Đối thoại với Thượng Đế những mặc khải mới – Chương 10.

0
164

Được rồi, con vẫn còn phải thực hành Bước 3. Con đã sẵn sàng được trao cho một hiểu biết mới về Thượng Đế và Cuộc Sống tiếp theo. Nhưng hãy để con xem liệu con có hiểu được điều này đúng chưa đã.

Ngài đang nói rằng chúng con nên quan tâm đến lời nói của một anh lái xe taxi ở Phoenix như cách chúng con lắng nghe lời của Moses, Jesus, hoặc Muhammad đấy à?

Tại sao con lại đặt câu hỏi theo cách này?

Tại sao không đặt câu hỏi này về Khổng Tử? Hay Siddhartha Gautama? Hay Patanjali? Tại sao không chọn riêng một ai đó để so sánh, Baha’u’llah? Hay Jalalal-Din Rumi? Hay Joseph Smith? Còn Paramahansa Yogananda thì có gì không được nào?

Đó là lần thứ hai Ngài nhắc đến câu hỏi này rồi.

Ngài đang nói rằng những người như Siddhartha Gautama thì cũng thần thánh như Giê-su phải không?

Ông ấy được gọi là Bậc Giác Ngộ, có phải không?

Được rồi, con đã chọn sai. Còn Joseph Smith thì sao? Chắc chắn ngài không xếp ông ta vào cùng một loại người với Đức Phật, Moses, Jesus và Muhammad chứ!

Tại sao lại không chứ?

Bởi vì… nó không đúng, vậy thôi.

Giờ thì để ta xem liệu ta có hiểu rõ điều này không nào. Muhammad đã truyền cảm hứng cho kinh Qur’an, đúng chứ?

Vâng. Theo sự hiểu biết của con là thế.

Và Joseph Smith đã viết ra Sách Mặc Môn.

Vâng đúng thế.

Vậy con đang  nói rằng kinh Qur’an thiêng liêng hơn Sách Mặc Môn, bởi vì Muhammad “thần thánh” hơn Josepth Smith phải không?

Chà, con không hề nói thế — nhưng con nghi ngờ rằng hầu hết người Hồi giáo sẽ nói như vậy đấy.

Và những người theo đạo Cơ đốc sẽ nói điều tương tự về Kinh Tân Ước và Giê-su, so với Joseph Smith, và người Do Thái cũng sẽ nói điều tương tự về kinh Torah và Moses so với Joseph Smith, đó có phải là đây là điều con đang tự nói với Ta không?

Con không muốn nói thay cho bất kỳ ai khác. Con chỉ có thể nói về quan sát của con trong những năm qua. Theo quan sát của con, phần lớn các tín đồ Cơ Đốc Giáo sẽ không nói rằng Sách Mặc Môn là Lời của Thượng Đế mà có thẩm quyền được như Kinh Tân Ước, mặc dù thực tế là các thành viên của Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Giê-Su — Giáo Hội Mặc Môn —  chắc chắn xem mình là tín đồ Cơ Đốc Giáo … và con không biết người Do Thái sẽ nói gì về việc liệu Sách Mặc Môn có phải là Lời của Thượng Đế hiển nhiên như Kinh Torah hay không. Họ có thể nói, “Ai mà biết được chứ?” Họ có thể sẽ tranh luận hơi bị lâu về chuyện này. Như con đã nói, con phân vân lắm.

Được rồi, chúng ta hãy chuyển sang một vài so sánh khác. Ai “thần thánh” hơn ai nào, Giê-su, Moses hay Muhammad?

Con không biết. Ngài đang hỏi con điều gì đó mà con không biết.

Chà, Moses đã đưa ra Mười Điều Răn, có phải không? Và Giê-su đã mang lại những giáo lý trong Kinh Tân Ước, phải chứ? Và tất cả về kinh Qur’an chính là lời của Muhammad, không phải sao? Vậy thì ai mới “thần thánh” hơn?

Ngài có đang cố bắt đầu một cuộc tranh luận ở đây không vậy?

Không, nhưng loài người thì đang cố tranh biện thế đấy. Thực tế là, họ đã bắt đầu một cuộc tranh luận từ cách đây từ lâu lắm rồi, mà vẫn chưa kết thúc nữa. Với nỗ lực để kết thúc nó, họ đang đe dọa kết liễu các con.

Đó là trọng điểm đấy.

Đó là một phần của những gì đang diễn ra trên thế giới.

Ngài cứ nói điều này mãi. 

Đúng vậy, bởi vì Ta đang chuẩn bị cho con đến với 

LỜI MẶC KHẢI MỚI THỨ BA.

Không có con đường nào đến với Thượng Đế ngắn hơn những con đường khác.

