nhận được  những rung động giúp chúng phát triển thêm. Khi mỗi tư tưởng từ cõi cao này hướng xuống  những sự việc ở cõi trần, tự nhiên nó phải khoác lên mình vật chất của những cõi thấp này. Khi  nó tiếp xúc với loại vật chất ở cõi thấp, loài tinh hoa chất mà nó khoác lên như một lớp màng đầu  tiên dần dần quen đáp ứng với các rung động thấp, và điều này trợ giúp rất nhiều cho sự tiến hóa  nhập thế của nó.

Loài tinh hoa chất cũng dễ bị ảnh hưởng bởi âm nhạc, bởi sự tuôn đổ huy hoàng của âm thanh  hùng tráng mà chúng ta đã đề cập ở trên. Những âm thanh này được tuôn ra từ những cõi cao  do những nhạc sư vĩ đại, họ thực hiện điều này với phương tiện đầy đủ hơn ở những cõi cao, mà  khi ở cõi trần thô kệch này họ chỉ mới bắt đầu.

Một điểm khác cần phải nhớ là, ở cõi này có sự khác nhau to lớn giữa sự cao cả và năng lực tư  tưởng, mà ở cõi trần chúng ta khó diễn tả được. Tư tưởng bình thường của chúng ta bắt đầu  trong thể trí trên cõi hạ thiên, khi đi xuống nó đã khoác lên mình một loại tinh hoa chất cõi trung giới thích hợp với nó. Nhưng khi một người tiến bộ khá cao, có tâm thức hoạt động trong chân  ngã ở cõi thượng thiên, tư tưởng của họ bắt đầu ở cõi này và khoác lên lớp áo đầu tiên được cấu  tạo bằng loài tinh hoa chất của cõi hạ thiên, cho nên có đặc tính tinh vi hơn, xuyên suốt hơn và có  hiệu quả hơn về nhiều phương diện. Nếu tư tưởng hướng về các mục tiêu cao thượng, sự rung  động của tư tưởng đó có đặc tính quá tinh vi, cho nên không thể diễn đạt được ở cõi trung giới;  nhưng khi chúng ảnh hưởng được vật chất cõi thấp này, chúng sẽ tạo ra kết quả sâu xa hơn  những tư tưởng phát sinh ở gần cõi trung giới.

Áp dụng nguyên tắc này cho cõi kế tiếp, chúng ta thấy tư tưởng của vị đã điểm đạo phát sinh từ cõi bồ đề, bên trên cõi thượng giới, sẽ tự khoác lên tinh hoa chất của cảnh cao nhất cõi thiên  đàng; trong khi tư tưởng của vị Chân Sư (Adept) tuôn xuống từ cõi niết bàn, mang một năng lực vĩ đại phi thường của cõi cao cả này, ngoài phạm vi hiểu biết của con người. Vì thế, khi có nhận thức cao hơn, chúng ta thấy trước mặt một chân trời khả năng rộng mở.  Chúng ta sẽ nhận ra sự thật ở những cõi cao này, công việc thực hiện trong một ngày có hiệu  quả nhiều hơn công việc nặng nhọc kéo dài cả ngàn năm ở cõi trần.

LOÀI CẦM THÚ

Ở cõi thượng giới, loài cầm thú được tượng trưng bằng hai nhóm chính. Ở cõi hạ thiên, chúng ta  thấy có các hồn khóm liên hệ đến đa số loài thú, và trên cảnh thứ ba, những nhân thể của một số tương đối ít loài thú đã được cá nhân hoá. Nói đúng ra, những nhóm này không còn là loài thú  nữa, đó là những nhân thể còn trong tình trạng hoàn toàn sơ khai, chưa phát triển đầy đủ về kích  thước cũng như màu sắc, và mới phát sinh những rung động đầu tiên.

Sau khi rời bỏ thể xác và thể vía, con thú có cá tính thường trải qua một kiếp sống rất lâu dài, mơ  màng, ở cảnh tương đối thấp của cõi thiên đàng. Trong thời gian đó, tình trạng của nó tương tự với những người cùng ở cõi này, nhưng tư tưởng của nó hoạt động kém hơn rất xa. Nó được bao  quanh bởi những hình tư tưởng của riêng nó, và chỉ ý thức lờ mờ về chúng, dĩ nhiên trong đó có  những hình ảnh của các bạn bè của nó, chúng biểu lộ trong trạng thái thân thiện nhất. Một tình  thương đủ mạnh và không ích kỷ sẽ tạo nên những hình ảnh như thế, nó cũng đủ mạnh để đến  với linh hồn của con vật mà nó yêu thích, và kích thích sự đáp ứng lại. Lòng tốt tuy nhỏ nhặt của  chúng ta đối với thú vật cũng giúp đỡ chúng, và điều này cũng trở lại giúp sự tiến hoá của chúng ta.

