C.W. Leadbeater
CÕI TRỜI CHÂN PHÚC
(HAY LÀ CÕI THƯỢNG GIỚI)
(THE DEVACHANIC PLANE)
TÔ HIỆP và nhóm dịch thuật KROTONA
KROTONA, 2009
MỤC LỤC
GHI CHÚ VỀ TỰA ĐỀ QUYỂN SÁCH
LỜI MỞ ĐẦU
PHẦN GIỚI THIỆU
NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT
MỘT CẢNH TRÍ LỘNG LẪY
SỰ CHÍ PHÚC NƠI CÕI THIÊN ĐÀNG
MỘT PHƯƠNG PHÁP NHẬN THỨC MỚI
MÔI TRƯỜNG SINH HOẠT
NHỮNG LÀN SÓNG VĨ ĐẠI
(The Great Waves)
CÕI HẠ THIÊN VÀ CÕI THƯỢNG THIÊN
HOẠT ĐỘNG CỦA TƯ TƯỞNG
HÌNH TƯ TƯỞNG
NHỮNG CẢNH CỦA CÕI THƯỢNG GIỚI
NHỮNG LƯU TRỮ CỦA QUÁ KHỨ
(The Records of The Past)
NHỮNG CƯ DÂN
- NHÂN LOẠI (HUMAN)
NHỮNG HIỆN THÂN (THE EMBODIED)
TRONG GIẤC NGỦ HOẶC XUẤT THẦN
NHỮNG NHÂN VẬT KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN
NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN CHO CUỘC SỐNG Ở CÕI THIÊN ĐÀNG
LÀM THẾ NÀO CON NGƯỜI ĐẠT ĐƯỢC SỰ SỐNG TRÊN CÕI THIÊN ĐÀNG LẦN ĐẦU TIÊN CẢNH THỨ BẢY, CẢNH THẤP NHẤT CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
CẢNH THỨ SÁU, VÙNG THỨ NHÌ CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
CẢNH THỨ NĂM; VÙNG THỨ BA CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
CẢNH THỨ TƯ; VÙNG TRỜI THỨ TƯ CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
THỰC TẠI CỦA SỰ SỐNG THIÊN ĐÀNG
(The Reality of The Heaven Life)
SỰ TỪ BỎ CUỘC SỐNG CÕI THIÊN ĐÀNG
CÕI THƯỢNG THIÊN
(The Higher Heaven – World)
CẢNH THỨ BA; VÙNG THỨ NĂM CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
CẢNH THỨ NHÌ; VÙNG THỨ SÁU CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
CẢNH THỨ NHẤT; VÙNG THỨ BẢY CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG
- NHỮNG LOÀI KHÔNG THUỘC HÀNG NGŨ NHÂN LOẠI (Non – human)
LOÀI TINH HOA CHẤT
(The Elemental Essence)
LOÀI TINH HOA CHẤT LÀ GÌ ?
SỰ CHE PHỦ CỦA LINH HỒN
(The Veiling of The Spirit)
CÁC LOÀI TINH LINH
(The Elemental Kingdom)
CÁCH TIẾN HOÁ CỦA LOÀI TINH HOA CHẤT LOÀI CẦM THÚ
NHỮNG VỊ THIÊN THẦN
(The Devas or Angels)
NHỮNG ĐẲNG CẤP THIÊN THẦN
III. NHỮNG LOÀI GIẢ TẠO
(Artificial)
KẾT LUẬN
HỘI THÔNG THIÊN HỌC CÓ BA MỤC ĐÍCH CHÂN THÀNH TRI ÂN
GHI CHÚ VỀ TỰA ĐỀ QUYỂN SÁCH
*******
Chúng tôi được biết, tác giả nhận thấy theo nguyên ngữ “Devachan” không chính xác để diễn tả cảnh giới này, và có thể gây hiểu lầm. Muốn đơn giản và chính xác hơn, tác giả đã yêu cầu nhà xuất bản thay đổi tựa đề quyển sách là “The Mental Plane” (Cõi Trí hay Cõi Thượng Giới). Nhưng nhà xuất bản cho biết, nếu thay đổi tựa đề có thể gây ra vài rắc rối và khó khăn trong việc xin lại bản quyền. Do đó tựa đề quyển sách vẫn giữ nguyên là “The Devachanic Plane”. Chúng tôi tạm dịch là “Cõi Trời Chân Phúc”, thay vì là “Cõi Cực Lạc” hay “Cõi Thiên Đàng” để tránh những ý niệm sai lạc về cõi này mà vài tôn giáo đã diễn tả. Tuy những danh từ đều chỉ cùng một cõi, nhưng theo quan niệm lưu truyền trong những tôn giáo khác nhau, nên những tín đồ của các tôn giáo ấy có những cách nhìn khác nhau về cõi chân phúc này.