Không có tôn giáo nào là “một tôn giáo chân chính”, không có dân tộc nào là “những người được chọn”, và không có nhà tiên tri nào là “nhà tiên tri vĩ đại nhất”.

Nếu điều này là đúng, thì chúng con phải gạt bỏ bằng hết mọi giả định mà chúng con đã đặt ra khi xây dựng niềm tin của mình. Chúng con phải đập nát mọi viên gạch mà chúng con đã đặt nền móng. Những viên gạch đó không còn chống đỡ nổi cấu trúc là ngôi nhà thế giới hòa bình, hòa hợp và hạnh phúc được nữa.

Ta đã nói với con ở đây rằng vấn đề mà thế giới đang đối mặt hiện nay là một vấn đề thuộc tâm linh. Nó không thể được giải quyết bằng các biện pháp chính trị. Nó không thể được giải quyết bằng các biện pháp kinh tế. Nó không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự. Nó chỉ có thể được giải quyết bằng một sự thay đổi trong niềm tin.

Niềm tin mà con được mời gọi khám phá và có thể muốn vận dụng, tất cả đều được thể hiện trong Những Mặc khải Mới, và được trao cho con ở đây.

Hãy xem xét kỹ lưỡng Những Mặc Khải Mới này. Hãy xem xét chúng một cách nghiêm túc. Nếu không có lý do gì thì chúng đã không được trao cho con. Con đã yêu cầu giúp đỡ. Con đã hỏi, những quan niệm mới mà loài người có thể xem xét là gì? Điểm mở đầu cho cuộc thảo luận của chúng ta là gì? Đâu là những tư tưởng mới mà con có thể dùng để truyền cảm hứng cho bản thân con, và cũng bằng chính những tư tưởng này, chúng ta có thể hy vọng sẽ truyền được nguồn cảm hứng cho những người khác?

Những Mặc Khải Mới này được trao cho con, đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của con.

Nhưng Ngài đang yêu cầu chúng con lấy tất cả niềm tin hiện tại của mình ra và đảo ngược chúng!

Niềm tin hiện tại của các con đang đảo lộn thế giới của các con. Từ trong ra ngoài. Các con đang xé xác chính mình, tự làm mình nổ tung, xé toạc mình ra từng mảnh, kéo mình về mọi hướng, đầu độc chính mình bằng niềm tin của chính các con. Niềm tin hiện tại của các con không hề giúp đỡ gì được cho các con, chúng đang giết các con chết.

Con có thể ngăn chặn tất cả những điều này bằng cách thực hiện Năm Bước Đến Hòa Bình.

Được rồi, con đang thực hiện Bước 3 ngay bây giờ đây. Con tuyên bố rằng con sẵn sàng được trao cho sự hiểu biết mới về Thượng Đế và Cuộc Sống.

Tốt. Bây giờ, con có nhớ được Bước 4 không?

Bước 4 là lựa chọn có đủ can đảm để khám phá và xem xét những hiểu biết mới, và nếu chúng phù hợp với sự thật và hiểu biết bên trong của chúng ta, thì sẽ mở rộng hệ thống niềm tin của chúng ta để thêm chúng vào.

Điều đó hoàn toàn đúng. Và đó chính xác là những gì cuộc đối thoại này có ý mang đến cho con một cơ hội để thực hiện được. Con đã sẵn sàng khám phá chưa?

Được rồi, nhưng con lo lắng. Con cảm thấy nó vẫn có chút đáng sợ. Cảm giác như thể Ngài sẽ lay chuyển nền móng của mọi thứ mà mọi người trên thế giới đều tin tưởng vậy.

Nhưng đây là chính xác những gì hành tinh của con cần ngay lúc này. Rất ít người đang khám phá những ý tưởng này. Rất ít người sẵn sàng nhìn vào chúng. Con phải có can đảm để làm điều đó, bởi vì những tư tưởng mới có thể đầy rẫy thách thức. Con có đủ lòng can đảm không?

Chà, nếu con không phải đồng ý với Ngài… nếu chúng ta chỉ nói chuyện… 

Trong một số xã hội, đó là một vấn đề rất lớn . Mọi người không được khuyến khích làm điều đó. Trên thực tế, ở một vài vùng đất, người ta thậm chí còn không được phép xem xét tư tưởng mới nào nữa. Không nghi ngờ gì, trong một số cộng đồng, cuốn sách này sẽ bị cấm.

Vậy thì, con đoán con là một trong những người can đảm rồi.

Không chỉ có con đâu, mà là tất cả mọi người đang đọc cuốn sách này. Nếu bây giờ họ vẫn chưa đặt nó xuống, họ cũng rất can đảm đấy.