Khi con thú được cá nhân hoá, rút về nhân thể để chờ bánh xe tiến hoá, trong diễn trình xoay  chuyển sẽ cho nó một cơ hội đầu thai làm con người sơ khai. Nó dường như bị mất hoàn toàn tri  thức về những sự vật bên ngoài, và trải qua một thời gian trong trạng thái vô thức bình an và  thoả thích sâu đậm. Sự tiến hoá bên trong trên vài phương diện nào đó chắc chắn xảy ra, dù  chúng ta khó hiểu bản chất của nó. Ít nhất có một điều chắc chắn là, đối với mỗi thực thể đến  được cõi thượng giới, hoặc nó chỉ vừa gia nhập vào hàng ngũ tiến hoá của con người, hoặc nó  đang chuẩn bị vượt qua khỏi sự tiến hoá này. Dù thế nào đi nữa, cõi thiên đàng cũng là một hạnh  phúc cao cả nhất mà con người có thể có được, mặc dù ở bất cứ trình độ nào.

NHỮNG VỊ THIÊN THẦN

(The Devas or Angels)

Ngôn ngữ con người chỉ có thể diễn tả một phần nhỏ các nhân vật cao cả tuyệt diệu này, và hầu  hết những điều mà chúng ta biết về họ đã được viết trong quyển “Cõi Trung Giới”. Đối với người  chưa đọc quyển sách này, tôi xin giải thích lại một cách đại cương về các thực thể này. Như chúng ta biết, hệ thống tiến hóa cao cả nhất có liên hệ đặc biệt đến quả địa cầu là những  thực thể mà người Ấn Giáo gọi Devas và những nơi khác gọi là Angels, những con của đức  Thượng Đế v.v… Tóm lại, chúng ta có thể xem họ, như một loài cao hơn loài người một cấp, cũng  như loài người cao hơn loài thú một cấp. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng là, nếu sự tiến  hoá của con thú không thể theo đường lối nào khác, ngoài con đường tiến đến làm người; còn  con người sau khi đạt tới trình độ Chân Sư toàn thiện, có thể có nhiều con đường cao cả khác  nhau để lựa chọn, trong số đó có con đường đưa đến sự tiến hóa của Đại Thiên Thần (Great  Deva) (Xin xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”).

Trong nền văn hoá Đông phương từ ngữ “deva” thường được dùng một cách mơ hồ để chỉ hầu  hết những thực thể không thuộc con người. Vì thế từ ngữ này thường dùng để chỉ những vị có  quyền năng tâm linh cao cả nhất; mặt khác, nó cũng dùng để chỉ những tinh linh thiên nhiên và  các loài tinh linh giả tạo. Tuy nhiên nơi đây, từ ngữ này được dùng giới hạn để chỉ những vị thuộc  giai cấp tiến hóa cao.

Mặc dù liên hệ đến địa cầu, các vị thiên thần này không bị giới hạn ở đây, vì toàn thể dãy tiến hóa  hiện tại của chúng ta gồm bảy bầu hành tinh, đối với họ chỉ là một thế giới duy nhất, và sự tiến  hoá của họ xuyên qua một hệ thống vĩ đại gồm bảy dãy. Những người điều hành trong nhóm của  họ được tuyển lựa, phần chính từ hàng ngũ nhân loại thuộc thái dương hệ chúng ta, vài vị thấp  hơn và vài vị cao hơn những vị cao cả của chúng ta; nhưng chỉ có một phần nhỏ thuộc nhân loại  chúng ta đã đến trình độ gia nhập vào hàng ngũ của họ. Nhưng chắc có vài loài trong số nhiều  loài thuộc giới thiên thần, chưa tiến hóa qua giai đoạn có thể so sánh với hàng ngũ nhân loại.

Hiện nay, chúng ta chưa thể hiểu nhiều về họ, nhưng có một điều rõ ràng là mục tiêu tiến hoá của họ cao hơn mục tiêu tiến hoá của nhân loại. Nói khác hơn, mục tiêu tiến hoá của nhân loại chúng  ta là có một số nhân loại đạt đến địa vị Chân Sư, trước khi chấm dứt cuộc tuần hoàn thứ bảy;  mục tiêu tiến hoá của thiên thần là nâng hàng ngũ cao nhất của họ đến một mức độ cao hơn  trong cùng một giai đoạn tương đương. Đối với họ cũng như đối với chúng ta, có một con đường  dốc đứng nhưng rất ngắn dẫn tới đỉnh cao siêu nhất, dành cho những ai nhiệt tâm cố gắng.  Ngoài ra, vấn đề các thiên thần tiến hoá theo mức độ nào, chúng ta không thể hiểu rõ mà chỉ có  thể phỏng đoán.