TÔ HIỆP và nhóm dịch thuật KROTONA
LỜI MỞ ĐẦU
*******
Tôi xin có vài lời giới thiệu quyển sách nhỏ này. Đây là quyển thứ sáu trong loạt những quyển sách khổ nhỏ trình bày Minh Triết Thiêng Liêng dưới hình thức đơn giản theo nhu cầu của đại chúng. Một số người than phiền giáo lý Thông Thiên Học quá sâu xa, khó hiểu và có một chân lý quá cao đối với những độc giả bình thường. Chúng tôi hy vọng những quyển sách phát hành gần đây có thể đáp ứng nhu cầu thiết thực cho người đọc. Minh Triết Thiêng Liêng không chỉ dành riêng cho những nhà trí thức, mà cho tất cả mọi người. Có lẽ trong số những độc giả lần đầu tiên thoáng nhìn thấy những giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng trong quyển sách nhỏ này, có vài học giả rất nhiệt tâm và những người mới nhập môn chân thành tìm hiểu những vấn đề sâu xa, khó khăn hơn trong triết lý, khoa học và tôn giáo. Nhưng những quyển sách khổ nhỏ này không chỉ dành riêng cho những học giả nhiệt thành, không ngã lòng trước những khó khăn lúc đầu; mà còn dành cho tất cả những độc giả đang bận rộn trong công việc hằng ngày, những người muốn tìm hiểu những chân lý trọng đại, có thể chấp nhận cuộc đời họ đang chịu đựng được dễ dàng hơn, và bớt sợ hãi khi đối diện với sự chết. Những tác phẩm này được viết bởi những người phụng sự các Chân Sư, họ là những Huynh Trưởng của giống dân chúng ta; các Ngài không có mục đích nào khác hơn là phụng sự nhân loại.
PHẦN GIỚI THIỆU
*******
Trong quyển sách nhỏ trước, chúng tôi đã diễn tả đến một giới hạn nào đó cõi trung giới, là một vùng thấp trong thế giới vô hình bao la, trong đó chúng ta đang sống mà không để ý đến. Trong quyển sách nhỏ này, chúng tôi có ý định làm công việc khó hơn, là trình bày vài ý niệm về cõi cao kế tiếp – cõi trí hay thế giới thiên đàng (heaven world), trong văn chương Thông Thiên Học chúng ta gọi đó là Cõi Trời Chân Phúc (Devachan or Sukhavati).
Khi gọi cõi này là thế giới thiên đàng (the heaven world), chúng tôi ngụ ý nơi đó chứa đựng những ý tưởng tâm linh cao cả về cõi trời, được trình bày trong nhiều tôn giáo khác nhau; nhưng những sự trình bày đó không có nghĩa là quan điểm duy nhất. Đó là một vùng trong vũ trụ, đối với chúng ta rất quan trọng, một cõi bao la và lộng lẫy, chứa đựng sự sống linh động; nơi đó chúng ta đang sống, cũng như chúng ta đã sống qua những giai đoạn giữa các kiếp luân hồi trước khi xuống cõi trần. Do thiếu sự phát triển và bị giới hạn bởi lớp áo xác thân, chúng ta không nhận thức được cõi trời cao siêu huy hoàng chung quanh chúng ta, nơi đây và ngay bây giờ. Những ảnh hưởng từ thế giới phúc lạc này tác động liên tục lên con người, chỉ có điều là chúng ta phải hiểu và tiếp nhận nó. Đối với người bình thường, dường như không thể có cõi này, nhưng đối với các huyền bí gia, đó là một thực tại rất rõ ràng. Đối với những người chưa nắm vững chân lý căn bản này, chúng ta chỉ có thể nhắc lại lời dạy của một vị Thầy trong Phật Giáo: “Đừng than phiền, khóc lóc, cầu xin, mà hãy mở mắt ra nhìn. Ánh sáng ở chung quanh con, con chỉ cần vứt bỏ tấm băng che mắt và nhìn. Ánh sáng này rất tuyệt diệu và đẹp đẽ, vượt lên tất cả những mơ ước, cũng như sự cầu nguyện của con người, và tồn tại vĩnh viễn.” (Linh Hồn của một Người, trang 163).