Chà, tất cả chúng con đều đã có mặt đây rồi, vậy thì hãy bắt dầu khám phá thôi nào. Chúng con sẽ bắt đầu xem xét các niềm tin, có phải vậy không?

Phải. Đây là những nền tảng của tất cả kinh nghiệm của loài người. Mặc dù một số trong những niềm tin này dường như chỉ liên quan đến Thượng Đế, và do đó, có vẻ như chúng chỉ ảnh hưởng đến những người tin vào Thượng Đế, nhưng hiện tại con sẽ thấy những ý tưởng này về Thượng Đế đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống thế tục như thế nào.

Vâng, Ngài đã nói về điều đó trước đây.

Người ta không cần phải tin vào Thượng Đế để bị tác động bởi những quy ước xã hội do những người tin vào Thượng Đế tạo ra. Những quy ước xã hội này tạo ra các mệnh lệnh văn hóa — cách mà tất cả mọi người cảm thấy họ phải sống cuộc sống của mình, bởi vì đó chỉ là “cách mà mọi thứ vốn là vậy”.

Vì vậy tôn giáo thường ảnh hưởng đến những người không theo đạo.

Đó là điểm mấu chốt đấy, rất chính xác. Tổ chức tôn giáo suy cho cùng chỉ là một hệ thống tín ngưỡng. Tất cả các hành vi con người đều dựa trên niềm tin của con người, và một nhóm niềm tin này nuôi sống nhóm khác, tạo ra cái mà con có thể gọi là Niềm Tin Chủ Đạo, vượt lên trên các triết lý tôn giáo hoặc triết lý thế tục cụ thể. 

 Niềm tin, cũng như mọi sự vật khác, cái tổng thể luôn lớn hơn tổng các phần cộng lại. Vì vậy, cần phải khám phá những niềm tin tôn giáo cơ bản cho dù một người có theo đạo hay không.

Con đã muốn chúng ta thảo luận điều này một cách ngắn gọn, vì sự tôn trọng đối với những người không tin vào Thượng Đế, và những người không biết liệu có Thượng Đế hay không. Con muốn cho họ một lý do để tiếp tục với cuộc thảo luận này. 

Tất cả những gì mà bất kỳ ai quan tâm đến cuộc sống phải làm là nhìn ra thế giới xung quanh. Đó là lí do đủ hợp lý rồi.

Chúng con đang ở một thế rất bấp bênh, chắc chắn là như thế.

Và chính niềm tin của các con đã đặt các con ở nơi đó.

Dĩ nhiên là, hàng trăm tôn giáo đang có mặt trên Trái Đất đã hình thành nên đủ thứ niềm tin về Thượng Đế, nhưng có năm trong số chúng đã trở thành nền tảng. Đa số các tổ chức tôn giáo đều tin như thế và hình thành nên các giáo điều, dù có khác nhau đôi chút, dựa vào nền tảng này.

Điều mà con người trên hết tin vào đó chính là Thượng Đế cần một thứ gì đó.

Hình tượng cơ bản về Thượng Đế trong mắt hầu hết mọi người là vậy.

Theo công thức này, Thượng Đế là một Hữu Thể trong vũ trụ, Thượng Đế cần và muốn điều gì đó để thấy vui lòng.

Mặc dù Thượng Đế được mô tả là Đấng Tối Cao, tuy nhiên, theo công thức này, Thượng Đế sẽ trở nên không hài lòng với một kinh nghiệm và điều kiện nhất định nào đó. Từ không hài lòng rồi biến thành giận dữ, và sự tức giận này cuối cùng sẽ tạo ra sự trừng phạt.

Nói tóm lại, Thượng Đế muốn các con trở thành thứ gì đó, làm và có điều gì đó, hoặc Thượng Đế không muốn con trở thành, làm và có thứ gì đó..

Đây là những kỳ vọng và yêu cầu của Thượng Đế, và nếu chúng không được đáp ứng, thì khốn cho các con rồi.

Đó chính xác là những gì các nữ tu thường nói với con ở trường tiểu học Công giáo! “Nếu cậu không tuân theo Luật của Thượng Đế, thì khốn cho cậu rồi.” Các bà phước đã nói như vậy. 

Những yêu cầu này của Thượng Đế đã được trình bày rõ ràng và tóm tắt theo những cách khác nhau, trong các quy tắc của các tôn giáo khác nhau, nhưng chúng đều nói về cùng một điều. Có lẽ bản tóm tắt quen thuộc nhất được biết đến với tên gọi là Decalogue, hay là “Mười Điều Răn.” 

Niềm tin rằng Thượng Đế cần điều gì đó để được hài lòng là một cái hiểu sai. Đó là Niềm Tin Sai thứ nhất trong Năm Niềm Tin Sai Về Thượng Đế.