NHỮNG ĐẲNG CẤP THIÊN THẦN

Ba nhóm thiên thần thuộc hạng thấp, khởi sự từ hạng thấp nhất thường được gọi là các vị thiên  thần cõi cảm dục (Kamadeva), các vị thiên thần cõi sắc tướng (Rupadeva) và các vị thiên thần cõi  vô sắc tướng (Arupadeva); người ta có thể diễn dịch các từ ngữ này tương đương với các thiên  thần của cõi trung giới, cõi hạ thiên và cõi thượng thiên. Đối với chúng ta, thể thấp nhất của con  người là thể xác, còn đối với các vị thiên thần thể thấp nhất mà họ sử dụng là thể vía. Vì vậy, họ ở đúng vào vị trí của con người khi đạt tới bầu hành tinh F, khi đó bình thường họ sống với thể vía, sẽ rời bỏ thể này đến vùng cao hơn và sống trong thể trí, cũng như chúng ta sẽ ở trong thể vía. Khi phát triển đầy đủ, họ sẽ vào được nhân thể mà không cần cố gắng nhiều như đối với  chúng ta khi sử dụng thể trí. Cùng một cách thức như thế, thân thể bình thường của những thiên  thần cõi sắc tướng là thể trí, vì họ sống trên bốn cảnh sắc tướng của cõi thượng giới. Trong khi những vị thiên thần cõi vô sắc tướng thuộc về ba cảnh cao của cõi thượng giới, họ không có thân  thể nào nặng trược hơn nhân thể. Trên các vị thiên thần cõi vô sắc tướng còn có bốn nhóm thiên  thần quan trọng khác nữa, trú ngụ lần lượt ở bốn cảnh cao hơn thuộc thái dương hệ của chúng  ta. Sau cùng, ở cao hơn hết, ngoài vùng thế giới thiên thần là các vị Hành Tinh Quân; nhưng sự nghiên cứu về các vị cao cả này ngoài phạm vi của quyển sách.

Trong hai nhóm lớn thiên thần trú ngụ ở cõi thượng giới mà chúng ta vừa đề cập đến, mỗi nhóm  lại chia ra thành nhiều lớp khác nhau. Chúng ta chỉ hiểu một cách rất tổng quát về sự sống của  họ. Tôi nghĩ rằng tôi không thể diễn tả rõ những ấn tượng trong trí của những quan sát viên, khi  họ quan sát những nhóm thiên thần này, cho nên tôi xin lặp lại chính những lời của một người  trong bọn họ: “Tôi cảm thấy có một ý thức vui thích mãnh liệt, một tâm thức kỳ diệu không thể tả bằng lời; rất lạ lùng và hoàn toàn khác biệt với bất cứ điều gì mà tôi đã cảm thấy trước đây,  không giống với bất cứ loại kinh nghiệm nào của con người, do đó tôi hoàn toàn không có hy  vọng diễn tả lại bằng lời.”

Ở cõi trần, chúng ta không có hy vọng diễn tả lại hình dáng của những nhân vật cao cả này, vì  hình dáng của họ biến đổi theo từng tư tưởng của họ. Trong một đoạn trước, chúng ta đã nói về sự kỳ diệu phi thường của sự diễn đạt tư tưởng bằng màu sắc. Như chúng ta đã biết, đối với các  cư dân thuộc con người sinh hoạt có ý thức trên cõi thượng giới, trong một vài điều kiện có thể nhận được nhiều bài học từ các vị thiên thần. Người đọc có thể nhớ lại, làm thế nào mà hình ảnh  của vị thiên thần được linh động hóa trong cuộc sống của một ca đoàn viên, dạy em này âm nhạc  tuyệt diệu hơn bất cứ loại âm nhạc nào ở cõi trần. Một trường hợp khác, vài ảnh hưởng của thiên  thần hành tinh đã trợ giúp sự tiến hoá của một nhà thiên văn học.

Sự liên hệ của những vị thiên thần đối với loài tinh linh thiên nhiên (Xin xem quyển “Cõi Trung  Giới”), cũng giống như sự liên hệ giữa con người và loài thú, nhưng ở một mức độ cao hơn. Con  thú chỉ có thể đạt được cá tính hóa khi nó được sự hỗ trợ của con người. Cũng giống như thế,  một tinh linh thiên nhiên thông thường chỉ có thể được luân hồi và cá tính hóa trường tồn bằng  cách liên kết với các thực thể có đặc tính tương tự trong hàng ngũ thiên thần.

Dĩ nhiên, khi nói về sự tiến hoá vĩ đại của các thiên thần, chúng ta chỉ nói được phần ngoại biên  của vấn đề rộng lớn này. Mỗi người sẽ tự nghiên cứu đầy đủ hơn khi đã phát triển tri thức trên  các cõi cao ấy. Những gì được diễn tả ở phần trên chỉ là một phác hoạ sơ lược, tuy nhiên có thể cho chúng ta một ý niệm tổng quát về những vị cứu trợ, mà khi con người tiến hoá hơn sẽ có dịp  tiếp xúc với các vị ấy. Điều này cho thấy mỗi nguyện vọng sẽ đem lại cho con người những khả năng có thể thúc đẩy họ tiến lên, để thích ứng với những gì mà thiên nhiên đã sắp xếp cho họ.

 

***

Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất 

Facebook page

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here