Các học viên Thông Thiên Học phải tuyệt đối nhận thức chân lý quan trọng này, vũ trụ được phân chia thành nhiều vùng hay nhiều cõi khác nhau; mỗi cõi được cấu tạo bởi chất liệu có độ đậm đặc thích hợp của riêng nó. Mỗi cõi bao trùm, thấm nhập vào cõi kế tiếp bên dưới nó. Cần phải hiểu rõ những cõi mà chúng ta gọi là “cao hơn” hay “thấp hơn”, không phải do vị trí của chúng đối với nhau (vì chúng chiếm cùng một vùng không gian), mà do mực độ đậm đặc của chất liệu cấu tạo nên những cõi ấy; nói khác đi là do mức độ phân chi (subdivided), vì tất cả những loại vật chất mà chúng ta biết, trên căn bản đều giống nhau, chỉ khác ở mức độ phân chi và tốc độ rung động của chúng.
Do đó, khi nói một người đi từ cõi này đến cõi kia, chúng ta không có ý nói người ấy di chuyển trong không gian, mà chỉ là sự thay đổi của tâm thức. Vì trong mỗi người chúng ta đều có đủ các loại vật chất thuộc về những cõi trong không gian; và ở mỗi cõi con người có một thể tương ứng, nếu biết cách sử dụng, con người có thể sinh hoạt nơi cõi ấy. Vì vậy, khi nói một người đi từ cõi này qua cõi kia, có nghĩa là người ấy chuyển tâm thức từ thể này qua thể kia; thí dụ như thay vì ở thể xác, người ấy tập trung tâm thức để hoạt động ở thể vía hoặc thể trí. Theo tự nhiên, mỗi thể chỉ đáp ứng với những rung động thuộc cõi riêng của nó. Vì thế, nếu một người đang “tập trung” tâm thức vào thể vía, người ấy chỉ nhận thức những sinh hoạt ở cõi trung giới; cũng như khi tâm thức chúng ta đang dùng những giác quan thể xác, chúng ta không nhận thức được gì khác ngoài thế giới vật chất, mặc dù tất cả những cõi như cõi trần, cõi trung giới, cõi thượng giới và nhiều cõi khác vẫn luôn hiện tồn và đang hoàn toàn sinh động chung quanh chúng ta. Thực sự, tất cả các cõi hợp thành một toàn thể không gian bao la sinh động, nhưng vì năng lực yếu kém, trong mỗi lúc, chúng ta chỉ có thể quan sát được một phần rất nhỏ.
Khi xét đến vấn đề nơi chốn và sự thấm nhập giữa các cõi, chúng ta phải cẩn thận để khỏi nhầm lẫn. Cần phải hiểu trong ba cõi thấp trong thái dương hệ, không có một cõi nào tự nó hiện tồn riêng rẽ, trừ khi chúng ta đề cập đến trạng thái đặc biệt về nguyên tử cấu tạo nên mỗi cõi. Mỗi bầu hành tinh vật chất có cõi trần (tính luôn luôn cả bầu khí quyển), cõi trung giới và cõi thượng giới; tất cả thấm nhập vào nhau, do đó cùng chiếm một vị trí trong không gian; nhưng chúng hoàn toàn tách biệt và không nối kết với những cõi tương đương của một bầu hành tinh nào khác. Chỉ khi nào tâm thức chúng ta nâng lên đến những mức độ cao của cõi bồ đề, chúng ta mới nhận thấy được trạng thái chung đối với tất cả những hành tinh trong dãy tiến hóa của chúng ta. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, có một trạng thái nguyên tử vật chất trong mỗi cõi này, là sự nới rộng của vũ trụ. Vì thế, nếu tách riêng ra, chúng ta có thể nói 7 loại nguyên tử của những cảnh (sub-planes) cấu tạo nên một cõi vũ trụ (cosmic plane) thấp nhất, đôi khi được gọi là vũ trụ vật chất (cosmic-prakriti). Thí dụ, chất dĩ thái ở giữa các hành tinh dường như tràn ngập khắp cả không gian,[1] ít nhất đến tận các ngôi sao xa xăm mà mắt trần không thể thấy được. Chất dĩ thái này được cấu tạo bằng những nguyên tử căn bản cõi trần trong điều kiện bình thường, không nén ép. Đến nay, chúng ta đã biết tất cả những hình thức thấp và phức tạp hơn chất dĩ thái chỉ tồn tại bằng cách kết hợp với các thiên thể khác nhau; chúng kết hợp chung quanh các thiên thể này, và có lẽ vượt ra xa khỏi bề mặt của chúng rất nhiều.