Thượng Đế là tất cả hiện có, tất cả đã từng có, và tất cả sẽ có. Không có gì mà không phải là Thượng Đế, và do đó Thượng Đế không muốn và không cần gì cả.

Vậy, đây là 

LỜI MẶC KHẢI MỚI THỨ TƯ

Thượng Đế không cần gì cả. Thượng Đế không yêu cầu gì để được hài lòng. Bản thân Thượng chính là sự hài lòng. Do đó, Thượng Đế không đòi hỏi bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì trong vũ trụ.

Điều đó không thể là sự thật được.

Nó là sự thật.

Nó không thể là sự thật được. Phải nói toàn bộ Sách Thánh của tất cả các tôn giáo trên thế giới đều có một danh sách dài những yêu cầu mà Thượng Đế đặt ra cho loài người. Những điều này liên quan đến hành vi, nghi lễ, quan sát và thậm chí những thứ như chế độ ăn uống và quần áo.

Đức Ngài AC Bhaktivedan ta Swami, người sáng lập Hiệp hội Quốc tế về Ý Thức Krishna, người đã xuất bản cuốn sách Bhagavad-Gita Đúng Nghĩa (Bhagavad-Gita As It Is), đã nói trong phần mở đầu rằng người ta phải hiểu rằng điểm trung tâm của Bhagavad-Gita là thế này: 

“Thay vì thỏa mãn các giác quan vật chất cá nhân của mình, con người phải thỏa mãn các giác quan của Thượng Đế. Đó là sự hoàn hảo cao cả nhất của cuộc sống. Thượng Đế muốn điều này, và Ngài đòi hỏi như thế.”

Điều đó không đúng. 

Đức Ngài ấy đã sai sao?

Ông ấy đã không chính xác trong phần văn bản đó. Đó là một tuyên bố không chính xác.

Okaaaay… Vậy chúng ta hãy xem xét kinh Torah nào. Nó có một danh sách dài những điều nên và không được lưu truyền như Luật của Thượng Đế. Kinh Qur’an cũng vậy, chỉ là để kể tên hai thánh thư nữa của nhân loại.

Đúng, chúng là như vậy. Chính xác là vậy. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét vài thứ mà những thánh thư này nói nào. Hãy xem liệu đây có phải là những loại tuyên bố mà các con đã gán cho Thượng Đế không.

Sách Deuteronomy nói rằng nếu một người đàn ông kết hôn với một người phụ nữ và thấy rằng cô ấy không còn trinh, và nếu gia đình cô ấy không thể chứng minh rằng cô ấy là một trinh nữ trước khi kết hôn, “cô ấy sẽ được đưa đến cửa nhà cha mình, và ở đó những người trong làng của cô ấy sẽ ném đá cô ấy cho đến chết.”

Chờ đã. Đây mà là Luật lệ của Thượng Đế ư?

Vì Moses được cho là đã truyền lại luật này, đúng là thế đấy. Kinh Torah cũng nói rằng, nếu bị phát hiện có quan hệ ngoại tình, cả nam và nữ sẽ bị đưa đến cổng thành và cũng bị ném đá đến chết.

Ừm, chúng ta có thể dừng ở đây một chút không?

Và Thượng Đế cũng quan tâm đến những vấn đề thực tế khác trong cuộc sống. Ví dụ như quần áo. Một phụ nữ “không được mặc quần áo của nam giới… vì Thượng Đế của các người ghê tởm bất cứ ai làm điều này,” Kinh Torah nói.

Và còn, “Không được mặc quần áo bằng len và vải lanh dệt chung với nhau.”

Giờ thì, chờ một chút đã…

Rồi thì, chỉ có một số người nhất định được chào đón trong nhà thờ phượng của Thượng Đế. Nếu con là một đứa trẻ ngoài giá thú, con không được đến đó.

Không được sao?

Không. Không một đứa con ngoài giá thú nào hết, “cũng không bất kỳ đứa con đứa cháu nào của anh ta được vào hội thánh cả, dù có đến tận thế hệ thứ mười.”

Ngoài ra, nếu một bộ phận nào đó trên cơ thể người ta bị thương do tai nạn hoặc do chiến tranh, người ta cũng không thể tham gia với những người thờ phượng Thượng Đế khác.

Ngài nói sao cơ?

Kinh thánh nói: “Nếu tinh hoàn của một người đàn ông bị dập nát hoặc dương vật của anh ta bị cắt lìa, anh ta có thể không được bước vào hội thánh Chúa.”

Được rồi, được rồi, hãy dừng lại ngay tại đó đi nào.

Nhưng đây là những lời từ ngay trong Kinh Thánh. Chúng có làm con khó chịu hay xấu hổ gì không?

Những lời đó có trong Kinh thánh sao?

Hãy lật đến phần Deuteronomy 23: 1–2, Giải Thích Về Đời sống Mới.

À, một trong những bản Kinh Thánh hiện đại đấy à. 

Đúng thế. Bản của Vua James đã nói thế này: “Người có tinh hoàn bị tổn thương, hoặc phần kín bị cắt đứt thì sẽ không được vào hội thánh Chúa Trời”, nhưng nó cũng mang cùng một nghĩa mà thôi.

Chà, chúng con thật đáng chết thế đấy…

Và Ta còn có một số tin tức đáng ngạc nhiên dành cho những phụ nữ tham gia một số lớp học tự vệ thời nay này.

Thật sao?

Đúng. Những cô gái có thể gặp rất nhiều rắc rối với một số điều họ học được trong mấy lớp học đó đấy.

Ý Ngài là gì?

Kinh Thánh nói: “Nếu hai người đàn ông đang đánh nhau và vợ của một trong hai người đến cứu chồng khỏi kẻ tấn công anh ta, và cô ấy vươn tay ra tóm vào bộ phận kín của anh ta, thì các ngươi sẽ chặt tay cô ấy. Đừng cho cô ta một sự thương hại nào cả.”

Trời ạ, những người viết Kinh thánh thật sự rất quan tâm đến dương vật đấy nhỉ?

Chứ con cho rằng ai đang viết?

Con hiểu rồi. 

Ồ, và họ cũng có một số suy nghĩ về những đứa trẻ không vâng lời cha mẹ. Đây có lẽ không phải là suy nghĩ mà nhiều bà mẹ sẽ có.

Được rồi… quyển Sách Thánh này nói gì về những đứa trẻ không vâng lời?

Giết chúng.

Cái gì?

Theo Kinh Torah, Thượng Đế nói rằng hãy giết mấy đứa con nít ấy đi.

Con không tin điều đó.

Không sai. Nó nằm ở ngay trong đó, rõ ràng như ban ngày vậy: “Nếu một người có một đứa con cứng đầu và nổi loạn, không vâng lời cha mẹ và không nghe lời họ khi họ kỷ luật nó, thì cha và mẹ nó sẽ giữ lấy nó và mang nó tới cho những người lớn tuổi ở cổng làng của nó.

“Họ sẽ nói với những người lớn tuổi rằng: ‘Con trai của chúng tôi cứng đầu và phản nghịch. Nó sẽ không phục tùng chúng tôi. Nó là một đứa ăn chơi trác táng và say xỉn.’ Sau đó, tất cả những người trong làng sẽ ném đá nó đến chết.

“Các người phải thanh trừng những điều ác đang ở giữa các người.”

Con đoán rằng nhiêu đó là đủ rồi, vậy được rồi…

Nhưng không phải lúc nào Thượng Đế cũng dựa vào những tín đồ của Ngài để thực hiện sự trừng phạt thay cho Ngài. Rất thường xuyên — theo các “thánh thư” khác nhau của con— Thượng Đế trực tiếp ra tay trừng phạt.

Đợi một chút. Ý ngài là ngài không đợi đến Ngày Phán Xét sao? Thượng Đế trừng phạt mọi người khi họ vẫn đang còn ở trên trái đất?

Chắc chắn là vậy rồi! Đặc biệt nếu họ không tin vào Ta, và tin vào lòng tốt của Ta! Không phải vậy sao? Nếu con là người toàn năng, thông minh, tốt lành, tốt bụng và hết mực yêu thương, con sẽ không trừng phạt những người không tin vào con sao? Ý Ta là, điều đó sẽ không khiến con thực sự tức giận sao?

Ngài đang đùa con ở đây, phải không? Ngài đang trêu con chứ gì?

Con có đang bảo “thánh thư” của mình sai không đấy? Hãy cẩn thận! Điều đó có thể khiến con bị trừng phạt đấy!

Ồ, thôi nào.

Kinh Qur’an nói rõ, “Đối với những người không có đức tin, việc làm của họ giống như một ảo ảnh trong sa mạc khiến kẻ khát cứ tưởng là tìm được nước, cho đến khi anh ta đến nơi đó và thấy là ở đó không có gì cả, và rồi anh ta thấy Thượng Đế đang ở cùng anh ta và trừng phạt anh ta , vì Thượng Đế tính toán rất nhanh.”  (Sürah 24:39)

Người Hồi giáo biết Thượng Đế thưởng phạt ra sao với những kẻ tin vào lòng tốt của Ta và những người không tin vào lòng tốt của Ta.

(Sürah 9: 26) “Nhưng Allah đã ban sự bình an của Ngài lên Sứ giả và các Tín đồ, và gửi xuống những lực lượng mà các người không thể nhìn thấy: Ngài trừng phạt những kẻ không có đức tin.”