Điều này đúng chính xác đối với cõi trung giới và thượng giới. Cõi trung giới của trái đất chúng ta thẩm thấu xuyên qua trái đất và bầu khí quyển của trái đất, và còn vượt ra khỏi bầu khí quyển. Thời xưa, người Hy Lạp gọi cõi này là thế giới ở dưới mặt trăng. Cõi thượng giới cũng thẩm thấu xuyên suốt qua cõi trung giới, và còn mở rộng xa ra không gian hơn cõi trung giới.
Trong những cõi này, chỉ có nguyên tử vật chất (atomic matter)[2] của mỗi cõi được ở trạng thái tự do, cùng tràn lan với chất dĩ thái giữa các hành tinh. Do đó, ngay nơi dãy hành tinh của chúng ta, một người không thể nào đi từ một hành tinh này qua một hành tinh khác bằng thể vía hoặc thể trí, cũng như không thể bằng thể xác. Khi một người tiến hóa cao, trong nhân thể (causal body), họ có thể đạt tới đó, nhưng cũng không dễ dàng và không nhanh bằng một vị đã nâng tâm thức lên đến cõi bồ đề (buddhic plane).
Khi nắm vững những sự kiện này, học giả sẽ tránh được sự nhầm lẫn giữa cõi thượng giới của trái đất và cõi thượng giới của những hành tinh khác nhau trong dãy hành tinh chúng ta. Nên biết, bảy bầu của dãy hành tinh chúng ta là các bầu hành tinh có thực, chiếm các vị trí riêng rẽ và xác định trong không gian, dù có một vài bầu trong các bầu này, không có cõi vật chất. Các bầu A, B, F và G tách biệt xa chúng ta, và khoảng cách giữa chúng cũng xa nhau, giống như giữa hỏa tinh và địa cầu. Chỉ có sự khác nhau là hỏa tinh và địa cầu đều có cõi trần, trung giới và thượng giới, trong khi bầu B và F không có gì thấp hơn cõi trung giới (tức không có cõi trần, LDG); còn bầu A và G không có gì thấp hơn cõi thượng giới (tức không có cõi trung giới và cõi trần, LDG). Cõi trung giới được trình bày trong quyển 5, và cõi thượng giới trong quyển sách này, chỉ áp dụng cho địa cầu chúng ta mà thôi, chứ không áp dụng cho các hành tinh khác.
Cõi thượng giới là môi trường sinh hoạt của sự sống thiên đàng, là cõi thứ ba trong năm cõi rộng lớn, có liên hệ đến loài người hiện nay; ở dưới cõi này là cõi trung giới và cõi trần, còn trên cõi này là cõi bồ đề và cõi niết bàn. Ngoại trừ trong giai đoạn đầu của người rất kém tiến hóa, cõi thượng giới là cõi mà người bình thường phải trải qua thời gian dài trong diễn trình tiến hóa. Nói rõ hơn, ngoại trừ trường hợp người rất kém tiến hóa, tỉ số thời gian của kiếp sống ở cõi trần so với ở cõi thượng giới ít khi cao hơn 1/20. Đối với những người khá tốt lành, thì tỉ số thời gian này nhiều khi thấp hơn 1/30.[3]Thật vậy, nơi đó đích thực là quê hương thường trực của chân ngã luân hồi hay linh hồn con người. Mỗi lần đầu thai xuống cõi trần, chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng quan trọng cho công cuộc tiến hóa. Như thế, trong lúc đang sống ở cõi trần này, thật đáng công cho chúng ta học hỏi, nghiên cứu về kiếp sống ở cõi thượng giới, hầu có được sự hiểu biết trọn vẹn quê hương đích thực của chúng ta.