Vậy nên chúng con bị ép buộc phải có đức tin, không thì đừng trách à.

Đúng vậy.

Con không biết về tất cả những điều này. Chỉ là không hợp lý khi Nguồn Gốc của Lòng Nhân hậu, Lòng tốt và Trí tuệ có thể sẽ trừng phạt những người, mà vì lý do này hay lý do khác, đơn giản là không tin vào Ngài.

Nhưng Ta luôn cho mọi người một cơ hội! Điều đó không hợp lý sao?

Ta không bao giờ trừng phạt bất cứ ai mà không gửi cho họ một lời cảnh báo trước rằng họ nên chấn chỉnh lại và tin tưởng vào Ta. Nếu sau đó họ vẫn không tin vào Ta, Ta sẽ tiêu diệt họ hoàn toàn, thật vậy, nhưng không bao giờ làm thế mà không đưa ra lời cảnh báo trước. 

Con không biết vị Thượng Đế mà Ngài đang nói đến! Con nghĩ Ngài đang bịa đặt ra tất cả những điều này!

Ta bịa đặt ra sao? Hay… chính là các con?

Ý Ngài là sao ạ?

Hãy đọc thánh thư của chính các con đi, các tác phẩm của con người.  

Chúng ta hãy đọc lại một lần nữa từ Kinh Qur’an, ở phần Sürah 17: 15–16: “… Ta cũng sẽ không đến cùng với cơn Thịnh Nộ trước khi Ta gửi đến một sứ giả (để cảnh báo).

 “Khi Ta quyết định tiêu diệt một đám người nào, trước tiên Ta sẽ gửi một mệnh lệnh chính xác cho những kẻ trong số họ, kẻ đã được ban cho những điều tốt đẹp của cuộc sống này nhưng vẫn vi phạm; để lời này làm bằng chứng thật chống lại họ: rồi Ta sẽ tiêu diệt họ hoàn toàn.”

Thực tế của vấn đề là, thế giới đầy rẫy những tội nhân ở khắp mọi nơi — những người không tin rằng Ta là Thượng Đế và rằng Ta là tốt đẹp, và những kẻ làm những điều mà Ta không muốn họ làm. Trên thực tế, con người tồi tệ đến mức Ta sẽ phải tiêu diệt hầu hết nhân loại, và trừng phạt tất cả chúng, trước ngày sau chót.

Cái gì? Ngài đang nói gì với con ở đây?

Ta đang nói với con rằng Ta là một Thượng Đế giận dữ như thế nào! Ta chẳng đã nói như vậy trong nhiều thánh thư của các con ư, như trong Qur’an ở phần Sürah 17:58: “Không có một nơi cư trú nào mà Ta sẽ không phá hủy trước Ngày Phục sinh, hay sẽ không trừng phạt thích đáng. Thuận theo luật lệ (của Thượng Đế).”

Nhưng con đã tưởng rằng Ngài là một Thượng Đế đầy yêu thương và khoan dung chứ.

Ta là như vậy, nếu các con không làm cho Ta nổi điên lên.

Ngài đang giễu cợt chúng con, phải không? Ngài cứ trích dẫn một loạt các mục đã lỗi thời trong những câu thánh thư đó để chế nhạo con người.

Trích dẫn lại những gì các con đã nói về Ta là đang chế nhạo các con ư?

Người bạn tốt và tuyệt vời của Ta ơi, Thượng Đế không chế nhạo con người, chính con người mới là người đang chế nhạo Thượng Đế.

Con đang  nói rằng Thượng Đế muốn mấy thứ kiểu này, và các con đang sử dụng mấy văn bản mà con gọi là thiêng liêng để chứng minh điểm đó.

Chỉ cần cầm mấy cuốn Kinh thánh này lên là các con đã biện minh và hợp lý hóa được cho những hành vi man rợ nhất.

Không công bằng. Những đoạn văn con trích dẫn đã lỗi thời rồ. Ngày nay chúng vốn không được áp dụng theo nghĩa đen.

Ta tưởng rằng thánh thư của con không bao giờ “lỗi thời”. Đó không phải là điều làm cho chúng trở nên thiêng liêng sao? Con có chắc ngày nay những từ này vốn không nên được áp dụng theo nghĩa đen không?

Tất nhiên, con chắc chắn. Chúng không thể được áp dụng theo nghĩa đen.

Con có thể muốn nói điều đó với một số người theo trào lưu chính thống trên thế giới con không. Họ sẽ nói kiểu khá là khác đấy. Có những người trong số các con là những người rất ưa nghĩa đen. Họ khẳng định rằng thánh kinh của họ — Kinh thánh, Qur’an, bất kể có là gì đi chẳng nữa — thì phải được đọc nguyên văn và áp dụng theo nghĩa đen.

Vâng, vâng, con biết điều đó. Nhưng những người theo trào lưu chính thống như vậy chỉ chiếm thiểu số. Họ không có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào đến cuộc sống hàng ngày.

Ồ, thực sao?

Được rồi, con sẽ thừa nhận rằng đã có một số nơi trên thế giới, chính phủ thực sự đã đưa ra luật pháp từ những tuyên ngôn xuất hiên lần đầu tiên trong thánh thư của họ. Và chính quyền các nước đó đã chặt tay những kẻ trộm cắp, ném đá những kẻ ngoại tình, giết những kẻ bội đạo, và thường áp dụng những hình phạt đó trong các sân vận động thể thao như những sự kiện công cộng…

Phải, trong thời kì nguyên thủy thì những chuyện kiểu nguyên thủy sẽ xảy ra.

Chà, con thậm chí còn đang không nói về thời nguyên thủy nữa kia. Con đang nói về Thế Kỷ 21. Con đang nói chuyện ngày nay, ngay trong thời đại này.

Ta cũng vậy.

Ồ. Chà, hầu hết con người không nghĩ hiện nay là thời nguyên thủy đâu.

Vậy là họ đang không nhìn thế giới xung quanh mình cho kỹ rồi. 

Quan điểm của con vẫn là những người theo chủ nghĩa chính thống cấp tiến như vậy không có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hầu hết mọi người.

Có thể không phải hầu hết mọi người trong nền văn hóa con đang sống hoặc trong những cộng đồng mà con quen biết, nhưng có những nền văn hóa khác và những cộng đồng khác nội trong nền văn hóa của chính con, nơi những quan điểm chính thống nghiêm ngặt có tác động to lớn đến đời sống hàng ngày.

Con đoán con phải đồng ý với Ngài khi con nghe những câu chuyện về, chẳng hạn như Afghanistan, nơi mà trong suốt 5 năm, nhà cầm quyền đã tuân theo những gì họ gọi là cách diễn giải chân thật và đúng đắn về các thánh thư của Hồi giáo” khi họ chặt tay kẻ trộm và giết chết những người không có đức tin.

Không chỉ có một quốc gia đã thể hiện các hành vi kiểu thời nguyên thủy thế đâu.

Không, nhưng ở đất nước này, mọi thứ trở nên rất kỳ lạ – gần như siêu thực. Chính phủ không cho phép chơi bất kì loại nhạc nào khác ngoài những bài thánh ca và kinh cầu thiêng liêng dù ở bất cứ nơi nào. Họ cấm xem truyền hình. Họ cho rằng việc trưng bày một bức tranh hoặc ảnh chụp con người hoặc động vật nào đi chăng nữa đều là một tội ác đáng bị trừng trị, vì cho rằng việc tạo ra hoặc trưng bày “tượng điêu khắc” là vi phạm luật trời thiêng liêng. Và con cũng đã nói về những điều cấm đoán đối với phụ nữ rồi. 

Luật pháp của một số quốc gia khác cũng hà khắc gần như vậy.

Cả thế giới đã bị kinh hoàng vào tháng 4 năm 2002 khi có thông tin rằng hơn một chục nữ sinh tuổi teen ở Ả Rập Xê Út đã bỏ mạng khi ngôi trường của các em gặp hỏa hoạn, vì các em đơn giản là không được phép chạy ra khỏi tòa nhà đang cháy mà không mặc trang phục Hồi Giáo thích hợp. “Cảnh sát tôn giáo” là có thật ở Ả Rập Xê Út, họ có thẩm quyền đưa người ta ra tòa vì đã vi phạm vào giáo luật theo cách mà đám cảnh sát diễn dịch luật lệ này. Phụ nữ có thể bị trừng phạt ngay tại chỗ nếu họ bị đánh giá là ăn mặc không phù hợp nơi công cộng. Một người phụ nữ có thể không được ăn trưa với chồng sắp cưới của mình trong một nhà hàng. Các cặp đôi đi chơi cùng nhau thì người phụ nữ không được ngồi cạnh một người đàn ông theo cái cách mà một người phụ nữ có chồng ngồi cạnh chồng mình. 

Rồi khi ai đó truy hỏi tại sao lại có cái luật như thế, người đặt ra câu hỏi được cho là “không tế nhị” đối với các chuẩn mực văn hóa, phong tục tôn giáo và truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Nhưng liệu chúng con có phải từ bỏ các giá trị cơ bản của con người để tôn vinh sự đa dạng tôn giáo hoặc văn hóa không? Liệu rằng chúng con có không tế nhị khi quan tâm đến những luật lệ vô cảm thế này không? 