Thật không may, có những sự khó khăn dường như không thể vượt qua được, nếu chúng ta muốn diễn tả những sự kiện về cõi thứ ba này của vũ trụ bằng ngôn từ; có những khó khăn là điều tự nhiên, bình thường chúng ta cũng không đủ từ để diễn đạt những ý tưởng và tình cảm, ngay ở cõi thấp nhất là cõi trần. Những độc giả của quyển “Cõi Trung Giới” (The Astral Plane) cũng nhớ rằng, thật khó để diễn tả ý niệm về những điều kỳ diệu của cõi này cho những người chưa có kinh nghiệm vượt khỏi thế giới vật chất. Chỉ có thể nói rằng, muốn diễn tả những kết quả của sự quan sát về cõi này, chúng ta phải cố gắng mười lần nhiều hơn so với cõi trung giới. Chẳng những chất cấu tạo nên cõi thượng giới biến đổi và di động nhanh hơn chất cấu tạo cõi trung giới, mà tâm thức thuộc về cõi này còn rộng bao la hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng nơi cõi trần, và chính những trạng thái của nó hoàn toàn khác biệt. Vậy, muốn diễn dịch những điều trên đây bằng ngôn ngữ thông thường, quan sát viên sẽ thấy rất bối rối; chỉ có thể tin cậy vào trực giác của độc giả để lấp đầy những khuyết điểm không tránh khỏi trong khi diễn tả.
Chúng ta chỉ nói một trong những thí dụ về những sự khó khăn của chúng ta, đó là dường như ở cõi thượng giới không có sự hiện tồn của thời gian và không gian. Ở cõi trần, những biến cố xảy ra tiếp theo nhau, và ở những nơi chốn cách xa nhau; còn ở cõi thượng giới, những sự việc dường như xuất hiện cùng một lúc và ở cùng một nơi. Đó là kết quả được tạo ra do tâm thức của chân ngã, mặc dù có vài trường hợp có thể xem như sự đồng thời tuyệt đối là thuộc tính của một cõi cao hơn. Ở cõi thiên đàng, cảm giác này chỉ là kết quả do những sự việc xảy ra liên tiếp quá nhanh, trong khoảng thời gian cực nhỏ, không thể phân biệt được. Như trong đêm tối, có người cầm một cây có đóm lửa sáng ở đầu và quay tròn, thí dụ một cây nhang được quay trên 10 vòng trong một giây đồng hồ, mắt chúng ta chỉ nhận thấy một vòng tròn sáng liên tục. Thực tế không phải thực có một vòng tròn liên tục, nhưng vì mắt con người không thể phân biệt những ấn tượng giống nhau, liên tiếp xuất hiện theo nhau với khoảng cách nhỏ hơn 1/10 giây đồng hồ.
Khi chúng ta cố gắng diễn tả một tình trạng hiện tồn hoàn toàn khác hẳn với đời sống cõi vật chất, như chúng ta đang nghiên cứu, sẽ không thể tránh được sự khó hiểu, và có thể khó tin đối với những người chưa có kinh nghiệm cá nhân về sự sống ở cõi cao. Như tôi đã nói, điều đó không thể tránh được; vì thế, nếu độc giả cảm thấy không thể chấp nhận sự trình bày những nghiên cứu của chúng tôi về thế giới thiên đàng, họ phải đợi đến lúc cá nhân họ có thể tự nghiên cứu. Tôi chỉ có thể khẳng định lại, như tôi đã làm trong quyển “Cõi Trung Giới” rằng, công việc của chúng tôi được thực hiện với tất cả tinh thần cẩn thận hợp lý để bảo đảm tính chính xác. Chúng tôi có thể nói trong mọi trường hợp, không có sự kiện nào cũ hay mới, được trình bày trong quyển sách này mà không được ít nhất là hai người khác đã được huấn luyện trong nhóm chúng tôi xác nhận và quan sát kỹ lưỡng riêng rẽ. Những sự kiện này lại được xác nhận là đúng bởi những người nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm hơn, có nhiều kiến thức hơn chúng ta trong vấn đề này. Tuy sự trình bày nơi đây có thể chưa được đầy đủ, nhưng tôi nghĩ rằng rất đáng tin cậy.
Cách sắp xếp tổng quát của quyển sách trước, nếu có thể sẽ tiếp tục áp dụng đối với quyển sách này, để cho độc giả có thể so sánh từng phần của hai cõi. Tuy nhiên đầu đề của phần “Quang Cảnh” (Scenery) của quyển sách trước không thích hợp cho cõi thượng giới, như sẽ được trình bày trong nội dung của phần sau; cho nên chúng tôi sẽ thay thế bằng đầu đề khác như sau.
***
Tổng hợp sách trong Thư viện trái đất