Con cho rằng nếu một ai đó chỉ trích những gì mà chính người dân địa phương nói rằng họ muốn thì trường hợp này mới là thiếu tế nhị, nhưng trong hầu hết các trường hợp này, người dân không hề có lựa chọn nào khác trong chuyện muốn hay là không muốn. Đây là những luật “thiêng” không màn đến chuyện bảo vệ người dân mà chỉ coi trọng những niềm tin và định kiến ​​tôn giáo nào đó, rồi cứ thế mà tròng nó lên cổ con người.

Khi người Taliban rời thủ đô Kabul của Afghanistan, phụ nữ phải đến cả nửa ngày sau mới bắt đầu bước ra khỏi nhà mình mà không mặc đồ che kín mít từ đầu đến chân, đám đàn ông lúc đó mới cạo sạch bộ râu họ chẳng mong muốn và những người buôn bán mới bắt đầu mở lại tiếng nhạc.

Bây giờ chúng ta có thể xem xét các tín ngưỡng văn hóa nguyên thủy và các hành vi không thể tin là có thật của một số quốc gia khác được rồi chứ?

Ồ, ý Ngài chẳng hạn như là niềm tin rằng những người thuộc một màu da nhất định nên bị mua bán và sử dụng như là nô lệ sao? Tư tưởng cho rằng những người này phải bị đối xử  một cách đầy thành kiến ​​cho đến tận ngày nay, họ ít được tôn trọng hơn, ít được giáo dục hơn, ít có cơ hội hơn, và nói chung là phần gì cũng được ít hơn? 

Hay suy nghĩ cho rằng phụ nữ, cũng như những người có xu hướng tính dục khác nhau cũng nên bị đối xử như thế? 

Ý Ngài là những quốc gia tin rằng có quyền thì làm gì cũng là đúng à? Những quốc gia điều chỉnh chuẩn mực đạo đức của họ để sao cho phù hợp với mục đích của họ? Những chính phủ bóp méo sự thật để sao cho phù hợp với động cơ riêng của họ? Những kẻ chinh phục và phá hủy, đánh bom và giết người và cướp bóc và chế ngự kinh tế và phủ nhận một cách có hệ thống một phần mười những gì những người khác có, để bản thân họ có thể có được nhiều hơn?

Con đang lập nên danh sách này, chứ không phải Ta.

Nhưng hãy giúp con hiểu. Nhiều người, nhiều quốc gia trên khắp thế giới làm những gì họ làm, nói những gì họ nói và tin những gì họ tin dựa trên những gì họ biết rằng Thượng Đế đã từng tuyên bố.

Ta chẳng tuyên bố cái gì cả.

Ý Ngài là không phải Ngài — không phải Thượng Đế —đã nói rằng con người phải cư xử theo những cách này sao? Không phải Ngài đã chọn một chủng tộc để làm “những người được chọn” của Ngài sao, không phải Ngài đã đặt một quốc gia “dưới quyền của Thượng Đế” sao, không phải Ngài đã nói, như lời kinh Tân Ước đã nói rõ, rằng các chủng tộc khác nhau không bao giờ được liên hôn với nhau, không phải Ngài nói rằng những người đồng tính là một sự ghê tởm, hoặc không phải như Torah tuyên bố, “Nếu tinh hoàn của một người đàn ông bị nghiền nát hoặc dương vật của anh ta bị cắt đứt, anh ta sẽ không được gia nhập vào hội thánh của Đức Chúa Trời” sao?

Con nghĩ sao?

Con không biết phải nghĩ gì nữa.

Có, con biết. Con biết chính xác những gì phải nghĩ. Con biết sự thật về điều đó. Con biết, nhờ vào hệ thống hướng dẫn bên trong mà Ta đã nói đến. 

Con cảm nhận được chắc chắn rằng Thượng Đế không thể nào nói ra những điều đó — hay là một nửa những điều khác được quy chụp cho Ta. Con biết điều đó và Ta biết điều đó và mọi người khác đều biết điều đó.

Vấn đề không phải là liệu con có biết hay không, mà là liệu con có thể thừa nhận điều đó hay không, có thể nói nó ra, có dám mâu thuẫn với quan niệm phổ biến vốn cho rằng việc chà đạp lên niềm tin thiêng liêng và truyền thống cổ xưa là điều rất sai lầm. Chà đạp lên nhau thì được cho phép, nhưng chà đạp lên niềm tin thì không.

Trên thực tế, chuyện chà đạp lẫn nhau vì niềm tin của các con đã trở thành một truyền thống. Và như vậy, sự vô lý này đã đi được trọn một vòng.

ĐỂ LẠI NHẬN XÉT

Please enter your comment!
Please enter your name here